Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Từ Tabor đến Thập giá

1. Trên núi Biến hình :
Thật ra là Chúa Giêsu biến hình trên núi, chứ không phải là ngọn núi biến hình. Khi Chúa Giêsu biến hình thì ngọn núi trở nên một biểu tượng. Là người tín hữu, khi nói Chúa Giêsu biến hình trên núi ai cũng biết đó là núi Tabor. Trên núi Biến hình có hai nhân vật xuất hiện gặp Chúa Giêsu là Môisê và Êli. Môisê là nhà lập pháp vĩ đại, người đem luật pháp của Thiên Chúa ( TC ) đến với loài người. Êli vĩ đại hơn hết các tiên tri, qua ông, TC trực tiếp phán với loài người. Trong họ, nhà lập pháp và nhà tiên tri lớn công nhận Chúa Giêsu là người đáng ngưỡng mộ, là người họ đã báo trước.
Núi Tabor, qua Thánh Kinh, đối với Chúa Giêsu là đỉnh núi tâm linh : Cuộc xuất hành đã đặt ra trước mặt Ngài. Trước hết có sự xác minh lịch sử, có nhà lập pháp và vị tiên tri lớn hơn hết đến bảo Ngài cứ đi tới ( Lc 9,30-31 ). Vĩ đại hơn cả là tiếng phán đem lại cho Ngài sự chuẩn y của Đức Chúa Cha : "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người"( Mc 9,7b v Lc 9,35 ). Chúa Cha còn xác nhận Ngài "hài lòng về Người"( Mt 17,5 ). Việc xảy ra trên núi Tabor đã khiến Chúa Giêsu bước đi không nao núng trên đường tới Thập tự giá : "Nào, chúng ta cùng lên Jêrusalem để chịu nạn"( Lời Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông đồ ).
Sự Biến hình còn tác động trên các Tông đồ nữa. Chắc chắn tâm tư các Tông đồ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Chúa Giêsu Ngài phải lên Jêrusalem để chịu nhục hình. Trước mắt họ tương lai toàn một màu đen tối, nhưng toàn cảnh của núi Tabor là vinh quang chói lọi. Cảnh tượng ấy đã làm cho các Tông đồ phấn khởi, họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh khổ đau, vương miện bên kia Thập tự giá. Ngay lúc ấy, họ chưa hiểu trọn vẹn, nhưng họ đã lờ mờ ý thức được rằng Thập tự giá hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Jêrusalem và đến cái chết ( x Lc 9,31 ).
Xa hơn nữa, Phêrô đã học được hai bài học trong đêm đó. Khi Phêrô thấy cảnh tượng ấy ông phản ứng ngay, đề nghị được dựng ba lều trại : một cho Chúa Giêsu, một cho Môisê và một cho Êli ( Mc 9,5 v Lc 9,33  ). Phêrô luôn luôn là con người hành động. Nhưng cũng cần có những thì giờ yên tĩnh, thì giờ để suy gẫm, tôn thờ, thì giờ dành cho niềm kính sợ, phủ phục trước sự hiện diện của vinh quang TC : "Hãy yên lặng và biết rằng Ta là TC"( Tv 46,11 ). Nhiều lúc ta quá bận rộn làm việc, trong khi lẽ ra ta nên yên lặng lắng nghe, học hỏi, tôn thờ trong sự hiện diện của TC. Trước khi bước ra chiến đấu, mạo hiểm, con người cần để thì giờ quỳ xuống học hỏi, cầu nguyện.
Mặt khác, Phêrô lại muốn chờ đợi trên núi. Ông muốn kéo dài giờ phút huy hoàng, không muốn trở về với công việc thường ngày ( x Mc 9,5a v Lc 9,33a ).
Mọi người đều có thể hiểu cảm nghĩ đó. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi TC cũng đều muốn kéo dài những giây phút đó. Nhưng Tabor đã được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục vụ hằng ngày và bước đi trên con đường thập tự giá.

2. Con đường Thập giá :
Ta hãy nghe đoạn Kinh Thánh sau đây như một lời báo trước về con đường Thập giá mà Chúa Giêsu đã chọn :
"Đang khi Chúa Giêsu và các Môn đệ trải qua trong xứ Galilê, Ngài phán cùng các Môn đệ rằng : Con người sắp bị nộp trong tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy. Các Môn đệ buồn phiền lắm"( Mt 17,22-23 ). Tương ứng với Mc 9,30-32.
Tại sao ngay sau biến cố Hiển dung, Chúa nói đến sự khổ nạn của Ngài cho các Môn đệ ? Vinh quang và đau khổ, hai sự kiện này liên hệ nhau thế nào ?
Chúa Giêsu thường bảo phải giữ kín sự việc, điều đó rất cần thiết ( Mt 17,9 v Mc 9,9 v Lc 9,36b ). Khi người ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Méssia mà lại không biết Đấng Méssia là ai, làm gì, thì thật là thiếu sót. Toàn thể quan niệm của họ về nhà tiên phong và về Đấng Méssia cần phải thay đổi tận gốc rễ.
Cần một thời gian dài mới sửa được quan niệm về một Đấng Méssia chinh chiến : quan niệm ấy đã ăn sâu vào não trạng người Do Thái nên rất khó, hầu như không thể sửa đổi được. Tin Mừng Mt 17,9-13 v Mc 9,10-13 là đoạn Kinh Thánh khó hiểu. Phải chăng, nó có ý thế này: Người Do Thái đồng ý là trước khi Đấng Méssia xuất hiện, Êli sẽ trở lại làm sứ giả và nhà tiên phong của Ngài - "Này ta sẽ sai Đấng tiên tri Êli đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa Trời". Ma-la-chi đã viết như vậy rồi ông tiếp "Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà trừng phạt đất này". Ý niệm về sự trở lại của Êli cứ thu thập thêm chi tiết mỗi lúc một chút, và rồi người Do Thái tin Êli sẽ là một nhà cải cách vĩ đại phi thường, ông sẽ đi khắp thế giới để tiêu diệt sự ác, sửa sang mọi thứ lại cho ngay chính. Do đó, người ta chỉ nghĩ đến nhà tiên phong và Đấng Méssia theo nghĩa quyền lực ( xem thêm Mc 9,11-12 ).
Chúa Giêsu sửa lại quan niệm đó. Ngài nói : "Các thầy giáo luật cho rằng Êli sẽ đến như một đám cháy tẩy uế và báo thù. Thật ra người đã đến rồi, nhưng con đường của người là con đường đau khổ và hy sinh, cũng như con đường của Con Người"( x Mt 19,12 ). Chúa Giêsu nêu rõ ràng con đường phụng sự TC không bao giờ là con đường gạt bỏ người ta khỏi cuộc sống, mà luôn là con đường thu phục người ta bằng tình yêu và sự hy sinh. Đó là điều các Môn đệ phải học biết, vì thế họ phải yên lặng cho đến khi họ nhận biết được. Trước khi muốn rao giảng về Chúa Cứu Thế người ta phải biết rằng Ngài là ai và làm gì, vì thế các Môn đệ phải yên lặng và học hỏi cho đến khi Chúa Giêsu dạy họ biết về sự cần thiết của Thập tự giá ( x Lc 9,36 ). Chúng ta phải đem cho mọi người sứ điệp của Chúa Cứu Thế chứ không phải ý tưởng của chúng ta và không ai có thể dạy người khác trước khi chính mình được Chúa dạy dỗ.

3. Đức tin vào đời và sự nhẫn nại :
Xuống khỏi núi Biến hình, Chúa Giêsu và các Môn đệ đối diện với một thực tế nào của cuộc sống ? Theo Chúa không phải là trốn tránh đau khổ, trốn tránh cuộc đời hay hưởng thụ, nhưng sống giữa cuộc đời và đón nhận những nhu cầu thực tế ? Chúa dạy các Môn đệ  bí quyết nào để thực hiện điều này ? Bạn vận dụng đức tin như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu người khác ?
Ngay khi từ giã vinh quang TC trở về, Chúa Giêsu đã gặp ngay vấn đề trần thế và đòi hỏi thực tế. Một người đem đứa con trai bị kinh phong đến với các Môn đệ trong khi Chúa Giêsu vắng mặt : Ông tin rằng bệnh tình của đứa con là do tà ma quấy nhiễu ( x Mc 9,14-29 ). Cậu bé bị bệnh rất nặng. Ta có thể hình dung ra tiếng thở phào nhẹ nhõm khi Chúa Giêsu xuất hiện, và Ngài  kiểm soát lại tình hình vốn đã vượt khỏi tầm tay các Môn đệ. Bằng một lời phán mạnh mẽ, nghiêm nghị, Chúa Giêsu đuổi quỷ ra, cậu bé được chữa lành. Câu chuyện có nhiều ý nghĩa.
Chúng ta không thể không xúc động trước đức tin của cha cậu bé. Dầu các Môn đệ đã được ban quyền đuổi quỷ ( Mt 10,1 ), nhưng trong trường hợp này họ công nhận mình bất lực. Dù các Môn đệ thất bại, người cha vẫn không chút nghi ngờ quyền phép của chính Chúa Giêsu. Với ông, chỉ cần gặp Chúa Giêsu, mọi nan đề sẽ được giải quyết, nhu cầu sẽ được thỏa mãn. Đây là điều vừa lên án, vừa khích lệ chúng ta, nhiều "người mù" đã mất lòng tin nơi Gíao Hội, vẫn không bao giờ mất lòng tin nơi Chúa Giêsu !
Ở đây chúng ta thấy những nhu cầu thường xuyên thúc bách Chúa Giêsu. Từ nơi vinh quang trên đỉnh núi, Ngài đi thẳng tới gặp gỡ những đòi hỏi của nhu cầu và nỗi khổ của con người. Từ nơi nghe tiếng phán của Chúa Cha, Ngài đi thẳng tới nghe tiếng kêu gào của nhu cầu con người. Trên trần gian, người giống Chúa Giêsu là người không bao giờ xem đồng loại mình là sự phiền nhiễu. Đạo chân chính là sau khi quỳ gối trước ngai Đức Chúa Trời thì đứng dậy đi ra gặp người ta và những nan đề của hoàn cảnh con người.
Lời Chúa ở đây không phải Ngài có ý muốn bỏ Môn đệ, không ở với họ nữa, nhưng Ngài có ý nói rằng : "Ta phải ở với các ngươi bao lâu nữa các ngươi mới hiểu được ?". Không có điều gì giống Chúa Giêsu hơn là tinh thần nhẫn nại. Khi chúng ta hết chịu đựng nỗi sự điên rồ ngu dại của con người, chúng ta hãy nhớ lại sự nhẫn nại vô biên của TC đối với những hành động hoang đàng, bất trung, ngoan cố của mỗi chúng ta.
Ở đây, chúng ta thấy sự cần thiết của đức tin. Không có đức tin thì không có việc gì có thể xảy ra. Chúa Giêsu nói : "Nếu ngươi có đủ đức tin, tất cả mọi khó khăn sẽ được giải quyết, luôn cả những công tác cũng thực hiện được". Đức tin nơi TC là công cụ giúp người ta dời hòn núi khó khăn nằm chắn trên lối mình đi.

4. Sự cách tân :
Chúa Giêsu biến hình, Ngài đã đem 3 Môn đệ lên núi : Phêrô, Giacôbê và Gioan - Đại diện cho Tân ước; 2 Ngôn sứ : Môisê và Êli hiện ra - Đại diện cho Cựu ước. Số 3 nhiều hơn số 2. Trong số 3 ấy có ông Gioan, nhưng ông Gioan trong Tin Mừng không viết gì về sự biến hình, chỉ có trong Tin Mừng Mathêu, Maccô và Luca viết mà thôi, điều này cũng không có gì kỳ lạ vì Gioan chủ ý chỉ viết để mô tả lại những gì ông thấy mà 3 sách Tin Mừng kia chưa đề cập tới.
Tưởng cũng nên nhắc lại lời Chúa Cha phán : "Hãy nghe lời Người " - Lúc này có đại diện của Cựu ước và Tân ước. Điều này có nghĩa là : Mọi người, mọi thời đại phải nghe lời Chúa Giêsu, vì lời Chúa Giêsu cũng là lời của Chúa Cha : "Ta với Cha là một... Ai nghe Ta tức đã nghe lời Chúa Cha". Và đâu đó hình như Chúa đã nói : "Chỉ một mình Thầy mới là Thầy mà thôi, ngoài Thầy ra không còn ai khác".
Lúc Môisê và Êli rút lui. Phải chăng các Ngài thấy mình không xứng đáng để làm Thầy dạy dân nữa ? Các Ngài chỉ là hướng dẫn viên đưa dân Do Thái đến với Chúa. Chúa đến rồi thì sứ mạng các Ngài chấm dứt. Họ mừng rỡ lui vào bóng tối, để cùng mọi người, mọi thế hệ ngắm nhìn và lắng nghe Lời Chúa : "Các con hãy nghe lời Người". Đó là lời Chúa Cha phán dạy không phải chỉ chúng ta mà thôi, mà còn dạy cả Môisê và các Sứ ngôn nữa. Các tác phẩm của Cựu ước cũng phải nghe Lời Thầy Giêsu mà hiệu đính lại...
Ba đệ tử ưu tú của Thầy Giêsu lăn đùng ra chết. Chết giấc nhưng tưởng là chết thật. Họ sợ quá. Sợ cái gì ? Sợ Giavê. Có một niềm tin lưu truyền từ thời này sang thời khác. Niềm tin ấy dạy rằng : Ai thấy Giavê, ai trực tiếp nghe tiếng của Giavê thì phải chết. Nỗi sợ Giavê bao trùm trên suốt dòng lịch sử của dân Do Thái. Thậm chí người hiền nhân của Cựu ước chỉ dám kính sợ chứ chưa dám kính yêu Giavê. Bởi vậy các Ngài mới chỉ dám nghĩ rằng kính sợ Giavê là khởi đầu của sự khôn ngoan. Gioan môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu đã  ngỏ bày tâm tư của mình trong 1 Jn 4,18 : "Tình yêu loại trừ nỗi sợ hãi...Ai sợ thì không đạt được tình yêu trọn hảo" (Theo "Dấu chân của Thầy" của Cha Pio Ngô Phúc Hậu, đoạn cuối trang 212 - Dấu chân 39 ).

5. Lời nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con chỉ biết yêu Chúa mà thôi, tình yêu loại trừ sự sợ hãi. Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng tôn giáo không bị giới hạn hay bó hẹp trong nhà thờ hoặc nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hoặc suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết Chúa, yêu Chúa, để có thể nói cho người khác về Chúa, xin giúp chúng con thực sự có đức tin nơi Chúa vì đa số chúng con vẫn thường sống vô tín.

JB.SĨ TRỌNG.



Chùm thơ 63

VIẾT NGẮN

Tập viết ngắn mà thôi,
Dễ đọc với mọi người
Không ai chê mình dở,
Như thế  cũng  vui  rồi.



ĐÊM


Gặp bóng mình trong khuya
Tưởng ai đang chợt thức
Đêm   tĩnh   lặng   tứ   bề,
Thả   hồn   theo   gió   bấc.



THỨC

Cứ tưởng ta làm chủ,
Tâm thức vẫn thức hoài
Mặc dầu đôi mắt ngủ,
Cái hồn vẫn loai nhoai !



BÌNH YÊN THẬT

Đêm về không gian tĩnh lặng,
Ánh trăng chiếu sáng ngoài hiên
Lúc   ta   thả   hồn   sâu   lắng,
Còn  hơn  giây  phút  tọa  thiền.



NHẮN NHỦ

Buông bỏ hết và thu mình lại,
Cay đắng đời nếm trải bao phen
Đã đến lúc nhìn vào thực tại,
Chẳng cần gì quá phải bon chen.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Để được có Ngài

 

1. Lý tưởng cuộc đời :
Lý tưởng là gì ? Người ta thường nói người yêu lý tưởng, căn nhà lý tưởng, việc làm lý tưởng, nghĩa là người hay sự vật mang các tính chất quý nhất, hoàn hảo nhất, không chê trách gì được. Thật ra nhiều khi những điều gọi là lý tưởng này lại không hiện thực, có thể chỉ có trong mơ mà thôi. Riêng đối tượng niềm tin Kitô giáo thì khác. Ánh sáng lý tưởng là Chúa Giêsu : Là Chân lý, là Nguồn sống. Đây không phải là điều mơ ước viễn vông hay mê tín mù quáng, mà đây là điều tôi và bạn, chúng ta đang kinh nghiệm. Ta hãy lắng nghe đoạn Lời Chúa sau :
"Còn ít lâu, thật ít lâu nữa thì Đấng đến sẽ đến, Ngài không chậm trễ đâu. Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống. Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi."( Dt 10,37-39 ). Đoạn Kinh Thánh vừa nêu đề cập đến tình trạng lui bước sau khi đã nhận ánh sáng. Câu 38 có trong Ha-ba-cúc 2,4 ( Sách Cựu ước ). Lời văn có ý tiếc nếu trường hợp lui bước xảy ra, vì người được soi sáng đã từng vì lý tưởng mà tranh đấu, chịu đau đớn, sỉ nhục, gian nan, bị chê cười, chịu khổ chung với anh em chị em khác, thương xót kẻ bị tù, chịu cướp bóc, tất cả chỉ vì đã tìm thấy lý tưởng. Đã theo Chúa như vậy không có lý do gì bỏ Chúa được.
Cũng đoạn văn trên nhưng có sách khác dịch như sau : "Chỉ còn ít lâu nữa, một ít thôi. Đấng phải đến sẽ đến, Người sẽ không trì hoãn. Người công chính của Ta nhờ lòng tin sẽ được sống, nhưng nếu người ấy bỏ cuộc thì ta không hài lòng về người ấy. Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống"( Tôi thấy cách dịch này hay hơn, chữ "lui đi" thay bằng chữ "bỏ cuộc", xét về nội dung ý nghĩa chẳng có gì thay đổi ). Đã là lý tưởng thì phải tiến tới chứ không được lùi bước, lùi bước là xem như bỏ cuộc. Đồng ý cũng có những lúc ta biết nhẫn nhục, lùi một bước để rồi tiến được nhiều bước hơn.
Tuy nhiên, người ta vẫn có thể bỏ Chúa vì thiếu kiên nhẫn hoặc chịu khó khăn lâu quá. Lý tưởng không thay đổi nhưng tình cảm tôn giáo trong con người ta trở nên phai nhạt, khô khan, nguội lạnh. Người ít đọc Kinh Thánh thì càng dễ bị khô khan, nguội lạnh hơn. Đây là tình trạng nguy hiểm, vì không tiến mà cũng không lùi. Tác giả thư Do thái quả quyết như vậy là đã "bỏ cuộc".
Bạn hãy nghĩ đến chữ "bỏ cuộc" hôm nay. Bạn có ý bỏ cuộc chăng ? Tại sao vậy ? Hãy cố đọc câu này vài lần cho thuộc : "Nhưng ta chẳng bao giờ rút lui, bỏ cuộc, để rồi bị hủy diệt. Trái lại, ta giữ vững đức tin để linh hồn được cứu rỗi". Hãy dùng câu này nhắc nhở mình về lý tưởng của đời mình và sống cho lý tưởng ấy mãi mãi.


2. Sống thanh bần, buông bỏ :
Mời đọc Tin Mừng theo Thánh Macco, đoạn 10, từ câu 17 đến câu 31( Tương ứng với Lc 18,18-30 ) - Một truyện cực ngắn và cực hay. Điều Chúa đòi hỏi người thanh niên trẻ tuổi là gì ? Tại sao Chúa đòi hỏi người này như thế ? Anh ta đánh giá thế nào về sự sống đời đời ? Theo Chúa, Chúa đòi hỏi bạn điều gì ? Làm sao để làm được ?
Phó thác cuộc đời cho Chúa là xem thường mọi sự, đôi khi cũng phải tỏ ra liều liều một chút. Có một nhà thơ đã viết rằng :

          "Liều vì Chúa cho đời thêm đẹp,
          Yêu tha nhân hơn cả chính mình
          Khi cánh cửa tâm hồn nhẹ khép,
          Môi mỉm cười ngàn vạn đóa xinh."

 Câu chuyện người trẻ tuổi giàu có đến tìm Chúa Giêsu để hỏi về điều kiện được hưởng sự sống đời đời, anh ta hỏi vậy nhưng trong lòng thật kiêu hãnh vì biết chính mình đã giữ trọn những quy định mà luật pháp đòi buộc. Vì vậy, khi nghe Chúa Giêsu tóm tắt về luật pháp, anh ta không ngần ngại trả lời mình đã thi hành các điều luật pháp đó một cách nghiêm chỉnh. Tưởng sẽ được nghe lời khen tặng từ Chúa, nhưng Chúa đã dành cho anh ta một sự ngạc nhiên không kém, bằng cách nhắc lại bổn phận và trách nhiệm đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khó mà anh ta chưa thực hiện. Đây là bài thi trắc nghiệm về niềm tin của chúng ta đối với Thiên Chúa cách thực tế, không chỉ riêng chàng thanh niên, nhưng cho mỗi chúng ta là người tin theo Chúa. Không ít nhiều, trong mỗi chúng ta đều có những thứ mà mình coi là quý giá nhất, có thể đó là người yêu, là công danh, sự nghiệp, cơ ngơi nhà cửa, ruộng vườn, hay ngay cả những thú vui, những trò chơi giải trí, văn nghệ, thể thao...Cho dầu bất cứ điều gì đi chăng nữa, khi chúng ta ôm ấp nâng niu, giữ lấy đến nỗi rất khó cho chúng ta thay thế hay từ bỏ nó. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải sống một đời sống khắc khổ, diệt dục, tu trì. Chúng ta cần phải sống, cần phải làm việc, cần phải sinh hoạt, cần phải chuẩn bị cho tương lai... nhưng điều Chúa muốn chúng ta phải có là dù mọi hoạt động đó thật cần thiết cho cuộc đời chúng ta, nhưng không là tất cả, quan trọng nhưng được xếp vào hàng thứ nhì sau Chúa, mọi sự chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh hay ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Chỉ có Chúa mà thôi ! Khi chúng ta thật sự đặt để Chúa trên và trước hết trong cuộc đời, tất cả mọi sự trở nên thứ yếu, không còn quan trọng nữa vì cớ mục đích của cuộc đời chúng ta đã được chuyển hướng.
Bạn đang phân vân hay do dự trong quyết định theo Chúa ư ? Phải chăng bạn đang lo sợ bị mất hết mọi sự khi quyết định theo Ngài ? Hãy an tâm. Chúa hứa rằng Ngài sẽ ban cho bạn bội phần khi bạn bằng lòng đặt Chúa cao hơn hết trong cuộc sống, bạn sẽ được mọi sự và điều quý báu nhất là bạn có được chính Ngài ( x Lc 18,29-30 v Mc 10,29-30 v Mt 19,29 ).

3. Lời nguyện :
Chúa ơi, xin nuôi con bằng lý tưởng Nguồn Sống muôn đời của chính Chúa và giúp con theo Ngài mãi mãi, tâm hồn con luôn nghe được những âm vang diệu vợi.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết sống thanh bần, biết buông bỏ mọi sự để được có Ngài. Điều gì còn vương vấn, ngăn trở con đến cùng Chúa, xin dạy và thêm sức lực để con có thể dứt khoát cách trọn vẹn. Cám ơn Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Đêm trăng mầu nhiệm
















Nơi  gió  ngàn  vi  vút  đợi  trăng  lên,
Thiên nhiên đẹp điểm tô màu thanh khiết
Chỉ có Chúa lặng thầm không ai biết,
Hẹn hò trăng ngay giữa chốn núi rừng.

Trăng làm bạn -Chúa, tình nhân lãng mạn
Ướt mi trăng trên tận đỉnh non ngàn
Đồi  cao  ấy,  ngày  xưa  treo  bản  án
Đóng đinh Ngài không một tiếng kêu oan.

Màu trăng thật khác màu trăng dự báo,
Nơi cảnh vườn có suối chảy thông reo
Người cầu nguyện đổ tuôn mồ hôi máu,
Ánh trăng kia vẫn chiếu sáng  lưng đèo.

Đêm trăng ấy, một đêm trăng huyền nhiệm
Đấng Cứu đời gánh chịu những buồn đau
Người   còn  đó,  in  hình   bao  kỉ  niệm
Để   gian   trần   tạc   nhớ   mãi   Ơn   sâu.

P/s : Bài viết có cách điệu, không hoàn toàn ứng hợp
         với Tin Mừng.


JB.Sĩ Trọng.