Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Chúa chết - Nhân chứng và người mai táng

                                    ( Tặng Mauri và Thánh Thư )


1. Các nhân chứng :
"Thưa Cha, con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha". Nói xong Ngài trút hơi thở ( Lc 23,46 ). Đây là câu Kinh Thánh diễn tả đầy đủ giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu ( GS ). Đây là những giây phút Chúa chuẩn bị từ cõi vĩnh cửu để nhận lãnh. Chúa chết vì nhân loại. Có trải qua đau khổ và sự chết thì mới phục sinh. Có gì xảy ra trong những giây phút quan trọng ấy ?
Trời bỗng tối lại trong suốt mấy giờ đồng hồ, bức màn chia cách loài người với cõi Chí Thánh được mở tung, bị "xé ra làm đôi"( Lc 23,44-45 v Mt 27,45.51 v Mc 15,33.38 ). Người chỉ huy cuộc hành hình nói rằng : Người này thật là vô tội ( Lc 23,47 ), Người này thật là Con Thiên Chúa ( Mt 27,54b v Mc 15,39 ). Hay người này là con của thần linh. Nghĩa là : Đây không phải là phàm nhân. Cái chết của Chúa chứng minh Chúa là Đấng thần linh, có lẽ vì gương mặt của Chúa, vì lời cầu cuối cùng của Chúa, vì cảnh tượng trời đất lúc ấy. Không hiểu nhân chứng này về sau có tin Chúa không, hay chỉ tuyên bố một lời hay, một câu nói đúng mà thôi.
Đám đông dân chúng cũng là nhân chứng. Họ đã là nhân chứng trong lúc Chúa làm các phép lạ, bây giờ lại là nhân chứng khi Chúa trút linh hồn. Những người này đấm ngực trở về ( Lc 23,48 ). "Đấm ngực" là biểu lộ bực tức, hối hận, tuyệt vọng. Thế là hết, con người mà họ chiêm ngưỡng đã chết. 
Nhóm nhân chứng thứ ba là những người thân của Chúa GS. Họ đứng xa mà nhìn ( Mt 27,55 v Lc 23,49 v Mc 15,40 ).
Những người thân của Chúa mà phải "đứng xa mà nhìn", thấy có đau xót không nào ? Gỉa sử chúng ta có mặt ở đó thì chúng ta làm gì ?
Hôm nay khi nhắc lại câu chuyện Chúa chết bạn không cần bàn tán thêm bớt gì về câu chuyện ấy, bạn cũng không cần nhận định tuyên bố gì cả, bạn cũng chẳng cần giận những kẻ đã làm Chúa đau thương, bạn cũng không nên đứng xa mà ngó, tức là giữ thái độ "kính nhi viễn chi"( tôn kính nhưng giữ khoảng cách cho xa ).
Bạn chỉ cần làm hai điều sau đây :
        a. Hãy dâng lời cảm tạ Chúa về cái chết cao quý của Ngài để cứu chuộc chúng ta. Chúa đã thay chỗ cho bạn, đã trả nợ thay cho bạn.
        b. Hãy nói cho một người nào đó biết rõ ý nghĩa của cái chết này ( cố tìm cách nói về sự chết này cho ít nhất là một người ) vì đây là điều Chúa cho chúng ta nhớ và làm.

2. Người lo việc mai táng :
Khi Chúa còn sống, nhiều người trong hàng ngũ tu sĩ đạo Do Thái đã tin nhận Chúa, nhưng họ vì địa vị, vì quyền lợi, đã phải theo Chúa một cách kín đáo, ẩn giấu, hoặc là cải trang làm người khác để xen lẫn vào đám đông nghe lời Chúa dạy. Nicodemo và Giuse Arimath là hai nhân vật thuộc hàng Môn đệ bí mật này. Tại sao đến phút cuối cùng, họ công khai ra nhận xác Chúa và đem đi mai táng ? Đây là một việc làm giúp cho gia đình nạn nhân, vì như vậy mới có thể chôn cất tử tế. Giuse Arimath có quyền xin xác đem chôn vì ông là một luật gia, hay là quan tòa, "một thành viên của Thượng Hội Đồng"( Lc 23,50 v Mt 27,57 v Mc 15,43 ). Giuse Arimath còn nhường ngôi mộ của mình cho Chúa nữa. Ông không sợ sau này chết không có chỗ chôn, hoặc chôn vào một chỗ khác tệ hơn. Nicodemo thì đảm nhận phần thuốc thơm ( Jn 19,39 ). Có lẽ hai người nghĩ rằng liên hệ với Chúa khi Chúa còn sống mới nguy hiểm, lúc Chúa chết là hết, ai còn làm khó dễ nữa.
Thật ra cả hai đều là khéo léo bênh vực Chúa và tìm cách cứu cho Chúa khỏi bị tử hình, nhưng không được ( Lc 23,51 ). Họ đã vì tôn kính, yêu mến Chúa mà tẩm liệm Chúa và an táng Chúa.
Hành động của họ thật đáng khen và đáng quý. Không biết khi Chúa sống lại họ còn theo Chúa nữa không ?
Chúng ta đang theo Chúa như thế nào ? Lén lút hay công khai ? Không có người nào theo Chúa âm thầm lặng lẽ mãi được, sẽ có lúc phải xác nhận niềm tin trước mọi người, có khi bằng những việc mình làm. Hơn nữa, người theo Chúa thật, họ phải sống thật, không thể giả dối, không thể nào là người im lặng, vì như thế làm sao theo lời dạy của Chúa trong việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa được ?
Có lẽ xưa nay bạn vẫn đi nhà thờ, nhưng giữa vòng bạn bè chưa ai biết bạn theo Chúa. Bạn rất sợ họ chê cười hay hỏi vặn. Tôi không bảo bạn đến với một người nào xưng mình là Tin Lành hay Công Giáo, chuyện ấy không quan trọng, vì tôn giáo giải phóng con người chứ không phải tôn giáo làm khổ con người. Tin Lành hay Công Giáo cũng đều thờ phượng một Thiên Chúa. Tôn giáo nào không tìm gặp Thượng Đế, tôn giáo làm cho con người trở nên ngu muội thì nên tránh xa tôn giáo đó. Bạn hãy sống, hãy làm việc với tinh thần tự do, hãy nói năng cách nào để chứng tỏ rằng Chúa đã chết vì bạn, là đủ. Người ta sẽ biết, sẽ hỏi, và bạn có dịp nói về Chúa cho họ một cách đầy đủ hơn. Bạn thử xem.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con rao truyền sự chết của Chúa cho người nào chưa biết đến ý nghĩa của sự hy sinh này.
Lạy Chúa, xin cho con sống xứng đáng với sự hy sinh cao quý của Chúa - máu Chúa đổ ra để cứu chuộc nhân loại, cho con biết công khai rao giảng Tin Mừng chứ đừng lén lút. Con xin để toàn bộ di sản các bài viết suy tư này cho Giáo Hội và các thế hệ đàn em con cháu mai sau.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét