Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Sử khúc bi hùng số 4

Việt Nam chưa lãnh hội Tin Mừng,
Ngay cả đến thời có Quang Trung
Nguyễn Nhạc luôn tìm cách trấn áp
Khó bề rao giảng được Phúc âm(1).

Nguyễn Huệ ra đi quá bất ngờ,
Tin buồn rung chuyển cả Thành đô :
Không người chống đỡ Vương triều nữa
Giấc mộng trăm năm hóa điên rồ.

Giờ đây chỉ có giặc nội xâm,
Thế lực manh nha tháp lại gần
Nguyễn Ánh miền Nam đang chuẩn bị
Đưa quân đánh phá phía Tây Sơn.

Cùng có công lao khai mở đường,
Những ngày máu lửa giữa quê hương
Võ tướng anh tài Nguyễn Hữu Cảnh
Được phong làm Trấn thủ Bình Khương.

Đội quân Gia Định của lần này,
Tướng tài, tướng giỏi chịu ra tay
Di Nguy, Võ Tánh, Lê văn Duyệt...
Bao vị "anh hùng" khác nữa đây ?

Nguyễn Nhạc sai người về Phú Xuân
Để xin cầu cứu viện thêm quân
Không may gặp dịp vua Cảnh Thịnh,
Tham vọng bèn mưu "phản nội thần".

Thêm cảnh nồi da xáo thịt rồi !
Kinh thành đẫm lệ, xác hoa rơi
Anh em huyết tộc dành nhau ghế,
Tranh đoạt chức quyền muốn chiếm ngôi.

Thái Đức(2) trấn thủ được Quy Nhơn
Tiếp tục ra quân đánh trận dồn
Cánh quân Gia Định liền lui rút,
Quang Toản(3) gây sức ép nhiều hơn.

Nguyễn Nhạc uất ức chết nửa chừng,
Võ đài lịch sử gác sau lưng
Hai phe rõ rệt(4) tranh nhau chiếm,
Bộc lộ gia tăng máu kiêu hùng.

Quyết tâm đòi đất tổ Tây Sơn,
Quang Diệu không nguôi nỗi căm hờn
Võ Tánh trung thành luôn cố thủ,
Cuối cùng chấp nhận chết lửa rơm(5).

Trần Quang Diệu dưới quyền Quang Toản
Cùng Phạm Hưng vào thẳng Quy Nhơn
Quân Gia Định giữ thành Diên Khánh,
Nguyễn văn Thành tướng giỏi tài hơn.

Chiếm được thành Diên Khánh, đánh tràn
Bay về tới tận biển Nha Trang
Đưa quân tốc thổi ra Bình Định,
Dồn trú quân vào đất Quảng Nam.

Mộng đánh Quy Nhơn thẳng Bắc Hà,
Theo thuyền, Nguyễn Ánh chuyển ra xa
Công ơn ghi nhớ người mở cõi,
Làm một nên công, lợi nước nhà.

Đầm Thị Nại trời êm biển lặng,
Bỗng một ngày sóng gió nỗi lên
Một trận đánh gây nên chấn động
Tiếng hò reo, lửa cháy vang rền.

Nguyễn văn Thành dàn quân triền núi,
Bên dưới, thuyền bao bọc chung quanh
Rằm tháng Giêng, trăng lên vời vợi
Lửa hung tàn, gió thổi tốc nhanh.

Cả hai bên cân bằng lực lượng,
Võ Di Nguy pháo chắn bay đầu
Lê văn Duyệt lên thuyền chỉ hướng,
Khiến toàn quân quyết chiến lao sâu.

Quân Tây Sơn vô cùng quả cảm,
Các chiến thuyền chao đảo, ngả nghiêng
Lửa mồi lớn trúng thùng thuốc đạn,
Tiếng nổ gầm động địa kinh thiên.

Trận đánh oai hùng Đầm Thị Nại,
Tả quân Văn Duyệt : Mãi ghi danh
Công lao to lớn, vua hậu đải :
Ông làm Tổng trấn đất Sài Thành.

Đặng Đức Siêu tiếp tục tham mưu,
Quân Nguyễn Ánh tiến vào Thuận Hóa
Cửa Thuận An ngày đêm sóng vỗ,
Cọc đóng đều như thuở Ngô vương.

Kinh thành Huế đến giờ thất thủ,
Nét u buồn tựa phủ khăn tang
Quang Toản chạy mang theo tiền của
Mệt lả người, dừng tại Trấn Ninh.

Đẹp biết bao, mối tình chung thủy
Trên cuộc đời hiếm có xảy ra
Trần Quang Diệu gặp người vợ trẻ
Đang cầm quân bảo vệ sơn hà.

Ta bắt gặp anh hùng Nữ tướng,
Đánh xuất thần như một nam nhân
Ở vị trí quân thù tám hướng,
Vẫn hiên ngang khí phách hồng trần.

Bùi thị Xuân(6), ngàn năm ân nghĩa
Đất nước này không thể quên danh
Bà tuẫn tiết - Dưới triều vua Nguyễn
Bị thớt voi dày xéo hoành hành !(7)

Nguyễn   Ánh   lên   ngôi,   1802
Triều đại Gia Long khá lâu dài(8)
Biết cách mở đường ra hải ngoại
Có nhiều thiện cảm với Thừa sai.

Các đấng Thừa sai đến Việt Nam,
Mang theo tình Chúa rộng thênh thang
Phúc Âm khai sáng đời tăm tối,
Gỉai phóng dân mình bớt dị đoan.

Ta thử hỏi rằng một Gia Long,
Dưới Triều, binh lửa đã dẹp xong
Thù nhà nợ nước ai vay trả ?
Máu chảy đầu rơi chẳng thỏa lòng !

Chiến tranh như một sự cuồng ngông,
Thù trả, phạt hình quá dã man(9)
Kiếm đao, cây súng nền quân chủ
Đất nước Đại Nam nhuộm máu hồng.

Gia Long sai đào mồ Nguyễn Huệ
Lấy xương ra giã nát làm phân
Một vị vua tiểu nhân như thế,
Mà dương gian vẫn kính, tôn sùng !

Ông còn xử lăng trì Cảnh Thịnh,
Cùng anh em dòng họ nhà vua
Cho ngựa kéo phanh thây 4 mảnh
Để dân xem như một trò đùa !

Sử khúc bi hùng khùng hơn cả 
Vì đây : Cảnh xáo thịt nồi da !
Tây Sơn Nguyễn Huệ nay tan rã,
Để lại Gia Long bá sơn hà(10).

Cảm ơn chúa Nguyễn đã một thời,
Oanh liệt làm nên chuyện đổi ngôi
Cái ác bao đời không rửa được,
Đâu còn vẻ đẹp đọng gương soi ?(11).

CHÚ THÍCH :
(1) Nguyễn Nhạc đã ra lệnh bắt đạo, nội dung như sau: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu châu vì nó đã lan rộng trong nước. Ðó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ hay vua quan, đã phân phát một thứ thuốc độc để người ta tin theo. Ðạo này không tôn trọng các lệnh vua cũng chẳng tôn kính thần làng. Họ họp nhau suốt đêm cầu nguyện và nghe sách mà không hổ thẹn vì nam nữ ở chung với nhau như thế. Họ không tha thiết gì tài sản của cải. Bị trừng phạt mà họ cũng không hổ thẹn. Vì nhiều lẽ khác nhau, Trẫm ra lệnh phá hủy tất cả các nhà hội họp và kiểm kê những người theo đạo này. Người nào tới tuổi nhập ngũ phải xung vào lính, còn các người khác phải trừng trị nghiêm khắc để xoá tên đạo khả ố ấy ra khỏi quốc gia. Lệnh cho các quan phải kỹ lưỡng xem xét điều tra để bắt và dẫn giải tất cả các đạo trưởng Âu châu về Kinh Ðô trừng phạt. Năm thứ chín triều đại của ta, ngày 4-10” (2-11-1785 Dương Lịch).
Tin Ðức Cha Bá Ða lộc đem người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, làm vua Quang Trung nghi ngờ các vị thừa sai. Giữa năm 1790, nhiều tầu Âu Châu xuất hiện tại biển gần Qui Nhơn, các quan đề nghị với vua Quang Trung sai lính đến các làng Công Giáo bắt các vị Thừa sai. Vua Quang Trung cho phép với hai điều kiện là phải bắt trong vòng 6 ngày và không được quấy nhiễu người Công Giáo. Lính đến Dinh Cát, nơi trú của cha Longer và Labartette. Nhờ có người báo trước nên hai cha trốn kịp. Không bắt được các cha, quan quân đi lùng soát các nhà giáo dân làm cho nhiều người phải khốn khổ vì bị bắt để tra khảo chỗ ở của các cha.

(2) Thái Đức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc, khi lên ngôi Hoàng đế ở Quy Nhơn.
(3) Quang Toản ( tức Nguyễn Quang Toản ) là vua Cảnh Thịnh, con của vua Quang Trung.
(4) Hai phe lúc này chính là Phú Xuân - Quang Toản và Gia Định - Nguyễn Ánh.
(5) Ngày 7-7-1801 Võ Tánh viết một bức thư cho Trần Quang Diệu xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Việc tiếp theo, ông sai thuộc hạ lấy rơm chất dưới lầu bát giác rồi châm lửa đốt tự vẫn.
(6) Bùi thị Xuân : vợ Thái phó Trần Quang Diệu, là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn.
(7) Nói về cái chết của Bùi thị Xuân, sử gia Phạm văn Sơn viết như sau : "Mẹ con Bùi thị Xuân, vua Gia Long rất căm thù, nên cũng dùng hình phạt dã man nhất.Nguyên nhân là Bà đã điều khiển binh sĩ đánh vào lũy Trấn Ninh hết sức kịch liệt, làm cho chúa Nguyễn và các tướng sĩ có phút phải thất thần, tưởng chừng nguy khốn."
(8) Gia Long trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
(9) Tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère mô tả cách trả thù dã man của vua Gia Long với bà Bùi thị Xuân : "Đứa con gái trẻ của Bà. Một thớt voi từ từ tiến đến : Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy, nàng ngoảnh nhìn mẹ kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta. Đến lượt Bà nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín cơ thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và Bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy Bà tung lên trời. 
Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và trong khi vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền Bắc thì Nguyễn Vương đã cho “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Thực lục I, tr.473).
Sau khi chiếm được Bắc Hà, bắt được trọn gói vua tôi, anh em vua Cảnh Thịnh, hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia Long khải hoàn về kinh. Ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu.Sau lễ, “sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh] và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình, sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài” (Thực lục I, tr.531).
(10) Vua Gia Long thống nhất bờ cõi, làm bá chủ sơn hà và nước VN từ nay thật sự có dáng hình chữ S.
(11) Mặc dù Tin Mừng Cứu độ đến trên đất Việt, nhưng  vua Gia Long vẫn chưa dũng cảm tiếp nhận; tuy nhiên, Ngài là vị vua mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời người Pháp giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Công giáo tại Việt Nam.Trên thực tế, vua Gia Long đã bênh vực đạo Công giáo mỗi khi có những rắc rối.Do thái độ này mà các quan lại vẫn còn kiêng nể người Công giáo. Hơn nữa, vua còn ban cho các Đức Cha và các Linh mục giấy phép tự do truyền đạo, những giấy phép này các Ngài giữ cho tới thời kỳ vua Minh Mạng bắt đạo. Tuy nhiên, vua Gia Long có cách trả thù quá tàn bạo và độc ác (như đã nêu ở chú thích 9 ), không đủ làm gương nhân đức sáng soi, khiến một số triều đại nối ngôi kế vị sau này vẫn còn ra những chiếu chỉ cấm đạo.



LỜI KẾT *

Hỡi đất nước, ngàn năm trôi quạnh quẽ
Trong mơ chiều nhìn lại thuở vàng son
Các  vua  chúa  đi  vào  giấc  ngủ  khỏe,
Còn  đàn con  thao thức nỗi  vuông tròn.

JB.Sĩ Trọng.

  P/S :* Với 4 số và Lời kết,"Sử khúc bi hùng" xin tạm khép lại tại đây, kính mong những ý kiến đóng góp phê bình và chia sẻ của quý độc giả. JB xin chân thành cảm ơn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét