Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Khúc hát Tình Trời

            (Tặng Trúc Linh )


1. Mối tương giao và hội nhập :
Với Đại dịch hôm nay, từ trong ngục tù của đời sống có những nơi như địa ngục: con người đau khổ, quằn quại, rên xiết. Từ trong ngục tù, con người ngước trông Chúa qua các thanh cửa sắt để cầu xin phước hạnh và bình an. Tin Mừng nói về cái "khát của linh hồn"( Jn 6,35 ), nhắc đến cái "đói trong cõi lòng" và nói về "sự sống sung mãn"( Jn 10,10 ). "Được sống và sống dồi dào" là điều Thiên Chúa ( TC ) làm, chỉ có Chúa đến và làm cho chúng ta mà thôi. Không ai có thể làm được.
Các câu đầu chương I, Tin Mừng Gioan cho biết rõ TC đã đến với loài người. Chúa Giêsu ( GS ) chính là người thật và là TC thật ( Jn 1,1-2 ), Chúa sẽ hồi phục con người ( Jn 1,14 ) vì Ngài có quyền năng như quyền năng sáng tạo của Chúa Cha vậy: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành"( Jn 1,3 ). Chúa GS được gọi là Ngôi Lời vì Ngài là thông điệp Chúa Cha gởi đến cho nhân loại. Một ai đó có thể thắc mắc : Tại sao Chúa không phán một lời, bật một tia lửa điện để xua tan bóng tối, tiêu diệt sự ác cho chúng sinh, chứng tỏ quyền năng của Ngài, như vậy có đơn giản không ? Nhưng cần biết rằng sự vui mừng và hạnh phúc của chúng ta có được là nhờ mối tương giao với TC trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hiểu về một ông vua giàu mạnh yêu một thôn nữ, ông có quyền cưỡng bách cô gái về làm vợ ông chứ ? Nhưng ông có chiếm đoạt được tình yêu của nàng không ? Muốn chinh phục cô gái quê, nhà vua phải làm một gã tiều phu, lần mò đến xóm nghèo của cô gái để sống, để tỏ tình, mà trong lòng vẫn lo rằng nàng phải lòng một chàng nông dân láng giềng ( câu chuyện Cựu ước ). Ngôi Lời có từ thuở đời đời, "từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời"( Jn 1,1 ), thế nhưng Chúa Giêsu đã đến trần gian để bày tỏ chính TC, tình thương của Ngài cho chúng ta. Trong Ngài, chúng ta thấy và hiểu được Chúa Cha. Ngài là một với Chúa Cha vì "muôn vật dựng nên trong Ngài" và Ngài có trước muôn loài muôn vật ( Jn 1,16-17 ). Ngài là thân thể và là đầu Hội Thánh.
Cứ đặt giả thiết rằng : Nếu chúng ta dịch một bản văn tiếng Phạn sang tiếng Việt, chắc chắn sẽ là rất khó, nhưng dù sao thì hai thứ tiếng ấy cũng đều là tiếng của loài người. Đi đám tang của người Phật giáo, nghe các nhà sư tụng kinh tôi chẳng hiểu gì. TC muốn chúng ta biết chính Ngài - Qua Đức Kitô, TC phán với chúng ta, rồi Ngài để cho con người tự xử, tự thông dịch, giải bày theo phương cách của loài thụ tạo giống hình ảnh TC. Để chúng ta hiểu Ngài, Ngài gạt bỏ hết mọi chướng ngại để hòa trộn với loài người. Ngài làm một người giống y như chúng ta, mặc dầu Ngài vẫn là TC ( Jn 1,12-13 ). Với sự giáng trần thành người thật, TC đã hạ mình xuống, đổ ơn ra, bày tỏ lẽ thật, tiếp xúc và hồi phục con người, giúp con người vui hưởng hạnh phúc.
  
 2. Hai biểu tượng :
Biểu tượng Chiên Con và Bồ câu được nói đến trong Tin Mừng Gioan 1,29-32. Nét dịu dàng của biểu tượng này là thể hiện quyền năng cứu độ của TC.
     a.Biểu tượng Chiên Con : Nhiều khi trong những lúc cần kíp, sự khôn ngoan và sức lực của chúng ta chẳng giúp gì được. Tình yêu thánh của Chúa Cha không đến với chúng ta được vì tội lỗi của chúng ta, nên Chúa GS đã làm Chiên Con mang hết tội lỗi của chúng ta, chịu hy sinh như trong nghi lễ thờ phượng của người Do Thái xưa. Ngài mang hết tội lỗi của loài người, do đó nhận chịu sự thịnh nộ của Chúa Cha thế cho loài người. Chúa GS chết trên cây thập tự giá đặt ngoài thành Jêrusalem, nhưng về phương diện thần linh thì chính Ngài đã chịu chết và chuộc tội thay cho chúng ta tại chính nơi Ngai của TC. Trong sách Khải huyền, tác giả Gioan bảo rằng Chiên Con "ngự trên ngai" và rằng "cơn thịnh nộ của Chiên Con" nghịch cùng các người cao ngạo, giàu có và quyền thế trên thế gian này ( Kh 5,6-10 v 6,15-16 ). Bấy giờ con cái Chúa sẽ vui mừng thấy rõ rằng "sự điên rồ của TC còn hơn sự khôn ngoan của loài người, sự yếu đuối của TC còn hơn sự mạnh mẽ của loài người"( I Cr 1,23-25 ) ( Cách nói của Phaolo ).
     b.Biểu tượng Bồ câu : Trong một bài thơ viết về Huế, tôi có tả :
              "Nhà Đồ, Thượng Tứ, cửa Đông Ba
              Mấy  chú  chim  câu  đậu  mái  nhà
              Bảng lảng chiều buông lưng Núi Ngự
              Văn   Lâu   còn  vọng  tiếng  hò  xa..."
Hình ảnh chim câu ở đây không phải là biểu tượng, nó chỉ là một chi tiết ngoại cảnh từ thiên nhiên, một không gian hồi ức kỉ niệm.
Công trình Cứu chuộc của Đức Kitô là một trạng thái chuyển động trong một không gian lịch sử, bao gồm những động tác liên tục : Đức Kitô biến thành nhục thể, chịu đóng đinh, chịu chết, phục sinh, thăng thiên. Ta nhận chân được Đấng Cứu thế là Đức Kitô - Chính Đấng ấy đã dẹp hết mọi trở ngại ( trong vai trò Chiên Con ) để TC có thể đến cùng loài người trong Chúa Thánh Thần ( Bồ câu ) mà kết hiệp chúng ta lại với Ngài trong giao ước mới : "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế"( Mt 28,20 ). Đúng là Khúc hát Tình Trời, một biểu tượng trên cả tuyệt vời !

3. TC biết rõ mọi sự :
Khi chọn gọi các Môn đệ, từ xa, dưới gốc cây vả Chúa GS đã thấy Nathanaen và Ngài thấy tận đáy lòng của ông ( x Jn 1,47-50 ). Chúa GS là Đấng Cứu Thế, Ngài vừa là người thật, vừa là TC thật nên Ngài biết rõ mọi điều từ thâm sâu của lòng người, như Chúa Cha biết trước nhân loại sẽ phạm tội và Chúa Cha đã sai Con Một xuống để cứu chuộc nhân loại. Chúa GS biết khuynh hướng tội lỗi trong chúng ta, nên Ngài đã vực chúng ta từ tối tăm qua ánh sáng, vì nơi nào ánh sáng soi rọi bóng tối phải nhường bước. Dạy Giáo lý cho người Dự tòng tôi thường nêu vấn đề: Ta không thấy TC mà Người có thấy ta không ? Câu trả lời rất dễ học dành cho họ: Ta không thấy TC nhưng Người vẫn thấy ta, cho dù cả những sự kín nhiệm trong lòng thì TC vẫn thấy được. Chúa GS biết được cả chuyện riêng tư của người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia-cop ( Jn 4,5-26 ), của người đàn bà bị băng huyết 12 năm cùng đám đông đi sau lưng Chúa ( Mt 9,18-22 v Lc 8,40-56 v Mc 5,21-43 )...
Nathanaen hiểu ra rằng Chúa thấy rõ lòng mình thì ông thỏa dạ lắm. Có người hiểu mình mà ! Chúa GS hiểu được lòng dạ con người ra sao ? Ngài không hiểu ta như một bạn tâm giao ngoài đời mà hiểu ta như một Đấng Toàn Tri. Ngài biết từ bên trong, Ngài rõ từng khúc nối của lòng ta để giữ chúng ta khỏi sa ngã. Có phải vì vậy mà Ngài chú ý kiêng ăn, làm giảm sức lực xuống để cảm nhận hết sức mạnh độc hại của Satan mà đối phó với nó chăng ?( x Lc 4,1-12 ). TC không chỉ chống lại quân thù từ phía ngoài hay ở một vị trí cao hơn, mà có khi Ngài lại để cho Satan thâm nhập vào bên trong rồi làm cho nó nổ tung từng mảnh. Thật kỳ diệu thay, TC đã tự hạ xuống như con người để biết sức phá hoại và sự cám dỗ của Satan. Cám ơn Chúa, do thực nghiệm này mà Ngài biết được tâm trí cùng khả năng của con người. Ngài rõ hết các âm mưu lắc léo của Satan trên đời sống ta và cũng biết ta có thực sự chống lại Satan hay dễ dàng khuất phục dưới quyền năng nó. Ngài thấu rõ tâm tư, thái độ, ý chí, nguyện vọng của chúng ta để chữa trị tận gốc cho ta. Hãy đồng thanh với Phêro mà thưa rằng : "Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự"( Jn 21,17 ). Đức tin cứu rỗi thật sẽ giúp chúng ta bền đỗ.

4. Cầu nguyện :
Cảm tạ Chúa đã xuống thế làm người cho con hiểu được tình yêu và tiếng phán của Ngài. Xin giúp con luôn sống trong tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa là Chiên Con của TC ! Xin cho con được tự do mọi bề để có thể phục vụ Chúa hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho tình Chúa giao hòa trong con, xin cho con biết được lòng con như Ngài đã biết con vậy. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét