Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Đời sống Hôn nhân Gia đình

                           ( Giáo lý HN )
1. Tương quan vợ chồng : 
Lời Chúa trong thư của Phaolô gởi tín hữu Côlôsê : "Trong gia đình, vợ phải phục tùng chồng theo đúng bổn phận của người tin Chúa. Chồng phải yêu vợ, đừng đối xử khắt khe với vợ"( Cl 3,18-19 ).
Ý nghĩa những từ "vâng phục" và "yêu" bao gồm những khía cạnh nào ? Mối tương quan hai chiều được diễn tả qua hai từ "yêu" và "vâng phục" có cho thấy sự bình đẳng giữa vợ và chồng không ? Phước hạnh nào Chúa dành cho gia đình mà vợ và chồng đều sống theo mẫu mực này ?
Phần Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay nói về bổn phận của người tin Chúa đối với gia đình và xã hội. Trước hết là liên hệ vợ chồng, Phaolô dạy : "Vợ phải phục tùng chồng" - Lời khuyên này có thể nói đi chung với câu : "Theo đúng bổn phận của người tin Chúa". Đối với người tin Chúa, vợ vâng phục chồng không phải vì bị ép buộc nhưng vì biết đó là điều thích hợp, đúng với  lời Chúa dạy. Mỗi người thực hiện theo đúng vai trò của mình.
Lời khuyên dành cho người chồng là : "Hãy yêu vợ". Chữ "yêu" trong câu này mang ý nghĩa đặc biệt hơn chữ "yêu" thông thường. Đây không phải là tình yêu ích kỷ hoặc hời hợt, nhưng là tình yêu cao cả, vị tha, như tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, Phaolô cũng khuyên : "Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Kitô yêu Hội Thánh, hiến mình vì Hội Thánh"( Ep 5,25 ). Không những khuyên các ông chồng trong Chúa phải yêu vợ, Phaolô còn nhắc ; "Đừng đối xử khắc khe". Phaolô viết thư này cho những người sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, tuy nhiên cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhất là đối với những gia đình mà người chồng có nhiều uy quyền trong khi người vợ bị xem thường hoặc bị bỏ quên. Phaolô nhấn mạnh rằng Chúa đặt người chồng làm chủ trong gia đình, nhưng chồng không nên dùng quyền đó cư xử cay nghiệt với vợ.
Trong Kinh Thánh các lời khuyên về bổn phận bao giờ cũng nhấn mạnh đến ý hỗ tương : Có qua, có lại - Vợ phải thuần phục chồng, nhưng chồng phải yêu thương vợ. Người chồng không thể trông mong vợ phục tùng nếu không đối xử với vợ bằng tình yêu thương. Ngược lại, người vợ cũng không thể trách chồng thiếu tình yêu thương nếu chính người vợ không kính nể và phục tùng chồng.
Dù đây là lời khuyên dành cho vợ chồng, nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng trong những mối liên hệ khác :
          a. Một mối liên hệ tốt đẹp bao giờ cũng phải có hai chiều, người này nghĩ đến người kia và mỗi người đều làm trọn phần trách nhiệm của mình.
          b. Cư xử với mọi người trong tình yêu thương và làm đúng bổn phận, vì vâng lời Chúa chứ không phải bị bắt buộc.


2. Cha mẹ và con cái :
Trong thư gởi tín hữu Côlôsê, Thánh Phaolô dạy rằng : "Con cái phải luôn luôn vâng lời cha mẹ vì điều đó đẹp lòng Chúa. Cha mẹ đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng"( Cl 3,20-21 ). Tôi không hiểu vì sao sách mới lại dịch : "Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng". "Ngã lòng" khác với "nản lòng", chữ "nản lòng" có vẻ dễ hiểu hơn chứ ? Trong thư gởi tín hữu Êphêsô Thánh Phaolô viết : "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo."Hãy tôn kính cha mẹ", đó là điều răn thứ nhất có kèm theo Lời hứa : "Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này"( Ep 6,1-3 ).
Tại sao có nhiều người con không vâng phục cha mẹ ? Việc cha mẹ quá nghiêm khắc đối với con cái thường đưa đến hậu quả nào ? Làm thế nào để có sự gần gũi và cảm thông giữa cha mẹ và con cái, nhất là trong xã hội ngày nay ?
Trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, Phaolô cũng nhấn mạnh về tinh thần hỗ tương; nghĩa là mỗi bên đều có bổn phận đối với nhau: Con cái phải vâng lời cha mẹ, cha mẹ phải yêu thương và tế nhị đối với con cái.
          a. Bổn phận làm con : Thông thường người Việt ( nhất là dân ngoại ) hầu như ai cũng có quan niệm "ích kỷ", muốn con cháu sau này thờ kính mình là được, còn trên hết, cao hơn nữa đáng phải tôn thờ, họ không cần nghĩ tới. Chính vì vậy họ cho rằng đạo Công giáo đi ngược lại truyền thống Á đông là không thờ cha kính mẹ - Một ngộ nhận lớn ! Thật ra, nền tảng của đức hiếu thảo là lòng kính sợ Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Việc thờ kính ông bà tổ tiên hoàn toàn không có gì mâu thuẩn với giáo huấn của Hội Thánh.
Là con, chúng ta phải "luôn luôn vâng lời cha mẹ". Chữ "luôn luôn" hàm ý trong tất cả mọi trường hợp. Chúng ta phải vâng lời cha mẹ trong mọi trường hợp, ngoại trừ cha mẹ bảo chúng ta làm những điều trái với Lời Chúa dạy. "Có những trường hợp việc vâng lời cha mẹ phải nhường bước cho việc vâng lời Thiên Chúa; ví dụ : chẳng may cha mẹ muốn con cái làm điều gì trái luật Chúa, thì con cái không được tuân theo"( Sách Giáo lý Dự tòng GP Xuân Lộc, trang 63 ). Chúa đã đặt một thẩm quyền trong mỗi gia đình, chúng ta phải vâng phục thẩm quyền đó. Không vâng lời cha mẹ cũng là không vâng lời Chúa vì Thánh Kinh dạy : "Chẳng có quyền nào không đến bởi Thiên Chúa"( Rm 13,1 ). Chúng ta phải vâng lời cha mẹ dù cha mẹ đã tin Chúa hay chưa. Nếu chúng ta đã tin Chúa nhưng cha mẹ chưa tin, chúng ta vẫn phải vâng lời, điều gì quá trái nghịch với đạo thì từ từ chúng ta xem xét và sẽ tìm cách thuyết phục sau, đừng nóng tính vội vàng muốn cắt đứt quan điểm của họ vì như thế là không có lợi, tác dụng sẽ trái ngược lại. Nếu vì hoàn cảnh, chúng ta không sống với cha mẹ nhưng sống với anh chị, chú bác, hoặc người đỡ đầu, chúng ta phải xem những người đó như cha mẹ và phải vâng lời họ, vì những người đó là thẩm quyền Chúa đặt trên chúng ta.
          b. Bổn phận làm cha mẹ : Đối với các bậc làm cha mẹ, Thánh Phaolô khuyên : "Đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng"( Cl 3,21 ). Ta cũng gặp trong thư gởi Êphêsô, Thánh Phaolô viết : "Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy"( Ep 6,4 ). Vì con cái phải vâng lời cha mẹ trong mọi sự nên cha mẹ dễ đi đến chỗ độc đoán, bắt con cái phải làm theo ý mình. Do đó Phaolô khuyên cha mẹ đừng làm cho con nản lòng. Nhiều bậc cha mẹ thường đánh con khi nóng giận, hoặc làm hay nói những điều làm cho con uất ức, vì vậy Phaolô nhắc : "Đừng chọc giận con cái". Cha mẹ thường "chọc giận" con cái bằng nhiều cách mà họ không biết, chẳng hạn như bắt con phải chiều theo ý mình cách quá đáng, làm cho con xấu hổ trước mặt người khác, không thông cảm với con, không chịu nghe con phát biểu ý kiến...Ngày nay cha mẹ khác với thời xưa, cha mẹ cần phải đối thoại với con cái, xem con cái như là bạn để biết lắng nghe và chia sẻ những ưu tư, những dự tính. Người làm cha làm mẹ không thể thiếu con được, dù đi đâu, ở đâu, lòng họ vẫn luôn hướng về những người con của mình.
Lời khuyên của Phaolô cho ta thấy cha mẹ có quyền trên con cái, nhưng quyền đó sử dụng trong yêu thương và thông cảm. Ngược lại, con cái phải vâng lời cha mẹ, nhưng vâng lời vì kính yêu chứ không phải vì bị bắt buộc.
Nguyên tắc này cũng áp dụng trong những mối liên hệ khác : Người có quyền phải yêu thương, thông cảm; và người dưới quyền phải vâng phục trong mọi sự.

3.Cầu nguyện :
Cám ơn Chúa về tình yêu Chúa dành cho con. Xin giúp con yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì người khác, chứ đừng ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng mình.
Lạy Chúa, xin ban tình yêu thương và hiểu biết để con sống đúng với vai trò Chúa đặt để trong gia đình, trong xã hội.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét