Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Một E-mau chớm nở

( Viết về làng quê tôi )

Chúa Giêsu “Công bố năm Hồng ân” (x Lc 4, 17 ) khi Ngài bước chân vào Hội đường Nazaret . Thế nhưng, Ngài gặp đối kháng, Hống ân cho Ngài chính là sự hiểm nguy : Đám đông xua đuổi Chúa Giêsu ra khỏi Hội đường và họ còn muốn xô Ngài rớt xuống vực thẳm (x Lc 4, 29 ).

Tôi thấm thía với Lời Chúa : “Các Đấng tiên tri thường bị người nhà mình và người quê hương mình ghét bỏ”( Mt 13, 57 ). “ Con cái thế gian trong sự thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng”( x Lc 16,8 ). Qua bao năm tháng ở quê nhà, khi tôi còn chập chững bước đi, tuổi thơ tôi gắn liền với nhiều kỷ niệm dấu yêu. Người dân ở đây quê mùa, mộc mạc, họ bị ảnh hưởng bởi các phong tục tập quán lâu đời, họ không nhìn thấy được ánh sáng Tin Mừng của Đức Kytô cũng bởi những phong tục tập quán nặng nề ấy. Và tôi thấy, hình như cũng chính vì thế mà họ trở nên nghèo khổ, lạc hậu (x Jn 3,36 ).

Tội nghiệp cho dân ngoại quê mình
Sống trong mù tối của màn đêm
Biết bao phong tục đang đè nặng,
Sợ  hải   luôn  luôn   cứ   rập  rình...

Tôi muốn đem ánh sáng Tin Mừng đến cho họ, điều này không phải dễ !
Lâu tôi mới về quê một lần. Ở đây có nhiều người quý mến thân thiện, những bạn bè cùng học với tôi thời phổ thông trung học, những cụ ông cụ bà họ biết tôi từ hồi còn nhỏ. Tuy nhiên, điều tôi gặp phải vẫn là sự chống đối. Cha Sở có lời khuyên bảo : “Con hãy mạnh dạn đến với họ.” Sự chống đối thường đến ngay trong chính những người thân ruột thịt với tôi. Khi ba tôi qua đời, các cô chú, cậu dì,…họ là những người muốn gây khó khăn cho mẹ con tôi. Tâm tư tôi có nhiều băn khoăn, đau xót vì phải sống xa nhà, xa mẹ, để mẹ một mình nuôi đứa em út bệnh tật lại còn phải chịu đựng những búa rìu dư luận. Thằng em kế tôi thì quá tệ, nó bỏ nhà để xây riêng mái ấm, mẹ tôi phải sống hẩm hiu đơn chiếc một mình. Tôi tìm mọi cách để an ủi mẹ tôi…

Tin Mừng Chúa đến với làng quê này, hiện nay chưa tới 200 gia đình được tiếp nhận. Tôi có cảm tưởng : Khi trở về làng, bước chân mình như đi vào giữa một khu rừng hoang vu, làng quê với nhiều cây cối um tùm mọc chen chúc nhau và những con đường quanh co khúc khuỷu.
Làng quê tôi,với vẻ đẹp nên thơ không những chỉ “dòng sông gắn con đò bến nước, trai gái làng thường tắm dưới đêm trăng”(thơNguyễnCông Toản), mà còn có biết bao thắng cảnh khác :

“Làng tôi có núi có thông,
Có sông nước chảy vòng quanh
Có đồi sim chín, có gành đá cao
Có khe, có hoái, có bàu
Có hồ sen nở hương ngào ngạt đưa
Có bãi cát trồng dưa,
Cây đa bến cũ đò xưa vẫn còn
….
Có nơi săn thỏ bắn chim,
Có chốn đãi nguyệt để nhìn trăng lên…”

Một nơi “chôn nhau cắt rốn” như thế, làm sao mà tôi không có những tình cảm riêng gắn bó dành cho vùng đất ấy được !

Tôi vẫn thích tiếng chuông Thánh đường thanh thót ngân lên vào lúc chiều tà, nắng vàng rải nhẹ lên các lùm cây, và dọc các con đường từng đàn trâu đủng đỉnh bước về, mùa trái chín bên trong các khu vườn có tiếng chim bìm bịp và tiếng chào mào hót líu lo.

Tôi đã hình dung làng quê tôi như một E-mau xưa, nơi mà chính Chúa Giêsu đã dừng chân và ghé dùng bửa với hai khách bộ hành ( x Lc 24, 28-32 )

Tôi tha thiết với làng quê, nơi có nhiều kỷ niệm. Những đối kháng là lẽ thường, Thánh giá Chúa gởi tới là Hồng ân. Biết đâu, một ngày nào đó làng quê tôi lại có những chuyển biến, những bà con họ hàng ruột thịt của tôi tiếp nhận Tin Mừng và sự đối kháng sẽ không còn nữa. Cuộc sống sẽ trở nên đổi khác, văn minh hơn, tươi sáng hơn, lòng người quãng đại hơn.

Ai người trong cuộc mới hiểu. Bây giờ tôi hiểu rõ hơn khi Chúa Giêsu giơ tay chỉ các môn đồ mình mà phán rằng : “Này là mẹ Ta cùng anh em Ta. Hễ ai làm theo ý muốn Cha Ta trên trời thì người đó là mẹ Ta, cùng là anh chị em của Ta vậy” ( Mt 12,49-50 ). Lời Chúa hoàn toàn gắn liền với cuộc sống con người. Qua kinh nghiệm thực tế rồi con người ta cảm nhận và sự thật không còn mang tính giáo điều nữa. Câu nói của Chúa Giêsu có một ý nghĩa bao quát : những người theo Chúa là mẹ, là anh chị em với nhau - Khi mọi người chung quanh đều đối kháng, thì bản thân người trong cuộc dễ đọc ra được ý nghĩa này.

Tôi về thăm mộ ba tôi trên một ngọn đồi, vào một ngày thu nắng vàng óng ả. Tôi quỳ gối cầu nguyện. Tôi biết nơi đây rất cần để tôi cầu nguyện. Lúc còn sống ba tôi hết lòng yêu mến Chúa. Nơi đây chôn xác người, tôi phải nhỏ lệ, chắc Chúa cũng động lòng. Những giọt lệ tự nhiên của tôi làm cho tôi vơi bớt nỗi buồn và lòng tôi được an ủi hơn, nhẹ nhõm hơn.

Tôi nhớ về những vùng biển xưa kia các Tông đồ ra khơi đánh cá, và chính họ được gặp Chúa Giêsu ( x Mt 14,24-33 ; Mc 6,47-52 ; Lc 5,1-11 ; Jn 6,16-21 ; 1-24 )
Trước khi “ Good bye!” các môn đệ trên ngọn đồi Béthania, huấn lệnh cuối cùng Chúa Giêsu truyền cho các ông là : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”( x  Mt 28,19 ; Mc 16, 15-16 )
Tôi hy vọng rằng, Chúa sẽ làm phép lạ để cho làng quê tôi được sinh hoa kết trái, nẩy nở thêm nhiều hạt giống Tin Mừng.

Dẫu sao, làng quê tôi cũng là một E-mau chớm nở.


JB.SĨ TRỌNG.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét