Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Mùa Xuân, Tết và Năm mới


Tết Nguyên đán - Ngày lễ truyền thống của người Việt Nam. Vào dịp Tết mọi người sẽ được tạm thời nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc và được vui chơi thỏa thích bên gia đình, bè bạn. Ai đi xa cũng tìm mọi cách để về đoàn tụ, đây cũng là một cơ hội để mọi người tận hưởng một khoảng thời gian đầm ấm, hạnh phúc. Có một vài khác biệt giữa những ngày Tết miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ở miền Bắc thì nhiều lễ hội bộc lộ sự mê tín dị đoan và thức ăn truyền thống ngày Tết là bánh chưng - một loại bánh nếp hình vuông, nhân thịt được gói trong lá dong. Đa số người ta thường mua bánh chưng kèm với vài cành đào như là một biểu tượng ngày Tết dùng để trang trí nhà cửa. Ở miền Trung và miền Nam, ít lễ hội hơn, người ta xem hoa mai, bánh tét là biểu tượng Tết. Bánh tét cũng được làm từ nếp, nhân phía trong có thể là đậu, chuối, hoặc thậm chí là thịt. Có nhiều nơi cũng làm cả hai loại, bánh tét và bánh chưng, cùng gói một loại lá.
Đêm giao thừa, hầu hết mọi gia đình đều tụ họp ăn bửa tối và làm nghi lễ truyền thống thắp nhang, cúng trà mứt để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Vào ngày đầu năm, những đứa trẻ sẽ chúc những lời tốt đẹp nhất đến người lớn và nhận được tiền lì xì. Khoảng thời gian còn lại, mọi người có thể đi chùa, đi nhà thờ để cầu xin những việc tốt lành, bình an và sức khỏe trong năm mới. Tết là một dịp quan trọng để gia đình, bạn bè gần nhau sau một năm làm việc vất vả, và nó cũng tiếp thêm động lực để chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn trong năm sau.
Có lẽ chữ Tết từ chữ "Tiết" mà ra, do cách nói bị trại đi của người Việt Nam mình, ngoại quốc hình như không có chữ Tết mà chỉ dịch từ thời khắc năm mới, hoặc " chúc mừng năm mới" là ra ý nghĩa Tân niên, chấm dứt một  năm cũ. Ngoài ra, chữ "Tết" còn có ý nghĩa chụm lại, thắt chặt lại, nói lên ý nghĩa đoàn tụ và sum vầy, gặp gỡ nhau trong những ngày đầu Xuân.

Kinh Thánh thì chẳng nói gì Tết hay Năm mới.Người Việt Nam ảnh hưởng sâu nặng văn hóa người Tàu nên đã sinh ra nhiều thứ quá, họ chúc nhau ngày Tết là bắt đầu một năm mới. Chúa Giê su chỉ chúc bình an sau khi Ngài Phục sinh là bắt đầu một sự sống mới, mang ý nghĩa cứu độ, chứ Chúa chẳng nói lời chúc gì khác trong những ngày miệt mài đi Rao giảng hay trừ quỷ, trừ tà. Như thế thì năm mới ở đâu ? Mùa Xuân ở đâu ? Bắt đầu từ điều gì ? Có chứ, là dấu hiệu thời tiết Thiên Chúa đã thiết lập, mốc thời gian chuyển tiếp đánh dấu hết thời điểm một năm và năm kế tiếp lại bắt đầu những tháng ngày để con người hòa cùng thiên nhiên vũ trụ, tiếp tục với sứ vụ làm người. Giao thừa là thời khắc đánh dấu trái đất quay quanh mặt trời tròn đủ 365 ngày, thời điểm chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Con người không biết bao giờ thời gian sẽ dừng lại, điều đó chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi( x Mt 24,36 v Mc 13,32 ) vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ và thời gian.
Chắc chắn Kinh Thánh không nói gì về Năm mới, Kinh Thánh chỉ đề cập đến Trời mới và Đất mới ( x Kh 21,1-4 ). Song, chúng ta không quên sự kiện Chúa Giêsu vào Hội đường Nazarét, Ngài đọc Sách Thánh và Ngài Khai mạc Năm Hồng ân ( Lc 4,19 ). Có lẽ đây là niềm vui của chúng ta khi đón chào một Năm mới.
Năm Hồng ân Chúa Giêsu  khai mạc ngay tại nguyện đường Nazarét là một vùng đất nghèo, và sau đó thì Ngài bị xua đuổi, rồi dân chúng muốn xô Ngài rớt xuống vực thẳm ( Lc 4,28-29 ). Như thế thì có phải là Tết không ? Xin thưa là không. Có phải là mừng Xuân không ? Chưa hẳn, vì có thể thời điểm đó không phải là mùa Xuân ở vùng đất Palestina. ( Cần xem thêm toàn bộ mạch văn và câu chuyện ở Lc 4,16-30; Mt 13,53-58 v Mc 6,1-6 ). Chúng ta thường hay nói "Chúc Năm mới được nhiều Hồng ân của Chúa". Có người ấu trỉ chỉ cho rằng Hồng ân là tiền bạc, danh vọng, của cải vật chất, còn những việc Chúa cho thử thách, gian khó... để được ơn Cứu độ thì không phải là Hồng ân ư ? Chúa chỉ chúc bình an cho những người hoán cải, như vậy hoán cải là mùa Xuân. Khi nào con người được gặp Chúa là con người có mùa Xuân. Muốn được gặp Chúa thì con người phải biết hoán cải, phải biết ăn năn sám hối.
Giao Thừa, người ta cho là thời khắc linh thiêng, tôi chẳng thấy linh thiêng gì cả. Người Công Giáo có Thánh lễ Giao Thừa, Thánh lễ ấy cũng như bao Thánh lễ khác, chỉ khác một điều là mọi người đều hướng về để sốt sắng cầu nguyện cho năm mới được bình an, sức khỏe và nhiều thứ khác theo ước muốn tham lam. Nếu trong năm mới có gì bất an, ta nghi ngờ tình thương của Chúa sao ? Dĩ nhiên, ai cũng muốn bình an, đấy là theo cảm tính ! Ta cứ để mọi sự theo ý Chúa cả đi, đừng theo ý mình.

Đối với người Việt Nam, mùa Xuân đến, Tết gõ cửa nhà để người ta "xông đất"( theo tục lệ người Tàu ). Trẻ con mong chờ ngày Tết nhiều hơn người lớn vì chúng được lì xì, chúng được bánh kẹo, được áo quần mới.v.v... Người lớn mừng Tết theo truyền thống nhưng có nhiều điều phải lo toan, đặc biệt nặng nề về phong tục ăn sâu vào đầu óc đã hằng ngàn năm nay qua bao thế hệ. Có khi lời chúc chỉ là sáo rỗng trên môi nhưng ai cũng chúc nhau. Có chăng, niềm vui trao cho nhau, sự thân thiện, quý trọng nhau là điều cần thiết ? Nếu lời chúc không đi đôi với tâm tình cầu nguyện thì lời chúc đó cũng chả có ý nghĩa gì. Thiết nghĩ nên nhắc lại việc dùng đồng tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Chúng ta không sắm được thiên đàng cho tuổi thơ, chỉ có Chúa ban cho chúng nó mà thôi vì tự thân chúng nó là Thiên Thần. Chúng ta chỉ biết gìn giữ, bảo vệ các em để may ra làm cho đời sống các em trở nên thánh thiện và tốt lành lớn lên theo thời gian, theo từng độ tuổi. Đừng bắt trẻ thơ phải biết khoanh tay mừng tuổi người lớn để được lì xì mà cho rằng đây là một hành động lễ phép, điều này trái với bản chất tuổi thơ và hoàn toàn phản giáo dục. Chúng ta không nên để tuổi thơ biết đồng tiền quá sớm, cần dạy cho chúng biết nhìn cuộc sống một cách trong sáng, hồn nhiên. Chúa Giê su nói : "Hãy để trẻ thơ đến với Ta, vì Nước Thiên Chúa dành cho những ai trở nên như trẻ thơ" (  Lc 18, 17; Mt 19,14 v Mc 10, 14 ).
Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói ấy ? Chúa Giê su dang tay đón nhận các em bé trẻ thơ, trong khi các môn đệ thì xua đuổi các em ra xa "để khỏi làm phiền Thầy"(x Mc 10,13-15; Mt 19,13-15 v Lc 18,15-17 ). Đến lượt chúng ta ngày nay. Không phải trẻ em mà ngay người lớn vẫn còn quan niệm lì xì là để lấy hên.Có người dùng đồng tiền trao cho người khác rồi nói lì xì để lấy hên, tôi nghĩ chẳng hên xui gì cả, đó chỉ là trò bày đặt. Cái văn hóa ấy ảnh hưởng mấy ngàn năm nay là văn hóa Trung Hoa. Trong Tin Mừng không thể dùng đồng tiền trao cho người khác để lấy hên được vì ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai ham tiền sẽ chết vì tiền, và tiền bạc thường dẫn đến sự tha hóa đạo đức, sự lừa thầy phản bạn như Giuđa Iscarios vậy. Các bậc làm cha mẹ thường chìu con theo ước muốn nhưng đi nhà thờ sinh hoạt Giaó lý thì họ không khuyên bảo để các em có ý thức tự nguyện. Các bậc phụ huynh ngày nay cũng rất ít đối thoại tôn giáo với các em.
Nhạc sĩ Trần Tiến viết rằng :
                        "Tuổi thơ đã đi qua,
                         Đời tôi đâu có ngờ
                         Từng đêm đứng trông chờ
                         Như chờ từng giấc mơ"...
Tuổi thơ đã đi qua thì không bao giờ quay lại được. Nếu lúc còn nhỏ chúng ta không quan tâm thì lớn lên theo bản tính ta khó mà giáo dục các em được tốt.

Tất cả những vấn đề nêu trên, phải chăng ta đã vi phạm truyền thống của tiền nhân ? Ta cần hội nhập và cách tân thì đúng hơn, ta không thể dựa vào truyền thống mà vi phạm giới răn của Chúa ( x Mt 15,2-3 ). Hội nhập nhưng không thể để mất đi cái cốt lõi của đời sống đức tin. 
Không gì sung sướng bằng một người có đời sống tự chủ. Chúa Giê su dạy các Môn đệ rằng : "Đừng đem gì khi đi đường; không gậy, không bị, không lương thực, không tiền bạc, thậm chí không một chiếc áo để thay".Nếu thế thì làm sao họ có thể rao giảng Nước Trời, nơi mà "người đứng cuối trở nên kẻ đứng đầu"? Trong đời sống, chẳng những chúng ta phải từng bước buông bỏ những thứ dư thừa, mà còn phải hành động sao cho phù hợp với giáo huấn của Chúa nữa chứ.
Sống tự chủ không có nghĩa là không biết đến giới hạn của mình và đòi hỏi mình làm những điều quá sức. Không ai trong chúng ta là một siêu nhân, nhưng là một hữu thể, một người đang học cách chuyển động tự do bằng cách mở đường dần dần. Một vật chuyển động nhanh dần đều hay chậm dần đều, đến một lúc nào đó cũng phải dừng lại. Một người tự chủ không lo lắng xem mình đứng đầu hay đứng cuối; và cũng chẳng lo lắng về quá khứ hay tương lai : Hoài bão của người ấy là sống ngày nào cho ra ngày ấy.
"Ai tra tay vào cán cày mà còn ngoảnh mặt lại đằng sau thì không xứng đáng vào Nước Trời". Hay nói cách khác : Ai cầm cày mà còn ngoái cổ lại thì không xứng đáng làm Môn đệ của Thầy Giêsu.
Trong Tin Mừng, đoạn nói về "hoa huệ ngoài đồng và chim muông trên trời", Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại câu "Đừng lo lắng". Thái độ của những người mà Nước Trời dành cho họ phải là một thái độ tin tưởng. Họ phải được tự do khỏi mọi ràng buộc lo lắng và sợ hãi - Đấy là mùa Xuân của tâm hồn.


Ai có khả năng sống giây phút hiện tại, người ấy là người tự chủ. Vấn đề không phải là làm nhiều chuyện và đi khắp đó đây, bị thì giờ dồn ép vào công việc ngập đầu, nhưng là phải ở đúng nơi đúng lúc và nhất là phải biết sống từng giây từng phút của cuộc sống; sống trọn vẹn với thể xác, trí khôn, tâm hồn.Sống cái thực tế của hiện tại là như thế đó. Cần phải biết chỗ của mình và sống nơi ấy. Không ai có thể sống trọn vẹn và cảm thấy thoải mái, nếu không ở đúng chỗ của mình và người đó không thấy được mùa Xuân vĩnh cửu.
Đâu có phải Tết là dịp để ăn uống nhậu nhẹt say sưa. Ta cần có một chút suy tư về ngày Tết thì thấy rằng trong đạo năm mới là Năm Hồng ân. Chúa đồng hành với ta, cho ta giá trị yêu thương, giá trị cuộc sống và ơn Cứu độ, nó phụ thuộc vào thời gian đi đến ngày chung cuộc vì Tết thêm một tuổi là con người càng tiến gần về mồ. Có ai sống mãi mà không chết đâu, càng lớn tuổi càng già đi theo thời gian và năm tháng. Hãy sống trong hiện tại và tìm thấy những niềm vui từ những sự việc của ngày hôm nay để hướng về mai sau.
 Lắng nghe chim hót, nhìn nắng vàng trên cỏ xanh, ngắm mai vàng nở thắm trước sân...tất cả vẻ đẹp tại thế nhắc nhớ ta về một quê hương vĩnh cửu. Chúa Giê su nói rằng : "Nước Ta không thuộc về thế gian"( Jn 18,36 ). Điều đó có nghĩa là mùa Xuân vĩnh cửu không có ở trần gian. Tuy nhiên, cuộc sống trần gian thì lại liên quan đến cùng đích vĩnh cửu. Vậy chúng ta phải có một đời sống như thế nào để có được một mùa Xuân vĩnh cửu ? Thiên Chúa mời gọi mỗi người cần có ý thức sống lương thiện, sống đẹp lòng Chúa ở đời này thì đời sau chính là mùa Xuân vĩnh cửu - Mùa Xuân tràn ngập trong ánh sáng Tình yêu và ơn Cứu độ.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét