Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Yêu Huế


Tôi viết cho người ở phương xa,
Lòng còn thương nhớ đất quê nhà
Dẫu đi trăm ngã, tình mang nặng
Khắc khoải mong về chốn Đế đô...

Mảnh đất Thần-Kinh đẹp diệu kỳ
Sao đành lìa bỏ để ra đi ?
Khó khăn vun đắp tâm hồn lớn,
Sách sử muôn đời mãi khắc ghi .

Đại Nội đìu hiu nét cổ xưa,
Vọng thời oanh liệt các triều vua
Tịnh Tâm sen nở khoe màu thắm
Cung điện nguy nga đón gió lùa.

Ai biết dòng Hương chảy mịn màng
Ai về núi Ngự ngắm trăng lên
Ai qua Vỹ Dạ nhìn sương khói
Quyện mái nhà tranh, mấy miệt vườn?

Ai lên Long Thọ ghé Nguyệt Biều
Ăn trái thanh trà ngọt đáng yêu
Nghe tiếng thông reo Đồi Vọng Cảnh
Nhìn sang Thiên Mụ nắng chiều xiêu.

Ai hỡi đừng quên ghé Kim Long,
Qua cầu Bạch Hổ nhịp cong cong
Dã Viên cồn Hến bắp cờ trắng,
Đứng ngắm Hương Giang chảy ngược dòng.

Ai hỡi về thăm biển Thuận An,
Cồn Tè, Cồn Tộc - phá Tam Giang
Đi qua Đập Đá, về Nam Phổ
Ngắm mấy vườn cau xếp thẳng hàng.

Ai về Bến Ngự ghé Nam Giao,
Chân mỏi đường xa vượt dốc cao
Thăm viếng chùa chiền, khu lăng tẩm
Nguyên quần kiến trúc đẹp biết bao.

Tôi nhớ con đường Lê Lợi xưa,
Hàng cây long não dáng nên thơ
Công viên cỏ mọc màu xanh thẳm
Trường lớp tôi yêu đứng đợi chờ .

Tôi nhớ Tràng Tiền đẹp, dễ thương
Những tà áo trắng buổi hoàng hôn
Dòng sông êm ả trôi tình tứ,
Cuốn cả hồn tôi muốn dỗi hờn .

Tôi đã thầm yêu Huế với em,
Ngày đi tôi ước được về thăm
Chừ đây xa Huế, lòng tôi vẫn
Ấp ủ yêu thương Huế bội phần...



JB.Sĩ Trọng.

(Tặng những người yêu Huế)












Tại quán ăn o Hiệp ở Sài gòn.

BÂY GIỜ


Bây giờ khác hẳn ngày xưa,
Lo tìm công việc “cày bừa” kiếm cơm
Ngày xưa còn biết dỗi hờn,
Giờ đâu sẵn có thời gian mà buồn !
Mưa hồng gặp phải gió tuôn,
Dẫu hay nắng gắt vẫn luôn mỉm cười
Tình em qua bến sông đời,
Tình anh chuyên chở vạn lời yêu thương
Vai anh gánh lấy vô thường,
Hành trang là Chúa trên đường trần gian.

JB.Sĩ Trọng.

TRƯỚC ĐÂY


( Tặng Huỳnh Hiệp )

Thời gian có bạn và tôi,
Lang thang trên những ngọn đồi năm xưa
Thời gian không kể sớm trưa,
Với bao câu chuyện như chưa luận bàn
Thời gian ban phát bình an,
Cho ta đứng lại, nắng vàng sau lưng…

GIẢ SỬ

Việc gì không có lệ rơi,
Mà đem thân phận con người ra soi ?
Thứ gì không thật hiếm hoi,
Mà đem vàng bạc ra đòi nhân gian ?
Ví như không có thiên đàng,
Con người ham sống lại càng tệ hơn
Cho dù tủi nhục căm hờn,
Người ta vẫn muốn tiếng thơm muôn đời.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

SÓNG VỖ BỜ YÊU

Bờ yêu tôi ngày đêm sóng vỗ
Lời thầm thì tiếng gió trùng khơi
Em tôi đi suốt một đời,
Còn tôi đi suốt bên Người tôi yêu .


JB. Sĩ Trọng.

CHÂN


Ngồi lâu đứng dậy cũng tê chân
Đi hết trần gian thấy vẫn gần
Quán trọ ven đường còn lấm bụi
Làng quê mộc mạc lại quen thân .


JB.Sĩ Trọng.

TOM ( * )
















Qúa nóng nên Tom tự cởi truồng
Không cần mặc áo, nhảy tứ phương
Nghịch đùa, nũng nịu, chơi không chán
Sớm tối vào ra, bạn mảnh vườn .

(*) Tên con chó gia đình JB đang nuôi.

JB.Sĩ Trọng.

Huế dễ thương

Huế bao giờ cũng đẹp, dễ thương
Nhớ thuở em cắp cặp đến trường
Ta đứng trên cầu nhìn nón Huế,
Với   đôi   tà   áo  nhẹ  vấn  vương.

Huế bao giờ cũng đẹp, dễ thương
Bến đò Thừa Phủ dọc sông Hương
Những chiều tan học đông như hội
Áo trắng em bay rợp phố phường.

Huế bao giờ cũng đẹp, dễ thương
Con đường Lê Lợi quyện gió sương
Tràng Tiền u uẩn chiều đông tím,
Thành quách rêu phong đượm nét buồn.

Huế bao giờ cũng đẹp, dễ thương
Cổ thành soi bóng xuống sông Hương
Bên  kia  Hưng  Đạo,  về  Gia  Hội
Diệu Đế êm đềm, trống gác chuông.

Huế bao giờ cũng đẹp, dễ thương
Khách chốn tha phương ghé thăm thường
Ta  ở  nơi  này  thương  nhớ  quá,
Huế  muôn  đời  vẫn  đẹp,  dễ  thương .


JB.Sĩ Trọng.
Sài gòn – Huế Moon 26.10.2013.




Cảm Huế















Dòng Hương ơi, đừng thả mây trôi

Em như dải lụa, thuyền bơi phố thành(1)
Văn Lâu ngày ấy còn xanh
Tình nhân hẹn ước trăm năm trở về
Tràng Tiền soi bóng đê mê,
Nữ sinh nón lá chiều khoe áo dài
Chợ Đông Ba ngói đỏ hồng tươi
Mẹ già bán gánh hàng cười dễ thương.(2)
Ước mong ngày ấy còn vương
Theo anh đến lớp đến trường hôm nay.
Chùa Thiên Mụ nắng đổ dài
Nhìn qua Long Thọ một vài dáng thơ
Đi về Cống Trắng, Cầu Ga
Băng qua Lê Lợi ngắm tà áo em
Kim Long một thoáng buồn êm
Qua cầu Bạch Hổ ngước nhìn Nam Giao
Ngự Bình đọng tiếng thông reo
Thiên An, Vọng Cảnh lướt đèo chao nghiêng
Đi lên Tây Trúc, Tây Thiên
Trà Am, Từ Hiếu, Từ Đàm, Trúc Lâm
Trở về An Cựu quen thân
Dòng Chúa Cứu Thế đến gần Jean d'arc
Bước qua Đại Nội không xa
Đi về Vỹ Dạ cạnh nhà em hơn
Nắng chiều rơi nhẹ ngõ thôn
Vườn cau Nam Phổ ngắm cồn Lạch Khâm.
Cho tôi một thoáng âm thầm
Nhớ thương và đợi, ngàn năm Huế còn …



(1) Hương giang : con sông thơ mộng chảy giữa lòng thành phố Huế.
(2) Hình ảnh mẹ tôi những ngày buôn thúng bán bưng nuôi con ăn học,
gánh trái cây từ Long Thọ về chợ Đông Ba để bán.


JB.Sĩ Trọng.
__________________________________________________ __________________
“Cảm Huế”: một thứ cảm nội tâm về nơi đã sinh ra và lớn lên với nhiều kỉ niệm.
. Một vài câu lục bát bị phá cách ( cố ý của tác giả )
. Một vài địa danh thắng cảnh có trong “Yêu Huế”.
Đây là bài thơ thứ 6 viết về Huế trong box này. Xin chia sẻ cùng những ai yêu Huế.



Hạnh phúc là những chia sẻ ngọt ngào

Làm sao ta nói được
Khi bóng chiều ngã lưng
Hương đời thơm lừng lựng
Mà lòng còn bâng khuâng.

Xin cho ta tỉnh ngộ
Nhìn kiếp người đã qua
Không nhờ ơn Cứu độ
Chẳng còn gì trong ta !



Ba tôi qua đời cách đây hơn 10 năm, nhưng hình ảnh của Người luôn đọng mãi trong tôi. Lời Chúa Giêsu phán với các môn đệ : “Qủa thật, Ta bảo thật cùng các con : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người ấy thấy từ Cha” ( Jn 5,19 )- lời ấy đã giúp tôi nhớ lại lời ba tôi thường nói với tôi lúc còn nhỏ : Ba là ba của con, nhưng trên hết chúng ta còn có một người Cha : Thiên Chúa. Thiên Chúa còn yêu con hơn là ba yêu con nữa. Ngài có quyền trên cả sự sống và sự chết của cha con mình. Ba ở trong con và con cũng ở trong ba. 


Ba tôi đọc Kinh Thánh rất nhiều, người thuộc nhiều câu nhiều đoạn trong các sách Tin Mừng.

Ngày ba tôi mất, trong Thánh lễ an táng, một số Sơ dòng quen biết đến dự đã đề nghị Cha sở mặc lễ phục hồng. Có lẽ rằng ai cũng yêu mến và xem như lễ cưới của một người con được Chúa rước về. Chia sẻ niềm vui hơn nỗi buồn.

Dường như tôi với ba tôi là một, tôi và ba tôi có một mối thông phần đặc biệt : Tôi thường quanh quẩn bên ba tôi, Người lo lắng cho tôi mọi thứ và hay đùa giỡn để tôi vui. Người như một người bạn luôn gần gũi chia sẻ thân mật với con mình. Người có một chút dí dỏm, trào lộng khi kể một vài câu chuyện nào đó.

Lớn khôn, sống xa gia đình tôi mới thấy tôi thiếu một người cha. Người cha trước đây là trụ cột gia đình, thì nay đến lượt tôi, tôi cũng đóng một vai trò, một trọng trách như thế.

Yêu thương con mình không có nghĩa là gò bó con mình, làm hạn chế tự do và sự tiến thân của nó. Ba tôi trước đây cũng vậy, Người hoàn toàn tôn trọng tự do của con cái. Thương con, người thường để bụng, không bộc lộ ra, chỉ lo làm lụng sao cho có cái ăn, cái mặc … để nuôi con. Người thầm lặng, ít nói, nhưng luôn luôn là người đương đầu trong mọi việc, gánh vác nặng nhọc cho gia đình. Sự ướt lệ của Người có chăng là trong cõi sâu thẳm của tâm hồn, Người thường hay cầu nguyện với Chúa vào ban đêm và những giờ rảnh rỗi lúc ban ngày, Người có những suy tư về Chúa thật tuyệt diệu.

Trong tim tôi, Người mãi là thần tượng. Những ngày gian khổ đã qua, không bao giờ tôi quên được : Tôi và ba tôi ra đồng làm việc, buổi chiều hai cha con cùng tắm trên một khúc sông, Người cõng tôi lên vai, ngụp lặn vào dòng nước trong xanh mát rượi. Có khi về tối, những đêm trăng đẹp, hai cha con ra giếng nước quê làng múc nước để tắm. Kỷ niệm tuổi thơ đong đầy, tôi với ba tôi, như hai người bạn hồn nhiên, tuổi già tuổi nhỏ không còn ranh giới, không còn phân biệt – Tình Cha-con thắm thiết mặn nồng.

Trên đời này, ngoài mẹ ra, không ai hiểu con bằng cha. Người con không có cha quả là bất hạnh. Ba tôi coi trọng tình người, tình đời. Không những Người yêu thương con người mà còn yêu cả thiên nhiên, vạn vật. Người thích trồng hoa, cây kiểng, thích ngắm bình minh, hoàng hôn, nhìn sông nhìn núi … nhìn vẻ đẹp bao la của đất trời mà chúc tụng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài.

Ba là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để cho con nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và Ngài cũng là Cha yêu thương. Tình yêu của ba phản ảnh được tình yêu của Chúa một cách gần gũi, sâu sắc, rõ nét và tinh tế nhất. Cuộc đời của ba được Chúa dẫn dắt qua nhiều giai đoạn lịch sử, lòng tin của ba vào Chúa không những không lung lay mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, bền vững và quyết chắc hơn.

Tất cả những gì của ba là của con, ba dạy cho con biết sống, biết yêu thương mà không biết hận thù.


Căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã kết thúc sự sống của ba tôi ở đời này. Ngày nay, khi ba tôi mất, Chúa là bạn đồng hành với tôi. Ngài luôn sóng sánh bên tôi, cho tôi những cảm thức êm đềm, hạnh phúc như tình Cha-con xưa kia của tôi và ba tôi vậy. Chúa không là ai xa lạ. Thật đúng Ngài là người Cha nhân hậu luôn ở cạnh bên con mình; Ngài có những chăm sóc gần gũi, âu yếm, mượt mà.

Ngài có muôn triệu người con trên thế giới này, nhưng ai yêu Ngài một cách đặc biệt, sâu sắc thì Ngài ở với người con đó nhiều hơn ( tâm lý những người làm cha mẹ trên đời cũng thế )

Ở với con mình, người cha không màng đến những hưởng thụ vật chất, duy chỉ mong tình Cha-con luôn đầy ắp để sẻ chia. Có thế là đủ. Hạnh phúc là tình yêu, là sự tràn đầy những chia sẻ ngọt ngào .



JB.SĨ TRỌNG.

Nhớ ngày Ba mất : 23.9.2001 ( tức 7.8  AL )

Giêsu - Nhà giáo Tình yêu



Người đương thời gọi Chúa Giê-su là Thầy. Thánh Phêrô gọi Chúa Giê-su: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”. Các môn đệ dĩ nhiên ai cũng gọi Ngài là Thầy. Nicôđêmô - người Pharisiêu, trong một cuộc đàm đạo với Chúa Giê-su vào ban đêm, ông đã gọi Chúa Giê-su là Giáo sư,và Chúa Giê-su cũng gọi ông là Giáo sư (x Jn 3,2-11).Còn chúng ta, chúng ta nghĩ Ngài là ai ?

Chúa Giê-su có dạy môn Văn không nhỉ? Ngài không để lại một áng văn chương nào, một tác phẩm văn học nào cả. Nhưng các môn đệ của Ngài đã ghi lại những câu chuyện Ngài kể cho dân chúng nghe và những lời lẽ Ngài rao giảng khi tiếp xúc với mọi hạng người. Những lời Chúa Giê-su dạy có sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ thường.Với cách nói khiêm tốn, giản dị, nhưng thu hút hơn cả những áng văn chương ngày nay,vì người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần .Đặc biệt câu chuyện “Đứa con hoang đàng” được diễn tả như một truyện ngắn hoàn hảo và kết thúc có hậu. Ai đọc sách truyện nhiều rồi đến một lúc nào đó cũng phải quay về với nguồn ân sủng Thánh Kinh, đọc lấy Lời Chúa thì thấy có ích cho mình hơn. Các sách Tin Mừng: Matthêu, Maccô, Luca và Gioan là những bằng chứng hùng hồn, ta có thể đọc nhiều lần vẫn không chán, càng đọc càng khám phá ra sự mới mẻ thích thú và nhận biết những dấu chỉ qua các biến cố cuộc đời.

Chúa Giê-su có dạy môn Toán không nhỉ? – Dạy Toán gì mà kỳ cục quá, chẳng có được một hệ phương trình, bất phương trình hay hằng đẳng thức nào đúng cả. Đến nỗi Đức HY.FX Nguyễn văn Thuận phải thốt lên: “Chúa Giê-su không biết làm toán!” Đọc qua Tin Mừng chúng ta sẽ thấy: “Yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình”( Lc 6,27-28), hoặc 1 = 99 (x Lc 15,4-7 và Mt 18, 12-14). Biến đổi vế trái thành vế phải mà đi từ không thành có: qua dụ ngôn đứa con thứ nhất trả lời không , sau đó hối hận đi làm – Chúa Giê-su ca ngợi anh vì anh thực thi ý Cha, Ngài đã quên câu nói “không” lúc đầu của anh và Ngài thừa nhận anh “có” một cách thành thực. Đức HY.FX Thuận còn gọi Ngài là người kém trí nhớ, mau quên. Người trộm lành trên cây thập giá: Lúc mới đóng đinh, hai người trộm không có ai là người trộm lành cả vì cùng nói xúc phạm. Nhưng khi người trộm bên hữu nghe Chúa Giê-su ở giữa nói lời tha thứ cho bọn lý hình thì tâm hồn anh ta biến đổi hoàn toàn, từ “không” thành “có” – có được Nước Thiên đàng. “Ngay đêm nay ngươi sẽ ở với Ta trong Thiên đàng”.(Tư tưởng này được Đức cố HY.FX Thuận trình bày tại một buổi giảng cho Giáo triều Rôma và tại cuộc tĩnh tâm Linh mục ở Monterrey ).

Chúa Giê-su có dạy môn Hóa học không nhỉ ? Chắc là có, vì Ngài đã làm cho nước lã biến thành rượu ngon, làm cho bánh hóa nhiều để cho hằng ngàn người ăn. Nhưng rượu ngon và bánh không thay thế được của ăn cho con người sự sống vĩnh cữu. Nói như nhà thơ Bùi Giáng: "Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau." Con người ngoài cái ăn, cái mặc, còn có cái giấc mơ vĩnh cữu - là một nhu cầu không thể thiếu được. Có tôn giáo may ra mới giải quyết được những vấn nạn cho con người, mới đắp đủ được phần nào khát vọng của con người. Nếu Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa thì Ngài cũng không dễ gì biến nước lã thành rượu ngon; hay chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá thôi mà nuôi đủ trên 5000 người ăn. Ngài còn chữa lành cho biết bao người mắc những chứng bệnh kinh niên như: phong hủi, đui mù, băng huyết, què quặt...Hơn thế nữa, Ngài còn biến bánh và rượu trở nên thịt và máu Ngài để nuôi sống nhân loại. Mọi hành vi, mọi cử chỉ của Chúa Giê-su đều mang ý nghĩa cứu độ.

Chúa Giê-su có dạy môn Vật lý không nhỉ ? Lĩnh vực này coi bộ khó, nhưng chúng ta hãy nghe Ngài nói:" Dẫu trời đất có qua đi, song một chấm một phết trong luật pháp cũng không thể bỏ đi được".(x Lc 21,32-33) Như thế, luật vật lý và luật luân lý có mâu thuẫn chăng ?" Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", nhìn cây vả trổ lộc đâm chồi thì biết ngày nào mùa Hạ sẽ đến ( x Mt 24,32;Mc 13,28 và Lc 21,29). Chúa Giê-su cũng dựa trên một vài hiện tượng vật lý để cắt nghĩa về thiên nhiên."Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao...dưới đất biển nổi sóng gào..."(x Lc 21,25). Định luật vật lý, quy luật thiên nhiên cũng là luât mà Tạo Hóa ban tặng, Chúa Giê-su rất tôn trọng vì chính Ngài là Tạo Hóa, Ngài nói:" Ta với Cha là một".Chắc chắn Ngài thừa biết luật vạn vật hấp dẫn, gia tốc của vật rơi tự do.v.v...nhưng Ngài muốn con người nhận biết những dấu chỉ qua các thời đại hơn là những quy luật hiển nhiên ấy(x Mc 13,29 và Lc 21,31). Tình yêu không đo được bằng thước tấc hay trọng lượng.Tình yêu chỉ đo được bằng sự hy sinh. Chúa Giê-su đã trả giá Tình yêu bằng chính máu Ngài đổ ra trên thập tự.

Chúa Giê-su có dạy Triết không nhỉ? Chắc có lẽ có, vì có mấy câu hơi luấn quấn: “Ta với Cha là một. Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta. Ai thấy Ta tức đã thấy Cha. Trước Abraham chưa có thì Ta đã có. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”…Nhưng trên thế giới ít ai chấp nhận Đức Giê-su là nhà triết học. Mà cũng thật như thế, Đức Giê-su chả triết lý gì cả. Ngài lấy bằng chính cuộc đời mình để giảng và làm gương cho mọi người. Phải chăng Đức Giê-su là Thầy, nhưng là Thầy dạy thuộc phân khoa Tình yêu trường Đại học SP Yavê. Chúa Giê-su chả viết lách gì, ngoại trừ vài chữ loẹt quẹt trên đất, đứng bao quanh Ngài là những người học cao hiểu rộng, và đối diện trước mặt Ngài là người đàn bà tội lỗi(x Jn 8,2-11) – Cách viết ấy của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rằng: mọi chữ viết qua thời gian rồi có thể cũng bị xóa nhòa, chỉ còn lại tình yêu, tha nhiều tất được yêu nhiều, và yêu nhiều tất được thay đổi nhiều. 

“ Vào thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”(x Dt 1,2a). Giê-su, Thánh Tử của Thiên Chúa – Nhà giáo tình yêu, Ngài đã dạy bằng cả cuộc đời. Ngài đứng trên bục giảng cuộc đời : Bục giảng của Ngài là núi, là đồi, là sông, là biển, là ruộng đồng, làng quê, phố thị .Ngài đi khắp chốn, đâu đâu Ngài cũng chọn làm bục giảng để trình bày bài giảng của mình .Ngài dạy con người sống bằng tình yêu .Ngài không trốn tránh đau khổ .Ngài kết thân với những người nghèo, người tội lỗi . Ngài hy sinh cho nhân loại đến giọt máu cuối cùng trên Thập tự giá .Bài học của thầy Giê-su mang tính phổ quát, dễ thực thi, nhưng cũng quá sức khó khăn đối với ai kiêu căng tự mãn không thèm quan tâm tới giáo huấn của Ngài, hoặc chống lại giáo huấn của Ngài. Một học viên Dự tòng, sau khi học Giáo lý Công giáo, anh ta nêu nhận xét khách quan : “ Nếu Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa thì Ngài cũng là một con người rất đáng yêu, không chê trách được chút nào !”.Cuối cùng, anh ta đã thừa nhận: Đức Giê-su vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật – Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. 


Qủa thật, cuộc đời Chúa Giê-su là một bài ca, bài ca Tình yêu – như một Linh mục đã viết: Ngài là bài ca làm cho toàn thể vũ trụ ngân vang vì tất cả đều được dựng nên nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài ( Jn 1,3 ). Chính Ngài đã phán: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu hiến mạng sống mình cho người mình yêu”(x Jn 15,13).Chỉ có Chúa Giê-su mới dạy cho chúng ta một tình yêu đẹp và ở tầm cao đến thế. Yêu người khác hơn chính bản thân mình. Ngài mắc một căn bệnh khó chữa: YÊU, chính vì yêu nên Chúa Giê-su phải chết một cách đau thương trên thập tự giá. Nhân loại là một thành phần không thể thiếu được trong trái tim Ngài và trong trái tim của Chúa Cha. Chúa Giê-su hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha để thi hành sứ mệnh của Ngài ở trần gian. Sở dĩ Chúa mắc căn bệnh yêu vì bản chất của Ngài là tình yêu, không gì có thể làm thay đổi được căn tính ấy.

Nói gì thì nói, ta cũng thừa nhận một điều : Chúa Giêsu không phải là nhà văn, nhưng Ngài là bậc thầy của các nhà văn. Chúa không cầm bút nhưng Chúa có những dụ ngôn, những câu truyện ngắn cực hay và kết thúc có hậu, để những người cầm bút nghe, cảm nhận và ghi lại được. Những truyện ngắn ấy không những hay về bố cục, nội dung, nhưng chứa đựng cả những giá trị thần học, chẳng hạn như : Câu chuyện "đứa con hoang đàn'', "Người mù từ lúc mới sanh"; câu chuyện "Tiệc cưới", chuyện "Người đàn bà phạm tội ngoại tình", chuyện "Người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacop",v.v...Tất cả là những truyện ngắn hấp dẫn, thú vị.


Chúng ta ai cũng có thể dành thì giờ để viết về đề tài này. Nhưng điều cần thiết hơn cả là chúng ta còn phải viết lên bài học Giê-su bằng chính cuộc đời của mỗi người. Ước gì chúng ta nên giống Chúa Giê-su, để chúng ta cũng viết nên được bài học như chính Thầy Chí Thánh đã thể hiện. Truyền thống tôn sư trọng đạo được cụ thể hóa qua Phúc âm. Lời Chúa đã ghi lại trong Tin Mừng Luca : "Học trò không hơn Thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng Thầy mà thôi. "( Lc 6,40 ) - Đúng là Chúa Giêsu đề cao và đánh giá vai trò NGƯỜI THẦY quan trọng quá.

Xin Chúa cho chúng con nên giống Ngài để chúng con trở thành những nhà giáo phản ảnh được tình yêu của Ngài – nên giống Ngài chứ không phải là đồng hình đồng dạng ( như nhiều người thường nói )(*) mà nên giống ở một khía cạnh nào đó trong cuộc đời của Ngài là cũng đẹp lắm rồi. Xin cho tình Ngài mãi mãi ngự trị trong mỗi một tâm hồn chúng con.


(*) Cụm từ "đồng hình đồng dạng" không có trong các sách Tin Mừng( của 4 tác giả: Matthêu, Maccô, Luca và Gioan )vì Chúa Giêsu không muốn nói nên giống Ngài mà Chúa chỉ nói nên giống Cha Trên Trời. Cụm từ "đồng hình đồng dạng" được Thánh Phao lô đề cập tới trong thư gởi tín hữu Roma ( Rm 8,29 ) và  Philipphê ( x Pl 3, 10-11 ), ở đây mang một ý nghĩa thiết thực hơn để con người thấy được nên giống Chúa Kitô trong sự chết,từ đó con người thấy được giá trị của Ơn Cứu chuộc, của sự Phục sinh, bởi quyền năng của Thiên Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.

Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử - con người của thơ và nhạc,Tiên Sinh có một cái gì đó khiến tôi rất đồng cảm. Tôi với anh, hai con người của hai thời kỳ, hai thế hệ khác nhau, quá xa trong thời gian, quá gần trong không gian và lịch sử. Thời còn PTTH tôi chỉ đọc thơ anh qua “Đây thôn Vỹ dạ” và một số bài : Say trăng, Mùa xuân chín…Lớn lên, đọc qua các tuyển tập về anh, tôi càng thích anh hơn, say đắm anh hơn. Tôi trở nên ghiền gẫm thơ anh, đọc và cứ muốn đọc đi đọc lại nhiều lần; càng đọc, thơ anh càng ngấm sâu trong tôi.


Tôi đồng cảm với anh vì trong anh có tình yêu : Khởi đầu là tình yêu thiên nhiên vạn vật, kế đến là tình yêu con người, sau cùng là tình yêu dành cho Thiên Chúa. Anh khôn quá vì cuối đời anh chỉ có thế. Anh cảm nhận được Thiên Chúa là Cha đã tạo dựng nên tất cả để rồi tất cả phải quy phục Ngài, phải mang ơn Ngài. Các loài thụ tạo, trong đó có anh – đều mang ơn Ngài tha thiết :

“Sách vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống, Hằng Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh.”

( Ngoài vũ trụ )

Cho dù phận người có thay đổi, đổi thay, có khổ đau, nhưng tình yêu thì thủy chung, trung thành, không suy suyễn. Trái tim yêu ngày càng mãnh liệt, diết da :

“Em đã nghe qua, em đã hay
Tình anh sao phải chứng mê say
Anh điên anh nói như người dại,
Van lạy không gian xóa những ngày.”

( Lưu luyến )

Tôi đồng cảm với anh vì trong tôi cũng có tình yêu khởi đầu và cuối cùng giống anh vậy. Tôi cưu mang trong lòng tình Chúa, cũng giống như anh từng thổn thức trăn trở với những vần thơ vắt kiệt thân mình trong những tháng ngày đau bệnh :

“Cho ta nhận lấy không đền đáp
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời
Bằng tiếng kêu gào say chếnh choáng,
Bằng tim, bằng phổi nóng như sôi .”

( Sầu vạn cổ )

Hoặc :

“Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si ?”

( Những giọt lệ )

Thơ ngự trị trong anh như tình Chúa ngự trong anh, thấm sâu vào máu thịt. Và thơ như là một “cái nghiệp”, anh không thể nào dứt bỏ được, không thể nào lìa xa được. Thơ đeo đẳng anh và anh cũng đeo đẳng thơ, thơ như người bạn tình tri kỷ đi suốt cuộc đời anh, chia sẻ với anh khi vui, an ủi anh khi buồn, để rồi anh uốn mình theo thơ, anh rung động vì thơ, anh no say vì thơ, anh sống chết vì thơ. Nhờ thế anh viết như một nguồn chảy láng lai, phảng phất hương thơm dịu dàng đi từ vẻ đẹp của thiên nhiên, hấp thụ bởi thiên nhiên :

“Thơ em cũng giống lòng em vậy,
Là nghĩa thơm tho tựa ánh trăng
Mềm mại như lời tơ liễu rũ,
Âm thầm trong áng gió băn khoăn.”

( Lưu luyến )

Anh yêu đương vì Chúa, anh tự tình với Chúa, anh say đắm miệt mài với Ngài, để Ngài nâng hồn thơ anh lên. Thơ và Chúa – cả hai đối tượng này nặng kí, luôn sát kề anh, hòa quyện vào anh, đan bện vào nhau, quấn lấy cả con người anh, thân phận anh.
Tôi thật sự yêu anh vì anh yêu Chúa. Trong thơ anh toát lên vẻ đẹp tôn giáo mượt mà, sâu thẳm : Anh yêu Chúa với tất cả con người anh – một tác phẩm Chúa đã tạo dựng nên để thông phần đau khổ với Ngài, nên anh không buồn cho số phận mà anh xem đau khổ là một cái thú : “thú đau thương” – anh chấp nhận số phận của mình, nhờ thế mà thơ anh rất đẹp, chắc lọc cái tinh túy đau thương của con người anh :

“Anh cắn lời thơ để máu trào,
Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ
Mà máu tim anh vọt láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt,
Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi.”

( Lưu luyến )

“Gío rít từng cao trăng ngã ngữa,
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.”

( Say trăng )

Thật ra, con người ta không dễ gì chấp nhận được đau khổ. Người ta rất dễ tuyệt vọng nếu sống không có niềm tin. Nhưng Hàn Mặc Tử, anh nhìn thấy được đau khổ là công đức, là phương thế, là điều anh cần nhận lấy, chịu đựng và biến đau khổ thành cứu cánh, không những có giá trị đời sau mà cả đời này nữa : Đời này anh để lại một thông điệp yêu thương và vác Thập giá theo Chúa đến cùng. Tin vào tình yêu bao dung độ lượng của Thiên Chúa .Sự sống là linh hồn mà Hàn Mặc Tử cảm nghiệm, anh thấy rất cần cho một thân xác, nếu thân xác không có linh hồn thì thân xác không có giá trị gì cả. Thiên Chúa tạo dựng nên con người bằng bụi đất ( hình ảnh thô sơ ban đầu Kinh Thánh Cựu ước mô tả ) Ngài thổi hơi vào miệng để ban sự sống cho con người, còn Hàn Mặc Tử thì khạc hơi ra khỏi miệng :

“Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng,
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương .”

( Hồn lìa khỏi xác )
Một lối tưởng tượng hơi quá đáng như thế có mâu thuẫn chăng ? Thưa không, vì chính anh cảm nhận mối liên kết ấy – mối liên kết giữa hồn và xác. Một kiếp người rồi ai cũng trở về bụi đất, nhưng không ai biết mình sẽ ra đi vào lúc nào. Vật chất sẽ tha hóa nếu vật chất không gắn kết với con người và nếu con người không được Thiên Chúa cứu rỗi. Chính vì thế mà anh cảm hóa để nâng lên cao hơn trong sự vinh thăng thoát tục, anh tin vào trời mới đất mới làm thay đổi thế giới thực tại :

“Mai này thiên hạ mới tinh khôi,
Gío căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời .”

( Xuân đầu tiên )

Nói tới trời mới đất mới, ai cũng thấy như có một chút hơi hám của Khải Huyền. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử có niềm tin vào ngày quang lâm, ngày của sự phá hủy tổng thể nhưng đồng thời cũng là ngày của sự tái hợp cho từng cá thể để nguyên vẹn hình hài : 

“Cả vũ trụ theo ta ngày phán xét,
Là khủng khiếp : cả Trời Đất tiêu diệt.”

( Ngoài vũ trụ )

Và : 

“Ngày tận thế là ngày tán loạn
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên.”

( Hồn lìa khỏi xác )

Thêm vào đó là một giấc mơ đẹp tựa thiên đường mà anh phát thảo ra trong trí tưởng tượng như một thị kiến :

“Ôi cao sang khôn ví, trọng ai bì
Trên nước cả có vô vàn châu báu
Trí rất ngợp, bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai.”

( Ra đời )
Câu cuối cùng của khổ thơ trên ứng hợp với Tin Mừng của Gioan: câu3, chương 1. Anh nhìn nhận mọi sự đều do Chúa, do Ngôi Lời, không có Chúa thì vạn vật sẽ không được tạo thành.

Tình Chúa trong thơ Hàn Mặc Tử quả là thú vị. Tình Chúa trong con – trong con người thơ nói chung và trong tôi nói riêng. Trong con người thơ : vì chính con người thơ yêu Chúa, và trong tôi : vì chính tôi cũng yêu Ngài. Tôi yêu Chúa và yêu chính cả con người thơ của Hàn Mặc Tử. Chúa chắp cánh ước mơ cho hồn thơ bay bỗng diệu kỳ.



Hàn Mặc Tử cũng là một con người Huế, con người của “mảnh đất Thần Kinh”. Anh có nhiều bài thơ và câu thơ nói về Huế mang vẻ đẹp thần thái của Kinh đô tráng lệ, mang âm hưởng tha thướt mượt mà của thiên nhiên cây cảnh với lối nói đầy chất giọng địa phương của Huế :

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

( Đây thôn Vỹ dạ )

“Thu héo nấc thành những tiếng khô
Một vì sao lạ mọc phương mô ?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ,
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ ?”

( Cuối thu )

Và những câu thơ rất quen, có ngữ điệu mà không vần, nhưng hầu như ai cũng biết đến :

“Họ đã xa rồi không níu lại,
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nữa hồn tôi mất,
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ .”

( Những giọt lệ )

Đẹp hơn cả là hồn thơ anh, hồn thơ sâu lắng, dựa vào thiên nhiên để chúc tụng và ngợi ca thiên nhiên, thiên nhiên quyện hòa trong thơ anh làm tăng thêm vẻ diễm kiều : 

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ .”

( Đà lạt trăng mờ ) 

Những tự vấn của lòng anh luôn là tự vấn của nhân loại, của thân phận con người nhỏ bé đứng trước vũ trụ bao la :

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu,
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu ?”

( Những giọt lệ )

Tuy nhiên, tự vấn ấy không làm anh vô vọng mà lại chấp cánh ước mơ cho anh. Trên đời này có ai yêu trăng bằng Hàn Mặc Tử ? “Chơi giữa mùa trăng” nhưng Hàn Mặc Tử muốn “bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm”, là biết ước mơ Hàn Mặc Tử thế nào rồi. Và hình như lúc nào cũng có trăng, anh viết gì cũng đề cập đến trăng, viết về Chúa cũng có trăng, viết về Mẹ cũng có trăng – ánh trăng luôn đồng hành với anh qua những trang viết, qua những chặng đường thơ đầy kỉ niệm.

Chúa Giêsu vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu. Lập luận một cách đơn giản dễ hiểu ta cũng nói được : Đức Maria là mẹ Thiên Chúa. Điều này không mâu thuẫn : vì khi chúc tụng một người con tuyệt vời, chẳng lẽ nào không chúc tụng một người mẹ sinh ra người con đó. Hàn Mặc Tử hiểu vấn đề này rất rõ nên anh đã hết lòng chúc tụng Mẹ Maria. Nỗi bậc nhất là thi phẩm: “Ave Maria”, Hàn Mặc Tử đã mở đầu bằng lời chào hết sức trang trọng :

“Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng,
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.”

( Ave Maria )

Lại có đoạn thi nhân nhắc đến biến cố Truyền tin :

“Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng - bằng hoa hương sáng láng .”

( Ave Maria )

Thật đúng thơ anh là “thơ mầu nhiệm”.Một nhà thơ Công giáo sinh ra và lớn lên trên nền tảng giáo dục gia đình, chắc chắn là anh có một đức tin vững chắc nên Hàn Mặc Tử mới cảm nhận và tự cho rằng : “Đức tin thơm hơn ngọc”( Điềm lạ ). Và có khi anh cảm nhận một cách siêu thoát mà lại rất gần gũi, rất hiện thực như có sự hiện diện của Chúa trong không gian và thời gian hiện tại.Hạnh phúc của anh dù đạt tới đỉnh cao đến mấy anh vẫn luôn luôn thấy có sự hiện diện của Mẹ Thánh :

“Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
Khiến châu thân rung động thể tơ trăng
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc,
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng.”

( Nguồn trăng )

Đau khổ và hạnh phúc, cả hai chan hòa, cần và đủ, cần và đủ cho giá trị của một đời người được ơn cứu độ. Điều này Đấng Cứu thế đã trả cái giá quá đắt ( x I Cr 7,23 ). Hàn Mặc Tử cũng vậy : anh không lùi bước trước đau khổ, anh đã đi cho đến tận cùng của đau khổ để anh thỏa được với ước nguyện :

“Ta ước ao đầu đội mão triều thiên,
Ta tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng
Lời vang xa truyền nhiễm đến vô song .”

( Ngoài vũ trụ )

Ở thời đại nào không biết nhưng nhà thơ cứ ngỡ như có Chúa hiện diện giữa thời đại mình đang sống, và hình dung Chúa đứng giảng Phúc Âm cho dân chúng sau một ngày làm lụng vất vả. Những câu thơ đọc lên ai cũng ngỡ như có Chúa ở giữa một không gian đêm thật đẹp :

“Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ :
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm
Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở,
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.”

( Nguồn thơm )

Viết là cầu nguyện, đó là cách của người yêu Chúa. Viết là tự giải thoát mình, không viết sẽ bị ức chế. Người yêu Chúa cần viết để thổ lộ tâm tình, viết để thỏa mãn phần nào tâm tư như nỗi niềm tâm sự với Chúa và chia sẻ với tha nhân. Hàn Mặc Tử, một con người đời sống gắn liền với cầu nguyện. Không gắn liền làm sao được khi chính cầu nguyện đã thấm đẫm trong thơ anh và anh đã thốt lên :

“Ta mãi sống với muôn xuân đầm ấm,
Trong mây kinh và trong gió nguyện cầu.”

(Trường thọ )

Rồi nhà thơ thể hiện bằng cách :

“Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi,
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.”

(Trăng vàng trăng ngọc )

Thi nhân còn bộc lộ rõ hơn :

“Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời và tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.”

( Ave Maria )

Làm thơ là cầu nguyện nên anh đã trút hết cõi lòng, thổ lộ tâm tình rất thật của mình khi viết nên những câu thơ cầu nguyện :

“Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi,
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng”

( Đêm xuân cầu nguyện )

“Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế .”

( Ave Maria )

“Lạy Chúa tôi! Vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”

( Vầng trăng ) 

Chắc chắn một con người rất yêu Chúa. Không nghi ngờ gì nữa. Hàn Mặc Tử hoàn toàn khác với Xuân Diệu. Xuân Diệu viết: “Lòng ta rộng nhưng lượng trời cứ chật”; còn anh, dù đau khổ bệnh tật cách mấy anh cũng không nghi ngờ tình thương của Chúa : 

“Trời mở rộng và không ai hờn tủi
Lượng bao dung tha thiết cánh tay êm”.

( Say thơ )

Ai cũng lãng mạn cả nhưng cái lãng mạn của Hàn Mặc Tử là lãng mạn cho Chúa, vì Chúa , với Chúa và trong Chúa – Trái tim anh muốn thế.


Với cái nhìn của cá nhân tôi thì Hàn Mặc Tử là một nhà thơ vĩ đại chứ không đơn giản là một nhà thơ. Anh là người thuộc thế hệ đi trước. Tôi sinh ra sau anh hơn 40 năm, anh để lại cho đời nhiều trang thơ bất hủ. Thế hệ nào cũng có thể đọc và học được ở thơ anh nhiều điều hay, điều thiện, sự rung cảm của con tim, cái tuyệt vời của nghệ thuật thơ ca và tình yêu đạt tới đỉnh cao của ơn cứu chuộc nhiệm mầu. 

Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự - người dày công nghiên cứu, biên soạn và sưu tập nhiều bài viết về Hàn Mặc Tử cũng hoàn toàn cảm mến và ngưỡng mộ anh nên Ngài đã viết :

“Hàn Mặc Tử, con trăng nằm yên nghỉ,
Vầng dương lên trăng theo gió hiển linh
Phượng Trì đài lung linh hình dáng Mẹ
Hồn thơ say nép áo Mẹ Đồng Trinh .”



Mến chào một cây đại thụ thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng. 

“Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”
Thơ anh chắp cánh Phượng Trì,
Ngàn năm vang vọng, khắc ghi lòng người.
 


JB.SĨ TRỌNG.



Chú thích ảnh 
_____________
Đường lên mộ Hàn Mặc Tử và mộ Hàn Mặc Tử.