Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Chúa trong người khác và hai thứ bệnh

1. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người :
     a. Con người giống hình ảnh Thiên Chúa
    Khám phá qua Thánh Kinh Cựu ước, giáo lý Giáo Hội Công giáo dạy chúng ta rằng : Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Từ đó, chúng ta cũng thường nghe nói : "Con người là hình ảnh của Thiên Chúa", "Hãy nhìn thấy Chúa trong người khác" - Và có lẽ đã từng tự hỏi về ý nghĩa thật sự của những câu nói đó. Thật ra, đấy chỉ là sự áp dụng thực tế lời dạy của Đức Giêsu : "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau"( Jn 13,35 ); "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy"( Lc 10,40 v Mc 9,41 ). Sự đón tiếp ở đây không những là các Môn đệ Chúa, hay các Linh mục ngày nay, mà ngay cả mỗi người chúng ta với nhau nữa. Yêu thương nhau thì hãy biết tôn trọng nhau, đón nhận nhau trong Chúa; mọi người đều là anh em với nhau, cho dù họ là người tàn tật, đói rách, thậm chí kể cả người tội lỗi, người không tốt với mình, người chống đối mình. Viết đến đây tôi nhớ tới lời kinh của Thánh Patrick's : 
        "...Chúa ở trong tim của mỗi người nghĩ về con
        Chúa ở trên miệng của mỗi người nói chuyện với con,
        Chúa ở trong mỗi ánh mắt nhìn con,
        Chúa ở trong mỗi đôi tai nghe con..."
    Qủa thật, khi ta thấy Chúa hiện diện trong người khác thì ta cũng thấy được lời kinh ấy quãng đại và giá trị dường bao ! Nếu chỉ thấy Chúa ở trên miệng, trong ánh mắt, trong đôi tai ta thôi, thì đó là chuyện bình thường rồi. Phải thấy Chúa trong người khác.
    Kể từ lúc Thiên Chúa nhập thể làm người, để con người có thể thấy được Thiên Chúa vô hình nơi dung mạo hữu hình của Chúa Giêsu Kitô : "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Từ giây phút đó, con người cũng được ban cho quyền nên giống Chúa Giêsu Kitô, nên dấu chỉ hướng dẫn anh em đến cùng Thiên Chúa Cha : "Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy". Trên đường trở về nhà Cha, chúng ta cần đi trên con đường biết đón tiếp anh em là chúng ta đón tiếp Chúa Kitô. Mỗi người cần trở nên giống Chúa Kitô, trở nên một Chúa Kitô khác đến độ người khác có thể nhìn vào dung mạo của chúng ta mà nhận ra sự hiện diện của  Chúa Kitô.
    Thiên Chúa là Đấng tiêu biểu của sự thiện, bản chất của Ngài là sự thiện. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người cũng phải biết sống tiêu biểu cho sự thiện. Chúa Giêsu xác nhận điều đó khi Ngài nói về tầm quan trọng của chứng tá làm con cái Chúa : "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, ngõ hầu người ta nhìn vào gương sáng của anh em mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời"( Mt 5,16 ). Và : "Các con hãy làm cho người khác những gì các con muốn người khác làm cho mình"( Mt 7,12 ) - Câu này Chúa Giêsu nói rất đơn giản và rất dễ hiểu. Trên thực tế đời thường, lắm khi chúng ta quên đi nét căn bản này rồi để cho tâm trí chúng ta lu mờ bởi tính ích kỷ, tính kiêu ngạo và sự hẹp hòi.
    Mỗi chúng ta đều có một bản ngã Tâm linh mà chúng ta không thể nhận biết được trên bình diện vật chất. Đó là con người thật, là Thiên Chúa, và là trạng thái chúng ta gọi là "Thiên Tính" hay "Thiên Chúa ngự bên trong".
    Thế nên, mỗi khi bạn nhớ tưởng hay nhận biết sự hiện diện của Chúa bên trong - bên trong chính bạn hay bên trong bất cứ một người nào khác - thì tình trạng bên ngoài lập tức bắt đầu thay đổi, bắt đầu cải thiện, mức độ cải thiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lần bạn chào hay nhận biết Thiên Chúa bên trong và khả năng trình độ nhận thức của bạn. 
    b. Chào Thiên Chúa trong anh em
    Việc chào Thiên Chúa trong anh em chỉ tốn vài giây, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả lợi ích cho cả hai - người chào và đối tượng được chào.
    Chào Thiên Chúa trong anh em không nhất thiết phải mở miệng ra nói lời chào, nhưng nhìn Thiên Chúa hiện diện trong người khác và tỏ ra ngưỡng mộ Ngài, tôn trọng người khác và nhìn nhận người khác là anh em với mình. Tất cả mọi người cùng một Cha Trên Trời.
Khi bạn nghĩ một người nào đó vô cảm, một người nào đó cư xử không tốt, hay khi bạn nghe tin xấu về một người nào, hãy chào Thiên Chúa bên trong họ thay vì chấp nhận sự việc đó, không cần phải "sửa lưng" họ. Khi một tình trạng nào đó có vẽ không ổn, dù đó là một bộ phận trong công việc làm ăn, hay bất kỳ thứ gì, hãy nhìn thấy Thiên Chúa đang làm việc trong đó, và việc chào Thiên Chúa này sẽ hóa giải mọi vấn đề. Đức HY Fanxico Xavie Nguyễn văn Thuận tác giả tập sách "Đường hy vọng" nói rằng : "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng hãy cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian, để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay ở trần gian". Xây dựng Nước Thiên Chúa là đem lại hòa bình, niềm vui và hạnh phúc cho xã hội, cho cuộc đời. Biết chào Thiên Chúa trong anh em !
    Nếu có người làm bạn bất mãn, hãy im lặng chào Thiên Chúa bên trong người ấy và nói những gì bạn nghĩ là tốt nhất, và đừng chấp bất cứ một phát biểu phủ định nào. Nếu có ai chỉ trích phong cách của bạn, hãy chào Thiên Chúa trong kẻ ấy, đừng tiếp tục bàn cải về việc này, và dĩ nhiên cũng đừng nhắc đến nó nữa.
    Bạn càng chào Thiên Chúa trong những người khác nhiều chừng nào, thì bạn càng thấy Thiên Chúa hiện diện gần gũi và thân thương bên trong bạn chừng đó.

2. Hai thứ bệnh : Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai :
    Bệnh nói nhiều là một thói quen mà con người ta khó sửa chữa. Khi gặp người đồng cảm người ta có thể nói và bộc lộ ra hết. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai là hai anh em ruột. Người nói nhiều không kềm hãm được, nên họ cũng tự khai ra thêm những chuyện mà người kia không hỏi hoặc không đề cập đến, tôi thường gọi đùa là "chưa đánh đã khai".Cũng vì căn bệnh nói nhiều của nhiều người thường mắc phải nên Chúa Giêsu đã khẳng định : "Không có việc gì dấu kín mà khỏi bị lộ ra" - Thời xưa cũng như thời nay. Người nói nhiều không dấu kín được những điều cần dấu kín, có khi đó là chuyện riêng tư hoặc là chuyện cần giải quyết trong nội bộ gia đình. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai, nếu không khắc phục được sẽ gây tổn hại cho đời sống tâm linh rất nhiều. Tội nghiệp thay, người nói nhiều thường có thái độ cực đoan, độc đoán; họ nói nhiều mà cứ tưởng nói ít, họ không chịu lắng nghe ý kiến của người thân, đôi khi người thân chỉ nói vài câu họ đã vội cắt ngang kết tội cho là nói nhiều.
    Đã biết chào Thiên Chúa trong người khác rồi thì không nên nói nhiều. Khi nói nhiều và tự mình không dấu kín được điều gì thì đời sống nội tâm trở nên nông cạn đi. Người nói nhiều, tuy nói nhiều nhưng vẫn nhẹ dạ, dễ bị người khác giật dây, thiếu khôn ngoan và cẩn trọng. Phải có bản lĩnh, đừng để bị kẻ khác giật dây vì có những việc làm không đúng kẻ khác tìm cách thuyết phục, ta cứ tưởng là đúng, sau đó đi theo con đường của họ. Chưa nói đến gặp người tâm lý hơi khéo một chút và có tính hay tò mò, thích tìm hiểu chuyện người khác, lúc ấy bạn sẽ khai ra tất cả mọi sự, như thế thì bạn chẳng khôn ngoan gì, vì bạn đang bị người ta đánh lừa, người ta khai thác bạn - Người ta sẽ hiểu được toàn bộ con người bạn mà chưa chắc họ đã giúp được gì cho bạn, có khi còn xúi quẩy những chuyện bất lợi bạn không kịp nhận ra, chưa kể là bị ma quỷ tấn công làm mất đức tin vì mình quá nhẹ dạ dễ tin vào người khác, mà người khác là người hoàn toàn khác chính kiến địa vị và quan niệm sống với mình. Ở VN cứ 3 người, có thể có 2 người là Dư luận viên ( tức người của Nhà nước ) - Một tài xế từng phục vụ trong quân đội, sau khi xuất ngũ anh lái xe riêng, đã cho biết như vậy.
    Ta biết rằng Chúa Giêsu khi chịu cám dỗ, Ngài đã chiến thắng, ma quỷ đành rút lui nhưng vẫn chờ cơ hội khác ( x Mt 4,1-11 v Mc 1,12-13 v Lc 4,1-13 ).
    Ở đời trăm ngàn cám dỗ, bệnh nói nhiều là một cám dỗ. Có khi người nói nhiều không biết chán, họ cứ say sưa nói chuyện này qua chuyện khác, mà người nghe thì thấy mệt mỏi chán chường. Đôi khi vì một câu chuyện mà tài xế phải lạc đường, phải dùng điện thoại để định vị lại, mặc dù trước đây con đường đó đã đi qua nhiều lần rất quen thuộc. Người nghe vì tế nhị nên phải nghe, chưa chắc họ đã thích thú. Cũng có khi vì can giờ, thúc hối, mà tài xế chạy nhanh, chạy ẩu, rất nguy hiểm. Chúa Giêsu đi Rao giảng, nhưng Ngài không nói nhiều, đa số những dụ ngôn của Chúa thường ngắn gọn và dễ hiểu. Chúa rao giảng bằng chính con người thật của Ngài, bằng chính đời sống và hành động của Ngài, Chúa trà trộn trong dân chúng. Chúa cũng tôn trọng quyền riêng tư và tự do của người khác nên đứng trước dân chúng Ngài thường bảo : "Ai có tai thì nghe"; mặc dù đó là những thông điệp tâm linh, nhưng nghe hay không là quyền của họ, Chúa tôn trọng họ. Chúa rao giảng Lời theo ý muốn của Chúa Cha.
    Nói nhiều thường dễ bị hao tổn khí lực, có hại cho sức khỏe vì khi nói nhiều phải hao hơi rát cổ, phải lo âu nhiều, dễ hối hận vì lời nói của mình không khéo; từ đó kéo theo những căn bệnh tệ hại khác như viêm họng, mất ngủ, lao phổi hoặc chứng trầm uất. Có người cho rằng nói nhiều thường được giải tỏa tâm lý và làm cho mình được khuây khỏa, vơi đi nỗi buồn. Tuy nhiên, nói nhiều đôi khi còn gây tổn thương người khác làm người khác xao xuyến, bất an... nên ta cũng cần cẩn trọng trước khi nói ra một vấn đề nào đó. Dĩ nhiên, nói mà làm cho người ta vui, động viên an ủi được người ta... thì đó là điều tốt. Tránh tình trạng hấp thụ kiến thức từ Internet rồi giảng lại cho người khác, vì thông tin Internet chưa hẳn đã hoàn toàn đúng ( có lần BS Phan Tiêu Thu - bạn thân - cũng đã chia sẻ; BS Nguyễn Lê Tường Quyên thuộc phòng khám Đa khoa Sài Gòn LK cũng nói như vậy ). Mỗi người chúng ta thường có thói quen làm như thế. Mạng xã hội ngày nay là một phương tiện mở rộng, đa số ai cũng tiếp cận. Nên tự chọn lọc và tự học cho bản thân mình thôi cũng được rồi.

    Đời người ai cũng thế, với những năm tháng đầu đời tập nói để rồi ta biết tập im lặng, im lặng là một sự khôn ngoan chứ không phải nhu nhược. Ước gì chúng ta ý thức được không nên nói nhiều, nên kiệm lời, nói ít và chỉ nói đúng nơi đúng lúc khi cần thiết, đừng ép buộc người khác nghe. Tránh những điều ta nói cho "sướng miệng" mà không nghĩ đến hậu quả. Tránh những điều khi một người nào đó hỏi chuyện một người khác mà ta lại dành ta trả lời, không cho người khác trả lời. Hãy cố gắng nói với lưu lượng vừa phải, làm sao cho người khác lắng nghe và thích nghe, vấn đề này còn bảo đảm cho sức khỏe bản thân mình nữa, vì mỗi người đều được lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa tự đáy lòng và sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét