Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Dư âm vượt thời gian

                                      ( Mến tặng Thầy Chuyên - Đan viện Châu Thủy )


Đọc Kinh Thánh : Jêrêmia 31,7-17 v Êpheso 1,3-14.

1. Tin Mừng có từ Cựu ước : ( Jer 31,7-17 )
    Mở đầu với lời kêu gọi ca ngợi ( c 7 ), phân đoạn này là một bài Thánh ca tạ ơn ( c 12,13 ) trong đó vẽ ra một viễn tượng tương lai tươi sáng. Tin Mừng ( TM ) ở đây là Thiên Chúa ( TC ) cứu chuộc dân Ngài khỏi chốn lưu đày. Từ Babilon họ sẽ trở về quê hương và bấy giờ nỗi sầu khổ sẽ biến thành niềm vui ( c 11 ). Hình ảnh sống động được vẽ ra ở đây là trong hành trình trở về quê hương, những kẻ lưu đày cùng khổ nhất và bất lực nhất như người mù, người què, phụ nữ mang thai cũng sẽ gia nhập đoàn người đông đảo và dìu dắt nhau đi ( c 8 ), như dân mình chạy trốn dịch trong những năm tháng vừa qua.
    TM không chỉ thông báo cho dân Israel để an ủi họ, nhưng còn thông báo cho các dân tộc. Câu 10-14 là lời rao báo cho các dân tộc biết rằng Israel trở về và họ sẽ vui mừng ca hát tại Sion. TM được thông báo để các dân tộc sẽ biết rằng TC của Israel là TC toàn năng, là TC có quyền trên lịch sử. Israel như một đứa con yêu dấu được người Cha yêu thương sửa phạt, nhưng rồi lại chữa lành, lau sạch nước mắt cho họ. Than khóc sẽ biến thành niềm vui hoan lạc ( c 13 ). Trên mảnh đất quê hương, sự thờ phượng Chúa được tái lập, dân chúng sẽ an cư lạc nghiệp và phồn vinh. Mọi người sẽ sống một cuộc đời sung mãn. Đây là dấu hiệu sự tha thứ của TC đối với tội lỗi của họ. Ngôn ngữ được dùng ở đây là thứ ngôn ngữ yêu thương, chăm sóc, âu yếm của người Cha nhân từ đối với con cái, của người chăn chiên đối với đàn chiên ( 9-10 ). Còn niềm vui nào lớn hơn cho một dân tộc bị thống trị bởi một dân tộc khác, mà lại được giải phóng và được Đức Yavê yêu thương, bồng ẵm ! Chỉ có Yavê là người Cha nhân từ cứu chuộc họ ( c 9 ); và chỉ  mình Ngài đáng được cảm tạ, tôn vinh.
    Bài ca Cứu chuộc của dân Israel cũng là Bài ca Cứu chuộc của mỗi chúng ta. Có niềm vui nào lớn hơn cho chúng ta khi được cứu chuộc khỏi quyền lực và hình phạt của tội lỗi, như tảng đá lấp cửa mồ bị bật tung để Đức Giêsu ( GS ) bước ra khỏi đó vậy. Ma quỉ và quyền lực tối tăm của sự dữ không còn làm chủ cuộc đời chúng ta nữa, nhưng là TC toàn năng đầy lân tuất và giàu lòng thương xót. Những ơn phước dân Israel được hưởng khi họ sống trên mãnh đất quê hương cũng là ơn phước mà chúng ta có được khi mối tương quan giữa chúng ta với TC được nối kết. Như dân Israel, chúng ta được sự sống và sự sống phong phú vì chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Bằng môi miệng, bằng đời sống và bằng việc làm, chúng ta hãy dâng lên Bài ca Cứu chuộc để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và chúc tụng Đấng yêu thương đã cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta cuộc đời sung mãn.
    Làm thơ hay viết văn là để nuôi dưỡng tâm hồn. Những suy tư nếu không viết sau này sẽ quên, sẽ biến mất, lúc ấy muốn tìm lại cũng không có, và hối tiếc cũng không làm gì được.

2. Hạnh phúc đến từ ơn Cứu độ : ( Ep 1,3-14 )
    Phân đoạn này cũng là bài ca ngợi của những người được cứu chuộc. Niềm vui và lòng biết ơn được Phaolo diễn tả qua những từ ngữ và những hình ảnh sinh động.
    - Trước hết, lịch sử Cứu độ là câu chuyện về Chúa Cứu Thế, cũng là câu chuyện về mỗi chúng ta, một câu chuyện bắt đầu từ trước khi có trời đất muôn vật. Trước khi chưa có vũ trụ, TC đã chọn cách thức cứu độ qua Chúa GS ( c 4 ) vì khi TC tạo dựng con người TC biết trước nhân loại sẽ phạm tội. Chính chúng ta cũng được Ngài chọn từ khi còn trong lòng mẹ. Sự cứu rỗi ở đây được Phaolo nhấn mạnh như một sự hoạch định và chọn lựa tốt nhất của TC, Ngài không để ta "không đời đời" như quan niệm vô vi của Phật giáo và Lão giáo (*). TC đã tạo dựng nên con người thì con người phải tồn tại, Chúa không để ta "không đời đời" có nghĩa là ta vẫn tồn tại. Điều này được thể hiện qua "Kinh Cám ơn" mà Giáo Hội đã truyền dạy. Chúng ta tin rằng Tạo Hóa đã cho chúng ta có mặt trên đời này thì chúng ta cũng luôn được Ngài yêu thương.
    - Thứ hai, sự cứu rỗi cũng được đồng hành như một sự thánh hóa ( c 4, xem thêm Ep 5,27 v Cl 1,22 ). Thánh hóa vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của sự cứu rỗi. Người được cứu được đưa vào địa vị Thánh, lúc người đó hoàn toàn đặt niềm tin nơi Chúa GS và được tẩy rửa bởi máu huyết Ngài. Địa vị Thánh là khởi điểm một tiến trình thánh hóa liên tục "cho đến mức hoàn hảo".
    - Thứ ba, sự cứu rỗi được xem là sự  gia nhập vào đại gia đình của TC, một gia đình gồm những người thánh, tức là những người được tẩy rửa bởi máu Chiên Con. Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta được thừa nhận là con cái TC ( c 5 ). Với địa vị con cái này, chúng ta được hưởng mọi phép lành từ Cha thiêng liêng.
    - Thứ tư, trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phaolo cho thấy vai trò của Ba Ngôi TC trong công cuộc cứu độ : Chúa Cha hoạch định ( c 4,5 ), Chúa GS thực hiện ( c 5,7 ), Chúa Thánh Thần thánh hóa ( c 13,14 ). Công cuộc cứu độ diễn tiến đúng theo chương trình Chúa Cha ấn định để chúng ta được cứu chuộc.
    Phaolo nhấn mạnh mục đích cứu chuộc là để ta tôn vinh chúc tụng danh Ngài ( được lặp lại bốn lần trong các câu 3,6,12,14 ). Phaolo cho thấy những việc TC đã làm cho ta để ta cảm tạ Ngài về những phước lành thiêng liêng. Những từ ngữ : "ban phước", "chọn", "định trước", "ban ân sủng", "bày tỏ mầu nhiệm về ý muốn Ngài", "được ấn chứng bằng Thánh Thần"... Tất cả đều bày tỏ hành động yêu thương, rộng lượng, khoan dung của TC và tất cả được thực hiện trong Chúa GS. Thành ngữ "trong Đức Kitô" được lặp lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh rằng lịch sử cứu độ là câu chuyện về Chúa Cứu Thế. Phần chúng ta, chúng ta được chọn, cứu chuộc và tha thứ ( c 6,7 ),nhận được sự khôn ngoan và hiểu biết ( c 8,9 ), được bảo đảm sự sống đời đời ( c 11-14 )...Vì thế, lịch sử cứu độ cũng là câu chuyện của những người được chọn nói chung và mỗi chúng ta nói riêng. Đây chính là lý do Phaolo mở đầu bức thư với lời ca ngợi "Chúc tụng TC là Thân phụ của Đức GS Kitô, Chúa chúng ta"( c 3a ).
    Làm gì thì làm phải có những giây phút riêng tư thì thầm với Chúa. Khi ta làm thơ, viết văn, sáng tác, là những giây phút gần Chúa nhất. Có những giây phút riêng tư thì thấy cuộc đời mới có ý nghĩa.

3. Trích dẫn quan điểm hạnh phúc của Đức Thánh Cha Phanxico :
    Bạn có thể có khuyết điểm, lo lắng và đôi khi dở hơi, nhưng đừng quên rằng bạn là một tuyệt tác của Thượng đế và cuộc sống của bạn là một công trình vĩ đại nhất trên thế giới.
    Hạnh phúc không phải là một bầu trời không có giông bão, không phải là con đường không có tai nạn, không phải là những công việc không có mệt mỏi, cũng không phải là những mối quan hệ không có những thất vọng, hạnh phúc là nhận ra rằng cuộc đời thật đáng sống bất chấp mọi thử thách và khủng hoảng.
    Hạnh phúc không phải là định mệnh mà là chiến thắng của những ai cố gắng hướng tới nó. Hạnh phúc là ngừng trở thành nạn nhân của các vấn đề nhưng trở thành một diễn viên trong chính lịch sử của bạn. Đó không chỉ là vượt qua những sa mạc bên ngoài, mà còn hơn thế nữa, là tìm thấy miền đất hứa trong mọi ngóc ngách của tâm hồn chúng ta. Đó là cảm ơn Chúa mỗi buổi sáng vì điều kỳ diệu của cuộc sống.
    Hạnh phúc có nghĩa là trở nên một trẻ thơ để sự tự do, hồn nhiên và giản dị bên trong chúng ta được sống. Hạnh phúc cũng là đủ chín chắn để nói “tôi đã sai”; đủ can đảm để nói “hãy tha thứ cho tôi”; đủ nhạy cảm để nói “tôi cần bạn” và đủ yêu thương để nói “tôi yêu bạn”.
    Do đó, cuộc sống của bạn trở thành một khu vườn đầy những cơ hội để được hạnh phúc… Trong mùa xuân, bạn sẽ trở thành một người yêu niềm vui, và nếu là mùa đông bạn có thể trở thành một người yêu mến sự hiểu biết. Và nếu có đi sai đường, bạn chỉ cần bắt đầu lại. Như vậy, bạn sẽ đam mê cuộc sống hơn.
    Và bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc không phải là có một cuộc sống yên bình mà là biết dùng nước mắt để khoan dung, dùng những mất mát để rèn luyện tính kiên nhẫn, dùng những thất bại để tạo ra sự thanh thản và những trở ngại để mở ra cánh cửa trí tuệ.
    Bạn đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ từ bỏ những người bạn yêu thương, đừng bao giờ từ bỏ hạnh phúc vì cuộc sống là một vũ điệu đáng kinh ngạc, và bạn là một con người đặc biệt.( Nguồn : Vatican News ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, một lần nữa con xin cảm tạ về ơn Cứu rỗi của Ngài đối với con. Xin giúp cho cuộc đời con luôn luôn là bài ca cảm tạ để qua đó mọi người biết rằng có một TC quyền năng, yêu thương và tìm đến để tôn thờ Ngài.
    Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì ơn Cứu độ và phước lành thiêng liêng Ngài ban cho trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Con xin "trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Ngài sẽ đỡ đần cho"( Tv 55,23 )( câu lộc Xuân nhận tại Thánh đài Đức Mẹ Tà pao ). Xin cho đời sống con luôn là bài ca ca tụng Ngài từ nay cho đến cõi đời đời. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

(*)  Ghi chú : Bàn về vô vi thì luận trong tư tưởng của Lão giáo và Phật giáo đều có đề cập. Thật sự có khác nhau về cơ bản trong tư tưởng vô vi của hai giáo, đó là sự chấp nhận "cái nguyên lý ban đầu" của Lão không giống "nhân duyên" của Phật, còn hành xử vô vi thì giống nhau. Nguyên lý ban đầu Lão giáo tin rằng : Mọi vật trong vũ trụ đều chuyển động và thay đổi. Nó chuyển động một cách hòa hợp, có trật tự, thế mà họ không tin có Đấng Tạo Hóa. Theo Kinh sách Lão giáo người ta gọi Đạo là sự hoàn toàn, là sự gồm tóm mọi sự vật. Bản dịch Hoa ngữ của câu Kinh Thánh Gioan 1,1 dùng chữ Đạo thay cho chữ Ngôi Lời : "Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Thiên Chúa và Đạo là Thiên Chúa". 
Với quan niệm và những diễn giải tổng hợp và biện chứng về tư tưởng vô vi, Lão giáo đã sản sinh ra một hệ thống triết học đặc biệt gắn một cách logich nhận thức luận với bản thể luận. Chính vì thế mà học thuyết về vô vi của Lão Tử đã được đồng nhất với giáo thuyết của đạo Phật.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét