Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Những câu chuyện ý nghĩa




Một lần, đại văn hào Pháp Victor Hugo đi thăm nước Phổ. Khi đến biên giới Pháp-Phổ, một nhân viên hải quan Phổ hỏi :
- Xin ông cho biết ông làm nghề gì ?
- Tôi viết.
- Tôi muốn hỏi ông sinh sống bằng nghề gì ?
Lần này Hugo đáp gọn :
- Bằng ngòi bút.
Đúng là chuyện khôi hài : Nhân viên hải quan nọ gật đầu ra vẻ thông hiểu. Sau đó anh ta ghi vào tờ thị thực nhập cảnh : "Hugo, nhà kinh doanh ngòi bút".

Năm 1862, khi tiểu thuyết "Những người khốn khổ" vừa được xuất bản, Victor Hugo đang nghỉ phép. Ông muốn biết độc giả cảm nhận tác phẩm của mình như thế nào, bèn gởi một bức điện cho chủ xuất bản chỉ với một dấu chấm hỏi "?". Và chủ xuất bản trả lời bằng một dấu chấm than "!". Đây là cuộc trao đổi thư từ ngắn nhất trong lịch sử văn học.



 Abraham Lincoln vốn xuất thân trong một gia đình đóng giày. Trong một cuộc vận động bầu cử Tổng Thống, Lincoln tranh cử, ông đã bị một nghị sĩ sỉ nhục về thân thế yếu hèn của gia đình mình. Để gây xốc, đồng thời làm mất đi ý chí và sự tự tin của Lincoln, vị nghị sĩ ấy nói thẳng với Lincoln :"Thưa ngài Lincoln, trước khi ngài diễn thuyết, tôi hy vọng ngài nhớ rằng, ngài là con trai của một thợ đóng giày". Ai ngờ Lincoln không hề tự ti mặc cảm một chút nào, ông nói : "Tôi vô cùng cảm ơn ông đã làm tôi nhớ lại người cha đáng kính của tôi. Tuy cha tôi đã qua đời, nhưng nhất định tôi sẽ ghi nhớ mãi lời nhắc nhở chân thành của người. Tôi biết rằng nếu tôi có làm Tổng Thống thì cũng sẽ không thể giỏi như cha tôi làm nghề đóng giày".

Nghe những lời nói chân thành của Lincoln, vị nghị sĩ kia chìm trong im lặng. Rồi Lincoln quay đầu lại nói với viên nghị sĩ ngạo mạn ấy rằng : "Theo tôi được biết, trước đây cha tôi đã từng đóng giày cho những người trong gia tộc ông. Nếu giày của ông không vừa chân, tôi có thể sửa cho ông. Tuy tôi không phải là một người thợ đóng giày vĩ đại như cha tôi, nhưng từ bé tôi đã theo cha và học được một số kỹ năng". Sau đó Lincoln nói với tất cả các nghị sĩ : "Với bất kỳ ai trong thượng nghị viện này cũng vậy, nếu giày của quý vị là do cha tôi đóng mà quý vị cần sửa chúng, nhất định tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp quý vị. Thế nhưng, tôi xin nói trước với quý vị một điều, tôi không vĩ đại như cha tôi, tay nghề của ông ấy không ai có thể sánh kịp".

Nói đến đây, Lincoln rưng rưng nước mắt. Trong chốc lát, tất cả những chế giễu đều trở thành những tràng pháo tay chân thành. Sau đó, Lincoln đã trúng cử Tổng Thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 16.



Nhà điêu khắc đại tài Michelangelo vừa hoàn tất một bức tượng. Nhà vua đến xem gật gù nói : "Ta thấy bức tượng này rất đẹp nhưng chưa hoàn hảo. Nên sửa vài chi tiết chỗ này, chỗ này...!"

Michelangelo liền sai các phụ tá bắt thang trèo lên bức tượng, cầm búa đục gõ leng keng. Nhưng ông dặn tuyệt đối không được đẽo gì thêm vào bức tượng, không cần sửa gì cả, bức tượng đã hoàn tất rồi.
Sau một hồi các phụ tá leo xuống. Nhà vua tiến lại gần ngắm nghía bức tượng và nói : "Thấy chưa Michel, bây giờ thì nó đã là một tác phẩm tuyệt mỹ !"
Nhà vua đi khỏi, Michel nói với các phụ tá : "Bức tượng đã hoàn hảo, cái chúng ta vừa làm chỉ là thỏa mãn cái ẩn ức của Nhà vua thôi"...
Tóm lại : "Đừng cãi với người ngu khi họ đang nắm quyền !"





Trong giờ phút lâm chung, Alexander Đại đế triệu tập các cận thần của mình và nói với họ 3 điều ước cuối cùng của ông :
1. Hãy để các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta.
2. Hãy rải tài sản của ta bao gồm cả tiền, vàng, kim cương, đá quý...trên đường đến nghĩa trang.
3. Hãy để đôi bàn tay của ta được thả lỏng và cho nó ra bên ngoài để tất cả mọi người đều thấy.
Một trong những vị tướng của ông đã rất bất ngờ trước những đề nghị bất thường này nên yêu cầu Alexander Đại đế giải thích. Alexander Đại đế đáp :
- Ta muốn các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng minh rằng, khi đối mặt với cái chết, ngay cả những thầy thuốc giỏi nhất trên đời cũng không có sức mạnh cải tử hoàn sinh.
- Ta muốn rải hết tiền vàng trên đường để muốn mọi người biết rằng, sự giàu có về vật chất có được trên Trái Đất này thì sẽ phải ở lại Trái Đất.
- Ta muốn bàn tay ta thòng ra ngoài đung đưa trong gió, để mọi người hiểu rằng, chúng ta đến với thế giới này bằng hai bàn tay trắng, thì khi rời thế giới này cũng với hai bàn tay trắng.
Chúng ta sẽ không còn gì, sau khi tài sản quý giá nhất của chúng ta đã cạn kiệt đó là : Sức khỏe ( tinh thần và thể chất ) và thời gian chất lượng ( dành cho bản thân và gia đình ).





Cô gái trẻ quần áo xộc xệch, với làn da trắng mịn để lộ bầu ngực, cho một ông lão ngậm vú - Đó là bức tranh sơn dầu của Rubens, với tên gọi : "Simon và Perot". Những người lần đầu tiên bước vào Viện Bảo tàng đã cảm thấy kinh ngạc khi nhìn bức tranh ấy, có người còn cười và chế nhạo : "Sao có thể treo bức tranh như vậy ngay cửa chính của Viện Bảo tàng chứ ?" Nhưng người dân nước Puerto Rico thì rất kính trọng bức tranh này, có người cảm động đến rơi nước mắt. Cô gái trẻ để lộ bầu ngực là con gái của ông, ông lão chính là cha cô gái. Simon trong bức tranh chính là người anh hùng đã đấu tranh đòi độc lập cho nước Puerto Rico, nhưng bị bắt giam vào ngục và bị kết tội "cấm thực".
    Ông già chết dần chết mòn vì đói khát, kiệt quệ, toàn thân như muốn ngã quỵ. Lúc lâm chung, con gái ông vừa sanh con, đến thăm cha. Nhìn thấy cơ thể suy nhược của cha, không muốn cha chết thảm, cô đã cởi áo đưa dòng sữa của mình cho cha bú. Cùng một bức tranh, có người cười nhạo, có người xúc động. Người không biết được câu chuyện thực sự đằng sau bức tranh sẽ chế giễu, người biết sẽ cảm thấy đau lòng.
    Con người thường chỉ nhìn thấy bề nổi của sự việc, không nhìn thấy bản chất. Nhiều lúc sự thật không như ta chứng kiến. Đáng sợ nhất không phải bị người ta gạt, mà chính là sự vô cảm của bản thân. Rất nhiều thứ không thể đánh giá qua bề ngoài. Hãy dùng trái tim tĩnh lặng, đôi mắt sáng suốt và trí tuệ để học thông bài học cuộc đời.

  




    Albert Einstein nói về Thuyết Tương đối của mình, có một anh chàng nghi ngờ nêu vấn đề :
    - Trí thông minh của người mạnh khỏe như tôi, không thể chấp nhận những cái mà nó không nhìn thấy.
    Einstein yên lặng một lúc rồi trả lời :
    - Được, điều đó có vẻ có lý lắm. Bây giờ ông đặt trí thông minh của ông lên bàn đây, thì tôi có thể tin rằng ông có một bộ óc thông minh.
    Anh chàng chịu thua. Cũng nhờ câu nói này của nhà bác học, về sau anh ta phải thừa nhận sự hiện hữu quyền năng của Thiên Chúa là Đấng vô hình.
    Mặc dù không thấy Thiên Chúa nhưng quyền năng của Ngài vẫn luôn được tỏ hiện qua thiên nhiên, vũ trụ và muôn loài.
 




Lev Tolstoy viết một truyện ngắn và gởi đến một tòa soạn tạp chí, ký tên khác. Sau 2 tuần, ông đến tòa soạn để biết số phận truyện ngắn của mình. Một biên tập viên trẻ tiếp ông không lịch sự lắm, và bảo rằng truyện ngắn của ông sẽ không được đăng. Nhà văn hỏi lại :
- Tại sao thưa ông ?
- Thưa ông thân mến, khi đọc truyện ngắn của ông, tôi hoàn toàn tin đây là một người viết văn còn non nớt. Tôi thành thật khuyên ông hãy bỏ cái thích thú viết lách đi. Vào tuổi tác như ông, bắt đầu viết thì đã muộn rồi. Trước kia, xin lỗi, ông đã viết gì chưa ?
Tolstoy trả lời giọng trầm lắng :
- Tôi có viết một số tác phẩm mà người đọc cũng đánh giá là được, chẳng hạn như : "Chiến tranh và Hòa bình" hay " Anna Karenina"...
Người biên tập lặng đi không nói nên lời nữa.





Một câu chuyện được Đức cố HY.FX Nguyễn văn Thuận viết trong cuốn "Chứng nhân Hy vọng" như sau :
    Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục vừa dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất xinh đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, đợi cho các hành khách xuống hết vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa :
        - Cô đẹp lắm ! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô xinh đẹp !
    Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng cúi đầu chào và vào đề liền :
        - Thưa Đức Cha, câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào ạ ?
        - Cô biết trại cùi Di Linh ở Việt Nam chứ ?
        - Vâng, con đọc báo có nghe đến !
        - Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô, cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.
    Lời nói đã đánh động con tim. Chỉ từng ấy ! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu; sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.


Khi đến Bỉ, địa điểm du lịch đầu tiên mà bạn muốn ghé thăm chắc hẳn sẽ là bức tượng chú bé đứng tè nỗi tiếng, biểu tượng của thành phố Brussels.
Nằm gần Grand Place trên đường Rue de I'Etuve 31, chú bé đứng tè ( Manneken Pis ) là một tượng đài nhỏ bằng đồng cao 61m. Đây là tác phẩm của bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy được hoàn thành vào năm 1619.
Bức tượng có thể không được coi là một kiệt tác nghệ thuật, nhưng cách mà người dân địa phương lưu truyền các truyền thuyết về nó, cũng như những dịp lễ hội với sự góp mặt của tượng đã khiến mọi người cảm thấy vô cùng thích thú tự hào.


Có rất nhiều câu chuyện xung quanh bức tượng này và nhiều ý kiến tranh luận về lý do bức tượng dựng nên, tuy nhiên nghe có vẻ hay nhất là câu chuyện liên quan đến tinh thần ái quốc. Chuyện kể rằng khi quân Tây Ban Nha rút khỏi Brussels, họ dự tính cho phóng hỏa đốt toàn bộ thành phố bằng một quả bộc phá có sức công phá lớn. Bỗng có một chú bé đã tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá đang xì khói, dập tắt nguy cơ nổ tung gây hỏa hoạn, cứu cả thành phố Brussels không bị thiêu rụi.
Ngày nay ta thấy ở nhiều nơi biệt thự có làm phiên bản của cậu bé Manneken Pis để trang trí cho sân vườn và hồ cá.




Cả cuộc đời mình, nam diễn viên "Tể tướng Lưu gù" Lý Bảo Điền ( sinh năm 1946 ) không quay một quảng cáo nào, ngay cả khi được mời với mức thù lao lên tới 20 triệu tệ ( hơn 70 tỉ đồng VN ), ông cũng từ chối. Lý Bảo Điền nói :
    "Nếu tôi nhận lời đóng quảng cáo, người xem sẽ lẫn lộn giữa hình ảnh của nhân vật tôi đóng trong phim và hình ảnh của nhân vật của tôi trong quảng cáo, như vậy là có lỗi với nhân vật đã đem cho tôi vinh quang và hạnh phúc. Đa phần quảng cáo mời tôi đóng là quảng cáo dược phẩm.
Tôi đã bao giờ uống những thứ thuốc ấy đâu; tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không lừa dối khán giả được, họ có thể vì tôi nên mới mua thuốc. Tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ, không thể có lỗi với họ ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét