Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Theo Chúa và việc đi Nhà thờ


1. Theo Chúa :
    Có người đặt vấn đề : "Theo Chúa để được gì ?" Tôi không thích câu nói này vì nó có vẻ so đo tính toán quá. Nếu người Cha sanh ra con, mà con lại hỏi: Theo Cha để được gì ? - Câu nói này bỗng dưng thấy kỳ cục liền, người cha sẽ rất buồn khi nghe con mình nói câu đó. Nếu người ta đi từ tìm hiểu, rồi yêu, khi đã yêu rồi thì người ta sẽ không hỏi như vậy nữa, người ta chấp nhận cả những gì được mất. Chỉ biết yêu và yêu thôi là đủ, cho dù chết vẫn yêu - Không mù quáng đâu, yêu đích thực như Chúa Giêsu đấy ! Tuy nhiên, ngày xưa sau câu chuyện người thanh niên giàu có gặp Chúa Giêsu, Phero lại đặt câu hỏi : "Chúng tôi đây bỏ hết của cải, nghề nghiệp để theo Chúa, chúng tôi sẽ được gì đây ?"( Mt 19,27 v Mc 10,28 v Lc 18,28 ). Thực tế lúc ấy Chúa Giêsu và các Môn đệ đều nghèo, không có nơi ở, không có tài sản hay nguồn lợi nào cả. Phero lúc đó dù có lớn tuổi hơn Chúa đi nữa, ông vẫn tỏ ra ngu ngơ trước mặt Chúa.
    Câu trả lời của Chúa ta phải đọc cho kỹ, nhất là điều chính Chúa muốn dạy các Môn đệ ( x Mt 19,28-29 v Mc 10,29-31 v Lc 18,29-30 ). Điểm nỗi bậc nhất là mấtđược, hoặc bỏnhận. Người nào vì Chúa và vì Phúc Âm mà từ bỏ tất cả những gì có trong đời, sẽ không mất, không thiệt thòi đâu. Chúa không để cho người theo Chúa phải thiệt thòi mặc dù gặp khó khăn, vì sự sống đời đời quý giá không thể nào so với những gì trần gian này có. Nhiều người theo Chúa kinh nghiệm ân phúc Chúa trong đời này. Tuy nhiên mục đích chính của việc theo Chúa không phải là để được lợi trong đời này, mà là sự sống đời sau, sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa ( TC ). Nếu so cuộc đời 70, 80 năm với cõi đời đời, vô cùng vô tận, thì ta thấy những gì ta mất đi bây giờ có đáng gì đâu !
    Ta phải coi chừng, vì có khi theo Chúa lâu năm mà không được vào Nước Chúa, vì đã quên hẳn mục đích chính mà bận rộn với công việc phụ. Hoặc là không chịu xét mình, từ bỏ tội lỗi, vì tưởng rằng nếu mình cứ phục vụ hết lòng thì mình đang ở trong Chúa. Hãy cẩn thận ! Biết đâu, "kẻ đầu sẽ nên rốt, kẻ rốt sẽ nên đầu"( Mc 10,31 v Mt 19,30 ). Ta cũng không quên câu nói của Chúa Giêsu : "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu !..."( Mt 7,21 v Lc 6,46 ) Nhiều người cho rằng phải chú trọng vào việc thiện hơn là chuyện về đạo lý. Vì vậy người ta có thể đi đến cực đoan mà nói rằng ta có thể được cứu rỗi nhờ làm nhiều việc thiện, chứ không cần phải đi nhà thờ. Nhưng Kinh Thánh không dạy như vậy. Việc cứu rỗi hoàn toàn do ân sủng Chúa ban, con người không thêm bớt gì vào đó được, và việc thiện là do tình thương mà thể hiện, làm việc thiện là làm sáng danh Chúa vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, là sự thiện. Dù chúng ta làm gì chăng nữa, Chúa vẫn xét đến tấm lòng thành và đức tin của kẻ "dám bán hết gia tài của cải để tậu cho được kho báu".
    Viết đến đây tôi nhớ tới tư tưởng của Martin Buber, tôi đọc được trên facebook Ha Nguyen : "Ý nghĩa thật sự về yêu thương tha nhân không phải là mệnh lệnh từ TC mà chúng ta phải thực hiện, nhưng thông qua tình yêu thương và trong yêu thương chúng ta gặp gỡ TC"( The true meaning of love one's neighbor is not that it is a command from God which we are to fulfill, but that through it and in God ). Ta yêu tha nhân là biểu lộ tình yêu của ta với TC, nhưng nếu làm việc thiện mà tôn thờ ma quỷ thì có được rỗi không ? No !
    Thật thế, TC luôn dùng ân sủng để đối xử với chúng ta. Chúng ta được cứu bởi ân sủng. Do ân sủng mà chúng ta được dự phần trong việc phục vụ TC. Nhờ ân sủng mà chúng ta được TC gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc. Êphêsô 2: 8-9 chép : "Vả, ấy là nhờ ân sủng, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của TC. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình."
    Tình yêu TC là tình yêu do ân sủng, bởi ân sủng và duy nhất ra từ ân sủng. Tình yêu TC đặt nền tảng trên sự ban cho vô điều kiện, mặc dù chúng ta không xứng đáng.
Tin Mừng vốn không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ được hiểu biết suông mà để được sống cùng chân lý; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng theo Chúa phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể, bằng đời sống thẳm sâu của mình nữa.

2. Việc đi Nhà thờ :
    Chúa nhật hay còn gọi Chủ nhật, tức là Ngày của Chúa - Kinh Thánh diễn đạt đây là ngày cuối trong một tuần làm việc và sáng tạo, Thiên Chúa cần sự nghỉ ngơi. Trong sự nghỉ ngơi, Thiên Chúa ban phúc lành và thánh hóa cho ngày này ( x St 2,2-3 ). 
    Có bao giờ ta bỏ đi Nhà thờ ngày Chúa nhật để đi chơi ? Để làm việc riêng ? Hoặc ở nhà nghỉ ngơi vì đã phải đi làm thêm vất vả suốt ngày thứ bảy ? Có khi nào ta không muốn đi Nhà thờ vì trời mưa to gió lớn ? Vì không muốn nghe một Linh mục nào đó giảng ? Hoặc không muốn gặp một ai đó đã từng làm cho ta khó chịu ?
Điều tệ hại nhất là nếu ta ở nhà không làm gì cả, chỉ đứng lên nằm xuống, trạng thái dã dượi như một người trầm cảm, nỗi buồn sẽ gậm nhấm và giết chết ta.
Dĩ nhiên không phải nhờ đi Nhà thờ đều đặn mà chúng ta được cứu hay được trở thành con cái Chúa, cũng không hẳn những người ôm Kinh Thánh đến Nhà thờ mỗi Chúa nhật là người tin Chúa hết lòng ( những người Tin Lành thường cầm Kinh Thánh trên tay khi đến Nhà thờ, họ có những buổi họp nhóm cầu nguyện rất bổ ích ). Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào thái độ của người tin Chúa đối với Ngày-của-Chúa và việc lãnh nhận các Bí tích, để làm tiêu chuẩn đo lường tình yêu của người ấy đến với Chúa.
    Trước khi để ý đến thái độ của người khác, chúng ta cần kiểm điểm chính bản thân mình. Dù rằng chúng ta không tuân giữ điều răn thứ ba một cách cứng rắn và khắt khe như giới lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa, nhưng chúng ta phải luôn luôn dành ngày của Chúa để thờ phượng Chúa, học Lời Chúa và lo công việc Chúa. Nếu ngày Chúa nhật chúng ta có thể ở nhà làm những công việc khác mà không cảm thấy áy náy khó chịu, không có mặc cảm tội lỗi là mình đã "ăn cắp" ngày của Chúa, có lẽ chúng ta nên xét lại mối liên hệ của chúng ta đối với Chúa. Không ai có người yêu mà lại bỏ ngày hẹn với người yêu để làm việc khác. Có người tin Chúa đã lâu nhưng lúc nào vui thì đi Nhà thờ, buồn thì thôi. Có khi Chúa nhật ở nhà sơn nhà, sửa xe, dọn dẹp, làm vườn, buôn bán, nhậu nhẹt; mùa nóng thì đi chơi núi, tắm biển...mà lại bỏ lễ. Những người thiên về hưởng thụ, làm như thế chứng tỏ Chúa chưa phải là lẽ sống của họ và họ chưa đặt Chúa trên hết mọi sự.
    Dù có làm gì đi nữa thì cũng không thể bỏ lễ ngày Chúa nhật. Lời Chúa dạy rằng :"Đừng bỏ các buổi họp như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là lúc này khi anh em thấy Ngày Chúa gần trở lại"( Hp 10,25 ). Lời khuyên này cho ta thấy không phải chỉ người tin Chúa trong thời đại văn minh vật chất ngày nay mới bị cám dỗ bỏ ngày thờ phượng Chúa đi làm việc khác, nhưng trong Hội Thánh đầu tiên đã có tình trạng ấy. Mỗi khi hoạch định chương trình làm việc, nghỉ ngơi, giải trí...hãy nghĩ đến Chúa trước để chúng ta không mắc phải lỗi lầm không tôn trọng ngày của Chúa.
Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng : Mỗi người theo Chúa đều có một Nhà thờ, đó là tâm hồn và thể xác mình. Giáo lý dạy rằng : Thân xác là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy ta cần phải biết gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ nó.

3.Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con biết theo Chúa vì yêu Chúa, theo Chúa phải làm gì, chứ không phải theo Chúa để được gì ? Xin giúp con biết dành riêng ngày của Chúa để thờ phượng Chúa và lo công việc Chúa, đừng vì ham vui hoặc chạy theo đồng tiền mà bỏ bê việc đạo đức. Dù bận rộn mấy cũng nên sắp xếp thời gian đi Nhà thờ lễ Chúa nhật và các ngày lễ trọng.

JB.SĨ TRỌNG.



P/s : Cám ơn một số hình ảnh anh Nguyễn Thương trong ban Truyền Thông GP đã cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét