Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Giáng Sinh - Món quà cao quý

    Đầu tháng 12, tôi viết bài "Từ hồng ân quà tặng". Hôm nay, gần lễ Chúa Giáng Sinh, tôi mới nghĩ ra ý tưởng liên quan để viết bài chia sẻ với nội dung này.
1. Nói về việc tặng quà :
    Tin Mừng Thánh Gioan viết rằng : "Thiên Chúa ( TC ) yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, hầu cho những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"( Jn 3,16 ). Tôi cho rằng câu nói trên chẳng khác gì Thánh Kinh mô tả sự việc Giáng Sinh bằng hình ảnh của việc tặng quà. Mới đề cập nghe có vẻ kỳ kỳ. Tuy nhiên, dù ngôn từ có khác đi một chút so với đời thường, thì trọng tâm của hành động ban giao này vẫn không ngoài mục đích nhằm thiết lập mối quan hệ giữa người trao quà và người nhận lãnh - GIỮA TC và NHÂN LOẠI. Vì vậy chúng ta có thể nghiên cứu một vài diễn tiến khi tặng quà để tìm hiểu giá trị của món quà và hành động ban tặng từ TC.
        a. Người tặng quà :
    Người Á Đông đặc biệt chú trọng đến giá trị của người tặng quà. Người tặng quà ít ra cũng phải xứng thì mới nhận. Ở đây chính TC khởi xướng mọi sự. Tư cách, giá trị của Ngài, Thánh Kinh vẫn không đủ lời để diễn đạt. Ngài là Đấng tạo dựng nên tất cả, là Chúa, là Đấng có uy quyền trên mọi loài. Ý thức về sự thánh thiện, hào quang vinh hiển của Ngài đã khiến người Do Thái thuở xưa sợ mình phải chết mất khi Ngài xuất hiện. Ngày nay, Thiên Thần cất tiếng ngợi ca như một lời chúc tụng TC và chúc mừng nhân loại :
                    "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
                Bình an dưới thế cho người thiện tâm".
                                                    ( Lc 2,14 )
    Cũng còn một phương diện khác mà Thánh Kinh tìm đủ mọi cách để bày tỏ. Đó là tình yêu cao cả không đo lường được của TC. Đúng là vô lượng vô biên ! Từ ngữ đặc biệt, hành động cụ thể, mọi phương tiện đều được tập trung để lột tả phần nào tình yêu này. Do đó khi Chúa Cứu thế ra đời, những người hiểu được, thấy được đều vui mừng. Họ vui vì từ đây TC đến viếng thăm loài người. Còn vinh dự nào cao hơn ? Đây là ý nghĩa căn bản của từ "Emmanuel" - TC ở cùng chúng ta ( Mt 1,23b ).

        b. Món quà :
    Của cho nào kém phần quan trọng. Món quà phản ánh trung thực ý hướng, quan điểm của người cho rất nhiều. Vàng bạc, bửu thạch trị giá cao nhưng làm sao ví sánh được với sự sống : "Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau". "Sống để cho đời vạn mến thương / Sống vì đồng loại, vì quê hương / Sống sao thêm đậm tình nhân ái / Sống nghĩa trung kiên, chí quật cường". Người Á Đông quan niệm chết trên đống vàng nào lợi ích gì. Sự sống quý giá vô ngần. Món quà sinh linh mà TC dành đặc biệt khi tạo dựng con người đã nâng giá trị của ta lên hàng tột đỉnh. Thật điên rồ ngày nay có kẻ vẫn cho rằng loài người từ loài khỉ loài vượn mà ra, quan niệm ấy tự hạ thấp giá trị của mình thôi. Vì thế, phải cần sự sống để cứu chữa sự sống. Đánh giá món quà hệ tại giá trị này :  Mục đích, cứu cánh của món quà - Đây là mục tiêu chính Thánh Kinh nêu ra khi báo tin TC xuống thế làm người. Ngài đến để cứu rỗi con người bị hư mất : "Con người đến để phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người"( Mt 20,28b ).
    Sao phải cần sự sống để cứu chuộc sinh mạng ? Định luật công bằng : "Mắt đền mắt, răng đền răng"- luật Cựu ước, nghe ghê quá, một số quốc gia Hồi giáo vẫn đang áp dụng gây chết chóc tang thương vì sự trả thù, nhưng nó nêu lên được vấn đề giá trị tương ứng. Còn nhiều yếu tố khác của định luật sống, chúng ta đang theo đó mà sống. Chẳng hạn vaccine mùa đại dịch covid. Có người phản đối việc tiêm vaccine vì nghĩ vaccine cũng là mưu đồ của kẻ độc ác. Tôi cho rằng, nếu có âm mưu là để thu lợi nhuận chứ không thể dùng chất độc giết hại con người, như một số nhà phân tích nhận định, dù sao nhà sản xuất vẫn còn một chút lương tri chứ ! Thu lợi nhuận quá mức trên những nước nghèo chậm phát triển, đã là một tội ác rồi. Ta chỉ dè dặt với vaccine Trung Quốc vì chính nơi ấy có phòng thí nghiệm Vũ Hán với nguy cơ làm phát sinh ra virus lây nhiễm mà thế giới gánh chịu. Nhân loại tiêm vaccine mà chết hết thì những nhà sản xuất sẽ sống với ai ? Họ sung sướng gì để sống, sung sướng gì mà làm điều ấy ? Đó chẳng khác gì quan điểm vị kỷ của một nhà thơ : "Ngày mai thiên hạ tàn đi cả / Chỉ có một mình anh với em" . Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã từng viết nên ý tưởng trong một bài hát : "Kẻ thù ta đâu có phải là người / Giết người đi thì ta ở với ai ?" Đem ra bàn cãi có khi làm vấn đề thêm phức tạp, rắc rối. Thực tế chúng ta đang sống theo đó mỗi ngày, không có vaccine thì khó đi đến kết quả miễn nhiễm cộng đồng. Nguyên tắc : "Sống nhờ vào sự sống của người khác", có thể giúp chúng ta dễ hiểu vấn đề hơn. Một người được tiêm vaccine thì quyền lợi miễn nhiễm của bản thân họ cũng là quyền lợi của cả cộng đồng. Tôi không muốn nói về chính trị.
    Trả giá bằng sự sống để cứu chữa sự sống rất thường trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta.
    Tuy nhiên, ở đây Chúa Cứu thế đã phải trả giá đắc nhất của luật sống, đó là sự sống của chính Chúa - là giá món quà TC muốn trao tặng chúng ta :

            Sanh ra trong cảnh khó nghèo,
            Phận đời là thế : Đi theo "Nghiệp Tình"
            Bây  giờ  Ngài  đã  Giáng  Sinh,
            Mai  này   chịu  chết   khổ  hình   vì   ta .

    Vì yêu thương nhân loại nên phải thế đấy ! TC từ Ngôi cao vĩnh cửu đi vào lịch sử loài người, để chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người. Ngài chấp nhận mọi đắng cay, đau thương, khổ ải của kiếp người. Khi Chúa Giêsu biến hình, chính Chúa Cha đã giới thiệu : "Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người"( Mt 17,5 v Mc 9,7 v Lc 9,35 ). Và thực tế từ mầu nhiệm Giáng Sinh là : "Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta"( Jn 1,14a ).

        c. Cách cho quà :
    Người Á Đông tin rằng cách cho, lúc cho cũng quan trọng như của cho : "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chúng ta khoan dung, thông cảm những người con có hiếu chịu "hiến thân" cho cường hào ác bá để cứu chuộc cha mẹ khỏi nạn. Trong các trường hợp đó những người con ấy đã hiến thân để "cứu" lấy sự sống. Chúa Giêsu không những chỉ hiến thân trong ý nghĩa chịu thương khó, nhưng đã hiến chính sự sống của Ngài để chúng ta có được sự sống mới.
    Mùa Giáng Sinh là lúc ta sống sâu sắc hơn trong ý thức về giá trị của món quà TC dành cho nhân loại. Chúa có cách cho quà tuyệt diệu, không có lòng biết ơn nào, nỗi vui mừng nào diễn tả cho tận tường được. Một nhà thơ đã viết :

            "Đêm nay còn có nửa đêm thôi,
            Hoa sẽ nở trong tiếng pháo cười
            Xuân sẽ nở trong lòng rượu ấm,
            Và  hồn  ta  sẽ  ngát  hương tươi."

    Chúa Giáng Sinh cận kề với Tết Dương Lịch. Chúa Giáng Sinh đem lại một mùa Xuân mới cho nhân loại, mọi sự làm lại từ đầu.

2. Món quà nhiều ý nghĩa :
    Trở lại với Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan : "TC yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, hầu cho những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"( Jn 3,16 ). Hôm nay chúng ta cùng suy gẫm câu Kinh Thánh quen thuộc này. Câu này nói đến một món quà đặc biệt mang nhiều ý nghĩa :

        a. Món quà yêu thương :
    "TC yêu thương thế gian..."
    Chúng ta tặng quà cho nhau với nhiều lý do. Có khi ta tặng quà để gây cảm tình. Có khi ta tặng quà để đền ơn đáp nghĩa, có khi ta tặng quà để hợp phép xã giao. Chúa tặng quà cho ta chỉ vì một lý do duy nhất : YÊU THƯƠNG. Chúa không cần chiếm cảm tình của ta. Ngài cũng chẳng mắc nợ ai cả. Chúng ta cũng chẳng xứng đáng gì để Ngài thương, nhưng Ngài thương ta, vì Ngài là TÌNH THƯƠNG.

        b. Món quà quý nhất :
     Vì"đến nỗi đã ban Con Một của Ngài..."
    Chúa là chủ của vũ trụ càn khôn, Ngài có thể cho ta của cải giàu sang nếu Ngài muốn. Chúa là vua trên hết các vua, Ngài có thể tặng ta địa vị uy quyền nếu Ngài muốn. Tuy nhiên, những thứ ấy không phải là cần thiết cho ta, và chúng cũng không quý giá gì đối với Chúa. Thương ta Chúa tặng ta món quà chúng ta cần nhất, và cũng là món quà tốn kém nhất đối với Ngài. Món quà ấy chính là CON MỘT của Ngài. Vì yêu ta, NGÔI HAI của TC vui lòng xuống trần gian làm người và chịu chết thay ta.

        c. Món quà cần nhận lãnh :
     Vì "hầu cho những ai tin vào Con của Người..."
    Qùa đã được ban tặng, nhưng quà sẽ không thuộc về ta cho đến khi nhận lãnh. Muốn được CON MỘT của TC bước vào cuộc sống ta, ta cần mở lòng tin để đón mời Ngài. Tin Ngài là thừa nhận lai lịch và uy quyền của Ngài. Tin Ngài là trao gởi cuộc đời ta cho Ngài.

        d. Món quà trường cửu :
     Vì"...khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời".
    Qùa cáp người khác cho, ta có thể dùng một thời gian. Nhưng rồi phần lớn các món quà ấy phải hư, phải cũ và phải phế bỏ. Còn nếu món quà tồn tại lâu dài, như các bất động sản, thì lại không đủ thì giờ để tận dụng chúng. Món quà Chúa Cứu thế cho ta thì khác hẳn. Món quà ấy tồn tại mãi mãi vì ấy là SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI. Ta cũng đủ thì giờ để sử dụng món quà ấy vì ta sẽ "không bị hư mất", được sống muôn đời.

3. Món quà vĩ đại trong sự hóa thân bé nhỏ :
    Văn hào Kahlil Gibran viết rằng : "Tình yêu, vị Vua vĩ đại. Đã phục hồi sự sống cho cái ngã chết khô của ta, trả lại ánh sáng cho đôi mắt mờ lệ của ta, đưa ta từ hố sâu tuyệt vọng lên Vương quốc thần tiên của Hy vọng. Vì tất cả những ngày của ta giống như đêm tối. Nhưng ô kìa ! Bình Minh đã đến, chẳng mấy chốc mặt trời sẽ mọc. Vì hơi thở của Chúa Hài Đồng Giêsu đã bao quanh ta và ôm lấy ta".
    Có lần tôi đã đề cập : có người không thích lối viết của tôi vì trích dẫn nhiều. Không sao, chuyện ấy tùy ý họ, họ có quyền tự do đánh giá.
    Riêng tôi, tôi thấy cần thiết nên không thể bỏ qua được những câu nói hay và Lời Chúa trong Kinh Thánh. Một mặt vì để "nói có sách, mách có chứng" thì không gì khác là trích dẫn Lời Chúa. Người có lòng yêu mến Chúa và say mê Kinh Thánh thì thấy cũng không thừa. Một giáo viên dạy Toán như tôi, tôi bị mắc chứng bệnh "ghiền Kinh Thánh", tôi biết là văn của tôi không hay lắm vì không có tính ướt lệ, nhưng không phải vì thế mà không nói gì được. Đấng vĩ đại trở nên bé nhỏ nhưng Ngài là Ngôi Lời, do đó tôi cần phải viết và phải biết sẻ chia.

    Con người đón nhận tình thương là quà tặng của TC. Từ lãnh tình thương cho đến lưỡng tình thân. TC yêu thương con người và chúc phúc cho con người để con người trở nên bạn hữu của Ngài : "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa mà các con là bạn hữu của Thầy"( Jn 15,14-15a ). Từ ngôi cao vĩnh cửu của TC, Ngài đi vào lịch sử loài người, mang lấy thân phận và cuộc sống con người. Hài Nhi GS bé nhỏ chính là máu thịt con người. Xin nhắc lại lời Thánh Kinh : "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta"( Jn 1,14a ).
    "Đấng vĩ đại trở nên bé nhỏ" vì Ngài hóa thân nên một Hài Nhi. Trong đêm quạnh vắng, Hài Nhi Giêsu được sinh ra. Qua sự kiện này Hài Nhi Giêsu đã đi vào lịch sử ( x Mt 1,21-25 v Lc 2,1-20 ).
    Đấng là Vua trời đất, tạo dựng vũ trụ, giờ đây trở nên Hài Nhi bé nhỏ nơi máng cỏ đơn hèn. Thật không tưởng tượng được, một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của loài người chúng ta, một sáng kiến của tình yêu tuyệt vời độc nhất vô nhị mà TC dành cho nhân loại.

            Khó nghèo : Máng cỏ Bélem,
            Là nơi Chúa ngự, đêm đen lạnh lùng
            Từ  đây  cho  đến  tận  cùng,
            Mừng Sinh Nhật Chúa mãi không phai nhòa.

    Việc TC sinh ra nơi Hang lừa Máng cỏ làm biến đổi thực tại thần thiêng để con người nhìn rõ ơn Cứu độ. Vinh quang của TC bí nhiệm giờ đây trần truồng như trần truồng ở Thập tự giá. Điều này Sách Giảng viên báo trước : "Con người sinh ra trần truồng, trở về cũng trần truồng"- Không những đúng với thân phận một kiếp người mà còn đúng với cả Chúa Cứu thế nữa. Đức Giêsu sinh ra cất tiếng khóc chào đời cũng trần truồng như bao em bé khác, Đức Giêsu chết trên Thập giá cũng trần trụi, bộc lộ sự khiêm hạ đến tột cùng. Ngài không sinh ra nơi cung vàng điện ngọc. Ngài không mang theo danh vọng cao sang. Ngài không mang theo vũ khí, không mang theo quyền lực, không mảnh vải che thân. Vinh quang của Ngài đã hoàn toàn bị Chúa Cha tước bỏ. Quyền lực của Chúa là tấm thân bé nhỏ.
    Mỗi độ mùa Giáng Sinh về, kể từ thời Hérode đến nay cũng vẫn có nhiều người tìm hiểu Giáng Sinh là gì ? Chúa vào đời là gì ? Nhưng thái độ mỗi người mỗi khác. Có người chẳng cần nghĩ đến ý nghĩa việc Chúa ra đời, chỉ lợi dụng để đạt mục đích của mình như kinh doanh, buôn bán... Hérode muốn giết Chúa để ngôi nước mình thêm vững, những người lợi dụng Giáng Sinh là để tính ích kỷ của họ được thỏa mãn. Hoặc là chỉ để kỉ niệm, nghĩa là nhân dịp ăn ngon, uống say, nhảy nhót, tìm thú vui mà thôi.
    Còn các bạn trẻ thì sao ? Có lẽ đây là dịp các bạn hát hò, tham dự nhiều cuộc vui, nghe nhiều nhạc khúc, ca khúc; nhưng có khi nào, có đêm nào trong mùa Giáng Sinh này các bạn đã thực sự gặp Chúa chưa ? Thực sự xúc động vì hiện diện của Chúa khi xưa trong Máng cỏ, và hôm nay trong tâm hồn mình ? Nếu chưa có kinh nghiệm ấy thì thật sự niềm vui chưa đến đâu; hoặc là niềm vui ấy sẽ theo hoa, đèn, bài hát mà chìm vào dĩ vãng qua nhanh.
    Cha Nguyễn Tầm Thường trong tập truyện ngắn "Ngày xửa ngày xưa" có viết : "Cái cao cả mà TC đã làm, không phải là sống tước vị TC trong TC, nhưng là sống tước vị TC nơi con người. Chúa đã đem cái nghèo trở thành mùa Xuân bất tận". Ý nghĩa thực sự về Giáng Sinh chỉ tìm được khi nào chính ta gặp được Chúa, tâm sự với Ngài và ta cũng phải biết hóa thân trở nên bé nhỏ. Giây phút ấy là bây giờ ?

4. Cầu nguyện :
    Cảm tạ TC về món quà cao quý Ngài đã dành cho con qua Chúa Hài Đồng Giêsu. Xin giúp con ý thức rõ hơn về giá trị của món quà đó để sống xứng đáng với tình yêu Chúa đã dành cho con và toàn thể nhân loại.
    Lạy Chúa, xin giúp con kỉ niệm lễ Giáng Sinh với thái độ tôn thờ Chúa thật lòng, chứ không phải chỉ lợi dụng dịp này để thỏa mãn ước muốn kiêu căng và tính ích kỷ của con. Xin cho con gặp được chính Chúa và cho con được thỏa lòng vì sự hiện diện của Chúa trong đời sống con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét