Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Tình yêu và sự sửa đổi


    Đọc Kinh Thánh : Philipphe 2,5-11 v Galata 6,1.
 1. Loại bỏ cái tôi to đùng :
    Chúa Giêsu ( GS ) là mẫu hình khiêm nhu lý tưởng, được khắc họa trong bài tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh ban đầu ( Php 2,6-7 ) : "Đức GS Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng  với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế..." Theo gương Ngài ta sẽ gầy dựng được đức khiêm nhu, dẹp bỏ tính tự ái, nóng nảy, độc đoán, nhưng phải bền chí và dày công tu luyện. Không nên quá bảo thủ, quá cực đoan. Ở đời nếu ai dùng nguyên tắc để lãnh đạo, quá bảo thủ, cực đoan, thì người ấy chỉ sống được một mình họ mà thôi.
    Trước hết ta thấy, Chúa không bám víu vào bản thể mình có mà buông ra để đạt sứ mệnh và mục tiêu mình. Tinh thần của Chúa là vậy, Ngài buông ra để tự hủy, tự bỏ mình đi, để cứu chuộc nhân loại. Học tập tinh thần này của Chúa có hai điều giải thoát đến với mỗi người : Trước tiên mình loại bỏ được cái tôi to đùng của mình, được như thế tránh không biết bao nhiêu tai họa cho mình và cho người khác. Cái tôi to đùng trở nên cái tôi nhỏ bé chứ không triệt tiêu nó. Thiếu ý thức về cái tôi của mình sẽ đưa mình rời xa chân lý, lầm đường. Một khi cái tôi to đùng bị lột đi, cái tôi nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn ( nên giống Chúa GS ) mới dần hồi xuất hiện. Kế đến, tâm hồn mình sẽ nhận ra Chúa và cái tôi nhỏ bé đón rước Chúa vào lòng, dần dà sự hiện diện của Chúa ngập tràn. Tình Ngài chế ngự, đời thiêng liêng khởi sắc.
    Trong vâng phục, Chúa trả giá quá đắc ngay đến tận cùng, đến cái chết thảm, cuộc đời Chúa tan nát để nêu gương nhu mì.

2. Vẻ đẹp đối trọng :
    Thiết tưởng cần dẫn tiếp câu Kinh Thánh đã nêu trên : "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu"( Php 2,8-9 ).
    Ở đây chỉ một động từ, nêu lên hai khía cạnh nhục vinh trên đời. Treo lên : Chúa chết khổ, chết đau ( Jn 10,33 ); đem lên : Chúa được vinh quang tột đỉnh. Tự mình Chúa hiến thân mình ( Jn 10,18 ), chẳng ai ép buộc Ngài. Yêu Cha nên được Cha yêu / Treo lên để kéo muôn người lên theo ( Jn 12,32-33 ). Nghệ thuật không phải bao giờ cũng cân đối, tình yêu cũng vậy. Vẻ đẹp đối trọng : Hai kết quả từ một đau thương. 
   Luật trời Chúa đã nêu gương, muốn được kết quả mỗi người chúng ta cần phải noi theo gương Ngài.
    Từ câu Kinh Thánh trích dẫn nêu trên, ta thấy Chúa GS được Chúa Cha siêu tôn và ban cho danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Vậy danh hiệu đó là danh hiệu gì ? Xin thưa, vẫn là danh hiệu GS, không có tên gọi nào khác. Nhưng tiếng GS giờ đây khiến cho "cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, khi vừa nghe, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức GS Kitô là Chúa"( Php 2,10-11 ).

3. Mềm mại sửa đổi :
    Tình cờ lật trang Kinh Thánh đọc thấy Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Galata, Ngài viết : "Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Chúa Thánh Thần, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại ( Gal 6,1a ). Tôi thấy tôi xốn lòng quá vì vừa rồi tôi đã làm cho vợ tôi buồn. Tôi cũng mong sao nàng ngọt ngào, mềm mại và đáng yêu hơn.
    Có bao giờ chúng ta quan sát một người thợ kim hoàn làm việc chưa ? Nếu có dịp xem họ làm việc, chúng ta sẽ thấy những người này làm việc rất cẩn thận. Họ có những cái búa, cái đục, cái cưa, cái dũa tí hon. Với đôi bàn tay khéo léo họ mài, dũa, chạm trổ để biến những miếng vàng đơn giản thành những chiếc nhẫn, chiếc vòng đẹp đẽ tinh tế.
    Muốn sửa đổi người khác chúng ta cũng cần thận trọng, tinh tế như những người thợ kim hoàn, vì tình cảm con người vẫn quý giá, mong manh như những món hàng kim loại quý. Nếu không khéo xử sự chúng ta không giúp ích được gì cho người lầm lỗi mà còn gây thêm thương tổn.
Chữ "sửa" Phaolo dùng là tiếng chỉ hành động hàn gắn, sửa chữa, cũng có nghĩa cắt bỏ chỗ hư, may lại chỗ đứt trong thân thể con người mà các nhà phẫu thuật phải làm. Vì vậy từ "sửa" này có nghĩa chữa trị chứ không phải sửa phạt. Khi anh chị em trong gia đình, trong Hội Thánh làm điều sai trật, ta sẽ làm gì ? Đừng chỉ trích hay thẳng thắn đả kích, hoặc nóng nảy hơn nữa sẽ lên tiếng "sửa sai" giữa mọi người, giữa Hội Thánh. Tất cả những đối xử trên đều chưa phản ánh được câu Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, mà có thể đem gia đình, Hội Thánh đến chỗ chia rẻ, bất hòa. Chúa dạy chúng ta hãy lấy lòng mềm mại mà sửa đổi những người lầm lỗi. Sai lầm cần sửa đổi một cách mềm mại, sửa đổi trong tinh thần khiêm nhường, sửa người mà vẫn yêu thương tôn trọng người.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, sống đời Hôn nhân con cũng mong vợ con đừng khó tính, đừng nguyên tắc quá. Đừng đi theo khuynh hướng một chiều mà áp đặt người khác, bảo thủ cả cách sống và quan điểm nghệ thuật. Xin Chúa ban ơn THÁNH HÓA cho đời sống Hôn nhân của chúng con để chúng con biết hy sinh, chia sẻ với nhau, đừng từ chối nhau trong giấc ngủ, trong sự gũi gần...chia sẻ nhau chính thịt da của mình vì "cả hai nên một" ( St 2,24-25 ).
    Chúa ơi, xin giúp con vâng phục Ngài để được Ngài nâng đỡ trong ý định tốt lành của Ngài.
    Xin Chúa dạy con biết lấy lòng mềm mại mà giúp đỡ anh chị em con khi họ lầm lỗi, xin cho con cứ yêu thương anh chị em con dù họ có điều sai trật. Xin Chúa giúp con không nóng nảy, thô bạo đối với anh chị em con.
                    Phải  có   để  yêu,  để   giải  bày
                    Tình  Ngài  đi  mãi  đến hôm nay
                    Đời con, con hiến dâng Ngài đó,
                    Xin  bọc con vào  trong  cánh  tay.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét