Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Lòng nhân từ




 1. Nhân từ là gì ?
    Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về lòng nhân từ của Thiên Chúa ? Khi tra từ ngữ Kinh Thánh tôi được biết, trong tiếng Hebrew : "chosed" có nghĩa là đối xử tốt, yêu thương tử tế. Tiếng Hy lạp chữ "nhân từ" có cùng nguồn gốc với chữ "bà con ruột thịt", cũng có nghĩa là "dịu dàng, vui vẻ, độ lượng". Như vậy, nhân từ có nghĩa là chúng ta đối xử với người khác giống như người trong gia đình. Đó là quan tâm về người khác đến nỗi ta đối xử với họ thật dịu dàng, vui vẻ, độ lượng. Nhân từ thể hiện qua những cử chỉ, hành động, hay việc làm nhân từ. Người có lòng nhân từ cảm thông với sự đau đớn, khổ sở và nan đề với người khác; không giữ những ác cảm, bực tức hay trả thù những việc không tốt người khác làm cho mình.
    Bản chất của Thiên Chúa ( TC ) là sự thiện nên trước hết, nhân từ cũng chính là tố chất của Ngài. Sách Nêhêmi 9,16-17 nói về lòng nhân từ lớn lao của TC đối với tuyển dân của Ngài. TC đã không lìa bỏ họ mặc dù họ đã cứng lòng, không vâng phục Ngài và phạm tội chống lại Ngài.
    Hãy nghĩ những lời vô thức, bất nhẫn, nóng nảy mà bạn đã nói với một người nào đó gần đây trong lúc tức giận. Người bạn làm tổn thương, có thể hay có muốn tha thứ cho bạn không ? Có thể có, cũng có thể không, nhưng TC tha thứ cho bạn.
    Hãy nghĩ một đứa con bỏ nhà đi, sống với bạn trai của mình mà không cưới hỏi, cuối cùng cô mang thai và bị người bạn trai bỏ rơi. Sau khi làm cha mẹ đau lòng vì đã không nghe lời, cô quyết định trở về nhà sinh con để cho cha mẹ săn sóc mình. Cha mẹ có thể tha thứ một đứa con như vậy không ? Họ có thể yêu thương một đứa con như vậy không ? Một số cha mẹ không làm được điều này, nhưng TC làm được !
    Hãy nghĩ một người chồng không chung thủy, mang bệnh truyền nhiễm về lây cho vợ; người vợ có thể tha thứ cho chồng không ? Có thể bà tha thứ được, có thể không, ngưng TC tha thứ tất cả.
    Nêhêmi nói TC có "dư đầy nhân từ". Sự thật là chúng ta đáng phải chết vì tội lỗi của mình; dù khi chúng ta không đáng yêu, TC vẫn yêu thương chúng ta. Ngài luôn có đủ ân sủng và lòng thương xót để tha thứ cho chúng ta !
    Chúa GS cho biết lòng nhân từ của Chúa Cha là vô hạn, vì "Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" ( Lc 6,35 ). Ngài không chỉ yêu thương người ngay lành, nhưng cũng yêu thương người có tội. Lòng nhân từ của TC thể hiện qua sự kiện sai Con Ngài xuống thế gian để mọi người có thể nhờ Con Ngài mà được cứu rỗi.
    Thánh Phaolo xác nhận lòng nhân từ của TC trong Chúa GS : "Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức GS Kitô trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức GS Kitô, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người" ( Cl 2,6-7 ).
    Vì lòng nhân từ của TC quá lớn lao đối với chúng ta, chúng ta phải ngợi khen Ngài ( Tv 63,3 ).
    
 2. Ảnh hưởng của lòng nhân từ : 
    Khi chúng ta lấy lòng nhân từ đối xử với người khác thì nó tác động lớn lao trên người khác, nhất là khi họ không xứng đáng để được chúng ta đối xử tử tế. Lòng nhân từ có thể biến đổi đời sống người khác. Gia-kêu, một Trưởng ty thuế vụ gian ác và đầy quyền lực, khi nhìn thấy lòng nhân từ của Chúa Giêsu ( GS ) đối với mình thì ông đã thay đổi đời sống ( x Lc 19,1-10 ). Phaolo trong thư gởi tín hữu Roma nói rằng : Sự nhận biết lòng nhân từ của Thiên Chúa ( TC ) đem con người đến sự ăn năn ( Rm 2,4 ). 
    Nhân từ là đường lối hữu hiệu để thay đổi kẻ thù hơn là trả thù, Chúa GS hiểu rõ điều đó nên Ngài phán rằng : "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em"( Mt 5,14 v Lc 6, 27-28 ). Cụ thể hơn, Ngài còn nói : "Anh em đã nghe luật người xưa dạy rằng : chớ giết người. Ai giết người sẽ bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi" ( Mt 5,21-22 ). Khi ta trả thù ta không chỉ làm hại người khác nhưng ta cũng làm hại chính ta nữa. Phaolo nói lấy lòng nhân từ đối xử với người làm hại mình khác nào "lấy than hồng chất lên đầu họ" ( Rm 12,20b ). Lý do Phaolo nói như vậy là vì lòng nhân từ sẽ khiến người ngược đãi chúng ta hổ thẹn với chính họ, khiến họ nhìn thấy họ đã hành động sai trái. Lòng nhân từ có một sức mạnh tác động rất lớn. Nhân từ sẽ giữ sự phán xét của TC lại cho họ. TC sẽ khiến họ chịu trách nhiệm về những hành động của họ mà chúng ta không cần phải can thiệp vào.
    Thánh Phaolo nói chúng ta có thể thắng điều ác bằng cách làm điều thiện : "Đừng lấy ác trả ác, bao giờ cũng phải cư xử tốt với nhau, và với tất cả mọi người" ( 1 Tes 5,15 ). Ai kinh nghiệm thì sẽ thấy.  Điều này có nghĩa là chúng ta có thể đánh bại người ngược đãi chúng ta bằng cách đối xử tốt với họ, đối xử như cách Chúa GS đã đối đãi với chúng ta. Chúng ta cần áp dụng lời dạy này với mọi người : trong gia đình, ngoài xã hội, người gây khó khăn, người cùng làm việc "khó thương", người làm khổ chúng ta, người đáng bị nguyền rủa, kẻ đối kháng...
    Khi trả thù chúng ta đánh mất khả năng chia sẻ ân sủng TC cho chúng ta với họ và chúng ta làm đau lòng Ngài. Lòng nhân từ bày tỏ chúng ta là con cái TC. Chúa GS nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao ( Lc 6,35-36 ). 
    Nhân từ cũng là bản chất của Chúa GS. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa GS chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa GS là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy, chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa GS nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là Môn đệ của Ngài ( Jn 13,35 ). Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa, có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxico nói : "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa GS luôn đi trước chúng ta". Lòng nhân từ thường gắn liền với phục vụ, Tin Mừng Macco mô tả một chuyện rất thật : "Vừa ra khỏi hội đường Caphanaum, Chúa GS đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Giacobe và ông Gioan đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm liệt giường, lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người tiến lại gần, cúi xuống, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài"( Mc 1,29-31 ). Chữ "cúi xuống" lấy từ Tin Mừng của Luca ( x Lc 4,39 ). Chúa GS đã phục vụ một cách dịu dàng và đầy lòng yêu thương.
    Chúng ta cần nhớ rằng nhân từ làm chúng ta giống Chúa hơn. Nhân từ bày tỏ tình yêu của Chúa trong chúng ta, và nhân từ củng cố đức tin chúng ta trong Chúa.

3. Sống lòng nhân từ :
    Chúng ta phải sống nhân từ vì chúng ta là con cái TC. Trong chương 3 Colose, Thánh Phaolo dạy chúng ta một điều rất quan trọng về sự Phục sinh. Phục sinh không chỉ là một biến cố trong đời sống của Chúa GS, nó không chỉ là một kinh nghiệm tương lai mai hậu của người tin Chúa. Qua đức tin trong Chúa GS, bây giờ mỗi chúng ta được ban cho khả năng của một tạo vật mới, một bắt đầu mới, trong đó chúng ta lột bỏ bản chất cũ, từ bỏ những việc vô đạo và xấu xa thúc đẩy bởi bản tính xác thịt như tà tâm, ô uế, dâm dục, tham lam ( c 5 ); tức tối, buồn giận và hung ác; nói hành, nói tục, nói dối ( c 8,9 ) và mặc lấy bản chất của một con người được đổi mới trong TC để làm những việc thể hiện tình thương và lòng nhân từ của TC qua sự khiêm tốn,mềm mại, nhẫn nhục ( c 12 ), nhường nhịn, tha thứ ( c 13 ) và yêu thương ( c 14 ).
    Gương mẫu của lòng nhân từ người tin theo Chúa phải sống là gương của chính Chúa GS, Chúa GS mời gọi : "Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng". Thánh Phaolo kêu gọi con dân Chúa "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như TC đã tha thứ anh em trong Đức Kitô vậy" ( Ep 4,32 ). Có hằng trăm việc nhỏ chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ, nhưng những việc này đều đòi hỏi thì giờ, sức lực, tiền của. Một điển hình của việc làm nhân từ như trong chuyện "Người Samaria nhân hậu" Chúa GS kể Luca ghi lại ( Lc 10,29-37 ). Trong câu chuyện này, người Samaria đã làm ơn, cứu giúp, tiếp tục quan tâm theo dõi người bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ.
    Những việc chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ của Chúa trong chúng ta, trong Hội Thánh như "giúp đỡ người thiếu thốn" ( Ep 4,28 ), "thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ" ( Gc 1,27 ), "an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối" ( 1 Tes 5,14 ), "mang gánh nặng cho nhau" ( Gal 6,2 ); là "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" ( Rm 12,15 ).
    Chúng ta phải đối xử với người khác với lòng nhân từ chân thật, bởi vì TC đã đầy lòng nhân từ đối với chúng ta. Để phát huy lòng nhân từ chúng ta cần phải luôn nhớ tới lòng nhân từ của TC đối với chúng ta. Chúng ta cần ăn năn bất cứ sự cư xử thiếu khôn ngoan nào làm cho người khác buồn, hoặc bất cứ sự cư xử tàn nhẫn nào của mình đối với người khác trong quá khứ. Chúng ta cần tuân phục Chúa và nương cậy Thánh Thần để có thể sống nhân từ với người khác. Hãy nghĩ đến những người đang gặp khó khăn, đặc biệt chúng ta có thể cư xử dịu dàng, hòa nhã với họ hơn; tử tế với họ hơn; độ lượng bao dung với họ hơn.
    Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần để ý đến những người khốn khó chung quanh chúng ta và tìm cách mang lại niềm vui cho đời sống của một vài người khác : Người tin Chúa, không tin Chúa, bạn hay thù. Một trong những điều TC đòi hỏi nơi chúng ta là sống nhân từ : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau ( Jn 13,34-35 ).

4. Cầu nguyện :
    Kính lạy TC, con ngợi khen Ngài, tôn thờ Ngài vì lòng nhân từ của Ngài đối với con quá lớn lao. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống nhân từ để có thể khiến người khác nhận biết con là con cái của Chúa.
    Xin Chúa giúp con sống một đời sống nhân từ theo gương của Chúa trong sự phục vụ, giúp đỡ những người khó khăn ở quanh con. Xin giúp con có thể sống bày tỏ tình thương và lòng thương xót của Ngài cho người khác.
     Lạy Cha nhân từ, xin giúp con phản ánh lòng nhân từ của Ngài. Con biết con chỉ có thể yêu thương người khác vì Ngài đã quá yêu thương con. Xin giúp con biết thương người như Ngài đã thương con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét