Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Ma quỷ là gì ?


        Mời đọc Kinh Thánh : Mc 1,21-28.
1. Dẫn nhập :
    Ma quỷ là gì ? Ma quỷ có thật không ? - Xin thưa là có, vì Kinh Thánh đề cập rất nhiều lần việc Chúa Giêsu ( GS ) trừ quỷ cho những người bị quỷ ám, Ngài trừ quỷ một cách công khai trước mặt thiên hạ : x Mc 9,14-29 v 5,1-20 v 7,24-30; Lc 8,26-39 v 9,37-43; Mt 8,28-34 v 17,14-21. Không biết ai nghĩ thế nào, riêng tôi thì nghĩ ma khác và quỷ cũng khác, nghĩa là hai loại khác nhau chứ không phải là một như người ta thường nói.

2. Thế nào là ma ?
    Ma theo cách tưởng tượng của một số người là người chết hiện về để đe dọa, ám ảnh, hoặc liên hệ gì đó với người còn sống. Còn quỷ là loại Thiên Thần phạm tội nên bị Thiên Chúa ( TC ) trừng phạt, Thiên Thần đó chính là Luxiphe. Lúc còn bé tôi đã nghe ba tôi kể như vậy. Ba tôi hồi nhỏ học ở trường dòng, lớn lên đến tuổi già người cũng siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh.
    Chúa GS nói rằng ma thì không xương không thịt ( x Lc 24,39 ), như thế làm sao thấy được hình dạng. Những câu chuyện ma kể thấy được hình dạng là cách kể cho hấp dẫn, chẳng qua chỉ là tưởng tượng, người kể muốn hư cấu và bịa đặt thêm. Nếu cho rằng hồn người chết hiện về thì có thể có, nhưng cũng chỉ xảy ra trong một số trường hợp rất họa hiếm được sự cho phép của TC, để đương sự nhắn nhủ một điều gì đó với người sống, như trong một vài tích truyện nói linh hồn này linh hồn kia trở về dương thế. Riêng cá nhân tôi thấy điều này cũng khó tin vì không thích hợp với khoa học tiến bộ ngày nay và không nên lấy những câu chuyện này làm quan trọng. Người Phật giáo họ tin ma dữ lắm nên họ tìm cách cúng bái và thờ phượng, có một ông Thượng Tọa quen tôi kể nhiều câu chuyện liên quan đến việc cúng bái để cầu xin cho người khác. Tôi thấy thật buồn cười, nhưng vị sư này vẫn thấy thích thú và tự hào. Hình như người tín hữu Phật giáo cũng tin vào "Ma Vương" nên có tích như sau : Hồi xưa, lúc Phật Thích Ca chưa thành đạo, thì cai quản thế gian này là Ma Vương. Rồi khi ông Thích Ca truyền dạy chánh pháp, dân chúng nghe xong, họ hiểu, người ta hết sợ Ma Vương, khi đó họ không cúng cho Ma Vương nữa. Ma Vương tức quá bèn thề, thề là khi nào ông Thích Ca ông lên làm Phật rồi, ông không còn ngồi đây giảng pháp nữa, thì lúc ấy các đệ tử của ông Thích Ca sẽ xa rời chánh pháp, sẽ phải theo sự điều khiển của Ma Vương. Câu chuyện nghe có vẻ hài hước, nhưng chứa nhiều ẩn ý. Khi nghiên cứu tìm hiểu, đọc qua một số sách vở nhà Phật, tôi chưa nghe Đức Phật trừ quỷ bao giờ. Câu chuyện trên chứng tỏ rằng Đức Phật cũng chỉ là một con người nên Ngài chẳng có quyền năng gì cả.
    Trong dân gian vẫn nặng nề mê tín. Qua rồi cái thời "Đêm ba mươi, thầy giáo tháo giày ra chợ bán / Rạng mồng một, giáo chức dứt cháo đón mừng Xuân", bây giờ thì đã áo ấm cơm no. Vào những ngày cuối năm khi viết đến đây làm tôi nhớ đến Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà nỗi tiếng là người làm thơ hay, mặc dù bà không mê tín nhưng cũng để lại hai câu đối Tết nhắc đến Tạo Hóa và Ma Vương : "Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo Ma Vương đưa quỷ tới / Sáng mồng một, lỏng then Tạo Hóa, mở toan ra cho thiếu nữ rước xuân vào". Dẫu sao bà cũng là người nhận biết TC - Đấng Tạo Hóa ấy mà !

3. Thế nào là quỷ ?
    Với Kitô giáo, quỷ thì sao ? Kitô giáo không bịa ra quỷ để hù dọa tín đồ, mà phải công nhận là có thật, vì Kinh Thánh đã nói đến nguồn gốc của chúng : Sau khi phạm tội bất phục tùng, Thiên Thần trở thành quỷ. Chúng được nhắc đến nhiều lần trong Phúc âm, chính Chúa GS được Thánh Thần đưa vào hoang địa để bị chúng nó cám dỗ ( Mc 1,9a ). Qủy luôn chống lại TC, cám dỗ con người xa cách Chúa và làm những điều gian ác. Qủy vừa xảo quyệt vừa lắm quyền năng, có khả năng phù phép, nhưng may thay TC của chúng ta có quyền năng mạnh hơn chúng gấp bội. Từ nay đến tận thế, cuộc chiến hai bên vẫn tiếp diễn. TC luôn chiến thắng ma quỷ và dùng quyền năng vượt trội của Ngài để bảo vệ chúng ta vì TC rất yêu thương con người chúng ta. Tin Mừng Macco hay thuật lại những câu chuyện về người bị quỷ ám được Chúa GS chữa lành : Mc 1,21-28 v 5,1-20 v 7,24-30 v 9,17-29. Trong tất cả những truyện này, quỷ thường được gọi là "thần ô uế". Nó nhập vào con người làm con người bấn loạn, mất tính tự chủ, hoàn toàn không được tự do và trở thành con rối trong tay nó để nó điều khiển, hành hạ; chính vì thế nên người bị quỷ ám phải sống trong đau khổ ràng buộc ( x Mc 5,3-5 v 9,32 ), thật đáng thương.
    Hồi còn làm Ban Hành giáo Giáo xứ, Cha Đa Minh Ngô Công Sứ ( Cha Sở của Gx Chánh Tòa ) có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện : Ngài được Đức GM cử đi đến nhà một người dân ở Gia Kiệm, gia đình này có người bị quỷ ám. Khi đến, người nhà gọi người bị quỷ ám ra, lúc đầu người bị quỷ ám không chịu bước ra, sau đó người nhà phải vào cầm tay kéo đưa ra ngoài. Người bị quỷ ám giật nẫy người, run rẫy, trông thấy Cha Sở, liền hét lên : "Việc ông can hệ gì đến tôi, xin để tôi yên, đừng làm hại tôi !" Người bị quỷ ám đứng trước mặt Cha ủy nhiệm, bỗng rùng mình và nghe tiếng rơi loảng xoảng xuống nền nhà. Cha kể rằng Ngài đã nhặt được một số lưỡi dao lam và đinh thép bỏ vào bịch, đem về trình lại cho Đức GM giáo phận.
    Đối với Chúa GS, trừ quỷ đơn giản là đuổi nó ra, vĩnh viễn không cho nó còn quyền gì trên con người. Sau khi trừ quỷ xong, người đó được trở lại bình thường ( x Mc 5,15 v 7,30 v 9,27 ). Có người nghĩ rằng bị quỷ ám chẳng qua là mắc bệnh tâm thần vì người bị quỷ ám và người mắc bệnh tâm thần, dấu hiệu bên ngoài không khác nhau gì mấy. Nhưng Phúc Âm ghi rõ Chúa GS thực sự đuổi "thần ô uế" ra khỏi con người. Thần này ( ma quỷ ) không chịu ra khỏi căn nhà mà nó đã trú ngụ, đã chiếm hữu - Chỉ TC là Đấng có "sức mạnh" vượt trội mới đẩy được nó ra. Đức GS không trừ quỷ chỉ nhằm mục đích chữa bệnh, Ngài trừ quỷ để làm chứng về lời mình loan báo : "Nước TC đã đến gần"( Mc 1,15 ). Nước của quỷ vương Bê-en-xê-bun không thể bền, vì nó tự chia rẻ ( Mc 3,23-26 ) là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nước TC đang đến. Chúa GS đã thắng Satan cám dỗ Ngài ở hoang địa ( Mc 1,13 ). Sứ vụ của Chúa sau này tiếp tục kéo dài chiến thắng đó, Ngài khai mở Nước TC trên mặt đất và làm rung chuyển Nước của Satan.
    Phép lạ đầu tiên của Tin Mừng Macco là phép lạ trừ quỷ, phép lạ này xảy ra vào ngày Sabat nơi Hội đường Caphanaum : Chúa GS được ông trưởng Hội đường mời đọc Sách Thánh, sau đó Ngài đứng dậy giải thích đoạn sách vừa đọc. Thính giã sững sờ vì Ngài dạy như người tự mình có uy quyền, khác hẳn với lối dạy của các Kinh sư vì các Kinh sư thường dựa vào uy thế của Truyền thống. Lời giảng dạy của Chúa GS đã làm thần ô uế khiếp sợ. Nó biết Chúa GS là ai, "là Đấng Thánh của TC" ( Mc 1,24b )- chính miệng của ma quỷ tuyên xưng. Sự thánh thiện của Ngài đối nghịch với sự ô uế của nó. Dù Chúa chưa ra tay, ma quỷ đã thấy mình bị đe dọa, cả nó và đồng bọn đều kinh hãi : "Ông GS Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi ?"( Mc 1,24 ). Đức GS đã dạy bằng Lời đầy uy quyền, Ngài cũng trừ quỷ bằng một lời : "Hãy câm đi và xuất ra khỏi người này !". Thần ô uế dằn vặt, thét to và xuất ra khỏi người ấy một cách khó khăn, vì nó không hề muốn bị trục xuất khỏi nơi nó ở. Nhưng Lời của Chúa GS bắt các thần ô uế phải vâng lệnh. Điều đó chứng tỏ ma quỷ dù có mạnh đến đâu, nhưng khi gặp Đấng Thánh của TC thì chúng cũng phải khuất phục.
    Người công giáo hay nghe người ta bàn tán về chuyện bùa ngải, thư ếm, bói toán, lên đồng, cầu cơ... hay chuyện vong hồn nhập quấy phá người sống. Giáo lý Công giáo chỉ khẳng định quỷ là có thật. Nước Satan cũng có thật và đang hoành hành trên địa cầu ( x GLCG 2538 ). Chúa GS đã từng bị cám dỗ và đã đối mặt với chúng nó. Trong kinh Lạy Cha, Ngài dạy ta : "xin cứu chúng con khỏi sự dữ - tức Ác thần". Chúng ta không bị hoang mang hoảng hốt vì đôi khi bị quỷ tấn công. Chỉ mong chúng ta vững tin vào TC là Đấng mạnh hơn ma quỷ, siêng năng đọc Lời Chúa và dùng Lời Chúa để chiến thắng ma quỷ, như Chúa GS đã sử dụng Lời Chúa để chiến thắng ma quỷ trong lúc bị cám dỗ ( x Mt 4,4 v 4,7 v 4,10 ).
    Các bức tranh và trí tưởng tượng người ta, quỷ thường được vẽ ra như một con vật xấu xí, đáng ghét ( đầu mọc sừng, miệng mọc răng nanh, tay cầm chĩa ba...). Nếu thế thì con người rất dễ nhận ra nó và nó cũng khó lòng mà cám dỗ ta được. Trong thực tế quỷ mang dáng dấp hấp dẫn và xinh đẹp, quỷ tấn công ta bằng những thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào. Qủy nắm rõ điểm yếu của từng cá nhân, từng tập thể. Xưa nay, người thực sự bị quỷ nhập chắc cũng không nhiều, mặc dù ta nghe xảy ra ở một số nơi và Youtube ghi lại, nhưng có nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết. Qủy lừa phỉnh con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo : "Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả"( Mt 4,9 ) - lời ma quỷ cám dỗ Chúa GS. Qủy vẫn nói với chúng ta như nói với Chúa GS vậy, nhưng chúng ta nên nhớ rằng : Làm gì có hạnh phúc vững bền khi con người quay lưng với TC.

4. Liên hệ cuộc sống :
    Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám, nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám bởi nhiều thứ khác : tham lam và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ, bảo thủ và cố chấp, của cãi và tiền bạc... Cái ám từ ngoài vào ở lại trong mỗi một con người và không chịu xuất ra. Cái ám khi trở thành ông chủ thì làm cho ta trở nên hèn hạ, nó bắt ta phải sống như theo một lập trình. Ta không thể làm khác vì ta không thắng được bản năng và thói quen. Chính lúc thấy mình bất lực, ta cần lời Đấng Thánh của TC : "Hãy câm đi và xuất ra khỏi người này !" - Hôm nay, nếu có ma quỷ hay tà thần trong con, con cũng xin Chúa nói với chúng nó như vậy.

5. Cầu nguyện :
    Lạy TC là Cha Toàn năng, đầy lòng nhân ái. Trên đường về Quê Trời, Chúa muốn chúng con trải qua những cám dỗ của ma quỷ, những thử thách cam go như bệnh tật, khổ đau và hiểm nguy, để chúng con trưởng thành và trở nên cứng cáp. Xin cho chúng con đừng nổi loạn, đừng mù quáng trong thử thách, nhưng biết nhìn lên Chúa để nhẫn nại và giữ vững niềm tin, kể cả khi thấy Chúa vắng bóng.
    Lạy Chúa, xin biến đổi và giúp sức cho chúng con từng ngày để chúng con can đảm tuyên xưng quyền năng của Chúa vượt thắng trên sự dữ và ma quỷ. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.



*P/s : Lấy ý từ bài giảng lễ của một Cha ở nhà thờ Chánh Tòa Đà Nẵng, lúc 3 giờ chiều Chủ nhật ngày 28.01.2024 ( Thánh Lễ Online ).

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Từ câu chuyện Phero chối Chúa



1. Đọc Kinh Thánh : Mt 26,31-35 v 69-75.
2. Những bài học quý báu từ thất bại :
    a. BH 1 : Thất bại thường đến sau giờ phút huy hoàng nhất, tinh thần lên cao nhất.
        Phero và các Môn đệ vừa được dự lễ Tiệc Thánh đầu tiên với Chúa Giêsu ( GS ). Họ vừa trải qua những giờ phút đầy cảm động nhất, được lắng nghe tiếng Chúa ( c 6-29 ), được ca ngợi, thờ phượng Chúa ( c 30 ). Ngôn sứ Êli cũng từng thất bại sau chiến thắng huy hoàng nhất, hiển hách nhất, khi nhà tiên tri còn say men chiến thắng ( I Các Vua 18,35-19 ).
    b. BH 2 : Thất bại vì quá chủ quan.
        Chúa GS biết rõ Môn đệ mình nên Ngài đã ân cần nhắc nhở, cảnh cáo họ ( c 31 ). Nhưng Phero lẫn các Môn đệ không hiểu chính mình ( c 33,35 ), vẫn quả quyết. Hơn nữa, Phero còn chủ quan, khinh thường anh chị em mình ( c 33 ). Chủ quan so sánh, coi thường là bước đầu dẫn đến thất bại. "Vậy thì ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã" ( I Cr 10,12 ).
    c. BH 3 : Khi vấp ngã thường sụp đỗ liên tục, không dừng lại.
        Phero vừa mới quả quyết với Chúa trước mặt bạn hữu thân tín bằng bao nhiêu lời thề thốt mạnh mẽ cương quyết nhất; thế mà chỉ lời nói nhẹ của một đầy tớ gái, ông đã chối Chúa ngay tức khắc ( c 69-70 ). Đau thương hơn nữa, càng lúc ông càng chối Chúa một cách tệ hại - cũng bằng những lời thề thốt nghe cứng hơn sắt đá, "thề độc" ( c 72,74 ). Không hiểu mình, nóng lửa rơm, hời hợt, dựa vào cảm xúc quá nhiều, chúng ta dễ phát ngôn bừa bãi, đi từ thất bại này đến sụp đỗ khác ngày càng nguy hại hơn.
    d. BH 4 : Trong căng thẳng kéo dài, dễ giao động, suy sụp tinh thần.
        Giữa áp lực nặng nề của hoàn cảnh, có lúc hầu như mọi người đều đứng về phe bắt Chúa, chống Chúa. Bầu không khí nặng nề ghê rợn, từ bất ngờ này đến bất ngờ nọ. Chúa bị bắt, Ngài yên lặng, để cho họ mặc sức hành động (cc 45-46,49,52 ); tinh thần căng thẳng liên tục từ lúc Chúa báo trước ( c 1-2 ), lời nói chân tình đầy cảm động trong buổi tiệc Thánh ( c 26-29 ), nghiêm trọng trong lời Chúa cảnh cáo ( c 31,34 ), rồi Chúa bị bắt thật sự, và tất cả các Môn đệ đều bỏ Chúa trốn đi ( c 56b ). Mọi việc diễn ra quá nhanh với áp lực càng nặng nề, căng thẳng liên tục, Phero không có được giây phút điềm tĩnh để suy nghĩ, phân tích, suy đoán. Mệt mõi trong thân xác, căng thẳng trong tình cảm, bấn loạn trong lý trí, đuối sức mà không biết, bên cạnh tính khí bồng bột, vui đâu chúc đó, không nghĩ sâu, thiếu dữ liệu, khiến Phero ngã quỵ, kiệt quệ hoàn toàn.
    e. BH 5 : Ân sủng Chúa vẫn dồi dào cho con dân Ngài, Chúa cho họ có cơ hội để ăn năn, để được chữa lành.
        Sau khi liên tục chối Chúa 3 lần, tiếng gà gáy đến ( c 74-75 ). Chúa GS quay lại nhìn Phero ( Lc 22,61 ) làm ông sực tỉnh; nhớ lại lời Chúa cảnh cáo, ông khóc thảm thiết ( Lc 22,62 v Mc 14,72b ), cách đắng cay ( Mt 26,75 ). Chúa yêu kẻ thuộc về mình đến cùng ( Jn 13,1 ). Chúa không bỏ Phero - cái nhìn yên lặng, kiên trì, âu yếm, đầy thương yêu tha thứ đó, chứa đựng sức mạnh ngàn cân đã nhắc nhở, lay chuyển con tim gần như tê cứng, chết liệm lúc ấy. Chúa dành cho Phero và mỗi chúng ta cơ hội để thổn thức, để trút đổ mọi nặng nề đắng cay, để ân sủng Chúa lấp đầy và kinh nghiệm sự thăm viếng, đổi mới, chữa lành của chính Chúa. Viết đến đây tôi nhớ tới câu Kinh Thánh : "Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho"( Tv 55,23 ).

3. Sự phục hồi vi diệu :
    Chúng ta đã phân tích những diễn tiến, từng sự kiện đưa Phero từ thất bại này đến sụp ngã khác, rồi thế nào ông kinh nghiệm sự thăm viếng kỳ diệu của Chúa.
    Chúa GS không những tha thứ tội lỗi mà Ngài cũng giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi nô lệ cho ma quỉ, được phục hồi, có cơ hội học hỏi, làm tươi mới, lớn lên và tiếp tục phục vụ Chúa. Điều quan trọng hơn nữa, Chúa muốn chúng ta quan tâm anh chị em khác, áp dụng tiến trình phục hồi Chúa đã làm cho mình đến với những anh chị em vấp ngã, thất bại hoặc thoái lui.
    Đọc lại các phân đoạn Kinh Thánh : Mt 26,69-75 v Mc 16,6-7 v Jn 21,1-22. Chúng ta bước vào những khám phá kỳ thú :
        Thứ nhất : Chúng ta được đọc, nghe và học câu chuyện Phero chối Chúa này vì chính ông kể lại.
        Khi Chúa GS bị bắt, tất cả các Môn đệ đều bỏ Ngài và trốn đi ( x Mt 26,56 ). Do đó, không có Môn đệ nào chứng kiến cảnh ấy. Tuy nhiên, chúng ta được nghe, đọc và dường như chứng kiến "đoạn phim" hồi hộp này, vì chính Phero đã mạnh dạn kể lại đầy đủ từng chi tiết cho các Môn đệ khác và với Macco, người con tinh thần đầy yêu quý của ông. Ông không giấu sự kiện quá tệ hại này vì ông nhận biết lỗi lầm, thất bại của mình. Ông muốn chúng ta ngày nay học kinh nghiệm quý báu của ông và đừng để rơi vào vết xe đổ ấy. Nhưng quan trọng hơn cả, ông muốn được nối lại mối liên hệ với Chúa GS. Ông muốn được phục hồi để được phục vụ; Chúa Cứu thế đã biết ông, đã ân cần cảnh cáo ông, yêu thương ông và hy sinh để cứu ông.
        Thứ hai : Phero nhận được xác quyết từ Chúa GS.
        Khi Maria Madalena chạy về báo tin cho Phero và Gioan, hai ông chạy đến mộ ( x Jn 20,1-9 ), tôi tin rằng Thiên sứ đã báo cho ông về sự sống lại của Chúa GS - một lời nói có năng lực thay đổi cuộc đời Phero hoàn toàn. Sau khi chối Chúa chắc chắn Phero mang đầy mặc cảm, không biết Chúa sẽ đối xử với ông ra sao (!). Tuy nhiên, khi Chúa Cứu thế bảo : "Hãy đi nói cho các Môn đệ Ngài và cho Phero rằng Ngài đi đến xứ Galile trước các ngươi..." Ông bừng tỉnh ( Mc 16,7 ). Lúc nghe Chúa nhắc đến tên mình, ông biết chắc Chúa hiểu ông, hiểu lòng ăn năn thống hối chân thành của ông và đã tha thứ cho ông. Tiếng nói đầy năng quyền đã thay đổi hẳn cuộc đời Phero và ông đã dâng hiến cuộc đời cho Ngài từ giây phút ấy. Không phải lời nói bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng một nhận thức đầy đủ của cả con người.
        Thứ ba : Phero minh xác lòng yêu Chúa sắt son.
        Chúa hiểu tâm trạng Phero. Chúa biết ông cần có cơ hội để tái xác nhận lòng yêu Chúa bằng chính môi miệng mình, chứ không qua người khác và Ngài đã dành cho ông thì giờ riêng tư đó. Chúa GS không nhắc lại thất bại của ông nơi trường án. Ông đã đau đớn, bị dằn vặt nhiều rồi. Tuy nhiên, Chúa cho Phero những giây phút thật đặc biệt, thật quý báu, để được khẳng định ba lần "Con yêu Chúa", mỗi tiếng cam kết cho một lần lầm lỗi chối Chúa ( Jn 21,15-17 ). Chúa không những tha thứ cho ông, Ngài còn giúp ông giải phóng khỏi mặc cảm tội lỗi, giã từ quá khứ. Trước đây ông thấm thía về lỗi lầm của mình bao nhiêu thì nay ông vui hưởng ơn tha thứ của Chúa bấy nhiêu.
        Thứ tư : Chúa phục hồi hoàn toàn cho Phero.
        Chúa cho Phero và mỗi con dân Chúa thấy rõ tình yêu thương lớn lao và sự tha thứ kỳ diệu của Ngài. Chúa cho Phero và mỗi chúng ta dịp tiện chứng tỏ tình yêu và cam kết sắt son đó. Ngài giao cho ông một công tác trọng đại : Chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Đoàn chiên gồm đủ thành phần : bé bỏng, yếu đuối, đau ốm, thương tích, không thể tự lo cho mình; đến những con chiên bình thường, chiên bướng bỉnh, chiên trung thành. Chúa muốn nói với Phero và cho mỗi tôi con Chúa : Ngài tha thứ, Ngài chữa lành, Ngài tái tạo hoàn toàn; Ngài tin tưởng, tín nhiệm và ủy thác công tác lớn cho Giáo Hội Ngài.
        Thứ năm : Chúa mời gọi theo Chúa và hy sinh toàn bộ cuộc đời cho Ngài ( x Jn 21,18-19 ).
        Nơi đây Chúa GS hàm ý nói với Phero ý định kêu gọi ông thuở ban đầu vẫn còn, Chúa không thay đổi, Ngài vẫn thành tín. Hơn thế nữa, Chúa cho ông biết giai đoạn kết thúc của cuộc đời ông thế nào để danh Chúa được tôn cao. Chúa tin tưởng ông hoàn toàn, cuộc đời ông từ thời điểm lịch sử đó sẽ trọn vẹn hy sinh cho Ngài, làm rạng danh Ngài. Tái xác nhận tiếng gọi cao cả đó, Chúa mời Phero "Hãy theo Ta" ( Jn 21,19b v Mt 4,19 ), "Còn ngươi, hãy theo Ta" ( Jn 21,22b ). Tiếng gọi, ủy thác đó đã thay đổi cuộc đời Phero. Quyền năng, ân sủng, tình thương, sự tha thứ của Chúa đã tuôn tràn, biến đổi và thể hiện trong cuộc đời của Phero. Chúa đã phục hồi một con người thất bại ê chề, tệ hại, khủng khiếp nhất thành một Tông đồ lớn, một nhà lãnh đạo uy tín của Giáo Hội Chúa, đã thay đổi dòng lịch sử nhân loại.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con trung tín trọn đời. Xin Chúa cho mỗi chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong sự thương yêu, nâng đỡ và an ủi lẫn nhau. Xin Chúa cho mỗi chúng con thành thật nhận ra con người cứng cỏi của chính mình.
    Lạy Thánh Phero, con đã đi hành hương đến nơi chính máu Ngài  đổ ra, xin cho con được mạnh dạn tuyên xưng đức tin và dấn thân như Ngài để làm chứng cho dân ngoại. 
    Lạy Chúa, người ta thường nói rằng : "Thất bại là mẹ thành công", nhưng đời con không có Chúa thì chẳng bao giờ thành công gì được. Con ý thức rằng nếu không có Chúa đời con chẳng nên ích gì, xin Chúa đừng bỏ rơi con. Có những lúc chỉ mới ý nghĩ trong lòng nhưng chính Chúa đã ra tay can thiệp, con nhận thấy điều đó xảy ra nhiều lần đối với con rồi, con xin cảm tạ Chúa !

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

Từ việc đổi tên Giacop



 Mời đọc Kinh Thánh :  St 32,1-31.

1. Dẫn ý :
    Sách "Sáng thế" chương 32,câu 28 được viết : "Tên ngươi chẳng phải là Giacop nữa, nhưng tên là Israel, vì ngươi đã có vật lộn cùng Thiên Chúa ( TC ) và người ta, ngươi đều chiến thắng". Tại sao Giacop được Chúa đổi tên ? Kèm theo việc đổi tên, con người Giacop đã có sự thay đổi nào ?
    Đây là đoạn Kinh Thánh đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời của Giacop. Có hai thay đổi lớn ta ghi nhận trong đoạn Thánh Kinh này là : Con người Giacop đã thay đổi và tên của ông được Chúa đổi thành tên khác liên hệ cho đến ngày nay.

2. Thay đổi của con người Giacop :
    Trước kia ta thấy Giacop là một con người thiếu thành thật, nhiều mưu kế, hay lợi dụng người khác và dùng trí khôn để tự giải quyết khó khăn. Ở đây chúng ta thấy Giacop không còn giống như trước nữa :
        a. Ông tỏ ra khôn ngoan và ôn hòa : Cho người đi trước để làm hòa với anh là Esau ( St 32,3-5 )
        b. Ông đặt đức tin nơi Chúa và cầu xin Ngài cứu giúp ( x St 32,9-12 ).
        c. Ông biết nghĩ đến người khác và làm cho người khác vui lòng : Chọn thật nhiều những súc vật tốt gởi cho người anh em để cầu hòa ( x St 32,13-21 ).

3. Tên của Giacop được Chúa thay đổi :
    Phân đoạn từ câu 24-32 kể lại câu chuyện Giacop vật lộn với Thiên sứ của Chúa. Sách Tiên tri Ô-sê 12,4 cho biết sự vật lộn này bao gồm sự "khóc lóc và khẩn cầu". Vì vậy, "vật lộn với Chúa" hàm ý kiên trì trong sự cầu nguyện. Ý này tương tự với ví dụ về "Quan án bất công" mà Chúa Giêsu kể trong Phúc âm Luca 18,1-8. Trước khi từ giã Giacop, Chúa đã đổi tên ông là Israel. Tên gọi này cho thấy tính kiên trì của Giacop : Kiên trì với người và kiên trì với Chúa.

4. Rút ra bài học :
    Hai bài học ta ghi nhận trong phân đoạn Kinh Thánh này là :
        BH1 : Dù Giacop không phải là người hoàn toàn, nhưng Chúa vẫn yêu thương ông và vẫn giữ lời Ngài đã hứa với tổ tiên ông. Chúng ta cũng không xứng đáng gì trước tình yêu cao cả của Chúa, nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta và ban phước cho chúng ta.
        BH2 : Chúng ta cần kiên trì cầu nguyện với tất cả đức tin và lòng trông cậy Chúa.

6. Liên hệ lịch sử :
    Tên tuổi Giacop hằng ngàn năm qua lịch sử vẫn ghi nhận. Nhưng Israel trở thành tên của một quốc gia, một dân tộc, mặc dầu nơi ấy chiến tranh không ngừng ngưng nghỉ. Cuộc tấn công bạo lực của Hamas ngày 7.10.2023 châm ngòi cho chiến dịch trả đũa của Israel, đã làm cho dân thường Palestina hứng chịu hậu quả tang tóc.
    Tính đến thời điểm này, chiến sự ngày càng leo thang, chẳng suy giảm chút nào khi lực lượng phòng vệ Israel đang hoạt động sâu bên trong dải Gaza, thương vong vẫn tiếp tục tăng sau những cuộc không kích dữ dội và giao chiến ác liệt giữa hai bên.

7. Cầu nguyện :
    Chiến tranh quả thật điên rồ. Lạy Chúa, xin cho chiến tranh kết thúc để dân thường khỏi bị tai họa.
    Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con để con có thể kiên trì trong sự cầu nguyện. Cám ơn Chúa vì dù con không xứng đáng, nhưng Chúa vẫn yêu thương và chăm sóc con mỗi ngày. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Chùm thơ 78


 LỆ ỨA

Sống  một  đời  lăn  lóc,
Viết đụng chạm người ta
Khi thức không thấy khóc
Ngủ    rồi    lệ    ứa    ra...



BÓNG HÌNH

Nửa đêm thức dậy,
Chỉ thấy bóng mình
Tưởng  là  ai  đấy,
Chết  rồi  phục  sinh.



NHẬN SỰ AN BÀI

Người ta cứ ngại vô thường
Rồi không dám bước trên đường trần gian
Thật ra, Thiên Chúa  bài  an
Cho   ta    từ    thuở    ta   còn    nằm    nôi.



THỨC CHỜ QUA ĐÊM

Đêm nào không ngủ là đêm,
Nàng thơ xâu xé trái tim riêng mình
Nằm chờ ánh lửa bình minh,
Lắng nghe chim hót ru tình thảnh thơi.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Vẻ đẹp trăng

 

Trăng  biết  làm  sao  để  lụy  tình ?
Khi trăng vừa chiếu sáng lung linh
Người ta say đắm nhìn trăng mãi,
Trăng vẫn giữ mình trong khiết trinh.

Trăng của bốn mùa trăng của thơ
Lúc nào trăng cũng đẹp như mơ
Vì  trăng  rất  thực  và  trăng  có
Ánh  sáng  muôn  năm  tỏa  bến bờ.

Đây lời thơ cuối viết cho trăng,
Ta muốn tri ân nét vĩnh hằng
Năm tháng qua rồi bao vẻ đẹp,
Trăng thầm ban tặng xuống nhân gian.

JB.Sĩ Trọng.


P/s : Mến tặng những ai đã đọc tập "Mùa trăng thơ" của tôi trên Blog này.

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Nghiệp mà không chướng


1. Hai người thành một :
    Có một lần trên chuyến xe từ thiện, tôi đi chung với những người Phật tử. Vào dịp cuối năm là mùa cưới hỏi, dọc đường thấy người ta che rạp khá nhiều và trang trí khá bắt mắt. Trên xe có một Phật tử nhìn thấy như vậy, anh ta thốt lên : "Đám cưới là tạo nghiệp". Tôi bèn hỏi : "Tạo nghiệp là sao ạ ?" Anh ta trả lời : "Nghiệp là nghiệp chướng. Tạo nghiệp là tạo nên những nghiệp chướng đau khổ ở đời này". Vị sư ngồi cạnh bên tôi nghe mà chẳng nói gì. Tôi nghĩ đây là quan điểm của người tín hữu Phật giáo. Hôm nay, bỗng nhiên nhớ lại câu chuyện, tôi muốn sử dụng từ ngữ ấy để đưa vào tiêu đề bài viết.
    Lâu lâu đọc lại Cựu ước một chút để suy tư, cũng thẳm sâu và cũng làm tăng thêm phần thú vị. 
    Có hai vấn đề mà nhiều người thường thắc mắc khi đọc về cuộc đời của Apraham, Giacop cũng như một số nhân vật khác trong Cựu ước là vấn đề đa thê và kết hôn trong vòng bà con.
    Như chúng ta đã biết, không phải tất cả những gì Thánh Kinh Cựu ước ghi lại là để chúng ta bắt chước và làm theo. Thánh Kinh ghi lại trung thực tất cả những gì đã xảy ra. Đối với người thời xưa, bà con lấy nhau là chuyện thông thường vì lúc đó chỉ mới có ít người và các gia đình sống rải rác từng vùng, không ai biết ai nhiều. Hơn nữa, vì hoàn cảnh sống và vì kinh tế, người ta cần sống gần nhau để chống lại thú dữ và mang những người bà con ở chung vào một chỗ để giúp đỡ lẫn nhau. Do đó không ai muốn gả con cho người lạ ở xa mà cũng không ai muốn cưới con gái của những nhóm người xa lạ về trong gia đình mình.
    Về vấn đề đa thê, Thánh Kinh không đề cao hoặc khuyến khích. Gia đình đầu tiên do Thiên Chúa ( TC ) tạo dựng chỉ có một người nam và một người nữ, chứng tỏ Chúa hàm ý gia đình chỉ có một vợ một chồng. Chúa Giêsu ( GS ) cũng nhắc lại điều này khi có người hỏi Ngài về vấn đề hôn nhân và ly dị. Câu trả lời của Chúa GS được Mathêu ghi lại như sau : "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán : người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt"( Mt 19,4-6 v Êp 5,31 ).
    Vì đa thê không phải là ý định của Chúa dành cho loài người nên những người có nhiều vợ và những gia đình có con cái do nhiều bà vợ khác sinh ra, thường có nhiều xích mích lắm, có khi dẫn đến hận thù. Đây là điều chúng ta thấy rõ trong gia đình của Giacop. Ngoài hai bà vợ là Lê-a và Ra-chên, Giacop còn có hai hầu thiếp, các bà này ganh ghét và chèn ép nhau, chúng ta có thể tưởng tượng bao nhiêu chuyện nhức đầu Giacop phải phân xử mỗi ngày.
    Các bà vợ của Giacop sinh được 12 người con trai và một người con gái. Những người con này tuy sống dưới một mái nhà, nhưng vì khác mẹ nên cũng không yêu thương gì nhau mấy. Đọc những chương kế tiếp chúng ta sẽ thấy rõ những nan đề rắc rối mà Giacop gặp phải chỉ vì ông có quá nhiều vợ.
    Tóm lại, chúng ta có thể nói, dù Thánh Kinh không lên án rõ ràng vấn đề đa thê, chấp nhận bản năng yếu đuối của con người; nhưng với sự khôn ngoan Chúa ban cho, chúng ta cũng đã thấy rõ hậu quả tai hại của tập tục này. Hơn nữa, trong Tân ước Thánh Phaolo dạy : "Chồng phải yêu vợ như chính thân mình, còn vợ phải kính phục chồng"( Êp 5,28 v 22 ) - Lời dạy này cho thấy, chúng ta chỉ có thể dành tình yêu tuyệt đối và sự phục tùng cho một người vợ hay một người chồng mà thôi. Sách giáo lý Hôn nhân gọi một trong ba yếu tố mẫu mực của hôn nhân Công giáo này là "trung thành tuyệt đối"( xem Sách GLHN của GP Xuân Lộc, ở phần đầu, bài 1, trang 4 ).

2. Người được phước lành :
    Từ St 30,1-24 đến St 30,25-43 chúng ta thấy : Laban đã lợi dụng Giacop thế nào ? Laban nhận thức điều gì về Giacop ? Giacop đối xử với Laban ra sao ? Việc Giacop được thịnh vượng khích lệ chúng ta điều gì ? Riêng cá nhân tôi thấy có nhiều tình huống xảy ra giống những gia đình hiện nay.
    Trong số 2 người vợ và 2 hầu thiếp của Giacop, chỉ có Ra-chên là không có con. Nhưng cuối cùng Chúa nhậm lời cầu xin của Ra-chên và cho bà sinh được một đứa con trai, bà đặt tên là Giosep. Lúc Giosep ra đời thì khế ước giữa Giacop và Laban cũng chấm dứt : Giacop đã giúp việc cho Laban đủ 14 năm ( c 25-26 ).
    Khi Giacop mới đến, Laban không có con trai, có lẽ trong 14 năm đó Laban đã sinh được mấy người con trai ( St 31,1 ), Giacop biết sẽ không được thừa hưởng phần nào trong gia tài của Laban nên xin phép được trở về quê cũ để lo gây dựng gia đình riêng của mình. Giacop phải xin phép Laban, vì lúc này Giacop chẳng khác gì một nô lệ của Laban, phải có phép của chủ mới được ra khỏi nhà chủ. Điều này cho thấy Laban tuy là cậu ruột nhưng đã không đối xử với Giacop theo tình bà con máu mủ.
    Phân đoạn từ câu 27-31a cho thấy Laban không muốn cho Giacop ra khỏi vòng kiểm soát của ông. Vì thế ông không trả lời điều Giacop xin nhưng cứ nói vòng quanh để giữ Giacop ở lại giúp việc cho ông thêm một thời gian nữa. Laban biết rõ là nhờ Chúa ban phước cho Giacop mà ông được phát đạt, đây là lý do Laban muốn giữ Giacop lại.   
    Đề nghị của Giacop trong câu 32 được Laban chấp thuận ngay vì đây là điều hiếm có, thường chỉ có chiên màu trắng và dê màu đen, ít khi nào có dê màu trắng, ngày nay lai tạo nhiều nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thời xưa thì không có, chỉ có chiên màu đen hoặc loại chiên và dê pha màu trắng đen. Laban nghĩ rằng Giacop sẽ không được bao nhiêu súc vật vì những loại súc vật ấy hiếm có. Hơn nữa, ông nghĩ ông có thể "chơi tay trên" Giacop bằng cách lựa những súc vật đó để riêng ra, và như thế ông nắm phần chắc rằng Giacop sẽ không được một con nào cả. Đọc phần này ta thấy Laban là người ích kỷ và nhiều thủ đoạn. Ông biết chính nhờ Chúa ban phước cho Giacop ông mới được giàu có, nhưng ông không biết ơn Giacop, trái lại ông còn làm đủ mọi cách để vừa lợi dụng vừa bắt chẹt Giacop.
    Tuy nhiên, câu cuối cùng trong phân đoạn này ghi rằng : "Người trở nên rất giàu, có nhiều bầy súc vật, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa". Dù Laban không tử tế, dùng đủ mọi cách để lợi dụng Giacop, Chúa vẫn ban phước cho Giacop vì ông là người của Chúa, đã được Chúa chọn và ban phước đặc biệt. Đây là điều an ủi chúng ta rất nhiều. Khi ta đã thuộc về Chúa, là con của Chúa, không ai có thể ngăn cản phước lành của Chúa đến với chúng ta.
    Những nhánh cây Giacop để chỗ máng nước cho súc vật uống thật sự không có tác dụng gì. Giacop có nhiều chiên và dê có vằn có đốm chỉ là phép lạ Chúa làm để ban phước cho ông.

3. Trở về :
    Tại sao Chúa bảo Giacop trở về quê hương ? Giacop phản ứng thế nào ?
    Giacop thấy các con của Laban cũng như chính Laban đều có vẻ không tử tế với mình như trước, nên biết rằng đã đến lúc ông phải ra đi.
    Chính lúc đó Chúa cũng hiện đến và bảo Giacop trở về nhà của thân phụ ông. Đọc Kinh Thánh chúng ta còn nhớ mấy trăm năm trước Chúa đã hiện ra với ông của Giacop, tức là Apraham, và bảo hãy ra khỏi quê hương và đi theo Ngài. Tuy là hai mệnh lệnh khác nhau, nhưng cả Apraham và Giacop đều có phản ứng giống nhau, đều vâng lời Chúa truyền và lên đường ngay. Khi nghe rõ tiếng Chúa và biết rõ điều Chúa phán dạy, chúng ta nên vâng lời và thực hành ngay.
    Ngoài điểm vừa nêu trên, phân đoạn này còn cho chúng ta thấy những bài học sau :
        a. BH1 : Không phải nhờ sự tính toán của Giacop nhưng nhờ ơn lành của Chúa mà Giacop đã được một bầy súc vật đông đúc. Chúa có thể thực hiện những việc đi ngược lại với định luật thiên nhiên để ban phước cho con cái của Ngài, vì Chúa là Đấng Tạo Hóa nên Ngài có quyền trên thiên nhiên và vạn vật. Chúng ta không cần dùng mưu kế tính toán nhưng chỉ yên lặng phó thác mọi sự cho Chúa.
         b. BH2 : Những tính xấu của Laban chúng ta nên tránh :
            - Hay thay đổi : Trong thời gian 20 năm Giacop giúp việc cho Laban, ông đã 10 lần thay đổi công giá ( c 41 ). Ông cũng thay lòng đổi dạ, không đối xử tử tế với Giacop như trước vì thấy Giacop được Chúa ban phước nhiều hơn ông ( c 2 ).
            - Ích kỷ và giả dối : Khi biết tin Giacop đã đem vợ con ra khỏi nhà, Laban đuổi theo định bắt tất cả trở lại để Giacop tiếp tục phục vụ mình. Nhưng lúc gặp Giacop ông đã giả bộ nói rằng : "Sao trốn nhẹm, gạt và không cho cậu hay trước ? Có lẽ cậu đưa đi rất vui vẻ, tiếng hát, tiếng đàn và tiếng trống phụ đưa"( c 27 ).
            -Chính mình không giữ lời hứa nhưng lại lấy Chúa ra để dọa người khác bắt họ phải giữ lời hứa : Laban đã không giữ lời hứa và không đối xử tử tế với Giacop, nhưng lại buộc Giacop phải đối xử tử tế với con cháu của ông. Laban biết Giacop là người kính sợ Chúa nên đã lấy Chúa ra để dọa Giacop.
        c. BH3 : Chúa đã can thiệp và che chở cho Giacop. Dù Giacop không biết ông đang gặp khó khăn và chưa cầu xin, Chúa cũng đã can thiệp kịp thời để cứu ông. Điều này cho thấy khi chúng ta gặp hoàn cảnh khó khăn Chúa đều biết rõ và Ngài sẵn sàng can thiệp để cứu, dù chúng ta chưa cầu xin với Ngài.  

4. Lời kết :
    Tóm lại, mâu thuẫn và xung đột anh em bà con lúc nào cũng có, đời nào cũng có. Con người sinh ra tự gánh lấy những đau khổ, rồi tự cảm thấy mình như một nghiệp chướng. Nhưng có bàn tay Chúa can thiệp vào thì nghiệp ấy không còn là chướng nữa. Quan niệm về nghiệp chướng không phù hợp vì nó tự hạ thấp giá trị con người.
    Lạy Chúa, xin soi sáng con khi con học lời của Chúa trong Thánh Kinh, để con thấy rõ đâu là gương sáng cần noi theo, đâu là gương xấu con phải tránh đi.
    Cám ơn Chúa vì kinh nghiệm của Giacop khích lệ con rất nhiều. Xin giúp con nhớ rằng : Khi Chúa ở với con không ai có thể làm hại con hoặc ngăn cản những phước lành Chúa dành cho con.
    Xin cho con tránh được những tính xấu của Laban và đối xử với mọi người bằng tình thương chân thật. Xin cho con giữ vững lòng tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh vì biết Chúa thấy rõ tất cả và Ngài sẽ can thiệp để cứu giúp con.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Đến với mùa Thu Bắc Âu










Phần Lan ơi, tôi yêu em ngày tháng
Đợi thu về, mùa lãng mạn tình nhân
Đường quanh co, chân bước đi vạn dặm
Tháp Thánh đường vang vọng tiếng chuông ngân.

Đất khách quê người bao la quá,
Quê nhà thương nhớ mãi khôn nguôi
Tôi   tới   nơi   này   còn   xa   lạ,
Tập  dần  mới  thấy  được  quen  thôi.

Cảnh vật nhận ra mùa Thu đến,
Không gian vời vợi cõi trời mây
Vẻ đẹp sông hồ đầy quyến luyến,
Về  đêm  ánh  sáng  tựa  ban  ngày.

Mùa  Thu   sao  đẹp   quá   vậy  ư ?
Lá  đỏ   cành  cây   lợp  sương  mù
Thông đứng nghiêng chào cơn gió lạ
Nắng  vàng   rải   nhẹ   tỏ   lời   ru.

Tôi  đến  vùng  đất  đậm núi rừng,
Con người điềm đạm và bao dung
Phố thành yên ắng như đang ngủ,
Soi chiếu  ánh đèn  dưới đáy sông.

Tôi biết  quê tôi  cũng  rộn ràng,
Bên ngoài nổi bật sự giàu sang
Bên trong đời sống dân rất khổ,
Gặp gỡ nhiều người ai cũng than.

Rũ  bỏ  hết,  tôi  tìm  về  một  cõi
Vở sách xưa chất chứa những kệ đầy
Nơi  tôi  ở  xa  vòng  đất  một  nửa,
Phải đành lòng buông thả cả hai tay.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Sự quan phòng làm lành




1. Bài học Chim sẻ : ( x Mt 10,29-30 )
    Hằng ngày ta thấy chim sẻ bay lượn trước sân, đậu trên mái nhà mình hoặc nhà hàng xóm. Chim sẻ là loài chim nhỏ bé, dễ thương, có thể sống tự nhiên bất cứ vùng nào. Ở núi rừng có thể ta không nghe được tiếng chim này, nhưng về thành phố, nơi Thánh đường, nơi công viên công cộng, có khi ta thấy được chúng khá quen thuộc. Một nhà thơ viết rằng :
                    "Chim nhỏ tìm nôi mẹ,
                    Bản tình ca quê hương
                    Tiếng em cười nhỏ nhẹ,
                    Mùa Xuân về yêu đương".
Từ miền đất lạnh Bắc Âu cho đến vùng nhiệt đới gần xích đạo, chim sẻ luôn luôn xuất hiện khi trời ấm lại. Loài chim nhỏ bé đó có khả năng chịu đựng phi thường trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúa cho chúng có một khả năng sinh tồn.
    Phần Kinh Thánh cho chúng ta biết, là con Chúa, chúng ta quan trọng đến mực nào trước mặt Chúa. Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta. Ngài có tình yêu bao la cho con cái Ngài. Ngài không những tạo dựng chúng ta, nhưng còn chăm sóc chúng ta theo chương trình của Ngài.
    Ngài chăm sóc chúng ta đến nỗi ban Con của Ngài đến để đem chúng ta về lại với Ngài. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và tìm được niềm vui thỏa trong tình yêu của Ngài. Tất cả đời sống chúng ta thuộc về Ngài. Biết như thế nhưng tại sao chúng ta vẫn lo sợ ? 
    Lo sợ là một bệnh tâm linh rất nguy hại cho cuộc sống. Nhiều người đã bị bệnh lo sợ hành hạ năm này sang năm khác. Từ lo sợ không có việc làm cho đến lo sợ mất việc khi tìm được việc làm. Khi tìm được việc làm, có nhà cửa, lại sợ mất việc mất nhà. Dường như không đường thoát cho vấn đề lo sợ. Nhiều người quá lo lắng, không thể làm gì được, có khi chất thêm bệnh cho mình.
    Người nhà tôi bị nhức đầu và chóng mặt, sau nhiều lần chữa trị vẫn không khỏi. Một ngày nọ vào bệnh viện Tâm Anh Sài gòn, một bác sĩ quen đã chỉ định cho MRI mạch máu não khi đó mới phát hiện ra : Bị tắc toàn bộ động mạch máu não bên phải, ở giữa và hẹp bên trái. Các bác sĩ đầu ngành hội chẩn hai lần. Lúc đầu họ nghĩ hội chứng mojamoja thì có thể mổ; nhưng sau phát hiện có chỗ xơ vữa, không mổ được nên chỉ uống thuốc thôi. Họ nói trường hợp lạ, nhờ tầm soát mới biết. Chứng tỏ đã bị từ lâu. Thông thường tắc một mạch máu nhỏ là bị đột quỵ, mà đây là tắc toàn bộ mạch máu phải. Thật tình, lúc ấy là một cơn sốc lớn đối với người nhà tôi và cả tôi nữa, tôi rất lấy làm lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Chúa đã giữ gìn cho bao nhiêu năm qua. Chúng tôi chỉ biết cảm tạ Chúa và tiếp tục cầu xin, xin ơn được chữa lành, không cần phải lo lắng nữa vì lo lắng chẳng giải quyết được gì.
    Người theo Chúa đặt niềm tin hoàn toàn nơi Chúa, tin vào sự quan phòng làm lành của Thiên Chúa ( TC ), người đó biết tất cả những gì mình có đều thuộc về Chúa, và Chúa hoàn toàn thuộc về mình. Khi biết mình có một người Cha nhân từ có thể lo lắng cho từng con chim sẻ, tại sao chúng ta vẫn cứ lo lắng cho chính mình ?

2. Chương trình của Chúa :
    Lời Chúa trong thư của Phaolo gởi tín hữu Roma viết rằng : "Chúng ta biết mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Thiên Chúa tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" ( Rm 8,28 ).
    Những từ "mọi sự", "hiệp lại", "làm ích" có ý nghĩa như thế nào ? Tại sao đối với người yêu mến Chúa, mọi sự hiệp lại đều có ích ? Phaolo cho thấy sự thử luyện nhằm hướng chúng ta tới mục đích gì ?
    Câu Kinh Thánh quen thuộc này đã giúp cho nhiều người vượt khỏi hoàn cảnh khó khăn, thấy được sự quan phòng làm lành của TC. Dầu vậy, những người mới tin Chúa, hay chưa có kinh nghiệm nhiều về Chúa thường đặt ra những câu hỏi :
    Làm sao mọi sự có thể hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến TC được ? Một tai nạn xe hơi, một cuộc động đất giết chết cả ngàn người, một trận cuồng phong phá hủy hằng trăm ngôi nhà kể cả các nhà thờ, chùa chiền ? Làm thế nào những điều này có thể làm ích được ? Dầu vậy, nhiều nạn nhân của những tai nạn kể trên có thể cho chúng ta biết làm sao những tai ương này giúp họ. Là con người, chúng ta thường ích kỷ, trí óc chúng ta hạn hẹp, chúng ta không thể nào nhìn rộng rãi theo cái nhìn bao quát của Chúa. Chỉ Chúa mới có thể giúp chúng ta thấy ý muốn của Ngài khi chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn đó. Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, trong một bài chia sẻ có viết rằng : "Chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép :
        - Cả chuyện xấu xa mà con người làm cho nhau.
        - Cả sự dữ do Satan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng ta không hiểu được, nhưng Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế. Chúng ta tin rằng đối với ai yêu mến Chúa "mọi sự đều mang lại điều tốt cho họ"( Rm 8,28 v GLCG 395,760 ).
    "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Giêsu luôn đi trước chúng ta" - Đức Phanxico đã nói vậy. Đây là câu nói của Đức Thánh Cha mà tôi trích dẫn khá nhiều lần trong một số bài viết. Đức Thánh Cha như nhắc nhở với chúng ta rằng : Chúng ta phải thấy sự hiện diện của Chúa, và sự quan phòng của Ngài làm lành cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Khám phá cơ bản giáo lý của Đức Giêsu là sự hiện diện khắp mọi nơi của TC, và niềm tin rằng "TC là tình yêu", TC không chỉ vượt trên vũ trụ của Ngài mà còn ngự khắp nơi. Cầu nguyện không phải là trốn thoát thực tại đau khổ, nhưng là đưa thực tại đau khổ vào trong cuộc đối thoại với TC, là dâng lên Ngài những đau khổ và xin Ngài sức mạnh để hướng dẫn ta vững bước trên đường đời. Làm việc theo Thiên Ý là một chiều kích sâu xa mang lại hiệu quả rõ rệt. 
    Ai yêu mến TC, người ấy sống mật thiết với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tình yêu và Thánh Thần Tình yêu luôn là nguồn trợ lực thúc đẩy con người sống thánh thiện. Tình yêu không tách rời cuộc sống. Chính vì vậy mà Tình yêu kêu gọi con người đi vào cuộc sống. 
    Con người chúng ta bị giới hạn trong không gian và thời gian, vì thế tình yêu con người cũng giới hạn.
    Nhưng Chúa GS yêu chúng ta bằng một tình yêu không giới hạn. Ngài thương chúng ta dù chúng ta là ai, chúng ta đã làm gì Ngài vẫn yêu. Thánh Kinh cho biết : "Không có tình yêu nào bằng tình yêu hiến mạng sống mình cho người mình yêu" -  TC biểu lộ tình yêu khi sai Con Ngài là Chúa GS xuống trần chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. Cho dù chúng ta chỉ là kẻ tội lỗi, làm nhiều điều xấu xa; đã thế chúng ta còn vô ơn khi sống giữa thế giới do TC tạo dựng. Ngài vẫn yêu chúng ta đến nỗi đã bằng lòng chết thay cho chúng ta là những tội nhân đáng chết. Để cắt bỏ tội lỗi đang ngăn cách chúng ta với TC là Đấng Thánh, để chúng ta có thể hòa thuận, đến gần với Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài ban cho chúng ta sự sống của Ngài. Ngài là TC, Đấng quyền năng, khôn ngoan nên không bị giới hạn khi bày tỏ tình yêu Ngài cho nhân loại. Ngài có quyền giải cứu chúng ta khỏi những bất lực của chính mình. Ngài đổi thay con người xấu xa trong ta để ta trở nên người mới. Nhờ sự chết chuộc tội của Chúa GS mà số phận đời ta đã thay đổi. Khi ta chết, từ giã cõi đời này, ta sẽ về với TC, sống với Ngài là Cha yêu thương.
    Thật khó diễn đạt bằng ngôn từ những kinh nghiệm trong tình yêu. Nếu chúng ta tiếp nhận tình yêu không điều kiện và đầy quyền năng của Chúa, chúng ta cũng sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Ngài. Không có hoàn cảnh hay quyền lực nào có thể phân cách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài, như lời Ngài đã phán hứa. Trong thư gởi tín hữu Roma, Phaolo còn cho chúng ta thấy cả một sự quả quyết : "Đúng thế, tôi tin chắc rằng : Cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của TC thể hiện nơi Đức Kitô GS, Chúa chúng ta"( Rm 8,38 ).

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con trên hành trình cuộc đời có đức tin hoàn toàn nơi Chúa, tin quyết rằng Chúa sẽ lo lắng mọi sự cho con dầu trong hoàn cảnh khó khăn nào.
    Lạy Chúa, con tin rằng "mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Chúa", xin Chúa giúp con thấy sự lợi ích của hoàn cảnh hiện tại để đời sống con có thể phát triển và trở nên hữu ích cho công việc của Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.