Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Chùm thơ 22

NUÔI CÁ NON BỘ

Vài   ba   con   cá   thả   cho   vui,
Mặt nước lung linh chao động hoài
Thấy cũng dễ thương và ngộ nghĩnh
Ta  tìm  thanh  thản,  chẳng  cần  ai.


















LẨN

Đồng hồ mới cởi, bỏ nơi đâu
Ở dưới bàn ăn hoặc trên lầu ?
Lẩn thẩn đi tìm, leo cũng mệt
Bất ngờ vấp té ngã chân đau !


NHỰA ĐƯỜNG

Qúa nắng nên mắt chẳng dám nhìn,
Mặt đường loang loáng nhảy lân-tinh
Dẫu   sao   cũng   chỉ   là   hắc-ín,
Đâu phải kim cương muốn cựa mình.


THỰC TẠI

Trọc bên chùa khua chuông đánh thức
Mà người ta vẫn ngủ ngon lành
Đêm tĩnh lặng, bao điều day dứt
Khó   trở   về   trong   cõi   tâm   linh.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Vấn đề cấp bách

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc ngày nào giờ đã được thay bằng hàng ngàn hecta rừng trọc; lúa ngập mặn chết đứng ngoài đồng khắp các tỉnh miền Tây; biển thì đang chết dần, chết mòn; những con thuyền ngư dân các tỉnh miền Trung nằm nhớ sóng khơi xa. Mỗi công dân Việt Nam vừa mới chào đời, cất được tiếng khóc oa oa đã gánh trên đầu biết bao khoảng nợ nần của quốc gia. Trí thức giỏi du học không về, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Đến quan chức cũng có xu hướng tìm đường cho con cháu định cư nước ngoài thì cũng đủ để hình dung thực trạng đất nước ngày hôm nay như thế nào? 

“Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?”, câu hỏi nan giải này được đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam đặt ra tại hội thảo: “Việt Nam – Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai” vào tháng 3-2016. Nhưng chính bản thân Phó Thủ tướng cũng chưa tìm ra được nguyên nhân vì câu hỏi này là thách thức quá lớn?
Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?
Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?
20 năm qua, lượng ODA đổ vào Việt Nam rất nhiều – lên tới gần 90 tỉ USD nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ì ạch. Giới quan sát nhận định rõ, nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam không chịu phát triển suốt bao năm qua là do cơ chế và tham nhũng. Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của doanh nghiệp. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Nỗi niềm này của doanh nghiệp Việt Nam biết kêu ai cho thấu?
Giặc nội xâm tham nhũng hoành hành, đã và đang trở thành vấn nạn nhứt nhối nhất, bám rễ ngày càng sâu, bao trùm một màu xám xịt lên nền kinh tế; chi phối cả hệ thống chính trị của đất nước Việt Nam. Thế nhưng, đau lòng thay, phần lớn các vụ án tham nhũng được phanh phui chủ yếu do nội bộ mâu thuẫn, đấu đá, thanh trừng lẫn nhau; các cơ quan tố cáo nhau, người dân và công luận tố giác chứ không phải cơ quan chức năng phát hiện ra? Đến Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt còn nói thẳng: “Thanh tra Chính phủ chỉ là một nguồn cung cấp cho cơ quan điều tra dấu hiệu về tham nhũng thôi chứ không được quyền gì cả”. Như vậy là có nghĩa, Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được? Nghịch lý này rõ ràng đến từ cơ chế còn quá nhiều lủng củng?
Thủ phạm tàn ác nào đã gây nên cái chết cho lúa khắp các tỉnh miền Tây, khiến cho người dân khóc ròng, đau khổ vậy?
Thủ phạm tàn ác nào đã gây nên cái chết cho lúa khắp các tỉnh miền Tây, khiến cho người dân khóc ròng, đau khổ vậy?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu lạc quan cho rằng, những khó khăn trên của đất nước sẽ phần nào được “hóa giải” khi Việt Nam gia nhập TPP? Nói như vậy, có phần đúng, bởi TPP đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, chống tham nhũng. Điều này buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính, mà muốn gia nhập TPP, giới chức phải vượt qua bằng được. Nhưng thực tế đã chứng minh, giải quyết bài toán về gia nhập thành công TPP chỉ là giải quyết tạm thời phần ngọn của những “bế tắc” xoay quanh phát triển kinh tế của đất nước. Phần gốc, mấu chốt và quan trọng nhất của vấn đề chính là, các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tìm cho ra được định hướng hợp lòng dân thì mới mong đưa đất nước phát triển bền vững và theo chiều sâu được!
Sở dĩ các nước láng giềng cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam mà bây giờ đã giàu hơn là do họ có định hướng phù hợp, rõ ràng. Quan trọng hơn hết, lãnh đạo đất nước họ biết lắng nghe dân, đoàn kết cùng dân, thực hiện mọi chính sách giúp dân yên tâm, hăng say sản xuất. Nhìn xa hơn qua đất nước Bhutan, sở dĩ xứ sở của dòng Phật giáo Truyền thừa trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì hiến pháp nước này quy định rõ, hơn 60% diện tích phải là rừng. Dựa trên định hướng này, các nhà lãnh đạo đất nước Bhutan không chấp nhận đánh đổi thiên nhiên để phát triển kinh tế, nhờ vậy mà nguời dân ở xứ sở Rồng thiêng này hài lòng với cuộc sống.
Cùng là quốc gia có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc nhưng Philippines hành động rất quyết liệt, mạnh mẽ ngăn chặn hành vi quân sự hoá của Trung Quốc trên đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Xuất phát từ định hướng không nhân nhượng bất kỳ hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, lãnh đạo Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, phối hợp với các nước Mỹ, Nhật, Hàn tập trận trên Biển Đông. Trung Quốc chỉ đụng đến một đảo Philippines tuyên bố chủ quyền, lãnh đạo đất nước họ đã đồng lòng hành động, phản đối Trung Quốc ra mặt như thế. Còn Việt Nam, Trung Quốc cướp cả quần đảo Hoàng Sa, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quân sự hóa và hiện tại, dàn vũ khí hiện đại của Trung Quốc trên các đảo phi pháp có thể san bằng Việt Nam bất kỳ lúc nào nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ dừng lại ở hành động phản đối, trao công hàm. Một hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế, 3 năm liền, cả một đội ngũ chức năng làm vẫn chưa xong thì biết bao giờ đơn kiện mới đến Liên Hiệp Quốc?
Đó là ngoài Biển Đông, sự việc sờ sờ, chứng cứ đầy ắp mà còn chưa dám kiện thì nói gì đến trong đất liền. Trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp Formosa của Trung Quốc núp bóng Đài Loan xả hóa chất độc hại ra biển, làm hàng trăm tấn cá chết mà cơ quan chức năng Việt Nam còn không vào kiểm tra được thì làm sao giải quyết những chuyện to tát hơn? Trước thách thức của thời cuộc, cơ quan chức năng xử lý khủng hoảng truyền thông theo chiều hướng né tránh, không giải quyết tận gốc vấn đề, lòng dân không thể an… như thế thì làm sao ổn định, đưa đất nước phát triển?
Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra
Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra
Từ những kết quả trên, ta đúc kết được, ở tầm vĩ mô, chỉ cần các nhà lãnh đạo đưa ra định hướng đúng thì sẽ nhanh chống đưa đất nước và người dân đi đến những thành công và ngược lại, chỉ cần một định hướng sai cũng sẽ dẫn đất nước, nhân dân đi vào bế tắc, lầm than?! Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì họ sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra? Vì cái gì cũng có cái giá; bất cứ hành động nào cũng có kết quả riêng của nó!
Thế hệ trẻ ai cũng có lòng yêu nước, ai cũng muốn cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình cho quê hương nhưng với định hướng không rõ ràng, “sờ lâu gân” thì luôn tuyên truyền “Tất cả vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; nhưng xã hội lại đầy chuyện nhiễu nhương, những dự án và tượng đài luôn đi đôi với nghìn tỷ nhưng tính mạng con người chỉ bằng cái móng tay. Một con lợn gánh hàng trăm thuế phí, người dân dù đói nghèo hay có thu nhập ổn định cũng nai lưng làm nuôi cả một hệ thống cồng kềnh quan chức; dân đen lặn hụp trong bão lũ vớt than, kiếm từng đồng còn quan tham chi tiền của dân không thương tiếc… những nghịch lý như thế này sẽ đẩy cán cân công bằng nghiêng về 1 bên mất thôi? Mà sờ sờ trước mắt, làm sao có sự công bằng cho cuộc sống này cho được khi mà sự minh bạch ngày càng nằm sâu sau những lớp xác cá chết, những công trình mờ ám nghiêng về nhóm lợi ích chỉ lòi ra khi báo chí phanh phui …? Như vậy, niềm tin, tinh thần nào để phấn đấu, cống hiến cho đất nước đây?
Ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, lãnh đạo càng thức khuya, càng lo cho dân bao nhiêu thì họ càng ốm bấy nhiêu và khi nhắc đến đâu là người dân cảm kích đến đó. Còn tại Việt Nam thì có xu hướng trái ngược lại? Phải chăng là do thời tiết, thổ nhưỡng và môi trường sống đã dẫn dắt con người ta đến những khác biệt trầm kha?
Hải Dương

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Thông điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông

Một phút để nhớ, cầu nguyện nhân ngày Thế Giới Truyền Thông XH.
Hôm nay ngày Thế giới TTXH, chúng con nguyện xin Chúa thương chúc lành cho tất cả các anh chị em đang làm công tác truyền thông trong Giáo Phận con, trên đất nước con và toàn thể Giáo Hội. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả Ace tâm hồn đạo đức, nhiệt thành,sự bình an, khôn ngoan, kiên cường...để sử dụng phương tiện truyền thông một cách hữu hiệu để mang ánh sáng và tình thương của Chúa đến muôn nơi.

Trong ngày này, lòng con nhớ đến Cha cố Rocco Nguyễn Tự Do, DCCT. Người là một trong những vị Lm đầu tiên dấn thân làm việc trong lãnh vực Truyên Thông Xh. Trước năm 1975, dưới nền Cộng Hoà, Ngài đã làm công tác truyền thông rất mạnh mẽ, Ngài đã lập ra Trung Tâm ATAS ( âm thanh- áng sáng ) và một chương trình trên Đài Phát Thanh với tên : TIẾNG VỌNG TÌNH THƯƠNG, nhằm ngợi ca Thiên Chúa, truyên thông các hoạt động xã hội, từ thiện, các bài giảng hàng tuần....Có lẽ là những người Công Giáo từ tuổi của tôi trở lên tại miền Nam này vẫn còn nhớ đến. Hồi đó anh em tôi vẫn mê chương trình này, với những bài giảng rất tuyệt vời của Ngài. Thế mà, tạ ơn Chúa, Chúa đã cho chúng con được gặp Cha, được trở thành những người con, những người đồng hành nhỏ bé cùng Cha trong những tháng ngày đầy gian nan, thử thách : Sau khi bị đi học tập CT về, năm 1982, Cha vẫn không từ bỏ con đường hoạt động theo đường hướng truyền thông XH, dù lúc đó tình hình cực kỳ khó khăn của XH, Ngài đã đem hết tâm huyết để hướng dẫn, dìu dắt chúng con biết làm công tác Truyền Thông để loan báo Tin Mừng, để đến với người nghèo, người đau khổ...chúng tôi không làm chính trị, nhưng từng công việc chúng tôi làm hết sức gian nan trong thời buổi đó. Anh em chúng tôi còn có các LM, như Cha Tiến Lộc, Cha Hải, Cha Cố Diệp... Chúng tôi gọi nhau là anh em FA thân yêu. Rong ruỗi khắp nơi bằng những chiếc xe đạp cà tàng, có ngày đạp xe hơn 50,60 km..( chỉ có cha TL có chiếc mobilet cũ), chúng tôi đi khắp nơi..., cha con cùng nhau chia sẻ từng mẫu bánh mì nhỏ. Hồi đó làm gì có máy tính, ipad..., chúng tôi chỉ có những máy đánh chữ lọc cọc, những trang giấy vàng ố..., nhưng quả thật niềm vui và lòng nhiệt huyết tràn đầy...Cho đến bây giờ vẫn không thể quên !

Bố ơi, chúng con nhớ Bố nhiều lắm, hình ảnh Anh Ba hết lòng yêu thương anh em, hết lòng với người nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân phong cùi khắp các trại trên đất nước này, ai cũng nhớ Bố vì Bố đã đến bên họ, yêu thương, lo lắng cho họ. Ngày tang lễ của Bố, con thấy hầu hết là những vòng hoa và những đoàn viếng từ các trại phong khắp nơi Nam Bắc ...với bao dòng nước mắt...Ngày nay trên Nước Chúa xin Bố cầu nguyên cho công việc truyền thông của bao nhiêu người VN đang dấn thân, Bố nhé ! Bố cũng cầu bầu cho Anh Tư TL thật nhiều sức khoẻ, bình an trên suốt những nẻo đường mà ngài đang tiếp tục truyền thông Tin Mừng của Chúa.

Còn chúng con, tuy không còn Bố cùng đi trên đường đời này, nhưng con tin Bố vẫn luôn nhớ và thương chúng con lắm. Xin cầu nguyện cho chúng con để trong cuộc sống bé nhỏ, đơn sơ của chúng con bây giờ, dù chúng con không làm được gì lớn lao, nhưng trong tâm mình, và trong từng việc làm nho nhỏ, vẫn luôn nhớ mình vẫn trung thành với tinh thần của một FA ngày xưa.
Trong tinh thần ngày Truyền thông Xh, ước mong mọi người, nhất là những người con Chúa, cho dù không trực tiếp tham dự những tổ chức Truyền Thông, thì cái điện thoại, cái ipad, hay máy tính nhỏ của bạn, vẫn hãy ưu tiên cho việc rao truyền tình yêu thương của Chúa, hãy dùng nó để nối kết yêu thương, hãy dùng nó cho lợi ích tinh thần, và góp phần đổi mới cuộc sống, đem an bình đến cho mọi người.

Cám ơn bao bài Thánh ca, bao bài viết chia sẻ, bao việc âm thầm nhỏ bé...Đó cũng chính là những hoa trái của việc truyền thông...

Vài lời nhắn gởi các con cháu, các học trò và bạn trẻ thân yêu: hãy dùng chiếc điện thoại của các con/ các em một cách hữu ích hơn, đừng nghĩ rằng mình không làm được gì ( nên chỉ dùng nó để giải trí, chơi game, chém gió, và post lên những điều vô bổ, có khi tai hại cho mình, và làm tổn thương người khác...). Hãy dùng điện thoại của mình thật hữu ích, hãy biến nó thành công cụ của tình yêu thương, của chân lý...Chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã làm được rất nhiều...để thăng tiến đời sống tinh thần cho chính mình, và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn ! 💖
Nguyện xin Chúa sáng soi và chúc lành cho tất cả chúng con để chúng con luôn là khí cụ bình an của Chúa !

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Bên Ngài
















Cho tôi những phút đi về,
Lắng nghe tiếng Chúa cận kề bên tai
Cho tôi xuôi ngược đường dài,
Lòng luôn tin tưởng có Ngài sẻ chia
Cho  tôi  vẻ  đẹp  vô  bờ.
Bên Ngài sóng sánh như Thơ và Tình.


JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Đất nước của những kẻ lười

Đây là một bài viết tôi sưu tầm được, nhưng tôi phải nói trước với bạn là ngôn từ của nó không hề ngọt tai, nếu bạn chưa sẵn sàng nhìn nhận thực tại bản thân hay thế hệ, có lẽ bạn sẽ thấy một chút khó chịu khi đọc.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Bạn có biết lý do chính dẫn tới việc nước Việt ngày càng sa sút? Câu trả lời là: LƯỜI!
Người ta cứ đang kéo cố gắng đất nước này đi lên. Hàng loạt bài báo được viết nên. Trong đó chỉ ra rằng đất nước này đang bị ô nhiễm hóa, đang bị bóc lột hóa, đang bị bất công hóa, và đang bị căng thẳng hóa… Nhưng rồi các bạn biết được điều gì là quan trọng? Ừ, CHẲNG AI THÈM ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO ĐÓ. Nghĩa là người ta không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh họ, không biết được mức độ căng thẳng leo thang của thế giới xung quanh. Tóm lại là, người viết thì cứ viết, người chơi thì cứ chơi, không ai thèm đọc. Dĩ nhiên là ta đang nói đến số đông thôi.
Vậy ra, người ta đang cố gắng thay đổi mọi thứ ở phần ngọn. Nghĩa là kêu gọi những con người đã góp sức gây nên hiện trạng này, hãy thôi đừng phá hủy đất nước nữa, hãy thôi xả rác, hãy thôi chém giết. Đó là một ý tưởng điên rồ. Kêu gọi người từng sát hại đất nước này hãy suy nghĩ lại, rũ chút lòng thương, đừng phá hoại nữa.
Bạn biết vì sao mà đất nước này cứ thụt lùi, thậm chí bây giờ thua cả Lào và Campuchia không? Nếu bạn định trả lời là chính phủ thì hãy tạm gác lại cái ý nghĩ đó. Bởi vì vấn đề là dân chúng ở đây mang một căn bệnh nan y không thể chữa nỗi: LƯỜI!

LƯỜI VẬN ĐỘNG, TẬP THỂ DỤC

So với số người tập thể dục, thì số người không tập chiếm gấp nhiều lần, nếu không muốn nói là áp đảo hoàn toàn. Bạn không tin? Sáng thức dậy 4 giờ sáng chạy bộ. Rất nhiều ông cụ, bà già sẽ chạy cùng bạn. Số trung niên cũng rất nhiều. Còn số thanh niên thì chiếm trên đầu ngón tay thôi nhé.
Mà không tập thể dục thì chẳng đào đâu ra sức khỏe, không có sức khỏe thì làm cái gì cũng mau mệt, mau mệt thì sẽ nhanh chán, mà nhanh chán thì sẽ sớm bỏ cuộc. Những người có sức khỏe yếu thường làm mọi việc qua loa. Tin tôi đi. Họ không chịu đựng nỗi bất cứ chuyện gì hết. Đó là khi chúng ta nên nói tiếp các kiểu lười khác là hệ lụy của lười vận động.

LƯỜI HỌC

Cái này thì khỏi nói rồi. Trừ các học sinh trường chuyên và công lập, đa số những trường khác, học sinh rất chi là lười. Khoan hãy nói đến việc kiến thức có hàn lâm hay không, có khó nuốt hay không, có kém thực tiễn hay không. Mà hãy tự hỏi, tại sao lại như vậy? Không ai chịu đựng nỗi 2 3 tiếng học bài ở nhà. Nói trắng ra là họ quá lười chịu đựng. Alan Phan đã từng nói rằng ông không hiểu tại sao một đất nước dân số vàng như Việt Nam lại có vẻ lù khù như các cụ già đến vậy.
Bạn hỏi tại sao? Hãy tạm trách Internet, Smartphone, Karaoke, Nhậu nhẹt, Lotte, Starbuck và các loại ăn chơi thời hiện đại nhé. Bạn lại hỏi tại sao nữa à? Bởi vì đó là thách thức của thời đại này. Thú vui hưởng thụ bao vây xung quanh, nhan nhãn đông tây nam bắc hướng nào cũng có. Tại sao phải chịu đựng học bài khi tụi bạn đi nhậu, đi hẹn hò, đi Lotte? À, quên nữa, đừng ai nói với tôi một câu mà đứa trẻ trâu nào cũng biết: Cái nào cũng có mặt lợi, quan trọng là đừng dùng quá liều lượng. Bởi vì, không có mấy ai biết kiểm soát chính họ ở cái vùng đất này đâu.

LƯỜI LÀM

Tất cả những người chủ ở Việt Nam đều khó tính, họ thường đốc thúc công nhân của mình. Bởi vì họ biết, không đốc thúc, bọn công nhân chỉ ngồi chơi, và làm kiểu đối phó, chủ tới thì luôn tay luôn chân, chủ đi thì phì phèo điếu thuốc, thậm chí là lướt facebook chat chit nữa là đằng khác. Nếu cha mẹ bạn là người trả tiền cho công nhân, chắc bạn sẽ rõ điều đó hơn cả.
Bạn hỏi vì sao họ lười làm, họ bắt đầu lười từ khi nào? Vì sao? Vì họ chẳng có thích thú gì với công việc. Bởi vì họ từ cái giây phút họ lười học, họ chẳng có kiến thức gì để giải quyết vấn đề nên họ chẳng muốn xảy ra thêm vấn đề gì nữa. Mà đấy, cách hay nhất để không có vấn đề gì để giải quyết là ngồi chơi. Làm việc thì tạo nên vấn đề, giải quyết vấn đề chính là một bước thăng tiến. Nhưng họ lại sợ gặp vấn đề biết bao. Không giải quyết được lại bị chửi, lại bị sỉ nhục, lại quê với người khác. Nên họ thà làm người nhàn rỗi tay chân, áo sạch đồ đẹp, không một vết bẩn còn hơn lấm lem mồ hôi, nhếch nhác không ai thèm dòm.

LƯỜI SUY NGHĨ

Lướt dạo hết vòng facebook là điều bạn có thể làm ngay. Nếu facebook bạn không có gì đáng để xem, không có gì để làm bạn cảm động, làm bạn thấy phải nhìn lại bản thân mình thì bạn chính là một ví dụ. Còn nếu có thông tin gì đó hay, viết về thực trạng của đất nước, về ô nhiễm môi trường, về động vật tuyệt chủng, hay các bài viết học thuật, hãy xem nó được bao nhiêu người like? À, thường thì không có bao nhiêu người like đâu. Không tin lướt ngay facebook là biết.
Chúng ta không có gì để học sao? Hay chúng ta chỉ quan tâm về tự sướng, em nào đẹp, em nào xài camera 360, anh nào GAY, chỗ nào chơi tốt, khu nào ăn ngon, quần áo chỗ nào bán đẹp? Nếu facebook của bạn không có bất cứ cái gì liên quan tới học thuật, kiến thức, thay vào đó là 90% ảnh girl xinh, trai đẹp, hãy yên tâm một cách chắc nịch rằng bạn là một trong những đứa lười suy nghĩ bậc nhất thế giới.

LƯỜI TRANH ĐẤU

Cái này thì khỏi phải nói luôn rồi. Cha chung chả ai khóc mà. Đất nước ngày càng đi xuống thì cũng mặc. Nói thật, chả ai quan tâm cả. Những người có tâm, những người làm báo cứ như những kẻ thui thủi một mình tự kỷ vậy. Bài nào họ viết ra, họ tự đọc, chả mấy ai đọc nói chi đến like và comment. Đi chơi noel xong rác thải đầy đường để phải viết lên báo, cũng chả cần thấy nhục mặt cho bản thân hay cho đất nước này, cứ thế năm nào cũng vậy, cũng lên báo, rồi cũng thôi, vì chẳng ai còn hơi sức để nói nữa.
Thờ ơ là căn bệnh của người Việt. Nếu không tin, search bài báo: “Người Việt vô cảm thứ 13 thế giới” là biết. Họ chẳng muốn tranh đấu. Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Nhưng không ai muốn tranh đấu! Chẳng ai muốn cả, vì họ bận phải hưởng thụ sự hiện đại này.
Đấy là những thế hệ đã được đào tạo. Việt Nam thuộc loại khủng của thế giới trong việc chi ngân sách cho giáo dục. Họ đã làm gì, và chúng ta đã tôi luyện bản thân như thế nào? Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần gì cao siêu, mà chỉ bởi vì chúng ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở, và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những con chó thông minh, biết đi ị đúng chỗ cũng phải khinh thường?
Những thế hệ đi qua, và những bài học của các bậc mẹ cha ngày càng thực dụng. Bạn không thấy xã hội này quá co cụm từ khi bạn chuẩn bị cắp đồ lên thành phố học? 99,9% tôi đảm bảo sẽ được nhắc: Giữ tiền cẩn thận nha con, trộm cắp dữ lắm; Ở ký túc xá coi chừng nhà con, trộm cắp phức tạp lắm; ở Sài Gòn cẩn thận nha con, dân tứ xứ chẳng biết ai là ai đâu…
Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Một lũ tệ hại, cười với nhau những nụ cười giả tạo, đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói:
“Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”
Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả.
Một dân tộc ghê tởm nhau, đề phòng nhau đến những chuyện nhỏ nhặt đến như vậy thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn? Một xã hội co cụm, những ánh mắt đầy hoài nghi, ghê tởm thay cho chúng ta!
Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả, nếu không được thì học đại cho xong, và trong lúc học cũng đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó n+1 các loại. Nhưng điều làm tôi ghê tởm hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng thải rác ra đường như không giữa ban ngày ban mặt, buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.
 Chịu đựng! Những người đi ra từ chiến tranh với sức chịu đựng ghê gớm lại nuôi dạy con họ một cách đầy nuông chiều. Quá nhiều người đi ra từ chiến tranh, quá nghèo khổ để nói đến đức hạnh, tất cả những gì họ lo lắng là tiền, là mưu sinh. Đó là lý do chúng ta ở đây. Cả một lũ không được giáo dục tốt. Cả một lũ đang làm đất nước này đi xuống. Đó không phải là lỗi của họ, hãy thông cảm vì điều đó. Họ đã cố phải xây dựng lại mọi thứ từ đống tro tàn. Nhưng còn chúng ta thì sao? Được nuông chiều từ nhỏ tới lớn, chẳng phải chịu đựng bất cứ cái gì, và giờ thì sẵn sàng ngồi quán cafe chém gió suốt ngày.
Bạn biết bọn nhậu nhẹt và ngồi quán cafe chém gió thường nói gì khi gặp nhau? Tao mới xin làm chỗ kia, lương 4 triệu mà toàn ngồi chơi. Liền lập tức, thằng đối diện sẽ bảo: NGON VẬY!

Cái tư duy ở xứ này là: Ngồi chơi và “khỏe”! Nhưng yên tâm đi, vũ trụ rất công bằng. Cái chỏm nhỏ ở chỗ này trước sau gì cũng bị trừng phạt nếu tiếp tục tồn tại theo kiểu đó.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Đừng uống cạn tài nguyên này, đừng ăn mặn để con cháu khát nước. Đừng để thế hệ nối tiếp thế hệ sống cuộc sống như thế này. Và xin cũng đừng, đừng xấu xa cho đã để rồi sau này bắt con mình trở thành một người tốt. Con nít học qua hình ảnh, nó bắt chước tất cả những gì nó thấy. Đừng bao giờ cho phép bản thân tệ hại, và dạy con bằng cái lối nói rằng bạn dù có xấu xa thế nào cũng là hy sinh cho tương lai của nó. Bởi vì, cách đó nhàm quá rồi, một lời biện hộ không có nghĩa gì hết.
Tôi biết là Việt Nam vẫn chưa đến lúc có một cuộc cách mạng cải tổ lại tư duy người Việt. Nhưng từ giờ cho tới lúc đó, hy vọng tôi có thể giúp ai đó hiểu rằng, hãy luyện tập, hãy chịu đựng để bước đi những ngày tháng trưởng thành. Bạn không thể lớn thêm nếu không chịu đựng. Nếu bạn muốn đi lên, bạn phải chịu đựng, dù xung quanh không có ai hỗ trợ bạn, dù xung quanh mọi người đang say ngủ…

NẾU BẠN MUỐN TRƯỞNG THÀNH, HÃY CHỊU ĐỰNG

Trong nghĩa của từ chịu đựng, không có lười biếng. Trong nghĩa của từ chịu đựng là sức mạnh. Mỗi một cá nhân có sức mạnh, khỏi cần phải bàn tới chuyện đất nước có đi lên hay không, vì đôi tay của họ thậm chí có thể nhấc bổng cả bầu trời…

Theo Lục Phong. Nguồn hình : Internet.