Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Tình thơ nuôi lớn



Đò không đứng giữa biển hồ,
Mênh mông mặt nước, hai bờ ngả nghiêng
Tìm người hội ngộ thiên nhiên,
Ngàn năm vẻ đẹp trọn miền thơ anh

Thơ anh dẫu có độc hành,
Vẫn ôm ấp cả trời xanh mượt mà
Một đời cất tiếng ngợi ca,
Bao nhiêu nhung nhớ đậm đà trong tim.

JB.Sĩ Trọng. 

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Điều con tim được phú bẩm


1. Đọc Kinh Thánh :   x Lc 10,25-37.
    Khi ấy có một người Thông luật đứng dậy hỏi Chúa GS rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?"... Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa GS rằng : "Những ai là người thân cận của tôi ?". Chúa GS đáp : "Một người đi từ Jérusalem xuống Jérico, dọc đường bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi xuống trên con đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng : "Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông". Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp ?" Người Thông luật trả lời : "Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy". Và Chúa GS bảo ông : "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

2.Thông điệp chia sẻ :
    Đã là người thì phải có trái tim biết rung động trước những nỗi đau khổ của đồng loại. Yêu thương đồng loại là điều răn đã được ghi chép trong trái tim con người, bất luận người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Chúa GS đã dạy và làm gương trước về lòng nhân từ và thương xót. Trong thực tế, con người có khi không đối xử với người đồng loại theo đạo lý đòi hỏi. Người Samaria nhân lành được Chúa GS kể trong dụ ngôn để cho người Kitô hữu theo gương bắt chước : Thay vì ngồi đó mà hỏi "Ai là anh em tôi ?"( Lc 10,29b v 10,36 ) thì hãy hành động để trở nên anh em của người khác, "Hãy đi và làm như vậy"( Lc 10,37 ).
    Một ngày nọ, khi Victor Hugo trở thành một nhà văn nỗi tiếng, ông đi dạo qua những con phố đông người của Paris. Bất chợt, ông thấy một đám đông tụ tập quanh một người đàn ông rách rưới bị bắt gặp ăn trộm một chiếc bánh mì từ một tiệm bánh. Tiếng hò hét, chỉ trích không ngớt vang lên; sự phẫn nộ dữ dội của những người chứng kiến hướng về phía người ăn trộm. Victor Hugo đứng ở rìa đám đông, im lặng quan sát. Trong mắt mọi người, người đàn ông kia chỉ là một kẻ trộm cắp đáng bị lên án. Nhưng Victor nhìn thấy một điều khác : Một người đang đói khác, khuôn mặt gầy gò và đôi mắt trũng sâu chứa đựng sự tuyệt vọng. Victor cảm nhận được nỗi đau của người đàn ông và hiểu rằng không phải ai cũng lựa chọn con đường trộm cắp vì muốn, mà đôi khi đó là sự cùng quẫn của số phận. Bước qua đám đông, Victor Hugo tiến đến gần người đàn ông bị bắt. Ông cất giọng trầm ấm nhưng kiên định :
- Chúng ta có thể dễ dàng phán xét một người khi họ sai, nhưng có bao giờ chúng ta thử hiểu lý do khiến họ rơi vào hoàn cảnh như vậy không ? Đôi khi, lòng khoan dung còn có sức mạnh hơn cả sự ngay thẳng.
    Những lời nói của Victor khiến đám đông im lặng. Một vài người cúi đầu suy nghĩ, ánh mắt thay đổi từ giận dữ sang suy tư. Thấy thế, Victor lấy ra một ít tiền đưa cho người đàn ông, Victor nhẹ nhàng nói :
- Hãy dùng số tiền này mua bánh mì, để cuộc sống của anh không bị đẩy đến những hành động sai trái nữa.
Người đàn ông rưng rưng nước mắt, đôi bàn tay run rẩy cầm lấy tiền, cảm ơn Victor bằng cả tấm lòng. Đám đông dần tan đi, còn lại chỉ là sự tĩnh lặng của con phố và lòng biết ơn của một người được tha thứ.
Kể từ hôm đó, câu chuyện về sự khoan dung của Victor Hugo lan truyền khắp nơi. Ông không chỉ là một nhà văn vĩ đại với những tác phẩm sâu sắc về cuộc đời, mà còn là một con người với trái tim biết thấu hiểu và lòng khoan dung đối với "những người khốn khổ" và sống đúng với triết lý của mình : "Tôi biết có một điều tốt đẹp hơn sự ngay thẳng, ấy là sự khoan dung".
    Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về lòng nhân từ của Thiên Chúa ? Khi tra từ ngữ Kinh Thánh tôi được biết, trong tiếng Hebrew : "chosed" có nghĩa là đối xử tốt, yêu thương tử tế. Tiếng Hy lạp chữ "nhân từ" có cùng nguồn gốc với chữ "bà con ruột thịt", cũng có nghĩa là "dịu dàng, vui vẻ, độ lượng". Như vậy, nhân từ có nghĩa là chúng ta đối xử với người khác giống như người trong gia đình. Đó là quan tâm về người khác đến nỗi ta đối xử với họ thật dịu dàng, vui vẻ, độ lượng. Nhân từ thể hiện qua những cử chỉ, hành động, hay việc làm cụ thể. Người có lòng nhân từ cảm thông với sự đau đớn, khổ sở và nan đề với người khác; không giữ những ác cảm, bực tức hay trả thù những việc không tốt người khác làm cho mình.
    Bản chất của Thiên Chúa ( TC ) là sự thiện, nên trước hết, nhân từ cũng chính là tố chất của Ngài. Sách Nêhêmi 9,16-17 nói về lòng nhân từ lớn lao của TC đối với tuyển dân của Ngài. TC đã không lìa bỏ họ mặc dù họ đã cứng lòng, không vâng phục Ngài và phạm tội chống lại Ngài.
    Hãy nghĩ những lời vô thức, bất nhẫn, nóng nảy mà ta đã nói với một người nào đó gần đây trong lúc tức giận. Người ta làm tổn thương, có thể hay có muốn tha thứ cho ta không ? Có thể có, cũng có thể không, nhưng TC tha thứ cho ta.
    Chúa GS nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao ( Lc 6,35-36 ). 
    Nhân từ cũng là bản chất của Chúa GS. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa GS chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa GS là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy, chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa GS nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là Môn đệ của Ngài ( Jn 13,35 ). Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa, có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxico nói : "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa GS luôn đi trước chúng ta". Lòng nhân từ thường gắn liền với phục vụ, Tin Mừng Macco mô tả một chuyện rất thật : "Vừa ra khỏi hội đường Caphanaum, Chúa GS đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Giacobe và ông Gioan đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm liệt giường, lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người tiến lại gần, cúi xuống, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài"( Mc 1,29-31 ). Chữ "cúi xuống" lấy từ Tin Mừng của Luca ( x Lc 4,39 ). Chúa GS đã phục vụ một cách dịu dàng và đầy lòng yêu thương.
    Ta cần nhớ rằng nhân từ làm ta giống Chúa hơn. Nhân từ bày tỏ tình yêu của Chúa trong chúng ta, và nhân từ củng cố đức tin chúng ta trong Chúa.


     Gương mẫu của lòng nhân từ người tin theo Chúa phải sống là gương của chính Chúa GS, Chúa GS mời gọi : "Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng". Thánh Phaolo kêu gọi con dân Chúa "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như TC đã tha thứ anh em trong Đức Kitô vậy" ( Ep 4,32 ). Có hằng trăm việc nhỏ chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ, nhưng những việc này đều đòi hỏi thì giờ, sức lực, tiền của. Một điển hình của việc làm nhân từ như trong chuyện "Người Samaria nhân hậu" đã nêu trên, Chúa GS kể, Luca ghi lại. Trong câu chuyện này, người Samaria đã làm ơn, cứu giúp, tiếp tục quan tâm theo dõi người bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ.
    Những việc ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ của Chúa trong chúng ta, trong Giáo Hội như "giúp đỡ người thiếu thốn" ( Ep 4,28 ), "thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ" ( Gc 1,27 ), "an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối" ( 1 Tes 5,14 ), "mang gánh nặng cho nhau" ( Gal 6,2 ); là "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" ( Rm 12,15 ).
    Chúng ta phải đối xử với người khác bằng lòng nhân từ chân thật, bởi vì TC đã đầy lòng nhân từ đối với chúng ta. Để phát huy lòng nhân từ ta cần phải luôn nhớ tới lòng nhân từ của TC đối với nhân loại. Ta cần ăn năn bất cứ sự cư xử thiếu khôn ngoan nào làm cho người khác buồn, hoặc bất cứ sự cư xử tàn nhẫn nào của mình đối với người khác trong quá khứ. Chúng ta cần tuân phục Chúa và nương cậy Thánh Thần để có thể sống nhân từ với người khác. Hãy nghĩ đến những người đang gặp khó khăn, đặc biệt ta có thể cư xử dịu dàng, hòa nhã với họ hơn; tử tế với họ hơn; độ lượng bao dung với họ hơn.
    Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần để ý đến những người khốn khó chung quanh mình và tìm cách mang lại niềm vui cho đời sống của một vài người khác : Người tin Chúa, không tin Chúa, bạn hay thù. Một trong những điều TC đòi hỏi nơi chúng ta là sống nhân từ : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau ( Jn 13,34-35 ).

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một con tim biết xúc động trước hoàn cảnh đau khổ của người khác để chúng con mau mắn đến với họ và tìm cách giúp đỡ họ.
    Xin giúp gia đình chúng con ý thức rằng : Sự sống đời đời, số phận vĩnh cửu, niềm vui hạnh phúc đích thực của chúng con tùy thuộc vào cách cư xử của chúng con với người đồng loại trong cuộc sống này. 

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Kiếm tìm


Đầu mùa trút một cơn mưa,
Cuối mùa cũng thế, như vừa chuyển giao
Thiên nhiên mát dịu, ngọt ngào
Đất trời khát uống dậy trào con tim
Ước chi có kẻ kiếm tìm,
Tình nhân là Chúa : Tựa vin tay vào...

JB.Sĩ Trọng.





Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Chúa có phải là bạn của ta không ?

 1. Câu chuyện tình bạn cảm động :
    Năm 1986, Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại của bóng đèn điện, đang tập trung nghiên cứu thiết kế một chiếc xe hơi. Đúng lúc đó, ông nghe tin một chàng trai trẻ trong công ty của mình đã chế tạo ra một chiếc xe thử nghiệm. Chàng trai đó là Henry Ford. Edison gặp Ford tại một buổi tiệc công ty ở New York, và ngay lập tức bị cuốn hút bởi ý tưởng xe chạy bằng xăng của cậu. Edison, người trước đây luôn nghĩ đến việc sử dụng điện làm nguồn năng lượng, đã vô cùng phấn khởi, ông khích lệ Ford :
    - Chàng trai trẻ, đó mới là thứ cậu cần ! Cậu đã đi đúng hướng rồi. Tôi tin cậu sẽ làm nên chuyện, hãy tiếp tục theo đuổi dự án này !
    Với sự khích lệ từ chính nhà phát minh nổi tiếng, Henry Ford càng thêm quyết tâm và tiếp tục làm việc không ngừng, cuối cùng đã tạo ra một chiếc xe giúp ông trở nên giàu có.
    Vào ngày 09.12.1914, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi toàn bộ phòng thí nghiệm và nhà máy của Edison. Ở tuổi 67, tổn thất quá lớn để bảo hiểm có thể chi trả hết ! Ngay trước khi đống tro tàn nguội lạnh, Henry Ford đã trao cho Edison một tấm séc trị giá 750000 đô-la, cùng lời nhắn rằng ông sẵn sàng giúp thêm nếu Edison cần.
    Năm 1916, Ford chuyển nhà đến sống cạnh Edison. Khi Edison phải ngồi xe lăn, Ford phải mua cho mình một chiếc xe lăn để cả hai có thể "đua" cùng nhau.

2. Qua lăng kính cuộc đời và Tin Mừng :
    a. Tình bạn cao quý :
    Thiên Chúa ( TC ) tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Một trong những đặc tính chúng ta phản ánh hình ảnh của Chúa là chúng ta có khả năng và nhu cầu thông công với người khác. Với khả năng và nhu cầu thông công, chúng ta cần có bạn.
    Tình bạn thật cao quý. Tìm được một người bạn thật không phải dễ. Chúng ta có thể có nhiều người quen, nhiều người cùng làm việc, trò chuyện với chúng ta, nhưng tìm được một người bạn thật, sẵn sàng nghe ta tâm sự thật là khó. Nhiều người than : "Tôi không có bạn !" Nói như vậy cũng đúng, nhưng lắm khi ta không có bạn chỉ vì chính ta không phải là một người bạn tốt. Có người đã nói : "Muốn có bạn, trước hết mình phải là một người bạn."
    Chính Thomas Edison đã truyền niềm tin và động lực cho Henry Ford, từ đó, một tình bạn sâu sắc và lâu bền được hình thành.
    Bài học là : Đừng bao giờ ghen tị với thành công của người khác. Nếu bạn không thể thắng trong cuộc đua, hãy giúp người dẫn đầu phá kỷ lục. Ngọn nến của bạn sẽ không mất đi ánh sáng khi thắp sáng cho ngọn nến khác. Hãy học cách hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau, vì đó mới là cách để tạo ra thành công bền vững.
    Tình bạn đích thực là một mối quan hệ mà trong đó bạn thông cảm với bằng hữu khi họ khổ đau và động viên họ đừng nản lòng, hãy đứng dậy, "thất bại là mẹ thành công". Và họ, đến lượt mình, cũng làm điều tương tự cho bạn. Thường khi, tình bạn chỉ đơn giản bắt đầu bằng việc mến một ai đó bởi vì họ trải qua nhiều thời gian với bạn. Bạn có thể mến ai đó đã đối xử tử tế với bạn, và với họ bạn có quan hệ tốt và có nhiều cái chung. Trong khi tình bạn có thể bắt đầu một cách tự phát và tự tăng trưởng, thì tình bạn sâu sắc lại được hỗ trợ bởi một tinh thần muốn phát triển và tiến bộ. Giữa bạn và những bằng hữu của bạn cần phải có một cam kết là luôn ở đó để động viên và giúp đỡ nhau, trong khi mỗi người làm việc để tiến về những mục đích của riêng mình trong cuộc đời. Có tham vọng nào đó, như tốt nghiệp một đại học hay làm một đóng góp có ý nghĩa cho xã hội, là điều quan trọng.
    Những ai thiếu một mục đích hay hướng đi rõ ràng, tích cực trong cuộc đời, thì tình bạn của những người đó sẽ không dẫn tới đâu cả, hay đặt nền tảng trên sự lệ thuộc. Trong một số trường hợp, những loại tình bạn này thực sự khuyến khích hành vi độc hại. Trái lại, những tình bạn giữa những người vui vẻ động viên một người khác trong khi phấn đấu thực hiện những ước mơ của riêng mình, là những tình bạn mà sẽ trở nên ngày càng sâu sắc và bền lâu. Tình bạn đích thực thì không để tâm đến địa vị xã hội, hay thứ bậc, đẳng cấp. Bạn chỉ có thể có những người bạn thực thụ khi bạn mở lòng ra, khi bạn chia sẻ với những người khác những gì trong trái tim của bạn. Một kẻ vị kỷ không thể có những người bạn đích thực.
    Mối dây nối kết trái tim một người với một người khác là sự chân thành. Không có gì tuyệt vời hay quý giá hơn những tình bạn đích thực được tạo lập khi còn trẻ. Những người bạn từ cấp 2, cấp 3, thậm chí ở tiểu học, thì giống như những bạn diễn, xuất hiện với bạn trong cùng một vở kịch trên sân khấu cuộc đời. Trong số bạn cũ đó, có những người mà bạn có thể sẽ không bao giờ quên, suốt quãng đời còn lại của bạn. Những tình bạn như thế trôi chảy một cách đẹp đẽ, như một dòng suối mát thuần khiết. Những dòng chảy trong veo và không vẫn đục của hai người hội tụ lại trong sự chân thành, lưu chuyển một cách tích cực về phía những ước mơ của mỗi người. Phấn đấu và phát triển cùng nhau, họ chia sẻ những khó khăn của nhau, luôn động viên và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra một dòng sông của tình bạn, ngày càng rộng hơn, sâu hơn, thanh khiết hơn. Vẻ đẹp và sự trong trẻo của dòng sông này sẽ tạo cảm hứng cho những ai thấy nó muốn uống nước từ nó.
    Tình bạn là của cải đích thực. Đã có nhiều danh ngôn về nó qua các thời đại, như câu nói của Cicero : "Tình bạn thì gần gũi thân thiết hơn mối quan hệ ruột thịt" và "Một cuộc sống không tình bạn giống như một thế giới thiếu mặt trời", và câu nói của Aristotle : "Một người bạn giống như một bản ngã thứ hai". Cho dầu con người ta có giàu sang và danh vọng tới đâu chăng nữa, những ai không có bạn quả thật là cô đơn và buồn bã. Một cuộc sống không tình bạn dẫn đến một hiện hữu mất quân bình và ích kỷ.
    Chúng ta có thể có những người bạn cùng xưởng, cùng nghề, cùng công sở, cùng trường học, cùng giáo xứ; bạn cùng sở thích, bạn đường, bạn đời, bạn tri kỷ .v.v...Dầu là bạn trong môi trường nào, người bạn thật phải là bạn yêu thương nhau và thương yêu nhau lâu bền.
    Thánh Kinh viết rằng : "Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc", nói vậy chẳng khác nào : "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn"( Cn 17,17a ). Tình thương của người bạn thật phải là tình thương vô điều kiện, không phai nhạt theo thời gian, không thay đổi theo hoàn cảnh, không biến thể vì quyền lợi. Dù có gì xảy ra, những người bạn thật không bao giờ hại nhau, ngược lại họ hy sinh cho nhau, bảo vệ nhau, đùm bọc nhau.
Phúc cho ai có những người bạn thương yêu như thế. Dầu có được người bạn như thế trên đời hay không, nên nhớ luôn rằng chúng ta có người bạn yêu thương lý tưởng là Chúa GS. Với tình bạn bền vững thắm thiết của Chúa, chúng ta vững tâm tự nguyện làm những người bạn "thương mến nhau luôn luôn" cho dù trải qua cảnh ngộ nào đi nữa.
    Suy gẫm về tình bạn ở đời đến đây, chúng ta không khỏi nhớ đến tình bạn tuyệt vời Chúa dành cho chúng ta. Không ai có thể phân rẽ chúng ta với Ngài ( Rm 8,35 ). Ngài khỏa lấp tất cả tội lỗi chúng ta ( Tv 85,2 ), và khuyến khích chúng ta dạn dĩ đến với Ngài không kể ngày đêm, sớm tối ( Heb 4,16 ).

    b. Tình bạn của ta với Chúa Giêsu :
    Tình bạn là một trong những điều cao quý nhất trên đời. Chúng ta có nhiều nhu cầu, nhưng tình bạn của ta với Chúa có lẽ là nhu cầu thiết yếu nhất vì chính Ngài ban ơn Cứu độ cho chúng ta. 
    Một cách khách quan để nói : Bạn, phải là người biết tất cả về ta, xấu cũng như tốt, nhưng vẫn yêu ta. Bạn là người ta có thể giải bày tâm sự mà không phải ngại ngùng. Bạn là người có thể ngồi yên lặng với ta hàng giờ mà cả ta lẫn người đều không thấy chán. Theo những tố chất trên, bạn nghĩ mình có người bạn nào đúng với ý nghĩa của chữ "Bạn" chưa ?
    Thật ra, có nhiều bạn không thích bằng có một người bạn thật thân. Chúa Giêsu nói với các Môn đệ của Chúa ngày xưa : "Anh em là bạn hữu của Thầy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,...Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu"( Jn 15,14-15a )- Và Chúa cũng nói với chúng ta hôm nay nữa, rằng Ngài là Người Bạn Thật của chúng ta. Ý nghĩa của tình bạn được ghi rõ trong câu nói của Chúa : ''Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết"( Jn 15,15b ). Tình bạn trong ý nghĩa thâm sâu là biết nhau, hiểu nhau, không che giấu nhau điều gì. Chúa biết ta và ta biết Chúa : "Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa"( Lc 12,4 ). Không có điều gì của chúng ta Chúa lại không biết, nhưng tình thân giữa chúng ta với Chúa thì sao ? Chúng ta có biết Chúa như đáng phải biết không ? Thật ra chúng ta sẽ không bao giờ biết Chúa hoàn toàn cho đến khi chúng ta gặp Ngài, nhưng mỗi ngày chúng ta phải biết Chúa rõ hơn. Nếu chúng ta không biết Chúa thì điều đó có nghĩa là "vô tri bất mộ", nên chúng ta cần phải biết Ngài. Biết Chúa không có nghĩa là biết hết tất cả, biết đầy đủ về Ngài, nhưng là kinh nghiệm tình yêu và sức mạnh của Ngài, Thánh Phaolô nói : "Tôi được biết Ngài, nhất là quyền năng sự sống lại của Ngài và cùng được thông phần đau khổ của Ngài làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài"( Phip 3,10a ).
    Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu ( GS ) là người bạn lý tưởng của các Môn đồ Ngài. Thật vậy, Chúa gọi Lazarô là bạn Ngài ( Jn 11,11 ), và tất cả các Tông đồ là bạn Ngài ( Jn 11,5 ), thương họ đến cùng ( Jn 13,1 ), Ngài cũng khóc với họ ( Jn 11,35 ), Ngài phó sự sống của Ngài vì họ ( Jn 15,13 ).
    Khi tôi tin Chúa Giêsu ( GS ) và phú dâng đời sống tôi cho Ngài, trao thân gởi phận cho Ngài, vâng theo lời Ngài dạy, tôi kinh nghiệm được niềm vui thật như hàng trăm triệu người khắp nơi đã kinh nghiệm khi tin nhận Ngài. Có thể bạn sẽ nói rằng bạn biết nhiều người có đạo và họ sống rất tốt, thì không sao. Nhưng nếu bạn nói rằng bạn biết nhiều người tự nhận mình có đạo mà lại sống rất tệ. Có thể bạn đúng nhưng xin hãy bình tĩnh. Tôi nói : Bất cứ ai có đức tin thật vào Đức GS và sống với Ngài, chứ không nói đến những người đi nhà thờ, Tin Lành hay Công Giáo, những "con chiên ngoan đạo", những tín hữu của giáo hội, giáo xứ...nơi ta đang ở, nơi ta đang công tác. Nếu bạn nhận mình là có đạo nhưng vẫn buồn chán, thì xem như bạn chưa có Chúa GS làm bạn và hoàn toàn chưa làm mới được tương quan giữa bạn với Ngài.
    Muốn chọn Chúa GS làm bạn thì phải biết làm mới tương quan với Chúa hằng ngày. 
    Cũng như bạn, tôi cần tình yêu. Nhưng khi đi tìm tình yêu nơi con người, tôi nhận ra rằng tình yêu con người luôn có điều kiện. 
    Hẳn bạn cũng hiểu, có rất nhiều điều chúng ta không thể làm cho người mình yêu dù chúng ta rất muốn; cũng như nhiều người không thể giúp đỡ chúng ta theo điều họ muốn. Vì trong thế giới mênh mông và phức tạp này, có quá nhiều điều vượt xa tầm tay của con người. Không những tình yêu con người có điều kiện mà còn bị giới hạn. Chúng ta bị giới hạn cả khả năng lẫn hiểu biết trong việc thể hiện tình yêu cách đúng đắn và đúng mức. Có lúc chúng ta tưởng mình giúp đỡ người khác nhưng thật ra lại làm hại họ mà không biết, đến lúc biết ra thì đã muộn. Viết đến đây nhắc mình nhớ thêm một câu chuyện :
    Ngày xưa, có một nhà vua quyết định ra ngoài vi hành để xem xét cuộc sống của người dân trong một ngày đông giá lạnh. Lúc quay về, trước khi tới cổng cung điện, thì nhà vua bỗng nhìn thấy một ông lão ăn mày ngồi co ro trong một góc tối, trên người chỉ là một bộ quần áo mỏng manh và rách rưới, dường như chẳng đủ giữ ấm cho ông ta.
Nhà vua kinh ngạc khi thấy với trang phục sơ sài như vậy mà ông lão ăn mày vẫn có thể sống sót giữa tiết trời đông giá như thế này. Vì thế nhà vua mới hỏi ông lão ăn mày :
     - Ông không cảm thấy lạnh sao ?
    - Thưa bệ hạ, tất nhiên là tôi cảm thấy lạnh. Nhưng là một kẻ ăn mày nghèo khổ, tôi có thể làm gì được chứ ? Tôi cũng muốn có được những bộ quần áo ấm áp để không phải chịu cái lạnh cắt da cắt thịt. Song đó chỉ là mơ ước mà thôi. Nhiều năm đói khổ đã giúp tôi rèn luyện sự chịu đựng, giúp tôi quen với cái lạnh, không còn cảm thấy đáng sợ nữa và có thể chung sống với nó hàng ngày.
    Nghe được những lời nói này, nhà vua rất cảm động và thương xót ông ta, bèn bảo :
    - Đừng lo, chốc nữa ta sẽ sai người hầu mang quần áo ấm đến cho ngươi, ngươi sẽ không còn phải chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt này nữa.
    Ông lão ăn mày cảm thấy vô cùng vui mừng, miệng không ngớt lời cảm ơn sự hào phóng và tử tế của nhà vua.
    Tuy nhiên, sau khi vào bên trong cung điện, vì bận giải quyết công việc, nhà vua đã quên mất lời hứa của mình với một ông lão ăn mày, rồi nhà vua mệt quá mà ngủ thiếp đi, đến sáng mới giật mình chợt nhớ ra câu chuyện, liền vội vàng phái lính canh đem áo ấm cho ông lão.
    Thế nhưng, khi lính canh đem áo ấm ra cho ông lão ăn mày, họ phát hiện ông ta đã chết, cái thi thể không còn chút hơi ấm nào. Có lẽ đêm qua, ông lão đã quá lạnh ! Điều khiến họ bất ngờ nhất là một lá thư ông lão để bên cạnh, với nội dung :
    - "Bệ hạ muôn năm ! Bao lâu nay, chỉ với bộ quần áo mỏng manh này, tôi vẫn có thể sống sót, nhưng chính lời hứa của bệ hạ vào tối qua đã khiến tôi không thể vượt qua cái lạnh".
    Con người chúng ta bị giới hạn trong không gian và thời gian, vì thế tình yêu con người cũng giới hạn.
    Nhưng Chúa GS yêu chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn khác. Ngài thương chúng ta dù chúng ta là ai, dù tôi và bạn đã làm gì Ngài vẫn yêu. Thánh Kinh cho biết : "Không có tình yêu nào bằng tình yêu hiến mạng sống mình cho người mình yêu". Sách mới dịch : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình"( Jn 15,13 ) -  Thiên Chúa ( TC ) biểu lộ tình yêu khi sai Con Ngài là Chúa GS xuống trần chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. Cho dù chúng ta chỉ là kẻ tội lỗi, làm nhiều điều xấu xa; đã thế, chúng ta còn vô ơn khi sống giữa thế giới do TC tạo dựng. Ngài vẫn yêu chúng ta đến nỗi đã bằng lòng chết thay cho chúng ta là những tội nhân đáng chết. Để cắt bỏ tội lỗi đang ngăn cách chúng ta với TC là Đấng Thánh, để chúng ta có thể hòa thuận, đến gần với Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài ban cho chúng ta sự sống của Ngài. Ngài là TC, Đấng quyền năng, khôn ngoan nên không bị giới hạn khi bày tỏ tình yêu Ngài cho tôi, cho bạn. Ngài có quyền giải cứu chúng ta khỏi những bất lực của chính mình. Ngài đổi thay con người xấu xa trong tôi để tôi trở nên người mới. Nhờ sự chết chuộc tội của Chúa GS mà số phận đời tôi đã thay đổi. Khi tôi chết, từ giã cõi đời này, tôi sẽ về với TC, sống với Ngài là Cha yêu thương tôi.
    Thật khó diễn đạt bằng ngôn từ những kinh nghiệm trong tình yêu. Nếu bạn tiếp nhận tình yêu không điều kiện và đầy quyền năng của Chúa dành cho bạn, bạn cũng sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Ngài. Không có hoàn cảnh hay quyền lực nào có thể phân cách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài, như lời Ngài đã phán hứa.
    Đến với Chúa GS, tôi còn kinh nghiệm được tình yêu của Ngài qua những người đang sống và tin Ngài như tôi. Tôi được là thành viên của một đại gia đình gồm những người tin nơi Chúa, không phân biệt chủng tộc, màu da, văn hóa, giai cấp xã hội...
    Giữa TC và con người, khoảng cách vô tận đã lấp đầy bằng tình yêu và tiến tới đỉnh cao là tình bạn. Đức Thánh Cha Phanxico đã xác tín : "Căn tính của chúng ta - Tình bạn với Chúa GS" ( Bài giảng trong Thánh Lễ tại Santa Marta, theo Vatican Media ngày 15.5.2018 ). Đức GH nói rằng : "Chúng ta đã lãnh nhận quà tặng tình bạn này với Chúa là số phận của chúng ta, và ơn gọi của chúng ta là sống với Người như những người bạn".
     Linh mục Nhạc sĩ Tiến Lộc có một đoạn viết trong một ca khúc của Ngài như sau :
            "Giêsu Kitô, con người tuyệt diệu
            Giêsu Kitô, người anh dấu yêu
            Giêsu Kitô, tương lai với Ngài
            Vinh quang cho Ngài, Giêsu Kitô ".
Chừng đó thôi cũng đủ biết được sự gần gũi, yêu mến và mật thiết là như thế nào !  
    Tôi hưởng được niềm vui vì có cơ sở để tin chắc rằng tôi luôn được Chúa yêu thương, được Chúa đồng hành, được Chúa làm bạn.

3. Tâm tình cầu nguyện :
    Cám ơn Chúa là Người Bạn Thật của con. Xin giúp con biết Chúa rõ ràng hơn mỗi ngày để xứng đáng với tình bạn Chúa dành cho con.
    Lạy Chúa GS, con cảm tạ Chúa vì tình bạn cao quý Chúa dành cho con, xin cho con biết trao thân gởi phận cho Chúa. Xin Ngài cho con tình yêu không dời đổi để con làm người bạn thật với những người liên hệ trong cuộc đời con để họ cũng biết trao thân gởi phận cho Chúa.
    Cảm tạ Chúa cho con làm bạn của Ngài, và Ngài giúp đỡ con luôn. Xin Chúa giúp con cũng biết giúp đỡ những người bạn của con như Henry Ford giúp Thomas Edison. Xin ban cho con khả năng giữ tình bạn lâu dài, xin giúp con có đủ những tính tốt để trở nên người bạn tốt.

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Ghi nhớ buổi gặp Cha Nguyễn Như Bích và tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn bà cố Maria Madalena - Lễ Giỗ.