Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Trong bận rộn, không quên gặp gỡ Chúa

 
Đọc Kinh Thánh: Mt 14,3-21 v Mc 6,17-43 v Lc 9,10-17 v Jn 6, 1-15.

I. Biểu hiện của Chúa Giêsu sau khi Gioan bị giết :
Sau khi nghe Gioan Tẩy Gỉa  bị chém đầu ( x Mt 14,3-12 v Mc 6,17-29 ),chắc chắn Chúa Giêsu ( GS ) rất đau buồn. Gioan Tẩy Gỉa liên hệ gần gũi với Chúa GS không những ông là người anh em họ với Chúa, nhưng ông chính là người tiền phương, dọn đường cho chức vụ Chúa Cứu Thế tại trần gian. Trước hung tin đầy đau đớn đó, Chúa GS xuống thuyền, tìm về nơi thanh vắng ( x Mt 14,13-21 ). Đây là điều hết sức đơn giản, nhưng cũng là bài học cao quý cho mỗi chúng ta.
        1.Chúa GS có nhân tính, Ngài là con người hoàn toàn nên Ngài cần nghỉ ngơi. Ngài làm việc liên tục nên Ngài cần thì giờ riêng để đối diện với nhu cầu tình cảm của mất mát to lớn đó. Là con dân Chúa, chúng ta cần tuân giữ nếp sống này để có đủ sức làm việc và phục vụ lâu dài.
        2.Chúa không liều lĩnh xông vào chỗ nguy hiểm trong thời gian chưa cần thiết, Ngài không muốn rơi vào số phận của Gioan Tiền Hô quá sớm.
        3.Cái chết của Gioan nhắc nhở Chúa biết Thập tự giá đang đến với Ngài mỗi lúc càng gần hơn, Ngài muốn có thì giờ dành riêng cho các Môn đệ. Ngài cần chuẩn bị họ sẵn sàng đối diện với những thách thức lớn của cuộc sống và giông tố của trường đời.
        4.Chúa GS muốn gặp Thiên Chúa ( TC ), tương giao với Chúa Cha trước khi gặp loài người. Ngài cần nghỉ ngơi để bồi bổ thân xác và tỉnh dưỡng linh hồn, chỉ có những nơi thanh tịnh mới cung cấp cho Ngài nhu cầu thiết yếu đó. Luca 9:10 cho biết Chúa đến vùng Bết-sai-đa, Macco 6:45-46 cho thêm nhiều chi tiết kỳ thú hơn.
Xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm của VN đã từng viết "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao" - Có lẽ đúng với Chúa GS trong thời điểm này của xã hội Do Thái trước sự hỗn độn phức tạp, Chúa phải đối mặt với nhiều thành phần chống báng.

II. Dân chúng, cách giải quyết của các Môn đệ và thái độ của Chúa GS :
Đoàn dân biết hướng Chúa đi, đã ùn ùn  kéo nhau chạy qua bờ hồ bên kia để chờ đợi Ngài. Matthêu 14:14 cho biết, khi Chúa GS bước ra khỏi thuyền, Ngài nhìn thấy đám đông thì động lòng thương xót. Phúc Âm Macco 6:34 nêu thêm chi tiết Chúa động lòng thương cảm vì họ như chiên không có người chăn. Chiên thiếu người chăn thì không ai bảo vệ trước thú dữ, không biết đường đến đồng cỏ xanh, hoặc suối nước trong lành. Theo các từ điển, thương xót hàm ý cảm thấy đau lòng trước hoàn cảnh đặc biệt của một người nào đó; buồn rầu vì sự đau khổ, khủng hoảng của người khác, với cảm thông sâu xa; đồng thời cố gắng bằng mọi cách qua hành động cụ thể để giúp người đó cảm thấy dễ chịu hơn. Như thế, động lòng thương xót nói lên tình cảm và hành động tích cực, ước muốn chia sẻ, ủi an, nâng đỡ người khác bằng những việc làm thực tế, chân thành, nhằm xoa dịu nỗi thương đau và giúp người kia vực lên, vượt ra khỏi  một hoàn cảnh đau thương nào đó. Thái độ và hành động này hoàn toàn khác với thương hại. Thương hại thường chỉ nhìn xuống người khác với thái độ của kẻ ở trên, lắm khi không giải quyết được gì mà làm cho người ta càng thêm đau đớn, mặc cảm. Khi động lòng thương xót đoàn dân như vậy, Chúa GS giảng dạy cho họ nhiều điều ( Mc 6,34 v Lc 9,11a ), chữa lành mọi bệnh tật ( Mt 14,14 v Lc 9,11b ) - cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại. Việc Chúa quan tâm và hành động cụ thể để giải quyết nhu cầu tự nhiên của họ vì họ đã bỏ ra nhiều thì giờ, chịu đói khát mệt mỏi để tìm gặp Chúa.
Cùng một sự kiện, hoàn cảnh của đám đông dân chúng này, ta thấy có các phản ứng khác nhau. Các Môn đệ giống Chúa GS trong việc họ quan tâm đến nhu cầu cơm áo của đoàn dân, họ lo dân chúng đói, phải đi đường xa, khó khăn trong việc kiếm thức ăn. Cách giải quyết của các Môn đệ rất đơn giản : giải tán cho họ về. Như thế các Môn đệ vừa giải quyết ngay được "sự vướng mắc", để các Môn đệ trở lại nếp sống riêng với Thầy GS, vừa cắt đứt mối liên hệ, trút gánh nặng, khỏi bận tâm phiền muộn hay mệt mỏi. Chúa GS thì quan niệm khác : "Chính các ngươi phải cho họ ăn"( Mc 6,36 v Mt 14,16b ). Một thách thức quá lớn, Môn đệ không dám nghĩ tới. Họ cũng quên rằng họ đang có Chúa Cứu Thế ở với họ. Phải chăng đó cũng là cách nhìn, lối suy nghĩ và cách giải quyết của chúng ta trước mọi áp lực, thách thức của đời sống cá nhân, gia đình, anh em trong cộng đoàn, Giáo xứ, hoặc bằng hữu chung quanh ? Nhận thức và phản ánh đúng "động lòng thương xót" của Chúa sẽ giúp chúng ta làm theo nếp sống suy nghĩ và hành động đầy thương cảm như chính Chúa vậy.

III. Mười bài học qua phép lạ hóa bánh :
( x Mt 14,13-21 v Mc 6, 30-44 v Lc 9,10-17 v Jn 6,1-14 )
Phép lạ Chúa hóa bánh nuôi đoàn dân đông đảo này để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, nhất là khi phục vụ người khác.
        1. Chúa GS đi tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng khi nhìn thấy nhu cầu của đoàn dân đông, Ngài động lòng thương xót, đáp ứng nhu cầu của họ. Chúa quan tâm đến mọi người, Ngài làm phép lạ hóa bánh, Ngài chụp lấy cơ hội để giúp loài người có cơ hội đối diện với tình thương, ân sủng và sự nhân hậu của Chúa. Chúa thấy được những gì sâu kín trong tâm hồn và đời sống họ. Họ cần đến Chúa nên Chúa phải đến với họ, không thể bỏ qua hay từ chối họ được.
        2. Không có thì giờ yên nghỉ trong cố gắng đâu vì đoàn dân đông đảo, Chúa GS đã dành ra thì giờ ngay sau đó. "Chúa lập tức bảo các Môn đệ xuống thuyền chèo trước qua bờ bên kia, còn Ngài ở lại cho dân chúng ra về. Sau khi giả từ dân chúng, Chúa lên núi cầu nguyện một mình. Tối đến Người vẫn ở đó một mình"( Mt 14,22-23 ). Dù bận rộn mấy, Chúa GS vẫn tìm một chốn cách biệt để gặp gỡ Chúa Cha. Ngài không muốn ai gây sự phiền toái hoặc quấy rầy cuộc sống riêng tư. Chúa biết sức của các Môn đệ, Ngài thúc hối họ đi để có thì giờ nghỉ dưỡng, rút lui, tĩnh tâm, phục hồi sức lực ( Mc 6,31 ). Chính Ngài dùng thì giờ đó để tương giao với Chúa Cha; chắc chắn chúng ta cần noi gương Chúa để sử dụng thì giờ đúng đắn và hữu ích hơn nữa, giữ vững đời sống nội tâm của mình. 
        3. Chúa GS dùng ngay tài nguyên vật lực đang có. Chúa không thích đi tắc. Chúa có thể hóa bánh từ chỗ không có gì hết. Tuy nhiên, Chúa muốn khích lệ các Môn đệ. Ngài dùng những gì họ đang có. Tin Mừng Gioan cho biết một bé trai đã dâng tặng Chúa năm cái bánh và hai con cá qua anh An-rê ( Jn 6,8-9 ). Những chiếc bánh đơn sơ, tầm thường, từ tấm lòng chân thành đó - nhưng trong tay Chúa Cứu Thế, khoảng mười ngàn người được bữa tiệc bất ngờ, ăn dư dật.  Mt 14:21 v Mc 6:44 kể "Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà, con nít", nên nếu kể hết số lượng lên hơn gấp đôi. Lắm lúc chúng ta mặc cảm vì tài hèn sức mọn, cất giấu hết mọi khả năng, ân tứ và sống trong nghẹt ngòi vô vọng. Nếu em bé kia giữ số bánh và cá đó cho riêng mình, thì em và người khác đâu có được kinh nghiệm lớn lao, đầy quyền năng từ Con Trời.
        4. Các Môn đệ tìm cách giải quyết xem dường như nhanh chóng và hợp lý nhất, nhưng Chúa bảo "Chính các ngươi phải cho họ ăn !". Các Môn đệ sợ vì họ thấy đoàn dân quá đông. Họ sợ đúng, họ biết giới hạn của mình. Tuy nhiên, họ quên rằng họ đang có Chúa Cứu Thế quyền năng bên cạnh. Thật ra, nhiều người trong họ còn nghi ngờ Chúa, còn cứng lòng ( Mc 6,51-52 ). Thuở đó, họ chưa có Kinh Thánh đầy đủ, Chúa Thánh Thần chưa được ban cho họ cách đặc biệt như chúng ta ngày nay. Chúa muốn chúng ta đối diện với trách nhiệm, thách thức, đòi hỏi của công tác, áp lực, vì đây là phương pháp huấn luyện tại chỗ một cách thực tế nhất. Chúa đặt câu hỏi, hướng dẫn họ từng bước, giúp họ dâng cho Chúa những gì họ đang có và Ngài dùng ngay những gì họ đem đến cho Ngài. Chúa GS không đòi hỏi những gì quá sức khiến họ không với tới.
        5. Cả bốn sách Phúc Âm đều ghi Chúa GS tạ ơn TC trước khi phân phát bánh và cá ( Mt 14,19 v Mc 6,41 v Lc 9,16 v Jn 6,11 ). Ngài luôn luôn dâng lên Chúa Cha lời cảm tạ, lòng biết ơn chân thành, sâu xa và xin Chúa Cha chúc phúc cho thức ăn, nuôi dưỡng đời sống. Ngày nay người Công giáo thường làm dấu và đọc kinh trước giờ ăn là vậy. Nhiều khi quá bận rộn, hoặc nghĩ việc quá nhỏ, quá đơn sơ, chúng ta quên dâng lên TC lời cầu nguyện, lòng biết ơn, và cầu xin sự chúc phúc theo ý Chúa được nên. Những cử chỉ đó có thể ảnh hưởng, trở thành thói quen, đưa ta đến chủ quan, đánh mất ơn lành và sự chúc phúc của Chúa. Hơn thế nữa, trong công tác chung Chúa giao, hoặc trong lĩnh vực chăm sóc phục vụ người khác, nếu Chúa không để đồng công, hướng dẫn; ma quỉ sẽ chụp giựt và đẩy chúng ta xa Chúa dần lúc nào không biết.
        6. Chúa Cứu Thế dùng các Môn đệ phân phát bánh và cá cho đoàn dân ( x Lc 9,14-16 v Jn 6,10-13 v Mc 6,39-43 v Mt 14,19-21 ). Đó là nguyên tắc làm việc của Chúa chúng ta. Ngày xưa, Chúa hành động qua các Môn đệ. Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục cách làm đó, Ngài hành động qua mỗi chúng ta. Chúa cần loài người để Ngài có thể hoạt động qua người đó, nói qua người đó. Chúa Cứu Thế cần những Môn đệ trung thành để qua họ tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng của Ngài có thể đến với người khác. Chúa cần những người Ngài ban phát cho, hầu có thể ban phát lại cho người khác.
        7. Không ai sung sướng cho bằng các Môn đệ và em bé sau buổi tiệc lớn đó. Họ hãnh diện vì đã được dự phần trong công tác trọng đại, và vì được làm Môn đệ của Chúa Hằng Hữu. Cháu bé trai và chú An-rê thật thỏa nguyện vì được tham gia trực tiếp vào bữa tiệc này. Chúa GS đặt trên mỗi con dân Chúa một hoặc nhiều công việc khác nhau, không có công việc gì ta được xem thường. Ngài không đòi hỏi gì vượt quá khả năng chúng ta. Nhưng Ngài nhận, ban phước và sử dụng nó cách hữu ích cho Ngài.
        8. Chúa làm phép cho cả đoàn dân lẫn các Môn đệ, Ngài cho từng người có cơ hội gặp và kinh nghiệm Chúa Cứu Thế cách khác nhau, rồi tùy mỗi người mà diễn đạt. Gặp gỡ riêng và chạm đến Chúa, ai cũng cảm thấy thú vị và hạnh phúc dâng đầy. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần đưa người ta đến với chính Chúa; gặp gỡ, kinh nghiệm và khám phá Chúa một cách cá nhân. Đối diện với Chúa, người ta mới có cơ hội được thăm viếng, đổi mới.
        9. Chúa cho người ta thu nhặt những miếng bánh vụn, được đến mười hai giỏ ( có sách dịch là mười hai thúng ). Trong phép lạ, Chúa cho đoàn dân ăn no nê, dư dật, nhưng không được phung phí. Ân sủng Chúa cho đủ, sự ban cho của Chúa dồi dào, nhưng Chúa muốn chúng ta sử dụng mọi nguồn tài nguyên cách khôn ngoan, không phí phạm. Tài nguyên đó có thể là tiền bạc, phương tiện, cơ sở, nhân lực, sức khỏe, tài năng, thì giờ, trí tuệ... Sự ban cho rộng rãi của TC và sự sử dụng khôn ngoan của chúng ta phải đi đôi với nhau.
        10. Đoàn dân đông đảo này chưa đến nỗi đói rách như những nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, hoặc tai họa ngày nay, nhưng Chúa đáp ứng nhu cầu của họ. Nhu cầu tinh thần có thể vượt lên trên miếng cơm, manh áo, hoặc đau yếu hằng ngày khi có Chúa hiện diện. Đời sống trở nên cấp thiết đối với một số người khi họ cảm thấy bị tràn ngập bởi nhiều công việc, lắm nhu cầu và áp lực mà họ không giải quyết nỗi. Xin Chúa cho chúng ta bén nhạy trước nhu cầu của anh chị em trong Chúa, trong cộng đồng, trong sở làm, Chúa không đòi hỏi chúng ta thỏa đáp mọi nhu cầu, nhưng mời gọi chúng ta ra đi, đến với người khác. Chúa muốn khích lệ chúng ta sử dụng tài năng, thì giờ, ân tứ Chúa cho cách mới mẻ hơn, đặc biệt trong lãnh vực phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, dù bận rộn mấy cũng không quên gặp gỡ Chúa, đừng đánh mất mình cũng như đừng đánh mất một cõi riêng tư dành cho Chúa hằng ngày. Đó là đời sống nội tâm của mỗi người.

IV. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết dấn thân phục vụ người khác mà không cảm thấy phiền hà, nhưng cũng không để con phải đánh mất chính mình, bận rộn đến nỗi không có thì giờ kết hợp tương giao mật thiết với Chúa, vì không có Ngài con sẽ cô đơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ đến Chúa, luôn tìm nơi thinh lặng, "hoang vắng" để gặp gỡ Chúa, như Chúa đã từng chọn những nơi ấy làm cõi tình tứ với Chúa Cha sau những ngày làm việc vất vả, tiếp cận với người đời.

P/s : Mời đọc thêm bài "Nơi chốn hẹn hò thơ mộng" trên nhãn "Bài suy niệm 2" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét