Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Hiếu kính với Cha Mẹ

 

                    "Con nay tóc bạc da mồi,
            Nhớ thương Cha Mẹ trọn đời không nguôi
                    Công Cha lớn lắm ai ơi,
            Nghĩa Mẹ  bằng trời  mang nặng  đẻ đau."                                                                                (Ca dao VN )        
Tại sao con cái phải hiếu kính Cha Mẹ ? Người làm con nên làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính Cha Mẹ của mình ?
I. Hình ảnh Cha Mẹ qua Kinh Thánh :
Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh minh họa tình thương của Thiên Chúa ( TC ) đối với loài người.         
        a. Hình ảnh người mẹ : Trong cuộc hành trình của dân Do Thái rời khỏi Ai Cập, TC được nhìn thấy như một bà mẹ bảo bọc con. Tiên tri Isai dùng hình ảnh người mẹ để bày tỏ tấm lòng của TC đối với dân Ngài : "Ta sẽ an ủi các ngươi như mẹ hiền an ủi con thơ "( Is 66:13 ), "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?"( Is 49,15 ). Sách Huấn ca cho ta lời dạy dỗ liên quan đến người mẹ : "Ai chọc giận Mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa"( Hc 3,16b ).
        b. Hình ảnh người cha : Trong Luca 15, Chúa Giêsu ( GS) dùng hình ảnh người Cha có hai người con để ví tình thương TC đối với loài người mà Ngài đã tạo dựng nên. TC là Cha, mọi người là anh em với nhau. Tình cảm Cha-Con thắm thiết mặn nồng, hòa quyện vào nhau : "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta. Ta với Cha là một. Ai thấy Ta tức đã thấy Cha. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy".( Đây là những câu Kinh Thánh quen thuộc, người Công Giáo hầu như ai cũng biết ). Hình ảnh người Cha trong sách Huấn ca nói rõ hơn : "Hãy thảo kính Cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ Người mà con được chúc phúc". Hoặc : "Chớ vênh vang khi Cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con"( Hc 3,8 v 10 ).

Vì công ơn Cha Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, yêu thương, hy sinh cho con, người làm con phải biết ơn Cha Mẹ bằng cách bày tỏ qua sự hiếu kính của mình. Hiếu kính Cha Mẹ là một điều răn trong 10 điều răn TC dạy con người phải tuân giữ. TC làm cho người Cha vẻ vang vì con cái, cho người Mẹ thêm uy quyền đối với các con, con cái phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân ( Hc 3,2 v 7 ).
Trên đời này không ai bằng Cha Mẹ. "Người ta chỉ được vẻ vang lúc Cha mình được tôn kính; và con cái bị ô nhục khi Mẹ mình bị khinh chê"( Hc 3,11 ). Không có Cha Mẹ thì chẳng có ta trên đời. Cha Mẹ không nuôi ta, không dạy dỗ ta, ta chẳng thể nào lớn lên được. Trong bổn phận con người đối với nhau, bổn phận con cái đối với cha mẹ quan trọng hơn cả. Kinh Thánh dạy chúng ta phải chu toàn bổn phận trước hết đối với TC là Đấng Tạo dựng, sau đó là bổn phận đối với Cha Mẹ, rồi mới đến những bổn phận khác. Nếu tin theo Chúa, làm theo Lời Chúa, chúng ta phải có lòng hiếu kính với Cha Mẹ.

II. Lòng hiếu kính Cha Mẹ :

        1. Hiếu thể hiện qua lòng yêu thương Cha Mẹ :
Tình yêu dành cho Cha Mẹ là dấu chỉ tình yêu dành cho Đấng Tối Cao. Ta có yêu Cha Mẹ khi đó nói ta yêu TC người khác mới tin được, vì Cha Mẹ gần gũi với ta nhất. Tình yêu thương đối với Cha Mẹ phản ánh tình yêu của con người với TC. Nếu ta không yêu Cha Mẹ mình bằng xương bằng thịt, làm sao ta nói ta yêu mến TC vô hình được. Bổn phận đầu tiên của người con là yêu thương Cha Mẹ. Như mọi liên hệ khác của con người với nhau, chúng ta chỉ làm tròn bổn phận khi có tình yêu thương. Chúng ta yêu Cha Mẹ vì ngoài Chúa ra không ai thương chúng ta bằng Cha Mẹ, người nào không yêu Cha Mẹ mình thì chả yêu ai được đâu. Ca dao VN có câu : "Công Cha như núi Thái Sơn / Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Dù Cha Mẹ không bày tỏ tình thương bằng lời nói và cử chỉ, nhưng lòng Cha Mẹ nào cũng yêu thương con. Người ta nói : "Nước mắt không bao giờ chảy ngược" nghĩa là con cái khó có thể hiểu hết được tình thương của Cha Mẹ, cho đến khi con cái trở thành Cha Mẹ :
                    "Nuôi con mới biết sự tình,
            Thầm thương Cha Mẹ nuôi mình khi xưa."
                    "Lên non mới biết non cao,
            Nuôi  con  mới  biết  công  lao  Mẹ  già".
                                                ( Ca dao VN )

        2. Hiếu thể hiện qua lòng biết ơn Cha Mẹ : 
Sách Huấn ca viết : "Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn Mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?"( Hc 7,27-28 ). VN có một câu ca dao nói lên lòng biết ơn Cha Mẹ, nhiều người thích và thường viết thư pháp treo ở nhà, tôi thì không thích mấy vì thấy lời phóng đại, quá ngôn, và có vẻ hơi "sáo ngữ" : "Biển cả mênh mông không đong đầy tình Mẹ / Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha". Có một cái gì đó nó phi thực tế quá. Thực tế con cái phải biết ơn Cha Mẹ vì Cha Mẹ sanh ra và nuôi dạy chúng ta nên người. TC ban cho chúng ta sự sống nhưng Cha Mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, Cha Mẹ phải chịu biết bao khó nhọc để nuôi dạy ta từ lúc chào đời cho đến lúc lớn khôn. Công ơn Cha Mẹ thật lớn lao nên con cái phải bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Mẹ không những bằng lời nói, mà cả thái độ, hành động và cách cư xử đối với Cha Mẹ mình. Nói hay mà đối xử tệ bạc với Cha Mẹ, thì người con đó chẳng hiếu nghĩa gì. Ở đời cũng có trường hợp "Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi", "dương gian chưa no đã lo âm phủ". Ở gần, mà Cha Mẹ ốm đau không hề viếng thăm. Khi còn sống con cái để Cha Mẹ trong tình trạng thiếu thốn, đói khổ; lúc Cha Mẹ qua đời lại tổ chức rềnh rang, to lớn để lấy tiếng với thiên hạ - Cách sống này không gọi là tỏ lòng biết ơn Cha Mẹ được.

        3. Hiếu thể hiện qua sự kính trọng Cha Mẹ :
Ngoài yêu thương, bày tỏ lòng biết ơn qua sự cư xử với Cha Mẹ. Kinh Thánh dạy người con phải tôn kính Cha Mẹ :"Ai nấy phải tôn kính Cha Mẹ mình"( Lê-vi 19:3 ). Cũng có sách dịch là : "Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ Cha Mẹ". Tôn kính là lễ phép trong lời ăn tiếng nói, bày tỏ sự tôn trọng Cha Mẹ trước mặt người khác, không được la mắng hay nói lớn tiếng khi Cha Mẹ làm điều gì đó trái ý mình. Ca dao VN cổ xưa có câu : "Bảo vâng, gọi dạ...con ơi  / Vâng lời sau trước con thời chớ quên".
 Có người không tôn kính Cha Mẹ lúc họ già yếu, hay khi Cha Mẹ ốm đau trở thành gánh nặng cho mình. Kinh Thánh dạy : "Hãy nghe lời Cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ Mẹ con khi người trở nên già yếu"( Châm ngôn 23:22 ). Người con phải biết rằng lúc Cha Mẹ già yếu là lúc Cha Mẹ cần mình hơn bao giờ hết. Người già dễ cảm thấy cô đơn buồn tủi, vì biết mình không còn làm gì ích lợi cho con cháu được nữa. Bổn phận làm con phải thông cảm với Cha Mẹ già và cố gắng làm thế nào để đem niềm vui cho Cha Mẹ trong tuổi già. Chúng ta cần đối xử tế nhị với lòng yêu thương và thông cảm. Đừng vì quá bận rộn cuộc sống mà bỏ bê Cha Mẹ, hay có những lời nói, hành động bất kính khiến Cha Mẹ buồn tủi. "Cha Mẹ có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể Cha Mẹ"( Hc 3,13 ).

        4. Hiếu thể hiện qua sự vâng phục Cha Mẹ :
Vâng phục trong tiếng Việt có nghĩa là vâng lời và thuận phục thẩm quyền. Lời TC cho người làm con rất đơn giản và thẳng thắng : Con cái, hãy vâng phục Cha Mẹ mình trong Chúa ( Êp 6,1 ). Sự thật đáng buồn, tôi thường hay chứng kiến con cái không thường vâng phục Cha Mẹ, hay cãi lại Cha Mẹ. Lời Kinh Thánh dạy người làm con rằng : "Hỡi con hãy nghe lời khuyên của Cha con, chớ bỏ phép tắc của Mẹ con"( Châm ngôn 1,8 v 6,20 ). Chữ "phép tắc" có nghĩa là lời chỉ bảo, sự dạy dỗ.
Vua Salomon nói sự dạy dỗ của Mẹ là sự khôn ngoan, và mô tả giá trị của lời mẹ dạy giống như đồ trang sức làm đẹp đời sống người con ( Châm ngôn 1:9 ). Thánh Phaolô trong thư Êphêsô viết : "Hỡi kẻ làm con hãy vâng phục Cha Mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo"( Êp 6,1 ). Trong thư Côlôsê Phaolô còn khuyên rằng : "Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục Cha Mẹ mình vì điều đó đẹp lòng Chúa"( Cl 3,20 ). Theo tiêu chuẩn của TC, không vâng lời Cha Mẹ hay quát mắng Cha Mẹ cũng là tội nặng như những tội khác ( x Rm 1,29-30 ). Con cái có thể hơn Cha Mẹ về học vấn, kiến thức, nhưng đừng quên Cha Mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn chúng ta. Con cái nên đón nhận ý kiến của Cha Mẹ để tránh những lỗi lầm do thiếu kinh nghiệm gây ra.

        5. Hiếu thể hiện qua sự phụng dưỡng Cha Mẹ :
Nuôi Cha Mẹ thì không nên kể công, nếu kể công thì xem như không nuôi Cha Mẹ, và trước mặt Chúa xem như không có ý nghĩa gì cả. Phụng dưỡng là phục vụ. Yêu thương đi kèm với phục vụ. Ngọt ngào với Cha Mẹ được xem như là một thái độ để phục vụ Cha Mẹ. Người tin Chúa yêu kính Chúa nên tự nguyện phục vụ Chúa, làm công việc của Chúa. Người làm con yêu thương Cha Mẹ phải có lòng phục vụ Cha Mẹ, nhất là lúc Cha Mẹ già yếu. Tục ngữ VN có câu : "Trẻ cậy Cha, già cậy con". Theo truyền thống văn hóa Việt, lúc nhỏ con cái nương tựa nơi Cha Mẹ thế nào thì về già Cha Mẹ cần nương tựa nơi con cái thế ấy; Cha Mẹ về già thường ở với con để được con chăm sóc, phụng dưỡng. Khi đã già, Cha Mẹ không thể làm việc để nuôi sống chính mình được nữa, con cái có trách nhiệm cung cấp cho Cha Mẹ những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Phục vụ Cha Mẹ khi họ về già phù hợp với lời dạy Kinh Thánh : "Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin"( Tm 5,8 ). Chúa GS đối với Cha Mẹ là gương cho ta noi theo.

III. Gương Chúa Cứu thế trong bổn phận làm con :
Chúa GS đã nêu gương một người con hiếu kính đối với Cha Mẹ mình là Thánh Giuse và Đức Maria. Chúa đã tuân giữ chữ hiếu suốt cả đời Ngài. Luca 2 ghi lại biến cố Chúa GS lên thành Jérusalem khi Ngài mười hai tuổi, sau biến cố này Kinh Thánh ghi : "Ngài theo họ về thành Nazaret và vâng phục Cha Mẹ Ngài"( Lc 2,51 ). Trong 33 năm ngắn ngủi trên trần gian, Chúa GS sống với gia đình đến năm 30 tuổi. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đồng ý có thể Giuse qua đời lúc Chúa GS ở tuổi thiếu niên. Vì ngoài những chi tiết ghi trong Phúc Âm Luca chương I và II, Kinh Thánh không còn nhắc đến Giuse nữa. Trong hoàn cảnh đó, chắc chắn Chúa GS phải ở gần Mẹ để săn sóc, an ủi Mẹ. Một bằng chứng khác về lòng hiếu thảo của Chúa GS là khi Ngài sắp trút hơi thở cuối cùng trên cây Thập giá, Chúa không quên người Mẹ yêu dấu của mình, Ngài đã gởi gắm Mẹ cho Gioan, một Môn đệ thân thiết của Chúa thay Ngài để chăm sóc Mẹ ( Jn 19,26-27 ). Đối với Đức Chúa Trời là Thiên phụ, Chúa GS cũng là một người con tròn bổn phận. Khi thi hành sứ vụ trên trần gian, Chúa đã làm trọn tất cả những điều khó làm hơn hết. Có lần Chúa phán với các Môn đệ của Ngài rằng : "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người"( Jn 4,34 ). Trước khi chịu đóng đinh trên cây Thập tự, Ngài đã cầu khẩn với Chúa Cha : "Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý Cha"( Mt 26,39 ). Tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng xác nhận rằng : "Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài"( Hr 5,5-9 ). Trong cương vị làm con, Chúa GS đã vâng lời Cha Mẹ mình trong mọi sự. Ngày nay chúng ta cũng phải noi gương Chúa vâng lời Cha Mẹ mình trong Chúa. Chúa đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối. Ngài vâng theo ý Chúa Cha sinh ra làm người để chịu chết cứu chuộc loài người. Phao lô nói về tâm tình của Chúa là tâm tình của một người con vâng lời Cha : "Đức GS Kitô vốn dĩ là TC mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với TC, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự"( Phip 2,6-8 ). Và ông kêu gọi con dân Chúa phải có một tâm tình vâng phục như Chúa vậy ( Phip 2,5 ).

IV. Tâm tình cầu nguyện :
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa về những điều Ngài ban qua Cha Mẹ con. Xin giúp con yêu thương, biết ơn và kính trọng người đã sinh thành, nuôi dạy con.
Xin Chúa giúp con biết vâng lời và phụng dưỡng Cha Mẹ như Lời Chúa dạy.
Cảm tạ Chúa đã vâng phục Chúa Cha trọn vẹn để con được cứu chuộc và trở nên con Ngài. Xin cho con học theo gương Chúa mà vâng phục Cha Mẹ mình.

JB.SĨ TRỌNG.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét