Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Chiên và Người Chăn


 I. NGƯỜI CHĂN VÀ CHIÊN LẠC :
Tin Mừng Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu ( GS ) phán cùng các Môn đệ : "Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con bị lạc mất, thì há chẳng để chín mươi chín con kia trên núi, mà đi kiếm con đã lạc mất sao ? Và nếu may mà kiếm lại được, Thầy bảo thật anh em, người ấy lấy làm vui mừng về con đó, hơn là chín mươi chín con không bị lạc"( Mt 18,12-13 ). Có lẽ ta cũng nên đọc Tin Mừng Luca nữa chứ : "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó"( Lc 15,4-7 ). Có gì khác nhau không nhỉ ?
Đọc sách nói về đất nước Do Thái, tôi mới biết rằng: Ở xứ Giu đê chiên rất dễ bị lạc, đồng cỏ trên vùng đồi chạy dài như xương sống xuống miền giữa. Dãi đất cao nguyên này chỉ rộng vài dặm không có tường ngăn, vì thế nếu chiên ra khỏi vùng đồng cỏ, đi lạc vào thung lũng hay hố sâu hai bên thì rất dễ lọt vô kẽ đá lởm chởm, không có cách nào leo lên hay bước xuống, và kẹt ở đó chờ chết. Thời Chúa GS đàn gia súc đa số là của chung nên thường có hai hoặc ba người chăn dắt. Chính vì thế người chăn có thể để chín mươi chín con lại, để đi tìm con chiên lạc, mà không sợ bị mất thêm con nào trong đàn. Những người chăn chiên thường rất vất vả khổ cực, hy sinh hết mình đi tìm con chiên lạc. Họ thương chiên lắm, không muốn để lạc mất một con nào, tình cảm của họ dành cho chiên cũng như thú cưng mình nuôi tại nhà vậy - Đó là thứ tình cảm tự nhiên chứ không phải vì lý do kinh tế. Ta có thể hình dung những đôi mắt đau đáu mõi mòn ngóng nhìn lên triền núi đợi chờ khi chưa thấy người tìm kiếm trở về, và nỗi vui của họ khi thấy anh ta lê gót trở về, vai vác con chiên lạc còn sống sót, mừng rỡ nghe anh thuật chuyện tìm chiên. Đây là bức tranh về Thiên Chúa ( TC ) và tình yêu của Ngài, trong hình ảnh người chăn chiên mà Chúa GS đã phát họa - Một hình ảnh đầy tính nhân văn, gây ấn tượng và tạo xúc cảm ngay, qua đó chúng ta khám phá mỗi người đều được dạy dỗ về tình yêu thương của TC với những nét cụ thể sau :
          1.Tình yêu của TC là tình yêu tự bản chất : Chín mươi chín con không đủ, một con còn ở triền núi, người chăn không thể yên tâm nghỉ ngơi cho đến khi mang được nó về ! Cha mẹ của một gia đình dù đông con, cũng không thể thiếu mất một đứa, không đứa nào không quan trọng.TC không thể an vui cho đến khi kẻ hư mất cuối cùng được cứu. Nếu có sự gì bất trắc, con cái đau khổ một thì ba mẹ đau khổ mười. Đối với TC cũng vậy, "Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất"( Mt 18,14 ).
          2.Tình yêu của TC là tình yêu kiên nhẫn : Chiên là con vật hiền lành và khờ dại. Tôi đã có dịp đi vào một khu du lịch và bồng nó lên vai, đúng là một con vật hiền lành và khờ dại ! Người ta thường ít kiên nhẫn với kẻ khờ dại. Cảm tạ TC, Ngài không như vậy. Chiên có thể dại dột, nhưng người chăn bỏ mạng sống mình mà cứu . Con người có thể ngu muội, nhưng tình thương TC thì hãi hà, Ngài yêu thương mọi người, kể cả kẻ ngu muội. Ngài kiên nhẫn và đánh thức con tim, Ngài chờ đợi sự trở lại của họ. Chúa GS nói : "Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn"( Lc 15,7 ).
          3.Tình yêu của TC là tình yêu tìm kiếm : Người chăn không ngồi ở chuồng đợi chiên trở về, anh ra đi tìm nó. Trong Chúa GS, TC đã đến tìm kiếm những kẻ lạc mất. TC không chịu chờ đợi con người trở về, Ngài ra đi tìm họ bất chấp mọi gian nguy, mọi giá phải trả. Ngài không bao giờ ngồi trên lưng một con của đàn chiên một trăm con, để rồi cứ đếm thiếu một con - Ngài kiểm soát và nắm được số lượng chính xác, Ngài biết con chiên bị lạc mất và bằng mọi cách để tìm kiếm được.
          4.Tình yêu của TC là tình yêu hân hoan : Ở đây chỉ có sự vui mừng hoan hỉ, không có sự quở trách phàn nàn. Người ta không bao giờ quên tội lỗi của người chống lại mình, nhưng Chúa GS bỏ mọi tội ra phía sau. Khi chúng ta quay lại với Ngài, Chúa tiếp đón chúng ta với sự vui mừng trọn vẹn. ( Ta có thể đọc và liên hệ với câu chuyện "đứa con hoang đàng trở về" : Lc 15,11-32 ).
          5.Tình yêu của TC là tình yêu bảo vệ : Đó là tình yêu tìm kiếm và cứu vớt con người đừng để họ bị hư mất trở lại, để họ phục vụ đồng loại. Tình yêu khiến cho kẻ lầm lạc thành khôn ngoan, người yếu đuối thành mạnh mẽ, tội nhân được trong sạch, người nô lệ của tội lỗi thành người tự do trong thánh khiết, người thất bại trước sức cám dỗ thành người chiến thắng tội lỗi. Chúa sẽ giữ gìn và bảo vệ họ.

II. KẺ BƯỚNG BỈNH VÀ TÒA ÁN LƯƠNG TÂM :
Kẻ bướng bỉnh muốn nói ở đây cũng nằm trong kế hoạch của TC. Phân đoạn Tin Mừng trên của Matthêu nối liền với phân đoạn nói về việc "sửa lỗi anh em" : Mt 18,15-18. 
        1.Nội dung thứ nhất : Điều Chúa GS đề cập là "Nếu một người nào phạm tội nghịch cùng ngươi, hãy cố hết sức làm cho người đó nhận lỗi, và dàn xếp êm đẹp giữa ngươi và người đó" ( Mt 18,15 ). Ta có thể hiểu như thế. Trên căn bản, không bao giờ nên để mối giao hảo giữa chúng ta và một người khác trong cộng đồng tín hữu bị sứt mẻ. Gỉa sử có điều gì sai trái thì ta phải làm gì để sửa sai ? Đoạn này nêu cho ta cả một kế hoạch hành động để hàn gắn sự đổ vỡ trong mối tương thông giữa các tín hữu.
Nếu người nào gây buồn phiền, chúng ta phải nói ra ngay. Thái độ tệ hại nhất đối với điều sai quấy của người khác là cứ ấp ủ nó trong lòng. Nó đầu độc cả tâm trí và đời sống cho đến khi ta không thể nghĩ điều gì khác ngoài cảm giác mình bị tổn thương. Cảm giác như vậy phải được mang ra, nói lên và đối diện một cách công khai. Sự thẳng thắn đó cho thấy vấn đề không có gì quan trọng, gay go như ta nghĩ.
Kế đến, nếu ta cảm thấy ai đó đã làm điều sai quấy đối với mình, thì đích thân gặp người đó. Nếu cuộc gặp mặt cá nhân không đạt mục đích, chúng ta phải mời một vài người khôn ngoan đi cùng. Tuy nhiên, những người chứng đến không phải để làm chứng rằng người kia đã phạm tội mà để giúp đỡ hòa giải. Cũng có thể ta chính là người có lỗi.
Nếu cách đó cũng thất bại nữa, phải mang vấn đề rắc rối riêng của ta đến Hội Thánh. Tại sao vậy ? Bởi vì không bao giờ nên giải quyết những rắc rối bằng pháp luật xã hội, hay lý lẽ ở ngoài Chúa. Chủ nghĩa duy luật không dàn xếp được gì, chỉ gây thêm vướng mắc. Chỉ bởi sự cầu nguyện, sự yêu thương và tương thông trong Chúa, mối quan hệ cá nhân mới có thể hàn gắn lại. Hội Thánh là những Kitô hữu, chúng ta phân xử mọi sự không căn cứ trên sách vở, thủ tục, nhưng dưới ánh sáng của tình yêu thương.
        2.Nội dung thứ hai : Bây giờ chúng ta đến phần khó hiểu của phân đoạn Tin Mừng nêu trên. Matthêu nói nếu làm đến như vậy cũng không kết quả, hãy coi người phạm tội nghịch cùng chúng ta như người ngoại và kẻ thu thuế ( Mt 18,17 ). Phần này hơi căng đấy ! Cảm tưởng đầu tiên của ta khi đọc câu này là bỏ rơi người đó vì không còn cách gì cải hóa được nữa. Chúa GS không nói và không thể ngụ ý một điều như thế. Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ con người. Như vậy Chúa GS muốn nói gì ? Chúng ta đã thấy khi Ngài nói đến những người thu thuế và tội nhân : Ngài luôn nói với lòng yêu thương, hiền hòa và hiểu biết đối với những tính chất tốt đẹp của họ. Không ai hoàn toàn tốt mà cũng không ai hoàn toàn xấu. Trong kẻ xấu vẫn có điều tốt, trong người tốt vẫn có điều xấu. Có thể điều Chúa GS nói là: "Ta không thấy kẻ thu thuế, người ngoại bang và tội nhân là kẻ tuyệt vọng. Theo kinh nghiệm Ta thấy có những tấm lòng dễ cảm động, và có nhiều người trong họ như Matthêu, Gia kêu đã trở thành bạn tốt. Ngay cả những kẻ có tội, bướng bỉnh như kẻ thu thuế, kẻ ngoại bang, các ngươi cũng có thể thu phục họ như Ta đã làm". Đây không phải là mệnh lệnh bỏ rơi một người, nó là thách thức thu phục người ấy bằng tình yêu, dù đó là tấm lòng cứng cỏi nhất. Đây không phải là câu nói tuyệt vọng, Chúa GS không thấy ai là người vô vọng cả, chúng ta cũng phải như vậy, vì những người này cũng có thể xem như là những con chiên lạc. Chiên bướng bỉnh - chiên lạc này chúng ta cũng phải cầu xin cho nó được ăn năn sám hối, biết nhận lỗi và khiêm tốn trở về với đường ngay nẻo chính.
        3.Nội dung thứ ba : Cuối cùng, trong phân đoạn Tin Mừng thứ hai này là một câu nói về buộc và mở : "Thầy bảo thật anh em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy"( Mt 18,18 ). Ghê ! Có đâu mà Chúa cho chúng ta quyền hành lớn vậy ? Quyền ấy có thể nói là quyền thay mặt Chúa luôn đấy. Nếu ta lãnh nhận quyền hành đó và ta tưởng ta có quyền năng như Chúa thì ta trở thành kẻ kiêu ngạo mất rồi. Xét về mặt lương tâm ngay thẳng, hiểu hơi thoáng một chút, câu nói này không ngụ ý Hội Thánh có thể xá tội hay miễn xá, quyết định số phận của một người nào đó trong thời gian hay vĩnh viễn, mà với bất cứ ai cũng có thể thực hiện điều ấy. Tôi nghĩ nó không liên quan gì Bí tích Giải tội. Nó có nghĩa là những quan hệ chúng ta thiết lập, tự lương tâm chúng ta phán xét, nếu là tốt đẹp thì thuận ý trời, không tốt đẹp thì trời cũng khó chấp nhận được - vì vậy phải giữ cho mối quan hệ chính đáng tốt đẹp. Tin Mừng Macco 11:25-26 ghi nhận lời Chúa GS nói rằng : "Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha thứ cho anh em". Mặc khác, ta cũng nên nhớ rằng: Ta biết tha lỗi cho người khác thì Chúa cũng tha lỗi cho họ; nếu họ có điều gì quá sai quấy mà lương tâm ta xét thấy khó tha thứ được, thì Chúa cũng khó tha thứ cho họ, không nhất thiết phải Linh mục ban Bí tích Hòa giải thì họ mới được tha thứ - Không tha thứ ở đây không có nghĩa là ta ghét họ hay nuôi thù hận với họ, về mặt lương tâm ngay thẳng thì trạng thái này chỉ xảy ra tức thời. ( Tôi rất mong có sự góp ý hoặc chỉ giáo để tôi hiểu đúng hơn ). Những kẻ gây ra tội ác quá trắng trợn, "vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi"( II Pr 2,3a ), lương tâm ta thấy không thể tha thứ được, thì Cha trên trời đố mà Ngài tha thứ cho họ ! "Án phạt họ đã sẵn sàng" ( II Pr 2,3b ) - ở khía cạnh này Chúa đồng tình với ta vì Kinh Thánh đã chỉ rõ. Ơn tha thứ đến với bất cứ ai có lòng hối cải. Con người cần quảng đại với nhau và tự lương tâm mỗi người thấy được đúng, sai. TC hiện diện trong lương tâm ngay thẳng của mỗi người. Điều này có lần Cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Công đến nhà chơi, cũng đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Tôi nghĩ Bí tích Hòa giải có được sau khi Chúa GS trao quyền cho Phero và các Thánh Tông đồ khi gặp Chúa Phục sinh : Mt 16,19 và Jn 20,22-23. Giáo Hội tiếp nối Phero và các Thánh Tông đồ, lãnh nhận và thực thi quyền này. Người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa GS cai quản Hội Thánh trần gian, lãnh nhận quyền bính này để ràng buộc hoặc tháo cởi. Nhờ quyền ràng buộc và tháo cởi, Giáo Hội duy trì trật tự nội bộ, đóng góp phần mình xây dựng xã hội trần gian, đồng thời phản chiếu tình thương của TC cho con người của mọi thời đại, mở ra phương tiện cho muôn dân con đường đến gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận ơn Cứu độ. Và cũng nhờ đó mà con người lãnh nhận được ơn Tha thứ và Hòa giải : Hòa giải với Chúa và hòa giải với anh em ngay chính ở thực tại trần gian này. Thay cho lòng ăn năn hối cải thì hối nhân phải làm việc đền tội ( tự mình phải ý thức, biết lắng nghe lời khuyên của Linh mục ngồi tòa giải tội ). Muốn hòa giải được với Chúa thì phải hòa giải với anh em trước đã. Ta vẫn nói được như một lời xin lỗi Chúa vậy.

III. CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa yêu con, cứu con. Xin giúp con luôn ở trong tình yêu của Ngài và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Xin Chúa ban cho con tấm lòng và đôi mắt của Chúa, để khi đến với người khác con luôn giữ được mối tương quan tốt đẹp.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét