Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Cầu nguyện và tha thứ


1. Cầu nguyện - Ý nghĩa sâu nhiệm :
"Thầy bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời cũng sẽ ban cho"( Mt 18,19 ). Đây là câu nói của Chúa Giêsu ( GS ) được Matthêu ghi lại, nếu hiểu câu này theo nghĩa đen, không có điều kiện nào khác nữa thì không đúng. Biết bao lần có trên hai người đã cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện của họ không được đáp ứng. Biết bao lần con cái Chúa cầu nguyện cho quê hương xứ sở của mình hết dịch bệnh, nhưng lời cầu nguyện ấy vẫn chưa được Chúa chấp nhận. Chúng ta không thể không nhìn nhận thực trạng đó, và nếu dạy dỗ người ta trông đợi những điều không có thật thì rất có hại. Tuy nhiên, tìm hiểu câu nói này của Chúa GS, chúng ta thấy có ý nghĩa sâu nhiệm trong đó.
Trước nhất và trên hết, sự cầu nguyện không bao giờ có tính vị kỷ. Lời cầu nguyện vị tha luôn được Chúa chấp nhận. Ta phải nhớ luật căn bản của cầu nguyện là khi cầu nguyện xin được nhậm lời, không có nghĩa là ta sẽ được điều mình ước muốn hoàn toàn, nhưng Thiên Chúa ( TC ) sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất mà Ngài biết theo sự khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Với tấm lòng của con người, cùng nỗi sợ hãi, hy vọng và ước muốn của con người, nên hầu hết những lời cầu xin của chúng ta là những lời cầu nguyện có tính cách trốn tránh. Nếu ai cũng ước muốn nhậm lời thì sự cầu nguyện đó như một sự ra lệnh buộc TC phải làm - Điều này rất ngạo nghễ mà có người vẫn không biết. Chúng ta cầu nguyện để được cứu khỏi thử thách, thất vọng, đau đớn, hoàn cảnh khó khăn...Luôn luôn sự trả lời của TC không phải là giúp chúng ta trốn tránh, nhưng cho chúng ta thắng vượt được. TC không cho chúng ta trốn tránh khỏi một tình trạng con người, Ngài khiến chúng ta có thể chấp nhận những gì mà chúng ta không thể hiểu, Ngài khiến chúng ta chịu đựng những điều mà nếu không có Chúa chúng ta sẽ không chịu đựng được, Ngài khiến chúng ta có thể đương đầu với những điều mà nếu không có Chúa chúng ta không thể đương đầu được. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với những vấn đề mà nếu không có Ngài chúng ta không thể đối phó được. Có như thế ta mới thấy sức con người có giới hạn, không có Chúa ta chẳng làm gì được.
Matthêu còn ghi lại lời sau đây của Chúa GS : "Nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ"( Mt 18,20 ). Chúng ta có thể đặt lời hứa trọng đại này của Chúa GS vào trong hai lãnh vực :
        a.Trong lãnh vực Hội Thánh : Chúa GS hiện diện trong buổi cầu nguyện, buổi học Thánh Kinh vài ba người, Ngài cũng hiện diện trong giảng đường đông đúc, trong cộng đoàn đông đảo. Không phụ thuộc vào con số, Ngài có mặt bất cứ nơi nào có những con người, những tấm lòng trung tín họp lại, dù ít ỏi, Ngài cũng ban ơn cho họ.
        b.Trong lãnh vực cá nhân và gia đình : Một trong những cách giải thích quen thuộc nhất là hai hay ba người gồm có cha mẹ và con cái, Chúa GS là vị khách vô hình hiện diện trong mọi mái ấm gia đình, nhất là những giờ kinh gia đình, những giờ cùng nhau sinh hoạt và cầu nguyện.
Thông thường con người ta không bao giờ ban tặng những điều tốt nhất của mình, ngoại trừ vào những dịp trọng đại. Với Chúa GS, bất cứ nơi nào có hai hay ba người họp nhau trong Danh Ngài thì đó là dịp trọng đại. Ngài trao ban chính mình và Thần Khí cho mỗi cá nhân, mỗi tâm hồn đầy lòng yêu mến.

2. Tha thứ không có giới hạn :
Chúng ta được nhờ rất nhiều ở tính nhạy bén của Thánh Phero. Ông nhanh nhẩu phát biểu và mỗi lần ông nói, lại được Chúa dạy cho một bài giáo lý bất hủ. Lần này Phero cho rằng ông rất rộng lượng và xử rất đẹp. Ông hỏi Chúa ông phải tha thứ cho anh em mình như thế nào, và ông tự trả lời câu hỏi đó bằng lời đề nghị tha thứ cho họ bảy lần, cứ tưởng như vậy là nhiều ( Mt 18,21 v Lc 17,3b-4 ).Đề nghị của Phero không phải là không có căn cứ. Các Rap-bi Do Thái dạy phải tha thứ cho anh em mình ba lần. Phero nghĩ ông đã đi rất xa khi nhân đôi số lần tha thứ của các thầy giáo-luật và còn thêm một lần nữa. Phero chờ mong sự ngợi khen của Chúa, không ngờ Chúa lại trả lời : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"( Mt 18,22 ). Thành ngữ VN có câu : "Một sự nhịn chín sự lành". Trong tha thứ phải có sự nhường nhịn, có nhường nhịn thì con người ta mới tha thứ đượcNếu làm phép toán : 70.7.9 = 4410 sự lành - Người tín hữu Chúa phải tha thứ bảy mươi lần bảy, có nghĩa là không có giới hạn phân định cho sự tha thứ.
Sau đó, Chúa GS kể chuyện về một tôi tớ được vua tha một món nợ lớn. Nhưng khi về nhà, anh lại đối xử tàn nhẫn với một người mắc anh một món nợ nhỏ. Anh ta đã bị lên án vì không có lòng nhân từ ( x Mt 18,23-34 ). Ví dụ này đưa ra một số bài học mà Chúa GS đã dạy dỗ nhiều lần.
Một bài học xuyên suốt Tân Ứơc, là phải tha thứ để được thứ tha. Ai không tha thứ anh em mình thì không thể hy vọng được TC thứ tha, Chúa GS nói : "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được TC xót thương"( Mt 5,7 ), hoặc : "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em"( Mt 6,14-15 v Lc 6,38a ). Tại sao vậy ? Một trong những điểm chính của ví dụ này là sự khác xa giữa hai món nợ. Người tôi tớ thứ nhất nợ chủ mình mười ngàn ta-lâng, đó là một món nợ khổng lồ, không thể tưởng tượng được. Người thứ hai đồng bạn chỉ mắc nợ một trăm quan tiền, thế mà anh ta cứ đè đầu kẹp cổ đòi lấy cho được ( Mt 18,28-30 ). Sự tương phản giữa hai món nợ thật lớn lao. Điểm chính để chúng ta nhìn thấy là dù chúng ta có thể làm gì cho người khác cũng không có gì đáng kể so với những điều TC đã làm cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho người khác không thể so sánh với sự tha thứ bao dung rộng lượng của TC.
Chúng ta đã được tha một món nợ không thể trả được, vì tội lỗi con người : Con TC phải chịu đau khổ và chịu chết một cách nhục nhã. Do vậy, chúng ta phải tha thứ người khác như TC đã tha thứ cho chúng ta, bằng không, chúng ta sẽ không được thương xót. "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình"- Tha thứ gắn liền với cầu nguyện để ta dễ hòa nhập cùng TC là Đấng đã yêu thương và chết thay cho tội lỗi mình.
TC ngọt ngào chia sẻ với chúng ta khi cầu nguyện vì "khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ". Sự tha thứ đi đôi với cầu nguyện để chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa, từ đó mọi người trở nên gần gũi, gắn kết và quảng đại với nhau hơn. TC là Cha và mọi người là anh em với nhau.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cất khỏi con tính ích kỷ, ban cho con tấm lòng quảng đại vị tha và dạy con cầu nguyện theo ý Ngài, cho con có mối tương giao mật thiết với Chúa.
Lạy Chúa, bài học tha thứ là bài học khó nhất trong cuộc đời, xin giúp con luôn nhớ ơn tha thứ của Chúa dành cho con và giúp con biết tha thứ cho anh em, cho người khác.

P/s : Mời đọc thêm bài "Tư tưởng, định mệnh và cầu nguyện" trên nhãn "Bài suy niệm 5" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét