Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Lời Chúa quyền năng và mầu nhiệm mặc khải

 "Một  cuốn  sách  đời  cứ  lật  mãi,
Trang nào cũng thấm đẫm đau thương
Nhờ trang Kinh Thánh khi chuyển tải,
Ánh  sáng  rọi  soi  mọi  nẻo  đường."

Có một người bạn đến nhà chơi, xem qua các kệ sách, đã nói với tôi rằng : Em đọc hết Tân ước rồi, xin thầy cho em mượn cuốn Cựu ước ?
Tôi đồng ý cho anh ta mượn cuốn Thánh Kinh Cựu ước, nhưng tôi nghĩ : Thật tội nghiệp cho anh ta vì anh ta "đọc hết rồi" ! Thánh Kinh mà "đọc hết rồi" thì xem như không đọc, vì "đọc hết rồi" chắc gì đã hiểu hết rồi !. Thêm vào đó, đọc Thánh Kinh hằng ngày ta càng khám phá ra những điều mới lạ. Đọc Thánh Kinh mà ''đọc hết rồi" tức là không thèm đọc lại nữa hay sao ? Đọc Thánh Kinh thì hoàn toàn khác với đọc các loại sách truyện ở đời. Lời Chúa linh ứng theo từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng điều kiện khác nhau, không bị méo mó đi nhưng luôn là một sự mới mẻ, nên Thánh Kinh đã đọc rồi thì cần phải đọc lại, cần phải đọc đi đọc lại nhiều hơn, càng đọc nhiều lần thì càng tốt.
 
1.Cảm nhận và cảm tính :
    Chúa Giêsu ( GS ) là nhà Sư phạm lỗi lạc, Lời Ngài mang ý nghĩa giáo huấn rất lớn. Cả hai tác giả Tin mừng Matthêu và Luca đều ghi lại lời Chúa GS rao giảng : "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ?"( Mt 7,3 v Lc 6,42 ). Ngày nay có người đặt vấn đề "Sao Chúa không nói đến cây cột mà lại nói đến cây xà ?" Lối nói phóng đại của Chúa GS là một sự trào lộng, hóm hỉnh. Chúa GS dùng hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài, đó là hình ảnh cái rác nhỏ như bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình - Một cái thì thật bé, một cái thì to và dài khó lòng ở trong mắt được, chỉ có nằm ngang bên ngoài và che luôn cả hai mắt. Ý Chúa muốn diễn tả sự tối tăm từ bên trong của tâm hồn : Người ta chỉ muốn nghiêm khắc phán xét người khác mà không nghiêm khắc với chính bản thân mình, thấy từng lỗi nhỏ của anh em mà không thấy lỗi lớn của mình. Xem một số tư liệu hình ảnh nhà ở Palestine thời đó họ không làm cột, thường có nóc bằng phẳng, có cầu thang bên ngoài để leo lên. Nóc nhà gồm những cây xà thẳng, đặt từ vách này sang vách kia, mỗi cây cách nhau khoảng một mét. Cây xà là hình ảnh thông dụng nhất có thể đập vào mắt người ta, Chúa GS thấy được điều quen thuộc đó nên Ngài đã sử dụng trong cách diễn đạt của mình. Mặc khác, Chúa GS còn muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do Thái thời Ngài, chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta ngày nay. Chúa GS có ý muốn nói rằng : Muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải biết điều mình hướng dẫn, điều mình dạy trước, vì "mù dắt mù cả hai cùng rớt xuống hố"( Lc 6,39 ). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình.
    Ơn Chúa soi sáng cho mỗi người, có khi một câu Lời Chúa bình thường thôi nhưng chứa đựng kiến thức thần học rất lớn. Chẳng hạn như : "Ai có lại có thêm, ai không có bị dấu luôn điều họ tưởng là có''( Lc 8,18 ) hoặc : "Khi hạt đã chín, người ta liền tra lưỡi hái vào, vì mùa gặt đã đến"( Mc 4,29 ) hoặc : "Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ" ( Jn 4,36 )...Những câu này hiểu nghĩa đen cũng đúng, mà hiểu nghĩa rộng thì lại càng phong phú. Gía trị là ở chỗ đó, chứ không phải chỉ thấy cuộc đời đau khổ, liên hệ qua Kinh Sách để đồng cảm với chính mình là đủ. Sự đau khổ duy nhất mà mỗi người có thể đối phó là tư tưởng đau khổ trong chính thâm tâm của họ. Chỉ đồng cảm thôi cũng chưa giải phóng mình được. Điều này đạo Phật họ thường chỉ có liên hệ như thế. Riêng đạo Công giáo, người tín hữu thấy vui vì có thể hiểu cả nghĩa đen, nghĩa bóng đều đúng và cần hiểu thêm cả những giá trị thần học, giá trị của ơn cứu độ. Dân ngoại thì không thể hiểu được - Đúng như lời Chúa Giêsu đã phán : "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn với kẻ khác thì đôi khi họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu"( Lc 8,10 )
    Một đồng nghiệp ở cạnh nhà, có lần tâm sự với tôi rằng : "Này ông Sĩ ơi, xem trên mạng nhiều nhưng sao tôi nhận thấy mấy vị sư chùa bên Phật giáo giảng có vẽ dễ hiểu, còn các Cha của mình giảng sao khó hiểu, cao siêu quá !". Tôi trả lời cho anh ta : "Thật đáng tiếc cho anh, tại vì anh ít đọc Kinh Thánh. Anh thường xuyên đọc Kinh Thánh thì Ơn Chúa sẽ cho anh hiểu. Nếu như có những điều không hiểu thì điều đó cũng thú vị hơn những điều mà anh cho rằng dễ hiểu, những điều quá dễ hiểu thì cần gì phải nói nữa. Phật giáo họ chỉ thấy cái đau khổ cuộc đời, rồi họ dễ đồng cảm thôi, họ an ủi vì phù hợp với cảnh ngộ, chứ họ đâu có thấy được giá trị của ơn Cứu độ mà chính Đức Giêsu phải đổ máu ra hay sự buông bỏ, thiền định, quy hướng về Thượng Đế mà Đức Thích Ca đã đạt được. Ngoài giá trị tự nhiên, Kytô giáo còn hiểu một giá trị thần học làm cho cuộc sống trở nên vui vẻ lạc quan, đầy hy vọng; không u ám, ảm đạm như một số tín hữu Phật giáo". Cuộc đời đau khổ ai mà không biết, nếu chỉ nói đau khổ không thôi thì quá đơn điệu ! Hiếu thảo với cha mẹ ai mà không hay, nếu chỉ nói về lòng hiếu thảo thôi thì cũng quá đơn điệu ! Một nhà sư Phật giáo khi đến tụng kinh cho một người mới qua đời, trong lời kinh có ý muốn giáo dục con cháu trong gia đình nên nhà sư đọc lên những câu ca dao : "Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" hoặc:"Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ / Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha"...nghe có vẽ sáo và đơn điệu làm sao ! (Nói vậy có người cho tôi là bất hiếu chăng ? )

                      Chiều đi đám cưới, tối đám ma
                      Thăm hỏi người ta đến tận nhà
                      Cứ nghĩ kiếp người là như thế,
                      Lúc   gần,   rồi   lại   có  lúc  xa.

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết : "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu.Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". Rất tiếc là Nhạc sĩ họ Trịnh đã không thấy được Đức Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá ! Nhạc sĩ họ Trịnh thấy cây thập giá đời nhưng ông ta không thấy được Đấng bị chết treo trên ấy.

    Nếu chúng ta không có đôi chút hiểu biết về đời sống tâm linh, cuộc đời chúng ta không bao giờ thật sự là an toàn. Tất cả những vấn đề phức tạp, đau khổ của đời sống bắt nguồn từ sự thiếu vắng cái cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa.

2.Lời Chúa quyền năng :
    Tại sao lúc Chúa GS chịu cám dỗ, ma quỷ dùng Lời Chúa để nói : "Có lời chép rằng..." Chúa GS cũng dùng Lời Chúa để đối đáp lại : "Có lời chép rằng..." Kết cục Chúa GS thắng, ma quỷ phải chịu thua ? Một thầy giáo dạy môn Ngữ văn có học vị Cao học đã cho rằng đó là nghệ thuật giao tiếp, vế sau bao giờ cũng mạnh hơn vế trước. Riêng cá nhân tôi, tôi không nghĩ vậy, tôi cho rằng Lời Chúa là Lời quyền năng, Thiên Chúa trực tiếp tuyên phán làm cho ma quỷ phải khiếp sợ ! 
    Đọc Thánh Kinh ta thấy Lời Chúa quyền năng. Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhưng Lời Chúa cũng là Lời quyền năng - Thiên Chúa tỏ rõ uy quyền của mình qua những lời mà Ngài đã phán dạy. Chúa Giêsu dùng uy quyền để giảng dạy. Đúng như vậy, vì Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngôi Lời ở giữa thế gian đầy ơn trọng và lẽ thật ( Jn 1,14b ), do đó Ngài giảng với tất cả uy quyền của Chúa Cha đã sai Ngài đến. Chúa Giêsu bảo : "Ai có tai hãy nghe"( câu này được lặp lại nhiều lần trong quá trình rao giảng), không nghe thì thôi, chẳng bắt buộc gì. Uy quyền ở đây không phải là bắt ép người ta hiểu, nhưng là quyền năng phán ra làm cho ma quỷ phải khiếp sợ, và quyền năng có thể hoán cải được tâm hồn người khác; kích thích lòng mến, sự hăng say cho họ, kèm theo với sự ăn năn sám hối của họ. Khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan, thì sau đó Ngài công khai rao giảng. Giáo huấn của Chúa Giêsu đem lại sự giải thoát cho con người, lâu nay con người bị ràng buộc biết bao tục lệ ăn sâu vào não trạng, làm cho họ không được tự do thoải mái. Sau này khi đi Rao giảng, có lần Chúa Giêsu nói rõ ràng : "Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jérusalem...Nhưng giờ đã đến, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế"( x Jn 4,21-24 ). Người Việt Nam ảnh hưởng bởi một nền văn hóa lâu đời của cha ông bị giặc Tàu ngàn năm đô hộ, nên đến hôm nay có một số người vẫn còn kiên cử nhiều thứ. 
    Cũng có những cảnh ngộ Chúa Giêsu dùng quyền năng để làm phép lạ và Ngài cũng nói lên lời ủi an, chẳng hạn Chúa Giêsu làm cho con trai thiếu phụ thành Naim sống lại và Ngài bảo người thiếu phụ "Đừng khóc nữa !".

    Chúa Giêsu làm phép lạ trừ quỷ, chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền trên quỷ dữ. Phép lạ Chúa Giêsu làm gây sự kinh ngạc nơi dân chúng, ngược lại, những kẻ chống đối Chúa thì chất vấn Ngài : "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?", ma quỷ thì tỏ ra khiếp sợ thật sự : "Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?"( Mc 1,24 ). Chúa Giêsu không tiêu diệt ma quỷ, Ngài chỉ xua đuổi ma quỷ mà thôi. Và hình như thế gian này là nơi để phạt cầm ma quỷ, nên thế lực ma quỷ ngày mỗi mạnh hơn. Hình như ma quỷ đang nổi loạn và tìm cách quấy phá Giáo Hội (!) Ta hãy nghe lời của ma quỷ được Kinh Thánh ghi lại trong cuộc cám dỗ với Chúa Giêsu : "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý"( Lc 4,6 v Mt 4,8-9 ). Ngon chưa, ghê gớm chưa, "quyền ấy được trao cho tôi" - ma quỷ nói - chúng chứng tỏ quyền lực ở thế gian, chúng ra sức tung hoành và hiếu chiến; đạo nào tôn thờ chúng nó thì đạo ấy chính là nơi ẩn náu của chúng nó. Ma quỷ cũng thuộc Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh để đối đáp( x Mt 4,6 v Lc 4,10-11 ). Chúa Giêsu hoàn toàn cự tuyệt với ma quỷ và Ngài tuyên bố "Nước của Ta không phải thuộc về thế gian"( Jn 18,36 ). Chúa Giêsu cũng dùng Kinh Thánh để đập lại : "Có lời chép rằng" - lời này được lặp lại 3 lần ( x Mt 4,1-11 v Lc 4,1-13 ). Và quả thật, chỉ có Lời Chúa mới làm cho ma quỷ khiếp sợ. Nếu ta bị cám dỗ mà ta cố giảm cũng không được, điều quan trọng là ta biết cách chiến đấu. Chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu. Chiến đấu không ngừng, vì có bao giờ ma quỷ nó chịu thua đâu, nó luôn tìm cơ hội. Khi thất bại ở cơ hội này thì nó chờ cơ hội khác để tiếp tục cám dỗ ( Lc 4,13 ). Ngày nay, nhiều người sống dựa vào vinh hoa lợi lộc thế gian mà quên mất giá trị đời sống vĩnh cửu, họ tự đánh mất giá trị của chính mình, họ là kẻ chú tâm vào những việc bề ngoài mà bỏ bê sự phát triển tâm linh của chính mình, họ tự cho rằng không có thời gian để cầu nguyện, để đọc Kinh Thánh nên họ đã tốn rất nhiều thời gian cho bệnh tật và những nỗi lo lắng muộn phiền khác.
    Ở đời, có người biết rõ Chúa Giêsu là ai rồi, nhưng có khi họ lại không phục tùng Ngài. Điều này cũng dễ hiểu thôi, không khác gì những người Do Thái xưa, họ biết Chúa Giêsu là ai rồi nhưng họ vẫn cứ thắc mắc, có khi họ ưa đưa ra những lý do để cật vấn : "Hãy nói cho chúng tôi, bởi quyền phép nào mà Thầy làm những điều này, hay là ai đã ban cho Thầy quyền phép ấy ?"( Lc 20,2 ).
    Chúa Giêsu khi gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, lúc đầu người phụ nữ ấy chỉ tưởng Ngài là Đấng Tiên tri, nhưng sau đó qua cuộc đối thoại, bà ta nhận ra Ngài là Đấng Méssia, và Lời Chúa quyền năng đã biến đổi bà thành phụ nữ thừa sai đầu tiên đi vào làng mạc để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (x Jn 4,1-42 ).

    Tác giả sách "Xuất hành" cho biết khi Môi sê được Thiên Chúa tỏ cho ông biết sự tốt lành của Người thì ông lấy khăn che mặt và Môi sê không dám nhìn Chúa ( Xh 3,6 ). Thánh Vịnh lại đặt câu hỏi : "Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ nơi nhà Chúa ?", câu trả lời : "Chính là người sống thanh liêm và thực thi công chính...Người không làm điều gì ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục ai lân cận" ( Tv 15 ).Do vậy, ta không thể đến với Chúa nếu như ta không tỏ lòng thần phục và kính sợ Người, hay những việc làm của ta không có sự ngay thẳng, công bằng.

3.Mầu nhiệm mặc khải :
    Nói gì thì nói, tôi vẫn thấy lòng kính sợ Chúa là một ơn đặc biệt Chúa ban cho, chứ không phải là ai cũng biết kính sợ Chúa cả đâu. Kính sợ Chúa chứ không phải là kính sợ ma quỷ, đừng thấy những dấu hiệu kỳ lạ của ma quỷ làm mà vội tin theo rồi thờ lạy và kính sợ nó. Người biết kính sợ Chúa thì họ cảm nghiệm : Kính sợ Chúa là nguồn của mọi tri thức, mọi hiểu biết, từ đó họ đánh bạt đi những phép mầu ma quỷ đưa ra để cám dỗ.Vì chính Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ muôn loài; ngay cả Ngôi Lời cũng thế, Ngài thể hiện quyền năng rất rõ, Thánh Gioan Tông đồ đã viết : "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành"( Jn 1,3 v Cl 1,16 ). Trong Cựu ước, "Sáng thế" cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ "Thiên Chúa phán", và dần dần mọi vật xuất hiện. Thiên Chúa phán chính là Ngôi Lời, được mặc khải, được tỏ lộ ra cho loài người dễ nhận biết (x Sáng thế, chương 1). Thuở ban đầu ấy, khi vạn vật chưa được tạo thành thì "Thần Khí Thiên Chúa lượn là trên mặt nước" -  Ở đâu có nước thì ở đó có sự sống cơ mà ! Thánh Thần đang vận hành để vạn vật được tạo thành, để sự sống được sinh sôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi giúp ta nhận biết cả Ba Ngôi đều có từ thuở đời đời, quyền năng như nhau, chứ không ngôi nào  hơn ngôi nào, không ngôi nào có trước có sau. Ngày nay, khi nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, phải nói về quyền năng Thiên Chúa vì đó là một mầu nhiệm mặc khải. Chỉ nhìn nhận, đón nhận chân lý ấy chứ không cần phải cắt nghĩa gì cả. Ngôn ngữ loài người rất hạn chế làm sao cắt nghĩa được một mầu nhiệm, càng cắt nghĩa càng lúng túng, càng dễ bị xúc phạm. 
Quyền năng từ Lời được mặc khải qua các biến cố :
     1. Chúa Giê su chịu phép Rửa ở sông Giodan( x Mt 3,13-17 v Mc 1,12-13 v Lc 4,1-13 )
     2. Chúa biến hình trên núi Tabore( x Mt 17,1-8 v Mc 9,2-8 v Lc 9,28-36 )
     3. Chúa ban huấn lệnh cuối cùng cho các Môn đệ ( x Mt 28,16-20 ).

    Biến cố nào cũng có Lời phán, hai biến cố đầu có tiếng Chúa Cha phán, biến cố cuối cùng chính Chúa Giêsu Ngôi Lời phán : "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, Rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"( Mt 28,19 ). Cả ba biến cố đều xuất hiện ánh sáng lưu ly, tỏa ngợp, chan chứa vẻ đẹp Thánh Linh. 
Lời Chúa quyền năng đã biến nước lã thành rượu ngon, biến bánh rượu thành Mình và Máu của Chúa nuôi sống nhân loại cho đến ngày hôm nay.
    Thiết tưởng cũng nên nhắc lại : Chúa Ba Ngôi được mặc khải qua Cựu ước. Ngay những câu đầu sách Sáng Thế nói rõ : "Thuở ban đầu Thiên Chúa dựng nên trời và đất, mặt đất hoang vu trống rỗng, Thần Khí Thiên Chúa lượn là trên mặt nước, Thiên Chúa phán ( Ngôi Lời ) :..."( dần dần các tạo vật xuất hiện ). Kinh "Sáng danh" Giáo Hội truyền dạy cũng bắt nguồn từ Cựu ước, cũng tuyên xưng được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
    Thiên Chúa mặc khải - vì Chúa yêu thương con người nên Chúa mới mặc khải. Sự tỏ lộ dung nhan, diện mạo của Chúa như là một mặc khải cuối cùng mà Chúa cần phải đạt được. Có dung nhan, diện mạo nào bằng dung nhan diện mạo Chúa Kitô phải chết treo trên thập tự giá, nhưng qua đó Thiên Chúa tỏ lộ sự phục sinh như phép lạ biến hình trên núi Taboré - tỏ lộ sự sáng láng, vinh quang của Đức Chúa Cha.
    Mặc khải - Có những điều chúng ta không biết, nhờ Chúa mặc khải thì ta mới hiểu, khai phá sự bí nhiệm trong mầu nhiệm. Ơn Chúa mãi không ngừng cho ta lòng tin và sự trung thành, Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Ngài qua các diễn biến thời đại, nhờ Lời Chúa tác động con người đọc ra được dấu chỉ của Ngài. Lời Chúa quyền năng và mầu nhiệm mặc khải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu có mầu nhiệm mặc khải mà không có Lời Chúa quyền năng thì chưa chắc gì ta đã thấu hiểu để đón nhận và yêu mến - đây cũng là tác động của Chúa Thánh Thần.
    Viết Blog thật là thú vị, những sai sót từ ngữ ta có thể chữa được. Ta còn có thêm những đóng góp của người đọc, lắng nghe để học hỏi và sửa sai. Những gì chưa hoàn thiện, ta có thể làm cho nó hoàn thiện hơn, ngay cả việc tra từ và tìm xuất xứ của từng câu Kinh Thánh cũng vậy. Suy tư thì thoải mái, cứ nghĩ, cứ viết tha hồ, chẳng ai cấm cản hoặc bắt buộc mình điều gì. Ta thật sự làm người tự do.

4.Kết và lời nguyện :
    Tôi biết có người nói rằng lúc nào nhà họ cũng có một cuốn Kinh Thánh, thế nhưng ít khi họ mở ra đọc. Người ta đọc rất nhiều sách báo mạng, báo xã hội, nhưng quên mất cuốn sách quan trọng và thú vị nhất - đó là Thánh Kinh. Người ta lãng phí cuộc đời và năng lượng của họ vào vô số những thứ nhảm nhí, nhưng lại lơ là đối với điều duy nhất thật sự quan trọng - tìm thấy Thiên Chúa. Từ nguồn Thánh Kinh, thư của Phaolô gởi Timôthê đã tiên báo : "Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường."( 2 Tm 4,3-4 ).

    Lạy Chúa quyền năng, xin Ngài dùng Lời quyền năng của Ngài để ban cho chúng con ơn khôn ngoan, sức khỏe và sự hiểu biết.
Lạy Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xin cho lòng dạ chúng con đừng trở nên khô khan, chai cứng để biết đón nhận Lời Chúa quyền năng. Từ đó chúng con có sức mạnh, sự biến đổi kỳ diệu, khiến chúng con trở nên đam mê Lời Chúa và khám phá ra những Chân lý Chúa muốn nói với chúng con, những thông điệp Chúa muốn gởi đến cho chúng con để chúng con vui sống, xem đó là chất liệu của tâm hồn và chúng con luôn luôn tận dụng thời gian để suy tư, tìm kiếm - Rồi Chúa lại đến với chúng con như một niềm ủi an vô hạn. "Xin Chúa hãy nói, bởi Tôi Tớ Ngài đang lắng tai nghe"( Tv 32 ). A-men !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét