Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Đi từ quá khứ đau thương đến những cách tân cốt lõi


1. Thành Thánh điêu tàn :
    Hẳn là có một số Môn đồ ít khi đến Jéruselem, họ là những người Galilê, những người của cao nguyên, của đồng quê, những kẻ đánh cá. Họ biết về bờ hồ rõ hơn là thành phố, họ giống như những người miền Bắc VN mới vào Nam ( thời điểm năm 1975 ), họ giống như những người nhà quê, và lấy làm kinh ngạc trước Đền Thờ mà họ nhìn thấy.
    Đỉnh núi Sion đã được san bằng thành dải đất cao, rộng mỗi bề 300m. Đền thờ nằm ở cuối đất đó. Nó được xây bằng đá cẩm thạch trắng, dát vàng, phản chiếu lấp lánh trong ánh nắng. Chung quanh khu vực Đền Thờ có những cửa lớn như cửa Salomon và cửa Hoàng gia. Trụ đỡ những cửa này là những cây cột bằng đá cẩm thạch nguyên khối, cao 12m và to đến nỗi ba người nối tay ôm chưa xuể. Ở những góc đền thờ người ta thấy những viên đá tảng dài 7-14m và nặng hơn 100 tấn. Với kỹ thuật xây cất thời xưa, làm sao người ta có thể xẻ đá và đặt nó vào vị trí, điều đó vẫn còn trong bí mật. Vì thế, khi những người đánh cá Galilê nhìn những viên đá khổng lồ, những kiến trúc lạ lùng này thì quá kinh ngạc và đề nghị Chúa Giêsu ( GS ) chú ý xem.
    Chúa GS trả lời rằng trong tương lai cảnh tượng này sẽ không còn nữa, sẽ không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào nữa. Chúa GS đã nói đúng, vào năm 70 SC, người La Mã tức giận vì người Do Thái nổi loạn nên đã phá tan tành thành Jérusalem và Đền Thờ. Như vậy lời tiên tri của Chúa GS trở thành sự thật theo nghĩa đen.( x Mt 24,15-19 v Mc 13,14-17 v Lc 21,20-24 ).
    Điều này nói lên rằng Chúa GS là một Tiên tri, Ngài biết con đường bạo lực chính trị chỉ đưa đến tàn diệt thôi. Dân tộc nào, quốc gia nào không theo đường lối Thiên Chúa ( TC ) là đang đi vào đại họa, đường lối riêng mình sẽ bị sụp đổ.

2. Cuộc bao vây khủng khiếp :
    Sự phong tỏa thành Jérusalem là một trong những cuộc phong tỏa kinh hoàng nhất trong cả lịch sử, "Jérusalem bị dân ngoại giày xéo cho đến khi mãn thời của dân ngoại"( Lc 21,24b ). Jérusalem là một thành phố khó đánh chiếm vì nó được xây trên một ngọn đồi và được bảo vệ bởi lòng "cuồng tín", cho nên Titus quyết định phong tỏa cho thành phố chết đói.
    Chúa GS báo trước rằng nếu thời gian phong tỏa không được thâu ngắn lại sẽ không người nào sống sót, nhưng những lời khuyên thực tiễn đó không được thi hành nên cảnh nguy khốn đã gia tăng gấp bội. Chúa GS khuyên rằng, khi ngày đó đến người ta phải chạy trốn lên núi, nhưng người ta đã không làm thế, lại ùn ùn kéo vào thành phố, vào trong các bức tường của Jérusalem. Điều đó làm gia tăng gấp trăm lần sự khủng khiếp do nạn đói của cuộc phong tỏa gây nên.
    Theo tài liệu của Josephus, sử gia Do Thái : "Nạn đói kém nuốt chửng hết nhà này đến nhà khác, gia đình này đến gia đình khác, những phòng cao đầy đàn bà và trẻ con chết đói, những con đường trong thành phố đầy xác chết người lớn tuổi. Người ta không nghe thấy ai than vãn khóc lóc trước tai vạ này, sự đói khát đã làm tê liệt mọi cảm xúc tự nhiên. Những người sắp chết nhìn những người đã chết miệng há hốc và đôi mắt khô cạn. Một sự yên lặng thăm thẳm và một màn đêm thê lương bao trùm cả thành phố... mọi người chết với đôi mắt dán chặt vào đền thờ."
    Cảnh tượng này chẳng khác gì Vũ Hán của Trung Quốc trong thời điểm xảy ra đại dịch.
    Đó là những điều Chúa GS đã cảnh báo trước. Chúng ta không bao giờ nên quên rằng chẳng những cá nhân, mà dân tộc quốc gia cũng cần đến sự khôn ngoan của Chúa. Nếu những lãnh tụ của quốc gia không được Chúa hướng dẫn, thế nào họ cũng dẫn người ta đến chỗ suy vong không những về tâm linh mà còn về thế giới hiện hữu nữa. Chúa GS không mơ mộng viễn vông, Ngài đưa ra những quy luật để một quốc gia được thịnh vượng; nếu họ bỏ qua, sẽ không tránh khỏi những tai vạ.

3. Những điều trái nghịch :
    Những cách tân cốt lõi có khi là những trái nghịch."Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi, các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh Ta"( Mt 24,9 ). Đây là một câu bày tỏ sự thẳng thắn của Chúa GS. Ngài không bao giờ hứa cho các Môn đồ của Ngài một con đường dễ dàng, một thời khắc yên ổn. Ngài hứa cho họ sự chết, sự đau khổ, bắt bớ. Một Hội Thánh thật sẽ luôn luôn bị bắt bớ, bao lâu Hội Thánh còn ở trong thế giới vô thần thì nó vẫn còn bị bắt bớ. Do đâu có sự khốn khó này ?
        a. Lòng tận trung mới :
     Chúa GS đòi hỏi lòng tận trung mới. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng lòng tận trung đó phải vượt trên mọi ràng buộc trần gian. Kitô hữu là người được kêu gọi hiến dâng cho Chúa chỗ ưu tiên trong đời sống mình, do đó có thể mang lại những xung khắc với con người. "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa"( Mt 5,11 ). Dù xung khắc mấy, Kitô hữu vẫn tận trung, luôn nhiệt thành muốn đem Chúa đến cho người khác.
        b. Tiêu chuẩn mới :
     Chúa Cứu thế mang lại một tiêu chuẩn mới. Có những tập quán và lối sống mới xem qua thì hợp lý đối với thế gian, nhưng lại không đúng khi phán đoán theo tiêu chuẩn mới của Kitô giáo. Đối với nhiều người, Kitô giáo khó khăn vì nó xét đoán bản thân họ, việc làm ăn và những quan hệ cá nhân của họ. Điều kỳ lạ về Kitô giáo là những người không muốn thay đổi thường hay chỉ trích và thù nghịch với Kitô giáo. Người tín hữu cần bộc lộ nhiều hơn để tuyên xưng đức tin, không tránh né, đây được xem là tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn nói lên sự trung thành, điều kiện tiên quyết phải có.
        c. Gương sáng mới :
     Một Kitô hữu thật sẽ là một gương sáng mới cho thế gian. Mỗi ngày sẽ có một vẻ đẹp trong đời sống người Kitô hữu làm lu mờ những cuộc đời theo tiêu chuẩn thế gian. Kitô giáo thật là ánh sáng thế gian, không phải trong ý nghĩa người ấy chỉ trích và lên án người khác, nhưng trong ý nghĩa người ấy bày tỏ qua đời sống mình vẻ đẹp của một đời sống được đầy dẫy chính Chúa, và vì thế đời sống của những người không có Chúa lộ ra sự xấu xa u tối và dốt nát. Ngược lại, người có Chúa mà không sống tốt, không chiếu tỏ ánh sáng của mình cho người khác thì tác hại càng lớn hơn; Chúa GS nói rõ với Kitô hữu : "Nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào !"( Mt 6,23b ).
        d. Lương tâm mới :
     Kitô giáo mang lại lương tâm mới cho cuộc đời. Cá nhân Kitô hữu hay Hội Thánh không bao giờ che dấu hay yên lặng một cách hèn nhát. Hội Thánh và tín hữu luôn luôn phản chiếu lương tâm của Kitô giáo, mà người đời thường hay muốn dập tắt tiếng nói của lương tâm - "Con cái thế gian trong sự thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng". Lương tâm mới mách bảo chúng ta : "Ai bảo mình yêu mến TC mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến TC mà họ không trông thấy"( 1 Jn 4,20 ). Do vậy, lương tâm mới được mặc khải ơn Cứu độ. Lương tâm mới là lương tâm biết đón nhận người khác và yêu thương họ, cho dù họ có chống đối.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa xin giúp con tin cậy Ngài, và Chúa ơi cho đồng bào con hướng về Ngài để có được một cuộc sống văn minh hơn, tươi sáng hơn, từ bỏ những tập tục mê tín lạc hậu.
    Lạy Chúa xin giúp con làm theo Lời Ngài chỉ dạy trong Kinh Thánh để con không gặp những thảm họa trong cuộc đời.
    Chúa ơi, bước đường theo Ngài không dễ khi con còn ở trong đời này, xin giúp con đi trọn đường.

P/s : Mời đọc thêm bài "Bi kịch và nét đẹp lý tính trong tình yêu" trên nhãn"Bài suy niệm 15" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét