Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Đức tin hay phép lạ dẫn đường ?

 

1. Phép lạ kép : x Mt 9,19-26 v Mc 5,21-43 v Lc 8,40-56.

    Ở Nhật Bản, vào tháng 3 năm 2011, một trận động đất kéo theo cả sóng thần, làm hơn 18000 người chết và mất tích. Thảm họa này người ta gọi là thảm họa kép, những người sống sót trong thảm họa được xem là phép mầu. Thời Chúa Giêsu, khi Chúa làm phép lạ cho một người cầu xin, thì trên đường đi đến nhà người ấy, lại có một người đàn bà chen lẫn trong đoàn người đông đúc cũng được Chúa ban phép lạ cho. Do đó cũng gọi là phép lạ kép, vì hai phép lạ Chúa Giêsu làm xảy ra cùng thời điểm.
     Tất cả những đau khổ của con người đều có âm hưởng mạnh mẽ dội vào tâm hồn Chúa Giêsu ( GS ). Ngài cứu chữa người này, bình phục người kia, hồi sinh người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ. Điều duy nhất đòi hỏi là lòng tin và sự khiêm tốn của con người, nơi quyền năng và lòng thương xót của Chúa được tỏ hiện. Đoạn Tin Mừng đề cập ở đây thuật lại phép lạ kép : x Mt 9,19-26 - Sự việc này diễn ra đối với vị kỳ mục có đứa con vừa mới qua đời, và đối với người phụ nữ đau bệnh đã lâu là một người hèn mọn trong dân. Cả hai đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân chạy đến với Chúa. Lòng tin của họ vào Thiên Chúa ( TC ) giúp họ đạt được ước muốn, được Chúa nhậm lời. Đức tin của họ dẫn đường cho phép lạ của Chúa thực hiện.
    Tin Mừng cho biết : Một ông Trưởng Hội đường tên là Gia-ia, có con gái 12 tuổi mới chết. Ông tin chắc Chúa có thể làm cho nó sống lại được, nên đến xin Chúa cứu giúp. Chúa liền đi theo ông... Dọc đường, người đàn bà mắc bệnh băng huyết thấy Chúa thì lén sờ vào gấu áo Ngài, với niềm tin sẽ được khỏi bệnh. Và bà đã khỏi bệnh thật... Khi đến nhà ông kỳ lão, Chúa thấy người ta khóc lóc ồn ào thì Ngài bảo họ lui ra, rồi Ngài cầm tay đứa bé, nó liền trỗi dậy. Người đàn bà băng huyết được khỏi bệnh và cô gái chết đi được sống lại, đều nhờ lòng tin Chúa. Điều này chứng tỏ rằng, đức tin rất cần cho con người trong ơn cứu vớt cả hồn và xác.
    Ông trưởng Hội đường có đứa con gái đã chết, chính ông xác định như thế. Khi Chúa GS nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài. Ở đây chúng ta thấy đức tin của vị kỳ mục rất mạnh. Trước sự ra đi của đứa con, tất cả mọi phương tiện trần gian đều chào thua. Lịch sử từ trước đến nay, chưa bao giờ nói về một người đã chết được sống lại. Chính Chúa GS cũng chưa cho ai sống lại từ cõi chết, cho đến thời điểm này, về sau Chúa mới làm cho Lazarô sống lại, vậy mà ông đến với Chúa, ông nói chắc ăn như đinh đóng cột : "Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại"( Mt 9,18 ) - Một sự khẳng định nói lên niềm tin của ông vào Chúa.
    Còn người đàn bà mắc bệnh loạn huyết : Bệnh bà rất nặng vì đã chữa trị suốt 12 năm mà không khỏi. Khi được nghe biết Chúa xuất hiện bà tin sẽ được khỏi : "Tôi chỉ cần sờ vào áo của Người thì tôi sẽ được cứu" ( Mt 9,20 ). Cũng là một câu nói khẳng định niềm tin, và đã xảy ra đúng như vậy. Chúa GS xác nhận cả hai trường hợp được thụ hưởng phép lạ của Chúa là nhờ vào lòng tin chắc chắn của họ. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của Tình yêu và lòng thương xót của TC. Vị kỳ mục tìm đến với Chúa, người đàn bà len lỏi giữa đám đông để sờ vào gấu áo Ngài, theo tôi đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người nên bắt chước và không ngừng thực hiện để gặp gỡ Chúa.
Nhưng thật ra, chính TC mới là Đấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin : "Đức tin con đã cứu chữa con", cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ TC không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Khi Chúa GS đang giảng dạy thì ông Trưởng Hội đường đến bái lạy xin Chúa cứu chữa con gái ở nhà. Chúa GS lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà loạn huyết chen vào "phá đám", chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông đã chết. Có lẽ lúc này đức tin của ông trưởng Hội đường bị đặt trước một thử thách rất lớn, bởi lẽ ra Chúa GS có thể đến sớm hơn để "bệnh nhân không chết". Thế nhưng, Chúa GS đã vội trấn an : "Ông đừng sợ, cứ vững tin"( Mc 5,36 v Lc 8,50 ). Nhờ ông vững tin mà con gái ông đã được Chúa cầm tay và gọi : "Talitha Khumi !" ( Mc 5,41 ), tức thì cô bé được hồi phục.
    TC yêu thương con người không loại trừ một ai và Ngài đã trao hiến Con Một để cứu chuộc hết thảy mọi người. Quan trọng là người ta có dám ký thác cuộc đời, vận mệnh mình vào tay TC hay không mà thôi. Và còn hơn thế nữa, những tưởng con người chạy tới cầu xin TC, nhưng không, chính TC đã đi bước trước đến với con người. Và phép lạ đã diển ra như một hệ quả của lòng tin : "Đức tin con đã cứu chữa con".
    Cũng vậy, hành trình đức tin của mỗi người chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bao yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông Trưởng Hội đường trong Tin Mừng thì sẽ được cứu độ.


2. Phép lạ dành cho người ngoại giáo : 
        x Mt 15,21-28 v Mc 7,24-30.
   Đất nước nào, dân tộc nào cũng có những câu tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của người dân về mọi mặt, được người dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. "Không nên lấy đồ ăn của con cái mà quăng cho chó"- Đây là câu tục ngữ của người Do Thái. Qua câu tục ngữ này thấy người Do Thái có lòng tự hào dân tộc rất lớn, vì dù sao họ cũng là dân riêng được Chúa tuyển chọn. Thế nhưng, trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa GS đã dùng chính câu tục ngữ đó để đối thoại với người phụ nữ xứ Canaan.
Chắc chắn Chúa biết người đàn bà này thế nào rồi, Chúa mới muốn nói như vậy. Đối với những người đàn bà khác chưa chắc Chúa đã làm thế, vì có thể có những phản ứng trái nghịch lại.
    Tin Mừng ghi lại việc Chúa GS đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là ở Thiên quốc, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô, chưa đặt chân đến nhà thờ.
Ta phải nhìn nhận là : Thời Chúa GS có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do Thái. Đứng trước bối cảnh đó, chính Chúa đã quở trách dân riêng của Ngài : "Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng dạ thì lại xa Ta"( Mt 15,8 ). Thời Chúa GS có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Đền Thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc lề luật của Môise, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo hình thức, Chúa GS cảnh cáo : "Không phải những ai nói lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu; nhưng là những kẻ thực thi ý của Cha Ta trên trời"( Mt 7,21 ). Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Moise, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa GS. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa GS; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của TC trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin : Chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ TC.
    Bà mẹ người Canaan có đứa con bị quỷ ám và làm khổ thân xác nó. Bà biết Chúa GS đang giảng dạy ở gần Bethania, nên đến xin Chúa chữa cho con bà. Chúa làm lơ để thử lòng bà. Rồi lại dùng câu nói sau có lồng ý của câu tục ngữ vào : "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà quăng cho chó con"( Mc 7,27 ), ngụ ý từ chối. Ối za ! Sao Chúa lại dùng câu tục ngữ nhỉ ? Bà ấy chứ người khác thì dễ tủi lắm. Vì thương con và cũng vì được nghe người ta đồn về quyền năng và lòng nhân hậu của Chúa. Bà khiêm nhường nài nỉ : "Thưa Thầy, đúng vậy. Nhưng lũ chó con cũng được ăn những mụn bánh từ bàn ăn rơi xuống"( Mt 15,27 ). Xin thưa, câu nói này làm tôi nổi da gà !
    Với các Tông đồ thì hành động của bà chỉ là một sự quấy rầy, còn với Chúa GS thì Người đã dành quyền ưu tiên cho dân Israel, thế nhưng người đàn bà xứ Canaan đã lật đổ các vấn đề đó để đi thẳng tới đối tượng.
    Chính điều này đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
    Người phụ nữ bất hạnh có đứa con gái đau yếu, và bà đã kêu tới Chúa GS, nhưng tiếng kêu của bà không có vẻ hiếu thắng. Bà không ý thức là mình đang nêu lên một quyền lợi. Trái lại, khi nghe Chúa bảo là Người chỉ muốn hoạt động ở Israel chứ không muốn hoạt động nơi người ngoại giáo, thì bà đã trả lời với một cung cách làm nổi bật mức độ khiêm nhường của lời cầu xin. Bà cầu xin và đặt mình ngang hàng với "đàn chó con", sống bằng những mẩu bánh vụn từ bàn rơi xuống. Bà đã gắn cho đức tin cái tính chất khiêm nhường khiến cho Chúa GS cũng phải cảm động và xiêu lòng.
    Trước sự kiên trì của người phụ nữ, Chúa GS lên tiếng "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" ( Mt 15,26 ), Thánh Matthêu ghi nhận câu nói này của Chúa GS gần giống với câu tục ngữ hơn - một câu nói quá xốc, một thử thách dường như quá nặng, quá khó đối với người ngoại giáo này. Nếu người mẹ xứ Armênia, chỉ hy sinh những giọt máu để cứu đứa con, thì bà mẹ Canaan lại hạ mình xuống ngang với "con chó" cũng vì đứa con. Nhưng chính lòng khiêm tốn của bà lại làm cho các Tông đồ phải ngạc nhiên : "Thưa Thầy, đúng lắm. Nhưng mà chó con cũng đáng được hưởng những mảnh vụn ở trên bàn của chủ nó rơi xuống"Trước câu trả lời đầy khiêm tốn này đã làm cho Chúa GS phải thốt lên : "Đức tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được vậy"( Mt 15,28 ).
    Xét về mặt đức tin, bà mẹ đau khổ ấy đã tìm đến với Chúa, bà tin Chúa là vị ngôn sứ quyền năng và nhân hậu. Có thể một người khác nghe câu tục ngữ kia đã cảm thấy mình bị xúc phạm vì cho là mình bị khinh chê. Nhưng bà này đã phản ứng một cách rất khiêm nhường. Khiêm nhường là chìa khóa mở lòng thương xót của TC. Niềm tin của bà thật cảm động, vì bà quá khiêm tốn trước mặt Chúa. Bà chỉ ao ước nhặt từng mảnh vụn ơn thánh rơi rớt của từng người con Chúa. Bà biết mình không xứng đáng được ơn. Bà không dám nghĩ mình được tắm trong biển cả yêu thương của Chúa, nhưng chỉ cần một giọt thánh ân trong biển lòng thương xót của Chúa có thể cứu sống con của bà.
    Niềm tin của bà còn đạt tới niềm tin tưởng tuyệt đối, không gì lay chuyển nổi ! Cho dù trước thái độ xua đuổi khéo léo của các Môn đệ và sự lạnh lùng của Chúa GS. Bà không bỏ cuộc. Bà vẫn một lòng cậy trông vào Chúa đến mức độ mà Chúa phải ca tụng bà : "Đức tin của bà thật lớn lao. Bà muốn sao được vậy". Và phép lạ đã diễn ra bởi lòng tin của một người mẹ hết mình vì con.


3. Ơn Chúa trong Phép lạ và Đức tin :
    Người ta thường hay khoe phép lạ mà mình đã gặp. Điều ấy không biết có đúng với Tin Mừng của Chúa không ?
Nếu người lãnh nhận phép lạ họ biết đó là một Ơn riêng, thì họ không cần gì phải khoe khoan vì sự thật đó là một Ơn Thiêng.
Khi thực hiện một phép lạ cho ai đó, có thể là theo nhu cầu, hoặc có thể là không theo nhu cầu nhưng Chúa muốn tỏ quyền năng thì Ngài cũng làm được. Tuy nhiên, những phép lạ xảy ra thường do lòng mến, do ước muốn của một cá nhân nào đó mà Chúa động lòng thương xót thì Ngài sẽ ban cho.
    Tôi không tin những người được phép lạ rồi họ đi làm chứng, là một tương quan cộng đoàn, là điều hay điều tốt. Chỉ sợ rằng ở đời có những trò bịp bợm, có những tổ chức, cá nhân cố gắng làm, nổ lực làm bằng mọi cách để ''xâu'' mình lên. Phép lạ của Chúa hay của Mẹ cũng vậy, đâu có cần phải được la lên, hô lên, hay kể lể cho mọi người phải biết. La hét, hô hoán chỉ là hành động tự phát nhất thời khi phép lạ mới xảy ra, được xem như một phản ứng tự nhiên biểu lộ sự vui mừng của người được ơn lãnh nhận - chỉ có thế mà thôi ! Rất tiếc, hiện nay có người lại tự thần tượng hóa, tự đề cao người khác một cách quá đáng để rồi quên luôn cả quyền uy của Thiên Chúa, quyền năng của Đấng Tối Cao. Đâu đó, có Linh mục được dân chúng sùng bái như một vị Thánh sống. Họ "tự tổ chức" để được gặp gỡ, chào đón. Khi vị Linh mục ấy đến thì mọi người bâu quanh, chen nhau, xô nhau, đạp nhau, xin được đặt tay, hoặc vói lấy tay để đặt lên đầu, đưa tay để được chạm đến như chính Chúa Giêsu vậy. Dùng việc "rảy nước thánh" để chữa bệnh cho người khác. Qủa thật buồn cười ! Noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, có lẽ ta không quên câu nói của Thánh nhân khi nói với Chúa Giêsu : "Tôi phải lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên."( Jn 3,30 ). Không ai tự đề cao mình mà ban được phép lạ cho người khác. Cũng không có ai tự thần thánh hóa mình mà được người khác tôn trọng, nếu được tôn trọng chẳng qua là nhờ sự mù quáng của số đông mà thôi. Quần chúng không phải là hoàn toàn đúng, vì quần chúng dễ bị kích động nên họ dễ dùa theo. Cứ nhìn vào bi kịch Đức Giêsu thì ta thấy rõ : Hôm nay quần chúng lên tiếng "Hôsana, vạn tuế !", ngày mai họ trở mặt : "Đóng đinh ngay !", thậm chí có người còn hô to : "Đóng đinh hắn !", "Giết nó đi !"( x Lc 23,18 v 21 v 23 ) - Họ có thể chấp nhận tha Baraba ( tên cướp ), nhưng họ không chấp nhận tha Đức Giêsu.
    Đa số những phép lạ Chúa Giê su làm, làm cho người ta phải ngạc nhiên. Họ bảo nhau "chúng ta chưa thấy vậy bao giờ."( Mc 2,12b ). Chúa Giê su làm phép lạ cho con gái ông Gia-ia sống lại, "cha mẹ nó kinh ngạc, nhưng Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra."( Lc 8, 56 ). Chúa Giê su  trừ quỉ, ''Người quát mắng không cho phép chúng nói."( Mc 1, 33b v Mc 3,12 ). Chúa Giê su chữa người mắc bệnh phong, khi bệnh phong biến khỏi "Người truyền anh ta không được nói với ai."( Lc 5,14 ).Tin Mừng Matthêu còn viết : "Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay và bảo anh : Coi chừng, đừng nói với ai cả."( Mt 8,4 v Mc 1,43-44 ).Chúa Giê su chữa con gái bà gốc Phênixi, xứ Xyri, Chúa vào nhà mà không muốn cho ai biết.( Mc 7, 24 ). Chúa Giê su chữa người vừa điếc vừa ngọng, ''Chúa truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả."( Mc 7,36 ). Chúa Giê su chữa hai người mù, Ngài nói : "Coi chừng, đừng cho ai biết."( Mt 9,30 ) v.v...
    Kinh Thánh đã diễn tả rất đầy đủ việc Chúa Giê su làm phép lạ và ảnh hưởng như thế nào.
Tuy nhiên, vào thời ấy không có nhân vật nào đứng ra làm chứng với một chỉ định hay một bảo trợ nào cả. Không có phép lạ nào bằng phép lạ Đức Kitô Phục sinh, vì Đức Kitô Phục sinh thì mới cho chúng ta sống lại và xác tín sự sống đời sau, chúng ta được cứu thoát khỏi vực thẳm của sự chết muôn đời. Đức Kitô là hoa quả đầu mùa mở đường cho những kẻ yên giấc ngàn thu ( 1 Cr 15,20 ), nhờ thế mà ta quả quyết rằng : Ta không từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Ơn Cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện thì con người được ơn thánh hóa và được trả lại chính mình trong ngày sau hết. Rao giảng Tin Mừng Phục sinh chính là rao giảng phép lạ, là điều cần thiết, cần làm chứng, ai ai cũng có thể làm được. 
    Bản thân người lãnh nhận phép lạ đã là một chứng nhân. Không phải ai cũng được ơn lãnh nhận phép lạ. Xin nhắc lại : Người lãnh nhận phép lạ là một Ơn riêng, điều này khó diễn tả một cách đầy đủ. Những người lãnh nhận phép lạ củng cố niềm tin cho chính bản thân họ, còn việc chia sẻ không nhất thiết phải làm một cách công khai, hay bắt buộc. Bản thân họ là một chứng nhân nên họ sống trong tin yêu và phó thác, trong tương quan cá vị, tâm tình này của họ đã có trước nên Chúa thấu hiểu họ hơn ai hết. Họ thung dung tự tại, quyết chắc về lý tưởng, về đời sống đức tin của mình nên bản thân họ không cần phải nói ra, lúc ấy họ thể hiện nhờ cách sống đơn sơ khiêm tốn.
     Đức tin cần được tập luyện. Trước hết, chúng ta có thể học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu Phúc Âm như chúng ta đang làm trong giây phút này. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng tư một cách có ý thức để kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng cho đức tin của mình.
    Đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện là nền tảng của đời sống đức tin Kitô giáo; nhưng sau khi suy gẫm, sau khi cầu nguyện, ta phải biết diễn tả niềm tin vào đời sống. Hình ảnh ông trưởng Hội đường, người đàn bà băng huyết và người phụ nữ ngoại giáo là tấm gương để chúng ta noi theo, là cơ hội để chúng ta xét lại niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
    Ước gì mỗi người chúng ta đều cảm nhận tình thương của Chúa một cách thẳm sâu và sống với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, để ơn phép lạ nhiệm mầu của Chúa được ban cho.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, Chúa là vị Lương y tốt, xin Chúa cho con đừng bao giờ chối từ Chúa. Mặc dù tai con không điếc, miệng con không câm, nhưng không có Chúa chưa chắc gì con đã phát ngôn đúng. Xin Chúa mở miệng lưỡi con ra để con cao rao những lời ngợi khen Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.
                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét