Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Từ bỏ, bỏ từ vui thú thế gian

           

                             Đọc Kinh Thánh : Mt 5,1-16.

 1. Ơn Chúa kỳ lạ :
    Phero và Anre làm gì khi Chúa gọi họ ? Họ đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu ( GS ) như thế nào ? Phúc Âm ghi lại : "Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài"( Mt 4,32 ).
    Tôi vẫn nhớ hoài câu nói : "Không ai có thể lớn nếu tình yêu chưa đi qua đời họ". Sự kêu gọi của Chúa GS đối với các Môn đệ đầu tiên, chúng ta có thể đặt ra một giả thiết rằng : Liệu các Môn đệ cố theo Chúa GS mà vẫn kéo lê chài lưới của mình dọc theo bờ biển không ? "Lạy Chúa, con sẽ đến, nhưng tấm lưới này nặng quá. Xin đợi con. Ôi chao ! Nó lại mắc vào đá nữa rồi !" Các Môn đệ được kêu gọi, họ phải bỏ lại phía sau quá nhiều thứ. Họ phải bỏ tài sản, nghề nghiệp, công việc làm ăn của gia đình và các mối liên hệ gia đình ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, từ nay trở đi, mọi sự đều đổi khác, mọi cam kết và mối liên hệ sẽ được định nghĩa lại trong ánh sáng sự kêu gọi của Chúa GS. Những đòi hỏi của Phúc Âm cũng y như vậy cho chúng ta ngày nay. Bằng một cách sáng tạo lạ lùng, Chúa GS sẽ dùng khả năng đánh cá của họ để đánh lưới người. Phải chăng điều ấy cũng đúng với chúng ta ? Khi dâng cho Ngài đời sống của chúng ta, các mối liên hệ của chúng ta, và khả năng của chúng ta, thì Ngài sẽ biến hóa chúng để chúng được dùng càng sáng tạo hơn trong công việc Nước Trời. Điều có ý nghĩa là các ngư phủ này rất bận rộn khi Chúa GS gọi họ, nhưng họ đã nghe theo, từ bỏ tất cả để đi theo Ngài. Dường như Thiên Chúa ít khi gọi những người lười biếng, ở không, Ngài là TC, Ngài thừa biết câu tục ngữ của người VN "nhàn cư vi bất thiện". Các Môn đệ đáp ứng liền và không cần thắc mắc gì.
    Đúng là có nét tương đồng, nhưng ngày nay ta không nghe tiếng Chúa gọi như các Môn đệ ngày xưa nữa. Eileen Caddy nói rằng : "Một chút xíu tư tưởng của niềm tin, có thể làm nảy sinh hết việc lạ lùng này đến việc lạ lùng khác". Chúa cũng gọi chúng ta ngay trong tâm hồn của chúng ta vậy, như Chúa đã từng phán : "Ai yêu mến TC thì TC ở trong người đó".

2. Sự trái ngược dễ thương mà thương không dễ :
    Theo tiêu chuẩn của thế gian, các phước lành là một công thức kỳ lạ ! Chúa GS không ban cho như thế gian ban cho( x Jn 14,27b ), vì Nước của Ngài không thuộc về thế gian( x Jn 18,36 ). Thật dại dột khi theo Chúa GS mà mong đợi những bổng lộc và vui thú thế gian. Đối với những người ấy, viễn cảnh của "lòng khó khăn", "than khóc", hoặc "chịu bắt bớ vì sự công chính", dường như không thể là một vấn đề đáng mừng.
    Chúa GS không nói rằng "sự nghèo khó" là phước. Chính "những kẻ có lòng khó nghèo" mới là được phước, bất kể họ là ai ! Người có lòng khó nghèo biết rằng họ không thể sống chỉ nhờ cơm bánh mà thôi, nhưng cần mọi Lời từ miệng TC phán ra. Điều này dẫn đến sự sung mãn trong đời sống. Trên thế gian này, chúng ta không thấy hạnh phúc thêm lên với sự giàu có hoặc với sự nghèo khổ. Cả hai đều có thể đem lại sự khốn đốn nếu TC không là trung tâm đời sống của mỗi người.
    Nên nhớ rằng các phước lành mô tả hạnh phúc là một tình trạng kết hợp với TC. Những kẻ có lòng khó khăn khao khát điều này. Họ "than khóc" chia sẻ nỗi đau đớn của TC đối với một thế giới rối loạn và bất an. Họ nhu mì như Chúa GS nhu mì. Sự nhu mì này không phải là yếu đuối, vì nó xuất phát từ sự vâng lời vô điều kiện đối với ý muốn TC : Đó là một sự nhu mì làm kinh hãi thế giới ! Họ chia sẻ sự đói khát của Chúa GS nhằm làm cho sự công bình của TC được trỗi vượt. Sự trong sạch của tấm lòng khiến họ khao khát theo đuổi sự công bình của TC - Một tình trạng hành hương trong đó họ nhận thấy TC bằng cách cứ ở trong Ngài. Kết quả sự tiếp xúc của họ với thế gian là sự bình an như một trạng thái thỏa mãn hoàn toàn ( Jn 14,27 ). Họ sẽ không ngã lòng bởi sự bắt bớ và nguy hiểm. Thế gian khao khát hạnh phúc nhưng bị đau khổ vì hạnh phúc cứ lẩn trốn. 
    Tin Mừng cho chúng ta là phước hạnh có thật trong Nước của Đức Kitô, và Nước của Ngài tồn tại đến muôn đời. Sự trái ngược dễ thương nhưng thương không dễ vì vẫn không tránh khỏi sự thay dạ đổi lòng của một số người đức tin yếu kém, họ chỉ biết cầu lợi mà không dám dấn thân. Chúa GS vâng theo sự khôn ngoan của TC. Khi tập trung chức vụ của Ngài vào "xứ Galile thuộc về dân ngoại"( Mt 4,15b ), Chúa GS làm ứng nghiệm những dấu hiệu đã có trong gia phả và trong cuộc thăm viếng của các đạo sĩ vốn cho thấy tính phổ quát của Phúc Âm. Đây cũng là cách Chúa dẫn dắt chúng ta, đôi khi bằng sự hướng dẫn rõ ràng của Kinh Thánh, nhưng cũng thường bằng cảm nhận ngày càng tăng với tâm trí và ý muốn của Ngài.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin ban cho con biết và kinh nghiệm những phước hạnh Ngài hứa. Xin cho con nhìn xa hơn những suy nghĩ nông cạn và tìm được niềm vui trong mối liên hệ với Chúa.
    LẠY CHÚA, CON XIN DÂNG ĐỜI CON CHO CHÚA ĐỂ XIN NGÀI DÙNG CON THEO Ý NGÀI.

JB.SĨ TRỌNG.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét