Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Huyền nhiệm tình ngôn tận

       ( Vài cảm nhận khi đọc sách Khải Huyền )

    Đây là bài viết tôi phải mất thời gian nhiều nhất để suy tư và đặt tựa đề. Tôi dành thời gian vào ban đêm để viết, vì ban ngày bận quá nhiều việc. Tôi lo tu sửa ngôi nhà mình mới mua được. Dù gì đi nữa, tôi cũng ưu tiên cho việc xây dựng ngôi nhà tâm linh hơn là xây dựng ngôi nhà bằng gạch đá.
1. Mặc khải chung qua một người :    
    Tôi không hiểu vì sao hiện nay có những người thích đọc "mặc khải tư" hơn là đọc Phúc Âm. Có những tài liệu in ấn cho rằng đó là mặc khải tư, nhưng thực tế chưa được Giáo Hội nhìn nhận. Tôi cho rằng Khải Huyền không phải là một mặc khải tư mà là một mặc khải chung cho Giáo Hội. Kinh Thánh trọn bộ, cả Cựu ước và Tân ước thì đây là cuốn sách cuối cùng.
   Chúng ta đều biết Thánh Gioan Tông Đồ là tác giả Phúc Âm Gioan, các bức thư I, II, III Gioan và sách Khải Huyền. Chúng ta đã rút ra nhiều bài học bổ ích từ Phúc Âm Gioan và các thư của Gioan, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tiếp tục tìm hiểu và học từ quyển sách lạ lùng còn lại. Trước hết chúng ta thấy trong Kh 1,1-4 có những mặc khải đường lối Chúa cho con dân Ngài về những việc sắp xảy ra.
    Nguồn gốc mặc khải này là Thánh Gioan nhận được những khải thị từ Thiên Chúa ( TC ). TC Cha đã nhờ Chúa Giêsu ( GS ) Kitô để chuyển tải thông điệp đến với nhân loại. Chúa GS sai Thiên sứ Ngài giải thích cho Gioan, Gioan vâng lời Chúa truyền, ghi chép đầy đủ những điều nghe thấy rồi gởi cho bảy Hội Thánh ở Tiểu Á ( Kh 1,11 v 22,16a ). Trải qua một thời gian dài hơn 18 thế kỷ, Khải Huyền dường như là một quyển sách bị đóng lại, bị niêm phong vì khó hiểu và vì nhiều người tin rằng những khải thị ấy dành cho thời kỳ cuối cùng, không xảy ra trong đời họ, họ chỉ chú tâm đến những lẽ thật cần thiết nhất cho thời đại của họ. Mãi  đến thế kỷ 19 người ta mới bắt đầu để ý và nghiên cứu sách Khải Huyền.
    Nhiều diễn biến xảy ra trên thế giới hiện nay làm ứng nghiệm cách rõ ràng những lời tiên tri trong sách Daniel và Khải Huyền, khiến chúng ta tin rằng giờ cuối cùng đã điểm. Chúng ta hãy nhờ ơn Chúa làm một khoen trong dây chuyền khải thị của Chúa. Có nhiều người sốt sắng chia sẻ khải thị của mình ( họ xem là một mặc khải tư ) cho người khác, nhưng có khi đó không phải là khải thị từ TC hay từ Chúa GS mà đến. Chúng ta không chối cải là trong những ngày cuối cùng, nhiều "con trai con gái sẽ nói tiên tri, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng"( Cv 2,17 ). Nhưng cũng hãy nhớ lời chính Chúa GS đã phán rằng : "Nhiều kẻ sẽ mạo danh Ta, tự xưng là Chúa Cứu thế, làm cho nhiều người bị lầm lạc...Nhiều tiên tri giả sẽ nỗi lên, quyến rũ nhiều người vào con đường lầm lạc"( Mt 24,5-10 ) - Có sách dịch : "Nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người"( xem thêm từ Mc 13,5-13 v Lc 21,8-19 ). Cách đây hơn mười năm, có tin cho biết giữa mấy trăm ngàn người dân tộc H'mông ở miền Bắc VN mới tin theo Chúa, đã có một người nổi lên tự xưng là Chúa Cứu Thế và đã quyến rũ hằng chục ngàn người vào con đường lầm lạc. Người H'mông theo đạo Chúa ở Tây Bắc giúp họ giảm bớt những hủ tục trong tổ chức cưới hỏi, đám tang hay việc chữa bệnh. Họ dễ bị quyến rũ vì không biết Lời Chúa, không được đọc, không được học, không được nghe những khải thị từ nơi TC, từ nơi Chúa GS, từ nơi Chúa Thánh Thần và qua các Thiên sứ, hay là những tôi tớ của Ngài.

2. Lời hứa Phúc lành :
    Trong thời kỳ sách Khải Huyền mới ra đời, chỉ có một bản tại các Hội Thánh, khi tín hữu họp lại thì đem ra đọc cho nhau nghe. Những bản cổ sao xuất hiện, được sao lại từ nguyên bản cách cẩn thận và công phu, tốn kém nhiều thì giờ và tiền bạc nên ít ai có thể có được một bản riêng cho mình. Chúa hứa ban phúc cho người đọc sách này và người nghe đọc sách này. Chỉ đọc và nghe không cũng đã được phúc rồi; và khi cả hai người đọc và người nghe thực hành điều đã đọc và đã nghe thì lại càng được phúc nhiều hơn nữa ( Kh 1,3 ). Chúng ta chỉ đúng khi chú tâm về việc thực hành Lời Chúa như Giacôbê dạy : "Đạo Chúa không phải chỉ để nghe suông nhưng để thực hành. Đừng tự dối mình cho rằng chỉ nghe là đủ"( Gb 1,22 ). Nhưng nếu không đọc, không nghe thì làm sao thực hành ? Đọc và nghe lời Kinh Thánh là đã vâng Lời Chúa, và người vâng Lời Chúa thì được phúc. Khi thực hành thì lại được phúc thêm. Lời Chúa không những là những mạng lệnh buộc ta phải thi hành, những lời dạy khuyên mà chúng ta phải tuân thủ, những "kim chỉ nam" chúng ta phải đi theo; nhưng còn là những lời an ủi, khích lệ, những giải đáp thắc mắc, những khải thị về tương lai.v.v...mà chúng ta không tìm được ở một sách nào khác. Nếu Lời Chúa được ví như thức ăn thì sự đọc và nghe có nghĩa là nhai và nuốt, nhờ đó đã được phúc rồi !
    Có một người ngoại giáo đau bệnh nằm một chỗ, khi được một người có đạo hướng dẫn tin theo Chúa, người có đạo tặng cho một cuốn Kinh Thánh và bảo anh hãy đọc. Anh ta mở trang đầu : Mt 1,1-17 thấy đầy những tên khó đọc, anh nói rằng chẳng khác gì cuốn điện thoại niên giám, và anh thấy chán không muốn đọc. Hơn nữa, trong lúc anh ta đau gần chết mà đọc thấy nói về ông nầy sinh ông kia, ông kia sinh ông nọ khiến anh ta lại càng chán thêm. Khi người có đạo kia trở lại thăm, hỏi anh đã đọc Kinh Thánh chưa, anh ta trả lời như trên. Người có đạo hỏi anh có ăn cá không, anh ta nói có; người có đạo hỏi tiếp khi ăn cá gặp xương thì sao, anh ta trả lời để xương qua một bên, chỉ ăn thịt mà thôi. Người có đạo tiếp rằng việc đọc Kinh Thánh cũng giống như vậy, những chỗ nào khó hiểu hãy để qua một bên, tiếp thu những chỗ hiểu được là được rồi, những chỗ khó hiểu dần dần về sau sẽ hiểu được khi Chúa soi sáng cho. Ít ai hiểu được ý nghĩa bản gia phả Chúa GS nên nhiều khi đọc Kinh Thánh thường người ta bỏ qua 17 câu này. Xin nhắc lại : Khi cần Chúa sẽ soi sáng cho hiểu được Lời Ngài. Hơn nữa, Chúa hứa ban phước cho người đọc, nghe và thực hành theo những khải thị được ghi chép "vì những việc này sắp xảy ra"( Kh 1,3 ).


3. Lời cầu chúc đầy quyền năng :
    Khi Thánh Gioan Tông Đồ viết sách Khải Huyền thì Hội Thánh đang gặp "hoạn nạn", đang bị khó khăn và bị bắt bớ dữ dội. Chính Gioan tuy đã già nhưng cũng không khỏi "bị tù trên đảo Bát-mô vì truyền giảng đạo Chúa và làm chứng cho Chúa GS"( Kh 1,9b ). Đọc qua 7 bức thư ngắn trong chương II và III, chúng ta thấy các tín hữu đang "chịu khổ vì danh Chúa"( Kh 2,3 ), bị "tống giam vào ngục tối", bị "khủng bố", bị "giết chết"( Kh 2,10-13 ). Bên trong Hội Thánh thì có "những người mạo xưng là tông đồ"( Kh 2,2b ), phái Ni-cô-la (Kh 2,6-7 ), tín hữu "mạo danh con cái Đức Chúa Trời mà thật ra là hội viên của Satan"( Kh 2,9 v 3,9 ), đạo Bi-lơ-am ( Kh 2,14 ), nữ tiên tri giả I-de-ven ( Kh 2,20 ). Trong tình trạng như thế, ân sủng và bình an đến từ Ba Ngôi TC rất cần thiết cho các Hội Thánh.
    Ân sủng là gì ? Tôi đã tìm qua mạng và thấy được, có người giải nghĩa "ân sủng"( tiếng Anh là Grace ) bằng cách ghép vào các nguyên âm và phụ âm trong danh từ GRACE như sau : G = Gift ( quà biếu tặng ), R = Received ( được lãnh nhận ), A = At ( do ), C = Christ (Chúa Cứu Thế ), và E = Expenxe ( phí tổn ). Như thế ân sủng có nghĩ là quà tặng được nhận lãnh do Chúa Cứu Thế trả phí tổn. Tặng là cho không khác với tiền công hay ban thưởng. Chúng ta đều biết ân sủng ấy là sự cứu rỗi ban cho chúng ta là những tội nhân chỉ đáng bị hư mất. Thánh Phaolô đã viết cho Tít trong chương 2, câu11-14 : "Ân sủng của TC đã được biểu lộ, đem ơn Cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô GS là TC vĩ đại và là Đấng Cứu độ chúng ta xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện". Đấy là điều tín hữu các Hội Thánh ở Tiểu Á cần và chúng ta ngày nay cũng cần, cần muôn phần hơn là những nhu cầu vật chất. Lời mời gọi trong Khải Huyền là : "Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh Nước Trường sinh mà không phải trả tiền"( Kh 22,17b ).
    Có ân sủng mới có bình an, bình an với TC và bình an với nhau. Bình an nội tâm dầu bên ngoài có chiến tranh và rối loạn, có bắt bớ và đàn áp, có đau yếu và dịch bệnh, có thiếu thốn và nghèo đói... Trước khi lên Thập tự giá, Chúa GS đã phán với các Môn đệ Ngài rằng : "Thầy để lại bình an cho anh em ( bình an trong tâm hồn ), Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi"( Jn 14,27 ). Khi sống lại và hiện ra với các Môn đệ, lời đầu tiên Chúa phán với họ là "Bình an cho anh em"( Jn 19,19 ). Bình an là hoa trái của ân sủng. Nhận được ân sủng thì có bình an, và ấy là thứ bình an nội tâm, "sự bình an của TC mà con người không thể nào hiểu thấu sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em khi anh em tin cậy Chúa"( Php 4,7 ). Tôi rất thích câu cuối cùng của sách Khải Huyền, vì đây cũng là lời chúc của chính tác giả, của người đã được thị kiến : "Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa GS"( Kh 22,21 ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con làm một khoen nhỏ trong dây chuyền khải thị của Ngài. Xin cho con tin lời Chúa hứa và trung tín đọc, nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
    Lạy Chúa, xin cho con trong mọi cảnh huống của cuộc đời con đừng bao giờ nghi ngờ tình thương của Chúa để con nhận được ân sủng và sự bình an của Chúa từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Con cảm tạ Chúa !

JB.SĨ TRỌNG.

1 nhận xét:

  1. Best 777 Casino Resort - Mapyro
    777 Casino Resort is located in Stateline, 속초 출장안마 United States of America. The 거제 출장안마 777 Casino 보령 출장안마 Resort is 강원도 출장마사지 located on the casino 시흥 출장마사지 floor near Stateline Mall.

    Trả lờiXóa