Một câu chuyện được Đức cố HY.FX Nguyễn văn Thuận viết trong cuốn "Chứng nhân Hy vọng" như sau :
Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục vừa dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất xinh đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, đợi cho các hành khách xuống hết vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa :
- Cô đẹp lắm ! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô xinh đẹp !
Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng cúi đầu chào và vào đề liền :
- Thưa Đức Cha, câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào ạ ?
- Cô biết trại cùi Di Linh ở Việt Nam chứ ?
- Vâng, con đọc báo có nghe đến !
- Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô, cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.
Lời nói đã đánh động con tim. Chỉ từng ấy ! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu; sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.
*
* *
Khi đến Bỉ, địa điểm du lịch đầu tiên mà bạn muốn ghé thăm chắc hẳn sẽ là bức tượng chú bé đứng tè nỗi tiếng, biểu tượng của thành phố Brussels.
Nằm gần Grand Place trên đường Rue de I'Etuve 31, chú bé đứng tè ( Manneken Pis ) là một tượng đài nhỏ bằng đồng cao 61m. Đây là tác phẩm của bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy được hoàn thành vào năm 1619.
Bức tượng có thể không được coi là một kiệt tác nghệ thuật, nhưng cách mà người dân địa phương lưu truyền các truyền thuyết về nó, cũng như những dịp lễ hội với sự góp mặt của tượng đã khiến mọi người cảm thấy vô cùng thích thú tự hào.
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh bức tượng này và nhiều ý kiến tranh luận về lý do bức tượng dựng nên, tuy nhiên nghe có vẻ hay nhất là câu chuyện liên quan đến tinh thần ái quốc. Chuyện kể rằng khi quân Tây Ban Nha rút khỏi Brussels, họ dự tính cho phóng hỏa đốt toàn bộ thành phố bằng một quả bộc phá có sức công phá lớn. Bỗng có một chú bé đã tè vào đường dây cháy chậm đang xì khói của quả bộc phá, dập tắt nguy cơ nổ tung gây hỏa hoạn, cứu cả thành phố Brussels không bị thiêu rụi.
Ngày nay ta thấy ở nhiều nơi biệt thự có làm phiên bản của cậu bé Manneken Pis để trang trí cho sân vườn và hồ cá.
*
* *
Cả cuộc đời mình, nam diễn viên "Tể tướng Lưu gù" Lý Bảo Điền ( sinh năm 1946 ) không quay một quảng cáo nào, ngay cả khi được mời với mức thù lao lên tới 20 triệu tệ ( hơn 70 tỉ đồng VN ), ông cũng từ chối. Lý Bảo Điền nói :
"Nếu tôi nhận lời đóng quảng cáo, người xem sẽ lẫn lộn giữa hình ảnh của nhân vật tôi đóng trong phim và hình ảnh của nhân vật của tôi trong quảng cáo, như vậy là có lỗi với nhân vật đã đem cho tôi vinh quang và hạnh phúc. Đa phần quảng cáo mời tôi đóng là quảng cáo dược phẩm.
Tôi đã bao giờ uống những thứ thuốc ấy đâu; tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không lừa dối khán giả được, họ có thể vì tôi nên mới mua thuốc. Tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ, không thể có lỗi với họ ".
Nazim Hikmat - nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ, đã từng đề nghị người bạn Abidjan Dino - là một họa sĩ nổi tiếng vẽ một bức tranh về HẠNH PHÚC.
Anh ấy vẽ bức tranh nổi tiếng tả cảnh một gia đình nằm chật chội trên một chiếc giường không lành lặn, trong một căn phòng xác xơ và dưới mái nhà đang bị mưa dột, nhưng trên khuôn mặt của từng thành viên vẫn nở nụ cười tươi.
Hạnh phúc không phải là không có đau khổ mà xem đau khổ như một phần của cuộc sống.
Majdov là võ sĩ judo xếp hạng ba thế giới ở hạng cân 90 kg với 7 huy chương châu Âu và 3 huy chương thế giới. Anh đã giành huy chương vàng tại Giải vô địch Judo châu Âu năm 2023 và giành huy chương bạc tại giải đấu năm nay.
Vận động viên Judo Kitô hữu người Serbia Nemanja Majdov đã bị Liên đoàn Judo quốc tế đình chỉ thi đấu trong 5 tháng sau khi anh làm dấu Thánh Gía trong Thế vận hội Olympic Paris năm nay.
Phát biểu với báo chí, Nemanja nói :
- "Chúa đã ban cho tôi mọi thứ, cả cho cá nhân tôi và sự nghiệp của tôi, Người là số 1 đối với tôi, tôi tự hào về điều đó. Và điều đó sẽ không thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vinh quang cho Người và cảm ơn Người vì tất cả mọi thứ".
Bạn có biết rằng cần gạt nước - một tính năng không thể thiếu trên ô tô hiện đại - được phát minh bởi một phụ nữ tên là Mary Anderson ? Sinh ra tại một trang trại ở Alabama vào năm 1866. Mary là một nhà phát triển bất động sản, chủ trang trại và nhà phát minh, người đã ghi dấu ấn trong lịch sử với ý tưởng sáng tạo của mình.
Vào năm 1902, trong một ngày tuyết rơi ở thành phố New York, Mary ngồi trên xe điện và quan sát tài xế phải vất vả nhìn qua tấm kính chắn gió bị phủ đầy băng. Từ đó cô đã thiết kế một cần gạt có lò xo với lưỡi cao su, cho phép tài xế làm sạch kính từ bên trong xe. Năm 1903, phát minh này được cấp bằng sáng chế, tạo nền tảng cho cần gạt nước hiện đại như chúng ta biết ngày nay..
Mặc dù sáng tạo của cô mang tính đột phá, nhưng Mary Anderson chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận từ phát minh này. Đến khi cần gạt nước trở thành tiêu chuẩn trên ô tô, bằng sáng chế của cô đã hết hạn.
Tuy nhiên, ngày nay cần gạt nước là yếu tố thiết yếu để lái xe an toàn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự sáng tạo và kiên trì.
Mì ăn liền là phát minh của ông Momofuku Ando - Nhà sáng lập tập đoàn Nissin. Gói mì ra đời sau thế chiến thứ II ( 25.8.1958 ), khi Nhật bị tàn phá và thiếu thốn lương thực trầm trọng.
Khung cảnh người dân Nhật Bản với người già, trẻ em nối đuôi nhau chờ mua những tô mì dưới trời đêm rét lạnh, khiến ông Momofuku Ando có ý tưởng về một loại mì có thể bảo quản về nhiệt độ thường, thưởng thức tại nhà ngay sau khi cho nước nóng vào, với giá bình dân. Ông Momofuku đã trải qua hàng loạt những thử nghiệm thất bại, trước khi thành công cho ra đời loại mì ăn liền Chicken Ramen.
Bên cạnh mì ăn liền, Nhật Bản còn là nơi phát minh ra Karaok.
Người ta hay than phiền về việc hát Karaoke, và trách cứ người Nhật đã phát minh ra nó, để bây giờ chúng ta bị tra tấn bởi những kẻ hát không ra hát, hét không ra hét. Nhưng tôi nghĩ, về cơ bản, cả thế giới phải cám ơn người Nhật, vì chúng ta được ca hát mà không cần phải có ban nhạc hay sân khấu rềnh rang. Còn việc quấy rối xóm làng, thì chúng ta cần trách cứ nền tảng đạo đức xã hội của chúng ta mới đúng.
Cám ơn người Nhật đã cho chúng ta thưởng thức được nhiều hương vị của cuộc sống.
Alfred Bernhard Nobel người Thụy Điển, sinh ở Stockholm ngày 21.10.1833, mất 10.12.1896. Là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ tỉ phú, người phát minh ra thuốc nổ. Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel đã thức giấc trong bàng hoàng : Tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn. Người anh của Alfred qua đời và một ký giả đã tưởng chính là Alfred Nobel.
Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred Nobel đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Người ta không hề nhắc đến những nổ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh mà thiên hạ đang nói về ông là một "nhà kinh doanh trên sự chết chóc"; trên bom đạn, bạo lực và chiến tranh.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư, trong đó ông để lại toàn bộ tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới : Đó là giải NOBEL HÒA BÌNH, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới.
Ngày nay, danh hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình. Nguyên tố hóa học Nobelium được đặt theo tên của ông.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên thế gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết.
Bất hạnh hơn nữa là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những chết chóc tang thương của người khác, thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin...và không biết bao nhiêu những con người ngày nay, có kẻ đang thờ trong lăng tẩm, để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ về niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về rao giảng Tin Mừng, Đức cố GH Phaolo VI đã nói như sau : "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người kitô hay một nhóm người sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác, hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Đó là : Tại sao họ sống như thế ? Điều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế ? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta ?"
Đâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế ? Đâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
Đức GH Phanxico, người đứng đầu khoảng 1,4 tỉ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, đã làm một cử chỉ giản dị nhưng đầy ý nghĩa khi quyết định ngồi trong khoang hạng phổ thông của một chuyến bay thương mại về Vatican sau chuyến Tông du kéo dài gần hai tuần tại Đông Nam Á vào tháng 9 năm 2024. Hành động này không chỉ thể hiện tính khiêm tốn và gần gũi của Ngài với dân chúng, mà còn là một biểu tượng của sự bình dị trong lãnh đạo tôn giáo.
Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946, tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên; mất ngày 02.10. 2024. Ông là một nhà văn nỗi tiếng, ông được biết đến nhiều với tác phẩm "Mảnh đất lắm người nhiều ma", được nhà nước VN trao tặng gải thưởng Văn học Nghệ thuật vào năm 2007. Ông từng là Phó GĐ - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông là người có cuộc sống bằng lặng với gia đình, con cái, đứng ngoài tất thảy mọi ồn ào, mọi đua chen với thời cuộc, lặng lẽ làm đúng phận sự của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đánh giá "Mảnh đất lắm người nhiều ma" là một tác phẩm đóng đinh vào nền văn học VN đương đại. Những gì ông viết trong tiểu thuyết này "giống như một lời tiên tri về một thế giới chúng ta đang sống. Một thế giới người và ma lẫn lộn. Ma hiện hình trong cả những nơi chúng ta không hề nghĩ tới".
Trong ký ức của ông Thiều, nhà văn là một người sống giản dị, trung thực; người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của ông trong cuộc sống hằng ngày. Đúng sai, hay dở luôn rành mạch trong con người ông. "Giờ ông đã rời khỏi mảnh đất lắm người nhiều ma mà ông từng đau đớn, nổi giận và cảnh báo về một tương lai buồn của nó".
Nhiều năm trước, nhà nhân chủng học Margaret Mead được một sinh viên hỏi về dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh trong một nền văn hóa. Mead cho rằng dấu hiệu đầu tiên của văn minh trong một nền văn hóa cổ đại là một chiếc xương đùi bị gãy và sau đó đã lành, Mead giải thích rằng : Bạn không thể chạy trốn khỏi nguy hiểm, không thể đến sông đến suối để uống nước hoặc săn mồi. Bạn trở thành mồi cho các loài thú săn mồi. Không có động vật nào sống sót sau khi bị gãy chân đủ lâu để xương có thể lành lại.
Một chiếc xương đùi bị gãy mà đã lành là bằng chứng cho thấy ai đó đã dành thời gian ở lại với người bị ngã, đã băng bó vết thương, đã mang người đó đến nơi an toàn và đã chăm sóc người đó qua quá trình hồi phục. Mead nói rằng giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là nơi nền văn minh bắt đầu. Chúng ta trở nên tốt nhất khi phục vụ người khác. ( Nguồn : Ira Byock ).
Ông Wiliam Golding sinh 19.9.1911, mất 19.6.1993 tại Vương quốc Anh, ông đã giành giải Nobel Văn chương năm 1983.
Wiliam Golding, những lời khen ngợi phụ nữ của ông, ông đã viết cách đây rất lâu, nhưng đối với "phái đẹp" lúc nào cũng mới mẻ, cũng là lời động viên, cổ vũ mạnh mẽ vô cùng :
"Tôi nghĩ phụ nữ thật ngốc khi họ cho rằng họ bình đẳng với đàn ông. Thực ra họ luôn luôn là người vĩ đại hơn. Bất cứ cái gì đưa cho phụ nữ, họ cũng sẽ tạo ra những giá trị cao hơn. Khi bạn đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ tạo ra một tổ ấm. Nếu bạn đưa cho họ thực phẩm, họ sẽ tạo cho bạn một bữa ăn ngon. Nếu bạn tặng cho họ nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim yêu. Phụ nữ luôn nhân lên, tạo ra những giá trị lớn hơn bất cứ thứ gì bạn trao cho họ. Nhưng nếu bạn trao cho họ những thứ bẩn thỉu thì hãy coi chừng, bạn sẽ nhận lại trái đắng đấy".
Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel, và bà cũng là người duy nhất được trao giải này hai lần. Bà là nữ giáo sư đầu tiên nhiều năm giảng dạy tại Sorbonne. Sau này, khi không còn có thể ăn mừng giải thưởng của mình, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào Panthéon, lăng mộ tráng lệ dành cho những vĩ nhân của Pháp, mặc dù bà không phải là nam giới và đã sinh ra, lớn lên tại Ba Lan.
Cuối thế kỷ 19, Marie Sklodowska và chồng bà, Pierre Curie, đã phát hiện một chất phát ra bức xạ mạnh gấp 400 lần uranium. Họ đặt tên cho nó là polonium, nhằm tôn vinh quê hương của Marie. Không lâu sau đó, họ đã tạo ra thuật ngữ "phóng xạ" và bắt đầu các thí nghiệm với radium, chất mạnh gấp 3000 lần với uranium. Cả hai đã cùng nhau nhận giải Nobel cho những đóng góp của mình.
Pierre đã từng nghi ngờ : Liệu họ có đang mang đến một món quà từ thiên đàng hay địa ngục ? Trong một hội nghị ở Stockolm, ông đã cảnh báo rằng trường hợp của Alfred Nobel, người sáng chế ra thuốc nổ, là một ví dụ điển hình : "Các loại thuốc nổ mạnh đã cho phép nhân loại thực hiện những công trình đáng ngưỡng mộ. Nhưng chúng cũng là một phương tiện tàn phá đáng sợ trong tay những kẻ tội phạm lớn, những người kéo mọi người vào chiến tranh".
Chẳng bao lâu sau, Pierre đã bị một chiếc xe chở bốn tấn trang thiết bị quân sự tông chết. Marie đã sống sót sau ông, nhưng cơ thể bà đã phải trả giá cho những thành công của họ. Bức xạ đã gây ra bỏng, vết thương và cơn đau dữ dội, cho đến khi bà cuối cùng qua đời vì thiếu máu ác tính.
Ở một số nước Bắc Âu, trong tiệc cưới nếu có vỡ ly chén, người ta đều vui vẻ đồng loạt vỗ tay lên và xem đó như một chuyện bình thường xảy ra, chẳng có gì gọi là trái khuấy như người Á đông thường nghĩ ngợi. Ở Nhật Bản khi một cái bát nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới.
Người Nhật tin rằng, một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.
Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những vết thương của mình và nói rằng : "Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua".
Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. "Nhân vô thập toàn" mà ! Nhưng ai cũng có thể chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình. Đừng hỗ thẹn vì những gì đã xảy ra với bạn. Bạn càng phủ nhận và than vãn vì những gì đã xảy ra, chúng càng không giúp ích gì cho bạn. Ngược lại, khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng thành những câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng.
Có một câu nói rằng : "Mỗi cấp độ tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn". Và đôi khi những mảnh vỡ là thứ cấp thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn.
Cuộc đời, rồi ai cũng từng làm vỡ đi một cái gì đó. Có ai đó chưa từng bị đổ vỡ nên họ đứng phán xét lúc thấy bạn làm vỡ đi thứ mình yêu thích. Sau này, khi trải qua những cảm giác tương tự, người ta cũng sẽ có cảm giác như bạn mà thôi. Hãy sống cho bản thân và tự đi đến nơi mình cảm thấy hạnh phúc, hà cớ gì phải sợ người đời chê bai, miệt thị !
Cầu thủ người Pháp : Anthony Martial lần hạt Mân Côi tại đền thờ Lộ Đức. Hình ảnh này của anh nhận được hơn 265 ngàn lượt thích trên Instagram. Tiền đạo từng chơi cho Manchester United được biết đến là một tín hữu sùng đạo và thường cầu nguyện trước mỗi trận đấu.
*
* *
Tại Ý, năm 1263, thành Bolsene, tronh nhà thờ Sainte Catherine, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Đức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Về sau xây nhà thờ rộng rãi để kính khăn thánh này.
Ngày 8.9.1264, Đức GH Urbano IV ( 1262 - 1268 ) d94 ban hành tự sắc Transiturus, thành lập Lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, cử hành vào sau tuần bát nhật của Lễ Hiện xuống. Thánh Thomas Aquino đã sáng tác nhiều bài hát vào dịp lễ này : Lauda sion, Pange lingua, Adoro Te và các kinh : Sacris Solemniis, Verbum Supernum... dịp lễ này có kiệu Mình Thánh Chúa ra đường phố.
Halloween có nguồn gốc từ thuật ngữ All Hallows' Eve, có nghĩa là buổi chiều áp ngày Lễ Các Thánh ( còn gọi là Lễ Vọng các Thánh ).
Lễ hội Halloween có nguồn gốc xa xưa bên Âu châu, do các tín hữu Kitô giáo khởi xướng trong bối cảnh Giáo Hội chuẩn bị mừng Lễ các Thánh.
- 31/10 : Đêm Vọng các Thánh.
- 01/11 : Mừng kính tất cả các Thánh nam nữ đang hưởng Sự sống Vĩnh cửu.
- 02/11 : Cầu nguyện cho tất cả tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện trước khi được hưởng Sự sống Vĩnh cửu. Hội Thánh Công giáo dành trọn tháng 11 hằng năm để cầu nguyện cách đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời.
Halloween không phải lễ hội ma quỷ. Rất tiếc, ngày nay người ta thường dễ đồng hóa và người ta thường tạo ra những hình ảnh rùng rợn, phản cảm.
Giò quẩy là món ăn do người Tàu sáng chế ra, món này xuất hiện từ thời Nam Tống.
Bấy giờ cả thiên hạ nghiến răng căm giận vợ chồng tên tể tướng mọt nước hại dân là Tần Cối và Vương Thị. Một người thợ làm bánh trong thành Lâm An đã dùng bột, nặn thành 2 người dính vào nhau rồi đem bỏ vào vạc dầu. Tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối - Vương Thị phải chịu hình phạt vạc dầu, bị cả thiên hạ nhai ngấu nghiến, hết đời này đến đời khác, tới nay đã hơn một ngàn năm.
Ban đầu gọi tên bánh là Du tạc quỷ, truyền sang ta gọi là quẩy. Giò quẩy có hai loại, một giòn một dai.
Người Trung Hoa xưa có tục ăn thịt người, nên mới chế ra món ấy. Người Việt không có tục đó, song sự căm giận lũ quỷ quan, quỷ tướng...thì đời nào cũng có.
Charlie Chaplin đã từng nói :
"Bạn sẽ biết cách sống khi, dù sống trong thế giới phức tạp này, bạn vẫn đơn giản; dù sống trong thế giới bất công, bạn vẫn công bằng; dù sống trong thế giới không trung thực này, bạn vẫn trung thực...
Nhưng trên t6t1 cả, bạn biết cách sống khi, trong thế giới vô tình này, bạn vẫn có thể yêu thương".
( Nguồn : Histoire de vie ).Charlie Chaplin sinh 16.4.1889 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh; mất 25.12.1977 tại Thụy Sĩ. Vợ là Oona O'Neill, kết hôn năm 1943, mất 1977. Chaplin phải sống trong trại tế bần từ năm 4 tuổi. Những bi kịch xảy ra trong đời tư của " Vua hề Sác-lô" được kể lại trong bộ phim tài liệu "The Real Charlie Chaplin".
Mới đây, chương trình Ai Là Triệu Phú đã đưa ra một câu hỏi cho người chơi với nội dung liên quan đến Truyện Kiều. Cụ thể như sau : "Trong Truyện Kiều, nhâ vật Thúy Kiều mang họ gì ?" Bốn lựa chọn dành cho người chơi là : Họ Nguyễn, họ Vương, họ Lê và họ Trần. Dù Truyện Kiều vô cùng phổ biến, nhưng thực tế thì lại có không ít người không trả lời được.
Trong phần mở đầu Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã cho chúng ta câu trả lời thông qua đoạn thơ sau :
"Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung
Một trai con thứ tốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia
Đầu lòng hai ả Tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân..."
Theo đó, Thúy Kiều là chị cả trong gia đình họ Vương, dưới nàng có em gái Thúy Vân và em trai Vương Quan. Như vậy, tên đầy đủ của nàng chính là Vương Thúy Kiều. Nàng sở hữu nhan sắc xinh đẹp sắc sảo, vóc dáng thanh thoát, "cầm kỳ thi họa" đều thông thạo. Thế nhưng, người con gái tài năng đó lại có cuộc đời gian truân, phải lưu lạc suốt hơn 15 năm với biết bao tủi nhục, bất công.
Cà phê được phát hiện tại làng Caffa, cao nguyên Ethiopia ( Châu Phi ), khi người da trắng đặt chân tới đây. Ban đầu người ta pha cà phê với đường, tưởng rằng đó là cách chế biến tuyệt hảo nhất. Nhưng đã có sự cố bất ngờ xảy ra :
Một buổi sáng, có một viên sĩ quan da trắng người Pháp đến quán cà phê trễ hơn thường lệ, khi đó quán đã chật ních. Chủ quán, người bản xứ, đon đả mời khách vào, sau đó vội vã vào trong pha cho vị khách này một ly cà phê. Khi nhâm nhi, viên sĩ quan cảm thấy cà phê hôm nay hình như ngon hơn mọi hôm. Ngờ ngợ có gì khác, viên sĩ quan mới nhấm nháp từng ngụm cà phê và phát hiện ra một điều kỳ lạ. Ông ta gọi chủ quán ra chất vấn :
- Này chủ quán, hôm nay ông pha cho tôi loại cà phê đặc biệt hơn mọi hôm phải không ?
Chủ quán bối rối một lát, rồi cũng phải trả lời :
- Dạ thưa quan lớn, có lẽ ngài lầm rồi chăng ? Cũng chỉ là loại cà phê như mọi khi thôi !
Viên sĩ quan chau mày, khẳng định :
- Không thể nào lầm được, hương vị cà phê hôm nay khác hẳn mọi hôm đấy !
Muốn chứng minh sự thành thật của mình, chủ quán chạy vào ôm hộp cà phê ra cho viên sĩ quan đó xem. Viên sĩ quan mở hộp bốc một ít bột cà phê lên tay xoa, hít ngửi mong khám phá ra một điều gì đó mới lạ, nhưng chẳng thấy có gì khác cả.
Ông ta đứng dậy tiến vào trong quầy hàng quan sát. Bất đắc dĩ, chủ quán phải lẽo đẽo đi theo sau. Viên sĩ quan cầm từng dụng cụ pha cà phê lên xem kỹ, chợt phát hiện một chiếc corset của phụ nữ quăng trong góc. Ông ta nhăn mặt với tay cầm lấy, hất hàm hỏi chủ quán :
- Cái này của ai ?
Gã chủ quán tái mặt, lắp bắp đáp :
- Dạ thưa quan lớn, đó là của...của vợ con ạ !
Viên sĩ quan thấy một bên corset có bã cà phê, phía bên kia có những khoang màu nâu sẫm. Ông lên tiếng :
- Đây là dụng cụ pha cà phê cho tôi phải không ?
Biết không chối cãi được, gã chủ quán quỳ xuống lạy rồi thú nhận :
- Dạ, quan lớn tha lỗi cho con. Tại dụng cụ pha thiếu, con đành phải làm cách này để pha kịp phục vụ cho quan lớn đấy ạ !
- Có phải vợ ông đang thời kỳ cho con bú phải không ?
Gã chủ quán run lẩy bẩy thưa :
- Dạ thưa quan lớn, đúng như vậy ạ !
Viên sĩ quan nâng chiếc corset của bà chủ quán lên ngang mặt, ngắm thật kỹ và hít một hơi thật sâu. Bất ngờ, ông ta rút 50 Franc trong túi quần ra thưởng cho chủ quán, trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Không nói gì thêm, viên sĩ quan ra khỏi quán, bước lên xe miệng lẩm bẩm :
- Nếu cà phê mà pha thêm một ít sữa, cà phê sẽ có hương vị thật tuyệt vời !
Kể từ đó, CÀ PHÊ SỮA chính thức ra đời .