Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Chùm thơ 76

 GÓC PHỐ

Trở về góc phố thân thương,
Chiều mưa ủ dột ven đường lá rơi
Nhìn  em  ta  thấy  ngậm ngùi,
Mưu sinh cuộc sống nặng đời lo toan.




THỜI TIẾT

Bầu trời vừa nắng lại vừa mưa,
Thấy cảnh trần gian cũng không thừa
Mới biết đêm qua đài thông báo :
Miền  Trung  bão  đến  lúc  ban  trưa(*).

(*) Cơn bão Noru đã quyét qua các tỉnh miền Trung, các nơi thiệt hại nhiều nhất là : Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.



TIN BÃO

Nghe nói miền Trung bão tố về,
Nghệ An, Hà Tĩnh...những vùng quê
Đâu đâu cũng có nhà tốc mái,
Cảnh sống dân tình tội nghiệp ghê !


SÂN NHÀ

Trông chờ hoàng yến trổ bông,
Sân vườn thêm ít cây trồng đơm hoa
Khi  con  về  tới  cửa  nhà,
Nắng vàng rải nhẹ thướt tha bóng chiều.



MƯA VỀ TRƯỚC NGÕ

Mỏng manh mềm mại mênh mang,
Mưa mùa mát mẻ mơ màng mắt mi
Lắng  nghe  tiếng  gió  thầm  thì,
Lá  bàng  trước  ngõ  li  bì  rụng  rơi.





HƯỚNG VỀ MỘ MẸ

Tôi  muốn  về  thăm  mộ  mẹ  tôi,
Nhìn  hoa  sứ  trắng  nở  ven  đồi
Bên kia Vọng Cảnh thông vi vút,
Có  áng  mây  trời  nhẹ  lướt  trôi.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Chùm thơ 75

 BUỔI SÁNG

Sáng nay vừa mới quét sân xong,
Ngồi ngắm bình minh tỏa nắng hồng
Khuấy tách cà phê đang bốc khói,
Nhìn  hàng  sứ kiểng  nở  nhiều bông.



NHỚ HUẾ

Kinh  đô   hỡi,  tôi   người  con   xứ  Huế
Nhớ  Ngự Bình  nhỏ  lệ  để  khóc  thương
Còn  mô  nữa  chuổi  ngày  vui  dạo  phố,
Ngắm Cổ thành soi bóng xuống sông Hương.




LÀM CÂY THÔNG

Vinh dự vào đời - Chúa tặng ban,
Như thông vi vút trước gió ngàn
Gió  reo  suối  chảy  về  sông  lớn,
Thông vẫn cựa mình đứng hiên ngang.




 BIỂN NGHỈ DƯỠNG

Đêm  nghe  sóng  vỗ  rì  rầm,
Ngày trôi lạc tận tưởng chừng cõi tiên
Bỏ buông bao nỗi muộn phiền,
Gũi gần cây cỏ thiên nhiên quanh mình.

JB.Sĩ Trọng.


Lòng nhân từ




 1. Nhân từ là gì ?
    Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về lòng nhân từ của Thiên Chúa ? Khi tra từ ngữ Kinh Thánh tôi được biết, trong tiếng Hebrew : "chosed" có nghĩa là đối xử tốt, yêu thương tử tế. Tiếng Hy lạp chữ "nhân từ" có cùng nguồn gốc với chữ "bà con ruột thịt", cũng có nghĩa là "dịu dàng, vui vẻ, độ lượng". Như vậy, nhân từ có nghĩa là chúng ta đối xử với người khác giống như người trong gia đình. Đó là quan tâm về người khác đến nỗi ta đối xử với họ thật dịu dàng, vui vẻ, độ lượng. Nhân từ thể hiện qua những cử chỉ, hành động, hay việc làm nhân từ. Người có lòng nhân từ cảm thông với sự đau đớn, khổ sở và nan đề với người khác; không giữ những ác cảm, bực tức hay trả thù những việc không tốt người khác làm cho mình.
    Bản chất của Thiên Chúa ( TC ) là sự thiện nên trước hết, nhân từ cũng chính là tố chất của Ngài. Sách Nêhêmi 9,16-17 nói về lòng nhân từ lớn lao của TC đối với tuyển dân của Ngài. TC đã không lìa bỏ họ mặc dù họ đã cứng lòng, không vâng phục Ngài và phạm tội chống lại Ngài.
    Hãy nghĩ những lời vô thức, bất nhẫn, nóng nảy mà bạn đã nói với một người nào đó gần đây trong lúc tức giận. Người bạn làm tổn thương, có thể hay có muốn tha thứ cho bạn không ? Có thể có, cũng có thể không, nhưng TC tha thứ cho bạn.
    Hãy nghĩ một đứa con bỏ nhà đi, sống với bạn trai của mình mà không cưới hỏi, cuối cùng cô mang thai và bị người bạn trai bỏ rơi. Sau khi làm cha mẹ đau lòng vì đã không nghe lời, cô quyết định trở về nhà sinh con để cho cha mẹ săn sóc mình. Cha mẹ có thể tha thứ một đứa con như vậy không ? Họ có thể yêu thương một đứa con như vậy không ? Một số cha mẹ không làm được điều này, nhưng TC làm được !
    Hãy nghĩ một người chồng không chung thủy, mang bệnh truyền nhiễm về lây cho vợ; người vợ có thể tha thứ cho chồng không ? Có thể bà tha thứ được, có thể không, ngưng TC tha thứ tất cả.
    Nêhêmi nói TC có "dư đầy nhân từ". Sự thật là chúng ta đáng phải chết vì tội lỗi của mình; dù khi chúng ta không đáng yêu, TC vẫn yêu thương chúng ta. Ngài luôn có đủ ân sủng và lòng thương xót để tha thứ cho chúng ta !
    Chúa GS cho biết lòng nhân từ của Chúa Cha là vô hạn, vì "Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" ( Lc 6,35 ). Ngài không chỉ yêu thương người ngay lành, nhưng cũng yêu thương người có tội. Lòng nhân từ của TC thể hiện qua sự kiện sai Con Ngài xuống thế gian để mọi người có thể nhờ Con Ngài mà được cứu rỗi.
    Thánh Phaolo xác nhận lòng nhân từ của TC trong Chúa GS : "Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức GS Kitô trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức GS Kitô, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người" ( Cl 2,6-7 ).
    Vì lòng nhân từ của TC quá lớn lao đối với chúng ta, chúng ta phải ngợi khen Ngài ( Tv 63,3 ).
    
 2. Ảnh hưởng của lòng nhân từ : 
    Khi chúng ta lấy lòng nhân từ đối xử với người khác thì nó tác động lớn lao trên người khác, nhất là khi họ không xứng đáng để được chúng ta đối xử tử tế. Lòng nhân từ có thể biến đổi đời sống người khác. Gia-kêu, một Trưởng ty thuế vụ gian ác và đầy quyền lực, khi nhìn thấy lòng nhân từ của Chúa Giêsu ( GS ) đối với mình thì ông đã thay đổi đời sống ( x Lc 19,1-10 ). Phaolo trong thư gởi tín hữu Roma nói rằng : Sự nhận biết lòng nhân từ của Thiên Chúa ( TC ) đem con người đến sự ăn năn ( Rm 2,4 ). 
    Nhân từ là đường lối hữu hiệu để thay đổi kẻ thù hơn là trả thù, Chúa GS hiểu rõ điều đó nên Ngài phán rằng : "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em"( Mt 5,14 v Lc 6, 27-28 ). Cụ thể hơn, Ngài còn nói : "Anh em đã nghe luật người xưa dạy rằng : chớ giết người. Ai giết người sẽ bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi" ( Mt 5,21-22 ). Khi ta trả thù ta không chỉ làm hại người khác nhưng ta cũng làm hại chính ta nữa. Phaolo nói lấy lòng nhân từ đối xử với người làm hại mình khác nào "lấy than hồng chất lên đầu họ" ( Rm 12,20b ). Lý do Phaolo nói như vậy là vì lòng nhân từ sẽ khiến người ngược đãi chúng ta hổ thẹn với chính họ, khiến họ nhìn thấy họ đã hành động sai trái. Lòng nhân từ có một sức mạnh tác động rất lớn. Nhân từ sẽ giữ sự phán xét của TC lại cho họ. TC sẽ khiến họ chịu trách nhiệm về những hành động của họ mà chúng ta không cần phải can thiệp vào.
    Thánh Phaolo nói chúng ta có thể thắng điều ác bằng cách làm điều thiện : "Đừng lấy ác trả ác, bao giờ cũng phải cư xử tốt với nhau, và với tất cả mọi người" ( 1 Tes 5,15 ). Ai kinh nghiệm thì sẽ thấy.  Điều này có nghĩa là chúng ta có thể đánh bại người ngược đãi chúng ta bằng cách đối xử tốt với họ, đối xử như cách Chúa GS đã đối đãi với chúng ta. Chúng ta cần áp dụng lời dạy này với mọi người : trong gia đình, ngoài xã hội, người gây khó khăn, người cùng làm việc "khó thương", người làm khổ chúng ta, người đáng bị nguyền rủa, kẻ đối kháng...
    Khi trả thù chúng ta đánh mất khả năng chia sẻ ân sủng TC cho chúng ta với họ và chúng ta làm đau lòng Ngài. Lòng nhân từ bày tỏ chúng ta là con cái TC. Chúa GS nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao ( Lc 6,35-36 ). 
    Nhân từ cũng là bản chất của Chúa GS. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa GS chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa GS là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy, chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa GS nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là Môn đệ của Ngài ( Jn 13,35 ). Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa, có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxico nói : "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa GS luôn đi trước chúng ta". Lòng nhân từ thường gắn liền với phục vụ, Tin Mừng Macco mô tả một chuyện rất thật : "Vừa ra khỏi hội đường Caphanaum, Chúa GS đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Giacobe và ông Gioan đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm liệt giường, lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người tiến lại gần, cúi xuống, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài"( Mc 1,29-31 ). Chữ "cúi xuống" lấy từ Tin Mừng của Luca ( x Lc 4,39 ). Chúa GS đã phục vụ một cách dịu dàng và đầy lòng yêu thương.
    Chúng ta cần nhớ rằng nhân từ làm chúng ta giống Chúa hơn. Nhân từ bày tỏ tình yêu của Chúa trong chúng ta, và nhân từ củng cố đức tin chúng ta trong Chúa.

3. Sống lòng nhân từ :
    Chúng ta phải sống nhân từ vì chúng ta là con cái TC. Trong chương 3 Colose, Thánh Phaolo dạy chúng ta một điều rất quan trọng về sự Phục sinh. Phục sinh không chỉ là một biến cố trong đời sống của Chúa GS, nó không chỉ là một kinh nghiệm tương lai mai hậu của người tin Chúa. Qua đức tin trong Chúa GS, bây giờ mỗi chúng ta được ban cho khả năng của một tạo vật mới, một bắt đầu mới, trong đó chúng ta lột bỏ bản chất cũ, từ bỏ những việc vô đạo và xấu xa thúc đẩy bởi bản tính xác thịt như tà tâm, ô uế, dâm dục, tham lam ( c 5 ); tức tối, buồn giận và hung ác; nói hành, nói tục, nói dối ( c 8,9 ) và mặc lấy bản chất của một con người được đổi mới trong TC để làm những việc thể hiện tình thương và lòng nhân từ của TC qua sự khiêm tốn,mềm mại, nhẫn nhục ( c 12 ), nhường nhịn, tha thứ ( c 13 ) và yêu thương ( c 14 ).
    Gương mẫu của lòng nhân từ người tin theo Chúa phải sống là gương của chính Chúa GS, Chúa GS mời gọi : "Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng". Thánh Phaolo kêu gọi con dân Chúa "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như TC đã tha thứ anh em trong Đức Kitô vậy" ( Ep 4,32 ). Có hằng trăm việc nhỏ chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ, nhưng những việc này đều đòi hỏi thì giờ, sức lực, tiền của. Một điển hình của việc làm nhân từ như trong chuyện "Người Samaria nhân hậu" Chúa GS kể Luca ghi lại ( Lc 10,29-37 ). Trong câu chuyện này, người Samaria đã làm ơn, cứu giúp, tiếp tục quan tâm theo dõi người bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ.
    Những việc chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ của Chúa trong chúng ta, trong Hội Thánh như "giúp đỡ người thiếu thốn" ( Ep 4,28 ), "thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ" ( Gc 1,27 ), "an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối" ( 1 Tes 5,14 ), "mang gánh nặng cho nhau" ( Gal 6,2 ); là "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" ( Rm 12,15 ).
    Chúng ta phải đối xử với người khác với lòng nhân từ chân thật, bởi vì TC đã đầy lòng nhân từ đối với chúng ta. Để phát huy lòng nhân từ chúng ta cần phải luôn nhớ tới lòng nhân từ của TC đối với chúng ta. Chúng ta cần ăn năn bất cứ sự cư xử thiếu khôn ngoan nào làm cho người khác buồn, hoặc bất cứ sự cư xử tàn nhẫn nào của mình đối với người khác trong quá khứ. Chúng ta cần tuân phục Chúa và nương cậy Thánh Thần để có thể sống nhân từ với người khác. Hãy nghĩ đến những người đang gặp khó khăn, đặc biệt chúng ta có thể cư xử dịu dàng, hòa nhã với họ hơn; tử tế với họ hơn; độ lượng bao dung với họ hơn.
    Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần để ý đến những người khốn khó chung quanh chúng ta và tìm cách mang lại niềm vui cho đời sống của một vài người khác : Người tin Chúa, không tin Chúa, bạn hay thù. Một trong những điều TC đòi hỏi nơi chúng ta là sống nhân từ : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau ( Jn 13,34-35 ).

4. Cầu nguyện :
    Kính lạy TC, con ngợi khen Ngài, tôn thờ Ngài vì lòng nhân từ của Ngài đối với con quá lớn lao. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống nhân từ để có thể khiến người khác nhận biết con là con cái của Chúa.
    Xin Chúa giúp con sống một đời sống nhân từ theo gương của Chúa trong sự phục vụ, giúp đỡ những người khó khăn ở quanh con. Xin giúp con có thể sống bày tỏ tình thương và lòng thương xót của Ngài cho người khác.
     Lạy Cha nhân từ, xin giúp con phản ánh lòng nhân từ của Ngài. Con biết con chỉ có thể yêu thương người khác vì Ngài đã quá yêu thương con. Xin giúp con biết thương người như Ngài đã thương con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Học Chúa Giêsu qua cơn giận

1. Cơn giận và tác hại của nó :
    Hờn giận là một trong những phản ứng tự nhiên của con người. Không ai sống trên đời mà không biết giận. Thế nhưng cách chúng ta xử sự trong cơn giận phần nào đó bày tỏ cách trung thực nhất con người của mình. Tục ngữ VN có câu : "No mất ngon, giận mất khôn". Thật thế, trong bóng tối của cảm xúc căm ghét, hờn giận, ta không gặt được điều gì lợi ích và tốt đẹp. Ngược lại, nó khiến ta nói và làm những điều mà ta có thể ân hận suốt đời.
    Trước hết, ta xem cơn giận đã gây tai hại gì cho chính ta. Khi giận ta mất ngay niềm vui, sự bình tĩnh và bình an trong tâm hồn. Ta cảm thấy cay đắng, buồn bực, tủi thân, chán chường, ta bị những cảm xúc tiêu cực này quấy nhiễu khiến tim ta đập mạnh, ngực ta khó thở; ta ăn không ngon ngủ không được vì cơn giận ám ảnh, ta quên mất những điều cần làm, ta đổ quạu lên người thân một cách vô cớ. Tâm trí ta làm việc không ngừng và nếu không kiềm chế được cơn giận, ta sẽ dễ dàng bị ma quỉ xui khiến ta phạm nhiều tội như ghen ghét : ai ghét anh em mình là kẻ giết người ( 1 Jn 3,15 v Mt 5,21-22 ); tội nói hành ( Cl 3,8b ); tội xét đoán : chớ xét đoán ( Rm 14,13 ); tội nguyền rủa : chớ nguyền rủa ( Rm 12, 14b ); tội trả thù : chớ trả thù ( Rm 12,19 ); tội kiện cáo : kiện cáo nhau là phạm tội ( 1 Cr 6,7 ). Điều tai hại lớn hơn hết là khi giận, ta đã cắt đứt mối tương giao giữa chúng ta với Chúa ( x Mt 5, 23-24 v Mc 6,11 ) và khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa nữa ( Giacôbê 2,20 ).
    Vì biết cơn giận đem nhiều tai hại như thế nên Kinh Thánh khuyên dạy ta nhiều về lòng giận dữ như : Chớ vội giận, vì giận ở trong lòng kẻ ngu muội ( Gv 7,9 ); người chậm giận có thông sáng lớn ( Châm ngôn-Cn 14,29 ); ngừơi chậm nóng giận thắng hơn người dũng sĩ ( Cn 16,32 ); kẻ ngu muội tỏ ra sự nóng giận mình, nhưng người khôn ngoan lấp nó và cầm giữ nó lại ( Cn 29,11 ); mau nghe, đừng vội nói, khoan giận ( Giacôbê 1,19 ); chớ căm giận đến khi mặt trời lặn ( Ep 4,26 ).
   Ai trong chúng ta chắc cũng đã hơn một lần kinh nghiệm về sự tai hại do cơn giận đem đến ? Xin Chúa giúp chúng ta có thái độ đẹp lòng Ngài khi giận.


2. Cách đẩy lùi cơn giận :
    Kinh Thánh Tân ước ghi lại 2 lần Chúa Giêsu ( GS ) giận. Một lần khi Ngài thấy những kẻ buôn bán, đổi bạc trong đền thờ, Ngài bện một cái roi bằng dây đuổi hết thảy ra khỏi đền thờ, vung vải tiền người đổi bạc và lật đổ bàn của họ ( x Jn 2,13-17 v Lc 19,45-46 v Mc 11,15-17 ). Ngài giận vì người ta làm hoen ố đền thờ - cơn giận bộc lộ bản chất thánh khiết và công chính của Ngài. Lần khác, trong nhà hội, những người Pharisiêu ngăn cản không cho Ngài chữa lành người teo tay trong ngày Sabat, Kinh Thánh chép : Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi ( Mc 3,5 ). Chúa giận trước sự tàn nhẫn của những kẻ tự xưng là lãnh đạo tôn giáo mà không có chút lòng yêu thương đối với người kém may mắn hơn mình ( Mc 3,1-5 v Mt 12,9-14 v Lc 6,6-11 ). Điều ta ghi nhận là không lần nào Chúa giận vì người ta xúc phạm đến cá nhân Ngài; trái lại, đối với kẻ chống đối, chế diễu, vu khống, nói phạm thượng, đánh đập và mưu giết, Ngài chỉ im lặng và còn cầu thay cho họ. Còn chúng ta thì sao ? Động cơ nào khiến chúng ta nổi giận ? Có phải hầu hết là vì tự ái hay quyền lợi cá nhân bị va chạm, hay trong đời sống hôn nhân thì có khi không phải va chạm vì quyền lợi cá nhân mà vì bảo thủ, độc đoán và không chịu lắng nghe ? Còn đối với những điều bất công hoặc trái đạo yêu thương, ta làm ngơ vì điều đó không liên quan gì đến ta ư ? Xin Chúa giúp chúng ta đừng quá coi trọng cá nhân mình, "cái tôi" mình quá lớn, mà hãy học theo gương Chúa, chỉ giận vì sự thánh khiết, lẽ công chính bị chà đạp, hay khi bông trái yêu thương bị vùi dập, chứ không buồn giận dễ dàng vì những chuyện tầm thường nhỏ nhặt, hoặc khi tự ái và quyền lợi ta bị thương tổn.
    Làm sao để làm chủ cơn giận ? Hãy nhớ, nếu ta không tìm cách đẩy lùi ra khỏi cơn giận ta ngay, nó sẽ hoành hành trong thân xác và tâm trí ta cách mạnh mẽ như nước tràn ra, càng chậm trễ càng gây nhiều tác hại. Cách tốt nhất giúp ta nguôi giận là chạy ngay đến với Chúa GS. Bạn có thể khóc lóc kể lể với Ngài niềm uất ức. Chính Ngài sẽ an ủi và ban cho ta tình yêu thương để ta có thể tha thứ cho kẻ làm ta giận, sau đó ta hãy bắt đầu cầu nguyện cho người đó, ta sẽ nhận ra là cơn giận sẽ tan biến trong tâm trí, nhường chỗ cho sự bình an, vui mừng tuyệt diệu mà Chúa dành cho những kẻ khiêm nhường và làm theo lời Ngài. Hãy nhớ : Đừng để cho ma quỷ nhân dịp này mà trỗi dậy, đừng để cho quỷ Satan thắng vì chẳng phải chúng ta không biết mưu chước của nó ( x Ep 4,7 v 2 Cr 2,11 ).


   
   3. Cầu nguyện :  
Chúa ơi, cho con ghi nhớ những lời dạy quý báu của Ngài về sự giận dữ và giúp con có thể làm theo Chúa.
    Lạy Chúa GS, xin giúp con học theo gương Ngài trong sự tức giận. Xin giúp con làm chủ được cơn giận của con bằng cách chạy đến với Chúa để được an ủi và được Ngài giúp sức, để con có thể cầu nguyện cho anh em con và làm hòa với họ, đem đến sự bình an cho mọi người.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Tình yêu và sự sửa đổi


    Đọc Kinh Thánh : Philipphe 2,5-11 v Galata 6,1.
 1. Loại bỏ cái tôi to đùng :
    Chúa Giêsu ( GS ) là mẫu hình khiêm nhu lý tưởng, được khắc họa trong bài tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh ban đầu ( Php 2,6-7 ) : "Đức GS Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng  với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế..." Theo gương Ngài ta sẽ gầy dựng được đức khiêm nhu, dẹp bỏ tính tự ái, nóng nảy, độc đoán, nhưng phải bền chí và dày công tu luyện. Không nên quá bảo thủ, quá cực đoan. Ở đời nếu ai dùng nguyên tắc để lãnh đạo, quá bảo thủ, cực đoan, thì người ấy chỉ sống được một mình họ mà thôi.
    Trước hết ta thấy, Chúa không bám víu vào bản thể mình có mà buông ra để đạt sứ mệnh và mục tiêu mình. Tinh thần của Chúa là vậy, Ngài buông ra để tự hủy, tự bỏ mình đi, để cứu chuộc nhân loại. Học tập tinh thần này của Chúa có hai điều giải thoát đến với mỗi người : Trước tiên mình loại bỏ được cái tôi to đùng của mình, được như thế tránh không biết bao nhiêu tai họa cho mình và cho người khác. Cái tôi to đùng trở nên cái tôi nhỏ bé chứ không triệt tiêu nó. Thiếu ý thức về cái tôi của mình sẽ đưa mình rời xa chân lý, lầm đường. Một khi cái tôi to đùng bị lột đi, cái tôi nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn ( nên giống Chúa GS ) mới dần hồi xuất hiện. Kế đến, tâm hồn mình sẽ nhận ra Chúa và cái tôi nhỏ bé đón rước Chúa vào lòng, dần dà sự hiện diện của Chúa ngập tràn. Tình Ngài chế ngự, đời thiêng liêng khởi sắc.
    Trong vâng phục, Chúa trả giá quá đắc ngay đến tận cùng, đến cái chết thảm, cuộc đời Chúa tan nát để nêu gương nhu mì.

2. Vẻ đẹp đối trọng :
    Thiết tưởng cần dẫn tiếp câu Kinh Thánh đã nêu trên : "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu"( Php 2,8-9 ).
    Ở đây chỉ một động từ, nêu lên hai khía cạnh nhục vinh trên đời. Treo lên : Chúa chết khổ, chết đau ( Jn 10,33 ); đem lên : Chúa được vinh quang tột đỉnh. Tự mình Chúa hiến thân mình ( Jn 10,18 ), chẳng ai ép buộc Ngài. Yêu Cha nên được Cha yêu / Treo lên để kéo muôn người lên theo ( Jn 12,32-33 ). Nghệ thuật không phải bao giờ cũng cân đối, tình yêu cũng vậy. Vẻ đẹp đối trọng : Hai kết quả từ một đau thương. 
   Luật trời Chúa đã nêu gương, muốn được kết quả mỗi người chúng ta cần phải noi theo gương Ngài.
    Từ câu Kinh Thánh trích dẫn nêu trên, ta thấy Chúa GS được Chúa Cha siêu tôn và ban cho danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Vậy danh hiệu đó là danh hiệu gì ? Xin thưa, vẫn là danh hiệu GS, không có tên gọi nào khác. Nhưng tiếng GS giờ đây khiến cho "cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, khi vừa nghe, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức GS Kitô là Chúa"( Php 2,10-11 ).

3. Mềm mại sửa đổi :
    Tình cờ lật trang Kinh Thánh đọc thấy Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Galata, Ngài viết : "Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Chúa Thánh Thần, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại ( Gal 6,1a ). Tôi thấy tôi xốn lòng quá vì vừa rồi tôi đã làm cho vợ tôi buồn. Tôi cũng mong sao nàng ngọt ngào, mềm mại và đáng yêu hơn.
    Có bao giờ chúng ta quan sát một người thợ kim hoàn làm việc chưa ? Nếu có dịp xem họ làm việc, chúng ta sẽ thấy những người này làm việc rất cẩn thận. Họ có những cái búa, cái đục, cái cưa, cái dũa tí hon. Với đôi bàn tay khéo léo họ mài, dũa, chạm trổ để biến những miếng vàng đơn giản thành những chiếc nhẫn, chiếc vòng đẹp đẽ tinh tế.
    Muốn sửa đổi người khác chúng ta cũng cần thận trọng, tinh tế như những người thợ kim hoàn, vì tình cảm con người vẫn quý giá, mong manh như những món hàng kim loại quý. Nếu không khéo xử sự chúng ta không giúp ích được gì cho người lầm lỗi mà còn gây thêm thương tổn.
Chữ "sửa" Phaolo dùng là tiếng chỉ hành động hàn gắn, sửa chữa, cũng có nghĩa cắt bỏ chỗ hư, may lại chỗ đứt trong thân thể con người mà các nhà phẫu thuật phải làm. Vì vậy từ "sửa" này có nghĩa chữa trị chứ không phải sửa phạt. Khi anh chị em trong gia đình, trong Hội Thánh làm điều sai trật, ta sẽ làm gì ? Đừng chỉ trích hay thẳng thắn đả kích, hoặc nóng nảy hơn nữa sẽ lên tiếng "sửa sai" giữa mọi người, giữa Hội Thánh. Tất cả những đối xử trên đều chưa phản ánh được câu Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, mà có thể đem gia đình, Hội Thánh đến chỗ chia rẻ, bất hòa. Chúa dạy chúng ta hãy lấy lòng mềm mại mà sửa đổi những người lầm lỗi. Sai lầm cần sửa đổi một cách mềm mại, sửa đổi trong tinh thần khiêm nhường, sửa người mà vẫn yêu thương tôn trọng người.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, sống đời Hôn nhân con cũng mong vợ con đừng khó tính, đừng nguyên tắc quá. Đừng đi theo khuynh hướng một chiều mà áp đặt người khác, bảo thủ cả cách sống và quan điểm nghệ thuật. Xin Chúa ban ơn THÁNH HÓA cho đời sống Hôn nhân của chúng con để chúng con biết hy sinh, chia sẻ với nhau, đừng từ chối nhau trong giấc ngủ, trong sự gũi gần...chia sẻ nhau chính thịt da của mình vì "cả hai nên một" ( St 2,24-25 ).
    Chúa ơi, xin giúp con vâng phục Ngài để được Ngài nâng đỡ trong ý định tốt lành của Ngài.
    Xin Chúa dạy con biết lấy lòng mềm mại mà giúp đỡ anh chị em con khi họ lầm lỗi, xin cho con cứ yêu thương anh chị em con dù họ có điều sai trật. Xin Chúa giúp con không nóng nảy, thô bạo đối với anh chị em con.
                    Phải  có   để  yêu,  để   giải  bày
                    Tình  Ngài  đi  mãi  đến hôm nay
                    Đời con, con hiến dâng Ngài đó,
                    Xin  bọc con vào  trong  cánh  tay.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Chùm thơ 74

 PHỐ BUỒN

Chiều  nay  ai  ra  phố
Cửa tiệm  đóng cả rồi
Chỉ còn người cuốc bộ
Đi    về    nơi    xa   xôi.




VOI HOẠT BÁT

Đúng  là   voi   vì   Ngài  to  quá,
Chiếc ba lô mang sẵn trên người
Đi  đường  xa  chưa  hề  vấp  ngã,
Vượt dốc đèo miệng vẫn cười tươi.

P/s : Tôi đã từng gặp Cha qua những buổi sinh hoạt và những lần đi dã ngoại.



PHÚ DÂNG

Có  gì  là  khó  lắm  đâu,
Đừng nghe mưa gió đổi màu thời gian
Gũi gần bên Chúa dịu dàng,
Nắm  tay  ta  được  bình  an  suốt  đời.




VỮNG TIN

Có những câu thơ để nguyện cầu,
Có  vầng  trăng  tỏ  ngỏ đêm thâu
Đời  ta  có  Chúa  bao năm tháng,
Chia sẻ cùng ta những nhiệm mầu.




TỰ NGẮM MÌNH

Tôi ngắm nhìn tôi trong kính gương,
Chân dung mộc mạc một đời thường
Người  ta  cứ  tưởng  tôi  linh  mục,
Tôi   đã   chối   từ,   họ   vẫn  thương.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

TỰ BẠCH

 


TÔI KHÔNG CÂN BẰNG CÔNG VIỆC VỚI VUI CHƠI MÀ CHỈ BIẾN CÔNG VIỆC THÀNH NIỀM VUI. LÀM CÔNG VIỆC GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH VÔ VỊ LỢI LÀ MỘT TRONG NHỮNG CÔNG VIỆC LÀM CHO TÔI VUI. TÔI THÍCH ĐẶT NGƯỠNG VỌNG CỦA MÌNH VÀO NHỮNG NGƯỜI MÀ MÌNH KHÔNG THỪA KẾ GÌ CẢ - HỌ CÓ THỂ LÀ THÀNH PHẦN BẤT HẠNH TRONG XÃ HỘI.

                                                                      JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Tin vào quyền năng và sự quan phòng của Chúa

 Đọc Kinh Thánh : Jn 21,1-14.


   1. Quyền năng yêu thương của Chúa :
    Tại một nhà thờ nọ ở Thủ Thiêm ( tôi vừa đi lễ Kim Khánh Linh mục của một Cha quen thân ), giữa cung thánh, phía dưới Nhà Tạm có để mấy chữ "Thiên Chúa yêu thế gian..."( tính ra chỉ 5 chữ, chưa đầy đủ một câu, thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ ), như thế có người sẽ hiểu lầm, hiểu theo nghĩa hạn hẹp : Thiên Chúa yêu thế gian là yêu tất cả những gì thuộc về thế gian, kể cả của cải vật chất, và người ta lại càng coi trọng của cải thế gian. Vô tình cách giải nghi huyền nhiệm này rất đáng tiếc nếu ai đó ngộ nhận ! Thật ra đây là câu Kinh Thánh theo Tin Mừng Gioan : "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một , để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" ( Jn 3,16 ). Đúng là câu này nói lên được quyền năng yêu thương của Chúa vì chỉ cần tin thôi là được sự sống vĩnh cửu. Yêu thế gian ở đây có nghĩa là yêu nhân loại, yêu con người. Quyền năng của Chúa là quyền năng yêu thương, Ngài hoàn toàn không lệ thuộc của cải thế gian. Từ ngôi cao vĩnh cửu Thiên Chúa trở nên người phàm và cư ngụ giữa thế gian, "vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" ( Jn 1,14b ).
    Phân đoạn Tin Mừng : Jn 21,1-14 mô tả trong bối cảnh các Môn đệ làm theo lời Chúa dặn mà đi đến Galile, chính Macco cũng cho biết như thế :  x Mc 16,7. Tại Galile, lẽ ra họ phải kiên nhẫn chờ đợi các mệnh lệnh tiếp theo. Thế nhưng trước cảnh sông nước và thuyền chài, họ trở về với cuộc sống ngư phủ ngày trước và họ bị thất bại. Họ phân vân giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tâm linh. Chúa đã đến đúng vào lúc họ cần được cứu thoát khỏi tình trạng giằng co ấy. Ngài phán hỏi họ một câu nghe thật não lòng, nhưng với một dụng ý sâu xa : "Này các con, các con không có gì ăn cả ư ?"( Jn 21,5a ). Ngài nhẹ nhàng cho lời khuyên bảo : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi thì sẽ bắt được cá ( Jn 21,6a ). Họ vâng lời, thế là phép lạ xảy ra : Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá ( Jn 21, 6b ). Lòng họ ấm lên và trí họ được khai mở. Người Môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phero : "Chúa đó !". Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Simon Phero khoác áo choàng vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các Môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước ( Jn 21,7-8 ) - đoạn văn này tả rất thật.
    Một mẻ lưới đầy cá, với 153 con cá lớn, chưa kể cá nhỏ... đủ biết là quyền năng của Chúa như thế nào rồi.
    Buổi trưa mở YouTube nghe video Cha Phạm Quang Hồng giảng : Quyền năng của Chúa là quyền năng yêu thương chứ không phải như quyền năng thế gian : những người có quyền lực luôn tìm cách trừ diệt những kẻ dưới quyền khác chính kiến mình. Chúa Giêsu thì hoàn toàn ngược lại, Ngài yêu thương những người tội lỗi biết ăn năn sám hối, Ngài sẵn sàng quên đi tội của họ, tha thứ cho họ, và quyền năng của Chúa biến đổi họ, cho họ cơ hội trở thành những con người tốt.

    2. Nhận biết sự quan phòng của Chúa :
    Chúa không phụ thuộc vào của cải vật chất, nhưng Chúa vẫn đoái thương nhân loại. "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" ( Jn 1,16 ). Thiên Chúa vẫn ghé mắt đến các nhu cầu cụ thể của chúng ta. Lời Chúa từng chỉ rõ : "Cha các ngươi trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những gì rồi"( Mt 6,32 ). Phép lạ trên Biển hồ Galile dần dần khiến các Môn đệ nhớ lại các hình ảnh cũ, kỉ niệm xưa gặp gỡ Thầy mình. Mẻ cá quá lớn ở Biển hồ Tiberiat có thể gợi lại chuyến đánh cá lạ lùng trong Luca 5,1-11 và lời Chúa phán : "Ngươi sẽ nên tay đánh lưới người", chẳng khác nào Chúa nói : "Ngươi sẽ nên kẻ chinh phục người ta" đang có nhiều hứa hẹn ( Cv 2,40-41 ) - Đây cũng là nhu cầu truyền giáo. Dĩ nhiên, mẻ lưới sau Phục sinh và mẻ lưới trước Phục sinh hoàn toàn khác nhau, mẻ lưới sau Phục sinh Thánh Gioan ghi nhận : "Mặc dầu nhiều cá vậy lưới vẫn không bị rách"( Jn 21,11c ), cho chúng ta cái nhìn lạc quan hơn.
    Khi bước lên bờ, Chúa Giêsu cho các Môn đệ ăn giống như Chúa đã cho năm ngàn người ăn trước đó. Nhớ lại các phép lạ cách đây hơn 2000 năm, các Môn đệ và cả chúng ta ngày nay nữa sẽ thấy an lòng vì biết rằng Đấng Quan Phòng luôn chuẩn bị mọi thứ cho người yêu mến và phục vụ Ngài ( St 22,14 ). Năm ngàn người trông chờ Chúa không luống công. Trong thế gian, ai cầu mong "bánh sự sống" cũng sẽ được Chúa ban cho, mầu nhiệm này ta được ơn thánh hóa - niềm vui thiêng liêng bất tận trong tâm hồn...
    Do vậy, khi có bất cứ nhu cầu nào, ta cũng hãy nhớ rằng, Đức Kitô luôn giải quyết bằng những phương tiện từ đôi tay Ngài hoặc từ sự nối kết Ngài với một phương tiện khác, chứ không phải từ tay chúng ta ( Jn 21,10 ). Ngài giải quyết đúng theo kỳ hạn của Ngài và bằng sự thông biết chắc chắn của Ngài ( Jn 21,6 ), để đáp ứng các nhu cầu tinh thần, thể chất ( Jn 21,9 ) và đặc biệt về tâm linh của chúng ta. Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng Chúa cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian để ta nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ngay ở trần gian.

    3. Tâm tình cảm tạ :
    Lạy Chúa, văng vẳng bên tai con vẫn nghe lời Chúa phán : "Anh em đừng lo lắng về Ngày mai; Ngày mai, cứ để Ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy"( Mt 6,34 ). Cảm tạ Chúa, Ngài luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con, ngay cả lúc con không biết rõ mà Ngài cũng ban cho. Xin giúp con biết chia sẻ về chính Ngài cho người khác, những người chúng con bắt gặp trong cuộc sống.

JB.SĨ TRỌNG.