1. Đọc Kinh Thánh : x Lc 10,25-37.
Khi ấy có một người Thông luật đứng dậy hỏi Chúa GS rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?"... Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa GS rằng : "Những ai là người thân cận của tôi ?". Chúa GS đáp : "Một người đi từ Jérusalem xuống Jérico, dọc đường bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi xuống trên con đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng : "Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông". Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp ?" Người Thông luật trả lời : "Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy". Và Chúa GS bảo ông : "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
2.Thông điệp chia sẻ :
Đã là người thì phải có trái tim biết rung động trước những nỗi đau khổ của đồng loại. Yêu thương đồng loại là điều răn đã được ghi chép trong trái tim con người, bất luận người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Chúa GS đã dạy và làm gương trước về lòng nhân từ và thương xót. Trong thực tế, con người có khi không đối xử với người đồng loại theo đạo lý đòi hỏi. Người Samaria nhân lành được Chúa GS kể trong dụ ngôn để cho người Kitô hữu theo gương bắt chước : Thay vì ngồi đó mà hỏi "Ai là anh em tôi ?"( Lc 10,29b v 10,36 ) thì hãy hành động để trở nên anh em của người khác, "Hãy đi và làm như vậy"( Lc 10,37 ).
Một ngày nọ, khi Victor Hugo trở thành một nhà văn nỗi tiếng, ông đi dạo qua những con phố đông người của Paris. Bất chợt, ông thấy một đám đông tụ tập quanh một người đàn ông rách rưới bị bắt gặp ăn trộm một chiếc bánh mì từ một tiệm bánh. Tiếng hò hét, chỉ trích không ngớt vang lên; sự phẫn nộ dữ dội của những người chứng kiến hướng về phía người ăn trộm. Victor Hugo đứng ở rìa đám đông, im lặng quan sát. Trong mắt mọi người, người đàn ông kia chỉ là một kẻ trộm cắp đáng bị lên án. Nhưng Victor nhìn thấy một điều khác : Một người đang đói khác, khuôn mặt gầy gò và đôi mắt trũng sâu chứa đựng sự tuyệt vọng. Victor cảm nhận được nỗi đau của người đàn ông và hiểu rằng không phải ai cũng lựa chọn con đường trộm cắp vì muốn, mà đôi khi đó là sự cùng quẫn của số phận. Bước qua đám đông, Victor Hugo tiến đến gần người đàn ông bị bắt. Ông cất giọng trầm ấm nhưng kiên định :
- Chúng ta có thể dễ dàng phán xét một người khi họ sai, nhưng có bao giờ chúng ta thử hiểu lý do khiến họ rơi vào hoàn cảnh như vậy không ? Đôi khi, lòng khoan dung còn có sức mạnh hơn cả sự ngay thẳng.
Những lời nói của Victor khiến đám đông im lặng. Một vài người cúi đầu suy nghĩ, ánh mắt thay đổi từ giận dữ sang suy tư. Thấy thế, Victor lấy ra một ít tiền đưa cho người đàn ông, Victor nhẹ nhàng nói :
- Hãy dùng số tiền này mua bánh mì, để cuộc sống của anh không bị đẩy đến những hành động sai trái nữa.
Người đàn ông rưng rưng nước mắt, đôi bàn tay run rẩy cầm lấy tiền, cảm ơn Victor bằng cả tấm lòng. Đám đông dần tan đi, còn lại chỉ là sự tĩnh lặng của con phố và lòng biết ơn của một người được tha thứ.
Kể từ hôm đó, câu chuyện về sự khoan dung của Victor Hugo lan truyền khắp nơi. Ông không chỉ là một nhà văn vĩ đại với những tác phẩm sâu sắc về cuộc đời, mà còn là một con người với trái tim biết thấu hiểu và lòng khoan dung đối với "những người khốn khổ" và sống đúng với triết lý của mình : "Tôi biết có một điều tốt đẹp hơn sự ngay thẳng, ấy là sự khoan dung".
Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về lòng nhân từ của Thiên Chúa ? Khi tra từ ngữ Kinh Thánh tôi được biết, trong tiếng Hebrew : "chosed" có nghĩa là đối xử tốt, yêu thương tử tế. Tiếng Hy lạp chữ "nhân từ" có cùng nguồn gốc với chữ "bà con ruột thịt", cũng có nghĩa là "dịu dàng, vui vẻ, độ lượng". Như vậy, nhân từ có nghĩa là chúng ta đối xử với người khác giống như người trong gia đình. Đó là quan tâm về người khác đến nỗi ta đối xử với họ thật dịu dàng, vui vẻ, độ lượng. Nhân từ thể hiện qua những cử chỉ, hành động, hay việc làm cụ thể. Người có lòng nhân từ cảm thông với sự đau đớn, khổ sở và nan đề với người khác; không giữ những ác cảm, bực tức hay trả thù những việc không tốt người khác làm cho mình.
Bản chất của Thiên Chúa ( TC ) là sự thiện, nên trước hết, nhân từ cũng chính là tố chất của Ngài. Sách Nêhêmi 9,16-17 nói về lòng nhân từ lớn lao của TC đối với tuyển dân của Ngài. TC đã không lìa bỏ họ mặc dù họ đã cứng lòng, không vâng phục Ngài và phạm tội chống lại Ngài.
Hãy nghĩ những lời vô thức, bất nhẫn, nóng nảy mà ta đã nói với một người nào đó gần đây trong lúc tức giận. Người ta làm tổn thương, có thể hay có muốn tha thứ cho ta không ? Có thể có, cũng có thể không, nhưng TC tha thứ cho ta.
Chúa GS nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao ( Lc 6,35-36 ).
Nhân từ cũng là bản chất của Chúa GS. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa GS chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa GS là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy, chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa GS nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là Môn đệ của Ngài ( Jn 13,35 ). Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa, có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxico nói : "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa GS luôn đi trước chúng ta". Lòng nhân từ thường gắn liền với phục vụ, Tin Mừng Macco mô tả một chuyện rất thật : "Vừa ra khỏi hội đường Caphanaum, Chúa GS đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Giacobe và ông Gioan đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm liệt giường, lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người tiến lại gần, cúi xuống, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài"( Mc 1,29-31 ). Chữ "cúi xuống" lấy từ Tin Mừng của Luca ( x Lc 4,39 ). Chúa GS đã phục vụ một cách dịu dàng và đầy lòng yêu thương.
Ta cần nhớ rằng nhân từ làm ta giống Chúa hơn. Nhân từ bày tỏ tình yêu của Chúa trong chúng ta, và nhân từ củng cố đức tin chúng ta trong Chúa.
Gương mẫu của lòng nhân từ người tin theo Chúa phải sống là gương của chính Chúa GS, Chúa GS mời gọi : "Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng". Thánh Phaolo kêu gọi con dân Chúa "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như TC đã tha thứ anh em trong Đức Kitô vậy" ( Ep 4,32 ). Có hằng trăm việc nhỏ chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ, nhưng những việc này đều đòi hỏi thì giờ, sức lực, tiền của. Một điển hình của việc làm nhân từ như trong chuyện "Người Samaria nhân hậu" đã nêu trên, Chúa GS kể, Luca ghi lại. Trong câu chuyện này, người Samaria đã làm ơn, cứu giúp, tiếp tục quan tâm theo dõi người bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ.
Những việc ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ của Chúa trong chúng ta, trong Giáo Hội như "giúp đỡ người thiếu thốn" ( Ep 4,28 ), "thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ" ( Gc 1,27 ), "an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối" ( 1 Tes 5,14 ), "mang gánh nặng cho nhau" ( Gal 6,2 ); là "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" ( Rm 12,15 ).
Chúng ta phải đối xử với người khác bằng lòng nhân từ chân thật, bởi vì TC đã đầy lòng nhân từ đối với chúng ta. Để phát huy lòng nhân từ ta cần phải luôn nhớ tới lòng nhân từ của TC đối với nhân loại. Ta cần ăn năn bất cứ sự cư xử thiếu khôn ngoan nào làm cho người khác buồn, hoặc bất cứ sự cư xử tàn nhẫn nào của mình đối với người khác trong quá khứ. Chúng ta cần tuân phục Chúa và nương cậy Thánh Thần để có thể sống nhân từ với người khác. Hãy nghĩ đến những người đang gặp khó khăn, đặc biệt ta có thể cư xử dịu dàng, hòa nhã với họ hơn; tử tế với họ hơn; độ lượng bao dung với họ hơn.
Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần để ý đến những người khốn khó chung quanh mình và tìm cách mang lại niềm vui cho đời sống của một vài người khác : Người tin Chúa, không tin Chúa, bạn hay thù. Một trong những điều TC đòi hỏi nơi chúng ta là sống nhân từ : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau ( Jn 13,34-35 ).
3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một con tim biết xúc động trước hoàn cảnh đau khổ của người khác để chúng con mau mắn đến với họ và tìm cách giúp đỡ họ.
Xin giúp gia đình chúng con ý thức rằng : Sự sống đời đời, số phận vĩnh cửu, niềm vui hạnh phúc đích thực của chúng con tùy thuộc vào cách cư xử của chúng con với người đồng loại trong cuộc sống này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét