Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Hiếu kính với Cha Mẹ

 

                    "Con nay tóc bạc da mồi,
            Nhớ thương Cha Mẹ trọn đời không nguôi
                    Công Cha lớn lắm ai ơi,
            Nghĩa Mẹ  bằng trời  mang nặng  đẻ đau."                                                                                (Ca dao VN )        
Tại sao con cái phải hiếu kính Cha Mẹ ? Người làm con nên làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính Cha Mẹ của mình ?
I. Hình ảnh Cha Mẹ qua Kinh Thánh :
Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh minh họa tình thương của Thiên Chúa ( TC ) đối với loài người.         
        a. Hình ảnh người mẹ : Trong cuộc hành trình của dân Do Thái rời khỏi Ai Cập, TC được nhìn thấy như một bà mẹ bảo bọc con. Tiên tri Isai dùng hình ảnh người mẹ để bày tỏ tấm lòng của TC đối với dân Ngài : "Ta sẽ an ủi các ngươi như mẹ hiền an ủi con thơ "( Is 66:13 ), "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?"( Is 49,15 ). Sách Huấn ca cho ta lời dạy dỗ liên quan đến người mẹ : "Ai chọc giận Mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa"( Hc 3,16b ).
        b. Hình ảnh người cha : Trong Luca 15, Chúa Giêsu ( GS) dùng hình ảnh người Cha có hai người con để ví tình thương TC đối với loài người mà Ngài đã tạo dựng nên. TC là Cha, mọi người là anh em với nhau. Tình cảm Cha-Con thắm thiết mặn nồng, hòa quyện vào nhau : "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta. Ta với Cha là một. Ai thấy Ta tức đã thấy Cha. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy".( Đây là những câu Kinh Thánh quen thuộc, người Công Giáo hầu như ai cũng biết ). Hình ảnh người Cha trong sách Huấn ca nói rõ hơn : "Hãy thảo kính Cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ Người mà con được chúc phúc". Hoặc : "Chớ vênh vang khi Cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con"( Hc 3,8 v 10 ).

Vì công ơn Cha Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, yêu thương, hy sinh cho con, người làm con phải biết ơn Cha Mẹ bằng cách bày tỏ qua sự hiếu kính của mình. Hiếu kính Cha Mẹ là một điều răn trong 10 điều răn TC dạy con người phải tuân giữ. TC làm cho người Cha vẻ vang vì con cái, cho người Mẹ thêm uy quyền đối với các con, con cái phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân ( Hc 3,2 v 7 ).
Trên đời này không ai bằng Cha Mẹ. "Người ta chỉ được vẻ vang lúc Cha mình được tôn kính; và con cái bị ô nhục khi Mẹ mình bị khinh chê"( Hc 3,11 ). Không có Cha Mẹ thì chẳng có ta trên đời. Cha Mẹ không nuôi ta, không dạy dỗ ta, ta chẳng thể nào lớn lên được. Trong bổn phận con người đối với nhau, bổn phận con cái đối với cha mẹ quan trọng hơn cả. Kinh Thánh dạy chúng ta phải chu toàn bổn phận trước hết đối với TC là Đấng Tạo dựng, sau đó là bổn phận đối với Cha Mẹ, rồi mới đến những bổn phận khác. Nếu tin theo Chúa, làm theo Lời Chúa, chúng ta phải có lòng hiếu kính với Cha Mẹ.

II. Lòng hiếu kính Cha Mẹ :

        1. Hiếu thể hiện qua lòng yêu thương Cha Mẹ :
Tình yêu dành cho Cha Mẹ là dấu chỉ tình yêu dành cho Đấng Tối Cao. Ta có yêu Cha Mẹ khi đó nói ta yêu TC người khác mới tin được, vì Cha Mẹ gần gũi với ta nhất. Tình yêu thương đối với Cha Mẹ phản ánh tình yêu của con người với TC. Nếu ta không yêu Cha Mẹ mình bằng xương bằng thịt, làm sao ta nói ta yêu mến TC vô hình được. Bổn phận đầu tiên của người con là yêu thương Cha Mẹ. Như mọi liên hệ khác của con người với nhau, chúng ta chỉ làm tròn bổn phận khi có tình yêu thương. Chúng ta yêu Cha Mẹ vì ngoài Chúa ra không ai thương chúng ta bằng Cha Mẹ, người nào không yêu Cha Mẹ mình thì chả yêu ai được đâu. Ca dao VN có câu : "Công Cha như núi Thái Sơn / Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Dù Cha Mẹ không bày tỏ tình thương bằng lời nói và cử chỉ, nhưng lòng Cha Mẹ nào cũng yêu thương con. Người ta nói : "Nước mắt không bao giờ chảy ngược" nghĩa là con cái khó có thể hiểu hết được tình thương của Cha Mẹ, cho đến khi con cái trở thành Cha Mẹ :
                    "Nuôi con mới biết sự tình,
            Thầm thương Cha Mẹ nuôi mình khi xưa."
                    "Lên non mới biết non cao,
            Nuôi  con  mới  biết  công  lao  Mẹ  già".
                                                ( Ca dao VN )

        2. Hiếu thể hiện qua lòng biết ơn Cha Mẹ : 
Sách Huấn ca viết : "Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn Mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?"( Hc 7,27-28 ). VN có một câu ca dao nói lên lòng biết ơn Cha Mẹ, nhiều người thích và thường viết thư pháp treo ở nhà, tôi thì không thích mấy vì thấy lời phóng đại, quá ngôn, và có vẻ hơi "sáo ngữ" : "Biển cả mênh mông không đong đầy tình Mẹ / Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha". Có một cái gì đó nó phi thực tế quá. Thực tế con cái phải biết ơn Cha Mẹ vì Cha Mẹ sanh ra và nuôi dạy chúng ta nên người. TC ban cho chúng ta sự sống nhưng Cha Mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, Cha Mẹ phải chịu biết bao khó nhọc để nuôi dạy ta từ lúc chào đời cho đến lúc lớn khôn. Công ơn Cha Mẹ thật lớn lao nên con cái phải bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Mẹ không những bằng lời nói, mà cả thái độ, hành động và cách cư xử đối với Cha Mẹ mình. Nói hay mà đối xử tệ bạc với Cha Mẹ, thì người con đó chẳng hiếu nghĩa gì. Ở đời cũng có trường hợp "Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi", "dương gian chưa no đã lo âm phủ". Ở gần, mà Cha Mẹ ốm đau không hề viếng thăm. Khi còn sống con cái để Cha Mẹ trong tình trạng thiếu thốn, đói khổ; lúc Cha Mẹ qua đời lại tổ chức rềnh rang, to lớn để lấy tiếng với thiên hạ - Cách sống này không gọi là tỏ lòng biết ơn Cha Mẹ được.

        3. Hiếu thể hiện qua sự kính trọng Cha Mẹ :
Ngoài yêu thương, bày tỏ lòng biết ơn qua sự cư xử với Cha Mẹ. Kinh Thánh dạy người con phải tôn kính Cha Mẹ :"Ai nấy phải tôn kính Cha Mẹ mình"( Lê-vi 19:3 ). Cũng có sách dịch là : "Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ Cha Mẹ". Tôn kính là lễ phép trong lời ăn tiếng nói, bày tỏ sự tôn trọng Cha Mẹ trước mặt người khác, không được la mắng hay nói lớn tiếng khi Cha Mẹ làm điều gì đó trái ý mình. Ca dao VN cổ xưa có câu : "Bảo vâng, gọi dạ...con ơi  / Vâng lời sau trước con thời chớ quên".
 Có người không tôn kính Cha Mẹ lúc họ già yếu, hay khi Cha Mẹ ốm đau trở thành gánh nặng cho mình. Kinh Thánh dạy : "Hãy nghe lời Cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ Mẹ con khi người trở nên già yếu"( Châm ngôn 23:22 ). Người con phải biết rằng lúc Cha Mẹ già yếu là lúc Cha Mẹ cần mình hơn bao giờ hết. Người già dễ cảm thấy cô đơn buồn tủi, vì biết mình không còn làm gì ích lợi cho con cháu được nữa. Bổn phận làm con phải thông cảm với Cha Mẹ già và cố gắng làm thế nào để đem niềm vui cho Cha Mẹ trong tuổi già. Chúng ta cần đối xử tế nhị với lòng yêu thương và thông cảm. Đừng vì quá bận rộn cuộc sống mà bỏ bê Cha Mẹ, hay có những lời nói, hành động bất kính khiến Cha Mẹ buồn tủi. "Cha Mẹ có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể Cha Mẹ"( Hc 3,13 ).

        4. Hiếu thể hiện qua sự vâng phục Cha Mẹ :
Vâng phục trong tiếng Việt có nghĩa là vâng lời và thuận phục thẩm quyền. Lời TC cho người làm con rất đơn giản và thẳng thắng : Con cái, hãy vâng phục Cha Mẹ mình trong Chúa ( Êp 6,1 ). Sự thật đáng buồn, tôi thường hay chứng kiến con cái không thường vâng phục Cha Mẹ, hay cãi lại Cha Mẹ. Lời Kinh Thánh dạy người làm con rằng : "Hỡi con hãy nghe lời khuyên của Cha con, chớ bỏ phép tắc của Mẹ con"( Châm ngôn 1,8 v 6,20 ). Chữ "phép tắc" có nghĩa là lời chỉ bảo, sự dạy dỗ.
Vua Salomon nói sự dạy dỗ của Mẹ là sự khôn ngoan, và mô tả giá trị của lời mẹ dạy giống như đồ trang sức làm đẹp đời sống người con ( Châm ngôn 1:9 ). Thánh Phaolô trong thư Êphêsô viết : "Hỡi kẻ làm con hãy vâng phục Cha Mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo"( Êp 6,1 ). Trong thư Côlôsê Phaolô còn khuyên rằng : "Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục Cha Mẹ mình vì điều đó đẹp lòng Chúa"( Cl 3,20 ). Theo tiêu chuẩn của TC, không vâng lời Cha Mẹ hay quát mắng Cha Mẹ cũng là tội nặng như những tội khác ( x Rm 1,29-30 ). Con cái có thể hơn Cha Mẹ về học vấn, kiến thức, nhưng đừng quên Cha Mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn chúng ta. Con cái nên đón nhận ý kiến của Cha Mẹ để tránh những lỗi lầm do thiếu kinh nghiệm gây ra.

        5. Hiếu thể hiện qua sự phụng dưỡng Cha Mẹ :
Nuôi Cha Mẹ thì không nên kể công, nếu kể công thì xem như không nuôi Cha Mẹ, và trước mặt Chúa xem như không có ý nghĩa gì cả. Phụng dưỡng là phục vụ. Yêu thương đi kèm với phục vụ. Ngọt ngào với Cha Mẹ được xem như là một thái độ để phục vụ Cha Mẹ. Người tin Chúa yêu kính Chúa nên tự nguyện phục vụ Chúa, làm công việc của Chúa. Người làm con yêu thương Cha Mẹ phải có lòng phục vụ Cha Mẹ, nhất là lúc Cha Mẹ già yếu. Tục ngữ VN có câu : "Trẻ cậy Cha, già cậy con". Theo truyền thống văn hóa Việt, lúc nhỏ con cái nương tựa nơi Cha Mẹ thế nào thì về già Cha Mẹ cần nương tựa nơi con cái thế ấy; Cha Mẹ về già thường ở với con để được con chăm sóc, phụng dưỡng. Khi đã già, Cha Mẹ không thể làm việc để nuôi sống chính mình được nữa, con cái có trách nhiệm cung cấp cho Cha Mẹ những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Phục vụ Cha Mẹ khi họ về già phù hợp với lời dạy Kinh Thánh : "Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin"( Tm 5,8 ). Chúa GS đối với Cha Mẹ là gương cho ta noi theo.

III. Gương Chúa Cứu thế trong bổn phận làm con :
Chúa GS đã nêu gương một người con hiếu kính đối với Cha Mẹ mình là Thánh Giuse và Đức Maria. Chúa đã tuân giữ chữ hiếu suốt cả đời Ngài. Luca 2 ghi lại biến cố Chúa GS lên thành Jérusalem khi Ngài mười hai tuổi, sau biến cố này Kinh Thánh ghi : "Ngài theo họ về thành Nazaret và vâng phục Cha Mẹ Ngài"( Lc 2,51 ). Trong 33 năm ngắn ngủi trên trần gian, Chúa GS sống với gia đình đến năm 30 tuổi. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đồng ý có thể Giuse qua đời lúc Chúa GS ở tuổi thiếu niên. Vì ngoài những chi tiết ghi trong Phúc Âm Luca chương I và II, Kinh Thánh không còn nhắc đến Giuse nữa. Trong hoàn cảnh đó, chắc chắn Chúa GS phải ở gần Mẹ để săn sóc, an ủi Mẹ. Một bằng chứng khác về lòng hiếu thảo của Chúa GS là khi Ngài sắp trút hơi thở cuối cùng trên cây Thập giá, Chúa không quên người Mẹ yêu dấu của mình, Ngài đã gởi gắm Mẹ cho Gioan, một Môn đệ thân thiết của Chúa thay Ngài để chăm sóc Mẹ ( Jn 19,26-27 ). Đối với Đức Chúa Trời là Thiên phụ, Chúa GS cũng là một người con tròn bổn phận. Khi thi hành sứ vụ trên trần gian, Chúa đã làm trọn tất cả những điều khó làm hơn hết. Có lần Chúa phán với các Môn đệ của Ngài rằng : "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người"( Jn 4,34 ). Trước khi chịu đóng đinh trên cây Thập tự, Ngài đã cầu khẩn với Chúa Cha : "Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý Cha"( Mt 26,39 ). Tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng xác nhận rằng : "Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài"( Hr 5,5-9 ). Trong cương vị làm con, Chúa GS đã vâng lời Cha Mẹ mình trong mọi sự. Ngày nay chúng ta cũng phải noi gương Chúa vâng lời Cha Mẹ mình trong Chúa. Chúa đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối. Ngài vâng theo ý Chúa Cha sinh ra làm người để chịu chết cứu chuộc loài người. Phao lô nói về tâm tình của Chúa là tâm tình của một người con vâng lời Cha : "Đức GS Kitô vốn dĩ là TC mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với TC, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự"( Phip 2,6-8 ). Và ông kêu gọi con dân Chúa phải có một tâm tình vâng phục như Chúa vậy ( Phip 2,5 ).

IV. Tâm tình cầu nguyện :
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa về những điều Ngài ban qua Cha Mẹ con. Xin giúp con yêu thương, biết ơn và kính trọng người đã sinh thành, nuôi dạy con.
Xin Chúa giúp con biết vâng lời và phụng dưỡng Cha Mẹ như Lời Chúa dạy.
Cảm tạ Chúa đã vâng phục Chúa Cha trọn vẹn để con được cứu chuộc và trở nên con Ngài. Xin cho con học theo gương Chúa mà vâng phục Cha Mẹ mình.

JB.SĨ TRỌNG.






Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Giữ đạo yêu thương


                                 ( Tặng Con yêu và Mauri )
I. Con Chúa và mối tương quan đời sống :
Lời mở đầu trong các thư Phaolô đều từa tựa như nhau, riêng thư Cô-lô-sê, ai đọc thì nên để ý đến câu : "Các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-sê, là những người thánh và trung tín trong Đức Kitô"( Cl 1,2 ). Phaolô gọi các tín hữu ở Cô-lô-sê là :
        1. Các anh em chúng ta : 
Khi tin Chúa, chúng ta trở nên con cái Chúa vì thế là anh em với nhau. Chúng ta thường gọi nhau là anh em, nhưng cũng cần đối xử với nhau đúng với ý nghĩa của tình anh em. Đừng bỏ nhau, đừng từ chối nhau. Nếu không đến trong tình yêu hôn nhân thì cũng không nên từ bỏ nhau mà hãy xem nhau như tình bạn.
        2. Người thánh : 
Cũng là người đời nhưng không hoàn toàn giống như người đời. Người tin Chúa được gọi là người thánh vì đã dành riêng cuộc đời để sống cho Chúa chứ không sống giống như người đời nữa, mặc dù vẫn hiện diện trong cuộc đời, vẫn công ăn việc làm như bao nhiêu người khác. Chúng ta cần tâm niệm điều này mỗi ngày để sống đúng với danh hiệu "người thánh".
        3. Trung tín :
Đây là một đặc tính khác của người tin Chúa. Đức tin của chúng ta nơi Chúa không phải chỉ có lúc ban đầu, hoặc theo truyền thống gia đình, nhưng phải tăng trưởng, phải lớn lên mỗi ngày. Nếu chúng ta vô thần thì sống đời này có ý nghĩa gì đâu, cho dù có chất nghệ sĩ cũng chẳng là gì được cho cuộc đời chúng ta mai sau, nếu không quy hướng về Thiên Chúa. Đức tin tăng trưởng là chúng ta giữ lòng trung thành với Chúa luôn dầu hoàn cảnh thay đổi. Người theo Chúa là người trung tín với Chúa và với người chung quanh. Đây là một đặc tính quan trọng cần phát huy. Khi tin Chúa, dù hoàn cảnh thế nào đi nữa chúng ta phải theo Chúa đến cùng, để chứng tỏ tình yêu và lòng chung thủy với Ngài.
        4. Trong Đức Kitô :
Chúng ta là anh em với nhau, dành riêng cuộc đời cho Chúa và sống trung thành với Ngài, vì chúng ta "ở trong Chúa". Chúa Kitô là Chúa của nhân loại, không riêng gì đạo Tin Lành hay Công Giáo. Ai tin nhận Chúa, người ấy được kết hợp với Ngài. Mối liên hệ trong Chúa đưa đến những mối liên hệ khác và giữ chúng ta sống trong sạch, trung tín cho Chúa. Vì thế chúng ta cần giữ mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa chặt chẽ mỗi ngày. Phải cùng nhau tham dự Thánh Lễ, có những giây phút cùng chia sẻ những suy nghĩ với nhau, cùng cầu nguyện chung với nhau...đó chính là cách giữ đạo tốt nhất. Việc tuyên xưng đức tin đơn giản nhất là làm dấu Thánh giá trước khi ăn. Nói với nhau về tôn giáo là điều trước tiên. Không nói với nhau về tôn giáo là một thiếu sót lớn, vì sau này rất khó nói, ta không nên đánh mất cơ hội vàng. Trong tình bạn, nếu ai khám phá ra được điều này sớm thì đó là dấu chỉ tốt đẹp để hai người hòa hợp lâu dài và có thể đi đến với nhau luôn mãi.

II. Đức tin và lòng yêu thương đối với người khác :
Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê viết : "Phúc Âm đã truyền đến anh em, cũng được quảng bá khắp thế giới, kết quả và phát triển mọi nơi, cũng như đổi mới đời sống anh em ngay từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thật sự là gì"( Cl 1,6 ). Và Phaolô đã cầu nguyện cho các tín hữu ở Cô-lô-sê. Ông tạ ơn Chúa về đức tin và lòng yêu thương của họ đối với người khác. Đây cũng là hai mối liên hệ chúng ta cần gìn giữ và phát triển : Niềm tin nơi Chúa và lòng yêu thương đối với người khác. Ở đời khi hai người quen nhau cũng nên như vậy.
Phaolô cũng nói về hy vọng của người tin Chúa. Hy vọng đó như Phêrô đề cập, là "cơ nghiệp không hư mất, không vẩn đục, để dành trên trời cho anh em"( I Pr 1,4 # Cl 1,5 ). Là người tin Chúa, hy vọng của chúng ta không phải chỉ có trong đời này, nhưng là hy vọng vĩnh cửu ở đời sau. Nhìn vào hy vọng đó, chúng ta sẽ thấy rõ đâu là giá trị thật của đời sống và sẽ có thái độ khác trong cách cư xử với người xung quanh. Chúng ta thấy Phaolô nói về ba điều : Đức tin nơi Chúa, lòng yêu thương đối với các tín hữu và hy vọng về tương lai huy hoàng đang chờ đón.
Nếu mọi người tin Chúa đều sống đúng với ba điều đó, chúng ta sẽ được vui vẻ, bình an và tâm hồn đầy hưng phấn. Ba điều này Phaolô cũng nói trong I Cr 13,13 : Đức tin, Hy vọng và Tình yêu.
Xin nhắc lại Cl 1,6 ( đã trích dẫn đầu phần II ): Phaolô cho thấy tác dụng của Phúc Âm trên đời sống của người tin Chúa. Phúc Âm hay Tin Mừng là toàn bộ  giáo lý về Chúa Giêsu được ghi trong Thánh Kinh Tân Ứơc mà chúng ta đã biết. Tin nhận Chúa Giêsu và thực hành lời Chúa dạy là chúng ta đã sống với Phúc Âm. Không ai có thể phủ nhận tác dụng mạnh mẽ của Phúc Âm trong đời sống những người đã tin theo Chúa. Nếu chưa kinh nghiệm được tác dụng đó là chúng ta chưa thực sự tiếp nhận Phúc Âm hoặc chưa thực sự sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Là người tin Chúa, đời sống của chúng ta phải "kết quả" và "tiến bộ". Thiếu hai điều đó, chúng ta cần xét lại đức tin của chúng ta trước mặt Chúa.
Ông Ê-páp-ra nhắc đến trong thư Phaolô ( x Cl 1,7 ) là "người bạn đồng tù" với Phaolô. Ông là người ở Cô-lô-sê ( Cl 4,12 ), đến La Mã thăm Phaolô và cho biết tin tức Hội Thánh tại đó nên Phaolô đã viết thư Cô-lô-sê. Có lẽ Ê-pap-ra đã ở lại La Mã một thời gian để giúp Phaolô, cũng là người đã truyền giảng Phúc Âm và thành lập Hội Thánh Cô-lô-sê nên Phaolô gọi ông là "bạn đồng sự yêu quý", "kẻ giúp việc trung thành của Đức Kitô"( Cl 1,7 ). Ở đời nếu ai có bạn đồng sự, muốn trở nên đồng hành, thì cũng nên như Phaolô và Ê-pap-ra vậy. 
Cầu nguyện là bí quyết để biết rõ hơn về tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người đều cảm nhận được tình yêu của Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Tình yêu của Đức Kitô phải được kinh nghiệm một cách sống động trong cuộc đời của những người tin theo Chúa. Ở trong và qua Chúa Giêsu, chúng ta có khả năng để hiểu được những điều không thể nào hiểu được. Ý định của Thiên Chúa là muốn chúng ta sử dụng khả năng đó để yêu Ngài và những người khác chung quanh mình. Thiên Chúa của chúng ta thật nhân từ và rộng lượng biết bao, Ngài biết rõ những giới hạn của con người, dầu vậy Ngài đã ban cho chúng ta hiểu biết những lẽ mầu nhiệm của Ngài và được đến gần để biết rõ Ngài hơn.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn luôn sống xứng đáng là người "trong Chúa", sống với nhau trong tình huynh đệ, thánh khiết và trung thành với Chúa mãi mãi.
Xin giúp con sống trung tín với Chúa, yêu thương người chung quanh và sống trong hy vọng về ngày Chúa trở lại để con thật sự là người cùng phục vụ Chúa với những người khác.
Xin làm cho con được vững mạnh bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần và khiến cho con ngày càng kính mến Chúa và yêu thương mọi người hơn.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Thánh Thần, sự mở ngỏ và đồng hành

1. Đấng An ủi dịu dàng :
    Mùa COVID là mùa "Bội thu" của mình : Đọc Kinh Thánh, suy tư, cầu nguyện và viết nhiều về Chúa - Đây là niềm vui mang tính thiêng liêng. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần ( CTT ) soi sáng thì chẳng ai làm gì được. Hơn thế nữa, Ngài là Đấng An ủi dịu dàng : Tuy Đại dịch xảy ra, mọi người đang lo âu sợ hãi, nhưng tâm hồn nào quy hướng về Chúa thì vẫn thấy bình an.
    Trong Tin Mừng Gioan viết : "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng An ủi khác đến ở với anh em luôn mãi"( Jn 14,16 ) - Câu Kinh Thánh này là lời Chúa Giêsu ( GS ) muốn nói với chúng ta : CTT là Đấng An ủi ( cũng có sách dịch là Đấng Bảo trợ ) được Chúa Cha sai đến.
    Với vai trò một Đấng An ủi, CTT sẽ làm gì cho chúng ta ? Khi hứa ban Đấng An ủi, Chúa GS nhìn thấy một thực tế nào nơi đời sống con người ? Làm sao chúng ta biết rằng CTT đang đồng hành với chúng ta ?
    Một trong những ước nguyện của nhiều người là được có Chúa ở cùng. Có lẽ chúng ta mơ ước đặc ân của các Thánh Tông đồ ngày xưa, được sống với Chúa mỗi ngày, được trò chuyện và học hỏi Chúa. Thật ra, ngày nay Chúa cũng đang ở gần bên chúng ta như vậy. Trước khi Thăng Thiên, Chúa GS cho các Môn đệ biết Ngài sẽ không để cho họ mồ côi, nhưng sẽ đến với họ qua CTT được gọi là Đấng An ủi khác. Chữ "Đấng An ủi khác" ở đây có thể hiểu là "Đấng An ủi khác giống như Ta", hay nói khác đi, Chúa GS là Đấng An ủi đối với các Tông đồ ngày xưa, còn CTT là Đấng An ủi đang sống, đang hiện diện với chúng ta ngày nay. Chúa GS sống với các Tông đồ trong con người bằng xương bằng thịt, còn CTT ngự trong lòng chúng ta là một Đấng vô hình, giác quan chúng ta không cảm nhận được, nhưng chúng ta biết rõ Ngài đang ở với chúng ta; cũng như không gian không khí, chúng ta chẳng thấy gì cả, nhưng sức mạnh của sóng điện từ thì vô cùng vô tận.  
    Trong một vụ xử, một người vô tội cần có một người làm chứng biết rõ sự thật và nói lên sự thật để cho thấy bị cáo vô tội. CTT là Đấng làm chứng cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Đấng An ủi - Đấng Bảo trợ, từ ngữ này cũng được dùng để mô tả Chúa GS trong thư thứ nhất của Gioan : "Nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha : đó là Đức GS Kitô, Đấng Công chính"( I Jn 2,1b ).
    Khi một bác sĩ tổng quát không thể định bệnh một trường hợp đặc biệt, người ấy phải nhờ đến một bác sĩ chuyên môn của ngành đó. Một kỹ sư gặp một vấn đề khó khăn, cần có người chuyên môn hơn để giúp. Một nhà chính trị cần có những cố vấn đặc biệt cho từng vấn đề. CTT là vị cố vấn chuyên môn giải quyết mọi vấn đề cho chúng ta và chúng ta có thể gọi đến Ngài bất cứ lúc nào.
    Ngày xưa, khi một đạo quân nản lòng không muốn chiến đấu nữa, người ta cần một người kêu gọi và khích lệ tinh thần binh sĩ để họ tiếp tục chiến đấu. CTT là người khích lệ chúng ta trong đời sống đức tin.
    Nói tóm lại, CTT luôn là người đến cứu giúp lúc chúng ta cần. "Thần Khí Chúa bảo vệ chúng ta chống lại ma quỷ, chống lại sự nóng nảy và các tệ nạn, chống lại các khuynh hướng xấu của tự nhiên; chống lại những ai muốn ta đau bệnh, ở xa và gần, một mình hay một đám đông"( Lấy ý từ bản kinh của Thánh Patrick's Breastplate ở nhà thường hay đọc ). Tôi đã nhiều lần được Ngài cứu khỏi những bàn thua trông thấy để lấy lại thăng bằng. CTT là người giúp chúng ta đối diện với những khó khăn cuộc đời. Lời dạy của Chúa GS trong Jn 14:16 ( đã nêu lúc đầu ) hàm ý rằng : "Ta giao cho các con một công tác lớn và khó, nhưng đừng lo vì Ta sẽ cho một Đấng An ủi đến ở bên cạnh các con để giúp các con chu toàn công tác Ta trao phó". Chính xác hơn, Lời Chúa GS trong Tin Mừng Gioan : "Khi Đấng Bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu"( Jn 15,26-27 ). Câu 27 nói rõ trách nhiệm và bổn phận của các Tông đồ tiên khởi.
    Hãy nghĩ đến CTT là người bạn đồng hành, luôn luôn có mặt bên cạnh để Ngài giúp đỡ chúng ta tiến mạnh trên con đường theo Chúa. Ý thức sự hiện diện của CTT sẽ giúp chúng ta thêm sức mạnh để sống mỗi ngày. Ngài là Đấng An ủi dịu dàng giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, những đau thương mất mát.

2. Mở ngỏ và đồng hành :
    CTT mở ngỏ cho những ai đang còn rụt rè, Ngài ban thêm sức mạnh cho người đó. Mở ngỏ là giải phóng những ai đang sống trong tối tăm, bị thế lực ma quỷ ràng buộc, Ngài khai đường mở lối cho họ để họ trở về với Chân - Thiện - Mỹ ( Tôi không nói là "Chân - Thiện - Nhẫn" như hiện nay những người theo Pháp Luân Công đang tuyên truyền ), rồi Ngài sẽ đồng hành với họ.
    Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Galata viết rằng : "Có phải anh em nhận lãnh Thánh Thần nhờ cố gắng tuân theo luật pháp không ? Tuyệt đối không. Vì Thánh Thần chỉ ngự vào lòng người nghe và tin nhận Đấng Cứu thế"( Gal 3,2 ),"nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đức Kitô đã chết vô ích"( Gal 2,21b ). Người nào chỉ "say nắng" CTT một lần thôi thì chắc họ cũng được CTT ngự đến với họ trong những lần khác tuyệt vời và đầy thơ mộng. Đừng để chim Bồ câu bay đi mà không trở lại.
    Như thế thì : Điều kiện nào phải được đáp ứng để một người được nhận lãnh Thánh Thần ? Luật pháp mà Phaolô nói ở đây là gì ? Tại sao không thể cậy vào luật pháp để sống đẹp lòng Thiên Chúa ? Thánh Thần và luật pháp có tương quan thế nào ?
    Thánh Kinh nói rằng : "Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là Lề luật"( I Cr 15,56 ). Tôi còn nhớ câu Kinh Thánh bốc vào dịp Tết ở nhà khi Cha Sở đến thăm và tham dự Tất niên ở một Hội đoàn, điều đáng ngạc nhiên là cả hai nơi tôi đều rút trúng câu Lời Chúa giống nhau : "Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy"( Rm 3,28 ). Từ đó làm cho tôi có những suy tư :
        a. Tất cả tín hữu thật của Chúa Kitô, đều được lãnh nhận CTT vì "chúng ta  làm con, nên TC đã sai Thánh Thần của Con Ngài vào lòng chúng ta" ( Gal 4,6 ). Như vậy ân tứ ấy không chỉ dành cho một hạng người "đặc biệt" nào trong Hội Thánh đâu. Trong Giáo Hội có những người có tác vụ, nhưng "cái tôi" của họ quá lớn, không có ơn của CTT thì vẫn nói bậy như thường ( ồi, viết thế này dễ đụng chạm quá ! ).
    Bạn đã nhận lãnh được CTT chưa ? Đã có bao giờ CTT viếng thăm bạn chưa ? Nếu chưa là vì sao ? Vì bạn chưa thật lòng tin Chúa Cứu thế ? Vì chưa "biết" Chúa Cứu thế hy sinh trên Thập tự giá thay cho bạn ? Hoặc vì biết nhưng không rõ lắm, nên vẫn ngài ngại ? Hoặc "cái tôi" và sự kiêu ngạo của bạn quá lớn ?
        b. Không ai nhận lãnh được CTT nhờ cố gắng tuân theo luật pháp ( Gal 3,2 ). "Luật pháp" ở đây trước hết chỉ về bộ kinh của Môisê ( còn gọi là Ngũ Thư ), về sau được ( bị ) các giáo sư Do Thái khai triển thêm bớt thành một bộ giáo luật rất nhiều điều phiền toái mà các thầy Thông luật, Biệt phái, Thượng tế thời Chúa Cứu thế thường dạy dỗ và hãnh diện.
    Theo một nghĩa rộng, từ "luật pháp" cũng chỉ về các điều kiện luật lệ trong Kitô giáo mà người ta đặt ra buộc các tín hữu phải theo. Tuy nhiên, những điều kiện và luật lệ đó không do CTT là tác giả của toàn bộ Kinh Thánh đặt ra dạy dỗ.
        cCTT chỉ ngự vào lòng người nào nghe và tin nhận Chúa Cứu thế ( Gal 3,2b ), khi được Chúa ngự vào rồi thì "phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa"( Rm 8,14 ), ( đọc thêm Rm 8,15-16 ).
    CTT mở ngỏ mà ta đồng ý thì khi đó Ngài mới đồng hành. Trên đời này có gì hạnh phúc bằng được Chúa đồng hành, tìm về với Chân - Thiện - Mỹ chính là lúc này đây.

3. Cầu nguyện :
    Lạy CTT là Đấng đang sống bên cạnh con mỗi ngày, xin giúp con ý thức sự hiện diện của Chúa để sống vui lòng Chúa mãi mãi.
    Cảm tạ CTT, chỉ bởi nghe và tin nhận Chúa Cứu thế mà con được Ngài ngự trong lòng. Xin giúp con nắm vững điều này để hết lòng theo Ngài.
    Ứơc gì con được hoa quả của Thần Khí : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ ( Gal 5,22 ).

P/s : Mời đọc thêm bài "Sức mạnh diệu kỳ sau Chúa Phục Sinh" trên nhãn "Bài Suy niệm 5" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.


Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Tình Bằng hữu

                                                 ( Tặng Nhật Tiến và Thánh Thư )



Thiên Chúa ( TC ) tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Một trong những đặc tính chúng ta phản ánh hình ảnh của Chúa là chúng ta có khả năng và nhu cầu thông công với người khác. Với khả năng và nhu cầu thông công, chúng ta cần có bạn.
Tình bạn thật cao quý. Tìm được một người bạn thật không phải dễ. Chúng ta có thể có nhiều người quen, nhiều người cùng làm việc, trò chuyện với chúng ta, nhưng tìm được một người bạn thật, sẵn sàng nghe ta tâm sự thật là khó. Nhiều người than : "Tôi không có bạn !" Nói như vậy cũng đúng, nhưng lắm khi ta không có bạn chỉ vì chính ta không phải là một người bạn tốt. Có người đã nói : "Muốn có bạn, trước hết mình phải là một người bạn." Qúy vị có nhiều bạn không ? Nếu có bạn, ta phải làm gì để tình bạn được bền vững ?

1. Thương bạn :
Kinh Thánh ghi lại những tình bạn cao quý. Giô-na-than thương David như chính mạng sống mình ( I Sam 20,17 ), Ru-tơ không chịu bỏ rơi Na-ô-mi trong cảnh nghèo nàn cô quả ( Ru 1,16 ), Ép-ba-phô-đích đã liều sự sống vì Phao lô ( Phip 2,30 ). Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu ( GS ) là người bạn lý tưởng của các Môn đồ Ngài. Thật vậy, Chúa gọi Lazaro là bạn Ngài ( Jn 11,11 ), và tất cả các Tông đồ là bạn Ngài ( Jn 11,5 ), thương họ đến cùng ( Jn 13,1 ), Ngài cũng khóc với họ ( Jn 11,35 ), Ngài phó sự sống của Ngài vì họ ( Jn 15,13 ).
Chúng ta có thể có những người bạn cùng xưởng, cùng nghề, cùng công sở, cùng trường học, cùng giáo xứ; bạn cùng sở thích, bạn đường, bạn đời, bạn tri kỷ .v.v...Dầu là bạn trong môi trường nào, người bạn thật phải là bạn yêu thương nhau và thương yêu nhau lâu bền.
Thánh Kinh viết rằng : "Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc", nói vậy chẳng khác nào : "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn"( Cn 17,17a ). Tình thương của người bạn thật phải là tình thương vô điều kiện, không phai nhạt theo thời gian, không thay đổi theo hoàn cảnh, không biến thể vì quyền lợi. Dù có gì xảy ra, những người bạn thật không bao giờ hại nhau, ngược lại họ hy sinh cho nhau, bảo vệ nhau, đùm bọc nhau.
Phúc cho ai có những người bạn thương yêu như thế. Dầu có được người bạn như thế trên đời hay không, nên nhớ luôn rằng chúng ta có người bạn yêu thương lý tưởng là Chúa GS. Với tình bạn bền vững thắm thiết của Chúa, chúng ta vững tâm tự nguyện làm những người bạn "thương mến nhau luôn luôn" cho dù trải qua cảnh ngộ nào đi nữa.

2. Giúp bạn :
Sách Châm ngôn viết rằng : "Bạn của con hay bạn của bố con, đừng nỡ bỏ rơi họ. Gặp ngày khốn quẫn đừng đến nhà anh em con, vì anh em xa không bằng láng giềng gần"( Cn 27,10 ). Câu này có lẽ gây cho con cái Chúa nhiều thắc mắc. Tại sao ở đây Kinh Thánh dạy rằng chúng ta không nên đến nhà anh em mình trong ngày khốn quẩn hoạn nạn ? Trong khi đó Châm ngôn 17,17 lại dạy rằng : " Vì anh em sinh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn". Kinh Thánh có mâu thuẫn không ?
Thật ra Kinh Thánh không mâu thuẫn. Đó là nỗi cay đắng của trường đời ! Có lúc anh em trong gia đình mà không đối thoại với nhau được thì tình bạn, người ngoài lại quý hơn. Cũng có lúc anh em do hoàn cảnh ở quá cách xa nhau, nên không thể đến với nhau được, lúc ấy thì "anh em xa không bằng láng giềng gần". Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem nó đúng trong mùa dịch Covid đấy : Nếu không may trong gia đình người thân anh em ruột thịt, có người bị dương tính, cũng đành chịu "đừng đến nhà" vậy. Ha Nguyen ( một người em con Dì ) có lần nói chuyện đã khuyên chúng tôi : "Thương thì không nên thăm", vì trong lúc này dễ kéo theo nhiều hệ lụy phiền toái. Những người bạn, người láng giềng ở gần là những người chúng ta nên nhờ cậy trong lúc hoạn nạn, dễ ăn dễ nói hơn, giúp được gì thì được hoặc không được cũng chẳng sao. 
Những người bạn tốt không chỉ giúp nhau trong lúc khốn quẫn, mà còn giúp nhau nhiều phương diện khác nữa :
        a. Khuyên bảo nhau : Lời khuyên của bạn hữu có khi là lời dịu dàng khiến tâm hồn chúng ta được an ủi khích lệ ( Cn 27,9 ). Lời khuyên của bạn hữu có khi cũng là lời thẳng thắn gây dựng, giúp chúng ta trưởng thành, nhưng cũng khiến chúng ta đau đớn ( Cn 27,6 ). Những người bạn yêu thương nhau, hiểu nhau sẽ có những lời khuyên bảo giúp ích nhiều cho nhau.
        b. Phát triển tài năng : Những người bạn yêu thương ta thật sự cũng là những người giúp ta phát triển tài năng của mình. Những người bạn thật như vậy sẵn sàng trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm, mở cơ hội để giúp nhau trong chức nghiệp chứ không ganh tị, giữ miếng với nhau ( Cn 27,17 ).
Phúc cho ai có những người bạn chân tình giúp đỡ mình như trên. Dầu sao đi nữa, chúng ta có Chúa GS là người bạn chân tình và quyền năng, không bao giờ phản bội, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp gia đình Lazaro, Maria và Matta.

3. Giữ gìn tình bạn :
Tình bạn cũng giống như một cây sống, cây ấy cần chăm sóc vun tưới mới ra hoa kết quả. Thánh Kinh dạy chúng ta những bài học quý về cách xây dựng tình bạn :
        a. Hóa giải lời mách lẻo : Sách Châm ngôn viết : "Kẻ dối gian gây bất hòa tranh chấp / Tên mách lẻo chuyên chia rẻ bạn bè"( Cn 16,28 ). Kẻ mách lẻo là người xen vào chuyện người khác bằng cách rao những tin tức thất thiệt, truyền đi những lời đã bị bóp méo. Người không suy xét sẽ dễ tin những tin tức, những lời truyền ấy để rồi bắt đầu nghi ngờ, hay căm giận bạn mình. Tình bạn vì đó mà tan vỡ.
            "Thà một phút huy hoàng rồi sụp tối,
            Còn hơn buồn le lói suốt quanh năm." 
Để xây dựng tình bạn tốt đẹp, chúng ta phải có lập trường và tốt hơn hết là ta nên gặp trực tiếp bạn mình kiểm chứng xem tin tức ấy có chính xác không. Ta phải giải tỏa những lời mách lẻo để bảo vệ tình bạn mà mình đã bao năm xây đắp.
        b. Khỏa lấp lỗi lầm : Lấp dấu tội lỗi ở đây không có nghĩa là dung dưỡng tội lỗi. Lời Chúa trong sách Châm ngôn cũng như trong các sách khác dạy rằng chúng ta cần gầy dựng anh em mình ( x Cn 17,9 v Gal 6,1 ). Khi gầy dựng ta cần đưa ra những khuyết điểm, nhưng đưa ra trong tinh thần yêu thương để giúp anh em mình ăn năn, sửa đổi và tha thứ; chứ không phải nêu ra để lên án, bêu xấu, nhục mạ. Những lỗi lầm đã giải quyết xong, ta hãy chôn vào quên lãng, không nên nhắc đi nhắc lại khiến cho tình bạn quý giá tan vỡ.
        c. Tế nhị : Sách Châm ngôn dạy rằng : "Chớ năng bước đến nhà kẻ lân cận con, e họ chán con và trở lòng ghét con chăng"( Cn 25,17 ). "Kẻ nào chổi dậy sớm chúc phúc lớn tiếng cho bạn hữu mình, người ta sẽ kể điều đó là sự rủa sả"( Cn 27,14 ). Trong liên hệ bạn bè chúng ta cần thân thiện, cần nhiều thì giờ gần gũi nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tế nhị. Chúng ta cần tôn trọng sự riêng tư và giờ giấc của bạn mình. Đến nhà thường quá, không tôn trọng sự yên tĩnh buổi sớm mai, v.v...là những điều cần tránh để không gây cho bạn sự phiền toái và chán ghét.
Suy gẫm về tình bạn ở đời đến đây, chúng ta không khỏi nhớ đến tình bạn tuyệt vời Chúa dành cho chúng ta. Không ai có thể phân rẽ chúng ta với Ngài ( Rm 8,35 ). Ngài khỏa lấp tất cả tội lỗi chúng ta ( Tv 85,2 ), và khuyến khích chúng ta dạn dĩ đến với Ngài không kể ngày đêm, sớm tối ( Heb 4,16 ).

4. Chọn bạn :
Thánh Kinh dạy chúng ta về cách chọn bạn :
        a. Đừng nhiều bạn quá : "Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình, nhưng có một bạn thì gắn bó hơn anh em ruột"( Cn 18,24 ). Ở mức độ xã giao, quen biết chúng ta có thể có nhiều bạn vì càng giao thiệp rộng, quen biết nhiều ta càng dễ thành công hơn trên đường doanh nghiệp. Tuy nhiên ở mức độ thân tín, chúng ta không nên, và không thể có nhiều bạn, vì làm bạn thân đòi hỏi nhiều thì giờ và tâm lực. Hai tai hại có thể xảy ra là khi chúng ta có nhiều bạn thân quá : Một là chúng ta sẽ mất quá nhiều thời gian cho bạn và không còn thời gian cho riêng mình. Hai là chúng ta không đủ thì giờ nuôi dưỡng tình bạn, tình bạn sẽ nhạt nhẽo hay đổ vỡ. Có khi bạn sẽ trở nên thù.
        b. Chọn tính tình : "Chớ làm bạn với người hay giận, chớ giao tế cùng kẻ cường bạo"( Cn 22,24 ). Sách mới bây giờ dịch : "Đừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi xung". Hay giận và hung dữ là những tính nết tai hại cho tình bạn. Người hay giận, người cường bạo hung dữ là những người ta không nên làm bạn thân; vì khi làm bạn thân với họ, ta dễ gặp trắc trở trong tình bạn, hoặc có thể bị vạ lây vì họ, hay có thể ta sẽ bị nhiễm tính nết của họ.
Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta xa lánh tất cả những người tội lỗi, người có tánh nết xấu. Nếu xa lánh như vậy làm sao Giáo Hội có thể đem Phúc Âm đến cho tội nhân. Giáo Hội cần đến với mọi người, nhưng tùy theo ân tứ mà chúng ta đến với thân hữu, không phải ai cũng có thể đến với mọi thành phần trong xã hội được. Dầu ai có được kêu gọi đến với người hay giận, hay hung dữ đi nữa, tình bạn tốt đẹp sẽ khó thành hình cho đến khi những tính nết ấy được Chúa thay đổi.
Chúng ta hãy nhờ Chúa dẹp đi những tính nết hay giận, hung dữ để có thể làm một người bạn tốt.

5. Người bạn tốt, người bạn thật :
Tình bạn là một trong những điều cao quý nhất trên đời. Chúng ta có nhiều nhu cầu, nhưng tình bạn có lẽ là nhu cầu lớn hơn cả. Bạn là người biết tất cả về ta, xấu cũng như tốt, nhưng vẫn yêu ta. Bạn là người ta có thể giải bày tâm sự mà không phải ngại ngùng. Bạn là người có thể ngồi yên lặng với ta hàng giờ mà cả ta lẫn người đều không thấy chán. Theo những tố chất trên, bạn nghĩ mình có người bạn nào đúng với ý nghĩa của chữ "Bạn" chưa ?
Thật ra, có nhiều bạn không thích bằng có một người bạn thật thân. Chúa Giêsu nói với các Môn đệ của Chúa ngày xưa : "Anh em là bạn hữu của Thầy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,...Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu"( Jn 15,14-15a )- Và Chúa cũng nói với chúng ta hôm nay nữa, rằng Ngài là Người Bạn Thật của chúng ta. Ý nghĩa của tình bạn được ghi rõ trong câu nói của Chúa : ''Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết"( Jn 15,15b ). Tình bạn trong ý nghĩa thâm sâu là biết nhau, không che giấu nhau điều gì. Chúa biết ta và ta biết Chúa. Không có điều gì của chúng ta Chúa lại không biết, nhưng tình thân giữa chúng ta với Chúa thì sao ? Chúng ta có biết Chúa như đáng phải biết không ? Thật ra chúng ta sẽ không bao giờ biết Chúa hoàn toàn cho đến khi chúng ta gặp Ngài, nhưng mỗi ngày chúng ta phải biết Chúa rõ hơn. Biết Chúa không có nghĩa là biết đầy đủ về Ngài, nhưng là kinh nghiệm tình yêu và sức mạnh của Ngài, Thánh Phaolô nói : "Tôi được biết Ngài, nhất là quyền năng sự sống lại của Ngài và cùng được thông phần đau khổ của Ngài làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài"( Phip 3,10a ).

6. Tâm tình cầu nguyện :
Cám ơn Chúa là Người Bạn Thật của con. Xin giúp con biết Chúa rõ ràng hơn mỗi ngày để xứng đáng với tình bạn Chúa dành cho con.
Lạy Chúa GS, con cảm tạ Chúa vì tình bạn cao quý Chúa dành cho con. Xin Ngài cho con tình yêu không dời đổi để con làm người bạn thật với những người liên hệ trong cuộc đời con.
Cảm tạ Chúa cho con làm bạn của Ngài, và Ngài giúp đỡ con luôn. Xin Chúa giúp con cũng biết giúp đỡ những người bạn của con. Xin ban cho con khả năng giữ tình bạn lâu dài, xin giúp con có đủ những tính tốt để trở nên người bạn tốt.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Trong bận rộn, không quên gặp gỡ Chúa

 
Đọc Kinh Thánh: Mt 14,3-21 v Mc 6,17-43 v Lc 9,10-17 v Jn 6, 1-15.

I. Biểu hiện của Chúa Giêsu sau khi Gioan bị giết :
Sau khi nghe Gioan Tẩy Gỉa  bị chém đầu ( x Mt 14,3-12 v Mc 6,17-29 ),chắc chắn Chúa Giêsu ( GS ) rất đau buồn. Gioan Tẩy Gỉa liên hệ gần gũi với Chúa GS không những ông là người anh em họ với Chúa, nhưng ông chính là người tiền phương, dọn đường cho chức vụ Chúa Cứu Thế tại trần gian. Trước hung tin đầy đau đớn đó, Chúa GS xuống thuyền, tìm về nơi thanh vắng ( x Mt 14,13-21 ). Đây là điều hết sức đơn giản, nhưng cũng là bài học cao quý cho mỗi chúng ta.
        1.Chúa GS có nhân tính, Ngài là con người hoàn toàn nên Ngài cần nghỉ ngơi. Ngài làm việc liên tục nên Ngài cần thì giờ riêng để đối diện với nhu cầu tình cảm của mất mát to lớn đó. Là con dân Chúa, chúng ta cần tuân giữ nếp sống này để có đủ sức làm việc và phục vụ lâu dài.
        2.Chúa không liều lĩnh xông vào chỗ nguy hiểm trong thời gian chưa cần thiết, Ngài không muốn rơi vào số phận của Gioan Tiền Hô quá sớm.
        3.Cái chết của Gioan nhắc nhở Chúa biết Thập tự giá đang đến với Ngài mỗi lúc càng gần hơn, Ngài muốn có thì giờ dành riêng cho các Môn đệ. Ngài cần chuẩn bị họ sẵn sàng đối diện với những thách thức lớn của cuộc sống và giông tố của trường đời.
        4.Chúa GS muốn gặp Thiên Chúa ( TC ), tương giao với Chúa Cha trước khi gặp loài người. Ngài cần nghỉ ngơi để bồi bổ thân xác và tỉnh dưỡng linh hồn, chỉ có những nơi thanh tịnh mới cung cấp cho Ngài nhu cầu thiết yếu đó. Luca 9:10 cho biết Chúa đến vùng Bết-sai-đa, Macco 6:45-46 cho thêm nhiều chi tiết kỳ thú hơn.
Xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm của VN đã từng viết "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao" - Có lẽ đúng với Chúa GS trong thời điểm này của xã hội Do Thái trước sự hỗn độn phức tạp, Chúa phải đối mặt với nhiều thành phần chống báng.

II. Dân chúng, cách giải quyết của các Môn đệ và thái độ của Chúa GS :
Đoàn dân biết hướng Chúa đi, đã ùn ùn  kéo nhau chạy qua bờ hồ bên kia để chờ đợi Ngài. Matthêu 14:14 cho biết, khi Chúa GS bước ra khỏi thuyền, Ngài nhìn thấy đám đông thì động lòng thương xót. Phúc Âm Macco 6:34 nêu thêm chi tiết Chúa động lòng thương cảm vì họ như chiên không có người chăn. Chiên thiếu người chăn thì không ai bảo vệ trước thú dữ, không biết đường đến đồng cỏ xanh, hoặc suối nước trong lành. Theo các từ điển, thương xót hàm ý cảm thấy đau lòng trước hoàn cảnh đặc biệt của một người nào đó; buồn rầu vì sự đau khổ, khủng hoảng của người khác, với cảm thông sâu xa; đồng thời cố gắng bằng mọi cách qua hành động cụ thể để giúp người đó cảm thấy dễ chịu hơn. Như thế, động lòng thương xót nói lên tình cảm và hành động tích cực, ước muốn chia sẻ, ủi an, nâng đỡ người khác bằng những việc làm thực tế, chân thành, nhằm xoa dịu nỗi thương đau và giúp người kia vực lên, vượt ra khỏi  một hoàn cảnh đau thương nào đó. Thái độ và hành động này hoàn toàn khác với thương hại. Thương hại thường chỉ nhìn xuống người khác với thái độ của kẻ ở trên, lắm khi không giải quyết được gì mà làm cho người ta càng thêm đau đớn, mặc cảm. Khi động lòng thương xót đoàn dân như vậy, Chúa GS giảng dạy cho họ nhiều điều ( Mc 6,34 v Lc 9,11a ), chữa lành mọi bệnh tật ( Mt 14,14 v Lc 9,11b ) - cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại. Việc Chúa quan tâm và hành động cụ thể để giải quyết nhu cầu tự nhiên của họ vì họ đã bỏ ra nhiều thì giờ, chịu đói khát mệt mỏi để tìm gặp Chúa.
Cùng một sự kiện, hoàn cảnh của đám đông dân chúng này, ta thấy có các phản ứng khác nhau. Các Môn đệ giống Chúa GS trong việc họ quan tâm đến nhu cầu cơm áo của đoàn dân, họ lo dân chúng đói, phải đi đường xa, khó khăn trong việc kiếm thức ăn. Cách giải quyết của các Môn đệ rất đơn giản : giải tán cho họ về. Như thế các Môn đệ vừa giải quyết ngay được "sự vướng mắc", để các Môn đệ trở lại nếp sống riêng với Thầy GS, vừa cắt đứt mối liên hệ, trút gánh nặng, khỏi bận tâm phiền muộn hay mệt mỏi. Chúa GS thì quan niệm khác : "Chính các ngươi phải cho họ ăn"( Mc 6,36 v Mt 14,16b ). Một thách thức quá lớn, Môn đệ không dám nghĩ tới. Họ cũng quên rằng họ đang có Chúa Cứu Thế ở với họ. Phải chăng đó cũng là cách nhìn, lối suy nghĩ và cách giải quyết của chúng ta trước mọi áp lực, thách thức của đời sống cá nhân, gia đình, anh em trong cộng đoàn, Giáo xứ, hoặc bằng hữu chung quanh ? Nhận thức và phản ánh đúng "động lòng thương xót" của Chúa sẽ giúp chúng ta làm theo nếp sống suy nghĩ và hành động đầy thương cảm như chính Chúa vậy.

III. Mười bài học qua phép lạ hóa bánh :
( x Mt 14,13-21 v Mc 6, 30-44 v Lc 9,10-17 v Jn 6,1-14 )
Phép lạ Chúa hóa bánh nuôi đoàn dân đông đảo này để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, nhất là khi phục vụ người khác.
        1. Chúa GS đi tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng khi nhìn thấy nhu cầu của đoàn dân đông, Ngài động lòng thương xót, đáp ứng nhu cầu của họ. Chúa quan tâm đến mọi người, Ngài làm phép lạ hóa bánh, Ngài chụp lấy cơ hội để giúp loài người có cơ hội đối diện với tình thương, ân sủng và sự nhân hậu của Chúa. Chúa thấy được những gì sâu kín trong tâm hồn và đời sống họ. Họ cần đến Chúa nên Chúa phải đến với họ, không thể bỏ qua hay từ chối họ được.
        2. Không có thì giờ yên nghỉ trong cố gắng đâu vì đoàn dân đông đảo, Chúa GS đã dành ra thì giờ ngay sau đó. "Chúa lập tức bảo các Môn đệ xuống thuyền chèo trước qua bờ bên kia, còn Ngài ở lại cho dân chúng ra về. Sau khi giả từ dân chúng, Chúa lên núi cầu nguyện một mình. Tối đến Người vẫn ở đó một mình"( Mt 14,22-23 ). Dù bận rộn mấy, Chúa GS vẫn tìm một chốn cách biệt để gặp gỡ Chúa Cha. Ngài không muốn ai gây sự phiền toái hoặc quấy rầy cuộc sống riêng tư. Chúa biết sức của các Môn đệ, Ngài thúc hối họ đi để có thì giờ nghỉ dưỡng, rút lui, tĩnh tâm, phục hồi sức lực ( Mc 6,31 ). Chính Ngài dùng thì giờ đó để tương giao với Chúa Cha; chắc chắn chúng ta cần noi gương Chúa để sử dụng thì giờ đúng đắn và hữu ích hơn nữa, giữ vững đời sống nội tâm của mình. 
        3. Chúa GS dùng ngay tài nguyên vật lực đang có. Chúa không thích đi tắc. Chúa có thể hóa bánh từ chỗ không có gì hết. Tuy nhiên, Chúa muốn khích lệ các Môn đệ. Ngài dùng những gì họ đang có. Tin Mừng Gioan cho biết một bé trai đã dâng tặng Chúa năm cái bánh và hai con cá qua anh An-rê ( Jn 6,8-9 ). Những chiếc bánh đơn sơ, tầm thường, từ tấm lòng chân thành đó - nhưng trong tay Chúa Cứu Thế, khoảng mười ngàn người được bữa tiệc bất ngờ, ăn dư dật.  Mt 14:21 v Mc 6:44 kể "Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà, con nít", nên nếu kể hết số lượng lên hơn gấp đôi. Lắm lúc chúng ta mặc cảm vì tài hèn sức mọn, cất giấu hết mọi khả năng, ân tứ và sống trong nghẹt ngòi vô vọng. Nếu em bé kia giữ số bánh và cá đó cho riêng mình, thì em và người khác đâu có được kinh nghiệm lớn lao, đầy quyền năng từ Con Trời.
        4. Các Môn đệ tìm cách giải quyết xem dường như nhanh chóng và hợp lý nhất, nhưng Chúa bảo "Chính các ngươi phải cho họ ăn !". Các Môn đệ sợ vì họ thấy đoàn dân quá đông. Họ sợ đúng, họ biết giới hạn của mình. Tuy nhiên, họ quên rằng họ đang có Chúa Cứu Thế quyền năng bên cạnh. Thật ra, nhiều người trong họ còn nghi ngờ Chúa, còn cứng lòng ( Mc 6,51-52 ). Thuở đó, họ chưa có Kinh Thánh đầy đủ, Chúa Thánh Thần chưa được ban cho họ cách đặc biệt như chúng ta ngày nay. Chúa muốn chúng ta đối diện với trách nhiệm, thách thức, đòi hỏi của công tác, áp lực, vì đây là phương pháp huấn luyện tại chỗ một cách thực tế nhất. Chúa đặt câu hỏi, hướng dẫn họ từng bước, giúp họ dâng cho Chúa những gì họ đang có và Ngài dùng ngay những gì họ đem đến cho Ngài. Chúa GS không đòi hỏi những gì quá sức khiến họ không với tới.
        5. Cả bốn sách Phúc Âm đều ghi Chúa GS tạ ơn TC trước khi phân phát bánh và cá ( Mt 14,19 v Mc 6,41 v Lc 9,16 v Jn 6,11 ). Ngài luôn luôn dâng lên Chúa Cha lời cảm tạ, lòng biết ơn chân thành, sâu xa và xin Chúa Cha chúc phúc cho thức ăn, nuôi dưỡng đời sống. Ngày nay người Công giáo thường làm dấu và đọc kinh trước giờ ăn là vậy. Nhiều khi quá bận rộn, hoặc nghĩ việc quá nhỏ, quá đơn sơ, chúng ta quên dâng lên TC lời cầu nguyện, lòng biết ơn, và cầu xin sự chúc phúc theo ý Chúa được nên. Những cử chỉ đó có thể ảnh hưởng, trở thành thói quen, đưa ta đến chủ quan, đánh mất ơn lành và sự chúc phúc của Chúa. Hơn thế nữa, trong công tác chung Chúa giao, hoặc trong lĩnh vực chăm sóc phục vụ người khác, nếu Chúa không để đồng công, hướng dẫn; ma quỉ sẽ chụp giựt và đẩy chúng ta xa Chúa dần lúc nào không biết.
        6. Chúa Cứu Thế dùng các Môn đệ phân phát bánh và cá cho đoàn dân ( x Lc 9,14-16 v Jn 6,10-13 v Mc 6,39-43 v Mt 14,19-21 ). Đó là nguyên tắc làm việc của Chúa chúng ta. Ngày xưa, Chúa hành động qua các Môn đệ. Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục cách làm đó, Ngài hành động qua mỗi chúng ta. Chúa cần loài người để Ngài có thể hoạt động qua người đó, nói qua người đó. Chúa Cứu Thế cần những Môn đệ trung thành để qua họ tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng của Ngài có thể đến với người khác. Chúa cần những người Ngài ban phát cho, hầu có thể ban phát lại cho người khác.
        7. Không ai sung sướng cho bằng các Môn đệ và em bé sau buổi tiệc lớn đó. Họ hãnh diện vì đã được dự phần trong công tác trọng đại, và vì được làm Môn đệ của Chúa Hằng Hữu. Cháu bé trai và chú An-rê thật thỏa nguyện vì được tham gia trực tiếp vào bữa tiệc này. Chúa GS đặt trên mỗi con dân Chúa một hoặc nhiều công việc khác nhau, không có công việc gì ta được xem thường. Ngài không đòi hỏi gì vượt quá khả năng chúng ta. Nhưng Ngài nhận, ban phước và sử dụng nó cách hữu ích cho Ngài.
        8. Chúa làm phép cho cả đoàn dân lẫn các Môn đệ, Ngài cho từng người có cơ hội gặp và kinh nghiệm Chúa Cứu Thế cách khác nhau, rồi tùy mỗi người mà diễn đạt. Gặp gỡ riêng và chạm đến Chúa, ai cũng cảm thấy thú vị và hạnh phúc dâng đầy. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần đưa người ta đến với chính Chúa; gặp gỡ, kinh nghiệm và khám phá Chúa một cách cá nhân. Đối diện với Chúa, người ta mới có cơ hội được thăm viếng, đổi mới.
        9. Chúa cho người ta thu nhặt những miếng bánh vụn, được đến mười hai giỏ ( có sách dịch là mười hai thúng ). Trong phép lạ, Chúa cho đoàn dân ăn no nê, dư dật, nhưng không được phung phí. Ân sủng Chúa cho đủ, sự ban cho của Chúa dồi dào, nhưng Chúa muốn chúng ta sử dụng mọi nguồn tài nguyên cách khôn ngoan, không phí phạm. Tài nguyên đó có thể là tiền bạc, phương tiện, cơ sở, nhân lực, sức khỏe, tài năng, thì giờ, trí tuệ... Sự ban cho rộng rãi của TC và sự sử dụng khôn ngoan của chúng ta phải đi đôi với nhau.
        10. Đoàn dân đông đảo này chưa đến nỗi đói rách như những nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, hoặc tai họa ngày nay, nhưng Chúa đáp ứng nhu cầu của họ. Nhu cầu tinh thần có thể vượt lên trên miếng cơm, manh áo, hoặc đau yếu hằng ngày khi có Chúa hiện diện. Đời sống trở nên cấp thiết đối với một số người khi họ cảm thấy bị tràn ngập bởi nhiều công việc, lắm nhu cầu và áp lực mà họ không giải quyết nỗi. Xin Chúa cho chúng ta bén nhạy trước nhu cầu của anh chị em trong Chúa, trong cộng đồng, trong sở làm, Chúa không đòi hỏi chúng ta thỏa đáp mọi nhu cầu, nhưng mời gọi chúng ta ra đi, đến với người khác. Chúa muốn khích lệ chúng ta sử dụng tài năng, thì giờ, ân tứ Chúa cho cách mới mẻ hơn, đặc biệt trong lãnh vực phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, dù bận rộn mấy cũng không quên gặp gỡ Chúa, đừng đánh mất mình cũng như đừng đánh mất một cõi riêng tư dành cho Chúa hằng ngày. Đó là đời sống nội tâm của mỗi người.

IV. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết dấn thân phục vụ người khác mà không cảm thấy phiền hà, nhưng cũng không để con phải đánh mất chính mình, bận rộn đến nỗi không có thì giờ kết hợp tương giao mật thiết với Chúa, vì không có Ngài con sẽ cô đơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ đến Chúa, luôn tìm nơi thinh lặng, "hoang vắng" để gặp gỡ Chúa, như Chúa đã từng chọn những nơi ấy làm cõi tình tứ với Chúa Cha sau những ngày làm việc vất vả, tiếp cận với người đời.

P/s : Mời đọc thêm bài "Nơi chốn hẹn hò thơ mộng" trên nhãn "Bài suy niệm 2" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Cầu nguyện và tha thứ


1. Cầu nguyện - Ý nghĩa sâu nhiệm :
"Thầy bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời cũng sẽ ban cho"( Mt 18,19 ). Đây là câu nói của Chúa Giêsu ( GS ) được Matthêu ghi lại, nếu hiểu câu này theo nghĩa đen, không có điều kiện nào khác nữa thì không đúng. Biết bao lần có trên hai người đã cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện của họ không được đáp ứng. Biết bao lần con cái Chúa cầu nguyện cho quê hương xứ sở của mình hết dịch bệnh, nhưng lời cầu nguyện ấy vẫn chưa được Chúa chấp nhận. Chúng ta không thể không nhìn nhận thực trạng đó, và nếu dạy dỗ người ta trông đợi những điều không có thật thì rất có hại. Tuy nhiên, tìm hiểu câu nói này của Chúa GS, chúng ta thấy có ý nghĩa sâu nhiệm trong đó.
Trước nhất và trên hết, sự cầu nguyện không bao giờ có tính vị kỷ. Lời cầu nguyện vị tha luôn được Chúa chấp nhận. Ta phải nhớ luật căn bản của cầu nguyện là khi cầu nguyện xin được nhậm lời, không có nghĩa là ta sẽ được điều mình ước muốn hoàn toàn, nhưng Thiên Chúa ( TC ) sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất mà Ngài biết theo sự khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Với tấm lòng của con người, cùng nỗi sợ hãi, hy vọng và ước muốn của con người, nên hầu hết những lời cầu xin của chúng ta là những lời cầu nguyện có tính cách trốn tránh. Nếu ai cũng ước muốn nhậm lời thì sự cầu nguyện đó như một sự ra lệnh buộc TC phải làm - Điều này rất ngạo nghễ mà có người vẫn không biết. Chúng ta cầu nguyện để được cứu khỏi thử thách, thất vọng, đau đớn, hoàn cảnh khó khăn...Luôn luôn sự trả lời của TC không phải là giúp chúng ta trốn tránh, nhưng cho chúng ta thắng vượt được. TC không cho chúng ta trốn tránh khỏi một tình trạng con người, Ngài khiến chúng ta có thể chấp nhận những gì mà chúng ta không thể hiểu, Ngài khiến chúng ta chịu đựng những điều mà nếu không có Chúa chúng ta sẽ không chịu đựng được, Ngài khiến chúng ta có thể đương đầu với những điều mà nếu không có Chúa chúng ta không thể đương đầu được. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với những vấn đề mà nếu không có Ngài chúng ta không thể đối phó được. Có như thế ta mới thấy sức con người có giới hạn, không có Chúa ta chẳng làm gì được.
Matthêu còn ghi lại lời sau đây của Chúa GS : "Nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ"( Mt 18,20 ). Chúng ta có thể đặt lời hứa trọng đại này của Chúa GS vào trong hai lãnh vực :
        a.Trong lãnh vực Hội Thánh : Chúa GS hiện diện trong buổi cầu nguyện, buổi học Thánh Kinh vài ba người, Ngài cũng hiện diện trong giảng đường đông đúc, trong cộng đoàn đông đảo. Không phụ thuộc vào con số, Ngài có mặt bất cứ nơi nào có những con người, những tấm lòng trung tín họp lại, dù ít ỏi, Ngài cũng ban ơn cho họ.
        b.Trong lãnh vực cá nhân và gia đình : Một trong những cách giải thích quen thuộc nhất là hai hay ba người gồm có cha mẹ và con cái, Chúa GS là vị khách vô hình hiện diện trong mọi mái ấm gia đình, nhất là những giờ kinh gia đình, những giờ cùng nhau sinh hoạt và cầu nguyện.
Thông thường con người ta không bao giờ ban tặng những điều tốt nhất của mình, ngoại trừ vào những dịp trọng đại. Với Chúa GS, bất cứ nơi nào có hai hay ba người họp nhau trong Danh Ngài thì đó là dịp trọng đại. Ngài trao ban chính mình và Thần Khí cho mỗi cá nhân, mỗi tâm hồn đầy lòng yêu mến.

2. Tha thứ không có giới hạn :
Chúng ta được nhờ rất nhiều ở tính nhạy bén của Thánh Phero. Ông nhanh nhẩu phát biểu và mỗi lần ông nói, lại được Chúa dạy cho một bài giáo lý bất hủ. Lần này Phero cho rằng ông rất rộng lượng và xử rất đẹp. Ông hỏi Chúa ông phải tha thứ cho anh em mình như thế nào, và ông tự trả lời câu hỏi đó bằng lời đề nghị tha thứ cho họ bảy lần, cứ tưởng như vậy là nhiều ( Mt 18,21 v Lc 17,3b-4 ).Đề nghị của Phero không phải là không có căn cứ. Các Rap-bi Do Thái dạy phải tha thứ cho anh em mình ba lần. Phero nghĩ ông đã đi rất xa khi nhân đôi số lần tha thứ của các thầy giáo-luật và còn thêm một lần nữa. Phero chờ mong sự ngợi khen của Chúa, không ngờ Chúa lại trả lời : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"( Mt 18,22 ). Thành ngữ VN có câu : "Một sự nhịn chín sự lành". Trong tha thứ phải có sự nhường nhịn, có nhường nhịn thì con người ta mới tha thứ đượcNếu làm phép toán : 70.7.9 = 4410 sự lành - Người tín hữu Chúa phải tha thứ bảy mươi lần bảy, có nghĩa là không có giới hạn phân định cho sự tha thứ.
Sau đó, Chúa GS kể chuyện về một tôi tớ được vua tha một món nợ lớn. Nhưng khi về nhà, anh lại đối xử tàn nhẫn với một người mắc anh một món nợ nhỏ. Anh ta đã bị lên án vì không có lòng nhân từ ( x Mt 18,23-34 ). Ví dụ này đưa ra một số bài học mà Chúa GS đã dạy dỗ nhiều lần.
Một bài học xuyên suốt Tân Ứơc, là phải tha thứ để được thứ tha. Ai không tha thứ anh em mình thì không thể hy vọng được TC thứ tha, Chúa GS nói : "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được TC xót thương"( Mt 5,7 ), hoặc : "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em"( Mt 6,14-15 v Lc 6,38a ). Tại sao vậy ? Một trong những điểm chính của ví dụ này là sự khác xa giữa hai món nợ. Người tôi tớ thứ nhất nợ chủ mình mười ngàn ta-lâng, đó là một món nợ khổng lồ, không thể tưởng tượng được. Người thứ hai đồng bạn chỉ mắc nợ một trăm quan tiền, thế mà anh ta cứ đè đầu kẹp cổ đòi lấy cho được ( Mt 18,28-30 ). Sự tương phản giữa hai món nợ thật lớn lao. Điểm chính để chúng ta nhìn thấy là dù chúng ta có thể làm gì cho người khác cũng không có gì đáng kể so với những điều TC đã làm cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho người khác không thể so sánh với sự tha thứ bao dung rộng lượng của TC.
Chúng ta đã được tha một món nợ không thể trả được, vì tội lỗi con người : Con TC phải chịu đau khổ và chịu chết một cách nhục nhã. Do vậy, chúng ta phải tha thứ người khác như TC đã tha thứ cho chúng ta, bằng không, chúng ta sẽ không được thương xót. "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình"- Tha thứ gắn liền với cầu nguyện để ta dễ hòa nhập cùng TC là Đấng đã yêu thương và chết thay cho tội lỗi mình.
TC ngọt ngào chia sẻ với chúng ta khi cầu nguyện vì "khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ". Sự tha thứ đi đôi với cầu nguyện để chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa, từ đó mọi người trở nên gần gũi, gắn kết và quảng đại với nhau hơn. TC là Cha và mọi người là anh em với nhau.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cất khỏi con tính ích kỷ, ban cho con tấm lòng quảng đại vị tha và dạy con cầu nguyện theo ý Ngài, cho con có mối tương giao mật thiết với Chúa.
Lạy Chúa, bài học tha thứ là bài học khó nhất trong cuộc đời, xin giúp con luôn nhớ ơn tha thứ của Chúa dành cho con và giúp con biết tha thứ cho anh em, cho người khác.

P/s : Mời đọc thêm bài "Tư tưởng, định mệnh và cầu nguyện" trên nhãn "Bài suy niệm 5" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.