Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Ăn

    

    Ông anh tôi thường hay mời tôi ở lại ăn cơm mỗi lần tôi ghé nhà chơi, đó là bữa ăn gia đình. Ngồi bên nhau, nhiều khi ăn còn uống thêm chén rượu, chuyện trò thân mật, làm cho bữa ăn thêm vui và thêm ngon miệng. Không ai uống rượu mà uống một mình, người nào uống rượu một mình chắc có lẽ người đó quá phiền lụy hoặc chán đời.
    Người VN chúng ta rất coi trọng cái ăn. Chính vì vậy trong cách nói thông thường, chữ "ăn" có thể ghép được với một chữ khác tạo ra một nghĩa tương ứng : từ ăn chơi, ăn tiệc, ăn cưới, ăn mừng đến ăn đòn, ăn gian, ăn bám, ăn bẩn, ăn năn.v.v...Rất nhiều từ, chữ "ăn" dường như bao trùm trong suốt cuộc sống với bao chủ đề ẩm thực và lối sống con người.
    Ăn không phải chỉ là nhu cầu của thân xác, mà còn là một sinh hoạt biểu lộ nhân cách, biểu lộ tính người. Vì thế, chúng ta phải biết giữ phép lịch sự trong khi ăn như tục ngữ đã nói : "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng", "Lời chào cao hơn mâm cổ". Cũng như tránh những căng thẳng làm mất đi bầu khí thân mật vui tươi của bữa ăn : "Trời đánh tránh bữa ăn". Đây là những câu tục ngữ mà hình như chỉ người VN mới có, tôi không biết trên thế giới có nước nào có những câu tục ngữ hay như thế nữa không.
    Người VN ăn cơm là chủ yếu. Khát vọng vốn có từ ngàn xưa vẫn là no cơm ấm áo. Bởi giá trị đặc biệt của nó nên hạt gạo được ví là hạt ngọc Trời ban : "Nhờ Trời mới có cơm ăn áo mặc" - câu nói này của người VN thật dễ thương. Cơm là phúc lộc trời ban. Vì thế trong bữa ăn, dù có bực mình, cha mẹ vẫn nhịn nhục không đánh mắng con cái. Cả nhà ăn uống vui vẻ xong đã, sau đó muốn mắng thế nào thì mắng.
    Và nhất là đừng để cho miếng ăn trở thành miếng nhục khi con người không còn thể hiện được nhân cách, không còn thể hiện được tính người của mình trong cái ăn. Đó là trường hợp của những bon chen và giành giật, tham lam và hối lộ ( ăn tham và ăn hối lộ ).
    Khi dọn đãi ai đó ăn một món gì thì người đãi tiệc mong họ ăn ngon, ăn hết món ăn đã đem ra. Chỉ biết thế là đủ, không cần phải nhìn vào miệng người ăn, hay cách họ ăn thế nào. Ăn đối với con người thiết yếu là ăn cùng, ăn với, nghĩa là phải thể hiện được đòi hỏi cao quý nhất trong tình người, đó là sự chia sẻ và tình liên đới với người khác.
    Hiểu như thế chúng ta mới thấy được tại sao Chúa Giêsu ( GS ) đã dành một chỗ đứng quan trọng cho cái ăn trong cuộc sống công khai của Ngài.
    Thực vậy, Tin Mừng đã ghi lại rất nhiều sinh hoạt của Chúa GS về cái ăn. Đa số những bữa tiệc Chúa GS tham dự đều là tiệc mặn, tiệc rượu. Ai mời thì Ngài nhận lời ngay, chưa thấy Chúa GS từ chối ai bao giờ. Do đó ai cũng mời thật, không có ai mời đưa như kiểu của người VN mình.
    Chúa GS đã đi ăn cưới tại Cana. Chúa đã tới ăn tiệc do người Biệt phái khoản đãi. Chúa đã ăn những bữa cơm thân mật ở Béthania với ba chị em Maria, Matta và Lazarô. Ngài đã cùng ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi, chẳng hạn tại nhà ông Matthêu và tại nhà ông Gia-kêu.
    Chúa GS dự tiệc rượu nhưng không ai nói Chúa say xỉn bao giờ, chuyện này Phúc Âm hoàn toàn không ghi lại. Sau này các Thánh Tông đồ đi rao giảng về Chúa thì dân chúng lại cho rằng "họ đầy rượu rồi"( cũng có sách dịch là "họ say bứ cả rồi")( Cv 2,13 ). Lòng yêu mến Chúa của các Tông đồ thuở ấy, khác với chúng ta ngày nay : Dân chúng khắp nơi ùn ùn kéo tới để nghe giảng về Chúa, Thánh Phêrô giảng, miệng cứ thao thao bất tuyệt, bụng thì đói, không ăn tiệc không uống rượu mà người ta cứ tưởng là say ! ( xem thêm Cv 2,14-36 v 3,11-26 ).
    Quan trọng hơn cả, Ngài đã thiết lập giao ước mới trong bữa ăn cuối cùng với các Môn đệ : "Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là Máu Thầy, máu giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy"( Mt 26,26-28 v Mc 14,22-24 v Lc 22,19-20 v I Cr 11,23-25 ). Từ đó bánh và rượu trở nên Mình-Máu Ngài. Thánh Thể được cử hành dưới hình thức một bữa ăn. Khi dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa ( TC ), có thể nói con người ngồi vào bàn tiệc khi họ hiệp thông với lễ Vượt Qua của Chúa GS. Sự hiện diện của Đức GS tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức GS vừa là phòng tiệc vừa là lương thực. Nơi Đức Kitô, sự hiệp thông giữa TC và thế giới trở thành hiện thực. Người là Chiên TC, được thánh hiến từ đời đời ( Jn 10,36 ) và thánh hiến cách viên mãn trong cái chết và vinh quang ( Jn 17,19 ).
    Sau khi sống lại, Chúa GS đã hiện ra với các Môn đệ trong lúc ăn uống ( x Jn 21,12-13 v Lc 24, 41-43 ).
    Chúa GS lại còn thường dùng hình ảnh bữa ăn trong những lời rao giảng của mình. Biết bao nhiêu lần Ngài đã sánh ví Nước Trời như một tiệc cưới, trong đó Thiên Chúa mời gọi tất cả, không trừ một ai ( x Mt 22,1-14 v Lc 14,15-24 ).
    Dưới mắt TC, điều làm nên giá trị con người không phải là tài năng hay sự thành đạt trong xã hội, mà chính là tình yêu phục vụ.
    Thánh Phêrô đi rao giảng và thị kiến của Ngài đem lại một sự thay đổi lớn. Khi Thánh nhân lên Jérusalem, các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, họ nói : "Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ !" Lúc thị kiến ông "giương mắt nhìn kỹ" ông thấy trong chiếc đạy gồm các loài vật trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. TC phán bảo ông : "Giết nó mà ăn !"( Khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Nguyễn văn Ấn ). Ban đầu Phêrô cũng thấy ngại vì cho rằng đó là những thứ ô uế, không thanh sạch. Nhưng TC nói với ông : "Những gì TC đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế !". Từ đó Phêrô mạnh dạn hơn trong việc truyền giáo và đón nhận dân ngoại, ngay cả việc ăn uống cũng vậy, ông không còn kiêng cử nữa ( x Cv 10,9-16 ). Phêrô luôn hòa đồng, làm bàn đạp cho việc loan báo Tin Mừng về Đức Kitô. Hòn Đá này lăn đi nhiều nơi và làm thay đổi thế giới.
    Chúa GS không kết án những người chiếm địa vị cao. Theo quan điểm của Ngài, càng có quyền thế thì lại càng có hy sinh và phục vụ nhiều hơn. Gía trị đích thực của con người chính là phục vụ và phục vụ một cách vô vị lợi. "Phục vụ Chúa trong hân hoan"- Khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Phục vụ Chúa cũng chính là phục vụ anh em mình đấy chứ !
    Người bình dị trong xã hội sẽ được coi là người cao trọng nhất trong Nước Trời, nếu người đó biết thực sự sống yêu thương và phục vụ.
    Chính Chúa GS cũng đã sống trọn vẹn cho yêu thương và phục vụ trong suốt cuộc đời trần thế. Thực vậy, là TC, Ngài đã tự hạ đến chỗ cuối cùng, để có thể yêu thương và phục vụ những người kém may mắn nhất. Tình yêu thương và tinh thần phục vụ đã đưa Chúa GS đến cái kết : Ngài phải chịu chết trên thập giá như một tội nhân.
    Ngoài ra, Chúa GS còn mời gọi chúng ta biết noi gương Ngài để yêu thương và phục vụ lẫn nhau, nhờ đó nối dài tình thương của TC cũng như tung vãi Hồng ân của Ngài cho anh em đồng loại.
    Ngài nói với chúng ta : "Khi dọn bửa trưa hay bửa tối, các ngươi đừng mời bạn bè, anh em bà con láng giềng giàu có, mà hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù...vì họ không có gì để mời lại các ngươi"( Lc 14,12-14 ).
    Trong bữa Tiệc ly, Ngài cũng nói với các Môn đệ : "Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau"( Jn 13,14 ).
    Thể hiện tình yêu thương của TC là thương yêu không biên giới, là thương yêu không so đo, không tính toán.
    Đức Kitô đã không giam mình trong một giai cấp nào cả, tình yêu thương của Ngài trải rộng trên mọi người, trên mọi tầng lớp người trong xã hội, trong cuộc đời. Mặc dù Ngài đã dành ưu tiên cho những người nghèo, nhưng đồng thời cũng không bỏ rơi những kẻ giàu có. Như tôi đã chia sẻ trong bài viết "Người giàu gặp gai góc" : Trước mắt loài người cứ cho rằng người giàu khó tin Chúa, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ, nhiều người giàu có trên đời đã được Chúa thăm viếng và ban cho lòng tin, họ góp phần rất lớn để xây dựng Giáo Hội. Chúa bênh vực người nghèo, công kích người giàu mà người giàu vẫn khoái, vẫn thích. Ngài đã ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi, nhưng vẫn nhận lời mời đến dự tiệc do một người Biệt phái khoản đãi. Tin Mừng ghi rõ : "Có người thuộc nhóm Pharisiêu mời Đức GS dùng bữa với mình. Đức GS đến nhà người Pharisiêu ấy và vào bàn ăn"( Lc 7,36 ). Ngài không phân biệt đối xử và không loại trừ một ai.
    Hãy yêu thương và biểu lộ tình yêu thương bằng những công việc phục vụ cụ thể, bởi vì yêu thương chính là cho đi.
    Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin Chúa cho con nhận biết sự hiện diện của Chúa trong yêu thương, vì ở đâu có tình yêu thương ở đó có Chúa.
    Xin Chúa cho con biết cảm tạ Chúa liên lỉ nhờ cái ăn, cái mặc để nuôi sống thể chất; ngoài ra chúng con cũng biết cảm tạ Chúa luôn mãi nhờ của ăn thiêng liêng nuôi sống tinh thần mà Chúa đã đổ máu ra cho chúng con có được Bàn tiệc Thánh Thể để hằng ngày được ăn và được rước Chúa vào lòng. Chúa đã dùng phương tiện tối ưu để đạt tới cứu cánh cho chúng con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét