Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Giáo huấn trong ân sủng

                                

                                  Đọc Kinh Thánh : I Tm 1,1-20.
 1. Mục tiêu giáo huấn :
    Hãy đọc thư của Phaolo gởi Timôthê. Lá thư đầu tiên trong hai thư của Phaolo gởi Timôthê là một lá thư với lời lẽ rất dễ thương và thẳng thắn như tâm tình của một người cha nói với một người con. Timôthê là một thanh niên được ông đem về với Chúa và trang bị để làm người quản nhiệm phục vụ trong Giáo Hội. Timôthê phục vụ tại Ephêsô và thư này Phaolo viết từ La Mã, thời ấy ông đang ngồi tù vì đức tin. Thánh nhân gọi Timôthê là "người con tôi đã sinh ra trong đức tin"( I Tm 1,2 ) và bảo rằng lá thư mang lại ân sủng, nhân từ và bình an của Thiên Chúa ( TC ) cho Timôthê trong công việc được giao.
    Ngay từ đầu, Phaolo nhắc nhở Timôthê vài điều quan trọng, đặc biệt là không dung dưỡng lời dạy sai lạc hoặc suy đoán dại dột giữa hội đoàn, cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường ( I Tm 1,3-4 ). Lời dạy như vậy có thể phá hoại Giáo Hội, như Phaolo có viết cho Tit sau này ( Ti I,10-11 ). Nhiệm vụ của người Mục tử trung thành là phải bảo đảm cho con dân Chúa do mình chăm sóc biết tiếp nhận giáo huấn chuẩn xác của Hội Thánh. Giáo huấn chuẩn xác nhằm phát triển đời sống yêu thương ( I Tm 1,5 ). Mục tiêu mọi giáo huấn của chúng ta là nhằm giúp cho mọi người nam nữ yêu mến TC và đồng loại nhiều hơn, vì đây là dấu hiệu Môn đệ thật của Chúa Kitô, đối với người đi tu cũng vậy ( Jn 13,35 ).
    Phaolo cảnh cáo những kẻ khao khát dạy dỗ do địa vị cao trọng họ nhận được mà quên mất yếu tố phục vụ ( I Tm 1,6-7 ).Chẳng ai cũng được kêu gọi dạy dỗ, chúng ta phải thận trọng đừng tin bất cứ ai cũng được vai trò đó ( Gc 3,1 ). Người dạy phải biết cách giải thích Lời Chúa và giúp người khác học hỏi để họ được lớn lên trong tình yêu thương. Luật pháp của Chúa thật tốt đẹp và có thể dùng chúng ta cho những việc thiện ( II Tm 3,15-17 ); nhưng cũng có thể phơi bày những hành động vô luật pháp của những kẻ từ chối đi theo tín lý chuẩn xác của Giáo hội. Người dạy tốt sẽ không tránh né việc để cho Lời Chúa hoàn thành mục đích này qua việc chia sẻ của mình.
    Mọi dạy dỗ của chúng ta phải quay về với Phúc Âm : "Tin Mừng về vinh quang của TC chí tôn"( I Tm 1,11 ); chỉ khi Phúc Âm được rao giảng và người ta bắt đầu biết Đức Giêsu ( GS ) là Đấng Cứu thế, thì họ mới có năng lực để tuân phục TC và tôn vinh Ngài trong đời sống của họ. Timôthê, giống như Phaolo được trao phó một trách nhiệm trọng đại.
    Khi dùng biểu tượng muối và sự sáng, Chúa GS có ý nói rõ một nghịch lý của đời sống : Những kẻ tìm cách cứu sự sống mình thì sẽ mất, nhưng những kẻ chịu chết vì Đức Kitô thì sẽ được sống. Nó giống như hạt lúa mì nhờ mục nát đi mà có thể nẩy sinh nhiều hạt khác ( Jn 12,24 ). Ở đây Chúa GS nêu bật sự khác nhau giữa tinh thần bảo vệ quyền lợi và tinh thần thuộc về TC. Cả muối và sự sáng đều là biểu tượng về sự ảnh hưởng và sự hy sinh chính mình. Muối truyền đạt hương vị bằng cách tự hòa tan và ướp cho khỏi hư thối. Ánh sáng tỏa ra từ lửa, mang hơi ấm và chiếu dọi chốn tối tăm, một biểu tượng sự hy sinh.
    Trên thực tế, tinh thần hy sinh đòi hỏi sự dấn thân. Chúng ta không thể đóng góp nếu chúng ta cứ ở một khoảng cách an toàn. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và ngự giữa chúng ta để tạo một sự ảnh hưởng ( Jn 1,14a ). "Điều đã được tạo thành nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại"( Jn 1,3b ).
    Thế gian tối tăm cần thấy sự sáng của chúng ta, nhưng nên nhớ rằng không có sự sáng trong chúng ta, mặc dầu chúng ta rất muốn làm gương sáng. Ngón tay chỉ mặt trăng thì ngón tay không phải là mặt trăng. Chỉ có Chúa GS là sự sáng của thế gian ( Jn 1,9 ). Chúa không bắt chúng ta tạo ra ánh sáng, nhưng cứ ở trong Ngài, chúng ta nên giống Ngài nghĩa là phản chiếu ánh sáng của Ngài, người khác sẽ nhận ra Chúa và cùng ngợi khen Chúa.

2. Kinh nghiệm và gương sáng :
    Phaolo kinh nghiệm quyền năng cùng vinh quang của ân sủng TC. Thánh nhân biết ý nghĩa của việc được bao bọc bởi tình yêu thiên thượng khi mình chỉ đáng cho cơn thịnh nộ của Ngài. Trước kia ông là kẻ phạm thượng, bắt bớ Hội Thánh và tàn bạo đối với tín hữu ( Cv 7,58-59 ). Thế nhưng, TC đã quyết định dùng Phaolo cho sự vinh hiển của Ngài... Vì vậy, Thánh nhân nhận được thương xót cùng ân sủng dư dật, để có thể tin vào TC và bắt đầu sống trong tình thương của Đức Kitô ( I Tm 1,12-14 ).
    Phaolo không muốn bỏ đề tài này. Ân sủng TC có ý nghĩa thật sâu đậm đối với ông đến nỗi ông muốn Timôthê bảo đảm là đã hiểu đây không chỉ là những lời rỗng tuếch hoặc là khái niệm thần học hão huyền. Quyền năng cùng ân sủng cứu độ của Đức Kitô vươn tới tội nhân dù họ khủng khiếp nhất !( I Tm 1,15 ). Do vậy, chúng ta không nên bỏ cuộc đối với những ai khướt từ lời làm chứng của chúng ta, cứ cầu nguyện để ân sủng bao phủ họ càng lúc càng nhiều hơn. Nhẫn nhục là một trong những hoa trái của Thánh Thần mà chúng ta cần có trong đời sống, nhưng theo cha Cao Gia An, đôi khi vì hiểu không đúng đức tính này nên chúng ta lơ là trong việc học hỏi và thực hành trong nếp sống hằng ngày. Kinh Thánh Tân ước dùng chữ "Makrothumein" nói đến sự nhịn nhục. Đây là từ ngữ nói lên sự kiên nhẫn đối với người chứ không phải chịu đựng hoàn cảnh : nó mô tả một tinh thần không bỏ cuộc, chịu đựng đến cuối cùng nên được tưởng thưởng. Khi cùng học đức tính này, chúng ta nhắc nhở nhau về lòng khoan dung nhân từ của Chúa - Ngài đã nhẫn nại để cứu chúng ta. Cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu là gương mẫu cho chúng ta, vì Ngài muốn chúng ta đối xử với các anh chị em của mình bằng sự nhịn nhục mà Ngài đã bày tỏ cho chúng ta qua cách sống của Ngài. Trong ( I Tm 1,16 ) : Phaolo cho biết ba điều quan trọng về kinh nghiệm riêng thật sự của Thánh nhân cũng như của chúng ta :
        a. Trước hết, ông không biết gì về Đức Kitô trừ lòng nhân từ của TC. Toàn bộ sự cứu rỗi là do ân sủng, vì tất cả chúng ta đều đáng lãnh cơn thịnh nộ của TC.
        b. Thứ hai, lòng nhân từ cứu rỗi đó nhằm một mục đích cụ thể, đó là để cho sự kiên nhẫn của tình yêu Đức Kitô được bày tỏ trong đời sống đã biến cải của Phaolo.
        c. Thứ ba, ông phải làm gương cho mọi tín hữu khác, để họ - chúng ta - có thể vui mừng trong sự nhân từ của TC, tăng trưởng trong ân sủng, và cũng làm gương cho nhiều người khác nữa. Điều này đưa Phaolo tới một trong những khoảng thời gian thờ phượng chúng ta thường thấy trong các thư tín của ông ( I Tm 1,17 ; xem thêm Rm 11,33-36 v Êp 3,20-21 ).
     Ông kết thúc phần này với phần nhắc nhở quan trọng của lời dạy chuẩn xác : Timôthê phải thận trọng đối với tín lý sai lạc vốn tìm cách phục vụ chính mình. Nó sẽ phá hỏng chức vụ cùng cuộc đời Timôthê ( I Tm 1,18-20 ). Đây cũng là lời khuyên tốt cho tất cả chúng ta.
    Cầu xin Chúa Thánh Thần nung đúc trong bạn và trong tôi hoa trái ngọt ngào "Nhịn nhục" khi từng ngày tháng tới bạn và tôi dành thì giờ suy niệm, học hỏi, nghiên cứu qua Lời Chúa.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa Cha Toàn năng, xin dạy con yêu thương và sai con ra đi bày tỏ tình yêu của Chúa GS cho những người chung quanh con hôm nay, "miễn là Đức Kitô được rao giảng"( Php 1,18 ); cho con ý thức "về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối"( Php 1,28 ).
    Lạy Chúa, con ca ngợi Ngài về ân sủng Ngài đã bày tỏ cho con trong Chúa Giêsu Kitô. Xin biến con thành tấm gương về tình yêu cùng chân lý của Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét