CÂU CHUYỆN 1 :
Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, đứa con trai 4 tuổi của anh ta nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe. Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết.
Tại bệnh viên, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Khi đứa trẻ thấy bố nó... Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi : "Bố ơi, các ngón tay con đâu rồi ?"
Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên xe, đá vào chiếc xe nhiều lần.
Suy sụp bởi hành động vô ý thức của mình..., ngồi trước chiếc xe hơi, anh ta nhìn vào vết xước trên hông xe...thằng bé đã viết : "Con yêu Bố, Bố ơi !"
Về sau, anh ta vô cùng hối hận và trở nên như một kẻ khù khờ... Sự hối hận cũng đã quá muộn màng !
Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, tính nóng nảy không kiềm chế được thường gây nên bất lợi. Hãy chọn YÊU THƯƠNG để có một cuộc sống xinh tươi và tốt đẹp.
Đồ vật được sản xuất để SỬ DỤNG và con người được thọ tạo để YÊU THƯƠNG... Vấn nạn một phần thế giới hôm nay lại là : Con người bị SỬ DỤNG, còn đồ vật thì được YÊU THƯƠNG ! Trong cuộc sống, có người vẫn coi trọng giá trị vật chất hơn coi trọng tính mạng con người. Đó là một trong những nguyên nhân bi kịch thường xảy ra.
CÂU CHUYỆN 2 :
Trên một đoàn tàu, có cô nhân viên soát vé xinh đẹp. Cô đang làm nhiệm vụ, bỗng dừng lại trước một người đàn ông lớn tuổi có khuôn mặt hốc hác, dáng dấp gầy gò như một kẻ làm thuê. Cô nói cộc lốc : "Soát vé ?" Người đàn ông lục trong người từ trên áo xuống quần, rốt cuộc cũng tìm thấy tấm vé, ông vẫn giữ trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn xong rồi trách móc : "Đây là vé trẻ em !" Người đàn ông e thẹn, nhưng vẫn nhỏ nhẹ đáp :
- Vé trẻ em không phải ngang vé người tàn tật sao ? Vẫn 1/2 giá mà !
Cô soát vé nhìn người đàn ông một lúc rồi hỏi :
- Anh là người tàn tật à ?
- Đúng vậy.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng :
- Khi mua vé, cô bán vé cũng yêu cầu tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, nhưng tôi không có nên đành mua vé trẻ em.
- Không có giấy chứng nhận sao anh là người tàn tật được ?
Ông im lặng vén quần lên và nói :
- Chân tôi chỉ còn một nửa, tôi không có tờ khai gia đình của địa phương, họ không cấp sổ chứng nhận cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc cho tư nhân ở công trường, khi tôi bị nạn thì người chủ chạy mất, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định.
Trưởng tàu lúc đó đi qua và hỏi sự việc thì người đàn ông cũng trình bày như lúc đầu. Trưởng tàu lại hỏi :
- Giấy chứng nhận của anh đâu ?
- Tôi không có giấy chứng nhận, nhưng ông hãy xem chân tôi đây.
Vừa nói ông vừa vén quần lên. Trưởng tàu thậm chí không thèm nhìn và nói :
- Chỉ có giấy chứng nhận tàn tật mới hợp lệ, chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận chứ không xem người.
Người đàn ông lại trình bày :
- Do bị tai nạn khi làm ở công trường, tiền không có đến nỗi vé đi xe cũng người khác giúp, mong ông chiếu cố giúp tôi.
Trưởng tàu cương quyết không chịu và buộc ông ta phải lên toa đầu xe lửa xúc than để trừ vé, theo đề nghị của cô soát vé.
Một ông lão đứng phắt dậy nhìn chằm chằm vào Trưởng tàu và hỏi :
- Ông có phải đàn ông không ?
- Ồ trông tôi thế này mà không phải đàn ông à ?
- Vậy nếu đàn ông thì hãy đưa giấy chứng nhận cho tôi xem ?
Tất cả hành khách đều cười to lên. Ông lão nói tiếp :
- Tôi muốn xem giấy chứng thực như ông hỏi người đàn ông kia, chứ không xem người.
Lúc này cô soát vé lên tiếng :
- Vâỵ tôi không phải đàn ông, có gì hãy nói với tôi nè ?
Ông lão nhìn cô một lúc rồi nói :
- Cô có phải là người không ?
Cô soát vé mặt đỏ bừng lên trả lời :
- Ông nói chuyện cẩn thận nhé, tôi không là người thì là gì ?
- Tôi nghĩ cô không phải là người, nếu là người thì cô hãy đưa cho tôi xem giấy chứng nhận làm người đi ?
Hành khách lại phá ra cười, nhưng chỉ có người đàn ông tàn tật kia thì không, ông nhìn ra bên ngoài với đôi mắt ngấn lệ.
Cuộc sống vội vã ngày nay đã khiến con người tự ép mình vào khuôn khổ những nguyên tắc của công việc, nhưng lại quên đi nguyên tắc của tình người. Tình yêu thương giữa người với người thì chẳng cần nguyên tắc nào cả. Chỉ có người tàn tật kia không cười vì ông ta cảm thấy những người làm việc trên ga tàu thiếu tấm lòng bao dung cho những hoàn cảnh khuyết tật, họ đã chịu thiệt thòi mà đáng ra phải được trân trọng. ( Theo PETRUS ).
CÂU CHUYỆN 3 :
Vào một buổi chiều mùa thu dịu nhẹ, dưới bóng cây ô-liu già, Platon ngồi giữa những học trò của mình, đôi mắt ông vẫn trầm ngâm như đang nhìn thấy điều gì đó xa xăm. Một chàng trai trẻ lòng đầy khát khao và tham vọng, tiến đến gần và hỏi :
- Thưa thầy, con muốn trở thành người mạnh mẽ nhất, làm sao để con có thể chiến thắng tất cả ?
Platon khẽ mỉm cười, đôi mắt hiền từ nhưng sắc bén. Ông nhìn thẳng vào cậu học trò, rồi nhẹ nhàng hỏi lại :
- Con muốn chiến thắng tất cả, nhưng con đã bao giờ nghỉ đến việc chiến thắng chính mình chưa ?
Chàng trai sững người lại, ngỡ ngàng :
- Chiến thắng chính mình ? Điều đó quan trọng đến thế sao, thưa thầy ?
Platon gật đầu, giọng ông chậm rãi nhưng đầy sức nặng :
- Cuộc chiến bên ngoài có thể mang lại vinh quang, nhưng đó chỉ là phù du. Con người mạnh mẽ thật sự không phải là kẻ chiến thắng người khác, mà là người kiểm soát được chính mình - những sợ hãi, ham muốn, và cả sự yếu đuối bên trong. Chiến thắng bản thân, đó mới là chiến thắng vĩ đại nhất.
Những lời nói ấy như một ngọn lửa âm ỉ, nhẹ nhàng nhưng bùng cháy trong lòng chàng trai. Cậu nhận ra rằng, chiến thắng bên ngoài có thể đến rồi đi, nhưng chiến thắng chính mình sẽ tồn tại mãi mãi. Cậu không còn tìm kiếm quyền lực hay vinh quang nữa, mà bắt đầu hành trình đối mặt với chính con người thật của mình.
Từ giây phút đó, cuộc đời cậu thay đổi. Và cậu hiểu rằng, chiến thắng lớn nhất không phải là những gì người khác nhìn thấy, mà là những gì mình cảm nhận từ sâu thẳm trong lòng. ( CdL )
CÂU CHUYỆN 4 :
Dân gian kể rằng : Có một người đàn ông nọ bị quỷ hiện lên chặn đường. Qủy bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây : Một là uống rượu thật say, hai là đốt nhà của mình, ba là giết chết vợ mình. Qúa hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say, vì anh ta cho đó là việc làm ít nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đề ra.
Câu chuyện cho thấy : Người đàn ông tưởng mình khôn ngoan, chọn con đường ít thiệt hại cho người khác nhất, nhưng kết cuộc thì anh cũng không thoát khỏi mưu ma chước quỷ. Ma quỷ hay thế lực sự dữ có rất nhiều mưu mô xảo kế. Khi cám dỗ người nào, chúng vận dụng hết mọi thủ đoạn để hạ gục người đó.
CÂU CHUYỆN 5 :
Một ngày nọ, có một người đàn ông tên là Walter Salles vào thành phố làm việc, ông đi ngang một cậu bé đánh giày khoảng mười mấy tuổi ở quảng trường nhà ga xe lửa, cậu bé đánh giày hỏi ông :
- Thưa ông, ông có cần đánh giày không ạ ?
Walter cúi đầu nhìn đôi giày chưa quá bẩn của mình, ông lắc đầu từ chối. Khi Walter chuẩn bị đổi tàu thì cậu bé lúng túng, ngượng ngùng, đôi mắt ánh lên sự cầu xin :
- Thưa ông, cả ngaỳ nay cháu chưa ăn gì, xin ông có thể cho cháu vay một chút tiền được không ạ ? Cháu sẽ cố gắng đánh giày, một tuần sau cháu trả lại tiền cho ông !
Walter nhìn cậu bé trước mặt mặc bộ quần áo rách rưới, người gầy gò, thế là ông móc túi đưa cho cậu bé vài đồng xu. Cậu bé vô cùng cảm kích nói lời cảm ơn ông rồi chạy đi như bay. Lúc đó, Walter nghĩ thầm : "Lại là một thằng nhóc lừa đảo..." rồi ông đã quên bẵng đi.
Cho đến vài tuần sau, Walter đi ngang qua trạm xe lửa, đột nhiên ông nghe thấy giọng nói từ xa vọng lại :
- Thưa ông, xin ông đợi một lát !
Khi đó, ông nhìn thấy một cậu bé chạy đến đưa cho ông mấy đồng xu, lúc này Walter mới nhận ra cậu bé chính là đứa bé đánh giày đã mượn ông tiền. Cậu bé vừa thở hổn hển vừa nói :
- Cháu đã đợi ông ở đây rất lâu rồi, rốt cuộc hôm nay cũng đã trả được tiền cho ông.
Walter cầm trong tay những đồng xu còn ướt đẫm mồ hôi của cậu bé, đột nhiên ông cảm thấy đứa trẻ này thật đặc biệt. Thế nên ông có một suy nghĩ, ông thấy cậu bé này rất phù hợp với hình tượng nam chính trong kịch bản mới của mình.
Hóa ra Walter là một đạo diễn và khi đó ông đang chuẩn bị phần tiền kỳ cho bộ phim, ông đã quan sát các sinh viên của trường diễn xuất không dưới một trăm lần, nhưng đều không vừa ý.
Giờ đây, ông nhận ra cậu bé có thể là nam chính trong bộ phim của ông. Ông lấy vài đồng xu ra và nói với cậu bé rằng :
- Số tiền này là chính tôi muốn cho cháu, không cần trả lại. Ngày mai cháu hãy đến văn phòng đạo diễn ở công ty điện ảnh trong thành phố tìm tôi, tôi sẽ cho cháu một niềm vui bất ngờ lớn hơn.
Nói xong, Walter rời đi, trong lòng cảm thấy rất ấm áp và bắt đầu hy vọng vào cậu bé.
Hôm sau, bảo vệ công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một nhóm trẻ con mặc quần áo rách rưới đến. Walter vô cùng ngạc nhiên, ông đi ra cửa thì thấy cậu bé ngày hôm qua chạy đến, vui vẻ nói :
- Thưa ông, họ đều là những trẻ mồ côi lưu lạc không có cha mẹ giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ !
Walter không thể nào ngờ được một cậu bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Sau khi quan sát, ông nhận ra quả thật là có vài đứa trẻ khác trong số đó phù hợp với vai nam chính trong kịch bản của ông hơn. Dù vậy, cuối cùng Walter đã quyết định chọn cậu bé đánh giày này và ông viết trong hợp đồng lý do mà ông chọn cậu bé là : "Sự lương thiện không cần qua sát hạch ".
Vài năm sau, Vinicius de Oliveira cũng mở một công ty điện ảnh và làm chủ tịch, anh còn viết một quyển tự truyện có tên là "Cuộc đời diễn viên của tôi".
Trên trang bìa trong của quyển sách có dòng chữ viết tay của ông Walter : "Sự lương thiện không qua sát hạch". Và đánh giá của ông về Vinicius de Oliveira : "Vì lòng lương thiện, cậu từng đem cơ hội nhường cho người khác; cũng vì sự lương thiện ấy, cơ hội trong cuộc đời chưa từng bỏ qua cậu". Đạo diễn Walter Salles.
CÂU CHUYỆN 6 :
Một người đàn ông đã có gia đình, nhưng anh lại cứ ham làm giàu và bỏ bê vợ con. Vợ anh ta cứ khuyên, anh hãy làm ít lại và dành thời gian cho gia đình đi, thế nhưng anh ta không chịu. Rồi một ngày khi anh ta đã có đủ tiền để hưởng thụ. Anh ta liền dắt gia đình đi du lịch ở xa, sau một chuyến bay dài, họ vào tới khách sạn để nghỉ ngơi. Anh ta nói với các con : Sáng mai chúng ta sẽ dậy sớm và đi chơi khắp nơi nhé. Nghe vậy, vợ con anh ta háo hức. Nhưng rồi, anh ta chết trong đêm đó.
Một câu chuyện khác cũng không kém phần bi thương : Tôi có một cô bạn làm nghề nail. Cô này cũng bỏ bê gia đình và ham kiếm tiền cho thật nhiều. Khi tôi hỏi : Sao bạn không lo tận hưởng cuộc sống ? Cô ta trả lời : Tôi cố gắng làm thêm ít năm nữa để kiếm vài trăm nghìn đô la, sau đó tha hồ hưởng thụ. Nhưng rồi, một năm sau. Cô ta bị ung thư, và bao nhiêu tiền cô dành dụm đã phải mang ra lo cho việc chữa bệnh... Rồi cô ta cũng chết.
Các bạn thân mến ! Các bạn thấy chưa, tại sao các bạn không thể sống vui từng ngày, mà cứ phải tham lam ?
Cách sống vui từng ngày có nghĩa là :
- Vui với gia đình từng ngày cùng những gì mình đang có, đừng đợi phải đầy đủ.
- Nếu bạn còn độc thân, hãy tận hưởng cuộc sống từng ngày, và đừng cứ vùi đầu vào công việc rồi quên đi bản thân.
Bởi vì, cuộc sống sẽ không như bạn nghĩ. Sẽ luôn có những điều bất ngờ mà không ai biết trước được.
Nếu chúng ta không phớt lờ, không xem thường, thì Lời Chúa rõ ràng và thẳng thắn sẽ đánh động chúng ta :
-"Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì cho dẫu ai có giàu có dư giả, thì mạng sống của người ấy cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" ( Lc 12,15 ).
- "Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn sẽ về tay ai ? Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó" ( Lc 12,20-21 ).
Vì vậy, đừng chủ quan mà cứ nghĩ rằng : Những ngày tháng phía trước sẽ rất huy hoàng sau khi tôi đã có tất cả.
Vua Tự Đức từng nói :
"Khôn dại cùng nhau ba tấc đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê !"
Sách Thánh vịnh cũng đã viết :
"Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết
Đứa cơ bần dại dột cũng tiêu vong
Và của cải đều sang tay kẻ khác"( Tv 48,17-18 ).
Hãy sống trọn vẹn từng ngày bạn nhé. Vì có thể sau đêm nay, bạn sẽ không có ngày mai đâu ! Phù hoa, phù hoa... Mọi sự đều phù hoa, chỉ có thờ phượng Thiên Chúa là không phù hoa.
CÂU CHUYỆN 7 :
Người phụ nữ hỏi một ông lão :
- Ông bán số trứng này giá bao nhiêu ?
Ông lão bán trứng trả lời :
- 3000đ một quả, thưa bà.
- 6 quả 12000đ, không bán tôi mua chỗ khác.
- Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ tôi vẫn chưa bán được quả nào.
Người phụ nữ lấy những quả trứng và rời đi, lòng thầm đắc thắng.
Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích. Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000đ, bà trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.
Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với ông lão nghèo khổ bán trứng gà kia.
Vấn đề mấu chốt ở đây là : Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó ? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta ?
Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông còn trả thêm tiền cho họ. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy ? Bố tôi bèn nói : "Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ !"
CÂU CHUYỆN 8 :
Một ngày nọ, có anh chàng tự nhiên mở Facebook người yêu cũ ra để chúc mừng sinh nhật, chỉ lúc sau thấy cô ấy inbox hỏi anh ta có dám đi dự tiệc sinh nhật của cô ấy không. Anh chàng lưỡng lự, đi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, mà không đi thì hèn quá. Cuối cùng, anh ta quyết định đi dự tiệc.
Tới bữa tiệc, cô ấy kéo anh ta ra góc riêng thì thào :
- Lát anh cứ mừng sinh nhật em 5 triệu nhé. Cứ cho em oai với đám bạn, xong sau đó em lén trả anh luôn.
Anh chàng đơ ra 5 giây rồi miễn cưỡng đồng ý.
Tặng 5 triệu xong, ăn tiệc mất cả ngon vì chờ mãi chẳng thấy cô ta lén trả tiền. Cuối tiệc, cô ta liến thoắng chia tay bạn bè rồi leo taxi đi mất. Gọi điện thoại không nghe, nhắn tin không trả lời. Lát sau thì ò..í..e...thuê bao không liên lạc được. Anh ta hỏi dò mãi mới biết bây giờ cô ta trọ bên mạn Cổ Nhuế. Anh chàng phi sang nhà trọ, bà chủ dãy trọ không cho vào, gặng hỏi anh ta là ai. Bí quá, anh chàng nói đại anh ta là chồng của cô ấy. Vừa dứt lời, bà chủ trọ túm chặt anh ta đòi nợ 6 tháng tiền nhà của cô ấy. Không trả không xong với bà chủ trọ mồm mép lu loa, vì trót nhỡ dối là chồng nên phải trả. Mất mẹ nó thêm 6 triệu nữa !
Thất thểu trở về, không dám hé răng với ai nửa lời, ngậm đắng nuốt cay cả tháng trời mới nguôi ngoai được cơn đau tình ái lần đó.
CÂU CHUYỆN 9 :
Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình. Mỗi ngày chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ. Một hôm, chuột tìm đến gà mái xin một lời khuyên bổ ích, nhưng gà mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì. Chuột lại tìm đến lợn, lợn dửng dưng. Chuột đem chuyện nói với bò, bò tức giận và đòi đuổi chuột đi chỗ khác. Chuột rất hoang mang vì lo lắng tính mạng của mình nên sức khỏe giảm sút.
Nghe được tin này thì rắn mừng thầm, vì rắn vốn thích ăn thịt chuột, rắn lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao. Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hóa ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi một con rắn. Rắn rất tức giận và cắn vào chân bà chủ nhà.
Người vợ sau khi bị rắn cắn sức khỏe giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con gà mái để tẩm bổ cho vợ. Nhưng bệnh tình của bà cũng không khá mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết lợn để thết đãi khách, xem như một lời cảm tạ. Cuối cùng, người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khác phải bán con bò để an táng cho vợ. Thế là cả bò, lợn và gà mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột.
Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến gà, lợn, bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu gà, lợn, bò giúp đỡ chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đó chính là cái giá phải trả cho sự vô tâm, thờ ơ của chúng. Sống trong một tập thể, chúng ta phải biết quan tâm lẫn nhau, đừng nên có tư tưởng rằng việc đó không liên quan đến mình nên kệ, bởi cuối cùng mình sẽ gặp hậu quả giống như gà, lợn, bò mà thôi.