Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Tình Bằng hữu

                                                 ( Tặng Nhật Tiến và Thánh Thư )



Thiên Chúa ( TC ) tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Một trong những đặc tính chúng ta phản ánh hình ảnh của Chúa là chúng ta có khả năng và nhu cầu thông công với người khác. Với khả năng và nhu cầu thông công, chúng ta cần có bạn.
Tình bạn thật cao quý. Tìm được một người bạn thật không phải dễ. Chúng ta có thể có nhiều người quen, nhiều người cùng làm việc, trò chuyện với chúng ta, nhưng tìm được một người bạn thật, sẵn sàng nghe ta tâm sự thật là khó. Nhiều người than : "Tôi không có bạn !" Nói như vậy cũng đúng, nhưng lắm khi ta không có bạn chỉ vì chính ta không phải là một người bạn tốt. Có người đã nói : "Muốn có bạn, trước hết mình phải là một người bạn." Qúy vị có nhiều bạn không ? Nếu có bạn, ta phải làm gì để tình bạn được bền vững ?

1. Thương bạn :
Kinh Thánh ghi lại những tình bạn cao quý. Giô-na-than thương David như chính mạng sống mình ( I Sam 20,17 ), Ru-tơ không chịu bỏ rơi Na-ô-mi trong cảnh nghèo nàn cô quả ( Ru 1,16 ), Ép-ba-phô-đích đã liều sự sống vì Phao lô ( Phip 2,30 ). Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu ( GS ) là người bạn lý tưởng của các Môn đồ Ngài. Thật vậy, Chúa gọi Lazaro là bạn Ngài ( Jn 11,11 ), và tất cả các Tông đồ là bạn Ngài ( Jn 11,5 ), thương họ đến cùng ( Jn 13,1 ), Ngài cũng khóc với họ ( Jn 11,35 ), Ngài phó sự sống của Ngài vì họ ( Jn 15,13 ).
Chúng ta có thể có những người bạn cùng xưởng, cùng nghề, cùng công sở, cùng trường học, cùng giáo xứ; bạn cùng sở thích, bạn đường, bạn đời, bạn tri kỷ .v.v...Dầu là bạn trong môi trường nào, người bạn thật phải là bạn yêu thương nhau và thương yêu nhau lâu bền.
Thánh Kinh viết rằng : "Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc", nói vậy chẳng khác nào : "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn"( Cn 17,17a ). Tình thương của người bạn thật phải là tình thương vô điều kiện, không phai nhạt theo thời gian, không thay đổi theo hoàn cảnh, không biến thể vì quyền lợi. Dù có gì xảy ra, những người bạn thật không bao giờ hại nhau, ngược lại họ hy sinh cho nhau, bảo vệ nhau, đùm bọc nhau.
Phúc cho ai có những người bạn thương yêu như thế. Dầu có được người bạn như thế trên đời hay không, nên nhớ luôn rằng chúng ta có người bạn yêu thương lý tưởng là Chúa GS. Với tình bạn bền vững thắm thiết của Chúa, chúng ta vững tâm tự nguyện làm những người bạn "thương mến nhau luôn luôn" cho dù trải qua cảnh ngộ nào đi nữa.

2. Giúp bạn :
Sách Châm ngôn viết rằng : "Bạn của con hay bạn của bố con, đừng nỡ bỏ rơi họ. Gặp ngày khốn quẫn đừng đến nhà anh em con, vì anh em xa không bằng láng giềng gần"( Cn 27,10 ). Câu này có lẽ gây cho con cái Chúa nhiều thắc mắc. Tại sao ở đây Kinh Thánh dạy rằng chúng ta không nên đến nhà anh em mình trong ngày khốn quẩn hoạn nạn ? Trong khi đó Châm ngôn 17,17 lại dạy rằng : " Vì anh em sinh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn". Kinh Thánh có mâu thuẫn không ?
Thật ra Kinh Thánh không mâu thuẫn. Đó là nỗi cay đắng của trường đời ! Có lúc anh em trong gia đình mà không đối thoại với nhau được thì tình bạn, người ngoài lại quý hơn. Cũng có lúc anh em do hoàn cảnh ở quá cách xa nhau, nên không thể đến với nhau được, lúc ấy thì "anh em xa không bằng láng giềng gần". Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem nó đúng trong mùa dịch Covid đấy : Nếu không may trong gia đình người thân anh em ruột thịt, có người bị dương tính, cũng đành chịu "đừng đến nhà" vậy. Ha Nguyen ( một người em con Dì ) có lần nói chuyện đã khuyên chúng tôi : "Thương thì không nên thăm", vì trong lúc này dễ kéo theo nhiều hệ lụy phiền toái. Những người bạn, người láng giềng ở gần là những người chúng ta nên nhờ cậy trong lúc hoạn nạn, dễ ăn dễ nói hơn, giúp được gì thì được hoặc không được cũng chẳng sao. 
Những người bạn tốt không chỉ giúp nhau trong lúc khốn quẫn, mà còn giúp nhau nhiều phương diện khác nữa :
        a. Khuyên bảo nhau : Lời khuyên của bạn hữu có khi là lời dịu dàng khiến tâm hồn chúng ta được an ủi khích lệ ( Cn 27,9 ). Lời khuyên của bạn hữu có khi cũng là lời thẳng thắn gây dựng, giúp chúng ta trưởng thành, nhưng cũng khiến chúng ta đau đớn ( Cn 27,6 ). Những người bạn yêu thương nhau, hiểu nhau sẽ có những lời khuyên bảo giúp ích nhiều cho nhau.
        b. Phát triển tài năng : Những người bạn yêu thương ta thật sự cũng là những người giúp ta phát triển tài năng của mình. Những người bạn thật như vậy sẵn sàng trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm, mở cơ hội để giúp nhau trong chức nghiệp chứ không ganh tị, giữ miếng với nhau ( Cn 27,17 ).
Phúc cho ai có những người bạn chân tình giúp đỡ mình như trên. Dầu sao đi nữa, chúng ta có Chúa GS là người bạn chân tình và quyền năng, không bao giờ phản bội, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp gia đình Lazaro, Maria và Matta.

3. Giữ gìn tình bạn :
Tình bạn cũng giống như một cây sống, cây ấy cần chăm sóc vun tưới mới ra hoa kết quả. Thánh Kinh dạy chúng ta những bài học quý về cách xây dựng tình bạn :
        a. Hóa giải lời mách lẻo : Sách Châm ngôn viết : "Kẻ dối gian gây bất hòa tranh chấp / Tên mách lẻo chuyên chia rẻ bạn bè"( Cn 16,28 ). Kẻ mách lẻo là người xen vào chuyện người khác bằng cách rao những tin tức thất thiệt, truyền đi những lời đã bị bóp méo. Người không suy xét sẽ dễ tin những tin tức, những lời truyền ấy để rồi bắt đầu nghi ngờ, hay căm giận bạn mình. Tình bạn vì đó mà tan vỡ.
            "Thà một phút huy hoàng rồi sụp tối,
            Còn hơn buồn le lói suốt quanh năm." 
Để xây dựng tình bạn tốt đẹp, chúng ta phải có lập trường và tốt hơn hết là ta nên gặp trực tiếp bạn mình kiểm chứng xem tin tức ấy có chính xác không. Ta phải giải tỏa những lời mách lẻo để bảo vệ tình bạn mà mình đã bao năm xây đắp.
        b. Khỏa lấp lỗi lầm : Lấp dấu tội lỗi ở đây không có nghĩa là dung dưỡng tội lỗi. Lời Chúa trong sách Châm ngôn cũng như trong các sách khác dạy rằng chúng ta cần gầy dựng anh em mình ( x Cn 17,9 v Gal 6,1 ). Khi gầy dựng ta cần đưa ra những khuyết điểm, nhưng đưa ra trong tinh thần yêu thương để giúp anh em mình ăn năn, sửa đổi và tha thứ; chứ không phải nêu ra để lên án, bêu xấu, nhục mạ. Những lỗi lầm đã giải quyết xong, ta hãy chôn vào quên lãng, không nên nhắc đi nhắc lại khiến cho tình bạn quý giá tan vỡ.
        c. Tế nhị : Sách Châm ngôn dạy rằng : "Chớ năng bước đến nhà kẻ lân cận con, e họ chán con và trở lòng ghét con chăng"( Cn 25,17 ). "Kẻ nào chổi dậy sớm chúc phúc lớn tiếng cho bạn hữu mình, người ta sẽ kể điều đó là sự rủa sả"( Cn 27,14 ). Trong liên hệ bạn bè chúng ta cần thân thiện, cần nhiều thì giờ gần gũi nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tế nhị. Chúng ta cần tôn trọng sự riêng tư và giờ giấc của bạn mình. Đến nhà thường quá, không tôn trọng sự yên tĩnh buổi sớm mai, v.v...là những điều cần tránh để không gây cho bạn sự phiền toái và chán ghét.
Suy gẫm về tình bạn ở đời đến đây, chúng ta không khỏi nhớ đến tình bạn tuyệt vời Chúa dành cho chúng ta. Không ai có thể phân rẽ chúng ta với Ngài ( Rm 8,35 ). Ngài khỏa lấp tất cả tội lỗi chúng ta ( Tv 85,2 ), và khuyến khích chúng ta dạn dĩ đến với Ngài không kể ngày đêm, sớm tối ( Heb 4,16 ).

4. Chọn bạn :
Thánh Kinh dạy chúng ta về cách chọn bạn :
        a. Đừng nhiều bạn quá : "Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình, nhưng có một bạn thì gắn bó hơn anh em ruột"( Cn 18,24 ). Ở mức độ xã giao, quen biết chúng ta có thể có nhiều bạn vì càng giao thiệp rộng, quen biết nhiều ta càng dễ thành công hơn trên đường doanh nghiệp. Tuy nhiên ở mức độ thân tín, chúng ta không nên, và không thể có nhiều bạn, vì làm bạn thân đòi hỏi nhiều thì giờ và tâm lực. Hai tai hại có thể xảy ra là khi chúng ta có nhiều bạn thân quá : Một là chúng ta sẽ mất quá nhiều thời gian cho bạn và không còn thời gian cho riêng mình. Hai là chúng ta không đủ thì giờ nuôi dưỡng tình bạn, tình bạn sẽ nhạt nhẽo hay đổ vỡ. Có khi bạn sẽ trở nên thù.
        b. Chọn tính tình : "Chớ làm bạn với người hay giận, chớ giao tế cùng kẻ cường bạo"( Cn 22,24 ). Sách mới bây giờ dịch : "Đừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi xung". Hay giận và hung dữ là những tính nết tai hại cho tình bạn. Người hay giận, người cường bạo hung dữ là những người ta không nên làm bạn thân; vì khi làm bạn thân với họ, ta dễ gặp trắc trở trong tình bạn, hoặc có thể bị vạ lây vì họ, hay có thể ta sẽ bị nhiễm tính nết của họ.
Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta xa lánh tất cả những người tội lỗi, người có tánh nết xấu. Nếu xa lánh như vậy làm sao Giáo Hội có thể đem Phúc Âm đến cho tội nhân. Giáo Hội cần đến với mọi người, nhưng tùy theo ân tứ mà chúng ta đến với thân hữu, không phải ai cũng có thể đến với mọi thành phần trong xã hội được. Dầu ai có được kêu gọi đến với người hay giận, hay hung dữ đi nữa, tình bạn tốt đẹp sẽ khó thành hình cho đến khi những tính nết ấy được Chúa thay đổi.
Chúng ta hãy nhờ Chúa dẹp đi những tính nết hay giận, hung dữ để có thể làm một người bạn tốt.

5. Người bạn tốt, người bạn thật :
Tình bạn là một trong những điều cao quý nhất trên đời. Chúng ta có nhiều nhu cầu, nhưng tình bạn có lẽ là nhu cầu lớn hơn cả. Bạn là người biết tất cả về ta, xấu cũng như tốt, nhưng vẫn yêu ta. Bạn là người ta có thể giải bày tâm sự mà không phải ngại ngùng. Bạn là người có thể ngồi yên lặng với ta hàng giờ mà cả ta lẫn người đều không thấy chán. Theo những tố chất trên, bạn nghĩ mình có người bạn nào đúng với ý nghĩa của chữ "Bạn" chưa ?
Thật ra, có nhiều bạn không thích bằng có một người bạn thật thân. Chúa Giêsu nói với các Môn đệ của Chúa ngày xưa : "Anh em là bạn hữu của Thầy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,...Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu"( Jn 15,14-15a )- Và Chúa cũng nói với chúng ta hôm nay nữa, rằng Ngài là Người Bạn Thật của chúng ta. Ý nghĩa của tình bạn được ghi rõ trong câu nói của Chúa : ''Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết"( Jn 15,15b ). Tình bạn trong ý nghĩa thâm sâu là biết nhau, không che giấu nhau điều gì. Chúa biết ta và ta biết Chúa. Không có điều gì của chúng ta Chúa lại không biết, nhưng tình thân giữa chúng ta với Chúa thì sao ? Chúng ta có biết Chúa như đáng phải biết không ? Thật ra chúng ta sẽ không bao giờ biết Chúa hoàn toàn cho đến khi chúng ta gặp Ngài, nhưng mỗi ngày chúng ta phải biết Chúa rõ hơn. Biết Chúa không có nghĩa là biết đầy đủ về Ngài, nhưng là kinh nghiệm tình yêu và sức mạnh của Ngài, Thánh Phaolô nói : "Tôi được biết Ngài, nhất là quyền năng sự sống lại của Ngài và cùng được thông phần đau khổ của Ngài làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài"( Phip 3,10a ).

6. Tâm tình cầu nguyện :
Cám ơn Chúa là Người Bạn Thật của con. Xin giúp con biết Chúa rõ ràng hơn mỗi ngày để xứng đáng với tình bạn Chúa dành cho con.
Lạy Chúa GS, con cảm tạ Chúa vì tình bạn cao quý Chúa dành cho con. Xin Ngài cho con tình yêu không dời đổi để con làm người bạn thật với những người liên hệ trong cuộc đời con.
Cảm tạ Chúa cho con làm bạn của Ngài, và Ngài giúp đỡ con luôn. Xin Chúa giúp con cũng biết giúp đỡ những người bạn của con. Xin ban cho con khả năng giữ tình bạn lâu dài, xin giúp con có đủ những tính tốt để trở nên người bạn tốt.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét