Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Tương giao với Chúa


                    "Ngọn nến thắp lên để nguyện cầu,
                Chảy dài dòng sáp lệ thương đau
                Lời kinh  ai đọc  nghe  nhức nhối,
                Khắc khoải  bây giờ  đợi  kiếp sau".
    Thông thường người ta khi cầu nguyện thường có tâm trạng đó, nhưng không phải thế. Cầu nguyện không phải là để được vụ lợi, để đợi kiếp sau. Cầu nguyện là để được kết hiệp thân mật với Chúa ở đời này. Cầu nguyện không nhất thiết là phải thắp nến. Bất cứ nơi nào ta cũng có thể cầu nguyện được.
 1. Đời sống Cầu nguyện :
    Đối với Chúa Giêsu ( GS ), cầu nguyện không phải là một công thức sáo mòn mà là một phần của đời sống, một sự tự do phát xuất từ con tim như những tâm sự, chuyện trò, hò hẹn để gặp gỡ Thiên Chúa ( TC ). Nếu có ai đó đến nhờ bạn chỉ giúp cho cách thức làm thế nào để được một đời sống cầu nguyện sâu sắc thì bạn sẽ trả lời thế nào ? Bạn sẽ giải thích thói quen cầu nguyện của bạn, tặng người ấy một quyển sách hay một băng đĩa dạy về cầu nguyện, hoặc giới thiệu đến một khóa hội thảo, tỉnh tâm.v.v... ? Tuy nhiên, bạn sẽ hỏi người đó có yêu mến Chúa không đã ? Tôi nghĩ, với những câu hỏi ấy, ta có thể trả lời : Hãy đơn sơ, ý mình nghĩ gì thì cầu nguyện nói ra thể ấy.
    Bài cầu nguyện chung : Mt 6,9-13 # Lc 11,1-4 được gọi là "Kinh Lạy Cha", các tín hữu khắp nơi trên thế giới "đọc" bao nhiêu thế kỷ nay. Nhiều người đã nghiên cứu phân tích bài cầu nguyện này. Để cho lời cầu nguyện của ta được hiệu nghiệm, cần chú ý hai điều : Trước hết phải nghĩ đến TC, bản chất của Ngài, sự thánh thiện, ý chỉ và vương quốc của Ngài ( Lc 11,2 ). Sau đó mới cầu xin những điều chúng ta đang thiếu thốn như thức ăn, sự tha thứ, sức lực để chống lại cám dỗ ( Lc 11,3-4 ). Sự cầu nguyện phải đặt nền trên sự ca ngợi và phục tùng Chúa. Không được như vậy thì sự cầu nguyện mất thăng bằng và do đó chẳng có hiệu quả gì.
    Sự dạy dỗ đầy quyền năng của Chúa GS về sự cầu nguyện là do đời sống cầu nguyện của Ngài. Các Môn đệ thấy Ngài cầu nguyện nên mới nghĩ rằng mình cũng cần phải cầu nguyện ( Lc 11,1a ), trước đây họ không thấy Chúa GS cầu nguyện thì chẳng bao giờ họ cầu nguyện, họ chỉ sống và làm việc theo cảm tính. Đọc các sách Phúc Âm, ta thấy nhiều lần Chúa GS nêu gương cầu nguyện : Mc1,35; Lc 6,12; Jn 17,1-24. Nếu chúng ta cảm thấy cầu nguyện khó khăn thì hãy cố gắng luyện tập mỗi ngày. Với thời gian chúng ta sẽ thấy ham thích trò chuyện với TC một cách tự nhiên.
    Chúa GS luôn hướng lòng trí đến ý chỉ của Chúa Cha nên Ngài thường xuyên cầu nguyện. Chúng ta phải dành những thì giờ nhất định trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để dành cho sự cầu nguyện, những giây phút hẹn hò với Chúa. Đối với Chúa GS, tương giao với Cha Thánh trên trời là công việc thiết yếu nhất trên đời, nhiều khi trong một ngày làm việc vất vả tối đến Ngài phải tìm một nơi im vắng để cầu nguyện. Ai đọc Thánh Kinh cũng thấy rõ điều đó.

    2. Sự Cầu nguyện và chiêm nghiệm :
    Văn hào Kahlil Gibran người Ấn Độ viết rằng : "Không ai có thể lớn nếu Tình yêu chưa đi qua đời họ, nếu họ chưa lần nào cầu nguyện dưới chân Thần Tình ái". Vị Thần Tình ái của chúng ta là Đức GS Kitô.
    Muốn cầu nguyện có hiệu nghiệm thì hãy cầu nguyện mạnh dạn, kiên trì, hướng đến ý chỉ của TC, theo ý Chúa chứ không theo ý mình, vì chỉ có TC mới biết được những gì là tốt lành xảy ra trong hiện tại và tương lai.
    Chúa GS chỉ dạy các Môn đệ về sự cầu nguyện : Ngài dạy phải cầu nguyện mạnh dạn - Cầu nguyện mạnh dạn không có nghĩa là xin đủ các thứ viễn vông : dồi dào của cải, buôn bán phát đạt, trúng mánh phi vụ làm ăn... Trong các câu Lc 11,5-8 và Mt 6,8 v 26,42 Chúa GS dạy chỉ cầu xin những điều cần thiết thôi, đừng cầu xin cách ích kỷ theo ý riêng mình thông qua người khác để làm lợi cho mình. Đừng đưa ra một danh sách dài những nhu cầu của mình rồi bắt Chúa "cung ứng"; phải chiêm nghiệm Chúa, xem Chúa như đang hiện diện với mình. Hãy mạnh dạn cầu xin, Chúa GS dạy trong Luca 18,27 rằng : "Điều chi người ta không làm được thì TC làm được"- Mạnh dạn ở đây nghĩa là tin quyết và kiên trì ( Lc 11,9-10 ). TC có dư khả năng đáp ứng mọi nhu cầu đúng đắn của chúng ta, nhưng nếu chúng ta cầu xin điều gì vì lòng ích kỷ tham lam thì không thể gọi là cầu nguyện mạnh dạn được. Trong các câu 11-13 của Thánh ký Luca, Chúa GS giảng giải TC yêu thương ta như Cha yêu thương con vậy. Ngài thực sự yêu thương chúng ta, biết chúng ta có nhu cầu gì. Có khi chúng ta cầu xin một điều gì rất đúng đắn nhưng TC không nhậm lời vì Ngài thấy bất lợi trong tương lai, hoặc có thể TC ban cho ta một món quà khác còn quý hơn điều ta cầu xin. Đôi khi chúng ta hiểu sai rằng một vấn đề cầu xin nào đó là tốt, nhưng thật ra nó có thể là xấu. Điều cần thiết cho đời sống cầu nguyện của chúng ta là phải dành thì giờ chiêm nghiệm tình thương của TC, xin Thánh Thần soi dẫn để được hiểu biết ý chỉ của TC trong từng hoàn cảnh. Đặt đức tin vào TC yêu thương, cầu nguyện mạnh dạn và kiên trì, thì cầu nguyện của ta sẽ được nhậm lời ( Mt 17,20 ), tình yêu giữa ta và TC sẽ trở nên gắn bó dạt dào.

    3. Tâm tình :
    Lạy Chúa, xin dạy con biết sự tương giao với Ngài là nguồn sức mạnh cho con trong mọi công việc con làm. Con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn nghe lời con kêu cầu.
    Lạy Chúa, con không rõ Ngài phải hướng dẫn con cách nào đi qua cuộc đời này; nhưng điều con biết chắc là qua tình thương của Ngài, Ngài sẽ đem lại cho con điều tốt nhất. Amen !

P/s : Mời đọc thêm bài "Nơi chốn hẹn hò thơ mộng" trên nhãn Bài suy niệm 2 và bài "Tư tưởng, định mệnh và cầu nguyện" trên nhãn Bài suy niệm 5 của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét