Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Yến bạc hay nén bạc ?

 ( Mến tặng em Trần thị Trúc Linh )
1. Vài lời dành cho học trò :
Gặp được Linh trong một buổi nói chuyện làm cho Thầy có những suy tư. Em nói rằng em đọc Tin Mừng Matthêu : "Dụ ngôn những yến bạc"( Mt 25,14-30 ) có những điều khó hiểu. Đúng là như vậy, chúng ta có thể hiểu một phần nào đó chứ không thể hiểu được hết. Có những điều đôi lúc trí thì hiểu nhưng ngôn từ không đủ để diễn đạt lại cho người khác hiểu. Không phải lúc nào Chúa Thánh Thần cũng ban ơn soi sáng cho chúng ta hiểu hết tất cả đâu, Ngài chỉ cho chúng ta hiểu một phần nào đó thôi, hiểu từ từ, có những vấn đề hôm nay không hiểu, nhưng đến một lúc nào đó Chúa mới cho chúng ta hiểu được, như thế mới thấy thú vị, mỗi người cần phải nhẫn nại.
Kinh Thánh thật kì lạ ! Đây cũng là điểm khá hấp dẫn. Các nhà thần học thường xuyên khám phá và không ngừng khám phá mà vẫn không có điểm dừng lại, vì sự mới mẻ luôn luôn xuất hiện. Kinh Thánh có sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ thường, càng đọc càng thấy say mê, kèm theo với lòng yêu mến đối với Thiên Chúa ( TC ), ai hiểu thì hiểu thêm, ai không hiểu thì lại bị dấu luôn điều họ tưởng là hiểu. Người có lòng yêu mến Chúa thì say mê Kinh Thánh, hiểu được Kinh Thánh cũng như là một ơn riêng vậy. Những câu văn, những từ ngữ, những phân đoạn trong Kinh Thánh có nhiều khi hàm chứa cả một nội dung, một ẩn ý, kích thích người đọc tính tò mò nghiên cứu, từ đó ơn Thánh Thần soi sáng cho họ khám phá ra Chân lý.

2.Liên hệ từ Thánh Kinh và rút ra bài học :
Tin Mừng Matthêu kể cho chúng ta một dụ ngôn. Câu truyện rất ý nghĩa : Trước khi trẩy đi xa ông chủ đã trao cho các đầy tớ những yến bạc để làm vốn sinh lời. Ông trao cho người này 5 yến, người kia 2 yến, người khác nữa một yến, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi ( Mt 25,15 ). Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy biết cách làm để được sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã hơn 2000 năm trôi qua, dụ ngôn ấy là một lời mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ và tự vấn. Người 5 sinh lợi ra 10, kẻ 2 sinh lợi ra 4 - sinh lợi gấp đôi; người đầy tớ lãnh một yến không những đem chôn vùi mà còn tỏ ra bất kính và thích lý sự, nại đến nhiều lý do không thích để giải thích cho việc chôn dấu yến bạc của chủ trao cho mình ( x Mt 25,24-25 ). Hai người tài giỏi và trung thành, có thiện chí và nổ lực làm sinh lợi, được ông chủ thưởng cho cả vốn lẫn lời, đặt họ lên địa vị cao và cho họ được hưởng hạnh phúc chung với chủ ( Mt 25,21 v 23 ). Kẻ chôn yến bạc đi bị quở trách là tồi tệ, biếng nhác, vô dụng, bị phạt ném vào chốn tối tăm, "khóc lóc, nghiến răng"( Mt 25,26a v 30 ) - Hình ảnh này chẳng qua là một cách diễn đạt quen thuộc thích hợp với người thời ấy để chỉ về hình phạt dành cho những kẻ bất trung với Chúa, không tin Chúa, họ sẽ chung số phận với ma quỷ nơi hỏa ngục - nói lên tính công thẳng, chứ không phải là bản chất độc ác của ông chủ. Ngày nay nhân loại đang quằn quại rên xiếc, đau khổ tràn lan khắp nơi khi đại dịch bùng phát mà con người vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị. Cảnh con người ta chết không kịp nói lời từ biệt, người sống thì khóc lóc nghiến răng thảm thiết. Một số nơi ở trần gian này chẳng khác gì địa ngục do con người tự tạo ra !
Trong thế giới con người, một sự thật hiển nhiên là mỗi người có những tài năng chuyên môn khác nhau. Có những thiên tài trổi vượt trong một số các ngành nghề. Có nhiều người rất thông minh, giỏi giang, lại còn giàu có và tốt lành nữa. Có những người học hành và làm việc cật lực để đạt được những thành quả xứng đáng. Cũng có người trí khôn tăm tối, kém cỏi, cần sự giúp đỡ. Khả năng thiên phú nơi mỗi người không đồng đều, Tạo Hóa không đòi hỏi mọi người phải sinh lợi bằng nhau. Điều quan trọng là, dù ít dù nhiều, mỗi người phải tận dụng khả năng mình có để góp phần làm đẹp cho cuộc sống, mưu ích phần rỗi cho nhau. Người đầy tớ lãnh một yến bạc rồi đem chôn thì chẳng mưu ích gì ( Có lẽ ta cần phân tích kỉ hơn ở điểm này ).
Xem cung cách ông chủ đối xử với những đầy tớ, thì đây là thuật dùng người hay là một cuộc xử án đánh giá công và tội ? Cổ nhân dùng người thì gởi đi xa để thử tài, thử đức : Tài sẽ phát hiện khi họ được tự do, được toàn quyền phát huy sáng kiến theo khả năng của mình, không còn phải e dè lệ thuộc cấp trên. Đức sẽ tỏ ra khi họ được tự lập, tự chủ, đúng với nhân cách và địa vị của họ.
Trở lại vấn đề, dụ ngôn nói đến ông chủ đi xa để cho đầy tớ toàn quyền hành động, nhờ đó ông thấy được ai hay ai dở. Sở dĩ ông trao số bạc cho kẻ nhiều, kẻ ít là tùy theo khả năng của mỗi người. Chỉ còn xem ai tốt ai xấu thôi. Đúng là bài Tin Mừng được linh ứng để viết thành như một truyện ngắn cực hay. Kẻ tốt sẽ trung thành với sự tin tưởng của chủ, anh sẽ hết lòng hết sức làm việc, không thắc mắc lương bổng bao nhiêu, không sợ lỗ lãi nhiều ít, miễn là cố gắng làm, hoàn toàn tín nhiệm vào lòng tốt của chủ.
Dụ ngôn cho thấy ông chủ rất tốt đối với đầy tớ. Ông hoàn toàn lo giúp đầy tớ, tạo điều kiện cho đầy tớ làm giàu, ông cho cả vốn lẫn lời và thưởng nhiều đặc ân ngoài sức tưởng tượng của đầy tớ tốt, có thiện chí, tận tâm tận lực làm việc( Mt 25,21 v 23 ). Đối với kẻ xấu, bất trung, bất hiếu, phạm thượng, không thể giúp nó làm được gì. Ông đành phải lấy lại của đã cho nó( Mt 25,28 v 29b; Lc 19,24 v 26b ), ông buộc lòng mặc cho nó tự do lao vào cảnh tăm tối khóc lóc.
Phải chăng mục đích dụ ngôn không dạy thuật dùng người cho bằng đánh giá giá trị con người : Có thiện chí thì thưởng,có tội thì phạt ?
Thiện chí ở đây không đánh giá con người bằng lời lãi tiền của như các ông chủ ngân hàng. Các ông chủ ngân hàng thế giới đánh giá giá trị một nước theo tiền của, đánh giá con người theo tốt xấu. Ai tốt ông thưởng đặc biệt, ai xấu ông loại bỏ.
Đây là ông chủ Nước Trời khác với mọi chủ trần gian. Chủ trần gian bắt đầy tớ, con nợ, phải trả vốn lẫn lời. Ông chủ Nước Trời không những cho cả  lời, cả vốn, cho địa vị sang trọng và hạnh phúc của ông. Chủ trần gian thưởng lớn cho kẻ tài cao, thưởng nhỏ cho kẻ tài hèn. Ông chủ Nước Trời khen đồng đều cho kẻ tài cao, tài hèn miễn là có lòng tốt như nhau. Sự đánh giá con người của ông chủ Nước Trời là tùy ở nhân đức của mỗi một con người.
Của cải của ông chủ Nước Trời là tất cả trời đất muôn vật, vũ trụ muôn loài, là cả hồn xác chúng ta cùng với kho tàng ân sủng vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu. Ông trao tất cả cho chúng ta. Những ai thành tâm thiện chí : hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn thực thi ý chủ, thực thi thương người như chủ thương ta. Khi chủ đến tính sổ, "bất cứ thời nào, lúc nào không cần biết, miễn là anh em là con cái ánh sáng, con cái ban ngày, biết sống tỉnh thức và điều độ, mặc áo giáp đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn Cứu độ, thì TC không dành án thịnh nộ cho chúng ta, nhưng cho chúng ta được hưởng ơn phúc cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."(x I Jn 1,5-7 ).
Tôi không hiểu "yến bạc" và "nén bạc" khác nhau chỗ nào, các sách cũ dịch là "nén bạc", sách mới của nhóm Các-giờ-kinh-phụng-vụ dịch là "yến bạc".Trong Tin Mừng Matthêu có hai dụ ngôn : một dụ ngôn ghi yến bạc, một dụ ngôn ghi yến vàng, cả hai đều dùng từ "yến" chứ không dùng từ "nén" ( x Mt 25,14-30 v 18,23-35 ).Tin Mừng Luca nói kỉ hơn : Ông chủ chỉ thị một cách rõ ràng cho các đầy tớ phải đầu tư kiếm lợi từ mười nén bạc ông đã trao cho ( Lc 19,12-27 ). "Yến bạc" hay "nén bạc" cũng chỉ là đơn vị tiền tệ. Tôi thì nghĩ một yến bạc có thể trong đó đựng nhiều nén bạc ( Không biết có đúng không, việc này kinh sách cần phải thống nhất điều chỉnh hoặc có chú thích ). Khi đọc "Nén bạc và dấu chân voi" - Hồi ký của Cha Tiến Lộc, tôi được biết thêm : chữ "talent" có nghĩa là nén bạc, đơn vị tiền tệ; nhưng đồng thời chữ "talent" cũng có nghĩa là tài năng. Trong Tin Mừng, điều quan trọng là bằng lòng với những gì mình có và sử dụng tối đa những tài năng Chúa ban để làm lợi cho Chúa. Nếu ta có tài năng và của cải Chúa ban mà không sử dụng tài năng và của cải ấy để làm sáng danh Chúa và mưu phần rỗi cho anh em thì như thế cũng là một trọng tội đáng bị nguyền rủa, đáng bị loại khỏi Nước Trời.

3.Lời kết :
Tóm lại, TC ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ bị gọi là tôi tớ bất hảo; còn người siêng năng cần mẫn, làm sinh lợi các nén bạc sẽ được gọi là tôi tớ tín trung. Tiêu chuẩn căn bản để Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa về những hồng ân vật chất, tinh thần Chúa đã ban cho con. Con quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để làm lợi thêm yến bạc Chúa giao, tức là sử dụng chúng để phục vụ Chúa và tha nhân cách tốt nhất. Amen !
Cám ơn Linh đã tâm sự, sẻ chia, tạo hứng khởi để Thầy viết nên được bài suy niệm này.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét