Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Chùm thơ 16

TÓC NHUỘM

Tóc đen, râu bạc thấy mới kỳ
Sự  thật  là  ta  chẳng  lạ  chi
Vợ nói tóc anh cần phải nhuộm
Nên nàng đổ thuốc trộn đen sì.



BẤT NGỜ

Mừng lễ Giáng Sinh ở Sài gòn,
Bệnh tình tái khám thấy ổn hơn
Đi xe dịch vụ về thành phố,
Mất hết thời gian gặp gỡ con .(*)

(*) Con du học ở Phần Lan, hẹn giờ online nhưng không thực hiện được .


Gởi Anh BA SÀM

Ba Sàm nhưng chẳng phải ba xàm,
Anh mới thật là người Việt Nam
Đấu tranh vì lợi quyền dân tộc,
Mong  sao  Công lý  thắng  bạo tàn.

JB.Sĩ Trọng.

Ý NGHĨA ĐỂ SỐNG

Điều Gì Có Ý Nghĩa Để Sống Cuộc Đời Đáng Sống?
Làm thế nào để đo lường giá trị những ngày sống của bạn?

1. Ý nghĩa không nằm trong cái bạn mua, nhưng trong cái bạn xây; không nằm trong cái bạn lấy, nhưng trong cái bạn cho.

2. Ý nghĩa không nằm trong thành công, nhưng trong tầm quan trọng. Ý nghĩa không nằm trong điều bạn học, nhưng trong điều bạn dạy.

3. Ý nghĩa nằm trong từng hành động chân thật, nhân ái, hay hy sinh, làm cho người khác được phong phú, mạnh mẽ, và muốn theo gương của bạn.

4. Ý nghĩa không nằm trong khả năng, nhưng trong nhân cách của bạn.


5. Ý nghĩa không nằm trong bao nhiêu người bạn biết, nhưng trong bao nhiêu người sẽ thấy mất mát khi bạn ra đi.


6. Ý nghĩa không nằm trong ký ức của bạn, nhưng trong ký ức của những người yêu thương bạn.


7. Ý nghĩa nằm trong “Ai nhớ bạn, về việc gì, trong bao lâu”.


Sống một cuộc đời có Ý Nghĩa, đó không phải là Sự Tình Cờ.
Đó không phải là Hoàn Cảnh, mà là Sự Lựa Chọn.
Khi thấy điều gì đẹp, hãy chia sẻ với bạn bè khắp nơi, để những điều đẹp đẽ này có thể đến mọi nơi trên thế giới.


----------------------------------------------------------------
Việt dịch: Trần Lê Túy Phượng & Trần Đình Hoành

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Yêu em, Thành phố ngàn hoa












Cơn mưa phùn se lạnh,
Đà Lạt chào đón ai ?
Đủ để làm mưa tạnh,
Yêu trong ý tuyệt vời.

Em dễ mến lạ lùng,

Khi mùa Đông đang đến
Anh đào nhẹ cánh rung,
Ban mai hòa gió quyện.

Hoa dã quỳ bừng nở,

Không phân biệt tiết mùa
Không gian tràn hơi thở,
Những đóa hồng nhẹ đưa.

Em lãng tử vào thơ,

Ru giấc chiều hồn hậu
Đi qua đỉnh sương mờ,
Đồi Mộng Mơ dệt mẫu.

Em quyến rũ lạ thường,

Mặc dù ta quen lắm
Môi em hồng, yêu đương.
Ẩn màu hoa đỏ thắm .

Thành phố đẹp ngàn hoa,

Ta yêu em say đắm
Vào tuổi độ Xuân về,
Cõi lòng ta lay động .

Nay đang bước vào Đông

Em với ta còn hẹn
Yêu nhau sưởi ấm lòng,
Giữa trăng ngàn bẻn lẻn.

Ta ngắm thèm hoa cúc,

Hoa ban nở vội vàng
Phượng tím buồn lãng mạn
Trong gió chiều mênh mang.

Em cho ta thú vị,

Vì yêu em nồng nàn
Ta làm người tri kỷ,
Bên em hoài cưu mang...

JB.Sĩ Trọng.

Comment của Annhien gioitrecong.org

Đà Lạt thành phố ngàn hoa
Làm ai say đắm đến quên đường về
Bồi hồi một thuở đê mê
Chào em một sớm ta về chơi vơi...


Comment của Honesty gioitreconggiao.org

Đà Lạt- Đồi Cù, anh có nhớ ?
Hai bảy năm rồi, một giấc mơ.
Áo em trắng lóa trong sương lạnh
Tinh khôi hơi ấm buổi ban đầu...

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Ký ức mưa Sài gòn

Sài gòn thong thả một chiều mưa,
Lê bước lang thang khắp vỉa hè
Gặp lại người xưa nơi quán nhỏ,
Mỉm cười như muốn có ai đưa.

Cơn mưa chưa tạnh chạnh lòng anh,
Đẫm ướt bờ vai, mái tóc xanh
Em vít hồn anh chao trước gió,
Mà sao mắt cứ mãi long lanh .

Cho anh một thoáng để tìm quen,
Níu kéo thời gian thuở mới nhìn
Một cái liếc hờ hờn dỗi cũ,
Bây giờ sao ngại đối với em ?

Anh muốn đi về nơi phố xa,
Thủ Thiêm ngày ấy chuyến phà qua
Du khách chờ đợi đang tấp nập,
Em đứng thu mình ngắm mưa sa .

Bến Thành khi chợ vẫn còn đông,
Anh đã theo em đến thật gần
Ăn chén xôi vò cùng cơm rượu,
Bên gánh hàng rong sát cửa hông.

Thế mà cũng đã mấy mươi năm,
Gặp được người em giữa phố thành
Ôn chút ân tình xưa kỉ niệm,
Ai  ngờ,  ngày  ấy  lại  trôi  nhanh !...

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Có hai Hài Nhi trong máng cỏ (!)

Có hai người Mỹ đến thăm một cô nhi viện ở Nga, là nơi nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, bị ngược đãi. Họ kể lại câu chuyện dưới đây:
Gần Giáng sinh năm 1994, họ kể cho các trẻ mồ côi nghe câu chuyện giáng sinh. Chuyện về việc Mẹ Maria và Thánh Giuse đi đến Bêlem, tìm một phòng trọ nhưng không có, đành phải sinh Chúa Hài Nhi trong một hang đá bò lừa, đặt trong một máng cỏ, giữa đêm đông lạnh lẽo.
Sau khi kể xong câu chuyện, họ đưa cho các trẻ ba mẩu giấy để chúng làm cái máng cỏ. Một bìa cứng làm máng, phần giấy mềm được xé nhỏ ra để làm rơm, rồi xé giấy hình một em bé tượng trưng cho Hài Nhi Giêsu.
Tất cả mọi đứa trẻ đều làm đúng như những gì chúng nghe kể trong câu chuyện: một hài nhi nằm trong máng cỏ.
Nhưng họ vô cùng ngạc nhiên và thắc mắc, có một trẻ làm khác đi: có tới hai hài nhi nằm trong máng cỏ. Họ nghĩ rằng cậu bé đã không hiểu đúng câu chuyện vừa kể. Đó là cậu Misha.
Họ ngồi xuống, hỏi cậu bé xem lý do tại sao. Cậu bé bắt đầu kể lại câu chuyện, rất chậm rãi, kính cẩn, không thiếu một chi tiết nào, dù cậu còn nhỏ, và chỉ mới nghe kể một lần.
Vậy tại sao lại có tới hai hài nhi hả cháu? Họ hỏi cậu bé
Cậu từ từ kể tiếp, đây là phần sáng tạo của cậu bé.
Khi Mẹ Maria đặt Hài Nhi Giêsu vào máng cỏ, Chúa Giêsu nhìn thấy cháu đứng ngoài cửa và Ngài hỏi cháu có chỗ nào ở chưa?
Cháu thưa rằng cháu không có mẹ, cũng chẳng có cha, nên cháu chẳng có nơi nào để ở cả. Rồi Hài Nhi Giêsu bảo cháu rằng cháu có thể đến ở với Ngài.
Nhưng cháu nói với Ngài không thể được đâu, bởi vì cháu chẳng có món quà nào tặng Ngài giống như những người khác có cả, ba Vua thì có đủ thứ quý giá, cả cậu bé đánh trống cũng có chiếc trống để tặng Ngài…
Nhưng cháu vẫn rất muốn ở với Chúa Giêsu. Vì thế, cháu hỏi Chúa rằng: “Nếu con giữ ấm cho Ngài, điều đó có đủ để trở thành một món quà dâng cho Ngài không?”
Và Chúa Giêsu đã trả lời cháu: “Nếu con giữ ấm cho Ta, đó sẽ là món quà tốt nhất trong những món quà mọi người có thể tặng Ta.”
“Và thế là cháu vào trong máng cỏ nằm với Chúa. cháu dùng hơi thở của mình để sưởi ấm Chúa, và dùng áo choàng của cháu để che cho Chúa. và Chúa Giêsus bảo rằng, cháu có thể ở chung với Ngài mãi mãi.”
Khi cậu bé nhỏ Misha kể xong câu chuyện, mắt cậu đã rướm lệ và chảy tràn ra má. Cậu lấy hai tay che mặt, rồi gục đầu xuống bàn và khóc nức nở, đôi vai nhỏ run rẩy.
Một cậu bé mồ côi đã tìm thấy Đấng không bao giờ bỏ rơi hay ngược đãi cậu, Đấng sẽ ở với cậu luôn luôn!
Tôi học được rằng không phải cái gì bạn có trong cuộc đời cũng là đáng giá, mà là bạn có ai trong cuộc đời này mới là quan trọng!”
Mùa Giáng Sinh lại đến, nhắc chúng ta nhớ về một tình yêu vô giá mà Ðức Chúa Trời dành cho con người: Ngài đã ban Con một của Ngài xuống trần gian chịu chết để chuộc tội lỗi cho chúng ta. Tình yêu ấy dành cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, địa vị…
Nếu bạn đã tiếp nhận tình yêu kì diệu ấy, bạn hãy mạnh dạn chia sẻ với người khác!
Nếu bạn chưa tiếp nhận tình yêu ấy, tình yêu ấy đang chờ đợi để được bạn đón nhận! Bạn có bằng lòng mở lòng mình ra và tiếp nhận tình yêu ấy không ?

 

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Mai nở trái mùa

BÀI 1

Tội nghiệp thân hoa mai
Trổ  hoa  bị  trái  mùa
Nhiều người không thích nó
Đã   nặng   lời   chê   bai !


BÀI 2

Mai nở trái mùa, không đúng Tết
Cây cành lá vẫn giữ y nguyên
Người chê đa số, người khen ít
Tội nghiệp thân mai, dáng dịu hiền.


JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Trăng Giáng Sinh

Tròn trịa trăng treo
Long lanh lửa lệ
Heo hút lưng đèo
Đẹp như Thánh Thể.

Giáng sinh lại về
Trời trăng trong trẻo
Hài đồng Giê su
Đi khắp vạn nẻo .

Hang đá vòm mi
Mái tranh che khuất
Chuyện tình sử thi
Ngàn năm không mất.

Cho con đón Ngài
Vào lòng chờ đợi
Tình Ngài trong con
Ánh trăng mềm mại.

Cho con đón Ngài
Cùng mùi rơm rạ
Hang đá lòng con
Trăng Ngài chiếu tỏa .


JB.Sĩ Trọng.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Sức mạnh lòng tin

Chỉ trong niềm tin vào Chúa, người ta mới tìm được niềm vui và ơn giải thoát thực sự…
Bà Jo Scaggs, giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành, được mời đến dự lễ Giáng sinh được tổ chức ngoài trời tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi ở Nigeria. Đó là lần đầu tiên bà thấy được một số rất đông người cùi. Nhìn đâu cũng thấy người cùi, rất nhiều người bị bệnh cùi gặm nhấm và hủy hoại thân thể, nhưng khuôn mặt ai cũng bày tỏ niềm vui, mắt họ sáng lên khi hát thánh ca.
Đến phần công bố Lời Chúa, một người cùi không còn ngón tay nào lên đọc Sách Thánh. Ông phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, vị mục sư mời mọi người chia sẻ về các ân phúc Chúa ban cho mình. Người không còn ngón tay đứng lên nói rằng: “Tôi muốn cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi bị cùi”.
Trước sự ngạc nhiên của bà Jo Scaggs, anh giải thích thêm: “Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ biết Chúa Giêsu, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi qua biết bao người đang săn sóc cho tôi…”
Bước vào cuộc đời, ai cũng phải đối diện với nhiều đau khổ từ thân xác đến tâm hồn. Đau khổ dường như không buông tha cho ai, cả người tin vào Chúa: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi” (Tv 12,2-3)?
Nhưng chỉ trong niềm tin vào Chúa, người ta mới tìm được niềm vui và ơn giải thoát thực sự, “Vì Đức Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố: “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en!” Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo” (Gr 31,7-8).
Tin Mừng Đấng Cứu Thế đem đến cho nhân loại chỉ đơn giản là rao giảng tình yêu muôn đời Thiên Chúa đã dành cho họ: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Tình yêu đó nối kết nhân loại với Thiên Chúa trong mối tình thân mật của một người cha dành cho con mình: “Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã. Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31,9).
Vâng, Ngôi Lời đã làm người, sống giữa nhân loại, để “chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. (…) Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16).
Tin Mừng cho nhân loại là được mạnh dạn đến gần Chúa, vì chính Người đã gọi, đã đến với sự cùng cực của mỗi người: “Người ta gọi anh mù và bảo: “ Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy” (Mc 10,49).
Vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu là dấu chỉ của một niềm tin mạnh mẽ. Niềm tin của anh đã cứu anh, anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Đó là niềm tin đem ơn cứu độ đến cho nhân loại hôm nay,  niềm tin đó làm cho mỗi người nhìn thấy và phân định được điều thực sự có giá trị trong dòng đời để vất bỏ ngay, vất bỏ dứt khoát và mạnh mẽ những gì thế gian coi trọng để đi theo Đức Kitô trên con đường Người đi.
Dọc miền sông Rhine, một trong những con sông dài và quan trọng nhất Âu châu, truyện xưa kể lại chuyện một thanh niên đói lử, quần áo mong manh, cực nhọc, suốt ngày làm việc trên những con đường lổn nhổn, gồ ghề. Đêm đó, mắt anh nhìn thấy cánh cửa sáng ngời của toà lâu đài gần đó, tai anh lắng nghe âm thanh lễ hội với những dòng nhạc từ đó phát ra như cảnh thiên đàng đối với cuộc đời lao khổ của anh.
Anh bỏ nhà ra đi từ khi còn trẻ, và từ nhiều năm đã không còn nghe biết gì về nhà của mình nên không biết rằng lâu đài lộng lẫy đó là của cha anh mà anh là người thừa kế.
Anh đánh liều đến hỏi xin cho được trú qua đêm. Ở cổng, anh gặp lão giúp việc. Lão nhận ra anh ngay và dẫn anh vào buổi liên hoan. Tại đó, anh được mặc áo người thừa kế với một di sản lớn lao. Cuộc đời anh thay đổi, bóng tối khép lại sau lưng!
Còn lớn lao hơn thế là gia sản quí báu và hạnh phúc vĩnh cửu của tôi. Không có niềm tin, tôi không thấy gì cả.

Sao tôi không vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu để được nhìn thấy?


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Đêm Chúa ra đời


















Mùa Đông nghe tiếng Trẻ Sơ sinh
Khóc vội, hầu như muốn Chuyển mình
Nơi chốn Hang-lừa đêm lạnh lẽo
Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên .

Đâu tiếng Thiên Thần, nghe nhẹ tênh?
Hát mừng Thiên Chúa tận thiên cung
Âm thanh réo rắc, lời êm ái
Rót xuống dương gian vạn Nỗi Mừng .

Con Trẻ giờ đây được gọi tên
Mục Đồng liền dậy báo thức đêm
Ba Vua cũng đến và chiêm bái
Dâng tiến lên Người báu vật riêng.

Sao lạ còn soi chiếu sáng ngời
Lung linh máng cỏ đựng Trời vui
Ái ân trao tặng về nhân thế
Bên Mẹ nhân từ chúm chím môi .

Ai hỡi ! Đừng quên Cha dấu yêu
Lặng thinh, không phải nói chi nhiều
Ngắm nhìn Con Trẻ đầy thương mến
Mái ấm gia đình – chỉ bấy nhiêu !

Ôi đẹp vô cùng đêm Giáng Sinh
Một đêm rạng vỡ đón Bình Minh
Mùa Xuân nhân loại bắt đầu đến
Điểm hẹn cho đời : Ánh Hiển Vinh !


JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Giáng Sinh nhớ mẹ










Vần thơ con muốn viết,
Mỗi độ Giáng Sinh về
Nỗi niềm yêu tha thiết .

Cành thông reo vi vút,
Hứng lấy gió mùa đông
Hơi thở Chúa Hài Đồng
Từ nơi xa hẻo lánh .

Đây mái nghèo cô quạnh,
Vang tiếng hát mục đồng
Khoan dung và ấm lòng,
Tâm hồn bao lữ khách .

Những giọt mưa tí tách,
Mùa đông đi lân la
Kéo dài nỗi diết da
Lạnh lùng và hoang vắng !

Mẹ già ngồi trông ngóng,
Mong đứa con mau về
Giọt lệ buồn trĩu nặng,
Rót niềm đau tái tê.

Con xin mẹ thứ tha,
Vì con không về được
Không có gì nói trước,
Mà toại nguyện bao giờ.

Mấy năm rồi xa cách,
Giáng Sinh thắp lửa lòng
Hang đá nhìn thấy Chúa,
Nét mặt ẩn vào trong.

Giáng Sinh nay trở về,
Con khóc thầm nhớ mẹ
Mẹ già ở chốn quê,
Nhớ thương, ôi đáo để !

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

CÂU CHUYỆN GÁNH NƯỚC

Có hai vị Hòa thượng ở hai ngôi chùa trên hai ngọn núi gần nhau. Giữa hai ngọn núi có một con sông, mỗi ngày họ đều cùng một lúc xuống núi ra bờ sông gánh nước, lâu ngày họ trở thành bạn bè.
Thấm thoát năm năm trôi qua, bỗng một hôm vị Hòa thượng ở ngọn núi bên trái không xuống gánh nước, vị Hòa thượng ở ngọn núi bên phải nghĩ bụng: ‘có lẽ ông ta ngủ quá giờ”, nên trong lòng cũng chẳng để ý lắm.
Nhưng không ngờ qua ngày hôm sau vị Hòa thượng ở núi bên trái vẫn không xuống núi gánh nước.
Một tuần trôi qua, vị Hòa thượng bên ngọn núi phải nghĩ bụng: “bạn ta có lẽ bị bệnh rồi, ta nên đến thăm, xem có thể giúp được gì không.”
Nhưng khi đến thăm người bạn già, ông ta thật kinh ngạc. Người bạn già của ông đang tập thái cực quyền trước chùa, chẳng giống dáng vẻ của một người cả tuần chưa uống nước chút nào. Ông ta thấy làm lạ hỏi: “Đã một tuần rồi ông không xuống núi gánh nước, lẽ nào ông không cần uống nước?”
Người bạn dẫn ông ta đi ra sân sau của chùa, chỉ một giếng nước nói: “Năm năm lại đây, mỗi ngày sau khi làm xong thời khóa, tôi đều đào cái giếng này, mặc dù nhiều lúc rất bận, nhưng có thể đào được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nay đào đã đến nước, tôi không cần phải xuống núi gánh nước nữa”.
💎 Lời bàn:
Ngày hôm nay chính là thành quả từ những nỗ lực của hôm qua. Còn sự nỗ lực của hôm nay lại là niềm hy vọng cho ngày mai. Năm tháng trôi qua, tuổi già lại đến. Hãy suy nghĩ về lúc không còn gánh nước nổi, bạn vẫn có nước để uống chứ? Vì vậy dù đã thành công, hãy cố gắng thêm một chút nữa.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Hãy cho đi

Cho là nhận, bạn ơi đời vẫn đẹp
Khi cho đi là khi nhận được nhiều
Nào niềm vui, nào ánh mắt thương yêu
Và sâu thẳm: cõi lòng ta hoan lạc.

Những lúc ấy ta hoàn toàn phó thác
Bởi trong ta có Chúa thật tràn đầy
Ngài dịu dàng, nồng thắm,và mê say
Ta như được vòng tay Ngài ôm lấy.

Ta cảm nhận Ngài gũi gần biết mấy
Hãy cho đi và chớ ngại ngần gì
Tùy khả năng mình có để sẻ chia
Không tính toán, không mong tình đáp trả.

Cho là nhận, bạn đời ơi, vội vã
Kẻo thời gian đang hối hả trôi mau
Kiếm tìm ai cần thiết những nhu cầu
Bắt gặp được đừng chối từ bạn nhé.

Cho là nhận, bạn ơi đời rất trẻ
Bạn cho đi là sẽ nhận được nhiều
Những nụ cười, những ánh mắt tin yêu

Và sâu thẳm: tâm hồn ta hoan lạc.


JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Bình tâm ca

( Tặng Tin Yêu Ca và Jade )

Ô hay quá, những vần thơ chắc lọc
Cửa hồn yêu bao bọc sóng trăm chiều
Rượu uống lâu, còn mùi thơm phảng phất
Gió bình tâm vi vút thổi lòng xiêu .

Có tin yêu, hồn mới ca mới hát
Đừng chấp chi chuyện vặt vãnh ở đời
Nghe hương lúa nhắc nhở ta mùa gặt
Tiếng kèn loa Thiên Sứ thổi chơi vơi .

Ta cứ đợi, đến bao giờ Ngài đến
Mưa Hồng ân trút xuống cõi gian trần
Vướng tục lụy vẫn đắp xây tình mến
Nghịch ngợm đời thắp nến để canh tân.

Thật quý hóa hỡi ai còn thức tỉnh
Đam mê nhiều vờ vĩnh trộn cuồng say
Trang áo mới mặc ra ngoài dự tính
Khiến cho hồn vời vợi cũng ngất ngây.

Ta cứ thế, miễn sao lòng yêu Chúa
Đem bình an ngự trị giữa tháng ngày
Mang khúc hát ca vang thềm lưới bủa
Cá đầy thuyền, biển lặng, vó cầm tay .


JB.Sĩ Trọng.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Bài phản biện của một sinh viên

Bài phản biện của sinh viên về bài giảng của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức, giảng Về Công Giáo hôm 24/11/2015 tại trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội, một bài phản biện rất sâu sắc, có tầm vóc và kiến thức của sinh viên Công giáo Nguyễn Văn Thiển. Kính mời quí vị xem phản ứng và tư duy của sinh viên này.
....
Paulus Thien (1) Phản Biện 6 Luận Điểm Của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức giảng về Công Giáo.
Trích bức thư gửi tận tay cô giáo bộ môn trưa ngày 26-11-2015.
Hà Nội, ngày 25-11-2015.
Cô giáo kính mến!
Em vô cùng biết ơn cô đã dành rất nhiều tâm huyết trong thời gian vừa qua để trao truyền kiến thức cho chúng em, tập thể lớp CH k21.
Cô chia sẻ sức khỏe cô không được tốt, nhưng cô vẫn cố gắng lên lớp để giảng dạy, điều ấy khiến em vô cùng cảm động. Chính vì vậy, em rất chăm chú nghe lời giảng của cô. Những kiến thức cô dạy ở tầm cao, và em đồng ý với hầu hết những luận điểm cô giảng.
Cô biết không! Trong tập thể lớp có tới 72 bạn học viên, nhưng chỉ có em theo đạo Công giáo. Bởi vậy, những vấn đề về Công giáo, ở lớp, không phải ai cũng hiểu, nhất là những bạn chỉ mới nghe qua về Kinh Thánh hoặc chỉ đọc lướt qua một vài lần.


Tuy nhiên, có 6 luận điểm này của cô, em không đồng ý. Và em viết thư này để trao đổi với cô.
1. Trong hầu hết các Thánh tử đạo Việt Nam, đa số là người nước ngoài, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
2. Tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ.
3. Alexandre De Rhodes biến Công giáo trở thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.
4. Các giáo sĩ gắn với sự xâm lược của người Pháp.
5. Chúa Jesus còn thở khi được một ông nhà giàu tháo xác xuống từ cây Thánh giá.
6. Joseph và Maria yêu nhau, có bầu,song gia đình hai bên không cho cưới.


Mặc dù là môn Phật giáo và VHVN, nhưng cô vẫn khá ưu ái giảng thêm về Công giáo. Điều ấy khiến em rất hạnh phúc. Tuy nhiên, cách nhìn của cô khiến em rất băn khoăn và quyết định viết một mạch lá thư này để tỏ bày những cảm nhận của mình. Bởi những gì cô giảng không chỉ dừng lại ở vấn đề kiến thức, mà còn vươn xa hơn, ảnh hưởng tới vấn đề nhận thức.


*Ở luận điểm 1, cô có nhắc lại lịch sử phong Thánh năm 1988 (do Đức Giáo hoàng Jeans Paulus chủ sự), và chính quyền Việt Nam phản ứng vô cùng gay gắt, em đồng ý với điều này. Tuy nhiên, các Thánh tử đạo Việt Nam đa số là người nước ngoài, em không đồng ý. Theo số liệu thống kê của hầu hết các nguồn, các Thánh tử đạo Việt Nam bao gồm:
-11 vị gốc Tây Ban Nha (5 Linh mục, 6 Giám mục).
-10 vị gốc Pháp (8 Linh mục, 2 Giám mục).
-96 vị người Việt Nam (gồm 37 Linh mục, 59 Giáo dân).
Trong ấy, thời Trịnh Doanh (1740-1767): 2 vị, Trịnh Sâm (1767-1782) : 2 vị, Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị, Minh Mạng (1820-1841): 58 vị, Thiệu Trị (1841-1847): 3 vị, Tự Đức (1847-1883): 50 vị.
Đây là khoảng thời gian một số vua- chúa phong kiến Việt Nam cai trị, họ đã giết khoảng 130.000- 300.000 người Công giáo.
Thưa cô, ấy là những số liệu đáng tin cậy, dù chỉ mang tính tương đối, nhưng được các học giả tham khảo nhiều khi tìm hiểu về lịch sử bách hại trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam. Để được chấp nhận 1 hồ sơ phong Thánh, là một quá trình vô cùng khắt khe, thậm chí lên tới hàng trăm năm.


*Ở luận điểm 2, tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ. Em xin góp ý rằng, tôn giáo được phần rất lớn dân số thế giới tin theo. Nếu như dùng từ “một bộ phận”, e rằng chưa lột tả hết được tầm quan trọng của tôn giáo. Theo đó, những số liệu thống kê gần đây, có khoảng 87% dân số thế giới theo một tôn giáo nào đó. 87% là phần lớn, chứ không dùng “một bộ phận” được, nếu dùng từ này, nên sửa là “một bộ phận lớn”. Số liệu gần đây có thể chứng minh điều này (Kito giáo: khoảng 2,1-2,2 tỷ tín đồ trong ấy Công giáo là chiếm phần cao nhất; Hồi giáo: khoảng 1,5-1,6 tỷ tín đồ; Ấn Độ giáo: Khoảng 900 triệu- 1 tỷ tín đồ; Phật Giáo: khoảng 365 triệu tín đồ chính thức). Và còn các tín đồ rải khắp các tôn giáo nhỏ hơn khác. Số người không theo tôn giáo nào chiếm khoảng 13% dân số thế giới. Các thống kê này chỉ mang tính tham khảo, vì dân số thế giới luôn luôn biến động. Nhưng điều chắc chắn, những người theo các tôn giáo chiếm tỷ lệ cao hơn số người vô thần rất nhiều. Em không nói điều này là tốt hay xấu. Vì số liệu cô cung cấp là đúng, nhưng là đúng ở thời điểm các đây hàng thập kỷ trong các giáo trình cũ. Ở thời điểm tháng 11- 2015 này, số tín đồ tính chung trong các tôn giáo đã tăng lên nhiều.


* Ở luận điểm thứ 3, cô cho rằng Alexandre De Rhodes biến Công giáo thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã. Luận điểm này em mong rằng cô đã nhớ nhầm vì tuổi cô đã cao, gần 70 tuổi. Nhưng em không mong cô lại giảng điều này cho bất cứ lớp Đại học hay lớp Sau Đại học nào nữa. Vì đây là thông tin không chuẩn xác. Alexandre De Rhoses là một Tu sĩ Dòng Tên, một Dòng tu nổi tiếng của Giáo hội Công giáo. Ngài có công rất lớn trong hệ thống chữ Quốc ngữ Việt Nam. Bởi vậy, Đế quốc La Mã khi xưa là một thời đại khác chứ không cùng thời với Tu sĩ này. Người đã công bố hợp pháp cho Kito giáo là vua Constantinus 1 (ông theo đạo năm 312) theo chiếu chỉ Milano. Năm 380 thời vua Theodosius 1, Kito giáo được công nhận là Quốc giáo với chiếu chỉ Thessalonica.
Còn nếu như cô biết một Alexandre De Rhoses nào đã biến Quốc giáo cho La Mã là Kito giáo, xin cô hãy gửi tài liệu ấy cho em. Như em đã viết, em mong rằng cô đã nhớ nhầm. Những điều này, thực sự em không thể không viết ra.


* Luận điểm thứ 4, cô có nhắc lại chuyện các giáo sĩ có gắn với chuyện người Pháp xâm lược Việt Nam. Luận điểm này cô chỉ nhắc qua, chứ không bình luận gì thêm. 
Thưa cô, Công giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI, trong khi người Pháp xâm lược nước ta vào thế kỷ XIX. Tại sao chúng ta nói các giáo sĩ kéo Pháp vào xâm lược? ( Lẽ nào khi xưa 1 phần Phật giáo được tỏa ra từ Trung Quốc xuống Việt Nam, khi Trung Quốc đánh Việt Nam, chúng ta cũng cho rằng tu sĩ Phật Giáo kéo Trung Quốc đánh chúng ta?- Bổ sung).
Có rất nhiều lí do để 1 nước xâm lược 1 nước. Nhưng lí do trên luôn được dạy như 1 trong ít lí do hàng đầu. Trong khi em thì cho rằng, chính sự bách hại, giết hàng trăm ngàn người Công giáo là cái cớ để người Pháp xâm lược là lý do không nhỏ. Tất nhiên em phản đối tất cả sự đô hộ của nước Pháp. Nước ta giờ đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Chắc chắn cô đã thấy những gì đã xảy ra ở đất nước Triều Tiên, Trung Quốc, hay chính nước mình.


*2 luận điểm cuối cùng, là những gì em rất xót xa về những gì cô đã giảng về Kinh Thánh. Những gì em nghe được và ghi âm (chứ không dừng lại ghi chép) lại được là những vết thương lòng không nhỏ.
Không có chi tiết nào, dù là nhỏ nhất trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh, chính xác là Kinh Thánh Tân Ước, nói rằng Chúa Jesus còn thở (tức là chưa chết), khi được người giàu tháo xác Chúa từ trên cây Thánh giá xuống. Jesus, Ngài đã chết một cách ô nhục trên cánh Thánh giá ( Thập giá) sau khi bị đánh đập, bị cười nhạo, bị sỉ nhục, bị đâm vào cạnh sườn bởi những người Do Thái hồi đó. Nếu cô tìm được một chi tiết nào nói Chúa còn thở, sau khi được tháo xác ra từ cây Thập giá, cô hãy chỉ cho em. Nếu không có, cô hãy đính chính lại trước cả lớp.


Bằng tất cả lòng nhiệt huyết với mấy chục năm trên giảng đường Đại học của cô, ấy là điều em vô cùng kính trọng cô. Tuy nhiên, những luận điểm mà em cho là chưa đúng, em cũng xin được góp ý với cô như vậy.
Trong tinh thần cầu thị và tôn trọng lẫn nhau, với mong ước bé nhỏ là cùng góp phần cho nền giáo dục nước nhà được tốt hơn, em mong ước nhận được hồi âm từ cô.
Kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.


Học trò của cô.
………


Chú thích: (1).Bút danh của tôi, chứ không phải tên Thánh.