Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Nhớ Mẹ

Thương nhớ Mẹ âm thầm con chịu đựng
Nhớ Mẹ nhiều con chẳng nói năng chi
Tim đau nhói những khi lòng thổn thức,
Mẹ   đâu   rồi,   con   vẫn   ở   nơi   ni ?

Con   sẽ   về   thăm   Mẹ   mà   thôi,
Tháng Chạp trời mưa lạnh nữa rồi
Ở  miền  Nam  bốn  mùa  nắng  ấm,
Mà  lòng  con  vẫn  thấy  không  vui.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Lời Chúa quyền năng và mầu nhiệm mặc khải

 "Một  cuốn  sách  đời  cứ  lật  mãi,
Trang nào cũng thấm đẫm đau thương
Nhờ trang Kinh Thánh khi chuyển tải,
Ánh  sáng  rọi  soi  mọi  nẻo  đường."

Có một người bạn đến nhà chơi, xem qua các kệ sách, đã nói với tôi rằng : Em đọc hết Tân ước rồi, xin thầy cho em mượn cuốn Cựu ước ?
Tôi đồng ý cho anh ta mượn cuốn Thánh Kinh Cựu ước, nhưng tôi nghĩ : Thật tội nghiệp cho anh ta vì anh ta "đọc hết rồi" ! Thánh Kinh mà "đọc hết rồi" thì xem như không đọc, vì "đọc hết rồi" chắc gì đã hiểu hết rồi !. Thêm vào đó, đọc Thánh Kinh hằng ngày ta càng khám phá ra những điều mới lạ. Đọc Thánh Kinh mà ''đọc hết rồi" tức là không thèm đọc lại nữa hay sao ? Đọc Thánh Kinh thì hoàn toàn khác với đọc các loại sách truyện ở đời. Lời Chúa linh ứng theo từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng điều kiện khác nhau, không bị méo mó đi nhưng luôn là một sự mới mẻ, nên Thánh Kinh đã đọc rồi thì cần phải đọc lại, cần phải đọc đi đọc lại nhiều hơn, càng đọc nhiều lần thì càng tốt.
 
1.Cảm nhận và cảm tính :
    Chúa Giêsu ( GS ) là nhà Sư phạm lỗi lạc, Lời Ngài mang ý nghĩa giáo huấn rất lớn. Cả hai tác giả Tin mừng Matthêu và Luca đều ghi lại lời Chúa GS rao giảng : "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ?"( Mt 7,3 v Lc 6,42 ). Ngày nay có người đặt vấn đề "Sao Chúa không nói đến cây cột mà lại nói đến cây xà ?" Lối nói phóng đại của Chúa GS là một sự trào lộng, hóm hỉnh. Chúa GS dùng hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài, đó là hình ảnh cái rác nhỏ như bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình - Một cái thì thật bé, một cái thì to và dài khó lòng ở trong mắt được, chỉ có nằm ngang bên ngoài và che luôn cả hai mắt. Ý Chúa muốn diễn tả sự tối tăm từ bên trong của tâm hồn : Người ta chỉ muốn nghiêm khắc phán xét người khác mà không nghiêm khắc với chính bản thân mình, thấy từng lỗi nhỏ của anh em mà không thấy lỗi lớn của mình. Xem một số tư liệu hình ảnh nhà ở Palestine thời đó họ không làm cột, thường có nóc bằng phẳng, có cầu thang bên ngoài để leo lên. Nóc nhà gồm những cây xà thẳng, đặt từ vách này sang vách kia, mỗi cây cách nhau khoảng một mét. Cây xà là hình ảnh thông dụng nhất có thể đập vào mắt người ta, Chúa GS thấy được điều quen thuộc đó nên Ngài đã sử dụng trong cách diễn đạt của mình. Mặc khác, Chúa GS còn muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do Thái thời Ngài, chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta ngày nay. Chúa GS có ý muốn nói rằng : Muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải biết điều mình hướng dẫn, điều mình dạy trước, vì "mù dắt mù cả hai cùng rớt xuống hố"( Lc 6,39 ). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình.
    Ơn Chúa soi sáng cho mỗi người, có khi một câu Lời Chúa bình thường thôi nhưng chứa đựng kiến thức thần học rất lớn. Chẳng hạn như : "Ai có lại có thêm, ai không có bị dấu luôn điều họ tưởng là có''( Lc 8,18 ) hoặc : "Khi hạt đã chín, người ta liền tra lưỡi hái vào, vì mùa gặt đã đến"( Mc 4,29 ) hoặc : "Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ" ( Jn 4,36 )...Những câu này hiểu nghĩa đen cũng đúng, mà hiểu nghĩa rộng thì lại càng phong phú. Gía trị là ở chỗ đó, chứ không phải chỉ thấy cuộc đời đau khổ, liên hệ qua Kinh Sách để đồng cảm với chính mình là đủ. Sự đau khổ duy nhất mà mỗi người có thể đối phó là tư tưởng đau khổ trong chính thâm tâm của họ. Chỉ đồng cảm thôi cũng chưa giải phóng mình được. Điều này đạo Phật họ thường chỉ có liên hệ như thế. Riêng đạo Công giáo, người tín hữu thấy vui vì có thể hiểu cả nghĩa đen, nghĩa bóng đều đúng và cần hiểu thêm cả những giá trị thần học, giá trị của ơn cứu độ. Dân ngoại thì không thể hiểu được - Đúng như lời Chúa Giêsu đã phán : "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn với kẻ khác thì đôi khi họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu"( Lc 8,10 )
    Một đồng nghiệp ở cạnh nhà, có lần tâm sự với tôi rằng : "Này ông Sĩ ơi, xem trên mạng nhiều nhưng sao tôi nhận thấy mấy vị sư chùa bên Phật giáo giảng có vẽ dễ hiểu, còn các Cha của mình giảng sao khó hiểu, cao siêu quá !". Tôi trả lời cho anh ta : "Thật đáng tiếc cho anh, tại vì anh ít đọc Kinh Thánh. Anh thường xuyên đọc Kinh Thánh thì Ơn Chúa sẽ cho anh hiểu. Nếu như có những điều không hiểu thì điều đó cũng thú vị hơn những điều mà anh cho rằng dễ hiểu, những điều quá dễ hiểu thì cần gì phải nói nữa. Phật giáo họ chỉ thấy cái đau khổ cuộc đời, rồi họ dễ đồng cảm thôi, họ an ủi vì phù hợp với cảnh ngộ, chứ họ đâu có thấy được giá trị của ơn Cứu độ mà chính Đức Giêsu phải đổ máu ra hay sự buông bỏ, thiền định, quy hướng về Thượng Đế mà Đức Thích Ca đã đạt được. Ngoài giá trị tự nhiên, Kytô giáo còn hiểu một giá trị thần học làm cho cuộc sống trở nên vui vẻ lạc quan, đầy hy vọng; không u ám, ảm đạm như một số tín hữu Phật giáo". Cuộc đời đau khổ ai mà không biết, nếu chỉ nói đau khổ không thôi thì quá đơn điệu ! Hiếu thảo với cha mẹ ai mà không hay, nếu chỉ nói về lòng hiếu thảo thôi thì cũng quá đơn điệu ! Một nhà sư Phật giáo khi đến tụng kinh cho một người mới qua đời, trong lời kinh có ý muốn giáo dục con cháu trong gia đình nên nhà sư đọc lên những câu ca dao : "Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" hoặc:"Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ / Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha"...nghe có vẽ sáo và đơn điệu làm sao ! (Nói vậy có người cho tôi là bất hiếu chăng ? )

                      Chiều đi đám cưới, tối đám ma
                      Thăm hỏi người ta đến tận nhà
                      Cứ nghĩ kiếp người là như thế,
                      Lúc   gần,   rồi   lại   có  lúc  xa.

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết : "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu.Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". Rất tiếc là Nhạc sĩ họ Trịnh đã không thấy được Đức Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá ! Nhạc sĩ họ Trịnh thấy cây thập giá đời nhưng ông ta không thấy được Đấng bị chết treo trên ấy.

    Nếu chúng ta không có đôi chút hiểu biết về đời sống tâm linh, cuộc đời chúng ta không bao giờ thật sự là an toàn. Tất cả những vấn đề phức tạp, đau khổ của đời sống bắt nguồn từ sự thiếu vắng cái cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa.

2.Lời Chúa quyền năng :
    Tại sao lúc Chúa GS chịu cám dỗ, ma quỷ dùng Lời Chúa để nói : "Có lời chép rằng..." Chúa GS cũng dùng Lời Chúa để đối đáp lại : "Có lời chép rằng..." Kết cục Chúa GS thắng, ma quỷ phải chịu thua ? Một thầy giáo dạy môn Ngữ văn có học vị Cao học đã cho rằng đó là nghệ thuật giao tiếp, vế sau bao giờ cũng mạnh hơn vế trước. Riêng cá nhân tôi, tôi không nghĩ vậy, tôi cho rằng Lời Chúa là Lời quyền năng, Thiên Chúa trực tiếp tuyên phán làm cho ma quỷ phải khiếp sợ ! 
    Đọc Thánh Kinh ta thấy Lời Chúa quyền năng. Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhưng Lời Chúa cũng là Lời quyền năng - Thiên Chúa tỏ rõ uy quyền của mình qua những lời mà Ngài đã phán dạy. Chúa Giêsu dùng uy quyền để giảng dạy. Đúng như vậy, vì Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngôi Lời ở giữa thế gian đầy ơn trọng và lẽ thật ( Jn 1,14b ), do đó Ngài giảng với tất cả uy quyền của Chúa Cha đã sai Ngài đến. Chúa Giêsu bảo : "Ai có tai hãy nghe"( câu này được lặp lại nhiều lần trong quá trình rao giảng), không nghe thì thôi, chẳng bắt buộc gì. Uy quyền ở đây không phải là bắt ép người ta hiểu, nhưng là quyền năng phán ra làm cho ma quỷ phải khiếp sợ, và quyền năng có thể hoán cải được tâm hồn người khác; kích thích lòng mến, sự hăng say cho họ, kèm theo với sự ăn năn sám hối của họ. Khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan, thì sau đó Ngài công khai rao giảng. Giáo huấn của Chúa Giêsu đem lại sự giải thoát cho con người, lâu nay con người bị ràng buộc biết bao tục lệ ăn sâu vào não trạng, làm cho họ không được tự do thoải mái. Sau này khi đi Rao giảng, có lần Chúa Giêsu nói rõ ràng : "Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jérusalem...Nhưng giờ đã đến, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế"( x Jn 4,21-24 ). Người Việt Nam ảnh hưởng bởi một nền văn hóa lâu đời của cha ông bị giặc Tàu ngàn năm đô hộ, nên đến hôm nay có một số người vẫn còn kiên cử nhiều thứ. 
    Cũng có những cảnh ngộ Chúa Giêsu dùng quyền năng để làm phép lạ và Ngài cũng nói lên lời ủi an, chẳng hạn Chúa Giêsu làm cho con trai thiếu phụ thành Naim sống lại và Ngài bảo người thiếu phụ "Đừng khóc nữa !".

    Chúa Giêsu làm phép lạ trừ quỷ, chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền trên quỷ dữ. Phép lạ Chúa Giêsu làm gây sự kinh ngạc nơi dân chúng, ngược lại, những kẻ chống đối Chúa thì chất vấn Ngài : "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?", ma quỷ thì tỏ ra khiếp sợ thật sự : "Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?"( Mc 1,24 ). Chúa Giêsu không tiêu diệt ma quỷ, Ngài chỉ xua đuổi ma quỷ mà thôi. Và hình như thế gian này là nơi để phạt cầm ma quỷ, nên thế lực ma quỷ ngày mỗi mạnh hơn. Hình như ma quỷ đang nổi loạn và tìm cách quấy phá Giáo Hội (!) Ta hãy nghe lời của ma quỷ được Kinh Thánh ghi lại trong cuộc cám dỗ với Chúa Giêsu : "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý"( Lc 4,6 v Mt 4,8-9 ). Ngon chưa, ghê gớm chưa, "quyền ấy được trao cho tôi" - ma quỷ nói - chúng chứng tỏ quyền lực ở thế gian, chúng ra sức tung hoành và hiếu chiến; đạo nào tôn thờ chúng nó thì đạo ấy chính là nơi ẩn náu của chúng nó. Ma quỷ cũng thuộc Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh để đối đáp( x Mt 4,6 v Lc 4,10-11 ). Chúa Giêsu hoàn toàn cự tuyệt với ma quỷ và Ngài tuyên bố "Nước của Ta không phải thuộc về thế gian"( Jn 18,36 ). Chúa Giêsu cũng dùng Kinh Thánh để đập lại : "Có lời chép rằng" - lời này được lặp lại 3 lần ( x Mt 4,1-11 v Lc 4,1-13 ). Và quả thật, chỉ có Lời Chúa mới làm cho ma quỷ khiếp sợ. Nếu ta bị cám dỗ mà ta cố giảm cũng không được, điều quan trọng là ta biết cách chiến đấu. Chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu. Chiến đấu không ngừng, vì có bao giờ ma quỷ nó chịu thua đâu, nó luôn tìm cơ hội. Khi thất bại ở cơ hội này thì nó chờ cơ hội khác để tiếp tục cám dỗ ( Lc 4,13 ). Ngày nay, nhiều người sống dựa vào vinh hoa lợi lộc thế gian mà quên mất giá trị đời sống vĩnh cửu, họ tự đánh mất giá trị của chính mình, họ là kẻ chú tâm vào những việc bề ngoài mà bỏ bê sự phát triển tâm linh của chính mình, họ tự cho rằng không có thời gian để cầu nguyện, để đọc Kinh Thánh nên họ đã tốn rất nhiều thời gian cho bệnh tật và những nỗi lo lắng muộn phiền khác.
    Ở đời, có người biết rõ Chúa Giêsu là ai rồi, nhưng có khi họ lại không phục tùng Ngài. Điều này cũng dễ hiểu thôi, không khác gì những người Do Thái xưa, họ biết Chúa Giêsu là ai rồi nhưng họ vẫn cứ thắc mắc, có khi họ ưa đưa ra những lý do để cật vấn : "Hãy nói cho chúng tôi, bởi quyền phép nào mà Thầy làm những điều này, hay là ai đã ban cho Thầy quyền phép ấy ?"( Lc 20,2 ).
    Chúa Giêsu khi gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, lúc đầu người phụ nữ ấy chỉ tưởng Ngài là Đấng Tiên tri, nhưng sau đó qua cuộc đối thoại, bà ta nhận ra Ngài là Đấng Méssia, và Lời Chúa quyền năng đã biến đổi bà thành phụ nữ thừa sai đầu tiên đi vào làng mạc để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (x Jn 4,1-42 ).

    Tác giả sách "Xuất hành" cho biết khi Môi sê được Thiên Chúa tỏ cho ông biết sự tốt lành của Người thì ông lấy khăn che mặt và Môi sê không dám nhìn Chúa ( Xh 3,6 ). Thánh Vịnh lại đặt câu hỏi : "Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ nơi nhà Chúa ?", câu trả lời : "Chính là người sống thanh liêm và thực thi công chính...Người không làm điều gì ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục ai lân cận" ( Tv 15 ).Do vậy, ta không thể đến với Chúa nếu như ta không tỏ lòng thần phục và kính sợ Người, hay những việc làm của ta không có sự ngay thẳng, công bằng.

3.Mầu nhiệm mặc khải :
    Nói gì thì nói, tôi vẫn thấy lòng kính sợ Chúa là một ơn đặc biệt Chúa ban cho, chứ không phải là ai cũng biết kính sợ Chúa cả đâu. Kính sợ Chúa chứ không phải là kính sợ ma quỷ, đừng thấy những dấu hiệu kỳ lạ của ma quỷ làm mà vội tin theo rồi thờ lạy và kính sợ nó. Người biết kính sợ Chúa thì họ cảm nghiệm : Kính sợ Chúa là nguồn của mọi tri thức, mọi hiểu biết, từ đó họ đánh bạt đi những phép mầu ma quỷ đưa ra để cám dỗ.Vì chính Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ muôn loài; ngay cả Ngôi Lời cũng thế, Ngài thể hiện quyền năng rất rõ, Thánh Gioan Tông đồ đã viết : "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành"( Jn 1,3 v Cl 1,16 ). Trong Cựu ước, "Sáng thế" cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ "Thiên Chúa phán", và dần dần mọi vật xuất hiện. Thiên Chúa phán chính là Ngôi Lời, được mặc khải, được tỏ lộ ra cho loài người dễ nhận biết (x Sáng thế, chương 1). Thuở ban đầu ấy, khi vạn vật chưa được tạo thành thì "Thần Khí Thiên Chúa lượn là trên mặt nước" -  Ở đâu có nước thì ở đó có sự sống cơ mà ! Thánh Thần đang vận hành để vạn vật được tạo thành, để sự sống được sinh sôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi giúp ta nhận biết cả Ba Ngôi đều có từ thuở đời đời, quyền năng như nhau, chứ không ngôi nào  hơn ngôi nào, không ngôi nào có trước có sau. Ngày nay, khi nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, phải nói về quyền năng Thiên Chúa vì đó là một mầu nhiệm mặc khải. Chỉ nhìn nhận, đón nhận chân lý ấy chứ không cần phải cắt nghĩa gì cả. Ngôn ngữ loài người rất hạn chế làm sao cắt nghĩa được một mầu nhiệm, càng cắt nghĩa càng lúng túng, càng dễ bị xúc phạm. 
Quyền năng từ Lời được mặc khải qua các biến cố :
     1. Chúa Giê su chịu phép Rửa ở sông Giodan( x Mt 3,13-17 v Mc 1,12-13 v Lc 4,1-13 )
     2. Chúa biến hình trên núi Tabore( x Mt 17,1-8 v Mc 9,2-8 v Lc 9,28-36 )
     3. Chúa ban huấn lệnh cuối cùng cho các Môn đệ ( x Mt 28,16-20 ).

    Biến cố nào cũng có Lời phán, hai biến cố đầu có tiếng Chúa Cha phán, biến cố cuối cùng chính Chúa Giêsu Ngôi Lời phán : "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, Rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"( Mt 28,19 ). Cả ba biến cố đều xuất hiện ánh sáng lưu ly, tỏa ngợp, chan chứa vẻ đẹp Thánh Linh. 
Lời Chúa quyền năng đã biến nước lã thành rượu ngon, biến bánh rượu thành Mình và Máu của Chúa nuôi sống nhân loại cho đến ngày hôm nay.
    Thiết tưởng cũng nên nhắc lại : Chúa Ba Ngôi được mặc khải qua Cựu ước. Ngay những câu đầu sách Sáng Thế nói rõ : "Thuở ban đầu Thiên Chúa dựng nên trời và đất, mặt đất hoang vu trống rỗng, Thần Khí Thiên Chúa lượn là trên mặt nước, Thiên Chúa phán ( Ngôi Lời ) :..."( dần dần các tạo vật xuất hiện ). Kinh "Sáng danh" Giáo Hội truyền dạy cũng bắt nguồn từ Cựu ước, cũng tuyên xưng được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
    Thiên Chúa mặc khải - vì Chúa yêu thương con người nên Chúa mới mặc khải. Sự tỏ lộ dung nhan, diện mạo của Chúa như là một mặc khải cuối cùng mà Chúa cần phải đạt được. Có dung nhan, diện mạo nào bằng dung nhan diện mạo Chúa Kitô phải chết treo trên thập tự giá, nhưng qua đó Thiên Chúa tỏ lộ sự phục sinh như phép lạ biến hình trên núi Taboré - tỏ lộ sự sáng láng, vinh quang của Đức Chúa Cha.
    Mặc khải - Có những điều chúng ta không biết, nhờ Chúa mặc khải thì ta mới hiểu, khai phá sự bí nhiệm trong mầu nhiệm. Ơn Chúa mãi không ngừng cho ta lòng tin và sự trung thành, Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Ngài qua các diễn biến thời đại, nhờ Lời Chúa tác động con người đọc ra được dấu chỉ của Ngài. Lời Chúa quyền năng và mầu nhiệm mặc khải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu có mầu nhiệm mặc khải mà không có Lời Chúa quyền năng thì chưa chắc gì ta đã thấu hiểu để đón nhận và yêu mến - đây cũng là tác động của Chúa Thánh Thần.
    Viết Blog thật là thú vị, những sai sót từ ngữ ta có thể chữa được. Ta còn có thêm những đóng góp của người đọc, lắng nghe để học hỏi và sửa sai. Những gì chưa hoàn thiện, ta có thể làm cho nó hoàn thiện hơn, ngay cả việc tra từ và tìm xuất xứ của từng câu Kinh Thánh cũng vậy. Suy tư thì thoải mái, cứ nghĩ, cứ viết tha hồ, chẳng ai cấm cản hoặc bắt buộc mình điều gì. Ta thật sự làm người tự do.

4.Kết và lời nguyện :
    Tôi biết có người nói rằng lúc nào nhà họ cũng có một cuốn Kinh Thánh, thế nhưng ít khi họ mở ra đọc. Người ta đọc rất nhiều sách báo mạng, báo xã hội, nhưng quên mất cuốn sách quan trọng và thú vị nhất - đó là Thánh Kinh. Người ta lãng phí cuộc đời và năng lượng của họ vào vô số những thứ nhảm nhí, nhưng lại lơ là đối với điều duy nhất thật sự quan trọng - tìm thấy Thiên Chúa. Từ nguồn Thánh Kinh, thư của Phaolô gởi Timôthê đã tiên báo : "Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường."( 2 Tm 4,3-4 ).

    Lạy Chúa quyền năng, xin Ngài dùng Lời quyền năng của Ngài để ban cho chúng con ơn khôn ngoan, sức khỏe và sự hiểu biết.
Lạy Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xin cho lòng dạ chúng con đừng trở nên khô khan, chai cứng để biết đón nhận Lời Chúa quyền năng. Từ đó chúng con có sức mạnh, sự biến đổi kỳ diệu, khiến chúng con trở nên đam mê Lời Chúa và khám phá ra những Chân lý Chúa muốn nói với chúng con, những thông điệp Chúa muốn gởi đến cho chúng con để chúng con vui sống, xem đó là chất liệu của tâm hồn và chúng con luôn luôn tận dụng thời gian để suy tư, tìm kiếm - Rồi Chúa lại đến với chúng con như một niềm ủi an vô hạn. "Xin Chúa hãy nói, bởi Tôi Tớ Ngài đang lắng tai nghe"( Tv 32 ). A-men !

JB.SĨ TRỌNG.

Chùm thơ 46

ĐỔI MỚI

Sinh lại từng ngày, ngày sinh lại
Mắt quen mở rộng ngút tầm nhìn
Con  tim   ân  ái   giao   hòa  mãi
Thức  tỉnh   đi  tìm   lửa   đức  tin.




TOÁN HỌC

Trong toán học có con đường rất đẹp,
Nếu  ta  đi  đến  kết  quả  cuối  cùng
Là  đáp  số  một  cuộc đời  đã  khép,
Nhờ tấm lòng luôn quãng đại bao dung.



LUẬT SINH TỒN

Con ong đẻ trứng cũng thành sâu,
Chẳng phải chỉ là con bướm đâu
Trái mỡn ong chích thành thối ruột
Bướm vờn  đẻ trứng  đậu  cành lâu.



TỰ CHỦ

Tự mình vỗ cánh mà bay,
Không gian thoáng rộng dù ngày hay đêm
Lắng nghe câu nói dịu êm,
Mà  Ngài   đã  phán   bên  thềm   năm  xưa(*).

(*)"Hãy tỉnh thức và cầu nguyện".( x Lc 21,36 v Mt 24,42 )

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Định mệnh yêu thương

Yêu thương là định mệnh thật sự của chúng ta. Một mình chúng ta không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống - chúng ta tìm thấy nó cùng với người khác. Chúng ta không khám phá bí ẩn của cuộc đời chúng ta chỉ bằng cách nghiền ngẫm và tính toán trong suy tư đơn độc. Ý nghĩa cuộc sống chúng ta là một bí ẩn phải được bộc lộ cho chúng ta trong tình yêu, bởi người mà chúng ta yêu. Và nếu tình yêu này là không thực, bí ẩn sẽ không được khám phá, ý nghĩa sẽ không được phơi bày, thông điệp sẽ không được giải mã. Cùng lắm là chúng ta chỉ nhận được một thông điệp rời rạc và bị mã hóa, cái thông điệp sẽ đánh lừa chúng ta và làm chúng ta bối rối. Chúng ta sẽ không bao giờ sống thật sự trọn vẹn cho đến khi trao mình cho tình yêu - với người khác hoặc với Thiên Chúa.
*
Love is our true destiny. We do not find the meaning of life by ourselves alone – we find it with another. We do not discover the secret of our lives merely by study and calculation in our own isolated meditations. The meaning of our life is a secret that has to be revealed to us in love, by the one we love. And if this love is unreal, the secret will not be found, the meaning will never reveal itself, the message will never be decoded. At best, we will receive a scrambled and partial message, one that will deceive and confuse us. We will never be fully real until we let ourselves fall in love – either with another human person or with God.

 (Thomas Merton, From “Love and Living”)

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Mưa Huế



















Có  gì  đẹp  bằng  trời  mưa  Huế,
Thành phố nghiêng mình soi đáy sông
Đông  Ba,  Gia  Hội  nhìn  Diệu Đế
Trống gác lầu chuông đứng chạnh lòng.

Xuyên suốt mưa : đường Trần Hưng Đạo

Rẽ   vào   Đại  Nội   ngắm   hồ  sen
Văn Lâu  chìm  lặng  trong  huyền  ảo,
Gió   lạnh    Ngọ  Môn    lấp   lánh   đèn.

Tràng Tiền  mưa phủ trắng  đôi bờ,
Lặng   lẽ   tìm   em   giữa   Cố   đô
Khói thở sông Hương sương mờ mịt
Mưa  từ  An  Cựu  xuống  Lăng  Cô.

Lê  Lợi  hai  hàng  cây  long  não,
Đắm mình tóc xỏa dưới cơn mưa
Tình  nhân  hẹn  hò,  mưa  ướt  áo
Nhắc  nhớ   về   em,  kỉ  niệm   xưa.

Lai láng những ngày Đông của Huế,
Dầm dề không ngớt những cơn mưa
Vài chiếc xích lô đường Nguyễn Huệ
Dập   dìu  qua   phố  lúc  người  thưa.

Vẻ  đẹp  Huế - Mưa trên tháp cổ :
Từ Đàm, Từ Hiếu...lịm trong mưa
Mưa vây kín tháp chùa Thiên Mụ,
Bên dưới con thuyền nhẹ lướt đưa.

Có gì đẹp bằng trời mưa Huế,
Ẻo lả  mà  duyên, tựa  nữ  sinh
Em khóc, áo dài bay quyện gió
Ướt át sao như một chuyện tình.

Huế mưa, lặp lại những phiến buồn
Kéo  dài   không  dứt   lệ   sầu  tuôn
Khác nhau tâm trạng người thương nhớ
Mưa   Huế   luôn   là   nỗi  vấn   vương.

Nghe  mưa  từ  Huế  khác  Sài gòn,
Mưa  cứ  âm  thầm  những  nỉ  non
Khúc  hát  năm  xưa  còn  đọng  lại,
Vọng buồn giai điệu Trịnh Công Sơn.

JB.Sĩ Trọng.


Những ngày tháng cuối năm 2018.

Nghĩ ra là đúng

Kinh tế, khoa học, xã hội, văn minh của Mỹ và Việt cùng đi như tên lửa, nhưng 2 chiều ngược nhau :
- Người Mỹ không thích người khác biết mình có tiền, người Việt thì tìm cách khoe của.
- Người Mỹ thả thú vào rừng, người Việt vào rừng bắt thú.
- Người Mỹ nói ít làm nhiều. Người Việt nói nhiều làm ít hoặc nói một đằng làm một nẻo.
- Người Mỹ khi ra nước ngoài thì tìm học cái hay. Người Việt thì tìm chỗ ăn chơi.
- Người Mỹ hôn nhau ngoài đường, đi tiểu trong toilet. Người Việt hôn nhau trong toilet, đi tiểu ngoài đường.
- Ở Mỹ, lễ tết sếp tặng quà cho nhân viên; ở Việt Nam, nhân viên tặng quà cho sếp.
- Người Mỹ ăn nhanh để đi làm, người Việt làm nhanh để đi ăn.
- Đàn ông Mỹ tan sở về nhà ngay; đàn ông Việt tan sở lê la quán nhậu.
- Người Mỹ yêu động vật, người Việt đấu trâu, đấu chó, chém lợn.
- Người Mỹ vừa dạo chơi vừa nhặt rác, người Việt vừa dạo chơi vừa xả rác ra đường.
- Người Mỹ đánh bắt hải sản thì thả mấy con nhỏ và con cái đang mang thai. Người Việt đánh bắt hải sản thì tóm toàn bộ không tha con nào hết.
-Người Mỹ rất giàu mà ăn ở tiệm không hết là gói mang về, người Việt giàu nghèo gì cũng luôn ra vẻ "sài sang"
- Người Mỹ va chạm nhau trên đường thì bắt tay xin lỗi, người Việt thì giơ nắm đấm ăn thua.
- Người Mỹ chủ nhật đem gia đình đi xa thành phố, người Việt thì đem cả nhà đến trung tâm thành phố.
- Mỹ nhà xa mặt đường thì đắt, Việt Nam nhà xa đường thì rẻ.
- Người Mỹ không uống rượu trước mặt trẻ em, người Việt uống rượu sai trẻ em đi mua thêm.
- Người Mỹ đến nhà hàng gọi ăn, uống vừa đủ. Người Việt sành điệu ăn uống phải bỏ lại nhiều (Người Mỹ bụng to hơn mắt, người Việt mắt to hơn bụng!)
- Yêu nhau người Mỹ hôn công khai, người Việt hôn trong bóng tối.
- Người Mỹ đến nhà thờ cầu nguyện cho yên bình, người Việt đến đền chùa để “hối lộ” và cướp phá.
- Người Mỹ đi du lịch thì mặc cốt sao thoải mái và khám phá văn hóa, người Việt đi du lịch thì mặc đẹp và chụp ảnh.
- Mỹ không thích hỏi tuổi, hỏi lương, người Việt là câu cửa miệng.
- Người Mỹ không bao giờ vứt rác sang nhà hàng xóm, người Việt không vứt được phải chịu.
- Người Mỹ không thích đàm đúm nói xấu cấp trên, người Việt như có gen di truyền.
-Người Mỹ ra đường đàn ông tay xách nách mang, đàn ông Việt ra đường toàn ông kễnh
- Người Mỹ sống thật không thích khoe mẽ, người Việt không khoe sợ người khác nghĩ mình nghèo...
- Người Mỹ mập ú mà sải bộ rất nhanh - người Việt nhỏ con mà chân bước chậm rề.
- Ở Mỹ chặt một cây thì trồng 3 cây, ở Việt Nam chặt hàng trăm cây nhưng không trồng cây nào.
- Ở Mỹ lên xe là chạy, ở Việt Nam lên xe là bóp còi.
- Người Mỹ nuôi con theo ý họ, người Việt nuôi con theo chỉ đạo của mẹ chồng.
- Người Mỹ bàn xong thì làm, người Việt bàn xong thì bàn tiếp!
- Người Việt bị chỉ trích thì nhảy dựng lên. Người Mỹ bị chỉ trích thì tranh luận.
- Người Mỹ muốn đến nhà ai thì gọi điện trước, người Việt cứ đến nhà không thấy thì gọi điện hỏi.
- Người Mỹ luôn hỏi ý kiến con trước mọi vấn đề, Người Việt coi con trẻ là không biết gì, phải nghe theo mình.
- Ở Mỹ học nhiều tiến sĩ ít, Việt Nam học ít tiến sĩ nhiều (theo đầu người).
 (Tổng hợp)
Nguồn : Người Mỹ - Người Việt

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Đà Lạt yêu thầm

Tôi yêu Đà Lạt những hoàng hôn
Có nắng loang loang chiếu vệ đường
Thông hát  vi vu  quanh  triền núi,
Thác gào, tiếng suối gọi yêu thương.

Với   bao   kỉ   niệm   đã   lâu  rồi,
Tôi vẫn nặng lòng mãi không vơi
Đà  Lạt  thu  mình  trong  tịch  lặng,
Băng qua thung lũng, những ngọn đồi.

Tôi nhớ  quen quen  đóa  dã quỳ,
Nở vàng bên cạnh bước chân đi
Rung rinh chiếc lá màu phượng tím
Chúm  chím  môi  cười  nụ  hoa  li.

Một thoáng thần tiên giữa phố nhà
Dáng hồng mang đậm nét kiêu sa
Em  lên  phố  núi  nghiêng  tà  áo,
Quyện lấy mây trời bay thướt tha.

Anh đào khoe sắc đón mùa Xuân,
Đẫm ướt sương đêm vọng gió ngàn
Lành lạnh  hơi rừng  mờ mịt  khói,
Ru  hồn  trong  mắt  lệ  rưng  rưng...

Đâu đó quạnh hiu vẫn thấy còn,
Đồi Cù mườn mượt cỏ xanh non
Tôi  nghe  câu  hát  thơ  tình  tứ,
Đà  Lạt   rất  thầm   gợi   môi  hôn.

JB.Sĩ Trọng.

Làm từ thiện

TỪ THIỆN PHẬT GIÁO & CÔNG GIÁO
HỎI: Có người nói “Phật giáo làm từ thiện mạnh mẽ còn công giáo thì im lìm”. Công giáo có làm từ thiện không?
ĐÁP:
- Công giáo làm từ thiện cách âm thầm. Sự việc đó xuất phát từ lời dạy của Chúa Giê-su: “Khi bố thí thì đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Lời Chúa theo thánh Mát-thêu, đoạn 6, câu 3).
- Thống kê về các hoạt động bác ái Công Giáo trên toàn thế giới: 
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội điều hành 5.034 bệnh viện, hầu hết là ở châu Mỹ và châu Phi.
Bên cạnh đó còn có 16.627 trạm xá, chủ yếu là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; 611 trung tâm chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi; 15.518 viện người già, hay những người bị bệnh kinh niên hoặc những người khuyết tật, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.
Giáo Hội cũng điều hành 9.770 trung tâm trẻ mồ côi, chủ yếu là ở châu Á; 12.082 nhà trẻ, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ.
Ngoài ra, còn có 14.391 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu là ở châu Mỹ và châu Âu. 3.896 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 38.256 các cơ sở bác ái xã hội khác. (Đặng Tự Do) Nguồn tin: vietcatholic
Lời bàn: Người đời thường đánh giá theo điều họ trông thấy. Tuy nhiên, ta đừng để bị cuốn hút bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhưng hãy hành động bằng cái tâm, bằng tấm lòng để việc bác ái từ thiện được lâu dài và mưu ích cho nhiều người.
Lm Mi Trầm

Sử khúc bi hùng số 4

Việt Nam chưa lãnh hội Tin Mừng,
Ngay cả đến thời có Quang Trung
Nguyễn Nhạc luôn tìm cách trấn áp
Khó bề rao giảng được Phúc âm(1).

Nguyễn Huệ ra đi quá bất ngờ,
Tin buồn rung chuyển cả Thành đô :
Không người chống đỡ Vương triều nữa
Giấc mộng trăm năm hóa điên rồ.

Giờ đây chỉ có giặc nội xâm,
Thế lực manh nha tháp lại gần
Nguyễn Ánh miền Nam đang chuẩn bị
Đưa quân đánh phá phía Tây Sơn.

Cùng có công lao khai mở đường,
Những ngày máu lửa giữa quê hương
Võ tướng anh tài Nguyễn Hữu Cảnh
Được phong làm Trấn thủ Bình Khương.

Đội quân Gia Định của lần này,
Tướng tài, tướng giỏi chịu ra tay
Di Nguy, Võ Tánh, Lê văn Duyệt...
Bao vị "anh hùng" khác nữa đây ?

Nguyễn Nhạc sai người về Phú Xuân
Để xin cầu cứu viện thêm quân
Không may gặp dịp vua Cảnh Thịnh,
Tham vọng bèn mưu "phản nội thần".

Thêm cảnh nồi da xáo thịt rồi !
Kinh thành đẫm lệ, xác hoa rơi
Anh em huyết tộc dành nhau ghế,
Tranh đoạt chức quyền muốn chiếm ngôi.

Thái Đức(2) trấn thủ được Quy Nhơn
Tiếp tục ra quân đánh trận dồn
Cánh quân Gia Định liền lui rút,
Quang Toản(3) gây sức ép nhiều hơn.

Nguyễn Nhạc uất ức chết nửa chừng,
Võ đài lịch sử gác sau lưng
Hai phe rõ rệt(4) tranh nhau chiếm,
Bộc lộ gia tăng máu kiêu hùng.

Quyết tâm đòi đất tổ Tây Sơn,
Quang Diệu không nguôi nỗi căm hờn
Võ Tánh trung thành luôn cố thủ,
Cuối cùng chấp nhận chết lửa rơm(5).

Trần Quang Diệu dưới quyền Quang Toản
Cùng Phạm Hưng vào thẳng Quy Nhơn
Quân Gia Định giữ thành Diên Khánh,
Nguyễn văn Thành tướng giỏi tài hơn.

Chiếm được thành Diên Khánh, đánh tràn
Bay về tới tận biển Nha Trang
Đưa quân tốc thổi ra Bình Định,
Dồn trú quân vào đất Quảng Nam.

Mộng đánh Quy Nhơn thẳng Bắc Hà,
Theo thuyền, Nguyễn Ánh chuyển ra xa
Công ơn ghi nhớ người mở cõi,
Làm một nên công, lợi nước nhà.

Đầm Thị Nại trời êm biển lặng,
Bỗng một ngày sóng gió nỗi lên
Một trận đánh gây nên chấn động
Tiếng hò reo, lửa cháy vang rền.

Nguyễn văn Thành dàn quân triền núi,
Bên dưới, thuyền bao bọc chung quanh
Rằm tháng Giêng, trăng lên vời vợi
Lửa hung tàn, gió thổi tốc nhanh.

Cả hai bên cân bằng lực lượng,
Võ Di Nguy pháo chắn bay đầu
Lê văn Duyệt lên thuyền chỉ hướng,
Khiến toàn quân quyết chiến lao sâu.

Quân Tây Sơn vô cùng quả cảm,
Các chiến thuyền chao đảo, ngả nghiêng
Lửa mồi lớn trúng thùng thuốc đạn,
Tiếng nổ gầm động địa kinh thiên.

Trận đánh oai hùng Đầm Thị Nại,
Tả quân Văn Duyệt : Mãi ghi danh
Công lao to lớn, vua hậu đải :
Ông làm Tổng trấn đất Sài Thành.

Đặng Đức Siêu tiếp tục tham mưu,
Quân Nguyễn Ánh tiến vào Thuận Hóa
Cửa Thuận An ngày đêm sóng vỗ,
Cọc đóng đều như thuở Ngô vương.

Kinh thành Huế đến giờ thất thủ,
Nét u buồn tựa phủ khăn tang
Quang Toản chạy mang theo tiền của
Mệt lả người, dừng tại Trấn Ninh.

Đẹp biết bao, mối tình chung thủy
Trên cuộc đời hiếm có xảy ra
Trần Quang Diệu gặp người vợ trẻ
Đang cầm quân bảo vệ sơn hà.

Ta bắt gặp anh hùng Nữ tướng,
Đánh xuất thần như một nam nhân
Ở vị trí quân thù tám hướng,
Vẫn hiên ngang khí phách hồng trần.

Bùi thị Xuân(6), ngàn năm ân nghĩa
Đất nước này không thể quên danh
Bà tuẫn tiết - Dưới triều vua Nguyễn
Bị thớt voi dày xéo hoành hành !(7)

Nguyễn   Ánh   lên   ngôi,   1802
Triều đại Gia Long khá lâu dài(8)
Biết cách mở đường ra hải ngoại
Có nhiều thiện cảm với Thừa sai.

Các đấng Thừa sai đến Việt Nam,
Mang theo tình Chúa rộng thênh thang
Phúc Âm khai sáng đời tăm tối,
Gỉai phóng dân mình bớt dị đoan.

Ta thử hỏi rằng một Gia Long,
Dưới Triều, binh lửa đã dẹp xong
Thù nhà nợ nước ai vay trả ?
Máu chảy đầu rơi chẳng thỏa lòng !

Chiến tranh như một sự cuồng ngông,
Thù trả, phạt hình quá dã man(9)
Kiếm đao, cây súng nền quân chủ
Đất nước Đại Nam nhuộm máu hồng.

Gia Long sai đào mồ Nguyễn Huệ
Lấy xương ra giã nát làm phân
Một vị vua tiểu nhân như thế,
Mà dương gian vẫn kính, tôn sùng !

Ông còn xử lăng trì Cảnh Thịnh,
Cùng anh em dòng họ nhà vua
Cho ngựa kéo phanh thây 4 mảnh
Để dân xem như một trò đùa !

Sử khúc bi hùng khùng hơn cả 
Vì đây : Cảnh xáo thịt nồi da !
Tây Sơn Nguyễn Huệ nay tan rã,
Để lại Gia Long bá sơn hà(10).

Cảm ơn chúa Nguyễn đã một thời,
Oanh liệt làm nên chuyện đổi ngôi
Cái ác bao đời không rửa được,
Đâu còn vẻ đẹp đọng gương soi ?(11).

CHÚ THÍCH :
(1) Nguyễn Nhạc đã ra lệnh bắt đạo, nội dung như sau: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu châu vì nó đã lan rộng trong nước. Ðó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ hay vua quan, đã phân phát một thứ thuốc độc để người ta tin theo. Ðạo này không tôn trọng các lệnh vua cũng chẳng tôn kính thần làng. Họ họp nhau suốt đêm cầu nguyện và nghe sách mà không hổ thẹn vì nam nữ ở chung với nhau như thế. Họ không tha thiết gì tài sản của cải. Bị trừng phạt mà họ cũng không hổ thẹn. Vì nhiều lẽ khác nhau, Trẫm ra lệnh phá hủy tất cả các nhà hội họp và kiểm kê những người theo đạo này. Người nào tới tuổi nhập ngũ phải xung vào lính, còn các người khác phải trừng trị nghiêm khắc để xoá tên đạo khả ố ấy ra khỏi quốc gia. Lệnh cho các quan phải kỹ lưỡng xem xét điều tra để bắt và dẫn giải tất cả các đạo trưởng Âu châu về Kinh Ðô trừng phạt. Năm thứ chín triều đại của ta, ngày 4-10” (2-11-1785 Dương Lịch).
Tin Ðức Cha Bá Ða lộc đem người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, làm vua Quang Trung nghi ngờ các vị thừa sai. Giữa năm 1790, nhiều tầu Âu Châu xuất hiện tại biển gần Qui Nhơn, các quan đề nghị với vua Quang Trung sai lính đến các làng Công Giáo bắt các vị Thừa sai. Vua Quang Trung cho phép với hai điều kiện là phải bắt trong vòng 6 ngày và không được quấy nhiễu người Công Giáo. Lính đến Dinh Cát, nơi trú của cha Longer và Labartette. Nhờ có người báo trước nên hai cha trốn kịp. Không bắt được các cha, quan quân đi lùng soát các nhà giáo dân làm cho nhiều người phải khốn khổ vì bị bắt để tra khảo chỗ ở của các cha.

(2) Thái Đức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc, khi lên ngôi Hoàng đế ở Quy Nhơn.
(3) Quang Toản ( tức Nguyễn Quang Toản ) là vua Cảnh Thịnh, con của vua Quang Trung.
(4) Hai phe lúc này chính là Phú Xuân - Quang Toản và Gia Định - Nguyễn Ánh.
(5) Ngày 7-7-1801 Võ Tánh viết một bức thư cho Trần Quang Diệu xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Việc tiếp theo, ông sai thuộc hạ lấy rơm chất dưới lầu bát giác rồi châm lửa đốt tự vẫn.
(6) Bùi thị Xuân : vợ Thái phó Trần Quang Diệu, là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn.
(7) Nói về cái chết của Bùi thị Xuân, sử gia Phạm văn Sơn viết như sau : "Mẹ con Bùi thị Xuân, vua Gia Long rất căm thù, nên cũng dùng hình phạt dã man nhất.Nguyên nhân là Bà đã điều khiển binh sĩ đánh vào lũy Trấn Ninh hết sức kịch liệt, làm cho chúa Nguyễn và các tướng sĩ có phút phải thất thần, tưởng chừng nguy khốn."
(8) Gia Long trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
(9) Tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère mô tả cách trả thù dã man của vua Gia Long với bà Bùi thị Xuân : "Đứa con gái trẻ của Bà. Một thớt voi từ từ tiến đến : Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy, nàng ngoảnh nhìn mẹ kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta. Đến lượt Bà nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín cơ thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và Bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy Bà tung lên trời. 
Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và trong khi vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền Bắc thì Nguyễn Vương đã cho “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Thực lục I, tr.473).
Sau khi chiếm được Bắc Hà, bắt được trọn gói vua tôi, anh em vua Cảnh Thịnh, hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia Long khải hoàn về kinh. Ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu.Sau lễ, “sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh] và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình, sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài” (Thực lục I, tr.531).
(10) Vua Gia Long thống nhất bờ cõi, làm bá chủ sơn hà và nước VN từ nay thật sự có dáng hình chữ S.
(11) Mặc dù Tin Mừng Cứu độ đến trên đất Việt, nhưng  vua Gia Long vẫn chưa dũng cảm tiếp nhận; tuy nhiên, Ngài là vị vua mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời người Pháp giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Công giáo tại Việt Nam.Trên thực tế, vua Gia Long đã bênh vực đạo Công giáo mỗi khi có những rắc rối.Do thái độ này mà các quan lại vẫn còn kiêng nể người Công giáo. Hơn nữa, vua còn ban cho các Đức Cha và các Linh mục giấy phép tự do truyền đạo, những giấy phép này các Ngài giữ cho tới thời kỳ vua Minh Mạng bắt đạo. Tuy nhiên, vua Gia Long có cách trả thù quá tàn bạo và độc ác (như đã nêu ở chú thích 9 ), không đủ làm gương nhân đức sáng soi, khiến một số triều đại nối ngôi kế vị sau này vẫn còn ra những chiếu chỉ cấm đạo.



LỜI KẾT *

Hỡi đất nước, ngàn năm trôi quạnh quẽ
Trong mơ chiều nhìn lại thuở vàng son
Các  vua  chúa  đi  vào  giấc  ngủ  khỏe,
Còn  đàn con  thao thức nỗi  vuông tròn.

JB.Sĩ Trọng.

  P/S :* Với 4 số và Lời kết,"Sử khúc bi hùng" xin tạm khép lại tại đây, kính mong những ý kiến đóng góp phê bình và chia sẻ của quý độc giả. JB xin chân thành cảm ơn.




Trân trọng sự phức tạp của cuộc sống

 Honoring Life’s complexity
Trong một bài giảng mới đây, tôi có nêu lên việc Chúa Giêsu gây sốc về cả hai khả năng, khả năng vui hưởng trọn vẹn cuộc sống và khả năng buông bỏ chính cuộc sống đó.
Trong một buổi tiệc sang trọng, có một phụ nữ dùng dầu thơm lau chân Ngài với tất cả lòng thương mến, chủ nhà tỏ ra khó chịu nhưng Ngài nói cho ông biết, Ngài vui hưởng giây phút này mà không thấy có gì là tội, và Ngài cũng đã nói với họ, bí quyết sâu đậm nhất của đời sống là từ bỏ hoàn toàn trong sự tự hiến, không vương vấn ích kỷ nghĩ cho bản thân mình.
Sau bài giảng, một thanh niên đến gặp tôi và chất vấn về điểm đầu tiên: Làm sao Chúa Giêsu lại buông mình để hưởng thụ và hoan lạc như vậy? Tôi trả lời: Chính ở cái phần kia, phần năng lực từ bỏ đã làm cho Ngài làm được như vậy. Cả hai điều này dựa lẫn nhau, như hai chiếc cánh vậy. Chúa Giêsu có một năng lực đáng kinh ngạc để vui hưởng cuộc sống vì Ngài cũng mang trong mình một năng lực đáng kinh ngạc như vậy, từ bỏ chính đời sống đó. Và điều này cũng đúng với những khía cạnh khác trong đời sống và sứ vụ của Ngài: Chúa có thể lên án tội lỗi, nhưng lại thương tội nhân; cực kỳ chân tình với những người theo Ngài, nhưng cũng làm họ sốc khi thấy tình thương lớn lao Ngài dành cho những người không thuộc nhóm này; và Ngài có thể làm mọi chuyện với một mức độ tự do tối thượng mà chưa từng một ai có được, và Ngài hiểu Ngài không làm điều gì cho chính bản thân Ngài.
Và dạng phức tạp này, dạng năng lực kéo những thứ tương phản lại với nhau trong một áp lực lành mạnh, là một trong những dấu chỉ của sự cao cả vĩ đại. Các vĩ nhân làm đúng như vậy. Tôi xin đưa ra vài ví dụ:
...Các tác phẩm của Pierre Teilhard de Chardin tiếp tục gây cảm hứng theo kiểu phân chia này cũng vì một lẽ tương tự. Ông có năng lực để cùng lúc kéo lại với nhau hai tình yêu gần như đối nghịch nhau. Ông nói là ông được sinh ra với hai tình yêu nhạy cảm và không phai mờ được: Một tình yêu dành cho Thiên Chúa và nhận thức về một thế giới ngoài thế giới này mà ông chẳng bao giờ có thể phản bội, đồng thời ông cũng có một tình yêu ngang như thế dành cho thế giới vật chất với các vẻ đẹp và hiện thực của nó. Với ông, cả hai đều là những sự thể thực không chối bỏ, cả hai đều khiến ông kinh ngạc, và ông cố gắng để sống sao cho đừng phản bội bên nào, cho dù nó sẽ tạo ra áp lực trong đời sống của ông. Nhưng điều này lại mang lại cho tác phẩm của ông một chiều sâu hiếm có. Hầu hết các tác giả khác, thế tục hay tôn giáo, chỉ tôn trọng một trong hai cực này và phỉ báng cực kia.
...Thánh Augustine cũng cho chúng ta một ví dụ tương tự. Ngài viết hơn sáu ngàn trang bản thảo, trong những trang này, có những trang ngài đề cập đến những cảm xúc tiêu cực về tình dục, một kinh nghiệm đã giúp ngài trở lại; có những trang ngài nói đến những điều cốt lõi của hầu hết thần học chính thống phương Tây cho đến tận mười bảy thế kỷ sau. Ngài có thể chịu rất nhiều áp lực. Đáng buồn thay, chúng ta không được như ngài, thay vào đó chúng ta chỉ bốc và chọn cho mình những phần những mảnh suy tư của ngài để rồi làm tổn hại đến nhãn quan tổng thể của ngài.
Carlo Carretto, ngòi bút thiêng liêng người Ý vừa mới mất gần đây, cũng cho thấy ông có khả năng gắn kết những chân lý tưởng như đối nghịch nhau dưới áp lực. Thật hiếm khi được thấy trong cùng một con người kết hợp lòng mộ đạo với tinh thần bài đạo, trung thành mãnh liệt với giáo hội và phê phán giáo hội cũng mãnh liệt. Đối với ông, hai điều này dựa vào nhau. Mỗi một điều được lành mạnh là nhờ có điều kia hiện diện bên cạnh nó.
Những tư tưởng lớn và những con người vĩ đại trân trọng sự phức tạp một cách đúng đắn. Rõ ràng nhất là nơi Chúa Giêsu. Nơi Ngài là toàn bộ chân lý trong toàn bộ phức tạp của nó. Đáng tiếc thay, chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu lại không xứng đáng với Ngài. Đó chính là lý do vì sao ngày nay lại có đến hàng trăm phái Kitô giáo khác nhau. Đó cũng là lý do vì sao có những phái tự do và bảo thủ cả trong giáo hội lẫn ngoài xã hội của chúng ta. Chúng ta cảm thấy dễ khi mang những những phần nho nhỏ của chân lý hơn là phải chịu áp lực để trung thành với toàn cảnh rộng lớn hơn của chân lý đó.
Nhưng sự đơn giản và trong sáng không phải lúc nào cũng là bạn hữu của chúng ta.
*
In a lecture recently, I made the point that Jesus shocked people equally in both his capacity to thoroughly enjoy his life and in his capacity to renounce it and give it up.
It was one and the same Jesus who, at a lavish supper with a woman at his feet bathing him in perfume and affection, could tell his uncomfortable hosts that he was thoroughly enjoying the moment without a trace of guilt and who could tell the same people that the deepest secret of life is to give it all up in self-sacrifice without a trace of thought for yourself.
After the lecture, a young man came up to me and questioned me about the first prong: How could Jesus give himself over to that kind of enjoyment and pleasure? My answer: Precisely because of the other part, his capacity to renounce. One relies on the other, like the two wings on an airplane. Jesus had a shocking capacity to enjoy life because he had an equally shocking capacity to give it up. That is also true of many other aspects of Jesus’ life and ministry: He could condemn sin, but love the sinner; be fiercely loyal to his own, even as he shocked them in his love of those outside their circle; and he could walk in the greatest freedom anyone has ever known, even as he acknowledged that he did nothing on his own.
And that kind of complexity, that kind of capacity to hold near opposites together in a healthy tension, is one of the marks of greatness. Great people do exactly that. Let me offer some examples:
...Pierre Teilhard de Chardin’s writings continue to inspire people across every type of divide for the same reason. He had the capacity to hold together, at one and the same time, two seemingly competing loves. He was born, he says, with two incurable loves and sensitivities: a love of God and a sense of the other world that he could never betray and an equal love for this physical world and its facticity and beauty. Both were undeniably real to him, both took his breath away, and he tried to live in a way so as to not betray either of them, despite the tension this created in his life. It gave his writings a rare depth. Most other writing, secular or religious, honors only one of those poles to the denigration of the other.
...St.Augustine offers another example. He wrote more than six thousand pages and, within those pages, he said things that have helped trigger anything from negative feelings about sex to forced religious conversions; but he also said things that laid the roots of most orthodox Western theology for the past seventeen hundred years. He was able to hold a lot of things in tension. Sadly, we are not his equal and instead pick and choose pieces of his thought to the detriment of his overall vision.
Carlo Carretto, the Italian spiritual writer who died recently, also stood out for his capacity to hold seemingly contrasting truths in tension. It is rare to see in the same person his particular combination of piety and iconoclasm, his fierce loyalty to the church and his strong criticism of it. For him, the two depended upon each other. One is healthy only because the other is also there.
Great minds and great persons properly honor complexity. Nowhere is this clearer than in Jesus. He carried all truth, in all its complexity. Unfortunately, we, his followers, are not up to the master. That’s why there hundreds of different Christian denominations today. That’s also why there are liberals and conservatives both in our churches and our society. We find it easier to carry smaller pieces of the truth than to carry the tension of being loyal to its bigger picture.
But simplicity and clarity aren’t always our friends. (Ronald Rolheiser)

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Thương nhớ Mẹ (Bài 2)

Xa xăm câu hát tiếng hò,
Gợi thêm nỗi nhớ con đò năm xưa
Mẹ tôi đi sớm về trưa,
Gian nan vất vả khi vừa có tôi
Lớn lên lúc bước vào đời,
Tôi luôn xa Mẹ để rồi nhớ thương
Đêm ngày lòng dạ vấn vương
Tôi nhìn thấy Mẹ trên đường tôi đi
Mẹ mang đôi dép cũ sì,
Đôi chân Mẹ bỏng, chai lì quanh năm
Chiếu chăn, bao gối mẹ nằm
Chiếc giường ọp ẹp trăng rằm rọi theo
Mắt nhìn vẫn cứ trong veo,
Mà sao tôi thấy Mẹ nghèo xác xơ
Về chiều, tóc Mẹ bạc phơ
Nồi cơm Mẹ nấu khói mờ quyện bay 
Tuổi già Mẹ sống lất lay,
Cháo rau, manh áo... tự tay Mẹ làm
Bờ tre, giếng nước, quê làng
Niềm vui vắn vỏi, mênh mang nỗi sầu
Mẹ thường ra đứng ngõ sau,
Ngắm nhìn nải chuối, buồng cau trong vườn
Cây gầy, bóng ngã trên nương
Mẹ tôi ấp ủ tình thương con mình
Đời trai lạc bước lưu linh,
Tim tôi giữ mãi dáng hình Mẹ yêu
Dù cho nắng sớm, mưa chiều
Mẹ tôi trọn vẹn là Người tôi thương.

JB.Sĩ Trọng.