Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Chùm thơ 37

HỘI HỌA

Ta vẽ  cuộc đời  lên  giấy  trắng,
Làm sao vẽ được cảnh bất công ?
Biết bao họa sĩ thường say đắm,
Chỉ vẽ riêng cho những đóa hồng.





ĐẸP XẤU

Trong nắng lụa có màn sương len lỏi
Trong cơn mưa có cả áng mây hồng
Vẻ đẹp xấu người đời thường hay nói
Chỉ là mơ  theo ý nghĩa  cuồng ngông.




TÌNH CỜ

Em nhặt lấy muôn sao về kết chuổi,
Còn ta đây gieo vãi những vần thơ
Thơ ta viết không già như độ tuổi,
Chỉ yêu em trong một thoáng tình cờ.



THANH TAO

Bao kỉ niệm ngày xưa hồn vương vấn
Thì giờ đây tan biến tựa chiêm bao
Tuổi đời  qua, phong ba  và  lận đận
Đến  tuổi  già  ý  sống  đẹp, thanh tao.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Ta tiếc cho em

Gởi: Ca sĩ Sơn Tùng M – TP
Sơn Tùng thân mến,
Tôi xin gọi Sơn Tùng là em vì em sinh năm 1994, nhỏ tuổi hơn tôi nhiều lắm.
Tôi biết em là một ca sĩ có năng lực. Em có khả năng sáng tác, chơi piano và nhảy cực “đỉnh”. Em được rất nhiều bạn trẻ hâm mộ và yêu mến.
Vậy mà cách đây ít hôm em đã làm một chuyện gây phẫn nộ cho bao người, nhất là những người theo đạo Công giáo như tôi. Đó là việc em cho ra MV “Chạy Ngay Đi”. Trong MV này có một bức ảnh thánh “làm nền” để em nhảy múa với những “vũ công sexy”. Đoạn cuối, chính tay em đã phóng hỏa đốt bức ảnh thánh này.
Bức ảnh Thánh bị em đốt là bức họa nổi tiếng: “Pietà – Đức Mẹ Sầu Bi” của danh họa William Adolphe Bouguereau. Đó là cảnh Mẹ Maria đau buồn khi ôm xác Đức Giêsu, Người đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Bức ảnh này không chỉ nổi tiếng về tính nghệ thuật, nhưng còn là biểu tượng cho tình yêu của những người theo đạo Kitô Giáo.
Em có biết hành động em làm là một sự xúc phạm lớn và phỉ báng tôn giáo không? Phải chăng em còn “trẻ trâu” không biết hay em cố tình làm thế để "câu like”? Hay là đàng sau em còn có dụng ý sâu xa đen tối nào khác?
Trước đây, tôi rất buồn khi nghe Thượng tọa Thích Nhật Từ nói những lời xúc phạm nghiêm trọng đến đạo Công giáo, giờ lại đến lượt em. Em có cần phải làm thế không? Có ai đứng sau lưng xúi giục em làm chuyện này không?
Tôi không ghét em, nhưng tôi tiếc cho em vì em còn quá "trẻ trâu" và nông nổi. Sao em lại dùng hình ảnh thánh để đánh bóng tên tuổi của mình? Sao em không đi con đường chân chính, con đường sạch, đó là dùng khả năng và trí tuệ của mình để thu hút các bạn trẻ, mà em lại đi con đường bất chính, con đường dơ bẩn quá?
Mong em hãy trưởng thành. Hãy là một người đàn ông chân chính. Hãy đứng thẳng trên đôi chân của mình. Hãy đi con đường sạch là con đường làm nghệ thuật bằng khả năng và trí tuệ của mình.
Đó là mấy lời muốn gởi đến em.
Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Chứng từ

CHỨNG TỪ của NGƯỜI KITÔ HỮU là :
THA THỨ ***YÊU THƯƠNG***HÒA BÌNH...!!!!
Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó.
Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông.
Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết.
Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo.
Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
AMEN

TH qua Internet

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Chùm thơ 36

CẦU THỦ ĐỘC

Cầu thủ này cừ khôi
Đá banh suốt một đời
Chưa hề nghe banh rớt
Đầu  gối  trầy  da  thôi.



VẺ ĐẸP

Đẹp sao vầng trăng khuyết,
Nghiêng nghiêng xuống biển hồ
Trời    đất   kia   ai    dệt ,
Mãi   nằm   hoài   trong   mơ ?




















HỖN ĐỘN

Nếp  chưa  nấu  chín  đã  thành  xôi,
Ép   lửa    nên   chi   cháy   cả   nồi
Người đứng kẻ ngồi nhai ngấu nghiến
Đói   no   mặc   kệ   cái   thằng   tôi  !



NGÔNG CUỒNG

Ta giữ lại bao nhiêu điều cao quý,
Mà người đời không thể ví ta khôn
Họ chạy theo bạc tiền, rồi bi lụy...
Còn ta đây mãi mãi vẫn ngông cuồng.

JB.Sĩ Trọng.

Đề nghị giữ lại...

Đề nghị giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm
Gần đây tại TP.HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác xuất hiện nhiều khu đô thị mới. Đây là xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa. Nhưng trong xu thế này, dường như chúng ta đã bỏ quên quy hoạch dành cho sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo.
Đề nghị giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm
TS. Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo; Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Tôi có theo dõi thông tin và tìm hiểu cẩn trọng, nên tôi đề nghị chính quyền TP.HCM giữ lại nguyên trạng Hội dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm và các cơ sở tôn giáo lâu đời ở vùng đất này.
Bởi đó là những cơ sở tôn giáo có nhiều giá trị về di sản, lịch sử, phù hợp với văn hóa dân tộc và họ cũng chưa có vi phạm pháp luật nào để có thể nghĩ đến chuyện xử lý hay giải tỏa, di dời đi nơi khác.
Phương án tốt nhất là chính quyền TP.HCM giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời đó và tạo ra điểm nhấn về tâm linh trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cùng với các cơ sở tôn giáo khác như chùa, miếu, những vùng đất có tính linh thiêng trong tâm tưởng cư dân nơi đây.
Một khu đô thị muốn trở thành nơi hội tụ, nơi chia sẻ của cộng đồng thì dứt khoát phải có cơ sở tôn giáo, phải có hiện diện khuôn mặt của tâm linh để cư dân có thể chia sẻ với nhau trên những niềm tin riêng chung của họ.
Nhờ sự phát triển của kinh tế mà ngày nay văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa tâm linh, đang được coi trọng, củng cố. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Có thể khẳng định điều này khi tham khảo cách duy trì văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa tín ngưỡng của người Nhật Bản. Người Nhật rất hiện đại nhưng cũng rất cẩn thận lưu giữ các di tích và điều này vô cùng quan trọng đối với công tác giáo dục thế hệ trẻ, hướng cộng đồng dân cư xích lại gần nhau hơn.
Hiện nay có ý kiến rằng lối sống của người Việt Nam đang bị phá vỡ, bon chen, nhốn nháo… Vì thế, những nơi tâm linh là nơi đọng lại tâm hồn con người, giúp con người hướng thiện, sống tốt đẹp hơn. Xã hội hiện đại cần có những hạt nhân tinh thần chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh.
Đề nghị giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm
Các nhà quy hoạch các khu đô thị mới đã có thiếu sót khi gần như không chú ý tới khía cạnh tâm linh. Không có chỗ cho đền, chùa, nhà thờ, trong khi những nhu cầu này tưởng xa xôi nhưng rất gần với đời sống con người.
Chúng ta cần tiến tới chuẩn hóa trong quy hoạch các khu đô thị, phải có phương án tốt nhất cho quy hoạch khu đô thị mới trên nền tảng những vùng đất cổ, có nhiều trầm tích văn hóa, di sản, niềm tin tâm linh đối với nơi đó. Phải có chỗ cho các cơ sở thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo ở những khu đô thị mới, đặc biệt là những khu đô thị có diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Có thể dựa trên các di tích vốn có hoặc xây mới các cơ sở thờ tự.
Không gian kiến trúc mới thiếu đi nơi tâm linh như con người sống mà không có lịch sử, không có gì ghi nhận, không có gì tiếp nối, bứt người ta ra khỏi truyền thống, ra khỏi gốc gác.
Bên cạnh đó, với người nước ngoài tới Việt Nam sinh sống và làm ăn lâu dài, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo cũng là một nhu cầu cấp thiết cần được đáp ứng. Có như vậy, cộng đồng người Hàn Quốc, cộng đồng người Nhật Bản, doanh nhân phương Tây…mới cảm thấy gắn bó với đất nước mà mình đang dừng chân. Và khi đó, họ mới an tâm làm ăn sinh sống tại nước sở tại mà không có tâm lý chụp giật.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo; Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Đề nghị giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng, TP.HCM): Đánh giá thận trọng một lần nữa theo Luật Di sản văn hoá:
Điều 28 Luật Di sản văn hóa quy định di tích lịch sử – văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau: công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương; công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong các thời kỳ lịch sử; địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu; công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật. Khi một công trình xây dựng đáp ứng một trong các tiêu chí trên, thì tùy vào giá trị lịch sử – văn hóa tiêu biểu của quốc gia hay địa phương, mà cơ quan quản lý nhà nước sẽ xếp hạng cấp di tích theo thủ tục và thẩm quyền luật định.
Theo tôi được biết thì Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm chưa làm thủ tục để công nhận và xếp hạng di tích. Tuy nhiên đó là những công trình lâu năm có giá trị lịch sử, kiến trúc, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thủ Thiêm, cũng như Sài Gòn. Nếu đối chiếu với các tiêu chí để công nhận là di tích lịch sử – văn hóa thì họ cũng có căn cứ. Vì vậy, trước khi quyết định di dời, giải tỏa Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm, chính quyền thành phố cần mời chuyên gia văn hóa, lịch sử xem xét, đánh giá thận trọng một lần nữa theo Luật Di sản văn hóa, coi quyết định như thế đã đúng luật chưa.
Trung Dũng thực hiện
Nguồn: nguoidothi.net.vn

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Chùm thơ 35

THIẾU MƯA

Ta sợ những ngày không có mưa,
Nắng lên  thiêu đốt  cháy  da lừa
Than trời, thấp cổ kêu không thấu
Sấm chớp, hừng đông kéo mây thưa.



''TĨNH LẶNG !''

Tĩnh lặng, bao giờ tĩnh lặng ?
Chung quanh náo nhiệt ồn ào
Cứ  mơ  làm  điều  sâu  lắng,
Đêm về  lại  thấy  chiêm bao !














ĐỜI

Cuộc đời là kịch bản,
Có   từ   thuở   xa   xôi
Màn cuối chưa hạ giáng
Con người  còn  chơi vơi.



VÍ VON

Nhà thơ  sao giống  mây  vần vũ ?
Một đời không chốn ngụ, lang thang
Khổ  công  khi  đến  mùa  mưa  lũ,
Tăm  tối   bao  trùm  cả  không  gian.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Gởi...

Gởi em những ngày nắng đẹp
Hồn nhiên như tuổi học trò
Thơ anh dẫu còn chất thép,
Vẫn là một thoáng mộng mơ.

Gởi em những ngày bão tố,
Cỏ cây nghiêng đỗ trăm chiều
Thơ anh gieo vần sóng vỗ,
Vẫn còn hơi thở tin yêu .

Gởi em những ngày giá lạnh
Trời khoe sắc áo u buồn
Thơ anh mỹ từ lấp lánh,
Vẫn còn sóng sánh lệ tuôn.

Không ai dại hoàn toàn dại
Chẳng ai khôn mãi là khôn
Chỉ mong lòng em quãng đại
Thơ anh thơm ngát ngập hồn.

Gởi em tình anh như thế,
Bao phen chất chứa dỗi hờn
Vui buồn dâng lên Thượng Đế
Xin Ngài mở rộng vòng ôm.(*)



JB.Sĩ Trọng.
__________________________________________________ ____________________________________

(*) Dâng Chúa hết thảy những vui buồn, sướng khổ. Xin Ngài mở rộng vòng tay ôm ấp chúng con vào lòng, xin tha thứ và ban ơn thánh hóa, đỡ nâng chúng con, cho chúng con biết đoàn kết, thương yêu, biết khích lệ lẫn nhau.
Viết cho Gioitreconggiao.org

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

'' Bất hảo !''

Buổi sáng, gặp một người quen- một người thường lo việc nhà thờ, vui vẻ chị hỏi thăm việc dạy Giáo Lý Dự Tòng và Hôn nhân của "ông bạn" mình. Mình nói:
- Dạ, ảnh vẫn hướng dẫn giúp các trường hợp Cha giới thiệu.
- À, đấy là những trường hợp "bất hảo". Chị nheo mắt cười, nói.
- Ô, không phải đâu chị! Họ ở nhiều hoàn cảnh, nhiều khó khăn khác nhau... - Tôi vội đính chính, lòng xốn xang...
" Ông bạn" tôi đứng bên cạnh tiếp lời:
- Dùng từ " bất hảo" là không đúng, chị à.
Chị ấy cười cười..., rồi chúng tôi chia tay nhau.
----------
Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn chúng con bằng ánh mắt của Lòng Thương Xót, dù trước mặt Chúa chúng con luôn là những kẻ bất hảo. Bằng tình thương của Chúa, Chúa muốn biến đổi chúng con nên hoàn hảo.
Xin cho chúng con cũng biết nhìn anh em bằng chính Con Mắt của Chúa: nhận biết, cảm thông, yêu thương và đón nhận.
Vì chính chúng con cũng luôn được Chúa xót thương, tha thứ cho biết bao lầm lỗi.
Vì chính chúng con sẽ dễ trở thành " bất hảo" nếu như không có Chúa trong đời.