Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Thời gian và thần tượng

1. Thời gian dành cho Thiên Chúa :

Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật, nên thời gian là của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho con người sử dụng thời gian để giải quyết công việc, con người cũng phải có thời gian dành riêng cho Thiên Chúa. Thời gian dành cho Thiên Chúa phải được xem là quan trọng nhất.
Thời gian, nếu ta không tận dụng thì nó cũng sẽ qua đi. Thời gian đã trôi đi thì không bao giờ quay trở lại, do đó, đừng lãng phí thời gian, đừng để thời gian lướt nhanh một cách vô ích.
Trong một ngày nhiều công việc, thời gian có thể phải chia ra nhiều khoảng để thực hiện công việc. Một năm có 4 mùa, thời gian cũng được chia ra cho 4 mùa. Một tuần có 7 ngày Thiên Chúa định sẵn : Thiên Chúa làm việc trong 6 ngày và có một ngày Ngài nghỉ ngơi, sách Sáng thế đã nói rõ - Ngày nay thế giới áp dụng thuần thục, đều khắp; các nước tiên tiến nghỉ ngày Chúa nhật, có thể họ nghỉ luôn cả chiều thứ bảy.
Con người có thời gian làm việc thì cũng có thời gian nghỉ ngơi, điều đó hợp lý, nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe thì không phải là lãng phí. Một khoảnh khắc giải trí để thư giãn tinh thần cũng không phải là lãng phí. Thời gian dành cho Chúa trong ngày là thời gian quan trọng nhất của ngày ấy, không thể thiếu được. Nếu con người thật sự biết quan tâm đến đời sống tâm linh thì thời gian dành cho Chúa trong ngày có thể là 30, 40 phút ( bằng thời gian đi bộ, tập thể dục mỗi sáng ) hoặc lâu hơn, không nên ít hơn.Chìa khoá thực tiễn cho một đời sống khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc và sự tiến bộ tâm linh là đặt thời gian dành cho Chúa lên hàng đầu, có nghĩa là thời gian quan trọng nhất trong ngày. Chúng ta có thể trì hoãn hay hủy bỏ những công việc khác, nhưng không thể bỏ bê, xao nhãng hay quên đi thời gian mà chúng ta muốn dành cho Thiên Chúa. Đừng để công việc khác lấn át thời gian dành cho Chúa, thà bỏ dỡ mọi sinh hoạt khác còn hơn thiếu vắng thời gian dành cho Thiên Chúa trong ngày.
Thời gian dành cho Chúa không nhất thiết phải quy định cứng nhắc là một giờ nào đó trong ngày, tuy nhiên nếu sắp xếp được thì lại càng tốt. Điều quan trọng là chúng ta xem đó là thời gian cần thiết nhất trong 24 tiếng đồng hồ, và không điều gì có thể thay thế được, cho dù bận rộn cách mấy. Sở dĩ nói "không cứng nhắc" là để dễ thực hiện.
Thời gian dành cho Chúa là thời gian đọc Thánh Kinh, hay đọc một số sách đạo đức, sách suy niệm về đời sống tâm linh. Thời gian dành cho Chúa là cầu nguyện hoặc viết lách, những suy tư về Thiên Chúa. Thời gian dành cho Chúa là những lúc thỏ thẻ và tâm sự với Ngài, không cần dài dòng, không cần lặp đi lặp lại một cách quá đơn điệu nhàm chán. Thời gian dành cho Chúa đòi hỏi phải thẳm sâu, tâm hồn lắng xuống để nghe được tiếng Chúa nói.
Hình như Kinh Thánh có câu : "Sức mạnh của ngươi nằm trong sự yên tĩnh và tự tin"( Xin lỗi, quên xuất xứ ). Khi một người đạt tới trạng thái tâm thức yên tĩnh, đó là sự chân thật và bình an, thì sự cầu nguyện của người ấy sẽ có hiệu quả. Nhiều tín hữu Công giáo đã lẫn lộn giữa những phương tiện và cứu cánh, họ nghĩ rằng cầu nguyện một cách máy móc hay thực hiện một số nghi lễ nào đó là tiêu chuẩn cho một đời sống tâm linh. Không phải vậy ! Đời sống tâm linh là đời sống biết kết hợp thân mật với Chúa, luôn có thời gian dành cho Chúa.
Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa luôn gần gũi và yêu thương con người, con người có thời gian dành cho Thiên Chúa thì giữa con người và Thiên Chúa gắn bó mật thiết hơn. Tình Cha-Con trở nên ấm áp mặn nồng. Ước gì mỗi người chúng ta đều có thời gian dành cho Thiên Chúa.

2. Việc tôn thờ hình tượng :

Việc tôn thờ hình tượng hay thần thánh hóa vật chất ( gọi là thần tượng ) hiện nay khá phổ biến, hình như đâu đâu cũng có. Hình thức sùng bái thấp kém nhất là sự sùng bái ngẫu tượng, chứa đầy huyễn hoặc và mê tín dị đoan, như thờ Ông Địa, Ông Táo, Thần Tài, Dinh Cô, Bà Thím, Quan Công, Thổ Thần, Bà Chúa Sứ v.v...( chưa kể các con vật gọi là linh vật như : cóc, bò, voi, rắn... ). "Khi không để cho Thiên Chúa có quyền tối thượng, người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng và bằng lòng với những trấn an bần cùng" - ĐTC Phanxicô đã nói như thế với 8000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư ngày 08.8.2018 ( theo Vatican News ). Trong Kinh Thánh Cựu ước đã mô tả Aharôn cho đúc tượng con bò vàng vì không phản bác lại lời xin của dân chúng; Thiên Chúa bừng khí nộ khi biết điều ấy và Môisê đã đập bia vỡ tan tành khi thấy Dân Chúa thờ tượng con bò vàng ( x Xh 32,1-35 ).
Sự tôn thờ thần tượng cũng không bị loại trừ khỏi những người đi nhà thờ đều đặn nhất, ngay cả trong số những người tu hành thành tâm nhất, chưa nói là mê tín... Họ tin tưởng rằng một món đồ vật chất nào đó có năng lực là làm cho nó trở thành một thần tượng. Họ không biết rằng tôn thờ thần tượng là từ chối năng lực huyền nhiệm của Thiên Chúa và là một sai lỗi hàng đầu trong 10 điều răn của Chúa.
Có nhà thờ nọ, trên một khoảng sân nhỏ đặt quá nhiều tượng. Người ta đến cầu nguyện, khi sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ xong rồi, quay sang cạnh bên thấy có tượng Chúa Trái tim, ngước lên một góc khác thấy tượng Tổng lãnh Thiên Thần Micae, nhìn qua trái có tượng Thánh Giuse,... nhìn ngã nào cũng có tượng, cứ nghĩ rằng tượng nào cũng phải kính nên phải cúi đầu, một hồi người cầu nguyện thấy loạn cả óc, hoa cả mắt. Qủa thật là quá lạm dụng, không còn mang tính thiêng liêng mà chẳng còn có giá trị nghệ thuật, có nơi đặt lư hương, nhan khói và cả thùng đựng tiền dâng cúng.
Có người đi đường xa vừa chạy xe vừa lần chuỗi. Họ nghĩ như thế là tốt nhưng không biết rằng rất nguy hiểm vì bị phân tâm, thiếu tập trung vào việc điều khiển tay lái. Vừa chạy xe vừa lần chuỗi, chẳng khác nào vừa chạy xe vừa nghe điện thoại.
Có người đi hành hương, đem nước thánh về để trong lọ gần cả chục năm, vẫn tin đó là phép mầu có thể chữa lành bệnh, nên khi ai đó đánh rơi hoặc làm đổ thì họ rất buồn, họ không nghĩ rằng dù loại nước gì cũng phải lấy từ trong tự nhiên, cất quá lâu thì cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Đau bụng mà uống vào sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể đến : Người xây nhà, kẻ mua xe mới... mời Cha Sở đến làm phép. Có chuyện thật buồn cười : Đầu năm học, tại một nhà thờ dâng Thánh Lễ thiếu nhi, tập trung cặp vở chất chồng lên một đống rồi linh mục Quản xứ rảy nước làm phép.
Dĩ nhiên, tôi không thích những việc làm trên vì tôi xem đó như là một sự mù quáng biến những phương tiện vật chất thành thần tượng và tỏ ra sùng bái một cách thái quá.
Có đôi vợ chồng đeo nhẫn cưới lâu ngày bị ôxi hóa, nhẫn bám vào ăn mòn da gây ngứa và làm tươm máu ngón tay, họ muốn cỡi ra cất nhưng cứ ngại vì đây là chiếc nhẫn đã được làm phép tại nhà thờ.
Hôn nhân thành công bởi hai vợ chồng yêu thương, tin tưởng, chia sẻ và gánh vác công việc lẫn nhau, chứ không mắc mớ gì đến cái nhẫn kim loại đã được làm phép đeo ở ngón tay.
Chúa yêu thương con người và muốn con người hoàn toàn tín thác vào Chúa chứ đừng ỉ lại vào sức riêng mình hay cậy dựa vào một thứ vật chất thần tượng nào khác.
Nên chăng, kiểm xem bạn có tôn thờ bất kì một thứ thần tượng nào không, nếu có thì hãy gỡ bỏ. Có thời gian dành cho Thiên Chúa thì việc tôn thờ hình tượng là không phù hợp, không mấy tốt đẹp, cần phải buông bỏ ngay. Phải sống đúng với điều răn thứ nhất trong 10 điều răn của Chúa : "Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự", không nhất thiết phải hình thức hay cầu kỳ.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét