Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Ơn Phép lạ và sự tỏ bày

Người ta thường hay khoe phép lạ mà mình đã gặp. Điều ấy không biết có đúng với Tin Mừng của Chúa không ?
Nếu người lãnh nhận phép lạ họ biết đó là một Ơn riêng, thì họ không cần gì phải khoe khoan vì sự thật đó là một Ơn Thiêng.
Cũng có người cho rằng : Đã lãnh nhận phép lạ thì cần phải làm chứng cho người khác biết. Rồi có người say sưa kể lại cho nhiều người nghe, không phải là ai cũng nghe được và ai cũng thích nghe, cũng không phải ai cũng nên nghe, và ai cũng nên kể cho họ nghe.
Qua Tin Mừng chúng ta nhận thấy : Chúa Giêsu làm phép lạ. Nào là phép lạ hóa bánh ra nhiều, nào là phép lạ chữa lành những người đau bệnh, đui mù, què quặt, phung hủi... phép lạ trừ quỉ, phép lạ khiến cây vả phải chết, phép lạ khiến bão tố im lặng, phép lạ mẻ lưới nhiều cá, phép lạ làm cho người chết sống lại, Bí Tích Thánh Thể.v.v...Khi thực hiện một phép lạ cho ai đó, có thể là theo nhu cầu, hoặc có thể là không theo nhu cầu nhưng Chúa muốn tỏ quyền năng thì Ngài cũng làm được. Tuy nhiên, những phép lạ xảy ra thường do lòng mến, do ước muốn của một cá nhân nào đó mà Chúa động lòng thương xót thì Ngài sẽ ban cho.

Tôi không tin những người được phép lạ rồi họ đi làm chứng, là một tương quan cộng đoàn, là điều hay điều tốt. Chỉ sợ rằng ở đời có những trò bịp bợm, có những tổ chức, cá nhân cố gắng làm, nổ lực làm bằng mọi cách để ''xâu'' mình lên. Phép lạ của Chúa hay của Mẹ cũng vậy, đâu có cần phải được la lên, hô lên, hay kể lể cho mọi người phải biết. La hét, hô hoán chỉ là hành động tự phát nhất thời khi phép lạ mới xảy ra, được xem như một phản ứng tự nhiên biểu lộ sự vui mừng của người được ơn lãnh nhận - chỉ có thế mà thôi ! Rất tiếc, hiện nay có người lại tự thần tượng hóa, tự đề cao người khác một cách quá đáng để rồi quên luôn cả quyền uy của Thiên Chúa, quyền năng của Đấng Tối Cao. Đâu đó, có Linh mục được dân chúng sùng bái như một vị Thánh sống. Họ "tự tổ chức" để được gặp gỡ, chào đón. Khi vị Linh mục ấy đến thì mọi người bâu quanh, chen nhau, xô nhau, đạp nhau, xin được đặt tay, hoặc vói lấy tay để đặt lên đầu, đưa tay để được chạm đến như chính Chúa Giêsu vậy. Dùng việc "rảy nước thánh" để chữa bệnh cho người khác-Qủa thật buồn cười ! Noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, có lẽ ta không quên câu nói của Thánh nhân khi nói với Chúa Giêsu : "Tôi phải lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên."(Jn 3,30). Không ai tự đề cao mình mà ban được phép lạ cho người khác. Cũng không có ai tự thần thánh hóa mình mà được người khác tôn trọng, nếu được tôn trọng chẳng qua là nhờ sự mù quáng của người khác. Quần chúng không phải là hoàn toàn đúng, vì quần chúng dễ bị kích động nên họ dễ dùa theo. Cứ nhìn vào bi kịch Đức Giêsu thì ta thấy rõ : Hôm nay quần chúng lên tiếng "Hôsana, vạn tuế !", ngày mai họ trở mặt : "Đóng đinh ngay !", thậm chí có người còn hô to : "Đóng đinh hắn !", "Giết nó đi !"( Lc 23,18 v 21 v 23 ) - Họ có thể chấp nhận tha Baraba ( tên cướp ), nhưng họ không chấp nhận tha Đức Giêsu.
Đa số những phép lạ Chúa Giê su làm, làm cho người ta phải ngạc nhiên. Họ bảo nhau "chúng ta chưa thấy vậy bao giờ."(Mc 2, 12b). Chúa Giê su làm phép lạ cho con gái ông Gia-ia sống lại, "cha mẹ nó kinh ngạc, nhưng Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra."(Lc 8, 56). Chúa Giê su  trừ quỉ, ''Người quát mắng không cho phép chúng nói."(Mc 1, 33b v Mc 3,12). Chúa Giê su chữa người mắc bệnh phong, khi bệnh phong biến khỏi "Người truyền anh ta không được nói với ai."( Lc 5,14).Tin Mừng Matthêu còn viết : "Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay và bảo anh : Coi chừng, đừng nói với ai cả."(Mt 8,4 v Mc 1,43-44).Chúa Giê su chữa con gái bà gốc Phênixi xứ Xyri, Chúa vào nhà mà không muốn cho ai biết.( Mc 7, 24). Chúa Giê su chữa người vừa điếc vừa ngọng, ''Chúa truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả."(Mc 7,36). Chúa Giê su chữa hai người mù, Ngài nói : "Coi chừng, đừng cho ai biết."(Mt 9,30) v.v...Khi cho Lazaro sống lại, lúc đầu mới gặp người nhà Chúa nói : "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa, qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."(Jn 11,4). Ta hãy nghe toàn bộ đoạn văn Tin Mừng sau đây của Gioan : "Đến nơi, Đức Giêsu thấy anh Lazaro đã chôn trong mồ được 4 ngày rồi. Bethania cách Jerusalem không đầy 3km. Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Matta và Maria, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê su đến, cô Matta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Matta nói với Chúa Giêsu : Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy. Đức Giêsu nói : Em chị sẽ sống lại. Cô Matta thưa : Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Đức Giê su liền phán : Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không chết bao giờ. Chị có tin thế không ? Cô Matta đáp : Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."(Jn 11, 17-27).Chúa chết ngày thứ 3 sống lại, còn Lazaro chết nằm trong mồ đến 4 ngày (x Jn 11, 17). Khi Người kêu lớn tiếng : "Lazaro, hãy ra khỏi mồ !" người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo : "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi." - Lazaro bước đi, bản thân anh ta là một chứng nhân, anh ta chẳng cần phải nói gì nữa. (Jn 11, 43-44).Tin Mừng Gioan chẳng ghi nhận điều gì anh ta nói, chỉ có dư luận xã hội mọi tầng lớp thời ấy thì mới xôn xao.

Hữu xạ tự nhiên hương. Dù Chúa có cấm bao nhiêu họ cũng không thể nào giữ kín được,"danh tiếng Người đồn ra mọi nơi"(Mc 1,28 ),"hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết."(Mc 2, 2). ''Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người."(Mc 3, 10). Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.( Mc 6, 56 v Mt 4, 24).Kinh Thánh đã diễn tả rất đầy đủ việc Chúa Giê su làm phép lạ và ảnh hưởng như thế nào.
Tuy nhiên, vào thời ấy không có nhân vật nào đứng ra làm chứng với một chỉ định hay một bảo trợ nào cả. Không có phép lạ nào bằng phép lạ Đức Kitô Phục sinh, vì Đức Kitô Phục sinh thì mới cho chúng ta sống lại và xác tín sự sống đời sau, chúng ta được cứu thoát khỏi vực thẳm của sự chết muôn đời. Đức Kitô là hoa quả đầu mùa mở đường cho những kẻ yên giấc ngàn thu ( 1 Cr 15,20 ), nhờ thế mà ta quả quyết rằng : Ta không từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Ơn Cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện thì con người được ơn thánh hóa và được trả lại chính mình trong ngày sau hết. Rao giảng Tin Mừng Phục sinh chính là rao giảng phép lạ, là điều cần thiết, cần làm chứng, ai ai cũng có thể làm được. 

Bản thân người lãnh nhận phép lạ đã là một chứng nhân. Không phải ai cũng được ơn lãnh nhận phép lạ. Xin nhắc lại : Người lãnh nhận phép lạ là một Ơn riêng, điều này khó diễn tả một cách đầy đủ. Những người lãnh nhận phép lạ củng cố niềm tin cho chính bản thân họ, còn việc chia sẻ không nhất thiết phải làm một cách công khai, hay bắt buộc. Bản thân họ là một chứng nhân nên họ sống trong tin yêu và phó thác, trong tương quan cá vị, tâm tình này của họ đã có trước nên Chúa thấu hiểu họ hơn ai hết. Họ thung dung tự tại, quyết chắc về lý tưởng, về đời sống đức tin của mình nên bản thân họ không cần phải nói ra, lúc ấy họ thể hiện như cách sống đơn sơ khiêm tốn mà Đức Maria đã thể hiện, vì ''Mẹ là phụ nữ ký ức giữ gìn trong tâm hồn như một kho báu tất cả những gì Mẹ sống'' ( Lời ĐTC Phanxico chia sẻ khi thăm Estonia ), và sự hiện hữu của họ trong đời sống là mang theo cả sứ mệnh làm người, làm con Thiên Chúa - họ được Chúa chúc lành và ban ơn.
Xưa kia, ma quỉ đã tìm đủ mọi cách cám dỗ Chúa Giêsu. Bốn mươi ngày chay, Chúa vào hoang địa, cơn cám dỗ thứ ba của ma quỉ là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm. Ma quỉ đưa Chúa Giêsu lên nóc Đền thờ và bảo gieo mình xuống sẽ được an toàn để mọi người thấy, thán phục và tin theo ( x Lc 4,9-11 ).Nhưng Chúa hoàn toàn chối bỏ phương án này vì dùng phép lạ để lôi kéo người khác tin thờ Thiên Chúa không phải là kế hoạch của Chúa Cha : "Ngươi chớ thử Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi."( Lc 4,12 )
Cha Anthony de Mello trong cuốn "Taking Flight" có viết câu chuyện như sau : Lần kia, có người đến với một môn đệ của phái thần nghiệm Hội giáo Bahaudin Naqshband và nói "Xin nói cho tôi biết tại sao Thầy của anh che dấu những phép lạ của ông ? Bản thân tôi đã thu thập các dữ kiện cho thấy rằng, Thầy hiện diện đồng thời hơn một nơi, Thầy đã chữa lành người ta bằng quyền năng cầu nguyện của Thầy nhưng lại bảo rằng đó là công việc của Thiên nhiên, rằng mình giúp nhiều người túng bấn và rồi quy điều đó cho vận may. Tại sao Thầy anh lại làm thế ?"
"Tôi biết chính xác điều ông đang nói", người môn đệ đáp,"vì chính tôi đã quan sát điều này. Và tôi nghĩ tôi có thể giải đáp thắc mắc của ông. Trước tiên, Thầy tránh trở thành trung tâm của sự chú ý. Thứ đến, Thầy tôi đoan chắc, một khi người ta quan tâm đến phép lạ thì họ không muốn học bất cứ điều gì có giá trị tinh thần đích thực nữa".

Trong Tin Mừng Gioan Chúa Giêsu phán rằng : "Nếu các ngươi không thấy phép lạ và điềm lạ, thì các ngươi chẳng tin !''( Jn 4,48 ) - Nếu ai đó đòi hỏi có phép lạ mới tin thì người đó giống như một kẻ mù lòa, vì họ không thấy được những gì Chúa đã làm nên trong cuộc đời, trước mắt họ. Người đòi có phép lạ mới tin thì niềm tin của họ không bảo đảm được sự bền vững, vì khi không có phép lạ, hoặc không nhận ra phép lạ thì lòng dạ họ dễ lung lay, thay đổi. Phép lạ hằng ngày vẫn diễn ra : Ta có không khí để thở, nước để uống...Không phải là phép lạ ư ? Không khí và nước do đâu mà có, không phải do Chúa làm ra sao ? Chỉ cần thiếu không khí để thở, thiếu nước để uống là ta chết ngay. Ai đã từng trải qua cơn đói, cơn khát rồi thì dễ cảm nhận điều này.

Ơn phép lạ quả là nhiệm mầu. "Mọi sự đều có thể đối với người tin"(Mc 9, 23b).Đa số các phép lạ Chúa Giêsu đều nói rằng : "Lòng tin con đã cứu chữa con"- kèm theo lời chúc : "Con hãy về bình an !" (x Lc 8,48 v Mt 8, 13 v Lc 17, 19 v Mt 15, 28 v Mc 5, 34 v Lc 18, 42). Thật hạnh phúc cho ai được lãnh nhận phép lạ. Song, điều kiện để lãnh nhận phép lạ là gì ? Câu giải đáp bằng chính Lời Chúa : "Hãy tin vào Thiên Chúa mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi thì sẽ được như ý." (Mc 11, 23-24). - ở đây từ "như ý" được lặp lại 2 lần.
"Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý"( Jn 15,7 ).
"Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả". Có sách khác dịch rằng : "Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện thì anh em sẽ được"( Mt 21,22 ).
Ứơc gì mỗi người chúng ta đều hiểu được Lời Chúa, đều cảm nhận Lời Chúa một cách thẳm sâu và sống với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, để ơn phép lạ của Chúa sẽ được ban cho.

P/S: Mời đọc thêm bài : "Năng lượng vũ trụ và việc chữa bệnh của Chúa Giêsu" trên nhãn "Bài suy niệm 3" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét