Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Tha thứ mấy cho đủ


1. Tha thứ hoán cải lòng tham :
    Luôn luôn lúc nào ta cũng biết tha thứ. Tha thứ như Chúa Giêsu ( GS ) tha thứ. Những kẻ muốn làm hại Ngài mà Ngài cũng tha thứ. Những kẻ bắt Ngài đóng đinh, muốn giết chết Ngài mà Ngài cũng tha thứ. Kẻ trộm cướp, kẻ nguyền rủa Ngài mà Ngài cũng tha thứ, không những thế Ngài còn hứa ban cho nước Thiên đàng. Phải chăng, điều này thuộc bản tính hay sao ? Chúa là người luôn luôn muốn tha thứ. Tha thứ cho kẻ khác cho dù kẻ đó có xúc phạm mình đi chăng nữa. Như thế tha thứ phải đi kèm với yêu thương. Có yêu thương thật sự thì mới tha thứ như vậy. Tình yêu ấy nằm trong bản chất cũng như cha mẹ đối với con cái. Nếu con cái hư, dù nghiêm khắc mấy để xử phạt, cha mẹ vẫn yêu thương con cái. Cha mẹ không thể nào ghét bỏ con cái. Trong tình cảm anh em, đôi khi có sự đối kháng, sứt mẻ; cha mẹ thì lúc nào cũng muốn con cái đoàn kết, yêu thương, biết đùm bọc nhau. Với Thiên Chúa ( TC ) Ngài chỉ mong chúng ta biết yêu thương và tha thứ. Đừng ganh ghét, tị hiềm. Dành giật nhau của cải vật chất làm chi. Giàu có, được cả thế gian, nhưng đến ngày nhắm mắt xuôi tay chẳng mang theo gì được. Thế nhưng, thế gian có người vẫn tham lam, lòng tham vô đáy, bao nhiêu cũng không thấy thỏa mãn, thích chiếm đoạt hết cả gia tài cha mẹ để lại, thâu tóm toàn bộ, không muốn chia sớt cho ai khác trong số những anh em ruột thịt. Lòng tham lam ích kỉ đã làm cho con người trở nên mù quáng.
    Sự mù quáng vì lòng tham đánh mất đi tình nghĩa anh em, sự mất mát ấy khó hàn gắn được. Chỉ có lòng tha thứ mới mong hoán cải người có lòng tham. Cầu xin ơn thánh hóa để cho người có lòng tham lam ích kỷ và người quảng đại cùng biết đón nhận trong nhau sự yêu thương và tha thứ lỗi lầm.
    "Nơi nào và khi nào TC thấy bạn sẵn sàng, Ngài phải hành động và tràn vào chan chứa trong bạn, cũng như khi không khí trong lành, ánh sáng mặt trời buộc phải tràn vào nó và không thể kiềm chế được" ( Meister Eckhart ).
    Tha thứ là thước đo lòng quảng đại của con người, nhờ tha thứ mà hoán cải được lòng tham của kẻ cố chấp.

2. Tha thứ và điều kiện tha thứ :
    Tha thứ không bao giờ thừa. Mặc dù khi tha thứ không cần điều kiện đáp trả, là một thứ cho đi vô điều kiện. Đây không có gì là triết lý, mà là một thực tế để sống với những giây phút thực tại, khiến tâm hồn mình được an thư hơn là nuôi dưỡng những sự vướng mắc khó giải quyết. Đúng như lời Đức cố HY.FX Nguyễn văn Thuận đã viết trong sách "Đường Hy vọng" : "Qúa lao lực có ngày sẽ bất lực, quá bận tâm có ngày mất nội tâm".
    Tôi biết viết gì thêm khi những trang viết này đang chờ đợi, vì thực tế thời gian này tôi đang bận rất nhiều việc phải thay đổi chỗ ở và lo tu sửa nhà nơi mình mới mua được. Nói như thế có mâu thuẫn lắm không ? Vợ thì đau bệnh, nhưng đầu cứ hay suy nghĩ. Tôi tranh thủ thời gian lên trang viết cá nhân hầu thổ lộ tâm tình với Chúa, cầu xin sự an bài của Chúa để thích hợp với đời sống tuổi già. Sự thật chỉ một đứa con mà nó sống xa cha mẹ, khiến cho lòng tôi không khỏi những lo âu suy nghĩ. Tôi biết tôi không thể đánh mất đời sống nội tâm, nhưng tôi vẫn tha thiết nài xin Chúa cho tôi được giữ vững. Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng : 
    "Chúa Giêsu đưa sức mạnh của sự tha thứ vào các mối quan hệ của con người. Trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý. Đặc biệt là ở nơi chúng ta phải đặt một rào cản trước sự ác, ai đó phải yêu thương vượt khỏi sự cần thiết hay nghĩa vụ, để bắt đầu một câu chuyện về ân sủng một lần nữa. Sự ác biết cách trả thù, và nếu chúng ta không chặn nó lại, nó có nguy cơ lây lan và làm nghẹt thở cả thế giới".
     Ta học tư tưởng này của Henri Nouwen : "Làm thế nào ta có thể tha thứ cho người không muốn được thứ tha ? Mong muốn sâu sắc nhất của chúng ta là sự tha thứ mà chúng ta tỏ ý sẽ được chấp nhận. Sự tương hỗ giữa cho và nhận này là những gì tạo ra an bình và hài hòa, nhưng nếu điều kiện để tha thứ là nó phải được chấp nhận, thế thì hiếm khi ta sẽ tha thứ ! Tha thứ cho người khác trước hết là một động thái nội tâm. Đó là một hành động loại bỏ sự tức giận, cay đắng và mong muốn trả thù từ trái tim của chúng ta và giúp chúng ta phục hồi phẩm giá con người. Không thể ép buộc người mà chúng ta muốn tha thứ chấp nhận sự tha thứ của chúng ta. Họ có thể không thể hoặc không muốn như vậy. Họ thậm chí có thể không biết hoặc cảm thấy rằng họ đã làm chúng ta bị tổn thương. Người duy nhất mà chúng ta thật sự có thể thay đổi là chính chúng ta. Tha thứ cho người khác trước hết là chữa lành trái tim của chính chúng ta"( Dựa trên bản dịch của Ha Nguyen qua fb ).
    Viết đến đây tôi cũng cảm thấy tâm đắc với chia sẻ qua fb của Người Giồng Trôm : "Tha thứ cho người nào đó nhưng trong tâm vẫn không thể vui vẻ lên, vẫn còn oán hận. Ấy là vì bạn đã quên mất một điều : Tha thứ cho chính mình".

3. Tha thứ không có giới hạn :
    Chúng ta rất quen thuộc câu chuyện sau đây trong Kinh Thánh và được nhờ rất nhiều ở tính nhạy bén của Thánh Phêrô. Ông nhanh nhẩu phát biểu và mỗi lần ông nói, lại được Chúa dạy cho một bài giáo lý bất hủ. Lần này Phêrô cho rằng ông rất rộng lượng và xử rất đẹp. Ông hỏi Chúa GS ông phải tha thứ cho anh em mình như thế nào, và ông tự trả lời câu hỏi đó bằng lời đề nghị tha thứ cho họ bảy lần, cứ tưởng như vậy là nhiều ( Mt 18,21 v Lc 17,3b-4 ). Đề nghị của Phêrô không phải là không có căn cứ. Các Rap-bi Do Thái dạy phải tha thứ cho anh em mình ba lần. Phêrô nghĩ ông đã đi rất xa khi nhân đôi số lần tha thứ của các thầy giáo-luật và còn thêm một lần nữa. Phêrô chờ mong sự ngợi khen của Chúa, không ngờ Chúa lại trả lời : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"( Mt 18,22 ). Thành ngữ VN có câu : "Một sự nhịn chín sự lành". Trong tha thứ phải có sự nhường nhịn, có nhường nhịn thì con người ta mới tha thứ đượcNếu làm phép toán : 70.7.9 = 4410 sự lành - Người tín hữu Chúa phải tha thứ bảy mươi lần bảy, có nghĩa là không có giới hạn phân định cho sự tha thứ.
    Sau đó, Chúa GS kể chuyện về một tôi tớ được vua tha một món nợ lớn. Nhưng khi về nhà, anh lại đối xử tàn nhẫn với một người mắc anh một món nợ nhỏ. Anh ta đã bị lên án vì không có lòng nhân từ ( x Mt 18,23-34 ). Ví dụ này đưa ra một số bài học mà Chúa GS đã dạy dỗ nhiều lần.
    Một bài học xuyên suốt Tân Ứơc, là phải tha thứ để được thứ tha. Ai không tha thứ anh em mình thì không thể hy vọng được TC thứ tha, Chúa GS nói : "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được TC xót thương"( Mt 5,7 ), hoặc : "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em"( Mt 6,14-15 v Lc 6,38a ). Tại sao vậy ? Một trong những điểm chính của ví dụ này là sự khác xa giữa hai món nợ. Người tôi tớ thứ nhất nợ chủ mình mười ngàn ta-lâng, đó là một món nợ khổng lồ, không thể tưởng tượng được. Người thứ hai đồng bạn chỉ mắc nợ một trăm quan tiền, thế mà anh ta cứ đè đầu kẹp cổ đòi lấy cho được ( Mt 18,28-30 ). Sự tương phản giữa hai món nợ thật lớn lao. Điểm chính để chúng ta nhìn thấy là dù chúng ta có thể làm gì cho người khác cũng không có gì đáng kể so với những điều TC đã làm cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho người khác không thể so sánh với sự tha thứ bao dung rộng lượng của TC.
    Chúng ta đã được tha một món nợ không thể trả được, vì tội lỗi con người : Con TC phải chịu đau khổ và chịu chết một cách nhục nhã. Do vậy, chúng ta phải tha thứ người khác như TC đã tha thứ cho chúng ta, bằng không, chúng ta sẽ không được thương xót. "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình"- Tha thứ gắn liền với cầu nguyện để ta dễ hòa nhập cùng TC là Đấng đã yêu thương và chết thay cho tội lỗi mình.
    TC ngọt ngào chia sẻ với chúng ta khi cầu nguyện, vì "khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ". Sự tha thứ đi đôi với cầu nguyện để chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa, từ đó mọi người trở nên gần gũi, gắn kết và quảng đại với nhau hơn. TC là Cha và mọi người là anh em với nhau.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cất khỏi con tính ích kỷ, ban cho con tấm lòng quảng đại vị tha và dạy con cầu nguyện theo ý Ngài, cho con có mối tương giao mật thiết với Chúa.
    Lạy Chúa, bài học tha thứ là bài học khó nhất trong cuộc đời, xin giúp con luôn nhớ ơn tha thứ của Chúa dành cho con và giúp con biết tha thứ cho anh em, cho người khác. Xin cho người em trai của con mau biết hoán cải, sớm nhận ra Tin Mừng Cứu độ và ơn tha thứ của Chúa.
    Xin Chúa tha thứ tất cả mọi ngông cuồng, kiêu ngạo, tội lỗi trong con và giúp con luôn có lòng hướng trọn về Chúa, tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài.

P/s : Mời đọc thêm bài "Nợ và ơn tha thứ" trên nhãn "Z.Sưu tầm" của Blog này, gõ vào thanh tìm kiếm để dễ thấy.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét