Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Xin đừng gọi Thiên Chúa là "Thần Chưa Biết"


 Đọc Kinh Thánh : Công vụ Tông đồ 17,16-32.

I. Không biết thờ Chúa :
    Câu chuyện Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay xảy ra trong chuyến truyền giáo thứ nhì của Phaolô. Trong câu chuyện này những người phụ tá của Phaolô đang còn ở Bê-rê, và một mình Phaolô đã đến A-thên trước. A-thên là thủ đô của Hy Lạp, là một trung tâm văn hóa bậc nhất thời bấy giờ. Lòng Phaolô tan vỡ khi thấy dân chúng tại thành phố văn vật này chìm ngập trong sự thờ phượng các thần tượng. Người Hy Lạp thờ nhiều thần. Có người mỉa mai rằng ở A-thên dễ tìm một vị thần hơn là tìm một người. Các thần của họ là các hiện tượng thiên nhiên hay các nhân tính được thần thánh hóa. Giữa thành phố đầy tượng thần đó, Phaolô đã tích cực rao giảng Phúc âm trong các Hội đường người Do Thái, và hằng ngày ông cũng giãi bày Phúc âm cho những người ông gặp ngoài chợ. Sự giảng dạy của Phaolô không lâu đã được các triết gia Hy Lạp chú ý. Họ gồm những người theo phái Epicuriens và phái Stociens ( Hưởng Lạc và Khắc Kỷ ). Phái Hưởng Lạc tin rằng các thần linh thì ở xa và không quan tâm gì đến thế gian; mọi sự xảy ra do ngẫu nhiên; chết là hết, cho nên tìm lạc thú là cứu cánh của đời sống con người. Trong khi đó nhóm Khắc Kỷ thì lại cho rằng có một Thiên Chúa ( TC ) nghiêm khắc ở trong tất cả mọi vật; con người cần phải sống khắc khổ để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực.
    Bức tranh ảm đạm về đời sống tôn giáo của A-thên thời ấy cũng là bức tranh chung của nhiều dân tộc trên thế giới xưa nay. Dù Chúa bày tỏ chính Ngài qua thiên nhiên ( Rm 1,18-22 ), cũng như qua lương tâm ( Rm 2,14-16 ); nhưng con người chúng ta mù tối, dập tắt ngọn lửa lương tâm nên không thể nhận biết Ngài. Kết quả là mọi người, từ người bình dân cho đến người trí thức cùng nhau sai lạc. Người bình dân mê muội trong sự mê tín, người trí thức mê muội trong những triết lý lẩn quẩn của mình. Họ thờ phượng con người, thờ những loài thụ tạo, thờ những sản phẩm do bàn tay hay khối óc họ tạo ra, thay vì thờ phượng Đấng Tạo hóa. Lấy kinh nghiệm của người Việt chúng ta làm ví dụ. Chúng ta biết kêu Trời, biết nhờ Trời, biết nói "lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống..." Vậy mà có mấy ai biết tìm hiểu Trời là ai, và mấy ai biết thờ kính Trời ?
    Là những người biết thờ Chúa, chúng ta cần giúp những người chưa biết thờ Ngài. Chúng ta cần học hỏi Lời Chúa để có thể dùng lời ấy mà giải bày Chúa cho những người xung quanh, giống như Thánh Phaolô xưa kia đã làm. Chúng ta cũng cần học hỏi Lời Chúa để canh phòng tâm linh chúng ta, không khéo chúng ta lại rơi vào tình trạng không biết thờ Chúa mà lại thờ lạy các thần tượng lúc nào không hay.

II. Thờ Chúa không biết :
    Sách Công vụ Tông đồ gọi vị Thần Chưa Biết là Thần Vô Danh. Thật ra đó là tên của một Ngôi Đền lớn ở Hy Lạp. Hy Lạp có nhiều đền thờ, mỗi đền thờ thờ mỗi vị thần khác nhau; trong đó có một đền thờ nguy nga lộng lẫy, lớn hơn cả, gọi là đền thờ "Dân thờ Thần Chưa Biết"( Cv 17,23 ).
    Các triết gia của hai phái Hưởng Lạc và Khắc Kỷ đã đến gặp Phaolô. Họ hỏi : "Người già mép này muốn nói gì đó ?". "Gìa mép" ở đây có nghĩa là "lép xép", một lời khinh thị sỗ sàng dành cho vị Sứ đồ, nhà thần đạo hảo hạng.
    Các triết gia điệu Phaolô đến một nơi gọi là A-rê-ô-ba. A-rê-ô-ba là tên một ngọn đồi và cũng là tên của tòa án được triệu tập tại ngọn đồi ấy. Đây là tòa để xét xử các vụ án mạng, cũng như giải quyết những vấn đề tôn giáo, đạo đức của người thành phố. Mọi người sẽ run sợ khi ra trước tòa này, nhưng Phaolô đã bình tỉnh giảng giải Phúc âm cho các quan tòa và mọi người tại đó. Phaolô bắt đầu bài giảng với lời khen ngợi lòng mộ đạo của dân A-thên. Tiếp theo ông đề cập đến một Ngôi Đền, đặc biệt ông thấy Ngôi Đền này ghi mấy chữ "Dân thờ Thần Chưa Biết". Người Hy Lạp đã thờ rất nhiều thần rồi, tuy vậy, họ sợ còn thiếu sót, có một vị thần họ chưa biết, lớn hơn hết, bao quát tất cả các vị thần, cho nên họ làm nên một Đền Thờ để thờ vị thần chưa hay chưa biết đó, hầu cho thần khỏi phiền giận họ. Có vậy họ mới bảo đảm sẽ được phước hạnh.
    Thờ Thần Chưa Biết ! Thật là một việc làm ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, ngày nay cũng không thiếu người làm như vậy. Có người dù đã thờ nhiều thần linh có tên tuổi, hay theo những triết lý có sách vở hẳn hoi; nhưng họ vẫn chưa an tâm, vẫn thờ thêm những thần không biết khác. Dù không lập một Đền thờ cho Thần Không Biết, nhiều người vẫn thường van vái "các Đấng Thiêng Liêng", những "người khuất mặt khuất mày", hay trông đợi "mệnh số", "thời vận"...Trong khó nguy người ta sẵn sàng nhờ cậy bất cứ thần linh nào, vơ đũa cả nắm. ''Thờ thần không biết" nhưng lại "thiết thần không bờ". Kết quả ra sao ? Có khi người ta vẫn vượt qua được khó nguy, có khi không. Nhưng dù qua dù không, người thờ Thần Chưa Biết vẫn không biết Thần họ thờ. Tâm linh vẫn không khai sáng thêm được chút nào, đôi lúc còn gặp khó khăn do các vị thần ấy đòi hỏi và gây nên nhiều chuyện rủi ro.
    Trong niềm tin của người Kitô hữu, biết Chúa mình thờ là điều quan trọng. Gioan Tông đồ dạy rằng : "Sự sống đời đời là nhận biết Cha, TC duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu ( GS ) Kitô"( Jn 17,3 ). Chúng ta có dành thì giờ học biết Chúa, quen biết Ngài, như chúng ta đáng phải biết chưa ? Hay chúng ta vẫn còn "thờ Chúa" mà mình "không biết" gì về Ngài ?

III. Biết Chúa mình thờ không ?
    Sau lời mở đầu về chuyện "Dân Thờ Thần Chưa Biết", Phaolô giải nghĩa Phúc âm. Ông giới thiệu Đức Chúa Trời chính là Đấng mà người Hy Lạp không biết. Ông cho biết các nét sau đây về Ngài :
        1. Ngài là Đấng Tạo Hóa ( Cv 17,24 ). Ngài tạo nên thế giới và mọi vật trong đó.
        2. Ngài là Đấng vĩ đại. Ngài không những ngự trong Đền thờ do tay con người tạo ra ( Cv 17,24a ), không cần ai phục vụ ( Cv, 25a ).
        3. Ngài là nguồn ban sự sống ( Cv 17,25b ).
        4. Ngài là nguồn cội của loài người ( Cv 17,28 ).
        5. Ngài là Đấng nhân từ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của nhân loại, và Ngài kêu gọi mọi người hãy ăn năn.
        6. TC chọn Đức GS làm Đấng phán xét thế giới ( Cv 17,31 ). Vị Thần chưa biết ấy chính là Đức GS Kitô.
    Trên đây là những dạy dỗ căn bản về Chúa dành cho người chưa biết, chưa tin Ngài. Chúng ta có thể dùng những dạy dỗ ấy để giới thiệu Chúa cho thân hữu. Mặt khác, chúng ta cũng có thể dùng các dạy dỗ trên làm nền tảng cho sự suy gẫm của chúng ta để chiêm ngưỡng, cảm tạ Chúa. 
    Bạn có ý thức sự nhân từ, vĩ đại của Chúa mỗi lần tương giao, thờ phượng Ngài không ? Bạn có tôn thờ, cảm tạ Chúa một cách xứng đáng không ?

IV. Xin đừng gọi TC là "Thần Chưa Biết":
    A-thên là thủ đô của Hy Lạp. Thánh Phaolô đã giãi bày cho người A-thên ở tại A-rê-ô-ba nghe. Họ đã nghe biết Chúa. Bây giờ phần còn lại là đáp ứng của họ. Họ có sẵn sàng thờ Chúa họ đã nghe biết không ? Sách Công vụ Tông đồ ghi rõ : "Khi chúng nghe nói về sự sống lại, kẻ thì nhạo báng, người thì nói lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó...Nhưng có mấy kẻ theo Người và tin"( Cv 17,32-34 ). Chúng ta thấy có ba cách đáp ứng :
        1. Kẻ thì nhạo báng :
    Những người này chê cười Phaolô và cho rằng những gì ông nói không có giá trị, không đáng để ý, không đáng tin. Có lẽ số người này khá đông. Ngày nay chúng ta ra đi giới thiệu Chúa cho thân hữu, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy có những người chê cười cho chúng ta là mê tín, cuồng tín, phản khoa học, viễn vông, không thực tế, vọng ngoại, ngược với truyền thống.v.v...Chúng ta đừng nản lòng, nhưng cần phải biết thương mến những người này nhiều hơn, vì "Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu", Chúa nhẫn nhục chờ đợi con người ăn năn, nhưng đến kỳ Ngài sẽ thi hành sự đoán phạt của Ngài.
        2. Người thì nói lúc khác :
    "Lúc khác" hay "dịp khác" cũng vậy, cơ hội chỉ có một. Những người này không chê cười. Có lẽ họ thấy Phaolô nói cũng hợp lý, nhưng hoặc không muốn nghe tiếp, hoặc chưa muốn hưởng ứng lời mời gọi của ông ngay. Những người này có thể hoặc thấy cần tìm hiểu thêm trước khi quyết định chọn Chúa. Sự cẩn trọng như vậy có thể tốt. Nhưng cũng có người muốn trì hoãn như là cách để tránh né, không muốn thờ Chúa, dù biết thờ Chúa là phải lẽ. Những người này muốn hẹn ngày mai sẽ nghe Chúa, thờ Chúa, nhưng nhiều khi ngày mai sẽ không bao giờ đến. Thật đáng tiếc cho những người trì hoãn như vậy !
        3. Mấy kẻ theo Người và tin :
    Đây là những người biết đáp ứng tốt nhất. Họ được biết Chúa là Chân Thần thì thờ Chúa ngay. Một chân trời mới mở ra cho những người này. Họ bước từ miền u tối sang nước của sự sáng TC. Họ đổi từ danh hiệu "tội nhân" trở thành "thánh nhân". Họ thoát khỏi sự chết để được sự sống đời đời.
    Như thế là đã có bằng chứng cụ thể từ bao đời nay, xin đừng gọi TC là "Thần Chưa Biết" nữa, vì Ngài đã mặc khải trọn vẹn rồi. Bạn hẳn đã thuộc về nhóm thứ ba trong ba nhóm kể trên. Hãy cảm tạ Chúa về cơ hội bạn biết Ngài, và những phước hạnh lớn lao bạn nhận được từ Ngài. Cũng hãy dành thì giờ học biết Chúa sâu nhiệm hơn, đời sống bạn phản ánh vẻ đẹp thiêng liêng sẽ thu hút người khác khi bạn có mối tâm giao gần gũi với Chúa và kiên trì giới thiệu Chúa cho thân hữu, dù nhiều khi bạn gặp người nhạo báng, hay người trì hoãn không chịu theo Chúa ngay.
    "Con dâng lên Ngài lòng cảm mến vô biên. Con dâng lên Ngài ôi trái tim dịu hiền. Chúa ơi, tình Ngài cao như Thái Sơn, chứa chan bao niềm mến thương !"( Lời của một bài hát ).

V. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, tâm hồn con cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lắm vì Chúa cho con nhận biết Chúa. Xin soi sáng, giúp con hiểu biết Lời Ngài nhiều hơn để con có thể chia sẻ Phúc âm của Ngài cho đồng bào con. Xin giúp con trung tín học Lời Ngài, xin Chúa Thánh Thần soi dẫn để con biết Ngài tỏ tường hơn, để con có thể chia sẻ phước hạnh tôn thờ Ngài cho người khác.
    Lạy Chúa là TC, là cội nguồn sự sống, là Cha nhân từ đã cứu chuộc con, Ngài cho con được tôn thờ Ngài. Con cảm tạ ơn Ngài. Lạy Chúa xin giúp con biết Ngài càng thêm và giúp con kiên trì chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm đó cho người khác. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét