Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Vấn đề cấp bách

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc ngày nào giờ đã được thay bằng hàng ngàn hecta rừng trọc; lúa ngập mặn chết đứng ngoài đồng khắp các tỉnh miền Tây; biển thì đang chết dần, chết mòn; những con thuyền ngư dân các tỉnh miền Trung nằm nhớ sóng khơi xa. Mỗi công dân Việt Nam vừa mới chào đời, cất được tiếng khóc oa oa đã gánh trên đầu biết bao khoảng nợ nần của quốc gia. Trí thức giỏi du học không về, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Đến quan chức cũng có xu hướng tìm đường cho con cháu định cư nước ngoài thì cũng đủ để hình dung thực trạng đất nước ngày hôm nay như thế nào? 

“Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?”, câu hỏi nan giải này được đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam đặt ra tại hội thảo: “Việt Nam – Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai” vào tháng 3-2016. Nhưng chính bản thân Phó Thủ tướng cũng chưa tìm ra được nguyên nhân vì câu hỏi này là thách thức quá lớn?
Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?
Vì sao nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn?
20 năm qua, lượng ODA đổ vào Việt Nam rất nhiều – lên tới gần 90 tỉ USD nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ì ạch. Giới quan sát nhận định rõ, nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam không chịu phát triển suốt bao năm qua là do cơ chế và tham nhũng. Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của doanh nghiệp. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Nỗi niềm này của doanh nghiệp Việt Nam biết kêu ai cho thấu?
Giặc nội xâm tham nhũng hoành hành, đã và đang trở thành vấn nạn nhứt nhối nhất, bám rễ ngày càng sâu, bao trùm một màu xám xịt lên nền kinh tế; chi phối cả hệ thống chính trị của đất nước Việt Nam. Thế nhưng, đau lòng thay, phần lớn các vụ án tham nhũng được phanh phui chủ yếu do nội bộ mâu thuẫn, đấu đá, thanh trừng lẫn nhau; các cơ quan tố cáo nhau, người dân và công luận tố giác chứ không phải cơ quan chức năng phát hiện ra? Đến Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt còn nói thẳng: “Thanh tra Chính phủ chỉ là một nguồn cung cấp cho cơ quan điều tra dấu hiệu về tham nhũng thôi chứ không được quyền gì cả”. Như vậy là có nghĩa, Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được? Nghịch lý này rõ ràng đến từ cơ chế còn quá nhiều lủng củng?
Thủ phạm tàn ác nào đã gây nên cái chết cho lúa khắp các tỉnh miền Tây, khiến cho người dân khóc ròng, đau khổ vậy?
Thủ phạm tàn ác nào đã gây nên cái chết cho lúa khắp các tỉnh miền Tây, khiến cho người dân khóc ròng, đau khổ vậy?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu lạc quan cho rằng, những khó khăn trên của đất nước sẽ phần nào được “hóa giải” khi Việt Nam gia nhập TPP? Nói như vậy, có phần đúng, bởi TPP đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, chống tham nhũng. Điều này buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính, mà muốn gia nhập TPP, giới chức phải vượt qua bằng được. Nhưng thực tế đã chứng minh, giải quyết bài toán về gia nhập thành công TPP chỉ là giải quyết tạm thời phần ngọn của những “bế tắc” xoay quanh phát triển kinh tế của đất nước. Phần gốc, mấu chốt và quan trọng nhất của vấn đề chính là, các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tìm cho ra được định hướng hợp lòng dân thì mới mong đưa đất nước phát triển bền vững và theo chiều sâu được!
Sở dĩ các nước láng giềng cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam mà bây giờ đã giàu hơn là do họ có định hướng phù hợp, rõ ràng. Quan trọng hơn hết, lãnh đạo đất nước họ biết lắng nghe dân, đoàn kết cùng dân, thực hiện mọi chính sách giúp dân yên tâm, hăng say sản xuất. Nhìn xa hơn qua đất nước Bhutan, sở dĩ xứ sở của dòng Phật giáo Truyền thừa trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì hiến pháp nước này quy định rõ, hơn 60% diện tích phải là rừng. Dựa trên định hướng này, các nhà lãnh đạo đất nước Bhutan không chấp nhận đánh đổi thiên nhiên để phát triển kinh tế, nhờ vậy mà nguời dân ở xứ sở Rồng thiêng này hài lòng với cuộc sống.
Cùng là quốc gia có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc nhưng Philippines hành động rất quyết liệt, mạnh mẽ ngăn chặn hành vi quân sự hoá của Trung Quốc trên đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Xuất phát từ định hướng không nhân nhượng bất kỳ hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, lãnh đạo Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, phối hợp với các nước Mỹ, Nhật, Hàn tập trận trên Biển Đông. Trung Quốc chỉ đụng đến một đảo Philippines tuyên bố chủ quyền, lãnh đạo đất nước họ đã đồng lòng hành động, phản đối Trung Quốc ra mặt như thế. Còn Việt Nam, Trung Quốc cướp cả quần đảo Hoàng Sa, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quân sự hóa và hiện tại, dàn vũ khí hiện đại của Trung Quốc trên các đảo phi pháp có thể san bằng Việt Nam bất kỳ lúc nào nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ dừng lại ở hành động phản đối, trao công hàm. Một hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế, 3 năm liền, cả một đội ngũ chức năng làm vẫn chưa xong thì biết bao giờ đơn kiện mới đến Liên Hiệp Quốc?
Đó là ngoài Biển Đông, sự việc sờ sờ, chứng cứ đầy ắp mà còn chưa dám kiện thì nói gì đến trong đất liền. Trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp Formosa của Trung Quốc núp bóng Đài Loan xả hóa chất độc hại ra biển, làm hàng trăm tấn cá chết mà cơ quan chức năng Việt Nam còn không vào kiểm tra được thì làm sao giải quyết những chuyện to tát hơn? Trước thách thức của thời cuộc, cơ quan chức năng xử lý khủng hoảng truyền thông theo chiều hướng né tránh, không giải quyết tận gốc vấn đề, lòng dân không thể an… như thế thì làm sao ổn định, đưa đất nước phát triển?
Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra
Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra
Từ những kết quả trên, ta đúc kết được, ở tầm vĩ mô, chỉ cần các nhà lãnh đạo đưa ra định hướng đúng thì sẽ nhanh chống đưa đất nước và người dân đi đến những thành công và ngược lại, chỉ cần một định hướng sai cũng sẽ dẫn đất nước, nhân dân đi vào bế tắc, lầm than?! Khi lãnh đạo biết đặt ra câu hỏi, muốn để lại gì cho thế hệ mai sau, thì họ sẽ có hành động phù hợp để đạt được mục đích đặt ra? Vì cái gì cũng có cái giá; bất cứ hành động nào cũng có kết quả riêng của nó!
Thế hệ trẻ ai cũng có lòng yêu nước, ai cũng muốn cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình cho quê hương nhưng với định hướng không rõ ràng, “sờ lâu gân” thì luôn tuyên truyền “Tất cả vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; nhưng xã hội lại đầy chuyện nhiễu nhương, những dự án và tượng đài luôn đi đôi với nghìn tỷ nhưng tính mạng con người chỉ bằng cái móng tay. Một con lợn gánh hàng trăm thuế phí, người dân dù đói nghèo hay có thu nhập ổn định cũng nai lưng làm nuôi cả một hệ thống cồng kềnh quan chức; dân đen lặn hụp trong bão lũ vớt than, kiếm từng đồng còn quan tham chi tiền của dân không thương tiếc… những nghịch lý như thế này sẽ đẩy cán cân công bằng nghiêng về 1 bên mất thôi? Mà sờ sờ trước mắt, làm sao có sự công bằng cho cuộc sống này cho được khi mà sự minh bạch ngày càng nằm sâu sau những lớp xác cá chết, những công trình mờ ám nghiêng về nhóm lợi ích chỉ lòi ra khi báo chí phanh phui …? Như vậy, niềm tin, tinh thần nào để phấn đấu, cống hiến cho đất nước đây?
Ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, lãnh đạo càng thức khuya, càng lo cho dân bao nhiêu thì họ càng ốm bấy nhiêu và khi nhắc đến đâu là người dân cảm kích đến đó. Còn tại Việt Nam thì có xu hướng trái ngược lại? Phải chăng là do thời tiết, thổ nhưỡng và môi trường sống đã dẫn dắt con người ta đến những khác biệt trầm kha?
Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét