Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Từ câu chuyện Phero chối Chúa



1. Đọc Kinh Thánh : Mt 26,31-35 v 69-75.
2. Những bài học quý báu từ thất bại :
    a. BH 1 : Thất bại thường đến sau giờ phút huy hoàng nhất, tinh thần lên cao nhất.
        Phero và các Môn đệ vừa được dự lễ Tiệc Thánh đầu tiên với Chúa Giêsu ( GS ). Họ vừa trải qua những giờ phút đầy cảm động nhất, được lắng nghe tiếng Chúa ( c 6-29 ), được ca ngợi, thờ phượng Chúa ( c 30 ). Ngôn sứ Êli cũng từng thất bại sau chiến thắng huy hoàng nhất, hiển hách nhất, khi nhà tiên tri còn say men chiến thắng ( I Các Vua 18,35-19 ).
    b. BH 2 : Thất bại vì quá chủ quan.
        Chúa GS biết rõ Môn đệ mình nên Ngài đã ân cần nhắc nhở, cảnh cáo họ ( c 31 ). Nhưng Phero lẫn các Môn đệ không hiểu chính mình ( c 33,35 ), vẫn quả quyết. Hơn nữa, Phero còn chủ quan, khinh thường anh chị em mình ( c 33 ). Chủ quan so sánh, coi thường là bước đầu dẫn đến thất bại. "Vậy thì ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã" ( I Cr 10,12 ).
    c. BH 3 : Khi vấp ngã thường sụp đỗ liên tục, không dừng lại.
        Phero vừa mới quả quyết với Chúa trước mặt bạn hữu thân tín bằng bao nhiêu lời thề thốt mạnh mẽ cương quyết nhất; thế mà chỉ lời nói nhẹ của một đầy tớ gái, ông đã chối Chúa ngay tức khắc ( c 69-70 ). Đau thương hơn nữa, càng lúc ông càng chối Chúa một cách tệ hại - cũng bằng những lời thề thốt nghe cứng hơn sắt đá, "thề độc" ( c 72,74 ). Không hiểu mình, nóng lửa rơm, hời hợt, dựa vào cảm xúc quá nhiều, chúng ta dễ phát ngôn bừa bãi, đi từ thất bại này đến sụp đỗ khác ngày càng nguy hại hơn.
    d. BH 4 : Trong căng thẳng kéo dài, dễ giao động, suy sụp tinh thần.
        Giữa áp lực nặng nề của hoàn cảnh, có lúc hầu như mọi người đều đứng về phe bắt Chúa, chống Chúa. Bầu không khí nặng nề ghê rợn, từ bất ngờ này đến bất ngờ nọ. Chúa bị bắt, Ngài yên lặng, để cho họ mặc sức hành động (cc 45-46,49,52 ); tinh thần căng thẳng liên tục từ lúc Chúa báo trước ( c 1-2 ), lời nói chân tình đầy cảm động trong buổi tiệc Thánh ( c 26-29 ), nghiêm trọng trong lời Chúa cảnh cáo ( c 31,34 ), rồi Chúa bị bắt thật sự, và tất cả các Môn đệ đều bỏ Chúa trốn đi ( c 56b ). Mọi việc diễn ra quá nhanh với áp lực càng nặng nề, căng thẳng liên tục, Phero không có được giây phút điềm tĩnh để suy nghĩ, phân tích, suy đoán. Mệt mõi trong thân xác, căng thẳng trong tình cảm, bấn loạn trong lý trí, đuối sức mà không biết, bên cạnh tính khí bồng bột, vui đâu chúc đó, không nghĩ sâu, thiếu dữ liệu, khiến Phero ngã quỵ, kiệt quệ hoàn toàn.
    e. BH 5 : Ân sủng Chúa vẫn dồi dào cho con dân Ngài, Chúa cho họ có cơ hội để ăn năn, để được chữa lành.
        Sau khi liên tục chối Chúa 3 lần, tiếng gà gáy đến ( c 74-75 ). Chúa GS quay lại nhìn Phero ( Lc 22,61 ) làm ông sực tỉnh; nhớ lại lời Chúa cảnh cáo, ông khóc thảm thiết ( Lc 22,62 v Mc 14,72b ), cách đắng cay ( Mt 26,75 ). Chúa yêu kẻ thuộc về mình đến cùng ( Jn 13,1 ). Chúa không bỏ Phero - cái nhìn yên lặng, kiên trì, âu yếm, đầy thương yêu tha thứ đó, chứa đựng sức mạnh ngàn cân đã nhắc nhở, lay chuyển con tim gần như tê cứng, chết liệm lúc ấy. Chúa dành cho Phero và mỗi chúng ta cơ hội để thổn thức, để trút đổ mọi nặng nề đắng cay, để ân sủng Chúa lấp đầy và kinh nghiệm sự thăm viếng, đổi mới, chữa lành của chính Chúa. Viết đến đây tôi nhớ tới câu Kinh Thánh : "Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho"( Tv 55,23 ).

3. Sự phục hồi vi diệu :
    Chúng ta đã phân tích những diễn tiến, từng sự kiện đưa Phero từ thất bại này đến sụp ngã khác, rồi thế nào ông kinh nghiệm sự thăm viếng kỳ diệu của Chúa.
    Chúa GS không những tha thứ tội lỗi mà Ngài cũng giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi nô lệ cho ma quỉ, được phục hồi, có cơ hội học hỏi, làm tươi mới, lớn lên và tiếp tục phục vụ Chúa. Điều quan trọng hơn nữa, Chúa muốn chúng ta quan tâm anh chị em khác, áp dụng tiến trình phục hồi Chúa đã làm cho mình đến với những anh chị em vấp ngã, thất bại hoặc thoái lui.
    Đọc lại các phân đoạn Kinh Thánh : Mt 26,69-75 v Mc 16,6-7 v Jn 21,1-22. Chúng ta bước vào những khám phá kỳ thú :
        Thứ nhất : Chúng ta được đọc, nghe và học câu chuyện Phero chối Chúa này vì chính ông kể lại.
        Khi Chúa GS bị bắt, tất cả các Môn đệ đều bỏ Ngài và trốn đi ( x Mt 26,56 ). Do đó, không có Môn đệ nào chứng kiến cảnh ấy. Tuy nhiên, chúng ta được nghe, đọc và dường như chứng kiến "đoạn phim" hồi hộp này, vì chính Phero đã mạnh dạn kể lại đầy đủ từng chi tiết cho các Môn đệ khác và với Macco, người con tinh thần đầy yêu quý của ông. Ông không giấu sự kiện quá tệ hại này vì ông nhận biết lỗi lầm, thất bại của mình. Ông muốn chúng ta ngày nay học kinh nghiệm quý báu của ông và đừng để rơi vào vết xe đổ ấy. Nhưng quan trọng hơn cả, ông muốn được nối lại mối liên hệ với Chúa GS. Ông muốn được phục hồi để được phục vụ; Chúa Cứu thế đã biết ông, đã ân cần cảnh cáo ông, yêu thương ông và hy sinh để cứu ông.
        Thứ hai : Phero nhận được xác quyết từ Chúa GS.
        Khi Maria Madalena chạy về báo tin cho Phero và Gioan, hai ông chạy đến mộ ( x Jn 20,1-9 ), tôi tin rằng Thiên sứ đã báo cho ông về sự sống lại của Chúa GS - một lời nói có năng lực thay đổi cuộc đời Phero hoàn toàn. Sau khi chối Chúa chắc chắn Phero mang đầy mặc cảm, không biết Chúa sẽ đối xử với ông ra sao (!). Tuy nhiên, khi Chúa Cứu thế bảo : "Hãy đi nói cho các Môn đệ Ngài và cho Phero rằng Ngài đi đến xứ Galile trước các ngươi..." Ông bừng tỉnh ( Mc 16,7 ). Lúc nghe Chúa nhắc đến tên mình, ông biết chắc Chúa hiểu ông, hiểu lòng ăn năn thống hối chân thành của ông và đã tha thứ cho ông. Tiếng nói đầy năng quyền đã thay đổi hẳn cuộc đời Phero và ông đã dâng hiến cuộc đời cho Ngài từ giây phút ấy. Không phải lời nói bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng một nhận thức đầy đủ của cả con người.
        Thứ ba : Phero minh xác lòng yêu Chúa sắt son.
        Chúa hiểu tâm trạng Phero. Chúa biết ông cần có cơ hội để tái xác nhận lòng yêu Chúa bằng chính môi miệng mình, chứ không qua người khác và Ngài đã dành cho ông thì giờ riêng tư đó. Chúa GS không nhắc lại thất bại của ông nơi trường án. Ông đã đau đớn, bị dằn vặt nhiều rồi. Tuy nhiên, Chúa cho Phero những giây phút thật đặc biệt, thật quý báu, để được khẳng định ba lần "Con yêu Chúa", mỗi tiếng cam kết cho một lần lầm lỗi chối Chúa ( Jn 21,15-17 ). Chúa không những tha thứ cho ông, Ngài còn giúp ông giải phóng khỏi mặc cảm tội lỗi, giã từ quá khứ. Trước đây ông thấm thía về lỗi lầm của mình bao nhiêu thì nay ông vui hưởng ơn tha thứ của Chúa bấy nhiêu.
        Thứ tư : Chúa phục hồi hoàn toàn cho Phero.
        Chúa cho Phero và mỗi con dân Chúa thấy rõ tình yêu thương lớn lao và sự tha thứ kỳ diệu của Ngài. Chúa cho Phero và mỗi chúng ta dịp tiện chứng tỏ tình yêu và cam kết sắt son đó. Ngài giao cho ông một công tác trọng đại : Chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Đoàn chiên gồm đủ thành phần : bé bỏng, yếu đuối, đau ốm, thương tích, không thể tự lo cho mình; đến những con chiên bình thường, chiên bướng bỉnh, chiên trung thành. Chúa muốn nói với Phero và cho mỗi tôi con Chúa : Ngài tha thứ, Ngài chữa lành, Ngài tái tạo hoàn toàn; Ngài tin tưởng, tín nhiệm và ủy thác công tác lớn cho Giáo Hội Ngài.
        Thứ năm : Chúa mời gọi theo Chúa và hy sinh toàn bộ cuộc đời cho Ngài ( x Jn 21,18-19 ).
        Nơi đây Chúa GS hàm ý nói với Phero ý định kêu gọi ông thuở ban đầu vẫn còn, Chúa không thay đổi, Ngài vẫn thành tín. Hơn thế nữa, Chúa cho ông biết giai đoạn kết thúc của cuộc đời ông thế nào để danh Chúa được tôn cao. Chúa tin tưởng ông hoàn toàn, cuộc đời ông từ thời điểm lịch sử đó sẽ trọn vẹn hy sinh cho Ngài, làm rạng danh Ngài. Tái xác nhận tiếng gọi cao cả đó, Chúa mời Phero "Hãy theo Ta" ( Jn 21,19b v Mt 4,19 ), "Còn ngươi, hãy theo Ta" ( Jn 21,22b ). Tiếng gọi, ủy thác đó đã thay đổi cuộc đời Phero. Quyền năng, ân sủng, tình thương, sự tha thứ của Chúa đã tuôn tràn, biến đổi và thể hiện trong cuộc đời của Phero. Chúa đã phục hồi một con người thất bại ê chề, tệ hại, khủng khiếp nhất thành một Tông đồ lớn, một nhà lãnh đạo uy tín của Giáo Hội Chúa, đã thay đổi dòng lịch sử nhân loại.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con trung tín trọn đời. Xin Chúa cho mỗi chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong sự thương yêu, nâng đỡ và an ủi lẫn nhau. Xin Chúa cho mỗi chúng con thành thật nhận ra con người cứng cỏi của chính mình.
    Lạy Thánh Phero, con đã đi hành hương đến nơi chính máu Ngài  đổ ra, xin cho con được mạnh dạn tuyên xưng đức tin và dấn thân như Ngài để làm chứng cho dân ngoại. 
    Lạy Chúa, người ta thường nói rằng : "Thất bại là mẹ thành công", nhưng đời con không có Chúa thì chẳng bao giờ thành công gì được. Con ý thức rằng nếu không có Chúa đời con chẳng nên ích gì, xin Chúa đừng bỏ rơi con. Có những lúc chỉ mới ý nghĩ trong lòng nhưng chính Chúa đã ra tay can thiệp, con nhận thấy điều đó xảy ra nhiều lần đối với con rồi, con xin cảm tạ Chúa !

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét