Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Bóng ngã thơ chiều

Vầng trăng lên đầu bút

Vi  vút  gió  ngàn  yêu

Câu thơ như còn đọng,

Trong vẻ đẹp ban chiều.


Khi  tuổi  đời  đã  lớn,

Ta tìm được những gì

Lời thơ - Con sóng gợn

Vỗ  vào lòng  cuồng  si.


JB.Sĩ Trọng.


Thầy dạy Toán làm thơ

Có một lần Thầy dạy Toán làm thơ,
Bài thơ ấy bây giờ đang dang dở
Nhưng câu thơ ý tình bỡ ngỡ,
Không khô khan như môn Toán của Thầy
Trong bài thơ Thầy cộng gió với mây,
Bằng công thức tính cotang của góc
Lá thu rơi bay vào trong lớp học
Thầy bảo rằng "Lá có lực ly tâm".
Rồi một lần mưa nhè nhẹ bâng khuâng
Thầy ngẫu hứng đọc câu thơ Thầy viết :
"Gọi mưa rơi dọc ngang bất chợt, 
Chúa trong Thầy thầm thỉ  gọi  lời yêu ".


Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Câu chuyện 18

 HÃY COI CHỪNG

Một Linh mục thông báo rằng : "Đức Kitô sẽ đến giáo xứ vào ngày Chủ nhật tới", người ta đổ dồn đến để gặp Ngài. Mọi người mong chờ Chúa giảng, nhưng Ngài chỉ mỉm cười khi được giới thiệu và nói : "Xin chào !". Mọi người niềm nở mời Ngài ở lại đêm, đặc biệt là vị Linh mục, nhưng Ngài lịch sự từ chối. Ngài nói Ngài sẽ qua đêm trong nhà thờ. "Ngài đứng đắn làm sao !"- mọi người nghĩ như vậy.
Sáng hôm sau Chúa bỏ đi trước khi các cửa nhà thờ mở ra. Vị Linh mục và giáo dân kinh hoàng nhận ra nhà thờ bị phá hoại. Trên mọi bức tường đều có viết nguệch ngoạc mấy chữ "Hãy coi chừng". Không nơi nào trong nhà thờ được miễn : cửa lớn, cửa sổ, cột, bục giảng, bàn thờ, thậm chí cả Kinh Thánh nằm trên bục. ''Hãy coi chừng" được viết nguệch ngoạc bằng những ký tự lớn nhỏ, bằng bút chì, bút mực và đủ loại sơn có thể nhận ra. Bất kỳ nơi nào con mắt hướng đến, người ta cũng có thể thấy những chữ "Hãy coi chừng, hãy coi chừng, hãy coi chừng...".
Sốc, tức tối, bối rối, hứng khởi, kinh khiếp. Họ phải "coi chừng" cái gì ? Chẳng thấy nói, chỉ biết "Hãy coi chừng". Phản ứng đầu tiên của giáo dân là xóa cho sạch hết những tiếng bẩn thỉu, phạm thượng đó đi. Nhưng chợt nghĩ là chính Chúa Giêsu viết, họ mới thôi.
Dần dần cái câu bí nhiệm "Hãy coi chừng" đó cũng đã bắt đầu chìm vào tâm trí mỗi lần người ta đến nhà thờ. Họ bắt đầu coi chừng Thánh Kinh, vì thế họ có thể hưởng nhận lợi ích từ Thánh Kinh mà không rơi vào hình thức. Họ bắt đầu coi chừng các Bí tích, vì thế, họ được thánh hóa mà không trở nên mê tín. Linh mục bắt đầu coi chừng quyền hạn của mình trên giáo dân, vì thế Ngài có thể dẫn dắt mà không thống trị họ. Và mọi người bắt đầu coi chừng về cách sống đạo vốn dẫn người mê muội đến với sự công chính. Họ biết tuân giữ luật, dù vẫn động lòng trắc ẩn trước những người yếu đuối. Họ bắt đầu ý thức về việc cầu nguyện, nên nó không còn để họ cậy dựa vào sức mình nữa. Thậm chí họ bắt đầu ý thức về quan niệm của mình về Thiên Chúa vì thế họ có thể nhận ra Ngài bên ngoài những giới hạn hẹp hòi của nhà thờ.
Bây giờ họ đã ghi hàng chữ gây sốc đó ngay trên lối vào nhà thờ, và ban đêm khi bạn đi ngang qua, bạn có thể thấy nó rực sáng trong ánh đèn néon nhiều màu.

( Trích từ cuốn "Taking Flight" của Cha Anthony de Mello, câu chuyện số 116 trang 102 )



            Câu chuyện 19 :

            HY SINH ĐỂ CÁM ƠN CHÚA

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa:

Cô đẹp lắm! Cô hãy cảm ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:

-“Câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?

-“Cô biết Trại Cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?

-“Vâng! Con đọc báo có nghe đến!

-"Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ".

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đải viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp


( Trích từ cuốn "Chứng nhân Hy vọng" của ĐHY Nguyễn văn Thuận )




Câu chuyện 20 :


Ông chồng hỏi bà vợ : Ngày nào bà cũng đi nhà thờ cầu nguyện, thế bà có kiếm được những gì chưa ?

Bà vợ ôn tồn : Thường thì tui không kiếm được gì cả, nhưng nói đúng hơn là tui "mất đi nhiều thứ".

Và rồi bà vợ dẫn chứng ra một loạt những thứ mà bà bị mất đi qua việc cầu nguyện thường xuyên :

            Tui mất đi sự ngạo mạn.
            Tui mất đi sự kiêu căng.
            Tui mất đi lòng tham.
            Tui mất đi sự ham hố.
            Tui mất đi sự giận dữ.
            Tui mất đi sự dâm ô.
            Tui mất đi sự đam mê dối trá.
            Tui mất đi khuynh hướng phạm tội.
            Tui mất đi sự bất kiên nhẫn, sự tuyệt vọng và sự nản lòng.

    Đôi khi chúng ta cầu nguyện không phải là để đạt được một thứ gì đó, nhưng là để mất đi những thứ mà đã cản trở ta lớn lên trên đường thiêng liêng.



CHUYỆN VUI 21 :

Đề bài :
    1. Tại sao người ta lại phải đóng móng sắt vào chân ngựa ? - Vì chân ngựa không có móng sắt.
    2. Kiến thức là gì ? - Là kiến không ngủ.
    3. Napoleon chết trong trận chiến nào ? - Trận cuối cùng.
    4. Tuyên ngôn độc lập được ký ở đâu ? - Ở cuối trang.
    5. Nguyên nhân nào dẫn đến ly hôn ? - Vì kết hôn.
    6. Cái gì không ăn vào buổi sáng ? - Bữa trưa và bữa tối.

GV đã chấm, cho điểm 0 và có lời phê : "Không hiểu bài " !



Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Ý niệm mùa Thu

( Tặng những ai còn nhớ Tết Trung Thu )













Lại  viết  về  Thu, qua  mấy  Thu ?
Tìm trang nhật ký đọng sương mù
Nụ hôn đong mấy mùa thương nhớ
Chạm  khẽ  vành  môi  ai  nhẹ  ru ?

Đêm phố, làm anh chợt giật mình
Tùng dinh, mấy tiếng : cắc, tùng, dinh
Trống  lân  xen  lẫn  cù, đèn  rước...
Trẻ nhỏ trong phường chạy loanh quanh.

Mùa thu tung cánh diều bay bỗng,
Đêm xuống nàng trăng muốn hẹn hò
Trăng Thu phơi sáng, trời lồng lộng
Gió   mát   nô   đùa   vui   tuổi   thơ.

Mình lớn lên rồi cũng thấy thương,
Mùa Thu mang dáng dấp quê hương
Bắc, Trung, Nam...có mùa Thu ấy
Để  lại  cho  lòng  bao  vấn  vương.

Đi  xa,  mỗi  độ  mùa  Thu  đến
Mới  nhớ  ngày  xưa  đã  một  thời
Treo chiếc đèn lồng, thắp ngọn nến
Ăn quà, bánh kẹo, nghịch nhau chơi.

Những ngày đi kết nối yêu thương
Đến với vùng sâu, chốn miệt vườn :
Lũ nhỏ, dân nghèo trông tội nghiệp
Mặt mày nhếch nhác, ốm gầy xương.

Hình như phong tục của người Tàu,
Truyền bá dân mình bước theo sau
Dân tộc  lâu đời  còn  ảnh hưởng,
Trẻ   thơ   thì   có   biết   gì   đâu !

Ý niệm mùa Thu như quyện lấy,
Thời gian ôm mộng dệt sớm trưa
Em  thơ  đến  lớp  đưa  tay  vẫy,
Ánh nắng ban mai dọi cổng chùa.

Anh thấy mùa Thu cây rụng lá,
Trung Thu  là  dịp  để  đùa  vui
Chẳng có điều gì quan trọng cả,
Bằng Lời Thiên Chúa đọng trên môi.

P/s : Tết Trung Thu là một trong những lễ hội cổ truyền, được gọi là "Tết thiếu nhi". Đối với văn hóa Phật giáo, các chùa chiềng coi trọng vì đó là ngày rằm, nên họ có nghi thức dâng cúng lễ vật lên bàn thờ Phật. Ngày nay các Nhà thờ, Họ đạo, các Giáo xứ cũng tổ chức vui chơi và phát quà cho thiếu nhi trong ngày này, có nơi Cha Sở còn dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các em, khích lệ các em học tập và sống đạo. Phải chăng, đây chỉ là một nét văn hóa hội nhập, không nên quan trọng hóa vào sinh hoạt tôn giáo ?

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Chùm thơ 57

@ VỚI MỘT LINH MỤC

Chưa  biết  là  Cha  sẽ  đi  đâu,
"Bài  sai" sắp  tới  vẫn  còn  lâu
Mong sao Cha vững tâm bền chí
Đón nhận, tìm thiên ý nhiệm mầu.



@NGƯỜI CHIẾT CÂY TRỒNG

Nhà Thầy đất hẹp, thiếu chỗ trồng
Em chiết làm chi thêm mất công
Để  bóng  cây  đời  lên  rợp  mát,
Cho người ghé lại : nhớ, thầm mong.



ẨN DỤ

"Sách   vở   làm   gì   cho   buổi   ấy",
Ra   đi   để   lại   mộng   còn   thơm
Hương trầm lưu giữ không nhìn thấy
Tiếng   vọng   suy   tư   gọi   tâm  hồn.



NGƯỜI BÁN HÀNG RONG

Có  ai  đó  một  thời  oanh  liệt ?
Giờ bán buôn đi giữa phố thành
Chân nhẹ bước trên làn cỏ biếc,
Nghe  gió lùa  khi đã  sang canh.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Âm hưởng mùa Thu















Mùa Thu như đi ngang qua ngõ,
Thiếu nhi mừng đón Tết Trung Thu
Ánh vàng trăng soi nghiêng đầu phố
Trống lân chao động bóng đèn cù (*).

Chúa đi giữa trời Thu xanh thẳm,
Cánh đồng mùa gặt lúa vàng ươm
Đất Palestina vương vương màu nắng
Dòng sông kia uốn lượn miệt vườn.

Xin cho con chạm phải mùa Thu,
Nhìn thấy dáng dấp Chúa nhân từ
Nghe rõ âm thanh Lời Rao giảng,
Tình Ngài vang vọng tiếng Thiên thu.


(*)Đèn cù hay còn gọi là đèn kéo quân, một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Từ thực tế đời

Gần gần kèn đám ma,
Xa xa nhạc đám cưới
Đời có gì đâu vội,
Cứ thong thả để nhìn.
Ai kém cỏi đức tin,
Cũng thấy đời như thế
Kèn đám ma chí chóe
Nhạc đám cưới ồn ào
Toàn những chuyện thả phao
Con người bày đủ thứ
Họ cho là vinh dự,
Nhưng sự thật tầm thường
Hãy soi thẳng vào gương
Thấy mặt mày già cỗi,
Chứa chất đầy tội lỗi
Đâu có hãnh diện gì.
Đời thực tế mấy khi
Được hoàn toàn hạnh phúc
Niềm vui chưa kịp lúc,
Họa ập đến bất ngờ.
Đời đẹp tựa như mơ :
Nếu ta tìm thấy Chúa
Ngài ban ơn Cứu độ
Hạnh phúc mãi dâng trào.

JB.Sĩ Trọng.



HỌC TIẾNG PHẦN

- Hyvaa huomenta : Chào buổi sáng.
- .......... iltapaiva   : ------------ chiều.
- .......... paiva         : ------ngày tốt lành.
- .......... yota ( uê ta ): Chúc ngủ ngon.

- Nakemiin : Tạm biệt.

- Mita kuulu ? : Bạn khỏe không ?
  Hyvaa, Kiitos : Khỏe, cám ơn.
  Oikein hyvin : Rất khỏe.

-Enta sinulle ? : Còn bạn thì sao ?

- Hauska tavata : Rất vui được gặp bạn.
- Kiitos, samoin : Cám ơn, tôi cũng vậy.

- Kiitos : Cám ơn.
- Kiitos paljon : Cám ơn rất nhiều.
Eipa kesta / Ole hyvaa : Không có chi.

- Ei : Không  /   joo : Vâng ( Yes ).
- Kylla : Đúng.
- Hyvaa ruokaa : Thức ăn ngon.

- Mina Olen Vietnamista : Tôi từ VN đến. 
- ------------  Vietnamilainen : Tôi là người VN.
- ------------  Katolinen  : Tôi là người Công giáo.

- Tassa  on    tyttareni : Đây là con gái tôi.
- -----------    vaimoni : Đây là vợ tôi.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Chúa trong người khác và hai thứ bệnh

1.Chào Thiên Chúa trong anh em :
    Mỗi chúng ta đều có một bản ngã Tâm linh mà chúng ta không thể nhận biết được trên bình diện vật chất. Đó là con người thật, là Thiên Chúa, và là trạng thái chúng ta gọi là "Thiên Tính" hay "Thiên Chúa ngự bên trong".
Thế nên, mỗi khi bạn nhớ tưởng hay nhận biết sự hiện diện của Chúa bên trong - bên trong chính bạn hay bên trong bất cứ một người nào khác - thì tình trạng bên ngoài lập tức bắt đầu thay đổi, bắt đầu cải thiện, mức độ cải thiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lần bạn chào hay nhận biết Thiên Chúa bên trong và khả năng trình độ nhận thức của bạn. 
    Việc chào Thiên Chúa trong anh em chỉ tốn vài giây, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả lợi ích cho cả hai - người chào và đối tượng được chào.
    Chào Thiên Chúa trong anh em không nhất thiết phải mở miệng ra nói lời chào, nhưng nhìn Thiên Chúa hiện diện trong người khác và tỏ ra ngưỡng mộ Ngài, tôn trọng người khác và nhìn nhận người khác là anh em với mình. Tất cả mọi người cùng một Cha Trên Trời.
Khi bạn nghĩ một người nào đó vô cảm, một người nào đó cư xử không tốt, hay khi bạn nghe tin xấu về một người nào, hãy chào Thiên Chúa bên trong họ thay vì chấp nhận sự việc đó, không cần phải "sửa lưng" họ. Khi một tình trạng nào đó có vẽ không ổn, dù đó là một bộ phận trong công việc làm ăn, hay bất kỳ thứ gì, hãy nhìn thấy Thiên Chúa đang làm việc trong đó, và việc chào Thiên Chúa này sẽ hóa giải mọi vấn đề. Đức HY Fanxico Xavie Nguyễn văn Thuận tác giả tập sách "Đường hy vọng" nói rằng : "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng hãy cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian, để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay ở trần gian". Xây dựng Nước Thiên Chúa là đem lại hòa bình, niềm vui và hạnh phúc cho xã hội, cho cuộc đời. Biết chào Thiên Chúa trong anh em !
    Nếu có người làm bạn bất mãn, hãy im lặng chào Thiên Chúa bên trong người ấy và nói những gì bạn nghĩ là tốt nhất, và đừng chấp bất cứ một phát biểu phủ định nào. Nếu có ai chỉ trích phong cách của bạn, hãy chào Thiên Chúa trong kẻ ấy, đừng tiếp tục bàn cải về việc này, và dĩ nhiên cũng đừng nhắc đến nó nữa.
    Bạn càng chào Thiên Chúa trong những người khác nhiều chừng nào, thì bạn càng thấy Thiên Chúa hiện diện gần gũi và thân thương bên trong bạn chừng đó.

2.Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai :
    Bệnh nói nhiều là một thói quen mà con người ta khó sửa chữa. Khi gặp người đồng cảm người ta có thể nói và bộc lộ ra hết. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai là hai anh em ruột. Người nói nhiều không kềm hãm được, nên họ cũng tự khai ra thêm những chuyện mà người kia không hỏi hoặc không đề cập đến, tôi thường gọi đùa là "chưa đánh đã khai".Cũng vì căn bệnh nói nhiều của nhiều người thường mắc phải nên Chúa Giêsu đã khẳng định : "Không có việc gì dấu kín mà khỏi bị lộ ra"( Lc 12,2 ) - Thời xưa cũng như thời nay, người nói nhiều không dấu kín được những điều cần dấu kín, có khi đó là chuyện riêng tư hoặc là chuyện cần giải quyết trong nội bộ gia đình. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai, nếu không khắc phục được sẽ gây tổn hại cho đời sống tâm linh rất nhiều. Tội nghiệp thay, người nói nhiều thường có thái độ cực đoan, độc đoán; họ nói nhiều mà cứ tưởng nói ít, họ không chịu lắng nghe ý kiến của người thân, đôi khi người thân chỉ nói vài câu họ đã vội cắt ngang kết tội cho là nói nhiều.
    Đã biết chào Thiên Chúa trong người khác rồi thì không nên nói nhiều. Khi nói nhiều và tự mình không dấu kín được điều gì thì đời sống nội tâm trở nên nông cạn đi. Người nói nhiều, tuy nói nhiều nhưng vẫn nhẹ dạ, dễ bị người khác giật dây, thiếu khôn ngoan và cẩn trọng. Phải có bản lĩnh, đừng để bị kẻ khác giật dây vì có những việc làm không đúng kẻ khác tìm cách thuyết phục, ta cứ tưởng là đúng, sau đó đi theo con đường của họ. Chưa nói đến gặp người tâm lý hơi khéo một chút và có tính hay tò mò, thích tìm hiểu chuyện người khác, lúc ấy bạn sẽ khai toạc ra hết, khai ra tất cả mọi sự, như thế thì bạn chẳng khôn ngoan gì, vì bạn đang bị người ta đánh lừa, người ta khai thác bạn - Người ta sẽ hiểu được toàn bộ con người bạn mà chưa chắc họ đã giúp được gì cho bạn, có khi còn xúi quẩy những chuyện bất lợi bạn không kịp nhận ra, chưa kể là bị ma quỷ tấn công làm mất đức tin vì mình quá nhẹ dạ dễ tin vào người khác, mà người khác là người hoàn toàn khác chính kiến địa vị và quan niệm sống với mình. Ở VN cứ 3 người, có thể có 2 người là Dư luận viên ( tức người của Nhà nước ) - Một tài xế từng phục vụ trong quân đội, sau khi xuất ngũ đã cho biết như vậy.
    Ta biết rằng Chúa Giêsu khi chịu cám dỗ, Ngài đã chiến thắng, ma quỷ đành rút lui nhưng vẫn chờ cơ hội khác ( x Mt 4,1-11 v Mc 1,12-13 v Lc 4,1-13 ).
    Ở đời trăm ngàn cám dỗ, bệnh nói nhiều là một cám dỗ. Có khi người nói nhiều không biết chán, họ cứ say sưa nói chuyện này qua chuyện khác, mà người nghe thì thấy mệt mỏi chán chường. Đôi khi vì một câu chuyện mà tài xế phải lạc đường, phải dùng điện thoại để định vị lại, mặc dù trước đây con đường đó đã đi qua nhiều lần rất quen thuộc. Người nghe vì tế nhị nên phải nghe, chưa chắc họ đã thích thú. Cũng có khi vì can giờ, thúc hối, mà tài xế chạy nhanh, chạy ẩu, rất nguy hiểm. Chúa Giêsu đi Rao giảng, nhưng Ngài không nói nhiều, đa số những dụ ngôn của Chúa thường ngắn gọn và dễ hiểu. Chúa rao giảng bằng chính con người thật của Ngài, bằng chính đời sống và hành động của Ngài, Chúa trà trộn trong dân chúng. Chúa cũng tôn trọng quyền riêng tư và tự do của người khác nên đứng trước dân chúng Ngài thường bảo : "Ai có tai thì nghe"; mặc dù đó là những thông điệp tâm linh, nhưng nghe hay không là quyền của họ, Chúa tôn trọng họ. Chúa rao giảng Lời theo ý muốn của Chúa Cha.
    Nói nhiều thường dễ bị hao tổn khí lực, có hại cho sức khỏe vì khi nói nhiều phải hao hơi nhiều, phải lo âu nhiều; lo nhiều thường dễ bị mất ngủ, từ đó kéo theo những căn bệnh tệ hại khác như viêm họng, lao phổi hoặc chứng trầm uất. Có người cho rằng nói nhiều thường được giải tỏa tâm lý và làm cho mình được khuây khỏa, vơi đi nỗi buồn. Tuy nhiên, nói nhiều đôi khi còn gây tổn thương người khác làm người khác xao xuyến, bất an... nên ta cũng cần cẩn trọng trước khi nói ra một vấn đề nào đó. Dĩ nhiên, nói mà làm cho người ta vui, động viên an ủi được người ta... thì đó là điều tốt. Tránh tình trạng hấp thụ kiến thức từ Internet rồi giảng lại cho người khác, vì thông tin Internet chưa hẳn đã hoàn toàn đúng ( có lần BS Phan Tiêu Thu - bạn thân - cũng đã chia sẻ; BS Nguyễn Lê Tường Quyên thuộc phòng khám Đa khoa Sài Gòn LK cũng nói như vậy ). Mỗi người chúng ta thường có thói quen làm như thế. Mạng xã hội ngày nay là một phương tiện mở rộng, đa số ai cũng tiếp cận. Nên tự chọn lọc và tự học cho bản thân mình thôi cũng được rồi.



    Đời người ai cũng thế, với những năm tháng đầu đời tập nói để rồi ta biết tập im lặng cả đời, im lặng là một sự khôn ngoan chứ không phải nhu nhược. Nói chuyện là bản năng, giữ miệng là tu dưỡng, im lặng là trí tuệ. Ước gì chúng ta ý thức được không nên nói nhiều, nên kiệm lời, nói ít và chỉ nói đúng nơi đúng lúc khi cần thiết, đừng ép buộc người khác nghe. Tránh những điều ta nói cho "sướng miệng" mà không nghĩ đến hậu quả. Tránh những điều khi một người nào đó hỏi chuyện một người khác mà ta lại dành ta trả lời, không cho người khác trả lời. Hãy cố gắng nói với lưu lượng vừa phải, làm sao cho người khác lắng nghe và thích nghe, vấn đề này còn bảo đảm cho sức khỏe bản thân mình nữa, vì mỗi người đều được lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa tự đáy lòng và sự hiện diện của Ngài trong tâm khảm.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong người khác, biết chào Thiên Chúa trong họ. Xin cho con biết nói và nói đúng nơi, đúng lúc để Tin Mừng Chúa được lan tỏa.
    Lạy Chúa, xin cho con cũng biết im lặng để Tình yêu Chúa được thẳm sâu trong con, từ đó con biết nghe Lời Chúa dạy và sống đẹp lòng Ngài.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Tản mạn trăng

TRĂNG DIỄM LỆ

Tà   áo   em   bay   gói   cả   trăng,
Không gian huyền bí vượt đất bằng
Núi  rừng  diễm  lệ  trăng  bao  phủ,
Tắm  ướt   hồn  anh   hơn   giá  băng.



GIẢ VỜ VỚI TRĂNG

Đêm qua anh tỉnh mộng tình cờ,
Gặp  phải  trăng  vào  gọi  ý  thơ
Trăng hỏi : Sao giờ mà chưa ngủ ?
Anh  cười,  anh  giả  bộ  làm  ngơ.



UỐNG TRÀ DƯỚI TRĂNG

Ta   rót   cho   trăng   trộn   với   trà,
Uống vào trăng chẳng có đường ra
Trà thơm, trăng đọng hương ngọt hậu
Vũ   trụ   giao   hòa : Trăng   với   ta.

















KÉO TRĂNG

Anh  kéo  vầng  trăng  đi  lất  lay,
Băng qua thôn dã, dưới tầng mây
Có trăng làm bạn anh không chán
Trút   hết    lo   âu    cõi    thế   này.



TRĂNG MAĐAGUI

Nơi đây cảnh vật bình yên,
Đồi cao sương lạnh, trăng lên đỉnh trời
Nhà  sàn  mái  lợp  chia  đôi,
Nhìn trăng, trăng khéo mỉm cười làm duyên.

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Nơi gió ngàn yêu

Trăng bao phủ núi rừng sơn cước
Mà tình anh đứng lại nơi này
Nhiều cảm xúc đố ai biết được,
Trong  gũi gần  làm áng  thơ  bay.

Thuở ấy quen em thật lạ lùng,
Nhìn trời, nhìn đất vẻ bao dung
Em không thể hiểu anh gì hết,
Chỉ  thấy  nao  nao  tận  đáy  lòng.

Hồn  anh  như  gió  mùa  thu  tới,
Chạm phải mây trời giữa mênh mông
Em thương, nên cứ mong chờ đợi
Neo  bến  thuyền  xa,  cập  bến  gần.

Trăng lên, hôn đỉnh trời vô tận
Nghe gió ngàn ru núi điệp trùng
Vội  vã  đi  vào  đêm  tĩnh  mộng,
Hòa cùng âm hưởng gọi thời gian.

Trăng bao phủ cả miền sơn cước
Tình  anh đây  lưu  lại  chốn  này
Nhiều cảm xúc giờ anh hiểu được
Nơi   gũi   gần    tà   áo   em   bay.

JB.Sĩ Trọng.