Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Đón tiếp nhau trong Chúa

( Thân tặng chị Bích - Tùng. Nhờ buổi gặp gỡ, nói chuyện với chị mà JB viết nên bài này )
1. Tầm quan trọng của việc đón tiếp ? :   
    Tiếp tân, tiếp đón là một phần rất quan trọng của nhiều ngành nghề trong xã hội. Cách tiếp đón là một yếu tố định đoạt sự thành công của các cơ sở doanh nghiệp. Một tiệm buôn, một quán ăn mà tiếp đón không nồng hậu, không lịch sự thì sẽ bị mất khách. Ngược lại, nhờ tiếp tân tốt mà nhiều cửa hàng trở nên phồn thịnh. Trong sinh hoạt Hội Thánh ( HT ), các HT tiếp đón những người đến với HT cũng rất quan trọng. HT có thể xua đuổi các thân tín hữu, nếu chúng ta tiếp đón họ một cách lạnh nhạt, hời hợt, bất cần. Một linh mục coi thường giáo dân chính là linh mục ấy xúc phạm đến HT, xúc phạm đến thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Cũng ngược lại, nhờ sự tiếp đón thân mật mà nhiều thân hữu có cảm tình, có ấn tượng tốt về HT và muốn tiếp tục đến sinh hoạt với HT, liên hệ với nhà thờ. Nhờ đó mà họ có dịp nghe Phúc Âm và tin vào Chúa, gần gũi với các thành viên trong HT hơn. 
    Nói đến đây, có lẽ chúng ta thấy các linh mục chăm sóc Giáo xứ đóng một vai trò quan trọng ra sao tại nhà thờ, nhà xứ, vì các Ngài thường xuyên gặp giáo dân của mình. Các Ngài là bộ mặt của HT. Tuy nhiên, không chỉ các Ngài mới có trách nhiệm tiếp đón; mỗi chúng ta hằng ngày cũng có nhiều dịp tiếp đón người khác đến với mình. Dù muốn dù không, chúng ta đều là con cái Chúa. Cách chúng ta tiếp đón cũng có một tầm ảnh hưởng lớn lao. Chúng ta có thể được Chúa ban phước, có thể khiến cho người muốn tìm kiếm, gần gũi Chúa hơn; hay là chúng ta bị Chúa quở trách, và khiến người ta xa Chúa tùy cách chúng ta tiếp người khác. Là con cái Chúa, chúng ta cần tiếp đón làm sao cho thật tốt đẹp.

2. Cách đón tiếp nhau trong Chúa :
    a. Kinh Thánh dạy chúng ta trong cách tiếp đón nhau ấy là : Hãy tiếp nhau như mình đang tiếp Chúa.
    Những người đầu tiên chúng ta cần chú ý để tiếp đón đó là các sứ giả của Chúa. Matthêu 10,40-42 cho biết : Ai tiếp rước các Môn đệ là tiếp rước Chúa. Những ai tiếp rước các Môn đệ, các Tông đồ của Chúa thì sẽ được Chúa ban thưởng. Công lao tiếp đón các Ngài sẽ được Chúa ghi nhận kể cả những công lao nhỏ nhặt như là cho các vị ấy một ly nước lã để uống. Các Tông đồ ngày xưa đã về với Chúa, nhưng ngày nay chúng ta cũng có các sứ giả khác của Chúa để tiếp đón. Họ là các Giám mục, linh mục, tu sĩ hay những anh chị em vì danh Chúa mà đến với chúng ta. Chúa cũng kể việc chúng ta tiếp những người này như là tiếp Chúa vậy.
   Tiếp theo, nhóm người chúng ta cần tiếp như mình đang tiếp Chúa, ấy là những người rất bình thường.
    Trong Matthêu 25,31-46, Chúa dạy rằng : Trong ngày phán xét sẽ có những người được Chúa khen thưởng vì thấy Chúa đói và đã cho ăn; thấy Chúa khát và đã cho uống; thấy Chúa là khách lạ và đã tiếp rước Chúa; thấy Chúa trần truồng và đã cho Chúa quần áo mặc; thấy Chúa bị đau, bị tù và đã thăm viếng Chúa. Những người này ngạc nhiên, thắc mắc rằng họ có từng thấy Chúa như vậy bao giờ đâu. Nhưng Chúa giải thích : "Qủa thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi làm việc đó cho một người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy". Trong Luca 9,48 Chúa dạy thêm rằng : "Hễ ai vì danh Ta mà tiếp con trẻ này, tức là tiếp Ta; còn ai tiếp Ta, tức là tiếp Đấng đã sai Ta". Trong Châm ngôn 19,17 Chúa cũng dạy rằng : "Ai thương xót người nghèo tức là cho Chúa vay mượn".
    Các dạy dỗ trên nhắc chúng ta hãy tiếp tất cả mọi người như là tiếp Chúa, vì Chúa xem việc chúng ta tiếp người khác có giá trị như là chúng ta tiếp Chúa. Ngài sẽ ban thưởng hay quở trách chúng ta tùy theo cách chúng ta tiếp người khác.
    Bạn tiếp những người xung quanh ra sao ? Bạn có biết rằng Chúa đã, đang và sẽ đến với bạn qua hình hài những người xung quanh bạn không ? Bạn có tiếp Ngài một cách kính trọng, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, che chở, bảo bọc không ? Hay là bạn khinh miệt, hắt hủi, coi thường Ngài ?
    Có chuyện kể rằng : Vào một ngày mưa tại thủ đô Luân Đôn xưa có một phụ nữ đã đứng tuổi đến gõ cửa một nhà nọ để mượn chiếc dù; vì bà đang trên đường về nhà, gặp trời mưa mà lại quên đem theo dù. Thấy áo quần luộm thuộm của người khách lạ, người chủ nhà đã vào nhà tìm chiếc dù cũ để cho khách mượn, vì nghĩ rằng cho người ấy mượn dù chắc không hy vọng lấy lại được. Người khách cảm ơn chủ nhà rối rít, rồi tiếp tục ra đi dưới trời mưa gió. Sáng hôm sau, một việc lạ lùng xảy ra : Khu phố đột nhiên rộn rịp ngựa xe. Nhìn kỹ, người ta thấy một toán ngự lâm quân của hoàng gia đang tiến đến căn nhà có người khách lạ gõ cửa hôm qua. Các ngự lâm quân đến gõ cửa. Chủ nhà vô cùng sợ hãi, không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng các ngự lâm quân đã trấn an họ và lễ phép đem chiếc dù cũ trả lại cho họ. Thì ra, người đàn bà hôm qua chính là nữ hoàng Victoria đã cải dạng thường dân đi thăm viếng dân chúng. Chủ nhà vô cùng hối tiếc vì đã không biết nữ hoàng mà tiếp đón cho xứng đáng.
    Hằng ngày chúng ta có cơ hội tiếp đón vị Vua cao quý hơn cả nữ hoàng Anh quốc. Chúa, Vua trên hết các vua đang cải trang thành cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè,...thành người hàng xóm, người cùng công sở, cùng cơ quan làm việc, thành người hành khất, người khách lạ.v.v...để gặp chúng ta. Chúng ta tiếp Ngài ra sao ?

    b. Chúa dạy chúng ta trong việc tiếp nhau, ấy là : Hãy tiếp nhau như Chúa đã tiếp chúng ta.
    Chúa đã tiếp chúng ta thế nào ?
    Trước hết chúng ta thấy Chúa tiếp chúng ta không phân biệt. Lúc Chúa mới vào đời, Ngài đã tiếp những mục đồng; những người chăn chiên đơn sơ, nghèo nàn, nhỏ bé; cũng như những nhà thông thái khôn ngoan, quyền quý. Trong những năm hành đạo, rao giảng Tin Mừng, Chúa đã từng tiếp những người học thức danh giá như Nicodemo, và Ngài cũng tiếp những phụ nữ xấu nết; những người thu thuế; những hành khất; những người mù; người phung hủi...và cả những người điên loạn. Chúa không trừ bỏ một ai. Ngày nay Chúa cũng tiếp tất cả mọi người muốn đến với Ngài, không phân biệt ai cả.
    Chúng ta có tiếp mọi người không phân biệt, giống như Chúa đã tiếp chúng ta không ? Hay là chúng ta khinh người nghèo, trọng người giàu có; khinh người thiếu học, trọng người trí thức; khinh người bình dân, trọng người có chức vị. Hãy nhớ rằng trước mặt Chúa, mọi người đều có một nhân phẩm, một giá trị cao quý, vì :
        - Tất cả đều mang hình ảnh Chúa.
        - Tất cả đều được Chúa yêu và chết thay cho.
        - Tất cả đều là con cái Chúa, có thể được biến đổi để trở nên giống Chúa, có thể được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước của Ngài.
    Trong chuyện cổ Trung Hoa, chúng ta có nghe chuyện ông Hàn Tín. Ông là một thiên tài quân sự. Nhưng lúc chưa gặp thời, còn hàn vi, ông phải sống rất thiếu thốn. Không ai giúp ông, trừ người bán thịt. Về sau, Hàn Tín phò Lưu Bang để xây dựng nhà Hán. Hàn Tín quả là một vị tướng giỏi, bách chiến bách thắng. Lúc thành danh, ông không quên ơn người bán thịt xưa kia đã giúp đỡ mình.
    Những người xung quanh chúng ta tuy không có tài năng như Hàn Tín, nhưng tất cả đều có tiềm năng lớn lao. Chúng ta có tiếp mọi người không phân biệt, như Chúa đã tiếp chúng ta chăng ?
    Chúng ta tiếp tục học cách tiếp nhau như Chúa đã tiếp chúng ta.
    Tin Mừng Matthêu 9,35-38 cho thấy Chúa tiếp mọi người với một tấm lòng đầy thương cảm. "Khi Ngài thấy đám dân đông thì động lòng thương xót, vì họ khốn khổ và tan lạc như chiên không có người chăn"( Mt 9,36 ). Với tấm lòng đầy thương cảm Chúa đã giảng dạy Phúc Âm, vì Ngài cảm thương sự bất an, cô đơn, khủng hoảng bởi tội lỗi ngự trong lòng loài người; Ngài đem sự cứu chuộc, an bình cho tâm hồn, cho đời sống. Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, vì Ngài cảm thương sự đói khát mà họ đang trông chờ nơi quyền năng của Ngài. Ngài đã chữa lành tật bệnh cho những người đến với Ngài vì Ngài cùng đau với cái đau thể xác, bệnh tật của họ. Chúa đến với chúng ta vì Ngài là tình yêu. Sự khốn cùng, tan tác của chúng ta đã động đến lòng thương xót của Ngài.
    Chúng ta tiếp người ta với tấm lòng ra sao ? Chúng ta thấy người khác thì thường có cảm giác nào, và chúng ta làm gì cho họ ? Có phải là khinh bỉ, ghê tởm để rồi xa lánh nếu thấy họ nghèo nàn, cùng khốn, bệnh tật; hay là ganh tức để rồi lên án nếu thấy họ giàu sang, thành công, quen biết các Đấng bề trên. Trong Matthêu chương 23, Chúa đã mạnh mẽ quở trách những người Pharisieu và các thầy thông giáo, vì những người này cố gắng "làm tròn các bổn phận tôn giáo đến mức hoàn hảo", nhưng họ lại thiếu lòng thương người, thiếu sự khiêm tốn. Con cái Chúa ngày nay cũng rất dễ phạm lỗi lầm tương tự như những người Pharisieu và các thầy thông giáo khi xưa. Càng lâu năm trong Chúa, chúng ta có thể rành rẽ các lẽ đạo và các nghi thức trong HT, chúng ta có thể trung tín trong việc dâng hiến và việc tham gia các sinh hoạt trong HT. Thậm chí chúng ta có thể trở thành những nhân sự đắc lực trong HT. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận. Lâu năm trong Chúa cũng dễ khiến chúng ta trở thành những người khó tánh, hay bắt bẻ, hay lên án, khó ở, và không mấy ai muốn đến gần. Chúng ta hãy nhìn gương Chúa Giêsu và nhờ ơn Thánh Thần để có tấm lòng quảng đại như Chúa, và rồi chúng ta có thể tiếp mọi người bằng tình thương như Chúa đã tiếp chúng ta...

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin ban cho con lòng yêu thương ân cần để con tiếp rước người của Chúa. Xin giúp con thương yêu, tôn trọng, tiếp đón những người Chúa đưa đến gia đình con. Xin cho các Linh mục có lòng quảng đại tiếp đón giáo dân và giải quyết cho họ những nhu cầu cần thiết với tất cả lương tâm và trách nhiệm, yêu thương và tế nhị để họ không bị tủi lòng.
    Lạy Chúa, con là người tội lỗi mà Chúa đã tiếp đón con làm con của Ngài. Xin ban cho con tấm lòng yêu thương của Ngài để con tiếp đón những người đến với con, giống như Chúa đã làm cho con. Xin cho con tấm lòng đầy tình yêu của Chúa khi con đến với người khác, để qua đó họ nhận biết Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Huyền nhiệm tình ngôn tận

       ( Vài cảm nhận khi đọc sách Khải Huyền )

    Đây là bài viết tôi phải mất thời gian nhiều nhất để suy tư và đặt tựa đề. Tôi dành thời gian vào ban đêm để viết, vì ban ngày bận quá nhiều việc. Tôi lo tu sửa ngôi nhà mình mới mua được. Dù gì đi nữa, tôi cũng ưu tiên cho việc xây dựng ngôi nhà tâm linh hơn là xây dựng ngôi nhà bằng gạch đá.
1. Mặc khải chung qua một người :    
    Tôi không hiểu vì sao hiện nay có những người thích đọc "mặc khải tư" hơn là đọc Phúc Âm. Có những tài liệu in ấn cho rằng đó là mặc khải tư, nhưng thực tế chưa được Giáo Hội nhìn nhận. Tôi cho rằng Khải Huyền không phải là một mặc khải tư mà là một mặc khải chung cho Giáo Hội. Kinh Thánh trọn bộ, cả Cựu ước và Tân ước thì đây là cuốn sách cuối cùng.
   Chúng ta đều biết Thánh Gioan Tông Đồ là tác giả Phúc Âm Gioan, các bức thư I, II, III Gioan và sách Khải Huyền. Chúng ta đã rút ra nhiều bài học bổ ích từ Phúc Âm Gioan và các thư của Gioan, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tiếp tục tìm hiểu và học từ quyển sách lạ lùng còn lại. Trước hết chúng ta thấy trong Kh 1,1-4 có những mặc khải đường lối Chúa cho con dân Ngài về những việc sắp xảy ra.
    Nguồn gốc mặc khải này là Thánh Gioan nhận được những khải thị từ Thiên Chúa ( TC ). TC Cha đã nhờ Chúa Giêsu ( GS ) Kitô để chuyển tải thông điệp đến với nhân loại. Chúa GS sai Thiên sứ Ngài giải thích cho Gioan, Gioan vâng lời Chúa truyền, ghi chép đầy đủ những điều nghe thấy rồi gởi cho bảy Hội Thánh ở Tiểu Á ( Kh 1,11 v 22,16a ). Trải qua một thời gian dài hơn 18 thế kỷ, Khải Huyền dường như là một quyển sách bị đóng lại, bị niêm phong vì khó hiểu và vì nhiều người tin rằng những khải thị ấy dành cho thời kỳ cuối cùng, không xảy ra trong đời họ, họ chỉ chú tâm đến những lẽ thật cần thiết nhất cho thời đại của họ. Mãi  đến thế kỷ 19 người ta mới bắt đầu để ý và nghiên cứu sách Khải Huyền.
    Nhiều diễn biến xảy ra trên thế giới hiện nay làm ứng nghiệm cách rõ ràng những lời tiên tri trong sách Daniel và Khải Huyền, khiến chúng ta tin rằng giờ cuối cùng đã điểm. Chúng ta hãy nhờ ơn Chúa làm một khoen trong dây chuyền khải thị của Chúa. Có nhiều người sốt sắng chia sẻ khải thị của mình ( họ xem là một mặc khải tư ) cho người khác, nhưng có khi đó không phải là khải thị từ TC hay từ Chúa GS mà đến. Chúng ta không chối cải là trong những ngày cuối cùng, nhiều "con trai con gái sẽ nói tiên tri, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng"( Cv 2,17 ). Nhưng cũng hãy nhớ lời chính Chúa GS đã phán rằng : "Nhiều kẻ sẽ mạo danh Ta, tự xưng là Chúa Cứu thế, làm cho nhiều người bị lầm lạc...Nhiều tiên tri giả sẽ nỗi lên, quyến rũ nhiều người vào con đường lầm lạc"( Mt 24,5-10 ) - Có sách dịch : "Nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người"( xem thêm từ Mc 13,5-13 v Lc 21,8-19 ). Cách đây hơn mười năm, có tin cho biết giữa mấy trăm ngàn người dân tộc H'mông ở miền Bắc VN mới tin theo Chúa, đã có một người nổi lên tự xưng là Chúa Cứu Thế và đã quyến rũ hằng chục ngàn người vào con đường lầm lạc. Người H'mông theo đạo Chúa ở Tây Bắc giúp họ giảm bớt những hủ tục trong tổ chức cưới hỏi, đám tang hay việc chữa bệnh. Họ dễ bị quyến rũ vì không biết Lời Chúa, không được đọc, không được học, không được nghe những khải thị từ nơi TC, từ nơi Chúa GS, từ nơi Chúa Thánh Thần và qua các Thiên sứ, hay là những tôi tớ của Ngài.

2. Lời hứa Phúc lành :
    Trong thời kỳ sách Khải Huyền mới ra đời, chỉ có một bản tại các Hội Thánh, khi tín hữu họp lại thì đem ra đọc cho nhau nghe. Những bản cổ sao xuất hiện, được sao lại từ nguyên bản cách cẩn thận và công phu, tốn kém nhiều thì giờ và tiền bạc nên ít ai có thể có được một bản riêng cho mình. Chúa hứa ban phúc cho người đọc sách này và người nghe đọc sách này. Chỉ đọc và nghe không cũng đã được phúc rồi; và khi cả hai người đọc và người nghe thực hành điều đã đọc và đã nghe thì lại càng được phúc nhiều hơn nữa ( Kh 1,3 ). Chúng ta chỉ đúng khi chú tâm về việc thực hành Lời Chúa như Giacôbê dạy : "Đạo Chúa không phải chỉ để nghe suông nhưng để thực hành. Đừng tự dối mình cho rằng chỉ nghe là đủ"( Gb 1,22 ). Nhưng nếu không đọc, không nghe thì làm sao thực hành ? Đọc và nghe lời Kinh Thánh là đã vâng Lời Chúa, và người vâng Lời Chúa thì được phúc. Khi thực hành thì lại được phúc thêm. Lời Chúa không những là những mạng lệnh buộc ta phải thi hành, những lời dạy khuyên mà chúng ta phải tuân thủ, những "kim chỉ nam" chúng ta phải đi theo; nhưng còn là những lời an ủi, khích lệ, những giải đáp thắc mắc, những khải thị về tương lai.v.v...mà chúng ta không tìm được ở một sách nào khác. Nếu Lời Chúa được ví như thức ăn thì sự đọc và nghe có nghĩa là nhai và nuốt, nhờ đó đã được phúc rồi !
    Có một người ngoại giáo đau bệnh nằm một chỗ, khi được một người có đạo hướng dẫn tin theo Chúa, người có đạo tặng cho một cuốn Kinh Thánh và bảo anh hãy đọc. Anh ta mở trang đầu : Mt 1,1-17 thấy đầy những tên khó đọc, anh nói rằng chẳng khác gì cuốn điện thoại niên giám, và anh thấy chán không muốn đọc. Hơn nữa, trong lúc anh ta đau gần chết mà đọc thấy nói về ông nầy sinh ông kia, ông kia sinh ông nọ khiến anh ta lại càng chán thêm. Khi người có đạo kia trở lại thăm, hỏi anh đã đọc Kinh Thánh chưa, anh ta trả lời như trên. Người có đạo hỏi anh có ăn cá không, anh ta nói có; người có đạo hỏi tiếp khi ăn cá gặp xương thì sao, anh ta trả lời để xương qua một bên, chỉ ăn thịt mà thôi. Người có đạo tiếp rằng việc đọc Kinh Thánh cũng giống như vậy, những chỗ nào khó hiểu hãy để qua một bên, tiếp thu những chỗ hiểu được là được rồi, những chỗ khó hiểu dần dần về sau sẽ hiểu được khi Chúa soi sáng cho. Ít ai hiểu được ý nghĩa bản gia phả Chúa GS nên nhiều khi đọc Kinh Thánh thường người ta bỏ qua 17 câu này. Xin nhắc lại : Khi cần Chúa sẽ soi sáng cho hiểu được Lời Ngài. Hơn nữa, Chúa hứa ban phước cho người đọc, nghe và thực hành theo những khải thị được ghi chép "vì những việc này sắp xảy ra"( Kh 1,3 ).


3. Lời cầu chúc đầy quyền năng :
    Khi Thánh Gioan Tông Đồ viết sách Khải Huyền thì Hội Thánh đang gặp "hoạn nạn", đang bị khó khăn và bị bắt bớ dữ dội. Chính Gioan tuy đã già nhưng cũng không khỏi "bị tù trên đảo Bát-mô vì truyền giảng đạo Chúa và làm chứng cho Chúa GS"( Kh 1,9b ). Đọc qua 7 bức thư ngắn trong chương II và III, chúng ta thấy các tín hữu đang "chịu khổ vì danh Chúa"( Kh 2,3 ), bị "tống giam vào ngục tối", bị "khủng bố", bị "giết chết"( Kh 2,10-13 ). Bên trong Hội Thánh thì có "những người mạo xưng là tông đồ"( Kh 2,2b ), phái Ni-cô-la (Kh 2,6-7 ), tín hữu "mạo danh con cái Đức Chúa Trời mà thật ra là hội viên của Satan"( Kh 2,9 v 3,9 ), đạo Bi-lơ-am ( Kh 2,14 ), nữ tiên tri giả I-de-ven ( Kh 2,20 ). Trong tình trạng như thế, ân sủng và bình an đến từ Ba Ngôi TC rất cần thiết cho các Hội Thánh.
    Ân sủng là gì ? Tôi đã tìm qua mạng và thấy được, có người giải nghĩa "ân sủng"( tiếng Anh là Grace ) bằng cách ghép vào các nguyên âm và phụ âm trong danh từ GRACE như sau : G = Gift ( quà biếu tặng ), R = Received ( được lãnh nhận ), A = At ( do ), C = Christ (Chúa Cứu Thế ), và E = Expenxe ( phí tổn ). Như thế ân sủng có nghĩ là quà tặng được nhận lãnh do Chúa Cứu Thế trả phí tổn. Tặng là cho không khác với tiền công hay ban thưởng. Chúng ta đều biết ân sủng ấy là sự cứu rỗi ban cho chúng ta là những tội nhân chỉ đáng bị hư mất. Thánh Phaolô đã viết cho Tít trong chương 2, câu11-14 : "Ân sủng của TC đã được biểu lộ, đem ơn Cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô GS là TC vĩ đại và là Đấng Cứu độ chúng ta xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện". Đấy là điều tín hữu các Hội Thánh ở Tiểu Á cần và chúng ta ngày nay cũng cần, cần muôn phần hơn là những nhu cầu vật chất. Lời mời gọi trong Khải Huyền là : "Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh Nước Trường sinh mà không phải trả tiền"( Kh 22,17b ).
    Có ân sủng mới có bình an, bình an với TC và bình an với nhau. Bình an nội tâm dầu bên ngoài có chiến tranh và rối loạn, có bắt bớ và đàn áp, có đau yếu và dịch bệnh, có thiếu thốn và nghèo đói... Trước khi lên Thập tự giá, Chúa GS đã phán với các Môn đệ Ngài rằng : "Thầy để lại bình an cho anh em ( bình an trong tâm hồn ), Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi"( Jn 14,27 ). Khi sống lại và hiện ra với các Môn đệ, lời đầu tiên Chúa phán với họ là "Bình an cho anh em"( Jn 19,19 ). Bình an là hoa trái của ân sủng. Nhận được ân sủng thì có bình an, và ấy là thứ bình an nội tâm, "sự bình an của TC mà con người không thể nào hiểu thấu sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em khi anh em tin cậy Chúa"( Php 4,7 ). Tôi rất thích câu cuối cùng của sách Khải Huyền, vì đây cũng là lời chúc của chính tác giả, của người đã được thị kiến : "Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa GS"( Kh 22,21 ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con làm một khoen nhỏ trong dây chuyền khải thị của Ngài. Xin cho con tin lời Chúa hứa và trung tín đọc, nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
    Lạy Chúa, xin cho con trong mọi cảnh huống của cuộc đời con đừng bao giờ nghi ngờ tình thương của Chúa để con nhận được ân sủng và sự bình an của Chúa từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Con cảm tạ Chúa !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Một Matta và một Maria

                                                           ( Tặng H.Phúc và MK )

       Đọc Kinh Thánh : Lc 10,38-48.

1. Chọn phần nào ?
    Hai chị em Matta và Maria đón rước Chúa thế nào ? Đọc câu chuyện Tin Mừng này, tự dưng tôi muốn nêu ra một số câu hỏi : Tại sao Chúa khen Maria chọn phần tốt hơn ? Phục vụ Chúa và nghe Lời Chúa, điều nào quan trọng hơn ? Tại sao phục vụ Chúa mà không vâng nghe Lời Ngài, kết quả sẽ ra sao ? Có khi nào vâng Lời Chúa mà không phục vụ Ngài không ?
    Đã có lần Chúa Giêsu ghé nhà gia đình ba chị em : Lazaro, Matta và Maria tại làng Béthania để nghỉ ngơi, khi Ngài trên đường rao giảng Phúc Âm. Chị Matta đón Chúa vào nhà rồi mãi lo về việc vặt, "việc phục vụ". Trong khi đó người em gái tên là Maria thì lại thong thả ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Lời Ngài. Thấy thế, Matta rất khó chịu, nhờ Chúa can thiệp để khiến Maria giúp mình. Chúa không nhận lời Matta, ngược lại Ngài quở trách Matta và khen Maria là người đã biết chọn phần tốt, là "phần không ai cất lấy được".
    Khi đọc câu chuyện này, chúng ta thường vội nghĩ rằng một mình Matta đã tất tả lo cơm nước, lo dọn dẹp nhà cửa để tiếp Chúa và các Môn đệ của Ngài. Trong khi đó thì Maria không đụng ngón tay giúp chị, mà chỉ biết ngồi nghe Chúa dạy thôi. Với nhận định vội vã như vậy, chúng ta đưa đến áp dụng sai lạc : Chúng ta chỉ cần nghe Lời Chúa là đủ, không cần phải phục vụ Ngài.
    Thực ra, ở đây Kinh Thánh ghi rằng : "Matta tất bật lo việc phục vụ"( Lc 10,40a ), có nghĩa là : Matta bị chi phối về việc sửa soạn, chuẩn bị, tức là chị đã quá chú tâm đến việc nấu nướng thức ăn, dọn dẹp nhà cửa. Chị muốn tiếp Chúa chu đáo đến mức tối đa cho nên chị không còn tâm trí nào, thì giờ nào nữa dành cho Chúa. Từ đó chị sinh ra tức tối, bực bội. Đây cũng là thái độ nhiều người ngày nay mắc phải.
    Maria thì khác. Có thể sau khi phụ với chị để lo cơm nước, nhà cửa tương đối tươm tất rồi, thì Maria dành thì giờ tâm trí để lắng nghe Chúa dạy, để thông công với Ngài. Với Maria việc nghe Chúa dạy quan trọng hơn.
    Phục vụ và tương giao với Chúa là hai phần quan trọng trong cuộc sống làm con cái Chúa. Việc nào cũng quan trọng cả, chúng ta không thể bỏ qua phần nào. Nhưng thường, chúng ta có khuynh hướng hay bỏ qua phần tương giao với Chúa giống như Matta. Chúng ta vì quá bận rộn với công việc, nên không còn thì giờ để ngồi dưới chân Chúa, chiêm ngưỡng Ngài, lắng nghe tiếng Ngài. Nhiều khi chúng ta vì thiếu quân bình như vậy mà dễ sinh ra tính nóng nảy, bực bội, so bì giống như Matta ( Lc 10,40b ). Cảm ơn Chúa, sau khi được Chúa nhắc nhở, Matta đã học được bài học, chị ta đã biết quân bình trong hai phần phục vụ Chúa và tương giao với Ngài. Trong Gioan chương 12, chị một lần nữa tiếp Chúa mà không còn bị chi phối, gắt gỏng như xưa. Matta lo hầu bàn, còn anh Lazaro là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Chị đã biết chọn lấy phần tốt, là phần không ai cất lấy được ( x Jn 12,1-11 ).

2. Điều cần duy nhất :
    Chúng ta có thể suy tư và hiểu được chút ít về Matta qua câu chuyện. Chắc cô khá giả lắm, cô sở hữu một ngôi nhà ( Lc 10,38 ), cô bận rộn ham làm việc và có lòng phục vụ. Vậy nên cô phàn nàn khi thấy em chẳng giúp gì cho mình. Hình như cô có chút ít ghen tức vì thấy em độc quyền chiếm lấy sự chú ý của Chúa ( Lc 10,40 ).
    Đức Chúa Giêsu không quở trách Matta mãi lo làm việc, vì Chúa cũng có lần cổ vũ cho những công việc hèn mọn khi cần ( x Jn 13,1-17 ). Chúng ta không được coi rẻ công việc nhỏ nhặt mà chỉ coi trọng những việc to lớn. Thánh Phaolô nhận rằng phục vụ và khích lệ đều rất cần thiết cho Hội Thánh ngang hàng với việc lãnh đạo và giảng dạy ( x Rm 12,3-8 ). Đừng sợ lãnh đạo phải lãnh đạn, vì Chúa GS đã lãnh đinh. Có người cho rằng Linh mục phải mục mới là linh.
    Thánh Luca bảo rằng Matta rất lăng xăng làm việc. Thiện chí làm việc, phục vụ của cô khiến cô xao nhãng một mục đích quan trọng hơn là lắng nghe tiếng Chúa. Kẻ thù nghịch chúng ta chắc cũng biết chúng ta có cảnh giác đối với những thứ có thể lôi cuốn chúng ta lệch khỏi con đường theo Chúa. Vậy nên chúng lại cố tình cản trở công việc của Hội Thánh bằng cách gieo rắc ý tưởng rằng con đường theo Chúa là con đường khổ nạn khiến một số người chỉ nghĩ đến mặt tiêu cực mà cho rằng sự phục vụ Chúa là một công việc phiền lụy, nản lòng.
    Để xua đuổi ý nghĩ ấy, ta phải đến với Chúa ăn năn hối lỗi. Ta hãy hình dung khi Matta được Chúa giải thích ( Lc 10,41-42 ) thì vội quỳ xuống thưa : "Lạy Chúa, xin tha tội cho con, con sai quá. Xin Chúa cũng cho con đứng gần Chúa để nghe Lời Ngài dạy..." Chúa đáp rằng : "Hỡi Matta... Maria đã lựa phần tốt, là phần không ai cất lấy được". LẮNG NGHE CHÚA GIÊSU chính là điều cần thiết duy nhất ( Lc 10,42 ) mà ta cần đến.
    Có những điều dễ làm lệch lạc hướng đi của chúng ta vì vậy cần thận trọng. Có những điều tốt, hữu ích, nhưng lại làm chúng ta bỏ qua điều tối cần để được gần Chúa trong Lời của Ngài. Trong sự cầu nguyện chúng ta cần xét lại ưu tiên và nhớ điều Chúa dạy : CHỈ CÓ MỘT VIỆC CẦN MÀ THÔI ( Lc 10,42b ), và chúng ta lắng nghe Lời của Ngài. Ngày nay người ta đọc kinh thì nhiều, nhưng đọc Lời Chúa thì ít. Ta nên nhớ Chính Chúa GS lúc bị ma quỉ cám dỗ Ngài đã phán rằng : "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời từ miệng TC phán ra"( Lc 4,4 ). Có nhiều nơi tụ họp nhau, đọc kinh dài hàng giờ nhưng không thấy đọc Lời Chúa, do đó cần xét lại ưu tiên là điều không thể thiếu.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết quân bình trong đời sống, đặc biệt vâng theo Lời Chúa để có sức sống mới, tinh thần mới, yêu Chúa và phục vụ.
    Lạy Chúa, sự hiện diện của Ngài là bình an cho tâm hồn con. Xin giúp con đừng bỏ qua cơ hội để được gần Chúa, để cho những việc con làm phản ánh được sự hiện diện của Chúa trong đời sống con.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Tình yêu và mối liên hệ


1. Lời Phúc Âm Tình yêu :
    Đọc Kinh Thánh : I Jn 4,14-21 v Jn 15,10-15.
    Tác giả bảo rằng ai ghét anh em mình thì không thể yêu Thiên Chúa ( TC ) được. "Nếu ai nói : Tôi yêu mến TC mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến TC mà họ không trông thấy"( I Jn 4,20 ).
    Trong đoạn này và những câu trước đó, Thánh Gioan Tông đồ dạy rằng mọi tình yêu đích thực đều bắt nguồn từ TC. Người ta bày tỏ tình yêu Chúa qua sự liên hệ của mình với người khác. Thánh Gioan Tông đồ cũng nhắc nhở ta về mối liên hệ giữa ta với TC. Nếu chúng ta muốn cho mối liên hệ của ta với Chúa được tốt đẹp thì chúng ta cũng phải giữ cho mối liên hệ của ta với tha nhân tốt đẹp.
    Thánh Gioan Tông đồ tỏ vẻ rất nghiêm khắc khi viết các câu này. Ông giảng rộng hơn về một đề tài đã bàn trước rồi ( I Jn 2,3-5; 3,16-18; 4,7-12 ). Sứ điệp của ông dựa trên lời dạy của Chúa Giê su ( GS ) trong Jn 15,10-15. Ý tưởng chính của Gioan là : "Nếu chúng ta yêu Chúa thì chúng ta phải yêu anh chị em của chúng ta. Nếu chúng ta không yêu anh chị em chúng ta thì chúng ta chẳng yêu Chúa đâu". Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta. Chính tình yêu Chúa khuấy động chúng ta và tình yêu ấy giúp chúng ta yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu họ. Đó là con đường theo Chúa của chúng ta. Vì người nào không yêu anh chị em mình không hẳn là người không có khả năng yêu Chúa, mà là người không muốn yêu Chúa thôi.
    Khi chúng ta yêu Chúa và yêu anh chị em mình thì sẽ không còn có những xung đột, tị hiềm trong vòng con cái Chúa. Khi nào chúng ta thấy khó có thể yêu anh chị em mình thì hãy nhớ đến đoạn Kinh Thánh này : "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình"( Jn 15,12-13 ).

2. Mối liên hệ đi liền với nhau :
    Đọc Kinh Thánh : Lc 11,37-54.
    Trong Luca 11,37-54, Chúa GS quở trách người Pharisieu vì đã giảng dạy sai quấy. Theo Chúa GS thì không nên hiểu giữ mối liên hệ với TC là giữ đúng luật pháp cổ truyền, vì chính Chúa đã cách tân lề luật. Ngài không có ý bảo người Pharisieu đừng tuân theo luật pháp. Ngài chỉ muốn nói rằng đừng căn cứ vào các sinh hoạt bề ngoài mà xét đoán mối liên hệ bên trong đối với TC.
    Chỉ vì thấy Chúa GS không rửa tay trước khi ngồi vào bàn mà các người Pharisieu lên tiếng phản đối Ngài. Hãy nhớ rằng tục lệ rửa tay ở đây không phải là lý do vệ sinh mà nghi thức tôn giáo. Kinh Thánh Cựu ước không đòi hỏi nghi thức này, thế nhưng người Pharisieu lại bắt buộc phải tuân theo. Câu nói đầu tiên của Chúa làm cho người Pharisieu bối rối và là mở đầu cho sự giảng dạy tiếp theo : "Các ngươi chỉ chăm lo bề ngoài, bên ngoài chén đĩa thì các ngươi rửa sạch; nhưng bên trong các ngươi đầy những chuyện cướp bóc, gian tà". Chúa lại nói : "Đồ ngu ! Đấng làm ra cái bên ngoài đã không làm ra cái bên trong sao ?"( Lc 11,39-40 ).
    Suốt đoạn này, Chúa GS quở trách nặng nề người Pharisieu và các người chuyên giữ luật pháp. Ngài dùng những lời "Khốn cho các ngươi" để tạc thẳng vào mặt họ. Họ chẳng lo gì đến người nghèo ( Lc 11,41 ). Họ chẳng biết gì đến công lý ( Lc 11,42a ). Họ không bày tỏ được tình yêu Chúa ( Lc 11,42b ). Họ sung sướng khi thấy mình có vẻ quan trọng hơn nhiều người khác ( Lc 11,43 ). Những người Pharisieu này chỉ là gánh nặng cho dân chúng mà thôi ( Lc 11,46a ), không giúp đỡ người hoạn nạn ( Lc 11,46b ), bách hại các Môn đệ của Chúa ( Lc 11,47 ), không làm đẹp ý Chúa ( Lc 11,52a ), ngăn cản những ai muốn theo Chúa ( Lc 11,52b ). Những người Pharisieu này không chịu nhận lẽ phải về phía Chúa GS,không chịu tìm cầu sự tha tội, mà trái lại ngày càng chống nghịch Chúa nhiều hơn.
    Chúng ta cũng phần nào giống như người Pharisieu, chỉ muốn đặt giá trị của mình trên những công đức của mình, trên các luật pháp của xã hội, chứ không biết gì đến lòng nhân từ và tình yêu của TC. Đoạn Kinh Thánh này dạy ta rằng TC chỉ căn cứ vào các mối liên hệ của ta chứ không để ý đến việc của ta có thể giữ đúng luật lệ hay không. Một câu Kinh Thánh mà tôi đã bốc hai lần giống nhau trong một dịp Tết, nói lên được điều ấy : "Người ta được trở nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy"( Rm 3,28 ). Khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh để tìm hiểu mẫu mực của các mối quan hệ, chúng ta sẽ học được rằng : Đẹp lòng TC nhất là từ tấm lòng của chúng ta hơn là các hành vi bên ngoài.
    Kinh Thánh cho thấy mối liên hệ giữa ta với TC và giữa ta với tha nhân đi liền với nhau. Nếu mối liên hệ giữa ta với những người chung quanh được tốt đẹp thì đó là dấu hiệu chứng tỏ mối liên hệ giữa ta với Chúa cũng có chiều hướng đi lên tốt đẹp. TC chỉ muốn chúng ta tạo sự an hòa với người khác.

3. Cầu nguyện :
    Cảm tạ Chúa đã yêu con, xin Chúa giúp con yêu anh chị em con như Ngài yêu con.
    Chúa ơi, xin Lời của Ngài hun đúc, xây dựng trong con mối liên hệ tốt đẹp với Ngài và với tha nhân.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Điều cần hỏi

 













( Tặng cậu Minh )

Có ai nhặt lấy câu thơ,
Rồi không hiểu ý, giả vờ bỏ qua ?
Có ai chưa thấy được nhà,
    Dù quê hương thật vẫn là xa xôi ?
    Có ai tắm vũng nước đời,
    Lại không thấm ướt bởi mùi trần gian ?
    Có ai ăn ở đàng hoàng,
    Mà trời lại ghét trao ban tội hình ?
    Hãy nhìn Chúa chịu đóng đinh,
    Ngài thương nhân loại : Chính mình chứ ai !

JB.Sĩ Trọng.

P/s : Cuộc đời có thể là độc vị, độc chiếm. Biết chia sẻ với mọi người chứ không ích kỉ, nhưng vẫn là độc vị, độc chiếm - Bằng tình cảm, bằng con tim để chiếm hữu được Đấng đã sanh ra mình, Đấng tạo dựng nên mình. TƯ TƯỞNG QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU ẤY.

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Đừng thu tích của cải cho mình

 
1. Đọc Kinh Thánh và suy niệm : Tin Mừng Chúa Giêsu ( GS ) theo Thánh Luca : 12,13-21.
     Với tựa đề trên thôi, người đời nghe cũng đã chói tai rồi, vì không ai chỉ biết làm lụng mà không lo thu tích của cải cho riêng mình.
    Nếu Chúa GS kể ẩn dụ này vào thời điểm hiện nay thì lời lẽ của Ngài sẽ thế nào ? Có thể Ngài sẽ nói đến những kho bột mì khổng lồ, những núi bơ, những biển sữa, những thặng dư từ các nước tư bản, những áo quần, những rượu bia, những nhà hàng lớn ăn uống say sưa, nhậu nhẹt, đầu tư kinh doanh với doanh thu lớn...? Hoặc Ngài nói đến việc tống khứ các chứng khoáng xuống giá, mua vào các chứng khoáng đang lên, hay mở các trương mục tại các ngân hàng thịnh vượng, đầu tư bất động sản, những phi vụ này phi vụ kia.v.v...! Cháu tôi là một kiến trúc sư, thành đạt, làm việc và giao tế nhiều, nên hiểu được những vấn đề trên. Ta còn nhớ trong Cựu ước, Ai cập ca ngợi ông Giô-sép không tiếc lời vì ông đã thiết lập các kho dự trữ lương thực to lớn.
    Vậy tại sao Chúa GS lại trả lời với người đến cầu xin Ngài như vậy ? Lẽ công bình được nói nhiều trong Kinh Thánh. Nhưng trong trường hợp này, Chúa GS thấy rằng việc phân chia tài sản chỉ là một cái cớ, điều chính yếu là lòng tham con người.

    Thánh ký Luca ghi lại : Có người trong đám đông nói với Chúa GS rằng : "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi". Người đáp : "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện, hay người chia gia tài cho các anh ?" Và Người nói với họ : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu"( Lc 12,13-15 ). Sách Giảng viên thì viết : "Phù hoa, phù hoa, mọi sự đều là phù hoa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa là không phù hoa".
 

     Do đó, nếu chỉ là việc phân chia gia sản cho công bằng thì Chúa chắc đã giải quyết một cách khôn ngoan hơn vua Salomon rồi. Với anh chàng này, Chúa cần một điều quan trọng hơn : Thay đổi tấm lòng.

    Qua ẩn dụ này ta bắt gặp hai chữ "Đồ ngu". Chúa nói hai chữ "Đồ ngu" khi nào ? Nhân vật trong ẩn dụ này được một vụ mùa bội thu. Anh ta thấy cần phải quản lý tài sản của mình một cách khôn ngoan, phải biết cách kinh doanh đúng đắn. Không phải vì thế mà Chúa GS bảo "Đồ ngu !"( Lc 12,20a )- cũng có sách dịch là "khờ dại". Cái ngu của anh là ở chỗ anh ích kỷ, cái khờ dại của anh là chỉ nghĩ đến bản thân, không nghĩ đến người khác. Anh tự cho là bàn tay mình làm nên tất cả, chính mình là Thượng Đế của mình. Rồi anh ta bảo : "Mình sẽ phá những kho cũ, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả của cải vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã ! Nhưng Chúa bảo anh : "Đồ ngu ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?"( Lc 12,18-20 ). Câu cuối cùng của trích đoạn Kinh Thánh này là : "Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó"( Lc 12,21 ). Để hiểu ẩn dụ này một cách thật đầy đủ, thật quân bình, ta nên đọc kèm với một ẩn dụ khác nói về người đầy tớ biết quản trị tài sản của chủ giao phó cách khôn ngoan : Lc 19,12-17. 

    Chúa GS bảo hãy tích trữ của báu trên trời : Mt 6,19-21. Vậy bạn cất của bạn ở đâu ? Của cải ở đâu thì lòng người ở đó ( Mt 6,21 ). Nơi nào là nơi mà ta không sợ "mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi" ? Tài sản Chúa giao cho bạn, bạn sử dụng cách nào ? Có ai cần bạn giúp đỡ hôm nay không ?

2. Cầu nguyện :
    "Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không"( Mt 10,8b ). Lạy Chúa, xin dọn lòng con để con biết thực hành lời dạy này.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Tình yêu và chủ đích


                    Đọc Kinh Thánh : Jn 1,40-49 v 15,1-17.
 1. Hai mặt của đời sống :
    Chúa có chủ đích đối với các Môn đồ xưa và chúng ta ngày nay. Chủ đích đó là chúng ta phải sống đời Kitô hữu hiệu quả. Muốn hiệu quả chúng ta phải giữ hai mặt của đời sống. Mặt này là mối tương giao mật thiết với Chúa, mặt kia là làm chứng nhân cho Chúa giữa mọi người. Mối tương giao mật thiết với Chúa như đường thẳng đứng, làm chứng cho Chúa giữa mọi người như một đường nằm ngang. Hai đường này hiệp thành một Thập tự giá như một hệ trục tọa độ Descartes trong toán học, cả hai đều mang véc-tơ đơn vị có mô-đun như nhau. Một đời sống Kitô hữu hiệu quả là một đời sống đã bị đóng đinh trên Thập tự giá như Phaolô đã mô tả : Gal 2,20b. "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi".
    Phaolô chia sẻ kinh nghiệm sống động mà ông học, thực hành và sống hiệu quả cho Chúa : "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20a ). Mối tương giao mật thiết đó bắt đầu khi chúng ta bằng lòng vâng phục, bằng lòng dâng cuộc đời cho Chúa.
    Chúa Giêsu ( GS ) đã làm phần của Ngài : Ngài yêu chúng ta và đã chết thế cho chúng ta. Còn điều nào khiến bạn và tôi do dự không dám bước vào kinh nghiệm sống động mà Phaolô đã trình bày đó ? Xin đến với Chúa ngay lúc này, đọc lại phân đoạn Kinh Thánh này một lần nữa và thưa với Ngài.

2. Hoa trái bên trong và bên ngoài :
    Chủ đích của người trồng nho là được kết quả. Nhành nho bị đòi hỏi phải cung cấp cho người trồng nho không phải là lá mà là trái. Cũng vậy, đời sống Kitô hữu phải sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa ( TC ). Trái đó là gì ? Có hai thứ : Bên trong và bên ngoài. Trái bên trong là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ ( Gal 5,22 ). Không có luật nào chống lại những điều như thế. Trái bên ngoài là làm chứng cho Chúa để đem người khác về với Ngài như An-rê đã đưa dắt anh là Phê-rô, Philipphê đã đưa dắt bạn là Nathanael ( Jn 1,40-49 ) đến gặp Chúa GS.
    An-rê và Philipphê đã chia sẻ niềm tin ngay sau khi đặc niềm tin nơi Chúa. Họ không dông dài, nhưng đưa những người anh em và bạn bè này đến ngay với Chúa GS. An-rê và Philipphê đã nhận được kết quả trong quyền năng hành động của Chúa. Bạn còn ngần ngại và có nhiều lo sợ không dám nói về Chúa với người khác ? Xin hãy bắt đầu, xin thưa với Chúa, dâng tấm lòng, ước vọng và khả năng đơn sơ của chính mình; rồi bắt đầu nói, chia sẻ kinh nghiệm bạn gặp được Chúa và những ơn lành Ngài ban; Chúa sẽ làm phần còn lại.


3. Điều kiện để được kết quả :
    Một nhành nho muốn được kết quả phải hội đủ 3 điều kiện : chịu tỉa sửa, ở trong gốc và vâng lời luôn. Đời sống Kitô hữu muốn được kết quả cũng phải như vậy.
        a. Chịu tỉa sửa : ( Jn 15,2 ) 
    Phải cắt đi những cành lá rườm rà gây trở ngại cho sự kết quả. Cũng vậy, cuộc sống xa hoa, ích kỷ, kiêu căng, háo danh, ham lợi... như hạt giống rơi vào bụi gai, bị nghẹt ngòi không thể nào kết quả được ( Mt 13,22 ), nên TC phải tỉa sửa bằng nhũng sự ốm đau, bắt bớ, đói khát, gian truân, vất vả... nói chung là hoạn nạn, để làm cho đời sống chúng ta được kết quả ( Her 12,11 ). "Lửa thử vàng, gian nan thử đức"- Đây là câu tục ngữ của người Việt Nam.
        b. Ở trong gốc : ( Jn 15,4-8 )  
    Chúa chỉ ra sự bất lực hoàn toàn của chúng ta, nhân vô thập toàn, ngoài Ngài chúng ta không làm chi được ( Jn 15,5 ), giống như nhành nho không ở trong gốc nho thì chỉ có ném ra ngoài, héo khô rồi đốt bỏ ( Jn 15,6 ). Nhành ở trong gốc thì có trái, và nhiều trái, chúng ta ở trong Chúa cũng vậy. Ở trong Chúa có nghĩa là bám chặt, tin cậy, nương nhờ và hoàn toàn lệ thuộc Ngài. Phó thác cho Chúa và vâng phục Chúa để chúng ta nhận được Sự Sống, Sự Sáng từ nơi Chúa và mọi nhu cầu, hầu cho cuộc đời chúng ta có kết quả. Chúng ta phải thành kính thưa rằng : "Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra, tôi không có phước gì khác" ( Tv 16,2 ).
        c. Vâng lời luôn : ( Jn 15,9-11 )  
    Nhành nho giữ một thái độ im lặng và vâng lời trọn vẹn để được kết quả, thì đời sống chúng ta không khác gì nhành nho. Vâng lời là dấu hiệu của sự tin yêu. Con cái tin tưởng và thương yêu cha mẹ thì muốn vâng lời; con cái vâng lời cha mẹ thì càng được tin tưởng và thương yêu. Khi cha mẹ không còn cất lên tiếng nói được nữa thì con cái vâng lời cha mẹ là cách phục vụ cha mẹ làm cho cha mẹ vui lòng. Con cái Chúa vâng lời Chúa vì tin yêu Chúa thì đời sống đó chắc chắn đạt kết quả.
    Điều răn mà Chúa muốn chúng ta vâng giữ đây là gì ? Là thương yêu như Chúa đã thương yêu chúng ta ( Jn 15,12-14 ). Chúa thương yêu chúng ta đến nỗi phó mạng sống mình.


4. Chủ đích của Chúa :
    Bức tranh gốc nho và nhành là hình ảnh đẹp nhất về sự hiệp nhất giữa chúng ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau.
    "Thầy là cây nho, anh em là nhành"( Jn 15,5 ). Chúa muốn nói như "gốc nho với nhành nho là một, thì ta với các ngươi cũng vậy". Nhành nho thuộc về gốc thì gốc nho cũng thuộc về nhành. Nhành nho ở trong gốc thì gốc nho cũng ở trong nhành. Ai đụng đến nhành nho là đụng đến gốc nho, ai đụng đến gốc nho là đụng đến nhành nho. Ai đụng đến Chúa là đụng đến chúng ta.
    Nếu các nhành nho hiệp nhất với gốc nho thì chúng cũng hiệp nhất với nhau. Nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa thì cũng hiệp nhất với nhau. Vì trong một cây nho, dầu có bao nhiêu nhành cũng cùng ở chung một gốc, cùng hưởng một thứ nhựa mủ, cùng có một mục đích là kết quả. Trong Hội Thánh dầu có bao nhiêu tín hữu thì cũng cùng ở trong Chúa, cùng hưởng sự sống của Chúa để cùng kết quả cho Chúa ( x Jn 15,15-17 ).
    Chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta; như nhành nho ở trong gốc và gốc nho ở trong nhành thì sẽ đem lại lợi ích hỗ tương. Nhành nho không thể nào ra trái nếu không nhờ gốc, gốc nho cũng không thể nào ra trái nếu không nhờ nhành, không có sự khuếch tán của ánh sáng mặt trời. Chúng ta cần đến Chúa và Chúa cần đến chúng ta. Ngài bày tỏ công việc của Ngài qua đời sống chúng ta miễn là chúng ta biết phú dâng cho Ngài.
    Trên đây là ý nghĩa một đời sống tương giao mật thiết với Chúa và với nhau, đồng thời cũng là một đời sống làm chứng nhân cho Chúa giữa mọi người. Hãy để Ngài tự do sống lại cuộc đời quyền năng của Ngài trong chúng ta hầu cho Ngài hoàn tất chủ đích của Chúa Cha.
    Trong sự hiệp nhất với Chúa, Ngài không gọi chúng ta là đầy tớ mà là bạn hữu ( Jn 15, 14-15 ). Chúng ta không đi một mình, không đơn độc, không làm việc một mình, song đi với Chúa và với nhau. Chúa cũng hiệp nhất với chúng ta trong sự cầu xin để lời nguyện cầu của chúng ta được nhậm, đời sống của chúng ta được ở trong Ngài.

5. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con luôn giữ được sự tương giao mật thiết với Chúa và đời sống con phản ảnh được chính Ngài.
    Chúa ơi, con biết đời sống con cần được tỉa sửa nhiều hơn. Xin thêm sức cho con để con luôn ở trong Ngài, vâng phục và sống đời sống có kết quả cho Ngài.
    Lạy Chúa, xin nắm giữ con trong mối liên hệ mật thiết với Ngài, và xin Ngài giúp con luôn bám lấy Ngài và hiệp nhất với con cái Chúa trong phục vụ.

JB.SĨ TRỌNG.