Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Đón tiếp nhau trong Chúa

( Thân tặng chị Bích - Tùng. Nhờ buổi gặp gỡ, nói chuyện với chị mà JB viết nên bài này )
1. Tầm quan trọng của việc đón tiếp ? :   
    Tiếp tân, tiếp đón là một phần rất quan trọng của nhiều ngành nghề trong xã hội. Cách tiếp đón là một yếu tố định đoạt sự thành công của các cơ sở doanh nghiệp. Một tiệm buôn, một quán ăn mà tiếp đón không nồng hậu, không lịch sự thì sẽ bị mất khách. Ngược lại, nhờ tiếp tân tốt mà nhiều cửa hàng trở nên phồn thịnh. Trong sinh hoạt Hội Thánh ( HT ), các HT tiếp đón những người đến với HT cũng rất quan trọng. HT có thể xua đuổi các thân tín hữu, nếu chúng ta tiếp đón họ một cách lạnh nhạt, hời hợt, bất cần. Một linh mục coi thường giáo dân chính là linh mục ấy xúc phạm đến HT, xúc phạm đến thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Cũng ngược lại, nhờ sự tiếp đón thân mật mà nhiều thân hữu có cảm tình, có ấn tượng tốt về HT và muốn tiếp tục đến sinh hoạt với HT, liên hệ với nhà thờ. Nhờ đó mà họ có dịp nghe Phúc Âm và tin vào Chúa, gần gũi với các thành viên trong HT hơn. 
    Nói đến đây, có lẽ chúng ta thấy các linh mục chăm sóc Giáo xứ đóng một vai trò quan trọng ra sao tại nhà thờ, nhà xứ, vì các Ngài thường xuyên gặp giáo dân của mình. Các Ngài là bộ mặt của HT. Tuy nhiên, không chỉ các Ngài mới có trách nhiệm tiếp đón; mỗi chúng ta hằng ngày cũng có nhiều dịp tiếp đón người khác đến với mình. Dù muốn dù không, chúng ta đều là con cái Chúa. Cách chúng ta tiếp đón cũng có một tầm ảnh hưởng lớn lao. Chúng ta có thể được Chúa ban phước, có thể khiến cho người muốn tìm kiếm, gần gũi Chúa hơn; hay là chúng ta bị Chúa quở trách, và khiến người ta xa Chúa tùy cách chúng ta tiếp người khác. Là con cái Chúa, chúng ta cần tiếp đón làm sao cho thật tốt đẹp.

2. Cách đón tiếp nhau trong Chúa :
    a. Kinh Thánh dạy chúng ta trong cách tiếp đón nhau ấy là : Hãy tiếp nhau như mình đang tiếp Chúa.
    Những người đầu tiên chúng ta cần chú ý để tiếp đón đó là các sứ giả của Chúa. Matthêu 10,40-42 cho biết : Ai tiếp rước các Môn đệ là tiếp rước Chúa. Những ai tiếp rước các Môn đệ, các Tông đồ của Chúa thì sẽ được Chúa ban thưởng. Công lao tiếp đón các Ngài sẽ được Chúa ghi nhận kể cả những công lao nhỏ nhặt như là cho các vị ấy một ly nước lã để uống. Các Tông đồ ngày xưa đã về với Chúa, nhưng ngày nay chúng ta cũng có các sứ giả khác của Chúa để tiếp đón. Họ là các Giám mục, linh mục, tu sĩ hay những anh chị em vì danh Chúa mà đến với chúng ta. Chúa cũng kể việc chúng ta tiếp những người này như là tiếp Chúa vậy.
   Tiếp theo, nhóm người chúng ta cần tiếp như mình đang tiếp Chúa, ấy là những người rất bình thường.
    Trong Matthêu 25,31-46, Chúa dạy rằng : Trong ngày phán xét sẽ có những người được Chúa khen thưởng vì thấy Chúa đói và đã cho ăn; thấy Chúa khát và đã cho uống; thấy Chúa là khách lạ và đã tiếp rước Chúa; thấy Chúa trần truồng và đã cho Chúa quần áo mặc; thấy Chúa bị đau, bị tù và đã thăm viếng Chúa. Những người này ngạc nhiên, thắc mắc rằng họ có từng thấy Chúa như vậy bao giờ đâu. Nhưng Chúa giải thích : "Qủa thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi làm việc đó cho một người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy". Trong Luca 9,48 Chúa dạy thêm rằng : "Hễ ai vì danh Ta mà tiếp con trẻ này, tức là tiếp Ta; còn ai tiếp Ta, tức là tiếp Đấng đã sai Ta". Trong Châm ngôn 19,17 Chúa cũng dạy rằng : "Ai thương xót người nghèo tức là cho Chúa vay mượn".
    Các dạy dỗ trên nhắc chúng ta hãy tiếp tất cả mọi người như là tiếp Chúa, vì Chúa xem việc chúng ta tiếp người khác có giá trị như là chúng ta tiếp Chúa. Ngài sẽ ban thưởng hay quở trách chúng ta tùy theo cách chúng ta tiếp người khác.
    Bạn tiếp những người xung quanh ra sao ? Bạn có biết rằng Chúa đã, đang và sẽ đến với bạn qua hình hài những người xung quanh bạn không ? Bạn có tiếp Ngài một cách kính trọng, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, che chở, bảo bọc không ? Hay là bạn khinh miệt, hắt hủi, coi thường Ngài ?
    Có chuyện kể rằng : Vào một ngày mưa tại thủ đô Luân Đôn xưa có một phụ nữ đã đứng tuổi đến gõ cửa một nhà nọ để mượn chiếc dù; vì bà đang trên đường về nhà, gặp trời mưa mà lại quên đem theo dù. Thấy áo quần luộm thuộm của người khách lạ, người chủ nhà đã vào nhà tìm chiếc dù cũ để cho khách mượn, vì nghĩ rằng cho người ấy mượn dù chắc không hy vọng lấy lại được. Người khách cảm ơn chủ nhà rối rít, rồi tiếp tục ra đi dưới trời mưa gió. Sáng hôm sau, một việc lạ lùng xảy ra : Khu phố đột nhiên rộn rịp ngựa xe. Nhìn kỹ, người ta thấy một toán ngự lâm quân của hoàng gia đang tiến đến căn nhà có người khách lạ gõ cửa hôm qua. Các ngự lâm quân đến gõ cửa. Chủ nhà vô cùng sợ hãi, không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng các ngự lâm quân đã trấn an họ và lễ phép đem chiếc dù cũ trả lại cho họ. Thì ra, người đàn bà hôm qua chính là nữ hoàng Victoria đã cải dạng thường dân đi thăm viếng dân chúng. Chủ nhà vô cùng hối tiếc vì đã không biết nữ hoàng mà tiếp đón cho xứng đáng.
    Hằng ngày chúng ta có cơ hội tiếp đón vị Vua cao quý hơn cả nữ hoàng Anh quốc. Chúa, Vua trên hết các vua đang cải trang thành cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè,...thành người hàng xóm, người cùng công sở, cùng cơ quan làm việc, thành người hành khất, người khách lạ.v.v...để gặp chúng ta. Chúng ta tiếp Ngài ra sao ?

    b. Chúa dạy chúng ta trong việc tiếp nhau, ấy là : Hãy tiếp nhau như Chúa đã tiếp chúng ta.
    Chúa đã tiếp chúng ta thế nào ?
    Trước hết chúng ta thấy Chúa tiếp chúng ta không phân biệt. Lúc Chúa mới vào đời, Ngài đã tiếp những mục đồng; những người chăn chiên đơn sơ, nghèo nàn, nhỏ bé; cũng như những nhà thông thái khôn ngoan, quyền quý. Trong những năm hành đạo, rao giảng Tin Mừng, Chúa đã từng tiếp những người học thức danh giá như Nicodemo, và Ngài cũng tiếp những phụ nữ xấu nết; những người thu thuế; những hành khất; những người mù; người phung hủi...và cả những người điên loạn. Chúa không trừ bỏ một ai. Ngày nay Chúa cũng tiếp tất cả mọi người muốn đến với Ngài, không phân biệt ai cả.
    Chúng ta có tiếp mọi người không phân biệt, giống như Chúa đã tiếp chúng ta không ? Hay là chúng ta khinh người nghèo, trọng người giàu có; khinh người thiếu học, trọng người trí thức; khinh người bình dân, trọng người có chức vị. Hãy nhớ rằng trước mặt Chúa, mọi người đều có một nhân phẩm, một giá trị cao quý, vì :
        - Tất cả đều mang hình ảnh Chúa.
        - Tất cả đều được Chúa yêu và chết thay cho.
        - Tất cả đều là con cái Chúa, có thể được biến đổi để trở nên giống Chúa, có thể được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước của Ngài.
    Trong chuyện cổ Trung Hoa, chúng ta có nghe chuyện ông Hàn Tín. Ông là một thiên tài quân sự. Nhưng lúc chưa gặp thời, còn hàn vi, ông phải sống rất thiếu thốn. Không ai giúp ông, trừ người bán thịt. Về sau, Hàn Tín phò Lưu Bang để xây dựng nhà Hán. Hàn Tín quả là một vị tướng giỏi, bách chiến bách thắng. Lúc thành danh, ông không quên ơn người bán thịt xưa kia đã giúp đỡ mình.
    Những người xung quanh chúng ta tuy không có tài năng như Hàn Tín, nhưng tất cả đều có tiềm năng lớn lao. Chúng ta có tiếp mọi người không phân biệt, như Chúa đã tiếp chúng ta chăng ?
    Chúng ta tiếp tục học cách tiếp nhau như Chúa đã tiếp chúng ta.
    Tin Mừng Matthêu 9,35-38 cho thấy Chúa tiếp mọi người với một tấm lòng đầy thương cảm. "Khi Ngài thấy đám dân đông thì động lòng thương xót, vì họ khốn khổ và tan lạc như chiên không có người chăn"( Mt 9,36 ). Với tấm lòng đầy thương cảm Chúa đã giảng dạy Phúc Âm, vì Ngài cảm thương sự bất an, cô đơn, khủng hoảng bởi tội lỗi ngự trong lòng loài người; Ngài đem sự cứu chuộc, an bình cho tâm hồn, cho đời sống. Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, vì Ngài cảm thương sự đói khát mà họ đang trông chờ nơi quyền năng của Ngài. Ngài đã chữa lành tật bệnh cho những người đến với Ngài vì Ngài cùng đau với cái đau thể xác, bệnh tật của họ. Chúa đến với chúng ta vì Ngài là tình yêu. Sự khốn cùng, tan tác của chúng ta đã động đến lòng thương xót của Ngài.
    Chúng ta tiếp người ta với tấm lòng ra sao ? Chúng ta thấy người khác thì thường có cảm giác nào, và chúng ta làm gì cho họ ? Có phải là khinh bỉ, ghê tởm để rồi xa lánh nếu thấy họ nghèo nàn, cùng khốn, bệnh tật; hay là ganh tức để rồi lên án nếu thấy họ giàu sang, thành công, quen biết các Đấng bề trên. Trong Matthêu chương 23, Chúa đã mạnh mẽ quở trách những người Pharisieu và các thầy thông giáo, vì những người này cố gắng "làm tròn các bổn phận tôn giáo đến mức hoàn hảo", nhưng họ lại thiếu lòng thương người, thiếu sự khiêm tốn. Con cái Chúa ngày nay cũng rất dễ phạm lỗi lầm tương tự như những người Pharisieu và các thầy thông giáo khi xưa. Càng lâu năm trong Chúa, chúng ta có thể rành rẽ các lẽ đạo và các nghi thức trong HT, chúng ta có thể trung tín trong việc dâng hiến và việc tham gia các sinh hoạt trong HT. Thậm chí chúng ta có thể trở thành những nhân sự đắc lực trong HT. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận. Lâu năm trong Chúa cũng dễ khiến chúng ta trở thành những người khó tánh, hay bắt bẻ, hay lên án, khó ở, và không mấy ai muốn đến gần. Chúng ta hãy nhìn gương Chúa Giêsu và nhờ ơn Thánh Thần để có tấm lòng quảng đại như Chúa, và rồi chúng ta có thể tiếp mọi người bằng tình thương như Chúa đã tiếp chúng ta...

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin ban cho con lòng yêu thương ân cần để con tiếp rước người của Chúa. Xin giúp con thương yêu, tôn trọng, tiếp đón những người Chúa đưa đến gia đình con. Xin cho các Linh mục có lòng quảng đại tiếp đón giáo dân và giải quyết cho họ những nhu cầu cần thiết với tất cả lương tâm và trách nhiệm, yêu thương và tế nhị để họ không bị tủi lòng.
    Lạy Chúa, con là người tội lỗi mà Chúa đã tiếp đón con làm con của Ngài. Xin ban cho con tấm lòng yêu thương của Ngài để con tiếp đón những người đến với con, giống như Chúa đã làm cho con. Xin cho con tấm lòng đầy tình yêu của Chúa khi con đến với người khác, để qua đó họ nhận biết Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét