Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Khám phá nét "độc" của Tình yêu


Nét "độc" ở đây cũng là nét "khủng", nét "bom tấn" như ngôn ngữ thường dùng bây giờ.
Mời đọc sách Cựu ước : Malachi 1,1-5. 
I. Cách diễn đạt ngôn từ :
Tại sao dân Israel nghĩ rằng Chúa không yêu họ ? Bằng cách nào Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với họ ? Tình yêu đó có đặc điểm gì ?
Khi đối diện với nghịch cảnh, thật khó để tin rằng Thiên Chúa ( TC ) yêu thương chúng ta. Các việc xảy ra chung quanh dường như làm chứng nghịch lại với niềm tin ấy. Tuy nhiên, đó chính là sự thật mà Malachi đã ghi lại, TC vẫn yêu thương dân Israel cũng như Ngài thương yêu chúng ta cho dù cuộc sống chúng ta có ra thế nào.
Tình yêu của TC là sứ điệp trung tâm của Thánh Kinh. Cho nên Tiên tri Malachi bắt đầu cuốn sách của ông với lời khẳng định quả quyết "TC phán : Ta yêu các ngươi". Dân Israel lúc bấy giờ trở thành dân bội bạc, nên họ mới cãi lẽ : "Chúa yêu chúng tôi ở đâu ?"( Ml 1,2 ) hoặc "Tình yêu Chúa ở đâu mà chúng tôi không thấy ?". Họ đã đánh mất lòng tin, lòng yêu mến TC và nghĩ rằng TC sẽ không còn yêu thương họ. Nhưng Chúa phán : "Ta yêu các ngươi". Chúa phán "Ta yêu các ngươi" tức là Ngài đã yêu dân Israel trong quá khứ, nhưng vẫn yêu trong hiện tại và còn tiếp tục yêu ở tương lai, hay nói cách khác: "Ta yêu các con và vẫn còn tiếp tục yêu các con".
Trong Cựu ước, động từ "yêu" được dùng rất nhiều lần để xác chứng tình yêu của TC đối với con người. Tình yêu bao giờ cũng công bằng, có người không hiểu tới vẫn tưởng như có sự chênh lệch, nhưng không thể dùng bàn cân để cân được. Từ ban đầu Ngài đã yêu dân Israel nên Ngài đã lựa chọn và biệt riêng họ ra để phục vụ Ngài. Qua các tộc trưởng, Chúa ban phát dư dật cho họ, Chúa tiếp trợ dân Israel trong lúc bị thiếu thốn. Ngài giải cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa chu cấp mọi nhu cầu cho họ trong đồng vắng. Ngài đem họ đến xứ đượm sữa và mật ong. Khi họ bị bắt làm phu tù, Ngài yêu thương cứu giúp và đưa họ trở về xứ sở mình...Lịch sử của dân Israel đầy ắp tình thương của TC : Khi họ vâng lời Chúa, Ngài yêu thương ban phước cho họ dư dật; khi họ khước từ Chúa, Ngài yêu thương sửa dạy họ. Tất cả cũng chỉ là yêu thương.
Và tại đây, trong phần đầu của sách Malachi, TC chứng tỏ tình yêu đó qua đời sống của Ê-sau và Gia-cốp. Ngài phán : "Ê-sau há chẳng phải là anh của Gia-cốp sao ? Nhưng Ta yêu Gia-cốp mà ghét Ê-sau"( Ml 1,2-3 ). Khi TC nói Ngài ghét Ê-sau và yêu Gia-cốp, thì chữ "ghét" được dùng theo ý nghĩa đối chiếu với "yêu". TC yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau có nghĩa là Ngài yêu Gia-cốp nhiều hơn yêu Ê-sau, chứ không phải là một sự ghét bỏ hoàn toàn. Đó là nét độc đáo tình yêu của TC. Ghét không có nghĩa là không yêu.
Trong Tân ước, Chúa GS cũng dùng chữ ghét và yêu bằng lối so sánh đối chiếu này. Chúa nói trong Luca 14,26 : "Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình... thì không được làm Môn đệ Ta". Chữ "ghét" ở đây có nghĩa là "Ai yêu cha mẹ hơn Ta, thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay con gái hơn Ta, thì cũng không đáng cho Ta"( Mt 10,37 ). Cũng là Lời Chúa, cũng là Kinh Thánh cả đó mà ! Như thế đây là cách diễn đạt ngôn từ, chứ không phải ngôn tình. Câu trong Tin Mừng Luca gây một sự hiểu lầm rất lớn, nhất là dân ngoại nếu đọc câu đó là họ không thể chấp nhận được vì họ cho rằng con người ta như thế là bất hiếu, bất trung với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Ngay chúng ta thôi, có người vẫn còn ấu trĩ, khi người vợ qua đời gắn lên bia mộ cả hình của mình nữa, chứng tỏ tình yêu và sự chung thủy với vợ ( Ra nghĩa trang tôi thấy có trường hợp như vậy ) - Điều này có phải là họ yêu nhau hơn cả Đấng cứu mình không ?.
TC là Đấng vô thủy vô chung, nhưng đồng thời Ngài cũng là Đấng vô thưởng vô phạt. Ngài có cả thế giới, cả vũ trụ, Ngài chẳng thiếu gì, Ngài chẳng cần ai thưởng Ngài gì cả, mà chẳng ai phạt được Chúa điều gì. TC không bị ép buộc phải yêu Gia-cốp, Ê-sau hoặc bất cứ một người nào trên mặt đất này. Chúng ta không có gì xứng đáng để được yêu, nhưng Ngài chọn yêu chúng ta.
Phân đoạn Kinh Thánh trên đây dạy cho chúng ta ít nhất hai lẽ thật :
        1.Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu vô điều kiện : Thật vậy, sách Luật lệ viết : "TC trìu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân tộc khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì TC yêu thương các ngươi..."( Ll 7,7-8 ).
        2.TC yêu chúng ta bằng tình yêu mật thiết cá nhân, ngược lại, chúng ta phải yêu TC trên hết mọi sự : Môi-sê giảng giải : "Tất cả vũ trụ trời đất đều thuộc về Chúa Hằng Hữu, thế mà Ngài đem lòng yêu thương tổ tiên đồng bào, và nhân đấy, chọn đồng bào trong muôn dân, như mọi người thấy ngày nay"( Ll 10,14-15 ).

II. Nét đẹp trên cả tuyệt vời :
Một nét độc đáo nữa trong tình yêu TC : Điều đặc biệt là sự bất di bất dịch, sự không thay đổi, bởi tình yêu là bản chất của TC. Ngài là Đấng tự hữu và hằng có từ thuở đời đời, thì tình yêu Ngài cũng chẳng bao giờ suy suyễn. TC không hề lìa bỏ kẻ thuộc về Ngài ( Jn 6,37 v 39 ). Dù chúng ta sống bội bạc với Ngài, nhưng tình yêu Ngài dành cho chúng ta không hề thay đổi. Tình yêu TC là tình yêu đời đời, không cùng, chẳng hề dứt và không hề tàn.
Tình yêu TC là tình yêu lâu đời, lâu hơn ngôi sao cổ nhất. Tình yêu TC là tình yêu dài nhất, dài hơn cõi vĩnh cửu. Tình yêu TC là tình yêu sâu thẳm, sâu hơn đáy vực. Tình yêu TC là tình yêu cao nhất, cao hơn thượng giới. Tình yêu TC là tình yêu rộng nhất, rộng hơn biển cả và đại dương. Tình yêu TC là tình yêu gần nhất, gần hơn bàn tay và bàn chân con người. Tình yêu TC là tình yêu sẵn có bất cứ giờ phút nào, sẵn có còn hơn chúng ta sẵn có không khí để thở.
Tình yêu TC là tình yêu không hề thay đổi. Dù chúng ta là người thế nào, Ngài vẫn yêu chúng ta. Dù chúng ta đáp lại tình yêu Ngài cách lơ là, thiếu mẫn cảm, Ngài vẫn yêu chúng ta và chờ đợi chúng ta đến với Ngài và yêu mến Ngài. Chúa luôn êm dịu khuyên mời "Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng"( Mt 11,28 ).
Nét đẹp trên cả tuyệt vời này được thể hiện bằng chính máu Chúa  Giêsu đổ ra trên Thập tự giá : "Khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta"( Jn 12,32 ). Chúa báo trước Ngài sẽ tự hiến thân trên Thập tự giá để cứu chuộc nhân loại. Nơi Thập giá tình yêu ấy tỏ lộ rõ rệt : Chúa tha thứ cho những kẻ giết Ngài, cho người trộm lành vào thẳng Nước Trời, trối Mẹ Ngài lại cho chúng ta và ban Thần Khí khi Ngài trút hơi thở cuối cùng ( Jn 19,30b ). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập tự giá là đỉnh cao tình yêu, là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất nói lên tình yêu của TC đối với toàn thể nhân loại.
Ta khá quen thuộc khi đọc Tin Mừng Gioan, Thánh Sử ghi lại lời của Chúa Giêsu : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới: Anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau"( Jn 13,34-35 ). Tình yêu mặc dầu không thay đổi nhưng nó lại vừa cũ vừa mới. Cũ vì tình yêu có từ thuở lâu đời, từ khi con người mới được tạo dựng. Mới vì có tình yêu con người sẽ vui tươi phấn khởi, không có tình yêu con người sẽ chết ngay, "như trái đất không có ánh sáng mặt trời".
Giữ lấy niềm tin nơi TC chí cao trong một xã hội vô tín - một xã hội mà con người gạt bỏ Ngài sang một bên luôn là một thách thức lớn đối với chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải trả giá bằng sự mất mác hay phải đối đầu với nguy hiểm. Đến với người khác trong hoàn cảnh đau buồn không có nghĩa là chúng ta cất được nỗi đau của họ. Nhưng chúng ta có thể giúp anh em mình thấy sứ điệp hy vọng và phục hồi trong tình yêu của Chúa. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã an ủi Hội Thánh đầu tiên trong thời kỳ bị bắt bớ với niềm hy vọng khó khăn sẽ qua đi và vinh quang sẽ đến. Vì vậy, khi chúng ta đem niềm an ủi và hy vọng cho những người thất vọng, chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang nói về sự thật sẽ đến trong tương lai. Chúng ta tin chắc rằng TC sẽ nâng đỡ, sẽ phục hồi và đem đến ánh sáng cho những đời sống trong tối tăm. Chúng ta thường cảm thấy mình không đủ ơn, đủ khả năng để đến với người khác trong những hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng TC sẽ thêm sức, giúp chúng ta an ủi người cần ủi an, phục hồi đời sống của họ. Chúng ta có thể tin rằng không một nan đề hoặc một khó khăn nào quá khó đối với TC, Ngài sẽ có cách giải quyết của Ngài để đáp lại sự tin tưởng của chúng ta.
Sự quan tâm chăm sóc của TC đối với người tin Ngài thật lạ lùng, trước sau như một. Không ai hiểu chúng ta bằng Chúa. Chúa thông cảm hoàn cảnh của mỗi người. Ngài yên ủi, nâng đỡ, dẫn dắt chúng ta như lời tác giả Thánh vịnh nói : "TC chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi / Trên đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ"...Chúa là vầng đá muôn đời cho neo đức tin chúng ta đặt vào để không bị xao xuyến. Chúa là vầng đá yêu thương để tất cả những người đặc niềm tin vào Ngài đều không bao giờ thất vọng. Chúa là vầng trăng, đêm về chiếu sáng, cho tim con mãi mãi khát khao đợi chờ.

III. Tâm tình Cầu nguyện :
Chúa ơi, giữa thế giới bao la này con biết Ngài yêu con. Cảm tạ Chúa vì Ngài không thay đổi, tình yêu của Ngài miên viễn với thời gian.
Chúa ơi, càng nghĩ con càng không hiểu sao Ngài yêu con, một con người xấu xa tội lỗi. Con rất sợ bộ phim cuộc đời con sau này chiếu ra trước mặt Chúa. Xin Ngài bấm xóa bộ phim ấy đi rồi yêu hay không yêu con cũng đươc, vì con cảm thấy con bất xứng. Cảm tạ ân sủng kỳ diệu của Ngài ! Xin giúp con trong từng giây phút đi qua con nói được với Ngài là con yêu Chúa.

                Yêu Ngài tình mãi véo von,
                Lời ca con trẻ vẫn còn ngây thơ
                Hái  trăng  trên  núi  xa  bờ,
                Sông trôi lặng lẽ, thuyền chờ gió ru.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét